Thursday, May 5, 2022

2417. TUYỂN TẬP DOÃN DÂN - Lời tựa của Trần Doãn Thúy Khanh


Tác giả bài viết này, đang sống ở Texas,  
là trưởng nữ của nhà văn Doãn Dân (PCH)

“Tuyển Tập Doãn Dân” ra đời năm nay để tưởng niệm đúng 50 năm ngày cố Nhà văn Doãn Dân đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị vào ngày 29 tháng tư năm 1972. Việc hình thành cuốn sách này là do sự đúc kết của những duyên lành đã xảy ra trong nhiều năm một cách thật kỳ diệu. Bởi khi gia đình chúng tôi sang định cư tại Hoa Kỳ, những gì mẹ con chúng tôi có được về bố tôi cố Nhà văn Doãn Dân chỉ là những kỷ niệm hoàn toàn nằm trong ký ức. Chị em chúng tôi đã lớn lên với nhiều câu hỏi về Bố, nhưng khi còn bé thì không biết cách để hỏi, khi có trí khôn một chút thì vì hoàn cảnh khó khăn và thời cuộc đảo lộn đã tẩy xóa đi hết những dấu vết ngày xưa. Những lời Mẹ kể về Bố vẫn chưa giải thích hết được những tâm tư tình cảm mà chúng tôi mong muốn được biết về Bố. Nhưng không ai ngờ sẽ có một ngày chị em chúng tôi tìm lại được Bố, và đọc được những dòng suy nghĩ, những trải nghiệm, những tâm trạng trong những nhân vật qua chính những tác phẩm của ông như một phép lạ mà chúng tôi đã tìm được trong quyển sách này, nó đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những câu chuyện về Bố mà chúng tôi đã nghe kể về ông qua bao lâu nay.

Tháng Bảy năm 1972, sau khi bố tôi mất thì tôi vừa tròn 11 tuổi. Ở tuổi này tôi đã rất mê đọc sách, có lẽ vì khi bố tôi còn sống, ông thường khuyến khích tôi đọc sách và thỉnh thoảng vẫn mua sách cho tôi đọc. Sau khi bố tôi mất, ngoài việc đọc những sách báo thiếu nhi và truyện dành cho trẻ con, tôi đã lục lọi và đọc được những sách báo cũ của bố tôi để lại, nhưng hoàn toàn không có tác phẩm nào của ông. Trong trí nhớ tôi, chỉ còn lại vỏn vẹn những tên tuổi của các nhà văn mà bố tôi thường nhắc tới, hoặc là tên của các nhà văn, tác giả của những cuốn sách mà tôi đã được đọc qua. Những cái tên nghe rất quen đối với tôi lúc bấy giờ là nhà văn Y Uyên, Võ Hồng, Nhật Tiến, Lê Huy Linh Vũ, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Hạnh… (sau này tôi mới biết được Vũ Hạnh là nhà văn ủng hộ “phía bên kia”). Riêng các nhà thơ thì chỉ có vài tên còn đọng lại trong trí nhớ của tôi ở cái tuổi 11 ấy: nhà thơ Hà Huyền Chi, nhà thơ Lữ Quỳnh. Riêng một nhà thơ, không những tôi biết tên ông, mà tôi còn nhớ rõ khuôn mặt, nụ cười, và dáng dấp của ông trong bộ quân phục mà ông vẫn thường mặc khi đến thăm gia đình tôi lúc còn ở Sư đòan 22 Bộ Binh ở thành phố Qui Nhơn. Ông là nhà thơ, cũng là nhà văn mà chúng tôi vẫn thường gọi là "Chú": Chú Trần Hoài Thư. Nhắc đến tên Chú, như nhắc đến một kỷ niệm ngắn ngủi nhưng thật êm đềm của gia đình tôi ở thành phố Qui Nhơn.

