Phạm
Thành Châu là một cây bút viết truyện ngắn tài năng. Trong 30 năm qua, ông đã
viết gần 200 truyện ngắn và được in thành 7 cuốn sách.Truyện BÃO TUYẾT Ở
VIRGINIA chúng tôi đăng ngày hôm qua, 1/6/2022 là một trong những truyện hay nhất của ông. Hôm nay, chúng tôi đăng
bài viết PHẠM THÀNH CHÂU, DƯỚI CỘI HOA TRÀ của Nguyễn Minh Nữu (trích từ cuốn ĐẤT
NHỚ NGƯỜI THƯƠNG, NXB Nhân Ảnh, California, 2022) để quí thân hữu và độc giả biết
một số nét khái quát về con người và tác phẩm Phạm Thành Châu. PCH.
Phạm
Thành Châu có hai sở thích đặc biệt đó là viết truyện và chăm hoa. Trước nhà
của ông có một khoảng sân rộng, ông xây một ao thả cá, có cây cầu nhỏ, sơn mầu đỏ bắc qua, chung quanh trông rất
nhiều các loại hoa, hầu như hoa bốn mùa, mỗi mùa có một loại ra hoa tạo hương
sắc ngát thơm và thích mắt. Mùa Xuân, ông rủ mời hết người này tới người khác
tới chơi ngắm hoa, ai tới, ông lăng xăng giới thiệu các loại hoa, các góc nhìn
đẹp, rồi chạy vào nhà lấy máy chụp hình ra chỉ góc đứng ăn ảnh, bấm ảnh, xong
lại vào nhà mở máy in ra tấm hình, bỏ vào khuôn hình đem ra tặng. Khách nào
cũng vui mà không hiểu rõ ông yêu quý mình chụp hình lưu niệm trao tặng,
hay ông trân quý những loại hoa mình trồng, muốn ghi dấu lại với khách để
nhớ về hoa.
Trong
khu vườn đó, tôi đến nhiều lần, và đặc biệt trân quý những cây hoa trà. Ông có khoảng bốn cây, tất cả đều cao to, cây
lớn nhất có lẽ trên sáu thước tây, vượt khỏi mái nhà, còn ngoài ra các cây còn
lại cũng tròm trèm ba bốn thước. Bốn cây bốn mầu đỏ, trắng, cam và hồng. Cây
mầu hồng cao lớn nhất, khi vào mùa, hoa nở từng chùm, mỗi bông hoa to bằng nửa
bàn tay, mà một chùm hàng chục bông, nở trĩu cây và hồng cả một khoảng trời.
Ông gọi đó là hoa trà, hình dáng bông hoa giống như hoa hồng, nhiều cánh xếp
lớp quanh nhau duyên dáng, nhưng không thơm như hoa hồng. Có lẽ vì cuống mỏng
manh mà hoa nở từng chùm nặng trĩu, cho
nên khi mùa hoa nở, các cành hoa trà rủ xuống, lả lơi trước gió. Hoa trà còn
gọi là hải đường, mà Nguyễn Du đã tả : Hải đường lả ngọn đông lân.
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. (“Truyện Kiều” 175 – 176). Theo
tác giả Huỳnh Chương Hưng sưu tầm ghi lại : “Hoa hải đường 海棠 là
một
trong những loài
hoa thưởng ngoạn
truyền thống
có
lịch
sử
lâu
đời
ở
Trung Quốc. Từ
thời Tiên
Tần,
Lưỡng
Hán
cho tới thời
Đường,
Tống,
Nguyên, Minh, Thanh, trải
các
đời các triều, hoa hải đường có địa vị quan trọng. Hoa vốn được xưng tụng là
“quốc diễm” 国艳,
lại
có
mĩ
xưng
là
“bách
hoa chi tôn”
百花之尊, “hoa
trung thần tiên”
花中神仙, “hoa
chi quý phi”
花之贵妃, mọi
người ví
hoa với mĩ
nhân giai lệ,
ngày xuân
tươi
đẹp,
vạn
sự
cát
tường. Do đó, văn nhân thi sĩ, thư pháp gia, hoạ gia thường lấy hoa hải đường
làm đề tài sáng tác.”
