Sông Potomac - Ảnh PCH
- Ông thầy, nhớ ngày mai đến dự buổi họp mặt người Việt mình
nhé.
- Tao nhớ, mà có chuyện gì chú mầy nhắc đi nhắc lại mãi thế?
- Tui biết lúc nầy ông thầy không vui chẳng muốn có mặt mấy
chỗ đông người, xô bồ xô bộn nên muốn kéo ông thầy ra khỏi sự muộn phiền một
chút vậy mà.
- Vợ chồng mầy đi cũng được rồi kéo theo tao làm gì, lúc nầy
tao muốn yên tĩnh một chút.
- Đi đi ông thầy, tui cam đoan với ông có một điều bất ngờ
dành cho ông thầy đấy.
- Có điều gì bất ngờ đến với một lão già gần đất xa trời như
tao, mầy chỉ lẻo mép cái mồm mà thôi.
- Thật mà không tin lựu đạn nổ banh xác tui đó ông thầy.
Diên bật cười vì câu thề thốt đầy chết chóc của thằng Cung,
thằng đệ tử cật ruột của anh trong những ngày còn chiến tranh ở Việt Nam. Đó là
câu thề độc trên cửa miệng mỗi thằng lính khi có một điều gì đó mà nó muốn đồng
đội hay cấp trên tin điều nó thấy hoặc nói ra. Cưng là thằng lính ôm máy truyền
tin đi theo Diên trong những cuộc hành quân, vào sinh ra tử với nhau không biết
bao nhiêu lần. Di tản khỏi Việt Nam, tản lạc rồi gặp lại nhau trên đất Mỹ, nó
vẫn trịnh trọng gọi Diên một cũng ông thầy hai cũng ông thầy làm anh vô cùng
cảm động, chứng tỏ tình cảm của nó đối với anh dù trong hoàn cảnh sa cơ lỡ vận vẫn
không thay đổi. Diên quí trọng sự chân tình của Cung nên cũng ừ ào cho nó vui
lòng:
- Ừ! Tao sẽ có mặt nhưng cấm mầy không được gọi điện nhắc
lại thêm một lần nào nữa đó.
Trong máy nghe vẳng tiếng nói lớn của thằng Cung:
- Tuân lệnh! Ông thầy.
Diên mường tượng thấy cảnh thằng Cung gập hai chân lại, một
tay đưa cao lên chào trong tư thế tác phong của người lính mà mỉm cười trong lòng
như dịu lại.
*
Từ ngày ly hôn với Ái, Diên cảm thấy mình thanh thản và nhẹ lòng hơn. Ái là người vợ mà anh kết hôn sau ngày di tản qua Mỹ từ nhiều năm trước. Cô ấy là em gái của một người bạn cùng làm trong một công ty của anh, trong một lần anh đến dự buổi sinh nhật con gái anh bạn thì gặp cô ở đó. Không đẹp lắm nhưng lại hoạt bát dễ gần tạo cho người mới gặp cảm giác thân thiện. Anh bạn biết hoàn cảnh đơn chiếc của anh nên cũng vun quén thêm thế mà thành đôi. Những ngày tháng sống hạnh phúc bên nhau không được bao lâu anh mới thực sự khám phá ra mình và Ái có nhiều điểm không hợp nhau nhất là tình cảm đối với gia đình mỗi bên. Ái rất hay mua sắm, làm đẹp cho mình đôi khi thật sự không cần thiết, điều nầy anh bỏ qua vì tiền làm ra là để tiêu xài chứ không phải ki bo gìn giữ, điều đáng nói cách đối xử với gia đình hai bên thiên lệch đến mức cố chấp làm anh thật sự không hài lòng đôi lúc cảm thấy khó chịu. Khi những người thân trong gia đình Ái cần trợ giúp điều gì cô ấy luôn tìm cách thỏa mãn còn bên gia đình anh có nhờ vả điều gì đó thì cô luôn xỉa xói bới móc, nào là có tay có chân sao không biết làm, bộ nhà nầy là ngân hàng sao mà moi móc mãi thế. Cha mẹ anh mất đã lâu, chỉ còn có anh em ở quê nhà. Đứa cháu con thằng em cần chút tiền đóng học phí vào đại học, đứa cháu gái kết hôn về nhà chồng chẳng lẽ không có chút tiền gởi về mừng cháu trong ngày vui của nó? toàn là những việc cần phải làm cả. Lúc đầu anh chỉ im lặng, nhẹ nhàng giải thích nhưng về sau càng lúc càng xung đột, rồi những lời lẽ khó nghe được tuôn ra, gặp mặt nhau mỗi ngày mà không khí sao nặng nề quá, thôi thì ly hôn cũng là một phương sách vẹn toàn để cả hai tránh tổn thương nhau thêm nữa, hơn nữa giữa anh và Ái cũng không có con nên việc phân chia tài sản cũng thật dễ dàng. Như vậy cũng xong.
