Nhà văn Nhật. Sáng tác truyện ngắn, tiểu
thuyết, tiểu luận. Tác phẩm của ông đã được dịch sang khoảng 50 thứ tiếng.
Giải văn chương: The World Fantasy
Award, The Frank O’Connor International Short Story Award, The Franz Kafka
Prize, Jesusalem Prize.
The Guardian ca ngợi Murakami là “Một
trong những tiểu thuyết gia còn sống vĩ đại nhất thế giới.
LƯỠI DAO THỢ SĂN
Hai chiếc bè neo đậu ngoài khơi như hai đảo sinh
đôi. Khoảng cách vừa đủ để bơi ra từ bãi biển – Bơi đúng 50 sải tay sẽ đến một
trong hai chiếc, rồi bơi 30 sải từ chiếc này sang chiếc kia. Mỗi chiếc bè lớn
khoảng hơn 4 mét vuông, có thang leo bằng sắt và một tấm thảm cỏ nhân tạo. Mực
nước nơi này sâu khoảng 3 mét đến hơn 3 mét rưởi, trong veo, có thể lần dò nhìn
theo sợi dây xích từ bè xuống tận chiếc neo bằng xi-măng nằm sát đáy. Khu vực
bơi lội được bao bọc bởi rạn san hô, hầu như không có sóng, hai chiếc bè yên
tĩnh không nhấp nhô. Dường như cam chịu bị giam giữ một chỗ dưới ánh nắng gay gắt
ngày này qua ngày kia.
Tôi thích bơi ra bè, đứng lên nhìn vào bờ,
trên dãy cát dài trắng xóa, nổi lên ngọn tháp đỏ của người bảo vệ canh biển, và
những hàng dừa xanh lả lơi. Thật là một cảnh đẹp, có thể tạo thành một tấm ảnh
bưu thiếp hoàn hảo. Phía bên phải, bãi biển chấm dứt vào một dãy đá tảng sạm
đen, chồng chất cheo leo, dẫn đến các nhà rời thuộc khu nghỉ mát nhỏ, nơi vợ chồng
tôi thuê ở. Cuối tháng sáu, vẫn còn quá sớm cho du khách, ít người trong khách
sạn cũng như ngoài bãi tắm.
Gần đó, có căn cứ quân sự Hoa Kỳ, những chiếc
bè nằm dưới đường bay của các trực thăng trở về trại. Những máy bay này xuất hiện
từ ngoài khơi, bay vào rẻ đôi giữa hai chiếc bè, rồi nhập lại biến dạng sau đỉnh
dừa cao. Họ bay rất chậm, gần như chúng ta có thể nhìn thấy cảm giác biểu lộ
trên gương mặc các phi công. Ngoại trừ trực thăng bay trên đầu, bãi biển là nơi
yên vắng, dễ buồn ngủ, một nơi hết sức hài lòng cho những ai muốn cô đơn khi
nghỉ hè.
Mỗi nhà rời là tòa lầu hai tầng chia thành bốn
căn, chồng lên nhau. Căn của chúng tôi nằm bên dưới, nhìn ra cảnh biển. Ngay
bên ngoài cửa sổ, dựng lên một cây hoa sứ trắng, phía sau là một khu vườn cỏ
xanh được cắt tỉa tề chỉnh. Sáng sớm và về đêm, nghe từng hồi tiếng lạch cạnh của
các vòi nước tưới cỏ. Qua khỏi khu vườn là hồ bơi và một hàng dừa cao với tàng
lá rất lớn phe phẩy dịu dàng trong gió đông nam.
Bà mẹ và đứa con trai người Mỹ ở căn phòng cạnh
chúng tôi, Hình như họ đã ở đây khá lâu trước khi chúng tôi đến. Bà mẹ vào khoảng
60, đứa con độ chừng gần bằng tuổi tôi, 28 hoặc 29. Họ giống nhau hơn bất kỳ cặp
mẹ con nào mà tôi đã từng thấy. Hai khuôn mặt y hệt, dài và hẹp, trán rộng, môi
mím chặt. Bà mẹ cao, dáng thẳng đứng, linh hoạt, nhanh nhẹn. Cậu trai cũng hơi
cao, nhưng không thể khẳng định vì cậu ngồi xe lăn. Lúc nào, bà mẹ cũng ở phía
sau đẩy xe cho cậu.