Tôi không biết chắc những sưu tầm kia chính xác thế nào, nhưng do ở gần nhà nhau, và chơi thân với nhau, mỗi lần ghé qua thì bao giờ cũng gặp Phạm Thành Châu tong hai tư thế, một là áo quần lam lũ đang lúi húi nhổ cỏ, bón phân, chăm lo cây cỏ, hai là ngồi đăm đăm nhìn xa xôi trên cái ghế bành dưới côi hoa trà. trầm tư và suy nghĩ nhiều điều.
Phạm
Thành Châu sinh tháng 7 năm 1942 tại Hội An và sống suốt thời thanh thiếu niên
ở đó. Sau đó theo học khóa 14 Đốc Sự tại trường Quốc Gia Hành Chánh, tốt nghiệp
năm 1971, được bổ nhiệm làm Quận Phó Hành Chánh Quận Nam Hòa thuộc tỉnh Thừa
Thiên, liên tục chuyển qua Phó Quận Quảng Điền, Phó Quận Phú Vang đều thuộc
Thừa Thiên Huế. Sau 1975, ông đi cải tạo 6 năm. Nghĩa là ngoài thời thanh
niên, Phạm Thành Châu có 10 năm để sống và thu thập vui buồn, hạnh phúc, xót
xa, đắng cay, mật ngọt để khi định cư ở Mỹ, bình tâm và ghi nhận lại được
về cuộc đời. Truyện của Phạm Thành Châu là những khắc họa mênh mang về
Hội An ,về Thừa Thiên, về thời hoa bướm học trò, thời cải tạo và suy nghiệm
tuổi già.
Một
bạn học cũ của ông thời ở Hội An là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh viết về Phạm Thành Châu như sau: “Vào năm
ấy tôi còn nhớ rất rõ Phạm Thành Châu là một học trò tinh nghịch nhứt lớp nhưng
lại là làm Trưởng ban trật tự của lớp! Tôi không nhớ thủ tục bầu bán như thế
nào nhưng tôi được lãnh cái danh dự làm Trưởng lớp còn Phạm Thành Châu bị lãnh
cái nợ làm Trưởng ban trật tự. Tình thật mà nói nếu Trưởng lớp có quyền chọn
các trưởng ban để làm việc hiệu đoàn với mình chắc có lẽ tôi đã “bổ nhiệm” ông
bạn quí hóa của tôi làm “Trưởng ban mất trật tự” Hoặc là: “Đó là
nói chuyện trong lớp khi có thầy. Còn lúc lớp buổi sáng trước 8 giờ trong lúc
ngồi chờ thầy vào lớp, Châu thường cầm đầu diễu cô Thúy Quỳnh “xết xi” trẻ đẹp
dạy ở Trường Nam Tiểu Học. Sáng nào cô cũng õng ẹo đi bộ ngang trường chúng
tôi. Mỗi khi thấy cô, Châu và đồng bọn bắt chước mấy đứa nhỏ bán bánh mì buổi
tối thường rao “Bánh mì nóng dòn đây” và cùng la lớn ” Thúy Quỳnh nóng dòn
đây”!
Thời
tinh nghịch vô tình vô tội của tuổi học trò đứng hàng ba sau ma quỉ ấy nay đã
xa tịt mù trong quá khứ dài hơn nữa thế kỷ.” (hết trích).