Diên chuyển nhà qua
bangVirginia ở vì nó sát bên Washington DC chỉ cách dòng sông Potomac, nối liến
giữa hai tiểu bang là chiếc cầu Key. Cầu
Key kiến trúc không có gì đặc biệt nhưng nó có những mái vòm uốn cong in hình
trên dòng nước nên cũng khá thơ mộng nên việc đi lại cũng thuận tiên không có
gì trở ngại, thay đổi chỗ ở một là để thay đổi không khí tránh gặp mặt với
người vợ cũ, hai là anh còn có một vài quan hệ những mối làm ăn cũ nên không
thể chuyển đi xa được. Diên mua một căn hộ nhỏ khá khang trang và sạch sẽ, nơi
ở mới cũng gần với công việc mới của anh đang làm.
Diên chọn Virginia để sống còn vì anh thích không gian gần
gủi với thiên nhiên và nhất là nơi đây gắn liền với câu chuyện đầy nhân văn
trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ. Anh không phải là người đam mê lịch sử nhất
là lịch sử Mỹ nhưng anh thấy cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ có cái gì đó mà mọi
người cần phải học hỏi và ghi nhớ. Nếu những ai quan tâm đến những gì xảy ra
của xứ Cờ Hoa thì đây là cuộc chiến đẫm máu nhất của lịch sử nước Mỹ. Cuộc nội
chiến Nam Bắc bắt đầu từ ngày 12/4/1861 và kết thúc vào ngày 9/5/1865 với hơn
970.000 người chết. Chiến tranh đã để lại những cảm xúc khác nhau trong lòng
người dân Mỹ cũng như những lý giải, tranh cải của các nhà sử học về nguyên
nhân và những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến tranh tàn khốc và bi thảm nầy.
Diên không quan tâm
đến những điều đó lắm bởi anh không phải là nhà sử học cũng không phải là người
Mỹ, điều mà anh quan tâm đó là thái độ, cách hành xử của bên thắng cuộc với bên
thua cuộc kìa.
Khi phòng tuyến cuối cùng bị phá vỡ, tướng lãnh đạo liên
bang miền Nam Robert Edward Lee tuyên bố đầu hàng tướng Grant chỉ huy quân đội
liên hiệp miền Bắc. Trong buổi gặp gỡ, Tướng Grant đã trao cho tướng Lee một tờ giấy ghi những điều khoản trong đó có
những nội dung nói về binh lính miền Nam:
- Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù.
- Chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình
thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ.
- Được mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào
mùa xuân.
Sau khi xem qua những điều tướng Grant
vừa viết, tướng Lee nói :
- Những điều này sẽ có tác động tốt đến
quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng
ta.
Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả
những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp
lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông
cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích cho binh lính miền Nam.
Tướng Lee và tướng Grant đã đi vào lịch
sử nước Mỹ như một huyền thoại. Người ta nói đằng sau cuộc gặp gỡ ở làng
Appomattox giữa hai vị
tướng là bàn tay đạo diễn của Tổng thống Abraham Lincoln, Ông thường nói rằng ông
mong muốn cuộc chiến kết thúc trong sự khoan dung. Tổng thống Lincoln và tướng
Grant đã có cuộc gặp nhau hai
tuần trước đó trên chiến hạm River Queen ở sông James. Họ đã thảo luận rất
lâu về cách thức kết thúc
chiến tranh và những xáo trộn có thể xảy ra trong thời kỳ hậu chiến. Tổng thống
Lincoln đã nói với tướng Grant: “Hãy để họ
buông súng một cách thoải mái”.
