SONG THAO
ĐỌC
“THÀNH TÔN, MỘT ĐỜI THẮP TÌNH”
Trong bài tựa của
cuốn sách dày 510 trang này, anh Phạm Phú Minh đã nhận xét Thành Tôn là một người
hiền. Trong bài “Thành Tôn, Người Tình Thủy Chung Với Chữ Nghĩa” có trong cuốn
sách, Khánh Trường mở đầu: “Anh hiền. Đó
là ấn tượng đầu tiên khi mới gặp Thành Tôn. Anh hiền thật, có vẻ hơi… quê nữa”.
Nhà nghiên cứu Trần Huy Bích trong bài “Anh Thành Tôn” nhận thấy Thành Tôn có một
trái tim bồ tát! Nhà thơ Trần Yên Hòa nhắc lại một câu nói của anh Thành Tôn: “Chơi với bạn,
mình chỉ nhìn vào cái tốt của bạn để kết thân”.
Nhà thơ Phan
Xuân Sinh kể lại một chuyện xưa, khi Thành Tôn làm Bí Thư cho Đại Tá Hoàng Đình
Thọ, Tiểu Khu Trưởng Quảng Tín. Khi nhà thơ Hạ Đình Thao ra trường Thủ Đức và
được đổi về Quảng Tín, Phan Xuân Sinh nhắc: “Mầy
thân với anh Thành Tôn, nhờ ảnh nói với ông Thọ một tiếng để ấm thân chút đỉnh.
Nó trả lời với tôi là không được đâu, anh Thành Tôn rất ngại những chuyện này,
đứng làm khó ảnh tội nghiệp. Chính lúc đó tôi mới biết cái tính ngay thẳng của anh
Thành Tôn. Ngồi một cái nơi dễ dàng tham nhũng, sống giữa một đám tham nhũng có
hệ thống mà anh không một chút hệ lụy với nó. Như vậy đủ biết con người của anh
như thế nào, còn hơn một vị Bồ Tát!”
Nhiều người nói
anh hiền thì chắc anh phải hiền thật. Mỗi lần qua chơi Cali, tôi thường “bắt nạt”
ông người Quảng hiền hậu này. Ở chơi một tuần thì bắt nạt anh Thành Tôn một tuần,
hai tuần thì bắt nạt anh hai tuần. Anh bị tôi bắt nạt mà chẳng bao giờ tắt nụ
cười. Chuyện bắt nạt này là việc nhờ anh chở đi nơi này nơi khác. Thực ra chẳng
có một ông Uber nào có thể đưa tới nơi, trả về tới chốn như Thành Tôn. Anh rành
đường đi nước bước tới nhà các bạn văn như có cả một cái google map trong đầu. Tư gia của Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn, Du
Tử Lê, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Phú Minh, Khánh Trường và nhiều khuôn mặt văn hóa khác anh đều thường lui tới.
Đúng ra tôi không bắt nạt nhưng Thành Tôn tự
nguyện. Nhà thơ Phan Xuân Sinh cũng đã từng hưởng sự tự nguyện của Thành Tôn
như tôi: “”Khi đến Cali tôi là người làm
phiền anh nhiều nhất. Anh biết tôi không có xe nên đi đâu anh cũng đến chở đi thăm
người này người kia, và cũng nhờ anh một phần tôi mới có dịp đến thăm các bậc
văn nghệ đàn anh”.
Anh bề bộn bạn
bè và lui tới thăm hỏi thường xuyên. Chẳng thế mà số người viết trong cuốn sách
này đông đảo vô cùng. Phạm Phú Minh, Trần Huy Bích, Cung Tích Biền, Cao Thoại
Châu, Đinh Cường, Hà Nguyên Dũng, Lê Hân, Trần Yên Hòa, Luân Hoán, Phạm Cao
Hoàng, Lê văn Hội, Hoài Khanh, Nguyễn Vy Khanh, Hoàng Thị Kim, Du Tử Lê, Tường
Linh, Hoàng Lộc, Trần Thị Nguyệt Mai, Nguyên Minh, Lưu Na, Trần văn Nam, Trần
Doãn Nho, Võ Phiến, Hà Khánh Quân, Phan Xuân Sinh, Lê Huyền Thanh, Song Thao, Trần Hoài Thư, Trịnh
Thanh Thủy, Nguyễn Mạnh Trinh, Khánh Trường, Hoa Văn, Nguyễn Xuân Thiệp, T. Vấn.