Có
lẽ những mô tả từ thời đi học đó về Phạm Thành Châu mà ông bạn cũ ghi lại chính
xác và bền lâu tới độ bây giờ, bên cạnh tôi, ông bạn già Phạm Thành Châu vẫn
giữ nguyên cái chất nghịch ngầm, đùa bỡn dễ thương đó. Gọi Phạm Thành Châu là
bạn già thì có hơi quá lố, anh chỉ lớn hơn tôi 8 tuổi chứ mấy. Nhưng bản tính
của anh là ý nhị nhẹ nhàng và vui vẻ xuề xòa, nên anh trẻ hơn tuổi thật rất
nhiều, còn tôi đăm chiêu, hay nghĩ ngợi vẩn vơ nên….già hơn tuồi cũng khá
nhiều. Có lẽ vì thế chúng tôi có thể trò chuyện thân tình với nhau như
kiểu...hai người bạn. Thôi thì cứ tạm coi như thế để dễ nói chuyện đi.
Phạm
Thành Châu định cư ở Mỹ năm 1991, và bắt đầu viết lvăn. Tập truyện đầu tay của
anh in năm 2008 là tập Nhớ Huế. Tập truyện này đầu tiên in 1.000 bản, sau đó
tái bản liên tục hai ba lần nữa vì độc giả gửi thư về đòi mua rất nhiều. Tập
truyện được phát hành trực tiếp, người muốn đọc, gửi thư và tiền về tác giả,
tác giả sẽ gửi sách đến người nhận, không qua một nhà sách hay hệ thống phát
hành nào. Tôi quen với Phạm Thành Châu vào giai đoạn này. Khi đó, Phạm Thành Châu
thường xuất hiện vào cuối tuần ở Phở Xe Lửa cùng với họa sĩ Đinh Cường. Đinh
Cường được gọi là Đại Họa Gia, và người ta gọi Phạm
Thành Châu là Tiểu Thuyết Gia, nói
gọn lại là Ông Đại và Ông
Tiểu. Phạm
Thành Châu dáng người gầy, cao, miệng luôn có nụ cười xã giao và ít nói. Đinh
Cường cũng vậy, nếu không ai hỏi thì ... không ai nói. Có lúc tôi để ý, suốt nửa tiếng đồng hồ
ngồi cạnh nhau, chúng tôi ( gôm hai ông đó và mấy người nữa cùng bàn) hoàn toàn
im lặng, mỗi người nhìn vu vơ một phía, đôi lúc nhìn nhau nhưng chăng ai nói
gì. Dường như ai cũng là người đi trên mây.
Sau này quen biết thân tình hơn, tôi hiểu rằng đúng là Phạm
Thành Châu ít nói, nhưng
không phải là người nói ít, ông cân nhắc và ngại nói chuyện giữa đám đông vì
sâu trong con người ông, có những suy nghĩ rất sâu xa và cũng rất ngược đời,
nên nói ra, dễ bị hiểu lầm. Phạm Thành Châu dành thời gian cho ngòi bút rất nhiều, và
viết khá mạnh. Từ khi tập truyện đầu tay Nhớ Huế (gồm 16 truyện) ra đời, Ông lần lượt tự xuất bản 7 tập
truyện: Bức Họa Khỏa Thân (gồm 19 truyện). Lý Lẽ của Trái Tim (gồm 16 truyện)
Lời Tỏ Tình (Gồm 14 truyện) Chuyện Tiếu Lâm (sưu tầm và sáng tác gần 200
truyện) The Spy Couple (truyện của Phạm Thành Châu, bản dịch qua Anh ngữ
của Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh) và Vô Tình (gồm 19
truyện). Gần hai trăm truyện ngắn là gần hai trăm đoạn ký ức viết lại từ nhiều giai
đoạn của cuộc đời, như chính Phạm
Thành Châu tự thuật: “Đa số
chuyện kể là chuyện có thật, tôi chỉ tiểu thuyết hóa, văn chướng ký sự) để
người đọc dễ cảm nhận, nhiều người tìm thấy chính mình trong hoàn cảnh, thân
phận của nhân vật, họ đã có được những giây phút hóa thân, chìm đắm trong đau
khổ, hạnh phúc, vui buồn cùng nhân vật...Đó chính là hạnh phúc của người viết.”
Nhưng khi từng trải qua đắng cay, khổ hận, hoặc có khi
lâng lâng hạnh phúc thì những điều kể lại thành ra kinh nghiệm sống đời và
chứng nhân cho một thời , một thời quá vãng.
