Thận Nhiện vừa trở lại Mỹ
sau hai năm bị kẹt vì dịch bệnh ở Việt Nam. Anh đã đến Washington DC để gặp gỡ
bạn bè, những tài năng cùng lứa với anh như Đinh Trường Chinh, Phạm Phú Thiện
Giao, Gia Minh, và sau đó có cuộc gặp gỡ tại studio Trương Vũ.
Cách xa mấy năm, lần gặp trước tại tư thất Nguyễn Quang khi Trịnh Cung ra mắt sách, lần đó Thận Nhiên trẻ hơn, ít nói và có vẻ rất thận trọng. Tôi gặp Thận Nhiên lần đó là lần đầu. Tôi rất thích bài diễn từ của anh vừa phổ biến trước đó vài tháng nhân dịp anh nhận giải thưởng Văn Việt năm 2018. Tiếc là hôm đó sơ giao, và lại là một sinh hoạt có chủ đề khác nên trò chuyện rất ít và rất ngắn với Thận Nhiên.
Lần này thì khác, một vòng
tròn rất nhỏ để có thể hỏi, có thể nói
cùng lúc có thể nghe và cùng chia sẻ với Thận Nhiên nhiều hơn.
Thận Nhiên viết nhiều từ hải ngoại, trên các tạp chí văn học báo giấy, báo mạng, sau đó anh về Việt Nam sống và làm việc khá lâu. Trong thời gian đó, anh thuê một chỗ ở trong chung cư, ở tầng thứ 14, và giai đoạn này anh viết “Những Ghi Chép Ở Tầng Thứ 14”.
Khởi đầu tiểu thuyết này
đăng nhiều kỳ trên facebook, sau đó được nhà văn Ngô Thị Kim Cúc
(trong nhóm chủ trương trang mạng Văn Việt) đề nghị đăng trên Văn Việt và đề cử
dự giải. Sau đó Văn Việt trao giải thương Văn Việt 2018.
Tôi biết về Thận Nhiện rất
trễ, bởi vì gần ba mươi năm trước, khi Thận Nhiên viết nhiều và đều đặn trên
các tạp chí hải ngoại thì tôi mới vừa định cư ở Mỹ, còn đang chúi đầu vào cơm
áo gạo tiền cho đời sống mới, chưa có thời gian tìm đến với văn chương. Sau này, qua facebook, tôi có dịp đọc được từ Thận
Nhiện những truyện ngắn. Dường như, cái truyện đầu tiên thu hút tôi là chương thứ 7 của tiểu thuyết (NGCOTT14). Tôi
vẫn nhớ cái cảm giác choáng ngợp bởi những dòng chữ trùng trùng cảm xúc, rất mới,
rất lạ của Thận Nhiên.
Tôi rất thích bài diễn từ nhận giải Văn Việt của Thận Nhiên vì sự thẳng thắn và gần gũi của tác giả, vì các địa danh thân thuộc mà Thận Nhiên nhắc đến như Virginia, Michigan, Bình
Chánh, Saigon, Vũng Tàu. Và hơn thế nữa, những điều anh viết xuống chính là những
điều tôi nghĩ đến mà chưa thể viết ra.
Và đó chính là nỗi khao khát gặp gỡ và trò chuyện với Thận Nhiên. Xin
trích đoạn diễn từ này về tình trang chung của người cầm bút trong giai đoạn hiện
tại:
“Nhìn
lại các sáng tác văn chương VN trên không gian mạng thì ta thấy thể loại phổ biến
nhất là thơ, và truyện cực ngắn, rồi tới truyện ngắn, sau cùng, và hiếm hoi, mới
có tiểu thuyết. Số lượng tác phẩm tỷ lệ thuận với độ ngắn của tác phẩm. Lý do
có thể là do người viết không phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho các
thể loại có ít số lượng chữ, và độ ngắn của chúng thì hợp với cách đọc nhanh vội
trên màn hình của laptop hay Smartphone.
Tôi
nghĩ, sáng tác văn chương giống múa võ và đánh nhau.
Thơ
và truyện cực ngắn là những bài quyền, yêu cầu là múa đẹp.