Họ rất thầm lặng, căn phòng của họ giống như
một bảo tàng viện. Không bao giờ mở truyền hình, chỉ có hai lần tôi nghe tiếng
nhạc vang ra từ phòng - lần đầu, nghe bản ngũ tấu kèn clarinet của Mozart. Lần
sau là một số bản hợp tấu mà tôi không nhận ra, đoán chừng là của Richard
Strauss. Ngoài ra, không nghe âm thanh nào nữa. Họ không sử dụng máy lạnh, chỉ
mở cửa trước đón gió mát từ biển thổi vào. Cho dù cửa mở, cũng không nghe họ
trò chuyện. Thế nào đi nữa, họ cũng phải nói, chắc chắn bằng những tiếng trao đổi
thì thầm. Điều này có lẽ ảnh hưởng đến vợ chồng tôi. Bất kỳ lúc nào về phòng,
chúng tôi phát giác mình nói chuyện rất nhỏ bằng giọng thấp.
Chúng tôi thường tình cờ gặp hai mẹ con trong
nhà hàng, trong hành lang, hoặc trên lối đi băng qua vườn cỏ. Khu nghỉ mát nhỏ
và ấm cúng, dù muốn hay không, chúng tôi phải gặp nhau trên lối đi, chào nhau.
Hai mẹ con có hai cách chào khác biệt. Bà mẹ gật đầu mạnh mẽ cương quyết, cậu
trai chỉ hơi nghiêng đầu lơ là. Tuy vậy, ấn tượng về hai kiểu chào lại khá giống
nhau: cả hai đều chào trong khoảnh khắc, bắt đầu và kết thúc tức thì. Không dư
thừa. Chúng tôi chưa bao giờ cố gắng bắt chuyện với họ. Giữa vợ chồng tôi đã có
quá nhiều chuyện để nói. Ví dụ như, chúng tôi có nên dời chỗ ở khác sau kỳ nghỉ
hè? Cần phải làm gì với công việc? Có nên có con hay không? Đây là mùa hè sau
cùng của chùng tôi sẽ chấm dứt hàng tuổi hai mươi.
Sau buổi ăn sáng, hai mẹ con luôn luôn ngồi ở
hành lang đọc báo, theo bài bản nhất định, từ trang này sang trang kia, từ trên
xuống dưới, như thể họ đang thi đua một cách kịch liệt để xem ai sẽ mất nhiều
thời giờ hơn để đọc hết toàn bộ. Có ngày, không phải nhật báo mà là những cuốn
sách dày bìa cứng, Họ ít giống mẹ con mà giống như cặp vợ chồng già đã chán
nhau từ lâu.
Khoảng 10 giờ sáng mỗi ngày, vợ chồng tôi ra
biển tắm. Xức kem chống nắng rồi năm dài lên thảm lót trên cát. Tôi thường nghe
Stone hoặc Marvin Gaye qua máy mang tai Walkman trong khi vợ tôi vùi mình vào
cuốn truyện “Cuốn Theo Chiều Gió.” Nàng nói rằng đã học được nhiều điều về đời
sống trong cuốn truyện này. Tôi chưa đọc nên không quan tâm nàng nói chuyện gì.
Mỗi ngày, mặt trời ló dạng vào đất liền, vẽ chậm rãi một con đường giữa hai chiếc
bè, ngược lại hướng trực thăng, rồi nhẩn nhơ chìm xuống đường chân trời.
Mỗi buổi chiều vào khoảng 2 giờ, mẹ con bà xuất
hiện ra bãi tắm. Bà luôn luôn mặc chiếc áo trơn màu sáng và đội mũ rơm rộng
vành màu trắng. Cậu trai không bao giờ đội mũ, mang kính mát, mặc áo kiểu Hawaii
và quần vải mỏng. Họ ngồi dưới bóng mát tàng cây dừa, gió thổi xào xạc chung
quanh, nhìn lan man ra biển, không thực sự làm gì cả.
Bà mẹ ngồi trên chiếc ghế xếp, cậu trai không
bao giờ rời xe lăn. Thỉnh thoảng họ dời chỗ ngồi theo bóng mát di chuyển. Bà mẹ
mang một bình nước bằng bạc. Thỉnh thoảng rót uống bằng ly giấy hoặc nhâm nhi một
chiếc bánh giòn.
Đôi ngày, họ rời bãi biển sau nửa giờ, những
ngày khác họ ngồi đến 3 giờ chiều. Khi tôi nhảy xuống biển tắm, có cảm giác họ
đang theo dõi. Có thể tôi đang tưởng tượng vì từ bè đến hàng dừa là một khoảng
cách khá xa. Cũng có thể chỉ là nhạy cảm. Tuy nhiên mỗi lần trèo lên bè, đều có
cảm giác rõ ràng ánh mắt họ được huấn luyện nhìn về hướng tôi. Đôi khi bình nước
bạc lấp lánh dưới nắng như một con dao.