Tướng Robert E. Lee đã đầu hàng quân
đội Liên hiệp Miền Bắc tại Appomattox, bang Virginia. Nhưng điều đáng trân
trọng, chính là thái độ, cách hành xử của phe thắng trận dành cho vị tướng bại
trận miền Nam nầy là
sự kính trọng, chân thành và không chút hận thù. Diên miên man nghĩ đến cuộc chiến
kết thúc chiến tranh Việt Nam sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ gần một thế kỷ. Những
người lãnh đạo cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến thắng lợi đã học được gì về
cách hành xử trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ hay chỉ đem lại những hận thù với những
năm tháng tù đày của những người thua cuộc, những cuộc vượt biên chết chóc đối
đầu với cướp biển dã man tàn bạo và những người con viễn xứ luôn hoài vọng về
một quê hương đã
trở thành sương khói trong tâm hồn mình.
Mỗi lúc có thời gian, Diên thường chạy xe dọc theo sông
Potomac tìm chỗ dừng chân thư giản, khác với Washington DC, Virginia có nhiều
cao ốc nhưng dọc theo sông khung cảnh gần gủi với thiên nhiên rất nhiều, chạy
dài theo bờ sông là những rừng cây thấp và những bãi cỏ xanh rờn khoáng đãng,
những ngày cuối tuần cư dân thường ra đây tổ chức picnic vui chơi hay câu cá.
Anh thường chọn một băng ghế trống, hướng nhìn ra bờ sông. Ngồi ở đây anh có
thể thấy được những tiếng reo hò thích thú khi có một bạn trẻ câu được con cá
to, sông Potomac có rất nhiều cá, có lẽ do môi trường trong lành và người ta
coi việc câu cá là thú vui tiêu khiển hơn là tìm nguồn thực phẩm cải thiện bửa
ăn. Ở đây anh có thể nhìn thấy tiếng ồn ào của mấy con chim sắt bay lên và đáp
xuống ở phi trường John Foster Duller, ở đây anh có thể nhìn thấy chiếc du
thuyền Odessey khởi hành từ bến tàu Georgetown đưa du khách xuôi ngược dòng Potomac ngắm
cảnh mỗi ngày…Tất cả những điều đó làm lòng anh cảm thấy nhẹ nhàng bình thản như
đang thấy cảnh sinh hoạt trên dòng sông Tiền quê nhà, lâu lắm rồi thì phải anh
chưa về tắm mình trên dòng sông ấu thơ ngày ấy. Năm tháng đã đi qua anh không
còn tìm thấy nét thanh xuân, những ước mơ thời tuổi trẻ mà anh cùng đồng đội
năm xưa những khi hành quân trong rừng sâu núi thẳm mong có một ngày hòa bình
sẽ thực hiện, tất cả chỉ còn là khói sương trước mắt.
*
Diên đến nơi họp mặt gần tới giờ khai mạc. Nơi diễn ra buổi
họp mặt là hội trường rộng lớn của một tờ báo Việt lâu đời ở Virginia. Anh gởi
xe vào bãi rồi thong thả đi tới cổng, Cung đứng trước hội trường từ bao giờ,
mắt ngó dáo dác, thấy anh bước tới thi mừng ra mặt. Cung nắm tay anh bước nhanh
vào trong, hội trường đầy những người là người.
- Tôi sợ ông thầy không tới, tôi không biết nói sao với
người nầy nữa. Họ tha thiết muốn gặp ông thầy một lần.
Diền hờ hững:
- Muốn gặp tao sao? Tao có quen với họ à?
- Sao lại không quen. Thân thiết nữa là khác.
- Ai vậy?
- Gặp nhau ông thầy sẽ biết.
Lại cách nói chuyện ỡm ờ đáng ghét nhưng thôi trách cứ nó
lúc nầy làm gì không phải lúc. Len lỏi qua những hàng ghế đã đủ người, tới một
dãy ghế phía bên phải tôi thấy vợ Cung đang ngồi với một người phụ nữ, vợ Cung
quay mặt lại thấy tôi mặt lộ vẻ vui mừng, cô khẽ chào tôi rồi đứng lên nói:
- Anh Diên đến thật đúng lúc. Em giao chị ấy lại cho anh
nhé.
Rồi cô nhanh nhẹn bước ra đi theo Cung đến một chỗ khác.
Diên ngạc nhiên chưa biết điều gì đang xảy ra. Người phụ nữ quay mặt lại, nhìn
Diên tươi tắn nói:
- Ngồi xuống đi anh Diên.