Tản
văn, tạp văn, tuỳ bút cũng là những bài quyền, dài hơn, công phu hơn, trường
quyền, hay dợt nhau qua lại vài cú trên sàn tập.”
Và:
“Tôi
chơi Facebook và thử mở đường máu bằng cách post những sáng tác lên trang Facebook.
Tôi luôn post bài trong chế độ public để bất cứ ai muốn cũng có thể đọc. Tôi có
2,817 bạn trong friendlist, những mong sẽ có chừng 200 người đọc mình. 200
người tri âm và ân tình là cũng vui rồi, trong khi chờ một ngày mai tươi sáng
hơn, sẽ tới.
Tôi
thấy không mấy ai post tiểu thuyết lên Facebook. Nó vừa bất tiện cho người đọc,
vì quá dài để theo dõi, vừa bất công cho người viết. Bất công vì cặm cụi viết hằng
mấy tháng trời mới xong một bản thảo, để rồi khi post lên thì nó không sống được
quá hai ngày rồi bị hàng ngàn thông tin khác đè lên, chôn lấp.
Sau
khi đã đăng trên Website Tiền Vệ mấy năm trước, tôi sửa chữa một ít chi tiết, rồi
post từng chương tiểu thuyết “Những ghi chép ở tầng 14” lên Facebook. Nó được lọt
vào mắt xanh của chị Ngô Thị Kim Cúc. Cám ơn chị. Chị đã đăng lên Văn Việt và đề
cử dự giải, rồi tôi có giải thưởng hôm nay.”
Tập tiểu thuyết này, sau đó
phát hành ở hải ngoại, do Văn Học Press xuất bản. Trong lời giới thiệu tác phẩm, nhà văn Trịnh Y Thư viết:
“Mặc
dù cốt truyện không là cái gì quan trọng nhất trong tác phẩm, cuốn tiểu thuyết
thuật chuyện một cậu thanh niên, con trai một cặp vợ chồng bỏ nước ra đi sau
ngày miền Nam thất thủ, sinh ra và trưởng thành trên nước Mỹ, nhưng lại muốn
sang Việt Nam sinh sống một thời gian dài. Để làm gì thì chúng ta chỉ có thể hiểu
một cách lờ mờ, vì chính bản thân “hắn” cũng không rõ. Đi tìm một cuộc phiêu
lưu đầy hứng thú với những cảm giác mới, mạnh, lạ? Đi tìm nguồn cội của mình
qua những câu chuyện nặng phần huyền thoại về tổ tiên, dòng họ “hắn” nghe được
từ cha mẹ, ông bà? Quá chán chường, thậm chí hoang mang với cái căn cước “trái
chuối” của mình, bên ngoài vàng nhưng bên trong trắng, và muốn làm cái gì hầu
phá tan mặc cảm đó? Vân vân. Có thể tất cả những lí do đó đã là động lực cho “hắn”
từ bỏ đời sống mình đang có để lần mò sang cái mảnh đất xa xôi, nhiễu nhương, lắm
chuyện, có tên gọi Việt Nam.
Thận
Nhiên hiểu rõ tâm trạng khủng hoảng căn cước của những “trái chuối.” “Hắn” và
cô gái tên Cathy trong truyện là hai “trái chuối.”
Khủng
hoảng căn cước là trạng thái tâm lí, ý thức tự thân của một con người, biểu hiện
bởi tâm trạng hoang mang, lo lắng, không biết xử trí ra sao trong mọi cảnh huống
khi tâm thức hắn trở nên bất an, mà nguyên do thông thường là sự đổi thay trong
mục đích sống và vai trò xã hội. Hắn không còn cảm thấy là một phần của cộng đồng
xã hội nữa, hắn như ở thế giới khác, kẻ đứng ngoài lề chẳng hề can dự gì vào tiến
trình và an sinh của nhóm người bên trong, hắn cảm thấy mình là kẻ bị chối bỏ,
kẻ không được chấp nhận trong ngôi nhà chung của mọi người. Hắn nghĩ thế và hắn
không ngớt loay hoay trong chiếc rọ, cuối cùng dẫn đến tình trạng hắn không còn
biết mình là ai, phải làm gì.”
