Ngồi
nơi đây, thành phố Garden Grove, thời gian tháng 5 năm 2022, để quay về quá khứ
thời 1976, 1977 đọc Tự Truyện của Hoài Ziang Duy – Còn Không Chốn Quay Về, để
mà chiêm nghiệm nhiều điều trên cõi đời. Ngay từ truyện đầu tiên, Chuyện Người
Năm Cũ, tác giả viết lại không gian Vườn Đào Tiên, tỉnh Cai Lậy, cho đến lúc giải
tán cái trại này. Hoài Ziang Duy như đang quay một cuốn phim “document”, loại không chỉnh sửa, quay
nhát gừng, cảnh này đến cảnh khác, cốt để người xem thấy rõ một cách chân thật
không kỹ xảo điện ảnh, chuyện tù đầy sau ngày miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng
Sản.
Tác
giả Hoài Ziang Duy kết thúc Chuyện Người Năm Cũ bằng “Thế hệ con cháu sau nầy, chỉ biết sinh ra lớn lên nơi xứ người. Trả lời
câu hỏi từ đâu, do đâu, lập thân lập nghiệp? Chắc chỉ vỏn vẹn một lời đáp đơn
giản. Từ sau cuộc chiến Việt Nam.
Chừng đó thôi. Ai còn ai mất. Ai hiểu
lòng ai?”
Đọc
giả, thuộc hàng con cháu, đã thầm cám ơn ông Hoài Ziang Duy những điều không thể
biết được, nếu không đọc ông. Ông bố của đọc giả cũng đã từng ở tù cộng sản
(CS), những hai lần, cả hai lần đều bị giữ ở vùng miền Trung. Ông thụ án hơn mười
hai năm tù, nhưng đến khi về với vợ con thì biệt không một câu chuyện nào ông
nói ra. Cho nên bạn tù của ông kể lại những thủ đoạn của cai tù ở đây có khác với
Cai Lậy, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thật là nhiều điều đáng ghê tởm về CS!.
Tác
giả Hoài Ziang Duy tính không viết xuống những điều mắt thấy tai nghe trong thời
gian tù đầy, nhưng thấy lại: “Chuyện nầy
tôi viết đã lâu, lúc mấy năm đầu đến Mỹ định cư, rồi xếp lại bỏ đó, do những
thương tâm không muốn nhắc. Thời gian, lúc mà mọi người tưởng rằng đã quên. Tôi
cũng sợ mình quên thật, nên lại đem ra tưởng nhớ những người năm cũ. Coi như
chuyện đời xưa, xưa thật là xưa. Đọc để thấy lại lúc mình chưa già?”
Chính
nhờ vậy chúng ta mới có được những chứng cứ thật một thời khi cộng sản lên
ngôi.
Văn
phong ông Hoài Ziang Duy rất thật, không làm dáng văn chương, có một chút khôi
hài đen, có đôi khi câu chuyện không câu kết, mà cứ để lửng lơ để mặc độc giả tự
cho kết luận. Có những đoạn thời gian là hiện tại, nhưng lại có câu chuyện quá
khứ đan xen vào để bổ xung. Một kỹ thuật viết, có bố cục độc đáo khiến người đọc
muốn và háo hức đọc tiếp.
Trại
tù Đào Nguyên, thoạt nghe tên cứ ngỡ như chốn bồng lai cho các huynh đệ kết
nghĩa kết tình với nhau. Thì ở nơi đây cũng anh em kết nghĩa với nhau đó, nhưng
là những tù nhân đang ở cảnh khốn cùng tù đầy, phải đoàn kết với nhau để sống
còn. Tù cộng sản. Chính quyền CS dùng khu nhà cho người bị phong cùi ở thời trước
1975, thị xã Cai Lậy, nhốt các người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Nó
thích hợp vì là khu tận cùng làng xã. Nó trở thành địa ngục thực sự khi triều cường
của dòng sông Cửu Long lên xuống khiến nhà cửa được bao phủ bởi nước. Có lúc nước
ngập lên mái nhà, người tù bị quản thúc tại đây càng thêm điêu đứng gian truân
vì nước.
Thật
là hay, khi cuộc sống quá ư khốn khổ thì con người lại tự chế ra được một cái
gì để giải bớt đi cái khổ như bài thơ tù “…
Lý rằng trên trời có chim bay, rừng có muông thú, dưới nước có cá lội. Chứng
minh câu đất nước ta giàu đẹp là thế đó. Để khỏi mích lòng cá, anh em thăm viếng
nhau, là cứ ở truồng nhảy xuống nước, khiến bạn tôi có mấy câu thơ rằng: Con cá
lòng tong, lội vòng vòng, rỉa đâu không rỉa, rỉa nhằm thằng con.”
Lại
còn cảnh oái oăm, người vợ đi lấy chồng khác, mang năm con giao lại cho chồng
đang ở tù nuôi. Cái tình huống này mới là hay! Trại tù đã phải nuôi một miệng
ăn của bố, nay nhận thêm năm miệng của năm con, tổng cộng tăng thành sáu. Chị vợ
muốn đi lấy chồng khác ý rằng vô tù là có sẵn thứ để ăn, đâu hiểu rằng bốn mươi
con người (40) chỉ có được một chén cơm, bằng một nồi cháo loãng! Thế rồi, kết
quả là nhân vụ lũ dâng này, cả sáu bố con được tha về. Một câu hỏi bật lên
trong đọc giả này: À thì ra đảng và cách mạng cũng có nhiều lòng từ đấy nhỉ? Từ
thứ nhất là chấp nhận cho năm con vào ở với bố. Từ thứ hai là đã thả sáu người
ra khỏi tù sớm hơn dự định. Vỗ tay!
