“Ha haaa… một ông già gân, ông già chịu chơi, hay là ông già điên!” khi cầm trên tay Thơ Tình Tuổi Tám Mươi – Trần Hoài Thư, tập Thư Ấn Quán tháng 5 – 2022. Nhận xét đó thoạt đến và biến đi rất nhanh vì khi đã biết và hiểu đủ Trần Hoài Thư. Tình Yêu Tuổi Tám Mươi của chàng tám mươi này chỉ là hai chữ “THƯƠNG – YÊU” sâu đậm, mang nhiều ân nghĩa của cả hai nhân vật Yến và Trần Hoài Thư.
Bây giờ chẳng có mây bay
Bây giờ chẳng có móc ô mắt mèo
Bây giờ chỉ có bấy nhiêu
Một thân khô kiệt một trời oan gia
Bây giờ chỉ có đóa hoa
Mọc lên từ trái tim già 80.
Thơ tình hay lời than
thở âm ỉ trong Trần Hoài Thư kể từ ngày Yến lâm nạn cho đến lúc phải vào
nursing home và dài hơi cho đến ngày hôm nay. Ông không dùng lời trau chuốt,
không cần vần điệu, chỉ là những tiếng nấc, tiếng gầm gừ trong cổ họng để nó
thoát ra bằng câu thơ. Thơ tuôn ra càng nhanh là tháo bỏ càng nhiều nỗi niềm u
uất chất chứa trong lòng.
…
Chỉ còn một cuốn làm quà riêng em
Nhưng em đã bỏ nợ phiền
Lấy ai để đọc thơ tình 80?
Có những lúc Trần Hoài Thư rên rỉ vì cái khổ nạn mà Yến phải
chịu:
Chúa chết trên cây thập tự vì bị đóng đinh
Đinh đóng Chúa là đinh loài người ác độc
Còn em, trên chiếc giường chín năm không xê dịch.
…
Chúa chỉ một lần chết và sống: Phục Sinh
Còn em, em bao nhiêu lần trải qua sinh và tử.
Rồi có khi ông van xin
Yến hãy sống để ông còn sống.
Khi năm ngón tay nàng siết chặt năm ngón tay tôi
Tôi biết rằng em không thể chết
Mình phải sống, sống để giúp tôi được sống
Để ngợi ca sự linh hiển của cuối cuộc đời…
Thơ Tình 80 của Trần
Hoài Thư còn là câu chuyện chăm sóc Yến, nơi miếng ăn và cốc nước khi Yến còn
chức năng căn bản của một con người: ăn, uống, nói…
Hắn dỗ dành bà ơi món canh này có bạc hà rau húng cá salmon
Có cả giò thủ bánh chưng do một nữ bác sĩ ở Cali gởi tặng
Ráng ăn nghe bà
Để tôi rót cho bà cốc nước
Để tôi lấy kéo cắt những cọng bún dài
Bà biết là tôi thương bà biết bao nhiêu không?
Chín mùa Đông Yến bị
đau bệnh là chín mùa đau thương cô độc. Mùa Đông là mùa mang đến cho người đã
cô độc thêm phần cô độc. Trần Hoài Thư đã từng chiến đấu với cộng sản là anh
lính thám sát chiến trường. Trần Hoài Thư mở đường, tháo gỡ những trái mìn râu,
những ổ chông, những mô những ụ.
Ngày ấy, ta mở đường cho thiên hạ
Nay thì mở đường cho ta
Ta không có công binh
Không lính tráng
Không truyền tin liên lạc khi cần
Chỉ có chăng là chiếc xẻng
Lồng ngực cạn dưỡng khí
Nhưng vẫn chiến thắng!
Trần Hoài Thư đã chiến thắng ở trận chiến với quân thù thời xưa. Ngày nay Trần
Hoài Thư cũng không chịu thua với những rào cản của thiên tai bão tuyết của
vùng Đông Bắc Mỹ - New Jersey.
…
Tuyết cao cả hơn một thước
Chất chồng trên mui xe, trên nắp xe
Để ta vừa thở hào hển vừa run tay run chân
Múc quăng từng xẻn tuyết.
A! ta lại mở đường
Đừng bỏ cuộc…
Nhưng lại có lúc thua!
Thua vì ông Thiên không chìu lòng kẻ cuồng si thương nhớ vợ trong cơn bão
tuyết.
Nhưng mà hôm nay tôi xin đầu hàng
Tôi không thể làm gì hơn
Khi cả cái cây to tướng nằm ngang chắn đường
Tha lỗi cho tôi
Tôi không còn biết cách gì hơn
Ngoại trừ tháo lui, mình ạ.
Nói rằng khổ nạn nó lừng lững đi,
đến đâu là quét sạch những vui tươi trong sáng của con người đến đó. Chúc mừng
cho những ai tránh khỏi được nó. Phần xui xẻo, khổ nạn còn lại Trần Hoài Thư và
Yến xin lãnh dùm cho mọi người. Yến đã lãnh trọn nỗi khổ trước rồi đến Trần
Hoài Thư. Con đường Yến đã đi qua nay đến phần Trần Hoài Thư. Chàng bèn lãnh
một cú strock vài năm tiếp sau Yến.