Quen với ông rồi, tôi mới quen với truyện của Phạm Thành Châu. Đinh Cường trong một bài viết, nói về Phạm
Thành Châu : “ Không bày tỏ là
một nhà văn, không thiết tha lời giới thiệu, không ra mắt sách, chỉ là những
người thân quen viết cho những dòng turng thực anh in ở bìa sa., Tôi thấy lối viết của anh hay quá, anh khéo léo dẫn câu
chuyện cho người đọc không tài nào ngưng được…
Thật vậy, tôi thích
“Buổi Chiều ở Thị Trấn Sông Pha”, một thị trấn có mối tình đẹp, thị trấn đìu
hiu Sông Pha nhắc lại trong tôi một thời Đơn Dương, Đà Lạt”
Tôi tìm đọc Buổi Chiều Ở Thị Trấn Sông Pha, và đúng như
Đinh Cường nói , một mối tình đẹp của một thị trấn đìu hiu, và một kỷ niệm gặp
lại mà bất cứ ai cũng đã từng xúc động nếu có một cơ duyên tái ngộ người
tình xưa như vậy. Và từ trong tập truyện đó, tôi gặp rất nhiều các truyện
ngắn khác của Phạm Thành Châu, mỗi truyện là
một hoàn cảnh, mỗi chuyện là một số phận và mỗi truyện là sự kiện mà vào thời
chúng tôi, ai cũng từng đụng tới.Truyện của Phạm Thành Chậu chạm tới trái tim
của mọi người, cho nên nhiều chuyện làm chúng ta ứa nước mắt xúc động, nhiều
chuyện làm chúng ta lâng lâng cảm xúc hoặc bật cười sảng khoái. Với riêng cá
nhân tôi, có một câu chuyện làm tôi bàng hoàng, rung động tới choáng váng khi
lần đầu được đọc, đó là truyện Bí Ẩn Của Một Câu Kinh. Với công dụng của
hệ thống internet toàn cầu, tôi hoàn toàn có khả năng copy toàn bộ truyện ngắn
đó vào đây để các bạn cùng đọc, nhưng tôi không làm vậy, vì làm vậy khác nào
xúi các bạn đọc đây rồi, khỏi đi tìm đọc nữa. Cho nên tôi xin tóm lược câu
chuyện thôi:
Tôi (nhân vật chính trong chuyện) trong dịp nghỉ hè, cùng
nhóm bạn đi chơii qua tiểu bang khác gặp bạn bè cũ, tới một nhà người bạn ở
Canada, người bạn đó giới thiệu bà chị từ Việt Nam mới qua định cư bằng giấy tờ
bảo lãnh, và có câu chuyện khá lạ, muốn kể cho đám bạn cùng nghe. Bà chị
đó kể về một chuyến vượt biên ở Cà Mâu trước đó nhiều năm. Chuyến vượt
biên bị vỡ lở. Mọi người trên thuyền tuôn chạy vào bờ vào giữa đêm tối giữa một
vùng đất lày lội sình lầy chẳng biết nơi đâu. Cuối cùng ba tìm dược một ngôi
nhà có ánh đèn để chạy vào. Ở đó bà gặp một người đàn ông sống một mình,
khuôn mặt như có thép và đôi mắt như có lửa, nhưng nói năng từ tốn hướng dẫn
bà chỗ nghỉ qua đêm. Bà đi tắm , ăn chén cơm rồi đi ngủ,
Sáng hôm sau, đưa bà ra ghe chở về xã, đón xe lam cho bà về thị trấn, dặn tài xế xe lam mua vé để bà về thành phố an toàn.