Trong chuyện trò hôm nay, Thận
Nhiên nói tới cái thực và phi thực của tác phẩm, câu chuyện về một chàng trai
người Mỹ gốc Việt, thao thức về nguồn cội của mình và lên đường tìm kiếm. Đoạn
đường gặp gỡ với Người Cha, Người Ông, Người Tình, và nhiều nữa, chàng
trai gặp gỡ, chuyện trò và nhập hẳn vào
những đối tượng đã gặp với những khốn khó, bức bối và quẩn bách của từng người
và của từng thời. Thận Nhiện viết : “Tìm lại căn cước của mình, và dấu vết
của lịch sử và quê hương, là ám ảnh khắc khoải của người di dân. Cuốn tiểu thuyết
này là về một người trẻ tuổi, sanh ra và lớn lên ở Mỹ, muốn giải tỏa những ám ảnh
đó.”
Sống ở Mỹ, sau đó về Việt
Nam một thời gian khá dài, rồi trở lại Mỹ, sau đó, lại quay về Việt Nam để
chăm sóc người Cha già yếu, dự trù vài
ba tháng thì về, nhưng dịch bệnh đã giữ anh lại trên hai
năm, Quay về Mỹ, Thận Nhiên có những cảm xúc khác lạ vì những thay đổi thật nhiều,
anh chia sẻ:
“Tôi vừa trở lại Mỹ được 2 tuần sau hơn hai
năm kẹt lại ở VN vì dịch COVID và gia đình. Sau những thay đổi về môi trường sống,
thì người ta phải mất một thời gian để điều chỉnh lại những thói quen, những
sinh hoạt, để phù hợp với hoàn cảnh sống, tuy rằng nó từng là cũ nhưng giờ là mới.
Tôi không còn bị tình trạng mất ngủ vì thay đổi múi giờ. Cũng đã quen với cái lạnh
đầu mùa Xuân ở Michigan và New York city. Điều còn lại là những tiện nghi và
giá cả sinh hoạt. Mỹ đắt quá, mà cũng rẻ quá so với VN. Ở Vũng Tàu, mùa này tôi
thường mua trái thanh long với giá chừng 25 ngàn/một ký, có khi chỉ 15 ngàn, tức
là chưa tới $1, thì ở những sạp trái cây ở NY thanh long có giá $5 một pound , tức
là khoảng 130 ngàn/nửa ký. Đắt gấp 10 lần. Hay trái bơ, trong siêu thị NY có
giá $2/ một trái nhỏ như trong hình. Ở Vũng Tàu chắc một ký khoảng vài chục
ngàn.
Nhưng ngược lại, tôi phải
làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ trước giờ lên máy bay, phải chạy ngược chạy
xuôi mới làm được, với giá 1 triệu đồng, khoảng $50, và chi phí đi lại, sắp
hàng chờ cả buổi. Ở NYC, trạm xét nghiệm gần như được đặt ở các góc phố, và miễn
phí. Tiêm vaccine cũng miễn phí và không phải qua một thủ tục hay phải có “ông
ngoại” nào cả. Có lúc người chích còn được thưởng $100.
Ở Sài Gòn, ai cũng sợ bị giật
đồ, giật điện thoại di động, không dám lơ đễnh khi ra khỏi nhà. Ở NYC, các cô cầm
túi xách LV giá vài ngàn dollars đi nghênh ngang mà không ai thèm ngó. Tuy
nhiên, nếu là người gốc Á thì bạn phải thật cẩn thận trên đường phố hay trên
các phương tiện đi lại công cộng như subway hay bus: bạn có thể bị tấn công vô
cớ, bạn là nạn nhân tiềm năng của những kẻ phân biệt chủng tộc. Chuyện ấy vừa xảy
ra với tôi hôm qua".
