Wednesday, May 25, 2022

2446. PHƯƠNG THẢO HUYỀN Hoài Ziang Duy, người tình thơ văn

Núi Sam (Châu Đốc) - Google image


Tôi biết Anh từ lâu lắm. Ở cái thuở còn bé, chưa biết mộng mơ, chưa biết văn chương nghệ thuật là gì. Chỉ biết có sách, có chữ là đọc, là xem. Cho qua thời gian trong lúc trông coi cửa tiệm. Tôi đọc ngấu nghiến những chuyện Tàu, từ Tam Quốc Chí đến Chung Vô Diệm… Tôi xem sách hình Tàu một cách thông thạo… Rồi quay sang các tờ nhật báo, tuần báo… Đọc không sót chữ nào, từ trang tin tức bên ngoài, tới tin rao vặt cũng không chừa… Tôi dần đi vào thế giới văn thơ.


Tôi đọc bài văn, tôi thưởng thức bài thơ bằng thái độ an nhiên, không rộn ràng như khi vừa giải xong một bài toán khó, hoặc cố tìm hay nghiên cứu một cách giải ngắn gọn hơn, khoa học hơn. Vậy mà, thơ Anh, chuyện Anh đã làm tôi bồi hồi. Lúc đó tôi không sao giải thích được. Chỉ biết ở đấy có một tâm tình đồng cảm, một chất sống ray rứt, một nội tâm phong phú, đang muốn bứt xé, tuôn tràn…Tôi biết Hoài Ziang Duy dù chưa một lần biết mặt Anh.


Tôi đã gặp Anh, trong buổi tiệc văn nghệ, báo chí của trường. Tôi có chút không vui. Hoài Ziang Duy trong tôi không là Anh, người con trai trước mặt. Khuôn mặt thật sáng với nụ cười tự tin, trang phục tươm tất, chiếc đồng tiền trên má tạo nét trẻ thơ, mà tôi không thấy trong văn thơ Anh. Ở đó có trái tim uất nghẹn sao? Ở đó có sự cô đơn, cần người chia sẻ sao? Tôi thật sự không cảm nhận được những điều ấy trên nhân dáng Anh lúc bấy giờ.


Và rồi chúng tôi quen nhau qua những cánh thư văn nghệ. Bàn chuyện văn chương, trao đổi sách báo mới xuất bản, tôi tập tành làm thơ tình dưới sự khuyến khích của Anh. Tình cảm thật trong sáng giữa chúng tôi. Sau đó, tôi biết về Anh nhiều hơn, hoàn cảnh gia đình và cuộc sống hiện tại, đã kéo chúng tôi lại gần nhau.


Hoài Ziang Duy - Phương Thảo Huyền (Đỗ Bình)
thời mới yêu nhau (1968)

Mẹ mất khi Anh vừa lên sáu. Ba đi dạy, ở vậy với đàn con. Người chị duy nhất theo nghiệp cha và nuôi lớn hai đứa em nhỏ, chưa nghĩ đến phận mình. Mấy anh trai lần lượt vào đời với cuộc sống riêng. Anh lớn lên trong sự bảo bọc của ba, của chị mình. Anh trưởng thành, cũng là lúc người chị vu quy, mức lương hưu của ba không thể nuôi Anh vào đại học. Anh đã dùng tiền nhuận bút, để tự sắm cho mình bộ đồng phục đi học (chỉ có một bộ, nên phải giặt ủi kịp thời, để không bị phạt) Anh luôn trang bị cho mình một phong thái đủ đầy, từ tinh thần đến vật chất, để lấp đầy tự ái cá nhân, để ba không buồn, để chị được vui. Nhưng bên trong Anh, là nỗi khát khao có được sự bình yên, vượt thoát cõi tối tăm, cô đơn buồn nản. Và Anh đã đưa hết vào văn thơ.


Trong tâm thức Anh, ba là người cha tuyệt vời. Hình ảnh người cha bàng bạc trong chuyện. Từ “Bên Trường Giác Đấu” với cảnh người cha đi nuôi con bị thương mất cả hai chân:”Con hãy sống cùng ba. Đời ba bây giờ chỉ có mình con, ba sẽ đẩy con đi chơi. Buổi chiều, buổi sáng con vẫn thấy mặt trời, vẫn thấy cuộc đời mà…” Đến “Ông Tướng Sang Sông” với việc bốc mộ cho cha (trang 74-76) Hoặc trong “Đâu Cõi Đi Về” Hay qua “Đám Tang Chữ Nghĩa”


Hình ảnh người đàn bà trong văn thơ Anh thật nhiều. Đậm nét nhất là sự dịu hiền của người Mẹ. Anh mất Mẹ khi còn rất nhỏ, nhưng Anh vẫn nhớ hoài sự yêu thương của Mẹ dành cho mình. Anh không nhớ mặt Mẹ từng đường nét, nhưng bút mực Anh đã vẽ lên từng khuôn mặt Mẹ dịu dàng. Qua hầu hết những chuyện Anh đều có Mẹ, có Dì, có Chị. Như trong Cánh Lá Ưu phiền, Chị, Nghe Những Tự Tình…


Lời thơ Anh mượt mà, câu văn Anh trau chuốt. Anh dùng chữ rất bén và ý nghĩa.