Người còn sống, người đã bỏ đi, người trong nước, người ở ngay Cali, người ở
các quốc gia khác trên thế giới, người còn viết, người đã nghỉ viết. Tất cả đều
như không thể không viết về Thành Tôn.
Thành Tôn xứng
đáng được yêu mến như vậy. Vì anh là người có lòng với sách vở. Hồi còn ở trong
nước, anh ngụ tại Đà Nẵng, sách vở thường được xuất bản tại Sài Gòn, anh là người
tự nguyện phát hành sách cho các nhà Lá Bối, An Tiêm tại miền Trung. Phương tiện
chuyên chở sách là xe đạp. Anh kể với tôi những lần sách cột sau xe đạp bị rớt
lên rớt xuống phát mệt. Nhưng, anh nói thêm với nụ cười sảng khoái, rất vui.
Nhà thơ Luân Hoán, đồng hương với anh, thơ về chuyện này.
bạn hiền chở sách đi đâu
thùng nghiêng, xe ngã, áo nhàu nắng trưa
giúp tay bạn, câu hỏi đùa:
bao nhiêu sinh mạng ông thừa sức bưng?
xin đạp thong thả, cầm chừng
để hồn chữ nghĩa sau lưng ngóng đời
may ra ai đó thấy tôi
bốc làm nhân vật sống đời cũng vui
đạp chậm nhé, đừng quay lui
An Tiêm, Lá Bối ngậm hơi qua đường
cuộc đời quả thật dễ thương
thắp tình phân phát mùi hương sách vàng
Thành Tôn nay,
như nhiều người chúng ta, không thể sống được nơi quê hương, nhưng anh vẫn nợ
sách. Sách tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại. Anh là người sẵn sàng cõng sách của
bạn bè tới nhà sách để phát hành. Tôi là một trong số những người có sách được
cõng như vậy. Việc nay việc xưa y như nhau, nhưng có chút khác biệt. Xưa là xe
đạp, nay là chiếc Toyota Corolla cũ mèm nay ho hen mai nóng sốt. Phương tiện có
khác, hoàn cảnh có khác, nhưng tấm lòng vẫn chỉ có một. Được như vậy một phần lớn
là nhờ chị Trinh, một người vợ luôn hỗ trợ người chồng bồ tát này.
Sách là cuộc sống
của anh. Hành trang qua định cư tại Mỹ của anh là những thùng sách mà anh nhiều
công nhặt nhạnh được nơi vỉa hè bán sách cũ. Sách của bạn bè, sách của những
người chưa là bạn bè, anh thấy sách quý là bỏ tiền ra mua lại. Và cõng qua Mỹ.
Có dịp là anh tặng lại cho các tác giả có những đứa con lưu lạc. Nhà thơ Nguyên
Minh kể lại một trong những dịp đó. “Như
việc nhà thơ Thành Tôn tặng lại tập thơ “Con Đường Tình Nhân” của Hải Phương
cho chính tác giả. Buổi họp mặt thân tình đó có tôi, anh chị Hải Phương từ San
Jose mất sáu tiếng đồng hồ ngồi trên xe đến Los. Bạn bè đã ngồi sẵn nơi một
quán cà phê gần Phước Lộc Thọ, có các bạn suốt cả đời gắn bó với văn chương chữ
nghĩa. Hải Phương xúc động khi cầm lại tập thơ của mình xuất bản tại Sài Gòn
vào năm 1964, thất lạc trong chiến tranh”. Tập thơ này Thành Tôn đã tình cờ
mua được trong một lần lang thang trên vỉa hè bán sách báo cũ vào năm 1986. Anh
tặng lại tác giả vào năm 2012. Như vậy anh đã giữ đứa con tinh thần của bạn
trong 26 năm! Chuyện xảy ra tương tự như trường hợp tập thơ “Mật Đắng” của Nguyễn
Đình Toàn và nhiều tập thơ của Du Tử Lê. Khi Du Tử Lê muốn in thơ toàn tập, khi
Trần Hoài Thư muốn sưu tập và in bộ “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” dày tới
1550 trang và bộ “Văn Miền Nam Thời Chiến” dày 2300 trang hay Phạm Phú Minh muốn
tổ chức hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn hay số hóa toàn bộ báo Phong Hóa, Ngày Nay
và Bách Khoa, họ đều phải ới Thành Tôn.