Vài năm sau, trước khi đi xuất cảnh chính thức, bất ngờ
bà nhận dược một phong thư không có địa chỉ người gửi, Trong thư cho biết đó là
người đàn ông đã giúp bà trong lần vượt biên mấy năm về trước. Thư viết như thế
này:
“Tôi cho bà rõ. Tôi là công an, có nhiệm vụ ở đó để đón
lỏng những người vượt biên bị bể chạy thoát được. Công an chúng tôi làm nhà
cách nhau một vài cây số, dọc bờ biển, nơi thường có bến bãi vượt biên, có
thuyền con đón ra thuyền lớn. Như vậy, khi công an đến bắt vượt biên, người nào
chạy thoát cũng chỉ quanh quẩn đâu đấy, thấy đèn là tìm đến, thế là nộp mạng
cho chúng tôi. Tôi bảo rằng có vợ ở chung nhưng thật ra, vợ con tôi đều ở ngoài
Bắc, tôi vào đây công tác đã được bốn năm, khi nào ổn định sẽ đưa gia đình vào
thành phố Hồ Chí Minh, vì chẳng ai có thể ở nơi hoang vắng nầy. Mỗi công an
chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các tiện nghi, nước nôi, lương thực, giường chiếu để
đón những người vượt biên tìm đến nhờ cứu giúp. Tôi cho ăn uống, ngủ lại, sáng
hôm sau, cho họ xuống thuyền, nói là chở ra bến xe để họ về nhà, nhưng kỳ thực,
thuyền đi được nửa đường là bị công an chận bắt. Tôi cũng bị bắt để không ai
nghi ngờ. Thông thường, nếu nhiều người tìm đến thì tôi bảo họ, có gì đem theo
nên kê rõ, nhất là tiền bạc, quí kim, để tránh chuyện lấy cắp của nhau. Nếu chỉ
một người thì tôi chờ lúc người đó đi tắm sẽ lục xách tay, kiểm tra những gì
đem theo. Tôi còn rình nhìn lúc họ đi tắm, cởi đồ ra, sẽ thấy những gì họ lận
theo người?
Tôi không bao giờ lấy của ai bất cứ gì, nên khi giải giao
họ (đưa lên thuyền để bị công an chận bắt),ï công an chấp pháp lấy lời khai, sẽ
thấy rằng tôi rất trong sạch. Tôi từng được công an tỉnh và trung ương biểu
dương nhiều lần về thành tích chận bắt người vượt biên cũng như tinh thần chí
công vô tư, không tơ hào đến của cải, vật chất của người bị bắt. Nhưng không ai
biết rằng, hễ người nào đem nhiều đô la, vàng ngọc, hột xoàn là tôi thủ tiêu,
chôn xác trong rừng.
Tôi đào sẵn những cái hố, muốn giết ai, khuya đó, tôi lận
súng trong người, bảo họ đi theo tôi để tôi chỉ đường mà đi ra đường chính đón
xe về. Vào rừng, tôi bắn chết, đạp xuống hố, hôm sau ra lấp đất lại. Không
người nào thoát khỏi tay tôi, vì chung quanh toàn sình lầy, có bỏ chạy một
quãng là ngập người dưới sình, tôi chỉ rọi đèn pin, đi
tìm và bắn họ rất dễ dàng.Tôi có nói bao nhiêu người bị tôi thủ tiêu với bà
cũng chỉ làm bà kinh hoàng chứ chẳng ích lợi gì. Tất cả của cải cướp được, tôi đưa
cho vợ tôi đem về quê chôn giấu. Hột xoàn, đô la, vàng ngọc, châu báu... Nghĩa
là vợ chồng tôi rất giàu.
Vợ tôi bảo, có thể bỏ vốn lập những công ty, mua máy móc
để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc mua nhà cửa ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí
Minh cũng không hết của. Dĩ nhiên gia đình tôi ngoài Bắc vẫn sống đạm bạc như
bao nhiêu người khác, để tránh bị nghi ngờ.
Tôi dự định sẽ làm thêm vài năm, kiếm một số tiền vàng
nữa rồi xin ra khỏi ngành. Tính ra, tôi ở đó đã được bốn năm, cho đến cái đêm
bà tìm đến nạp mạng cho tôi.