Đến tháng Tư năm 1973, mẹ tôi nhận được môt giai phẩm từ tòa soạn báo VĂN với chủ đề “Tưởng Niệm Doãn Dân, nhà văn đã bỏ mình tại mặt trận Quảng Trị”. Tôi đã đọc hết từng trang, vì cuốn sách này đã nói về Bố, nó đã gợi cho tôi cái cảm giác là bố tôi chưa bị quên lãng. Tuy nhiên, qua giai phẩm này, ngoài nội dung tưởng niệm bố tôi, chúng tôi chẳng biết thêm được gì về Bố, chẳng hạn như cuộc đời binh nghiệp của ông ra sao, và tại sao ông lại có mặt ở mặt trận Quảng Trị? Thật ra, chị em chúng tôi cũng còn quá nhỏ để quan tâm đến những việc này. Và đó cũng là lần cuối cùng cái tên “Doãn Dân” đã được nhắc đến trước ngày mất nước.

Đúng hai năm sau, biến cố 30 tháng Tư 1975 ập đến làm đảo lộn cuộc sống của gia đình tôi, cũng như của bao gia đình khác thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Trước năm 75, có một thời gian mẹ tôi đã làm thông dịch viên cho Trung Tâm Thẩm Vấn Hỗn Hợp Hoa Kỳ, và thế là sau khi miền Nam bị mất, sau khi những sĩ quan của QLVNCH bị buộc phải đi cải tạo trong tù, thì mẹ tôi vì sợ bị bắt nên bà đã đốt hết tất cả những giấy tờ, hình ảnh liên quan đến chế độ cũ, trong đó có nhiều hình ảnh của bố tôi, vì đa số những hình ảnh của ông đều được chụp trong lúc ông đang mặc quân phục. Tuy nhiên, mẹ tôi đã giữ lại vài tấm ảnh cuối cùng chúng tôi chụp với Bố trước khi ông vĩnh viễn ra đi. Ở thời điểm này, cuộc sống khó khăn đã làm cho chúng tôi sống rất thực tế. Mẹ tôi, từ một người đang làm việc trong văn phòng, đã thức khuya dậy sớm, buôn bán đủ mọi nghề, làm việc thật vất vả, và phải bươn chải với cuộc sống mới để lo cho năm chị em chúng tôi ăn học. Lúc bấy giờ tôi là con gái lớn nhất chưa đầy mười bốn tuổi, em út tôi mới lên sáu. Rồi thời gian cứ lần lượt trôi qua, những kỷ niệm với Bố rồi cũng đi lùi vào dĩ vãng. Chị em chúng tôi lớn lên, vẫn chưa có một khái niệm rõ nét về Bố, về con người của ông. Tin bố tôi mất ở Quảng Trị là chính xác, nhưng chúng tôi không có được một ngôi mộ để viếng thăm ông. Những gì về Bố, chúng tôi hoàn toàn dựa trên những lời kể của mẹ hoặc từ các cô bên nội mà chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Những năm cuối của thập niên ‘70 và những năm đầu của thập niên ’80 là một giai đoạn thật bế tắc trong chế độ bao cấp của nhà cầm quyền Cộng sản. Những năm tháng mà cái gì cũng quý, từ những bao ny-lon, xấp giấy cũ cũng có thể dùng để gói hàng hay bán ve chai. Từ đó, những sách báo cũ càng trở nên quý hiếm, nhất là nền văn hóa của miền Nam Việt Nam trước năm 75 đã bị liệt vào loại "văn hóa bị cấm" nên không mấy ai còn dám giữ sách báo cũ trong nhà.

Ngày 28 tháng 10 năm 1981, gia đình người bác anh trai lớn nhất của mẹ tôi đã cho tôi và em gái thứ tư, là Uyên, đi vượt biên, và chị em chúng tôi đã đến được đảo Galang, một trại tị nạn ở Indonesia. Sau khi phái đoàn Hoa Kỳ kiểm chứng lý lịch của Bố và mẹ tôi, họ đã chấp thuận cho chị em chúng tôi định cư ở thành phố Memphis, Tennessee. Sau đó chúng tôi khăn gói di chuyển sang tiểu bang Virginia để tiện việc học hành. Từ đó, chúng tôi đã bảo lãnh cho mẹ và các em còn lại ở Việt Nam sang đoàn tụ với chúng tôi vào năm 1986, và năm 1990. Sau nhiều năm định cư ở Hoa Kỳ, chị em chúng tôi cũng vẫn chưa bao giờ được đọc những tác phẩm của Bố đã đăng trong các tạp chí Chỉ Đạo, Tân Phong, Văn Hữu, Bách Khoa, Tân Văn, Chính Văn, Khởi Hành… ở miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh.