Cám ơn em về những món đồ em bỏ dở
Chiếc xe lăn, những thanh vịn bắt vào tường
Tôi thay em tiếp cuộc hành trình
Bước thấp bước cao vì đời quá mệt.
Đọc thơ tình của Trần
Hoài Thư chỉ để nghe tiếng thở. Không hẳn là thở than mà là thở. Thở phì phò từ
lồng ngực xẹp vì thiếu dưỡng khí. Thế nhưng thơ thì không thiếu. Thiếu sao được
khi chàng thơ cương quyết làm thơ!
Thơ cương quyết tuôn trào ở bất kỳ nơi đâu. Sao lại có cây bồ kết ở cái xứ New Jersey lạnh lẽo này, để mà biến thành “Bồ kết trầm luân” “bồ kết khổ nạn” khổ nạn cho người nhớ hương bồ kết ở tóc nàng ngày xa xưa.
Bồ kết trầm luân
Bồ kết khổ nạn
Nấu trong chảo vạc dầu
Gội mái tóc của em
Để anh vừa đẩy xe tình vừa hít vào mùi thơm kỳ lạ và lòng rưng
rưng nước mắt
Chúng ta ai mà chẳng
biết Trần Hoài Thư đã từng làm cho IBM. Chàng giỏi vi tính, giỏi tính toán,
giỏi tránh né. Thế mà cô đơn, “giặc cô đơn” lại làm chàng phủ phục. Những cú
tránh né, chàng đánh bạn củng FB để dẹp giặc cô đơn. Thua đẹp! Thua vì nó mềm
mại, luồn lách giỏi trong tâm.
Trần ơi, bạn đang nghĩ gì thế
Không, tôi không nghĩ, tôi quên
Hôm qua, tôi đập nồi quăng chén
Tôi phải làm gì, trời hỡi để quên
Để quên nên đầu quân Facebook
Xem như trò khuây khỏa rong chơi
Facebook nghĩa là trang “mặt-sách”
Mà “sách” này mặt lem luốc thê lương
…
Facebook giúp người thêm bạn hữu
Mà tôi, đã tàn tạ tâm hồn.
Nỗi cô độc gặm nhấm Trần
Hoài Thư bằng những chuyện xưa tích cũ, chuyện đám cưới cùng Yến ở Sài Gòn.
...
Bước trái cất lên là giẫm vào lòng địa ngục
Bước phải cất lên là lấp ló cửa thiên đàng
Vậy mà anh về, anh về thật bình an
Để kịp ra mắt họ hàng trong ngày đám cưới
Xin cám ơn em đã phủ xuống đời anh bóng mát
Khi đời anh đã khô kiệt thanh xuân
Cám ơn em, đã tắt giùm tiếng nói Dạ Lan
Đã kê dưới đầu anh bằng chiếc gối bông gòn êm ái.
Chàng yêu Yến, không gì
tả ra được. Có phải chăng do vì tình yêu đó nằm sâu trong tâm thức đâu cần nói
ra. Nếu Yến vẫn là Yến nói cười, vẫn sống phơi phới thì Thơ tình của gã cuồng
si chưa viết xuống đâu. Vì tấm chân tình của Yến đâu có chữ nào chuyên chở đủ.
Yến, con chim lạc bầy rớt xuống cuộc đời của Trần Hoài Thư.
Một con chim yến xuống trần
Một con chim yến nợ nần với tôi.
Khổ nạn, họa vô đơn
chí, phúc bất trùng lai, đã gắn liền hai nhân thế Trần Hoài Thư và Yến đến bao
giờ? Gắn liền bằng tình yêu, bằng thơ tình, bằng hơi thở, cho dù hơi thở thiếu
dưỡng khí… Và chắc là sẽ không có chữ “chấm dứt” cho đến khi… cả hai trở thành
người “thiên cổ”!
Có lần đọc giả này hỏi Trần Hoài Thư, “Khi nào chị Yến trăm tuổi, anh có muốn qua California ở cho ấm áp hơn, cho gần bạn bè hơn, và nhiều hoạt động văn nghệ hơn không?” “Không!” “Anh sẽ không bao giờ rời khỏi căn nhà có máy vi tính, máy in, máy cắt, máy đóng gáy này. Bởi vì lũ chúng nó là “con của anh”. Nó giúp anh sống dài lâu thêm những ngày, mà phần nào âu sầu “khổ nạn” được chôn vùi!
Đó là một Trần Hoài Thư tám mươi tuổi. Một Trần Hoài Thư thở ra Thơ, thở vào ra Thơ để bù số dưỡng khí thiếu, để mà sinh tồn. Và để chúng ta hôm nay có Thơ Tình 80 Tuổi.
California, ngày 26
tháng 5 – 2022
Doãn Cẩm Liên