Như mọi khi, lúc bà đi tắm, tôi rình xem bà cởi đồ (để
biết của cải lận theo người) rồi lên kiểm tra xách tay của bà. Tôi thấy trong
xách có nhiều vàng và đô la. Như vậy, số phận của bà đã được tôi quyết định. Bà
sẽ bị tôi thủ tiêu. Trong lúc lục xét xách tay tôi thấy có một quyển kinh, khổ
lớn hơn những quyển kinh khác, mà những người vượt biên khác thường đem theo.
Quyển kinh lớn đó khiến tôi tò mò.Theo thông lệ, tất cả kinh Phật của những
người vượt biên, tôi giữ lại, khi nào lên tỉnh, tôi tặng cho người bạn đang trụ
trì một ngôi chùa lớn, gần chợ. Anh ta là công an, đi tu là công tác, vẫn lãnh
lương công an. Tôi tặng các quyển kinh Phật cho chùa để ai đến lễ chùa mà thỉnh
những kinh đó thì biết ngay, người đó sẽ vượt biên và chúng tôi theo dõi. Vì tò
mò và vì nghiệp vụ, tôi mở quyển kinh của bà ra, để sát ngọn đèn cho dễ đọc.
Tôi đọc một
cách tình cờ, một câu kinh nằm ngay
giữa trang kinh. Chỉ một câu thôi. Câu duy nhất đó khiến tôi lạnh toát người vì
kinh sợ. Tôi sợ đến choáng váng, muốn té xỉu, đến độ ngồi chết lặng một lúc
thật lâu. Tối đó, tôi không ngủ được...
Hiện nay tôi đã ra khỏi ngành công an. Tôi đã đi tu ở một
vùng núi miền Tây Nguyên, rất hẻo lánh, xa hẳn phố phường, làng xóm. Ngôi chùa
nhỏ được cất bên góc núi. Rất xa, dưới chân núi, cách nơi tôi ở, thấp thoáng những
nhà sàn của những người thuộc sắc tộc thiểu số. Mỗi buổi sáng, tôi lạy Phật, tụng kinh, rồi lên đồi cuốc đất,
trồng khoai sắn, rau quả. Buổi tối tôi lại tụng kinh và suy ngẫm lời Phật dạy.
Tôi bảo với vợ tôi là tôi làm nhiệm vụ trên giao, không nên gặp nhau nhiều,
thỉnh thoảng lên tiếp tế lương thực mà thôi. Của cải mà tôi kiếm được (vợ tôi
đang
giữ), tôi dặn, nên trích ra một phần,
khi nào có thiên tai bão lụt thì đem cứu giúp người hoạn nạn, giúp bà con, bạn
bè khi họ cần, giúp các người già lão, bịnh tật, không nơi nương tựa, giúp các
trại mồ côi, các trại cùi hủi...
Tôi viết để bà rõ, nay tôi đã chọn con đường khác. Tôi
chỉ muốn biến mất trên thế gian, nhưng còn các con tôi? Chúng là nguồn sống của
tôi. Tôi lo sợ cho chúng...
Nếu bà là một Phật tử, xin bà đến chùa, cùng góp lời cầu
xin Phật Tổ cho tôi sớm tìm được con đường giải thoát.
Chúc bà sức khỏe.
Câu chuyện không kết thúc sau bức thư đó, mà mà đoạn đám
bạn lái xe đi về, trên đường về, ghé thăm một ngôi chùa ở Philadelphia, nơi có một người bạn cũ đang đi tu. Họ đem câu chuyện kể lại, và hỏi vị tăng
đó, liệu câu kinh đó là câu kinh nào mà khiến một tên đồ tể buông dao, khiến
một sát nhân đột ngột quay về lương thiện, và câu trả lời của vị sư đó mới thấm
thía: "Kinh Phật chẳng có câu nào hăm dọa người ta, bắt người ta phải
đi tu cả! Để nói về cái nghiệp báo thì kinh Thủy Sám Pháp có nói nhiều, nhưng tôi
chỉ nhớ chính xác được vài câu ở các quyển kinh khác, chẳng hạn, trong kinh Đề
Bà Đạt Ma (Devadata-suta) có câu "Những việc ác mà ngươi đã phạm, không
phải là tại cha ngươi, không phải tại mẹ ngươi, không phải tại thầy, chủ ngươi.