Vào khoảng năm 2009 - 2010, gia đình tôi được quen biết với một nhà văn Hoa Kỳ tên Thomas A. Bass. Ông là một giáo sư dạy khoa Văn Chương và Lịch Sử ở trường Đại Học Hamilton và Albany, tiểu bang New York. Ông Bass cho chúng tôi biết là ở Thư Viện Cornell có cả một kho tàng văn học Việt Nam gồm những cuốn sách quý hiếm đã được một người chuyên nghiên cứu về văn chương Việt Nam tặng lại cho thư viện của trường. Thế là những năm sau đó, thỉnh thoảng tôi lại nhận được những món “quà tặng” rải rác từ một người thân trong gia đình, khi thì quà Giáng Sinh, khi thì quà sinh nhật. Lúc đầu thì những món quà đó chỉ là tấm hình bìa của truyện dài “Chỗ Của Huệ”, hoặc hình bìa của số báo "Tưởng Niệm Doãn Dân" năm 1973. Dần dần, hàng loạt những truyện ngắn của bố tôi được in ra từ tài liệu lưu trữ của thư viện trường Đại Học Cornell, những tác phẩm thật quý giá đối với chúng tôi, nhưng lại một lần nữa được lưu trữ trong máy vi tính cá nhân của tôi. Thú thật, thời gian này, chị em chúng tôi người thì bận lo cho con trẻ, người thì đi làm ca đêm, ban ngày thì ngủ, người thì đi làm cả cuối tuần… Niềm ao ước được hiểu về bố tôi vẫn còn đó, nhưng hình như nó chỉ là một mơ ước mơ hồ, không kế hoạch, và chưa có nhân duyên.

Qua đến năm 2011, tôi thực sự ngạc nhiên khi được tặng tạp chí "Thư Quán Bản Thảo” số 46, phát hành vào tháng 4 năm 2011, với chủ đề “Tưởng Nhớ Nhà Văn Doãn Dân”. Điều đặc biệt hơn cả là quyển sách này đã được in và đóng bằng tay do chính nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện. Nhà văn Trần Hoài Thư đã tả lại chuyến đi tìm truyện “Bàn Tay Cho Yến” thật gian nan trong cơn bão tuyết… Bài viết thật cảm động làm tôi ứa nước mắt, và tôi đã rất mong được gặp lại Chú Trần Hoài Thư.

Vào cuối tháng 10, năm 2020, trong khi đang làm việc thì tôi nhận được tin nhắn của cô em thứ ba, em Hương đã chuyển cho tôi nghe một bài đọc trên diễn đàn Youtube của ông “Tám Tình Tang” với tựa đề “Nhà Văn Doãn Dân, Phận Đời Nghiệt Ngã”. Tôi đã nhận ra khuôn mặt của bố tôi qua nét phác họa của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, tôi cảm động đến rơi nước mắt, tôi biết đây đúng là bài nói về bố mình. Tôi để lại tin nhắn cho ông Tám Tình Tang để xin liên lạc với tác giả của bài viết nói trên. Sau khi trao đổi với tác giả là nhà văn Lê Văn Trạch, tôi được biết là ông đã đăng bài viết này trên Nguyệt san KBC số tháng 8 năm 2020. Bài báo này đã có những chi tiết mới mà tôi chưa hề biết đến, chẳng hạn như bài đã nói rằng bố tôi đã có mặt tại P2/SĐ3 trong thành cổ Quảng Trị với tư cách là đại diện của P2/BTL/Quân Đoàn 1 trước khi ông mất (mâu thuẫn với điều tôi vẫn nhớ là bố tôi thuộc về Sư đoàn 5 BB ở Đà Nẵng). Đồng thời bài cũng tả lại cảnh đầu tháng 5/1972, mẹ tôi đến căn cứ của BTL/QĐ1 tại Đà Nẵng để nhận một vài vật mà bố tôi còn để lại trước khi ông mất. Chú Lê Văn Trạch cũng đã giải thích cho tôi biết rõ hơn về những diễn tiến lịch sử chung quanh mặt trận Quảng Trị và Đại Lộ Kinh Hoàng. Chú đã trả lời những câu hỏi mà tôi đã từng thắc mắc.