Thận Nhiên tên thật Tôn Thất
Thiện Nhân, sanh năm 1962 tại Long Khánh. Anh sang Mỹ năm 1990, Kiếm sống bằng
nhiều nghề, ở nhiều nơi. Thận Nhiên viết văn xuôi, thơ, dịch sách; cộng tác
với những diễn đàn văn học hải ngoại và trong nước, dưới đất và trên mạng; bút danh
thường ký Thận Nhiên, viết báo ký Nam Đan, dịch sách ký Nguyễn Tuệ Đan, viết
các thứ khác ký Bùi Thị Lài.
Gặp gỡ Thận Nhiên vào giữa
mùa Phục Sinh, câu chuyện từ những kỷ niệm rất gần gũi thân mật với nhau, những
cảm nghĩ khi viết, khi nhớ, sự đông cứng của ngòi bút khi những biến chuyển
chung quanh quá dồn dập từ chiến tranh, dịch bệnh đã làm chúng ta gần như ngợp thở,
và tê liệt. Thật vui và cũng thật xúc động khi ngay ngày hôm sau, từ facebook
Thận Nhiên đưa lên một bài thơ:
GIẢ THIẾT VỀ CÁNH TAY PHẢI CỦA
CHÚA GIÊ-SU
quân
dữ đóng đinh Giê-su trên đồi Gôn-gô-tha
tôi
đứng cuối dốc chặng đường thương khó
tiếng
búa nện chan chát
khi
Magdalena lấy tóc lau chân người
ông
vẫn chưa chết
khi
những ngả đường vào Băng-cốc bị đóng chốt
ông
vẫn chưa chết
khi
người ta hạ thập giá xuống
ông
vẫn chưa chết
khi
lệnh thiết quân luật được ban hành ở Lhasa
ông
vẫn chưa chết
khi
máu trong người chảy cạn thấm đầy mặt đất
ông
vẫn chưa chết
khi
xe tăng nghiến xích trên quảng trường Thiên An Môn
ông
vẫn chưa chết
khi
trời đất tối sầm thì mọi người kinh sợ bỏ về
*
tôi
phát hiện ra ông
ngoài
mái hiên ngôi nhà thờ nhỏ ở Long An
anh
thợ mộc ba mươi ba tuổi đang khát lịm trên thập giá
cánh
tay phải đứt rời treo lặc lìa kỳ dị
tôi
chĩa ống kính vào mạn sườn
tìm
tín hiệu sự phục sinh
Giê-su
chưa chết!
tôi
gọi xe cấp cứu 115 bằng điện thoại di động
những
biện pháp cầm máu không phủ sóng
*
khi
tôi viết xuống những dòng này
ông
vẫn chưa chết
thoi
thóp thở
chờ
đợi
cơn
hấp hối kéo dài đến vô tận
nhưng
cánh tay phải tự nó tháo rời ra khỏi lỗ đinh
rồi
cất lên khỏi mặt địa cầu
*
tôi
ngó lên bầu trời đêm Địa Trung Hải
ngoài
những vệ tinh viễn thông và hệ thống phòng thủ từ xa
là
tín hiệu của sự sống
đêm,
trái đất lang thang ngây ngất
cánh
tay phóng đãng đã ân cần ôm mái tóc lả lơi
trong
quán rượu hai ngàn năm trước
lững
lờ bay trong vũ trụ mênh mông
Một bài thơ lạ và hay. Đúng
như văn phong của Thận Nhiên, cái siêu cảm trong mùa Phục Sinh đã nối từ Gôn-
Gô-Tha về Địa Trung Hải, qua Băng-Cốc, qua Lhasa, về Long An, về Địa Trung Hải
từ một lỗ đóng đinh trên một cánh tay rời. Pho tượng cánh tay phải của chúa Giê
Su bị gãy rời mà Thận Nhiên bắt gặp gây xúc động cho anh và bây giờ cho người
đọc khắp nơi. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã comment ngay:
“Sao có cái ảnh lạ lùng được
vậy? Và… trong sâu thẳm thi sĩ là một tín đồ, một con chiên Chánh tín đến bất
ngờ! Love your picture and poems!”
Tôi thích và rung động với
câu thơ này:
“nhưng cánh tay phải tự nó
tháo rời ra khỏi lỗ đinh
rồi cất lên khỏi mặt địa cầu”.
Nguyễn Minh Nữu
Virginia, 19.4.2022