Chính một mình ngươi đã phạm, và một mình ngươi phải chịu quả báo". Trong
kinh Pháp Cú (Damma-pada) cũng có câu "Dẫu rằng ngươi chạy lên trời cao,
ẩn dưới biển sâu, trốn trong núi thẳm, không có nơi nào mà ngươi tránh khỏi cái
quả ghê gớm về tội ác của ngươi"...
Nói xong nhà sư lộ vẻ bối rối "Rất tiếc, vì sự vô
minh của tôi mà câu kinh đó vẫn còn là một bí ẩn. Xin lỗi đã làm quí vị thất
vọng. Theo tôi nghĩ, sự thống hối của ông ta quá thành khẩn, đã cảm động đến
đức Phật, và Ngài đã ra tay tế độ, đã khai ngộ cho ông ta.
Nhưng phải là người thật thành khẩn thì đức Phật mới làm
được việc đó.
Câu chuyện làm tôi rúng động và bàng hoàng bởi vì tôi
biết chuyện công an bố trí người chặn
bắt những người vượt biên thất bại trốn chạy là có thật, tôi biết chuyện rất
nhiều người vượt biên không thoát vì vỡ ổ, nhưng rồi mất tích không biết tin
tức, mà những người mất tích thường là những người có của, tôi biết và đã từng
gặp những vị tăng chân tu, đức độ một cách hiếm có, không cần tiền bạc lọi
quyền chỉ chuyên tâm tu học và cứu giúp mọi người, nhưng khi hỏi xuất xứ , thì
có người thân thiết cho biết ông ta khi chưa đi tu gọi là... ông Năm Bộ Đội,
hoặc một vị khác sau khi tù cải tạo về xuống tóc đi tu.
Tôi
yêu thích câu trả lời của nhà sư: “Rất tiếc, vì sự vô minh của tôi mà câu
kinh đó vẫn là một bí ẩn” Trả lời là vô minh nhưng lời nói lại minh triết
biết bao, ai trong cuộc đời chúng ta đọc được, hiểu được lẽ đúng sai trong suốt
cuộc tử sinh.
Tôi không cho đó là một giải đáp nào cho tôi, và cũng
không đặt nghi ngờ gì về những người tôi biết. Mà tôi hiểu rằng nghiệp chướng
con người nếu gieo thì phải trả, trả sớm hay trả muộn và trả bằng cách nào thì
là do duyên mà thôi.
Tôi
thú vị với những câu chuyện kể thời học sinh, thời thanh niên đi làm Phó
Quận. Tôi lặng người khi đọc những chuyện khi đi cải tạo về, đứng đầu
đường bán bánh mì thịt, xót xa với chuyện đứa bé tìm cha. Tôi thú vị với những
câu chuyện tình rất sạch, rất đẹp của tuổi trung niên của một người cầm bút
trên xứ người và cảm khái với rất nhiều tự sự tuổi già. Truyện của Phạm Thành
Châu là những lời chân chất mộc mạc, kể những chuyện bình thường xẩy ra cho ông
và cho những người ông biết. Chính vì thế truyện của ông gần gũi và hấp dẫn số
đông. Và cũng chính vì thế người đọc bỗng khám phá ra những bí ẩn của cõi nhân
sinh mà chính mình tham dự.
Có lần, Phạm Thành Châu gọi tôi qua nhà để lấy mấy cây mồng
tơi, ớt hiểm mà ông ươn sẵn đem về trồng, anh em ngồi bên nhau dưới cội hoa trà. Tôi hỏi anh về những kết cấu truyện để người ta cười
và để người ta khóc, phải chăng là kỹ thuật?
-Không có kỹ thuật nào cả, Người viết không cười người
đọc không cười, người viết không xúc động, người đọc không xúc động.