Thành Tôn có lẽ
là người ở Mỹ lưu giữ kho tàng văn hóa Việt Nam trước 1975 phong phú nhất. Năm
2010, thầy Từ Mẫn, người chủ trương nhà xuất bản Lá Bối trong nước trước đây,
nay hoàn tục là ông Võ Thắng Tiết, chủ trương nhà xuất bản Văn Nghệ tại Cali,
có in lại cuốn Nhan Sắc của Dương Nghiễm Mậu. Tác giả ngạc nhiên không hiểu sao
nhà xuất bản lại có được bản in lần đầu của cuốn truyện này. Khi được biết người
còn giữ được bản in đã tuyệt bản từ lâu này là Thành Tôn, Dương Nghiễm Mậu đã gửi
thư cho Thành Tôn. “Gửi anh Thành Tôn, Hồi
thầy Từ Mẫn in cuốn Nhan Sắc ở bên, thầy về nước cho tôi cuốn sách mới. Tôi hỏi:
sao thầy có được bản in lần đầu này? (vì trước 1975 cuốn sách đã được in lần thứ
hai). Thầy Từ Mẫn nói: nhờ anh Thành Tôn. Tôi vẫn thắc mắc: sao anh có được cuốn
sách khi ở bên đó, không lẽ khi đi anh mang theo?”.
Một chuyện
khác. Trong một lần điện đàm viễn liên Quận Cam – Montreal, anh Thành Tôn có kể
với tôi trường hợp cô sinh viên người Nhật Aki Tanaka của trường Đại Học Ngoại
Văn Tokyo. Cô rất thích văn hóa Việt Nam, đã qua Việt Nam tìm hiểu về Tự Lực
Văn Đoàn, đặc biệt là Khái Hưng. Trong một lần qua Cali vào năm 2013, cô nghe
tiếng và tìm tới anh Thành Tôn. Anh tặng cô ba cuốn sách trong đó có cuốn “Tưởng
Niệm Khái Hưng”. Cô viết thư cám ơn. “Cháu cám ơn chú rất nhiều vì đã tặng
ba cuốn sách rất quý cho cháu. Đặc biệt là “Tưởng Niệm Khái Hưng” vì cháu định
viết luận văn về ông Khái Hưng. Đọc qua sách này khiến cháu rất phấn khởi
nghiên cứu về văn học của Khái Hưng. Đến mức cháu có cảm nhận “gặp được sách
này là do vận mệnh phải chăng?”. Nghe chuyện, tôi mới cảm thấy việc ghiền sưu tầm sách của
Thành Tôn đã mang lại những lợi ích như thế nào. Cầm cuốn “Thành Tôn, Một Đời
Thắp Tình”, tôi bồi hồi xiết bao khi thấy có hình chụp bức thư viết tay của cô
sinh viên Nhật này.
Anh chị Thành Tôn ngụ tại một căn nhà
nhỏ chỉ có một phòng ngủ, một phòng khách liên thông với phòng ăn. Trong không
gian “ấm cúng” này, sách lấn người, nằm đầy ắp không cần biết phòng nào với
phòng nào. Đó là một thư viện vượt qua mọi quy ước. Sách ngổn ngang, lộn xộn,
chen chân leo lên cả bàn thờ. Giới văn nghệ nơi Quận Cam chắc đều đã có dịp lui
tới “thư viện” này. Giới văn nghệ lưu vong ngoài quận Cam, nếu có lòng với
sách, cũng đều đã đặt chân tới nơi lộn xộn thân tình này. Nhà văn Trần Doãn Nho
từ Boston qua đã tới “viếng”: “Sau chầu
cà phê sáng ở tiệm cà phê Factory – nơi mọi người có thể đến để gặp nhau, tôi
đòi ghé thăm nhà chàng. Chàng trù trừ không chịu, muốn hoãn lại để dọn dẹp,
nhưng tôi nhất quyết đi, vì muốn thấy tận mắt cái ‘rin” của nhà chàng. Đó là một
căn nhà nhỏ, đồng thời cũng là kho chứa sách mà cũng là chỗ làm việc, chỗ đọc
sách, chỗ phục chế, tóm lại là chỗ làm ra sách. Thật là ngổn ngang sách, ngổn ngang
việc, và ngổn ngang tấm lòng. Sách, báo cũ, bìa, kéo cắt, băng dán, các hộp đựng
tài liệu… Tất cả nằm chen chúc, chồng chất, chen lấn nhau, chiếm hầu hết diện
tích căn nhà”. Trong rừng sách này, Thành Tôn tiết lộ có chừng 10 ngàn cuốn
trong đó có khoảng một ngàn cuốn sách xưa hiếm có.