Diên nhìn người phụ nữ trước mặt mình, Anh sửng sốt nhìn cô
không chớp mắt. Một luồng điện như vừa chạm vào người anh làm anh đứng như trời
trồng, làm sao quên được gương mặt ấy đã in sâu vào tâm trí anh mấy mươi năm về
trước, anh tưởng mình như đang sống trong một giấc mơ:
- My, phải My đó không?
- Em đây, My của anh đây
Diên ạ.
Diên ngồi xuống ghế
trống của vợ Cung bỏ lại, nói trong vẻ xúc động mạnh:
- Anh không ngờ còn được gặp My ở chốn nầy. Sao vợ chồng
Cung không nói trước với anh tiếng nào cả. Cái thằng bậy quá.
My thanh minh giùm cho Cung:
- Chính em đã nói với vợ chồng cậu ấy đừng nói với anh để
tạo cho anh sự bất ngờ đó mà.
Diên mừng quá, cầm nhẹ bàn tay My. Bàn tay vẫn nhỏ nhắn mềm
mại như ngày nào. Diên không thể quên được lúc anh mê man sốt cao khi nằm ở
bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ trong một trận đánh ở Hỏa Lựu Chương Thiện,
anh bị thương khá nặng chính người nữ y tá nầy đã chăm sóc anh hết sức tận
tình. Khi anh tỉnh dậy anh thấy bàn tay mình đang nằm trong lòng bàn tay của
My, cô gần như thức suốt đêm để chăm sóc anh, một sĩ quan thương binh mà cô không
hề quen biết. Chính tấm lòng nhân ái đó mà trong những ngày nằm ở quân y viện
tình cảm của anh dành cho My một tăng lên một cách chân thành. Trước khi rời
quân y viện trở về đơn vị, anh đã thố lộ tình yêu của mình với My, lúc đó cô chỉ
biết im lặng rồi ngả đầu vào người anh không nói. Cuộc chiến sau đó đã lôi cuốn
anh đi trên khắp chiến trường, càng lúc càng khốc liệt, đôi ba cánh thư viết
vội trong các cuộc hành quân, những cánh thư hồi âm nhận được muộn màng, xa
cách chỉ làm cho sự nhớ thương càng tăng lên…
- Làm sao em biết tin của anh? Đã biết sao em không liên lạc
với anh ngay chứ. Anh nghĩ kiếp nầy chắc chúng ta không còn có dịp gặp nhau nữa.
Em nói cho anh biết đi.
My nhìn anh với đôi mắt hiền dịu:
- Là một dịp thật tình cờ thôi anh à. Liên – vợ Cung – là
chị em bạn dì với em. Cũng mới đây thôi trong một lần qua Cali thăm mẹ em, em
có cho Liên xem album ảnh mà em còn lưu giữ mang theo. Anh có nhớ lúc anh chia
tay em ở quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ để trở về đơn vị không, em có nhờ
một anh bác sĩ quen cùng khoa chụp giùm cho hai đứa mình một tấm hình không?
Diên à lên một tiếng. Anh nhớ rồi, nhưng lúc đó anh đã trở
về đơn vị nên không thấy được nó.
My tiếp tục nói:
- Khi nhìn thấy tấm hình nầy, Liên ngờ ngợ như gặp được anh ở
đâu nên hỏi em người lính chụp chung với em là ai. Em nói đó là anh Diên người
yêu của em hồi đó. Liên hỏi kỷ càng nguyên nhân hai người gặp nhau, rồi vì sao
hai người không đến được với nhau. Liên còn hỏi em có còn nghĩ đến anh không?
Đương nhiên là em nói có rồi. Sau đó Liên mới nói thật với em nếu em không còn
nghĩ đến anh nữa thì thôi không hé lộ tung tích của anh vì như thế sẽ có lợi cho
cả hai. Khi biết em còn tình cảm với anh, Liên mới thố lộ anh vẫn còn sống và
là anh kết nghĩa với vợ chồng Liên, em đã mừng biết bao nhiêu anh có biết không nhưng em cố nén
lòng mình lại. Chính vợ chồng Cung đã tạo điều kiện cho hai đứa mình gặp lại
nhau đó anh.
- Hèn chi nó cứ điện nằng nặc kêu anh đến buổi họp mặt cho
bằng được mà không nói rõ lý do làm anh bực mình và thắc mắc mãi.
My chợt hỏi:
- Ngày đó anh đang ở đâu sao không đi tìm em?