Qua lời giới thiệu của Chú Lê Văn Trạch, gia đình chúng tôi được biết đến anh Nguyễn Đình Hiếu trong Ban Biên Tập Nguyệt san KBC, và chị Như Thương, tức nhà thơ Như Thương. Và rồi với sự hướng dẫn nhiệt tình của anh Nguyễn Đình Hiếu, Nguyệt san KBC ra số báo tháng 4 năm 2021 với chủ đề “Tháng Tư Uất Hận”. Đặc biệt trong số báo này, có phần "Tưởng Niệm Nhà Văn Doãn Dân nhân kỷ niệm 49 năm ngày bố tôi mất. Thế là đúng mười năm, sau lần tưởng niệm bố tôi trên Tạp chí Thư Quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hoài Thư (2011), một lần nữa, chúng tôi lại được tưởng niệm bố mình trong một hoàn cảnh thật tình cờ và hi hữu.

Bài viết “Nhà văn Doãn Dân, Phận Đời Nghiệt Ngã” của nhà văn Lê Văn Trạch được đọc trên Youtube đã dẫn đến sự gặp gỡ và kết nối với những "nhân vật quan trọng" đối với gia đình chúng tôi. Một điều vui mừng nữa là qua anh Hiếu và chị Như Thương, chị em chúng tôi đã liên lạc được với chú Trần Hoài Thư sau mười năm mất liên lạc. Ngày mồng 10 tháng 7, 2021, Mẹ và chị em chúng tôi được hân hạnh đón tiếp Chú Lê Văn Trạch đến từ tiểu bang Tennessee, chị Như Thương từ Florida, và anh chị Nguyễn Đình Hiếu, từ California (được biết phu nhân anh Hiếu chị Doãn Cẩm Liên là thứ nữ của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ). Nội dung chính của cuộc gặp gỡ này trước là để thăm hỏi và diện kiến nhau sau bao lần email, và nói chuyện qua điện thoại. Chú Trạch cũng muốn thăm mẹ tôi sau lần cuối gặp bà tại Đà Nẵng 49 năm về trước. Anh Hiếu cũng có nhã ý muốn giúp gia đình chúng tôi sưu tầm, gom góp tất cả những truyện ngắn đã đăng báo và hai tác phẩm đã xuất bản (truyện dài "Chỗ Của Huệ" và tập truyện "Tiếng Gọi Thầm") của bố tôi để in thành “Tuyển Tập Doãn Dân” (TTDD). Từ khi có lời đề nghị này, tôi đã lục lọi, tìm kiếm lại những truyện ngắn của bố mà tôi đã có được từ mấy năm trước để gửi cho anh Hiếu. Đồng thời anh Hiếu cùng Chú Trần Hoài Thư cũng tìm ra một số truyện ngắn tưởng là sẽ không bao giờ tìm lại được. Có truyện bố tôi viết từ năm ông mới 21 tuổi.

Sáng ngày 11 tháng 7, 2021, trong khi mọi người đang ngồi ăn điểm tâm và bàn bạc về hình thức cũng như nội dung của TTDD để kịp ra đời vào tháng 4 năm 2022, thì cô em út tôi Quỳnh Như bỗng nói: “Hình như hôm nay là sinh nhật Bố phải không?” Và thật vậy, chúng tôi đang nói về Bố, tình cờ vào đúng ngày sinh nhật của ông. Chúng tôi đang thảo luận về việc hình thành cuốn sách bao gồm gần tất cả những truyện đã được đăng trong suốt quãng đời ngắn ngủi của ông (1938 - 1972), cùng một số bài của những tác giả khác viết về Bố. Tôi có cảm tưởng như linh hồn bố tôi đang hiện diện đâu đó, chắc hẳn ông sẽ rất vui mừng, vì việc làm này không phải ai muốn cũng làm được. Phải chăng đây là một phép mầu đã xảy ra thật đúng thời, đúng lúc?