Thư viện sách này cũng cho mượn nhưng
mượn không có giấy tờ chi. Nếu người mượn không trả cũng không sao. Thành Tôn
quan niệm sách là của chung. Ai cần hơn sẽ đáng giữ hơn. Thành Tôn tâm tình với
Trịnh Thanh Thủy. “Tôi rất quý sách, quý
như câu ngạn ngữ của Pháp về sách: “Sách là vợ nên sợ khi cho mượn. Ai lại cho
mượn vợ bao giờ, nhưng ngược lại tôi không giữ sách cho mình mà muốn giúp người
khác đọc sách, cùng yêu sách như mình, nhất là thế hệ trẻ sau này. Sở dĩ tôi
làm vậy, vì tôi cũng là một người sáng tác nên tôi quý giá trị của từng lời
văn, cốt truyện của từng cuốn sách. Tác phầm nào cũng có cái hay cái đẹp. Khi đọc,
tôi đọc theo trình độ của người viết, giai đoạn lúc họ in cuốn sách. Mình phải
đặt mình đúng vai trò của người viết sách trong thời điểm đó, để hiểu những câu
văn, ý thơ trong giai đoạn đó”.
Khi cho biết số
sách anh có tại nhà, chắc Thành Tôn không tính tới loại sách mà anh tự chế ra.
Đây là cái tài lẻ anh thực hiện từ xưa tới nay. Anh chơi không biết chán. Nhà
anh la liệt những dụng cụ tự chế để anh làm lại một cuốn sách. Tôi gọi đùa là
anh clone sách như người ta clone bò clone dê. Giáo sư Trần Huy Bích kể về cái tài lẻ rất nhuần nhuyễn của
Thành Tôn: “Một anh bạn trong hội Cựu
Giáo Chức mua được từ một sạp bán sách cũ bên lề đường Paris tập Rừng Phong của thi sĩ Vũ
Hoàng Chương. Tập thơ ở tình trạng cũ rách, gáy đã long, một số trang đã rời
ra. Nhưng đó là một bản đặc biệt, nhà thơ Vũ Hoàng Chương tặng nhà văn Nguyễn Sỹ
Tế, với lời đề tặng cùng chữ ký của tác giả. Khi trao tập thơ cho tôi anh bạn nói: “Tôi đem đến đưa
anh vì thấy anh đáng giữ tập thơ này”. Không xã giao thoái thác, tôi cám ơn anh
và đưa tay nhận. Nhưng lập tức, tôi cũng thấy ngay trách nhiệm của mình: không
thể để tập thơ nằm chết trong tình trạng cũ nát ở đáy tủ sách của mình, mà phải
làm cách nào để có một số bản ở tình trạng tốt và đẹp đẽ hơn, có thể mở ra đọc
dễ dàng, để tập thơ có một địa vị xứng đáng trong tủ sách của một số người biết
đến giá trị thơ Vũ Hoàng Chương…Sau khi hỏi anh Phạm Phú Minh, tôi được biết
anh Thành Tôn cùng với một người bạn trẻ là hai người bạn mà tài nghệ cùng tấm
lòng với sách vở đáng được tin cậy hơn cả trong việc phục chế lại tập thơ ở
tình trạng cũ rách này. Kết quả thật hoàn hảo: tập thơ được scan, in và đóng lại
rõ và đẹp như mới được in ra. Khi đem đến bà Nguyễn Sỹ Tế, bà ngạc nhiên và cảm
động, long trọng thắp hương dâng sách trên bàn thờ nhà văn”.