Diên nói với My sáng 30 tháng 4 ngày đó trung đội anh còn
đang đánh nhau ở Long Khánh. Khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, trung đội anh chạy
ra Vũng Tàu tìm được một chiếc tàu nhỏ vượt biển may mắn gặp hạm đội 7 của Mỹ
đưa vào trại tị nạn Philippine, sau đó được bốc qua đảo Guam rồi từ đó lần lượt
đi định cư ở Mỹ. Anh cũng kể cho My biết anh từng tìm kiếm thông tin của My
nhưng chỉ là bóng chim tăm cá, rồi anh cũng có một lần kết hôn nhưng gia đình
không hạnh phúc đã ly hôn hơn năm năm rồi.
Diên hỏi hoàn cảnh của cô. My cũng cho anh biết sau ngày đó
họ vào tiếp quản quân y viện đuổi hết các thương bệnh binh ra khỏi viện. cô cũng
rời bỏ nhiệm sở từ đó về quê ở Gò Công rồi cả nhà theo tàu đánh cá của người
anh vượt biên. Qua đây cô đi học lại rồi tiếp mẹ lo cho mấy em còn đi học, hơn
nữa hình ảnh của Diên còn trong trái tim của cô nên cô không nghĩ đến việc lập
gia đình.
Diên cảm động không nói nên lời, cầm tay My rưng rưng nước
mắt:
- Anh cám ơn My luôn nhớ đến anh, suốt cuộc đời nầy anh
không biết thế nào bù đắp hết tình yêu của My dành cho anh.
My chớp chớp mắt:
- Mình còn được gặp lại nhau âu cũng là duyên phận anh ạ.
Cả hai cứ thế nói với nhau hết chuyện nầy qua chuyện khác mà
không biết buổi họp mặt đã kết thúc bằng một lời cảm từ ngắn của ban tổ chức và
những tiếng vỗ tay của những người có mặt trong hội trường, ban tổ chức mời mọi
người ra nhà hàng gần đó để nhập tiệc, tất cả đã sẵn sàng những lời nói thăm
hỏi chúc tụng nhau trong những cái cụng ly vui vẻ. Diên lặng lẽ nắm tay My rời
khỏi hội trường ra xe. My hỏi đi đâu vậy anh, Diên chỉ nói nhỏ vừa đủ cho My
nghe ra ngoài nầy có lẽ thú vị hơn em à, chẳng phải chúng ta cần nhiều thời
gian để nói chuyện với nhau hơn là ở trong cái không khí ồn ào náo nhiệt nầy
phải không? My gật đầu không nói gì ngoan ngoãn bước theo anh rời khỏi đám
đông.
Diên đánh xe ra khỏi khuôn viên tòa báo, chạy một đoạn ngắn
rẽ trái ra đường lớn chạy dọc theo bờ sông Potomac hướng về phía thượng nguồn
một đoạn khá xa, dừng lại trước một khoảng đất rộng rãi trống đầy cỏ và những
tán cây thấp, chọn một chiếc băng gỗ trống không người ngồi, kéo My ngồi xuống
rồi anh cũng ngồi bên cạnh My một cách lặng lẽ. Bây giờ trời đã vào thu, những
chiếc lá vàng và đỏ lẫn trong sắc xanh của rừng cây thấp đan xen vào nhau tạo
nên khung cảnh thiên nhiên đầy màu sắc. Mỗi khi có một làn gió mạnh thổi qua,
những chiếc lá lìa cành cuộn lấy nhau tạo thành một trận mưa lá vắt ngay bầu
trời trong vắt và mùi hương từ những loài hoa dại, thảo mộc ven đường làm người
ta như chìm đắm vào một khu rừng cổ tích nào đó. Bên bờ bắc thuộc Washington DC
cũng thế, một màu vàng óng ả xen lẫn màu tím đỏ của rừng cây ven sông trong
buổi chiều tà tạo nên một khung cảnh thật ngoạn mục.
My như ngợp thở trước một không gian đầy lãng mạn, hít vội
vào lồng ngực mình cái không khí dịu ngọt đậm đà đến một cách đột ngột, nó sao
ngọt ngào say đắm đến thế. Diên lặng im nhìn My một cách dịu dàng xen lẫn thích
thú, anh hiểu được tâm trạng của My lúc nầy. Cả hai cùng im lặng ngắm nhìn cảnh
hoàng hôn đang xuống dần trên dòng Potomac.