Đúng thời điểm vì tất cả chị em chúng tôi đều đã già dặn đủ để biết trân quí, và đón nhận cái được gọi là “linh hồn” của bố tôi. Bố ơi, giọt nước mắt này thay cho lời cảm ơn từ đáy lòng con. Bằng một sự linh thiêng nào đó, Bố đã trở về với chúng con, không phải bằng thi thể, hình hài, nhưng bằng nỗi cảm thông sâu sắc qua những dòng chữ của Bố. Chúng con đã khám phá ra Bố qua từng trang giấy cũ, với nhiều cảm xúc vui, buồn, trộn lẫn xót xa. Cuối cùng chúng con đã hiểu được Bố phần nào. Đã nhiều lần con tự hỏi, không biết có bao giờ Bố nghĩ đến chúng con không? Và rồi con đã tìm ra được câu trả lời trong mẩu truyện cuối cùng của Bố, “Hôm Ba Mươi”... Và còn nhiều câu trả lời khác, dưới những hình thức nào đó, nó đã được gói trọn trong quyển sách này…

Thay mặt Mẹ và các em tôi, tôi xin gửi lời cảm tạ và lòng quý mến đến nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư. Ông đã biên tập và ấn loát Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 46 vào năm 2011 để tưởng niệm nhà văn Doãn Dân, người bạn của ông trong quân ngũ. Đối với chị em chúng tôi, Chú Trần Hoài Thư không khác nào một người chú ruột trong gia đình. Ông là người bạn duy nhất của bố mà có thể kể những mẩu chuyện nho nhỏ về bố tôi từ những năm tháng xa xưa mà chúng tôi nghe hoài không chán.

Xin chân thành cảm ơn tất cả các nhà văn, nhà thơ đã viết bài trên các báo trước đây để tưởng niệm nhà văn Doãn Dân. Những bài viết của quý vị đã từng làm ấm lòng những đứa trẻ ngày xưa đang khao khát được nghe về bố mình.

Thay mặt cho gia đình của cố Nhà văn Doãn Dân, tôi xin chân thành cảm tạ và biết ơn rất nhiều đến Chú Lê Văn Trạch, người đã khuyến khích và ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian qua. Chú là một trong những người đã gặp mặt bố tôi lần cuối, và cũng là chiếc cầu nối cho chúng tôi có cơ hội được gặp anh chị Nguyễn Đình Hiếu và chị Như Thương sau này. Xin cảm ơn Anh Hiếu với kỹ năng chuyên nghiệp đã sắp xếp nội dung lẫn hình thức cho Tuyển Tập này từ bản phác thảo cho đến khi hoàn chỉnh. Anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian để liên lạc với các nhà văn khác để tìm kiếm thêm được một số truyện ngắn của nhà văn Doãn Dân đã bị thất lạc từ lâu. Cảm ơn chị Doãn Cẩm Liên đã thăm viếng, khích lệ và đã đồng hành với gia đình chúng tôi. Cảm ơn chị Như Thương thật nhiều với tài đánh máy nhanh, gọn đã góp phần rất lớn trong việc hình thành cuốn sách này. Không có sự ủng hộ, giúp đỡ và khích lệ của Chú Lê Văn Trạch, Anh Nguyễn Đình Hiếu và Chị Như Thương thì đã không có “Tuyển Tập Doãn Dân” ngày hôm nay.

Chiến tranh đã cướp đi tương lai của một nhà văn. Nó đã lấy đi cơ hội sáng tác của bố tôi trong suốt năm mươi năm qua. Tuy nhiên, niềm an ủi lớn nhất cho chị em chúng tôi chính là những mẩu truyện của ông mà chúng tôi đã may mắn tìm lại được, và gói ghém trong quyển sách này. Nó là di vật quí giá của bố tôi để lại cho chị em chúng tôi, và cho các thế hệ sau trong gia đình.

TRẦN DOÃN THÚY KHANH