- Anh là một Nhà văn dược nhiều người yêu thích, điều đó
anh có cảm giác như thế nào?
- Câu hỏi đó sai một nửa. Truyện của tôi được nhiều người
yêu thích thì đúng theo con số sách bán ra, theo con số người đọc trên mạng có
ghi lại, nhưng tôi không phải nhà văn.
-Ủa, vậy anh là nhà gì?
- Chẳng là nhà gì, tôi hãnh diện khoe rằng: Sách của tôi
được rất nhiều người đón nhận. Lý do đơn giản là tôi viết toàn những chuyện đọc
để giải trí, chẳng hề chuyên chở, vận tải triết lý, ẩn dụ gì khiến người đọc
phải suy nghĩ mệt trí, Buổi tối lên giường, giở tập tập truyện của tôi, đọc một
chuyện nào đó rồi mỉm cười chìm vào giấc ngủ bình yên, là điều tôi hạnh phúc.
- Nhưng có những truyện mang tính triết lý trong đó thì
sao?
-Đó không phải là tôi đưa triết lý vào truyện, mà la
truyện tự nó mang triết lý của đời.
Tất nhiên là tôi không tranh cãi gì với anh về thiên chức
nhà văn. Bởi vì, Nhà văn không phải một văn
bằng để người ta được cấp phát, mà một một
tôn vinh của người khác gửi vào, còn có nhận hay không hoàn toàn chẳng liên
quan gì tới chuyện người khác có muốn gọi hay không. Tôi hỏi anh vậy bây giờ
tôi gọi anh là Ông Cựu Phó Nam Hòa như tên một nhân vật trong truyện Hoa Trang
của anh, anh đồng ý không?
Đôi mắt Phạm Thành Châu bỗng trở nên mênh man.
Ông gật đầu lia lịa được chứ được
chứ ... À, mà ông bỏ bớt chữ Cựu đi, Có lẽ suốt đời này, tôi vẫn là
chàng thanh niên Phó Nam Hòa lang thang, và lãng đãng.
Hình như lúc đó là giữa tháng
tư, những cây cao to trổ thật nhiều những bông hoa rực rỡ
như hoa hồng, có cây hoa vàng, có cây hoa trắng, có cây hoa đỏ và có cây hoa
hồng, cành lá xum xuê những chiếc lá xanh đậm như lá trà xanh, Nhớ đến hai mầu
hoa của Marguerite Gautier, nàng kỹ nữ
xinh đẹp nức tiếng nhưng mắc phải bệnh lao phổi và Armand Duval, nhà tư sản trẻ
tuổi trong tiểu thuyết Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas con (1824 – 1895).
Nhưng đây là hoa trà ở Virginia, hoa Trà mầu hồng ở sân một người viết thật nhiều,thật cuốn hút,
thật hay mà nhất định không nhận mình là nhà văn, vậy gọi ông là Người Dưới Cội
Hòa Trà.
GHI CHÉP THÊM: Khi bài này đăng trên facebook, có người
nhắn tin hỏi tôi, truyện này nằm trong tập nào trong 8 cuốn sách của Phạm
Thành Châu. Tôi xin trả lời, Phạm Thành Châu vừa xuất bản trong năm nay tác
phẩm Vô Tình, mà ông nói rằng, có lẽ đây là tác phẩm cuối thì không có
truyện này.Tôi không nhớ rõ truyện này nằm trong cuốn nào, nhưng tôi nghĩ, bạn
nên mua trọn bộ 7 cuốn , gíá chỉ có 70 đồng, lại được tặng thêm một CD đọc
truyện do Tú Trinh và Khánh Hoàng diễn đọc rất hấp dẫn. CD dài hơn 5 giờ, ngồi nghe khi lái xe là tuyệt diệu,
hãy liên lạc với Phạm Thành Châu 7004 Beverly Lane, Springfield, VA 22150-
Phone 571 -480-3276.
Nguyễn Minh Nữu.
Virginia, tháng 1.2022