My chợt hỏi anh:
- Hình như đây là nơi anh thường đến?
Diên chậm rải trả lời:
- Phải! anh thường đến nơi nầy tìm một sự tĩnh lặng những
lúc có thể.
-Vì sao?
- Em có thấy trước mắt mình là dòng sông không?
- Em biết.
- Đó là sông Potomac bốn mùa trong xanh hiền hòa, nó là một
trong những con sông dài nhất nước Mỹ, Potomac
khởi nguồn từ tiểu bang West Virginia và lần lượt chảy qua các tiểu bang
Maryland, Virginia và Washington DC. Đoạn sông chảy qua Virginia là dài nhất, bởi
khi vào tới tiểu bang Virginia dòng sông uốn khúc nhiều lần khi nối với các phụ
lưu nhỏ và mỗi lần tiếp nhận thêm một phụ lưu, dòng sông lớn hơn cho tới khi chạm
mặt với thủ đô Washington DC thì dòng Potomac đã trở thành mênh mông khi xuôi về
phía nam đổ vào vịnh Chesapeake rồi hòa vào Đại Tây Dương. Hơn một thế kỷ trước con sông nầy từng
là chứng nhân cho cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ với hàng triệu người chết nhưng
kết thúc lại rất đầy nhân bản đến nay mỗi lần nhắc đến người ta xem nó như một
huyền thoại, mấy mười năm sau nó cũng lại là chứng nhân trong một việc khác: nó
chứng kiến ngọn lửa bừng lên từ tấm thân của người đàn ông tên Norman Morríon,
anh tự hủy diệt mình trước Bộ Quốc Phòng Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam,
và ngày nay, hằng ngày soi mình trên dòng sông Potomac là tượng đài tưởng niệm
cựu chiến binh Mỹ đã hy sinh ở trong cuộc chiến tranh đầy phi nghĩa ở Việt Nam.
Tượng đài là một bức tường đá bẳng cẩm thạch đen cắm sâu vào lòng đất tạo thành
hình chữ V, trên bức tường khắc ghi tên những quân nhân Mỹ đã tử trận trong cuộc
chiến ở Việt Nam. Hầu như bất cứ lúc nào người ta cũng thấy có nhiều người đến
viếng thăm, họ đứng trầm tư rất lâu và đặt hoa dưới chân tượng đài hoặc lấy tay
dò tìm tên của người thân hoặc bạn bè của mình đã hy sinh ở một xứ sở nhiệt đới
lạ lùng bên kia bờ Thái Bình Dương. Anh cũng thường đến đây những dịp có thể,
nghiệm ra rằng tất cả các cuộc chiến tranh đều vô nghĩa, nó cướp đi biết bao
sinh mạng của con người vì một điều gì chứ?
My im lặng không nói gì, cô tôn trọng những suy nghĩ của
anh, Diên tiếp tục dòng cảm xúc của minh:
- Mỗi lần ra đây ngồi nhìn dòng Potomac hiền hoà chảy xuôi về biển là
anh lại nhớ đến dòng sông Tiền quê mình, nơi dòng sông Cửu Long bắt đầu đi vào đất Việt, Hồng Ngự
nơi anh chào đời, nó cũng hiền hòa trong xanh như thế, nó chảy qua bao thành
phố miền quê nước Việt thân yêu chảy đến vùng đất cuối cùng Gò Công quê em trước
khi hòa vào biển Đông. Tại sao người ta lại biến nó thành dòng sông đầy chết
chóc và tang thương, những con người sống trên hai bờ sông nầy có tội tình gì
phải hứng lấy nỗi khổ đau mất mác chia lìa, những thù hận dai dẳng đến thế.
Ngồi mà nhớ đến My, người con gái Gò Công mà anh luôn tưởng nhớ không biết còn
hay mất, lưu lạc đến chân trời góc biển nào mà lòng không nguôi thương nhớ.
My chớp mắt cảm động:
- Anh nhớ thương em đến vậy sao?
- Khi người ta đánh mất thứ gì quý giá nhất người ta mới
thấy rõ nó quan trọng với mình đến nhường nào em biết không?