Anh làm ai kia thao thức bởi:

 

Buổi nay em không đến làm anh cô đơn

Mây bay đi có những lúc buồn

Nói khẽ, bây giờ nhớ bé quá

Phải làm sao cho con mắt nhẹ cười…

(Chuyện kể - Lá tình thư)

 

Anh cũng đã làm rơi bao nhiêu nước mắt của nhiều người, khi nghe con trẻ đọc bài:

 

Buồn trông con nhện giăng tơ

Mà thương người cũ đợi chờ bao năm

Là sâu kín nỗi âm thầm

Bước hành lang gõ giọng trầm chân khua…

(Ca Dao)

 

Và cũng khúc khích cười vì Anh:


Cười em, em như thỏ

Dũi trốn nhìn bóng nhau

Chờ trăng tình mới tỏ

Cũng xế lòng anh đau…

(Chào em con chim nhỏ)

 

Hay ganh tỵ với “Tình nhân xưa”

 

Ta sống xứ người câu thăm hỏi

Châu Đốc có còn thơ ấu xưa

Có đem theo gió Cầu Quan gọi

Tĩnh lặng Bồ Đề cội giấc trưa

(Bài Tình Nhân Xưa)

 

Để rồi vẫn là nỗi nhớ:

Sáng thức dậy

Đứng lên từ quá khứ

Chỗ em nằm là chỗ trống đời ta

Chiều hôm qua nắng tìm chim bỏ xứ

Trong mắt em

Giọt nước đọng bên nhà

(Thương Lấy Đời Nhau)

 

Anh khó tánh và nguyên tắc, nhất là trong văn chương chữ nghĩa. Anh không thích câu “viết chơi” "làm chơi” mà Anh luôn khẳng định việc mình làm, mình viết là “thiệt” là đúng. Nếu không biết nhiều, người ta sẽ cho Anh là tự cao, tự phụ, nhưng nếu biết đoạn đường làm việc của Anh, từng bài thơ, từng đoản văn Anh dệt thành, thì cảm giác trên không còn nữa.


Anh yêu việc viết lách hơn mọi thứ trên đời. Ngày còn đi học, Anh có khiếu về Y Dược, chỉ cần nhìn qua viên thuốc, đọc các dược liệu… là Anh nhớ mãi. Nhưng Anh biết hoàn cảnh gia đình, nên chỉ ghi danh học Luật. Rồi tổng động viên. Khi ra trường Thủ Đức, vào chiến trường hiểm nguy, Anh vẫn viết. Khi đi tù cải tạo, Anh vẫn làm những bài thơ, tâm hồn Anh vẫn hoài rung động trước mọi thứ, kể cả khi thân xác đã hao mòn. Anh đã sử dụng châm cứu trong ngục tù, để cứu giúp bạn bè chung cùng cảnh ngộ. Khi về, Anh tiếp tục…Cứ ngỡ Anh sẽ quên đi việc viết lách, nào ngờ khi sang được Mỹ, Bob Johnson (người được Anh châm cứu trị hết bệnh tuyến tiền liệt) đã tìm cách bảo trợ Anh đi học lại, nhưng Anh từ chối. Và trở lại làm nghề mình yêu thích: Viết văn, làm thơ.


Viết Văn, đối với Anh không khó, bởi trong môi trường sống, Anh luôn tích tụ trong đầu, những hình ảnh đặc trưng để làm tư liệu khi cần. Anh có thói quen đặt tựa bài trước (tựa bài Anh luôn là niềm hãnh diện trong tôi, vì lạ và rất hay) Anh ngồi trước máy, gõ nhẹ, xuyên suốt, thời gian không kịp trôi theo từng con chữ, không gian như ngưng đọng theo Anh…Anh ít nói, ít bạn bè, nên mọi thứ Anh dành hết cho các nhân vật của mình. Anh vào vai chính, thủ luôn vai phụ. Lời nói, biểu cảm khi dịu dàng lúc cộc lốc, có cả câu chửi thề, nói tục. Anh phân hoá từng vai một, rất xuất thần, cho mỗi vai một nhiệm vụ để cưu mang, bộc bạch những gì Anh mong ước. Viết xong, in ra và đọc lại. Bôi đi xoá lại cho hoàn chỉnh theo ý mình. Và tôi vẫn là người xem đầu tiên. Anh lắng nghe lời tôi góp ý, ban đầu còn nhân nhượng, càng về sau càng quyết liệt, bảo vệ ý mình và cuối cùng vui vẻ với nhau bên đứa con tinh thần mới.


Ngược lại, khi làm thơ Anh rất thoải mái, chỉ thoáng chút là xong. Ở thơ, Anh không cần sống cho ai, cho lý tưởng gì. Chỉ cho Anh, một mình Anh thôi. Trong Anh, thơ nhạc vốn là một, thơ tuôn ra với âm sắc lên xuống tự nhiên, hoà quyện cùng nhau, một cách thuần thục. Nhưng chưa đủ, thời gian kế mới là đáng nể, Anh trau chuốt lại từng ngôn từ, so sánh lại từng giai điệu…Nên thơ Anh rất đặc biệt, trong thanh có sắc, trong buồn có chút hy vọng.


Với tôi, cả thơ lẫn văn Hoài Ziang Duy đã chinh phục trái tim nầy. Anh đã đặt vào đó tất cả tâm huyết mình, những suy tư, những dằn vặt không mở nổi. Để rồi, người đọc tự tìm một câu trả lời cho riêng mình, không ai giống ai.


Riêng tôi, cho đến bây giờ vẫn còn câu thắc mắc: Không biết có phải mối tình đầu quá êm đẹp, một hạnh phúc đến thật gọn nhẹ, không cần phải tranh đấu, đã làm Anh thật yên bình, không cần nghĩ suy nữa. Và tôi đã không tìm thấy mình trong những tác phẩm của Anh ???

 

Phương Thảo Huyền

Virginia, tháng 5/2022