Anh Trần Huy
Bích không viết về các công đoạn để phục chế cuốn thơ của người thầy của anh và
của tôi tại Chu văn An khi chúng tôi mới di dư vào Nam. Đầu tiên anh Thành Tôn phải tìm được loại
giấy hoa tiên na ná như giấy của bản chính. Sau đó cuốn thơ được xé ra thành từng
trang rời, sửa lại như người ta sửa tranh cổ khi phục hồi, scan lại mỗi trang, cắt dán cho vừa vặn, photocopy lại từng trang và
khâu đóng lại. Muốn thực hiện tốt những công đoạn này phải có tài (lẻ?), có hoa
tay, tính kiên nhẫn và tấm lòng với sách. Tôi đã được tận mắt nhìn bản chính và
bản chế cuốn thơ này. Nhà văn Trần Doãn Nho cũng đã được tỏ tường. Anh kể lại:
“Cầm hai tập thơ, thú thật, tôi không
phân biệt cuốn nào là cuốn thật, cuốn nào là cuốn phục chế. Chàng cho biết tập
thơ này do người yêu sách mua được trên vỉa hè Paris, gửi biếu GS Trần Huy
Bích, chàng mượn và “chế” thành nhiều bản y chang như bản gốc, dành tặng bạn
bè… Không những phục chế sách, báo cũ, chàng còn “chế tạo” sách của nhiều tác
giả bằng cách sưu tập bài vở của các tác giả đăng trên các báo, cắt ra, để
dành. Lâu dần, nếu thấy đủ, là chàng chế biến thành một tập sách hẳn hoi. Để
làm gì? Để làm thành một bản hoàn chỉnh, nghĩa là một tác phẩm, biếu cho chính
tác giả”. Thảnh Tôn đã “chế” ra sách mới này khi mừng sinh nhật Đạm Thạch,
khi cúng Trần văn Nam. Đó là tấm lòng bạn bè. Mang được chút vui nào cho bạn,
“bồ tát” Thành Tôn đều làm, không kể công sức.
Chuyện clone sách, chế sách mà tôi gọi là tài lẻ của Thành Tôn, không phải
là trò chơi tuổi hưu trí của Thành Tôn. Ngay từ năm 1967, khi xuất bản tập thơ
duy nhất “Thắp Tình”, Thành Tôn đã tự tức tự cường. Nhà thơ Luân Hoán kể lại sự
tình: “Thắp Tình là một tập thơ rất đặc
biệt trong công việc ấn loát. Tác giả đã bỏ ra tâm huyết và công sức một cách
trọn vẹn vào các khâu: trình bày bìa, sắp chữ, đạp máy in, đóng, cắt và phát
hành. Công việc thật nhiêu khê, tỉ mỉ như vậy, tôi tin chắc chưa có một nhà thơ
Việt Nam nào đủ chân tình và khả năng để thực hiện”.
Tính tôi hay giỡn, mà giỡn với Thành
Tôn là yên chí lớn. Có bao giờ anh giận ai đâu! Tôi gọi Thành Tôn là thi sĩ “độc
bản”. Cho tới nay anh chỉ in độc nhất tập Thắp Tình. Trần Yên Hòa hỏi sự tình,
Thành Tôn chỉ nói: “Làm thơ như vậy đủ rồi. Bây giờ mình thấy làm thơ không
hay, thôi không làm thơ nữa!”. Thơ Thành Tôn trong Thắp Tình rất mới, cho tới
giờ vẫn mới, anh em thúc giục in lại, Thành Tôn cứ lửng lơ con cá vàng. Sách của
người thì tận tụy, sách của mình cứ lân la. Cuối cùng, nhân in cuốn “Thành Tôn,
Một Đời Thắp Tình”, anh mới cho Thắp Tình ăn theo. Tập thơ vỏn vẹn 100 trang gồm
hai phần: phần 1 dành cho những người thân trong gia đình, phần 2 là suy tưởng
của một thanh niên, một người lính, trước thân phận đất nước. Nhà phê bình Nguyễn
Vy Khanh và nhà văn Trần Doãn Nho đã đọc tập thơ này.