Rồi
lại có chuyện kể ở trại Chi Lăng miền núi, chị vợ dắt con đi thăm chồng ngày
hôm trước, sáng hôm sau uống thuốc độc tự tử ở phía ngoài trại tù. Người chồng
ra nhận mặt vợ và mang con vào cùng ở tù với mình. Thế là thằng bé được các tù
viên dạy đọc Kiều ở tuổi lên năm!
Vẫn
với chữ dùng của kẻ thắng cuộc “Lao động là vinh quang” được máu khôi hài đen của
tác giả làm nổi bật lên cái ý nghĩa lố bịch như thế nào “Cái chữ lao động là vinh quang, như sợ ai giành. Anh nào cấp bậc, chức
vụ nhẹ, thì được đi lao động. Làm ruộng thì hai người kéo một cái cày bắt ngang
cổ, thay cho trâu bò. Đốn tràm thì vác từ rừng về, vác không nổi thì buộc vào cổ
kéo lê dưới nước. Còn thành phần nguy hiểm thì ở tại chỗ, không được đi làm.”
Đúng nghĩa là ĐƯỢC đi lao động.
Người
dốt thích nói chữ hay thích đọc chữ, chuyện cả trại nhận là mình không biết đọc
để dành cho cán bộ có chút chữ đọc thông báo. Tác giả kể bằng một giọng văn
bình bình, dành phần kết cho đọc giả viết tiếp. Rồi đến chuyện bác sĩ Thành
quân đội VNCH bị cùm vì tội chống đối cách mạng. Ông nói ban quản giáo đun sôi nước
uống cho tù nhân để phòng bệnh đường ruột, thì được ghép tội bảo vệ người đang
bị kỷ luật. Cũng do vì bác sĩ thuở ban đầu còn ngây thơ chưa hiểu thế nào là
con người cách mạng.
Người
miền Nam ngây thơ hay là tâm tính lành thiện của họ được thể hiện ở câu chuyện
“… Sự nhầm lẫn này giống cái ý của bà già
miền Nam phát biểu “Nhờ có Cách Mạng về, nên Việt Cộng đỡ pháo kích chết dân.”
Rồi thì nhiều bài học bị học, người dân ngây thơ cũng đã hiểu rằng “Coi là phản động. Trước sau như một, có
nghĩa là bây giờ cho đến về sau, không ai có quyền ý kiến, tự do phát biểu,
ngoài đảng viên.”
Rồi
đến chuyện thương tâm của tù nhân Quách Dược Thanh. Tác giả đã dùng một lối viết
thật lạ, mang quá khứ về hiện tại, rồi hiện tại đi ngược về quá khứ, để rồi kết
luận “Nghiệp báo” “Nhân – Quả” không sai. Chuyện kể: Anh Thanh đã từng thông suốt
đường lối Mác Lênin, tự xét và xin vào đảng khi đang là tù nhân. Cán bộ nhà tù
không tin và bị kết tội là khôn ngoan, giỏi lập luận. Anh tự vẫn nhưng được cứu
sống để rồi trong một đêm, cán bộ trại dắt anh đi thủ tiêu bằng cách trấn nước
cho đến ngộp thở chết ở một bờ mương sâu. Cái chết này được cán bộ rao truyền
là tắm đêm và bị chết đuối.
Câu
chuyện anh Quách Dược Thanh và nhiều mẩu chuyện trừng phạt khác không dừng lại
mà được lưu truyền trong giới quản giáo các trại tù như những bài học cho bọn họ.
Bài học lưu truyền đến vài thế hệ đàn em của giới cán bộ, đến tai một người
cháu của tác giả. Mở toang ra sự thật, bàn tay nhúng chàm người giết tù nhân
Quách Dược Thanh đền tội “… Một ngày như
lệ thường, dẫn tù Miên đi đào đất bắt chuột ngoài đồng. Lúc chuẩn úy Bé, đang
cúi đầu quì khum lưng ở hang chuột, bắt trọn
gói không chia phần ai. Hình như có dự mưu, sắp xếp sẵn. Một cái cuốc của người
tù Miên, từ phía sau đập bổ vào ót Bé, tấn công xong là cả bọn đào thoát chạy.
Chuẩn úy Bé chỉ kịp hự lên một tiếng, rồi gục xuống, chết liền. Mắt mở trừng
như nhìn thấy rõ oan khiên, nghiệp báo.”
Sống
và tin vào Nghiệp Báo, tin vào thuyết Nhân Quả thì con người không cần đến
ngành luật, không cần đến luật sư biện hộ đúng sai. Vì chính Nhân Quả là đã rất
chính xác, không sai trật một li nào về tội trạng, về kết tội và ra án. Nó đúng
và chính xác và chỉ chờ thời gian hiển hiện lên mà thôi.
Nóng
lòng mong muốn hoặc quên khuấy nó đi đều không được!
Kính
mong tác giả Hoài Ziang Duy luôn được thân tâm an lạc cho dù cuộc đời có những
khúc thật đáng rơi lệ.
California, ngày 12 tháng 5 – 2022
Doãn Liên