Từng ngày ơ thờ trôi qua. Không có gì khác để
phân biệt ngày hôm sau. Dù ngày tháng thay đổi thứ tự, cũng không ai nhận ra. Mặt
trời đều đều mọc hướng đồng rồi lặn hướng tây. Chiếc trực thăng màu xanh ô liu
hạ xuống thấp. Tôi uống gần cạn bình bia 3 lít rưỡi và bơi theo con tim hướng dẫn.
Vào buổi chiều cuối cùng ở khu nghỉ mát, đi
bơi lần một lần chót. Vợ đang ngủ trưa, tôi ra bãi một mình. Hôm đó, ngày thứ Bảy,
có nhiều người hơn bình thường. Những anh lính trẻ rám nắng với những vết sẹo
và hình xăm trên tay đang chơi bóng chuyền. Trẻ con tung tăng nơi sóng vỗ vào bờ,
dựng những lâu đài cát rồi thích thú la lớn khi thấy những con sóng lớn ập vào.
Nhưng hầu như không có ai ở dưới biển, hai chiếc bè trở nên hoang vắng. Trên
cao không gợn mây. Mặt trời rực nắng đun sôi cát. Đã quá 2 giờ, không thấy hai
mẹ con xuất hiện.
Đi xuống biển cho đến khi nước ngập lên tới
ngực rồi bơi sải về hướng bè bên trái. Chậm rãi, xem chừng sức nước cản lòng
bàn tay, tôi tiếp tục bơi, đếm từng cánh tay vươn tới. Nước lạnh gây thoải mái
cho làn da đang ăn nắng. Nước trong vắt, có thể nhìn thấy bóng mình dưới đáy,
như một con chim lớn lướt qua bầu trời. Sau khi đếm được 40 sải tay, nhìn lên,
thật như vậy, chiếc bè nằm ngay trước mắt, Đúng 10 sải tiếp theo, tay trái tôi
chạm vào hông bè, Thả nổi một chút, lấy lại hơi thở, rồi nắm lấy cầu thang leo
lên.
Giật mình vì thấy có người khác đã ở đó, một
phụ nữ tóc vàng mập mạp. Trước khi xuống nước, không thấy ai trên bè, nghĩa là
cô đã lên đây lúc tôi đang bơi. Cô mặc bộ bikini nhỏ, màu đỏ rực, giống các biểu
ngữ mà nông dân Nhật thường treo trên cánh đồng, cảnh báo họ vừa phun chất hóa
học. Cô ta nằm úp mặt. Sự béo phì khiến cho bộ đồ tắm có cảm giác nhỏ thêm. Dường
như cô vừa mới đến đây. Làn da tái nhợt, không có dấu chứng của phơi nắng.
Cô nhìn lên một vài giây rồi nhắm mắt. Tôi ngồi
đối diện bên kia mé bè, đong đưa hai chân, nhìn về hướng bờ. Vẫn chưa thấy hai
mẹ con dưới bóng dừa hoặc chỗ nào khác. Không thể lầm lẫn, chiếc xe lăn lấp
lánh dưới ánh nắng, dễ dàng nhận ra. Cảm giác thất vọng. Không có họ, tấm ảnh
này đã thiếu đi một mảnh. Có lẽ, họ đã trả phòng và trở về nhà. Nhưng sáng nay,
trong phòng ăn, tôi còn thấy hai mẹ con. Không một chút ấn tượng nào họ sẽ ra
đi. Họ từ tốn ăn uống những món đặc biệt.
Lặng lẽ uống cà phê như thói quen hàng ngày.
Tôi nằm xuống như cô tóc vàng, phơi nắng khoảng
10 phút, lắng nghe những đợt nước nhỏ vỗ vào mạn bè. Những giọt tình cờ văng
lên vành tai làm ấm áp hơi nắng hừng hực.
“Ô, trời nóng quá,” người phụ nữ lên tiếng từ bên kia mạn bè.
Tôi trả lời: “Nóng thật.”
“Ông có biết mấy giờ rồi không?”
“Tôi không có đồng hồ, nhưng có lẽ độ chừng 2 giờ 30 hoặc
40?”
“Vậy sao.” Cô thở dài như thể không phải là lúc cố ý mong đợi. Cũng
có thể cô chẳng quan tâm mấy về thời giờ.
Cô ngồi dậy. Mồ hôi lấm tấm trên người như ruồi
đậu vào thức ăn. Những cuộn mỡ bắt đầu từ dưới tai chảy dịu dàng xuống vai, rồi
tiếp tục chảy xuống cánh tay mũm mĩm của cô. Ngay cả cổ tay và cổ chân dường
như biến mất sau những nếp da mỡ gấp lại. Tôi không thể không nghĩ đến ông Michelin,
hình vẽ người quảng cáo cho hãng bán bánh xe. Mặc dù cô rất mạp nhưng với tôi
cô không đến nổi không lành mạnh. Cũng không phải xấu, Chỉ đơn giản xương gánh
quá nhiều thịt. Tôi đoán cô năm nay vào khoảng gần 40.