Bỗng Diên như chợt nhở ra điều gì, anh lần vào trong chiếc
áo vest lấy ra một cuốn sổ tay mỗi lần anh đi đâu thường đem theo nó để tiện
ghi chép những gì mà anh cảm nhận được, nhiều khi ghi thế không biết để làm gì
nhưng đã trở thành thói quen không thể bỏ được, lựa trang giấy trắng rồi hí
hoáy viết lên đó điều gì. My im lặng không nói chỉ nhìn ra bờ sông. Nắng chiều
đã dịu xuống từ lâu, một làn gió mát thổi qua làm lao xao cành lá. Có tiếng
chim hót đâu đây trên một tàng cây gần đó, không gian êm đềm quá. Một lúc lâu,
My quay sang ông Diên tò mò hỏi:
- Anh viết gì lâu thế?
Diên không ngước lên, trả lời nhẹ nhàng:
- À! Anh đang viết bài thơ ấy mà.
- Để làm gì?
- Tặng em đọc cho vui ngày chúng ta gặp lại nhau trên xứ
người.
My cười hỏi:
- Thơ của anh à?
- Ồ! Không phải thơ anh, thơ một nhà thơ Việt Nam đang sống ở Virginia, viết về sông
Potomac, anh đọc đã lâu thấy hình như ông ta đang viết về mình. Xong rồi em đọc
thử xem.
My tò mò không biết bài thơ viết gì, cầm lấy tờ giấy Diên
vừa rứt khỏi cuốn sổ tay đưa cho cô, cô đọc khẽ:
khi dừng lại bên dòng Potomac
em bên tôi vẫn rất dịu dàng
gió lồng lộng cả một trời đông bắc
tóc em bay trong nắng thu vàng
và như thế mình đi và đã đến
mình đã tìm và gặp được dòng sông
tôi ngồi xuống để nghe sông hát
và đứng lên ôm lấy mặt trời hồng
và như thế mình đi và đã đến
đã bên nhau thủy tận sơn cùng
tôi nằm xuống để nghe đất thở
tạ ơn đời độ lượng bao dung
khi dừng lại bên dòng Potomac
tôi và em nhìn lại quê nhà
buồn hiu hắt thương về chốn cũ
phía chân trời đã mịt mù xa*
- Ừ! Bài thơ buồn mang tâm trạng của người xa xứ. sao giống
tâm trạng của mình đến thế anh nhỉ. Nhìn dòng sông nước vẫn trôi mải miết em
cũng tự hỏi biết nơi đâu là chốn quê nhà anh nhỉ?
- Nhưng mình cũng đã đi và đã đến, cuối dòng sông mình đã
gặp được nhau rồi không phải sao em?
Ông Diên quay sang My, tay nhẹ nhàng quấn lại chiếc foulard
trên cổ My cho kín hơn, mùa nầy về chiều gió nhiều có thể làm My cảm lạnh. My
cảm nhận sự chăm sóc của người bạn bên cạnh ngả đầu vào vai anh nói nhẹ:
- Sớm mai em sẽ bay về Cali.
- Anh biết. Bao giờ mình gặp lại nhau?
- Chắc cũng sớm thôi. “Về thu xếp lại” mà. Anh còn nhớ một
bài hát của Trịnh Công Sơn có câu đó không?
- Anh nhớ chứ. Cái gì cuối cùng rồi cũng phải thu xếp lại,
nhưng đằng sau việc thu xếp đó là gì em nhỉ? Sự an yên của cuộc đời đầy dông
bão, niềm hoan lạc được tìm thấy hay nỗi muộn phiền khôn nguôi của một kiếp
người?
- Tất cả đều có sự sắp xếp của tạo hóa anh ạ.
Trên sông Potomac chiếc du thuyền Odessey đang trở về bến đổ
của nó sau một chuyến đưa khách du ngoạn trên sông. Chiếc du thuyền nhẹ nhàng
trôi trên sông dưới ánh nắng chiều vàng thẩm làm My mường tưởng đến một cánh
chim nào đó đang bay về
tìm tổ ấm của mình sau một ngày vất vả cực nhọc kiếm ăn.
My muốn thời gian như dừng lại trong lúc nầy để cô cảm nhận
được hạnh phúc đến gần với cô hơn bao giờ hết và hình như cô cũng cảm nhận được
tâm trạng của Diên cũng giống như thế.
Ngoài kia, sông Potomac vẫn lặng lẽ trôi một cách êm đềm.
NGUYỄN AN BÌNH
_____________________________________________________
*Bài thơ “Khi Dừng
Lại Bên Dòng Potomac" của Phạm Cao Hoàng.