Nguyễn Vy Khanh viết: “Thành Tôn sử dụng nhiều thể loại thi ca một
cách tự nhiên và với những cách dùng chữ, hình ảnh và nhạc tính đặc biệt của
riêng nhà thơ trong thi tập duy nhất của ông trước biến cố 1975, đã thực sự
thành công đến với người yêu thơ. Không siêu hình hay lý thuyết cao đẳng, chỉ từ
vị thế “một ta” trong một thế giới cũng đành, Thành Tôn đã thắp tình lên
để đi thuyết giáo cái đạo Tình thương yêu, nhân bản nhưng thường hằng của đời”.
Thành Tôn đã
theo học hàm thụ môn triết của Đại Học Đà Lạt nên thơ của anh,
thơ trong thời chiến, mang nhiều trăn trở về phận mình, phận nước. Trần Doãn
Nho, trong bài “Thơ Thành Tôn, Thân Xác Như Một Ám Ảnh Hiện Sinh”, đã đặc biệt
bàn về khía cạnh triết trong thơ Thành Tôn mà anh gọi là “những khắc khoải đượm
mùi triết lý”. Khắc khoải về sự hiện diện của con người, về tương quan giữa tâm
và thân. Anh viết: “Có lẽ Thành Tôn không
có ý muốn đem thơ của mình lao vào cuộc tranh cãi dằng dai không dứt này. Nhưng
rõ ràng những tranh cãi đó đã ảnh hưởng sâu đậm lên cảm hứng thi ca của anh. Là
nhà thơ, Thành Tôn không quan tâm trả lời cho vấn nạn thân xác-tâm hồn. Mà chỉ
khắc khoải về sự ràng buộc của chúng. Không có ràng buộc đó, con người không hiện
hữu, nhưng đồng thời, đó là một ràng buộc kỳ lạ, thậm chí kỳ quặc. Anh đã
thơ-hóa nó. Không những thế, tôi hồ nghi rằng anh đã từng phải lặn sâu vào những
trầm tư triết học. Ám ảnh thân xác đẩy tới ám ảnh siêu hình.
"Tôi rờ khắp châu thân rồi tự hỏi
Có tay chân mặt mũi cũng tình cờ
Ở trong đó âm thầm vang tiếng gõ
Và máu hồng chắc cũng hư vô.”
Tôi biết Thành
Tôn như một người xuề xòa tốt bụng. Chuyện chi cũng là chuyện nhỏ. Vậy nên tôi hơi sững sờ
khi thấy sau cái xuề xòa đó là một Thành Tôn khắc khoải về những chuyện “lớn” như vậy. Chí ít anh cũng đã ôm cả chục ngàn cuốn
sách trong tay.
Sách của anh giăng giăng khắp nhà nhưng
với anh vẫn chưa bao giờ đủ. Có lần anh nói với tôi là nhìn thấy một cuốn sách
anh thích, trước sau gì anh cũng phải rước về. Lưu Na còn tiết lộ một lối ghiền
sách khác của Thành Tôn: “Khi cô vui miệng
nhắc một vài quyển sách xuất bản bên này mà cô muốn có nhưng đã không còn trên
thị trường thì buổi cà phê tới ông Thành đã trao tặng. Ông hân hoan cho biết, tôi
mua mấy chục bộ để dành. Đầu cơ tích trữ?
Đúng một nửa. Ông biết sách đó quý và sẽ tuyệt bản nên mua, phòng sau này có ai
cần thì tặng! Sách in bên này dù rẻ cũng không là rẻ, loại sách dày giá trị
càng mắc hơn, mà bỏ tiền ra mua chỉ để dành tặng cho ai cần, tốn thêm tiền cước
gửi về Việt Nam cho những em trẻ cần sách nghiên cứu làm luận án. Dường như ông
sướng lắm khi được nói về sách, khi làm lại được một quyển sách, khi tặng được
cho người một quyển sách!”.
Cuốn “Thành Tôn, Một Đời Thắp Tình” này
chi để tặng bạn bè thân hữu, không bán.
Ông bạn Lê Thành Tôn thân mến! Dù ông
nhận hay không, tôi cũng gọi ông là “Ông Đạo Sách”!
SONG THAO
Tháng 4. 2022