Hôm
nay trời mưa rỉ rả vì ảnh hưởng một cơn bão rớt, tôi nhẩn nha ngồi đọc hết
truyện ngắn BÀN TAY CHO YẾN của Doãn Dân. Nhà văn Doãn Dân tôi không được đọc
trước và sau 1975, nhưng rất cảm động về buổi tưởng niệm 50 năm mất và ra mắt
Tuyển Tập Doãn Dân. Tò mò tôi tìm đọc trong mấy số báo Tân Phong tôi có, đọc
được hai truyện Hoa Nở Muộn và Ghen, đúng như nhận xét của Trương Vũ, Doãn Dân
có văn phong của Tự Lực Văn Đoàn (hai truyện đó viết vào khoảng 59-60) và viết
về thời đẹp đẽ và an bình của những người thuộc thế hệ Tiểu tư sản miền Bắc (nhà
biên khảo Nguyễn Vy Khanh đã nhận xét rất nhạy bén khi viết về DD). Cũng trong
buổi họp mặt Tưởng Niệm Doãn Dân đa số nhận xét là truyện của ông ít bị ảnh
hưởng của chiến tranh (tôi không được đọc các tác phẩm khác của ông nên không
thể biết). Nhưng hôm nay khi đọc BÀN TAY CHO YẾN, tôi nghĩ đó là một truyện
ngắn rất hay và chân thực về chiến tranh, lặng lẽ và âm thầm, có lẽ đó là những
cảm nghĩ của tôi, mặc dù không hân hạnh được làm một người lính thời đó nhưng
tôi vẫn tưởng tượng và thông cảm những cảm nghĩ của nhân vật Nguyên, một
thanh/thiếu niên Bắc di cư, ở trại định cư, đi học, dạy học rồi nhập ngũ (tôi
đoán thế khi đọc hai truyện trước). Dĩ nhiên là tôi có bias trong suy nghĩ này.
Chỉ tiếc một điều là Doãn Dân mất đi quá sớm, trước khi chiến tranh trở nên dữ
dội hơn (Hạ Lào, Mùa Hè Đỏ Lửa, 30 tháng tư…) và trại cải tạo, vượt biên v.v…,
nếu còn sống có lẽ với sự ham mê văn chương và tấm lòng đối với con người và
cuộc đời ông có thể cho ta đọc những tác phẩm sâu sắc về những biến cố
trên.
NGUYỄN TƯỜNG GIANG
Virginia, 7 May 2022