“Chắc ông ở đây khá lâu, nắng rám cả người.”
“9 ngày.”
“Màu da nâu ăn nắng thật đẹp.” Thay vì trả lời, tôi tằng hắng. Nước trong
tai rột rạt khi tôi ho.
“Tôi ở khu nghỉ mát quân đội.”
Tôi biết chỗ này. Nằm trên con đường ra biển.
“Anh tôi là sĩ quan hải quân, mời tôi đến
chơi. Hải quân không đến nổi tệ? Ông biết không? Họ trả lương khá tốt. Họ có mọi
thứ cần thiết tại nơi đóng quân và những đặc quyền như khu nghĩ mát này. Khác với
thời tôi đi đại học. Thời chiến tranh Việt Nam. Nếu gia đình có người đi lính,
thật là điều xấu hổ, phải lén đi chỗ khác. Nhưng từ đó, thế giới thực sự đã
thay đổi.”
Tôi gục gặc cho qua chuyện.
“Người yêu cũ của tôi cũng từng ở hải quân. Một
phi công chiến đấu. Từng đi công tác ở Việt Nam hai năm, Sau đó, trở thành phi
công cho hãng máy bay United, trong lúc tôi đang làm tiếp viên hàng không, đó
là lý do chúng tôi gặp nhau. Tôi đang cố nhớ năm nào chúng tôi kết hôn … một
ngàn chín trăm bảy mươi mấy gì đó. Tóm lại, khoảng 6 năm trước. Chuyện xảy ra
lúc nào cũng vậy.”
“Chuyện gì?” “ Ông
biết mà, phi hành đoàn có giờ giấc làm việc thất thường, vì vậy họ có khuynh hướng
hẹn hò với nhau. Giờ làm việc và cách sống hoàn toàn khác biệt. Dù sao, chúng
tôi cũng lấy nhau. Tôi xin nghỉ việc, Sau đó, anh ta theo một cô tiếp viên khác
và cuối cùng đã cưới cô làm vợ. Chuyện này xảy ra thường xuyên.”
Tôi cố gắng đổi đề tài. “Bây giờ cô ở đâu?”
“Los Angeles, ông có bao giờ đến đó chưa?”
“Chưa”
“Tôi sinh ra ở Los. Công việc của cha tôi bị
đổi đi Salt Lake City. Ông đến đó chưa?”
“Chưa.”
“Tôi nghĩ ông không nên đến thành phố này.” Cô lắc đầu. Mặt lấm tấm mồ hôi.
Cảm thấy kỳ cục khi nghĩ chuyện cô làm tiếp
viên hàng không. Tôi từng gặp nhiều tiếp viên vạm vỡ có thể từng là đô vật, Tôi
thấy một số có cánh tay lực lưỡng và trên môi trên có lông tơ, Nhưng tôi chưa
bao giờ thấy một tiếp viên to lớn như cô. Có thể hãng máy bay United không quan
tâm việc các tiếp viên nặng ký. Hoặc có thể khi còn làm tiếp viên cô không mập
như vậy.
Nhìn lướt qua bãi cát. Không dấu hiệu nào của
cặp mẹ con. Đám lính vẫn tiếp tục chơi bóng chuyền. Người canh biển đã leo lên
tháp đang dùng ống dòm lớn theo dõi chuyện gì đó. Hai trực thăng quân sự xuất
hiện từ ngoài khơi như hai sứ giả trong một bi kịch Hy Lạp mang đến tin xấu.
Chúng bay ầm ầm qua đầu rồi khuất dạng vào đát liền. Lặng lẽ, chúng tôi theo
dõi hai bộ máy xanh tan biến vào xa xăm.
“Tôi cá rằng từ trực thăng nhìn xuống sẽ thấy
chúng ta đang có một thời gian thật sung sướng. Nắm phơi nắng trên bè, quên hết
chuyện thế gian.”
“Có lẽ cô nói đúng.”
“Hầu hết mọi thứ đều đẹp đẽ khi chúng ta đang
ở trên cao,” cô lăn qua nằm
sấp và nhắm mắt lại.
Thời gian trôi qua trong lặng lẽ. Cảm thấy
đây là lúc thích hợp để chia tay, tôi đứng lên và nói với cô, tôi phải quay về.
Phóng lặn xuống nước, bơi đi. Được nửa đường, dừng lại, giẫm nước tại chỗ, quay
mặt nhìn về hướng bè. Cô ta theo dõi và vẫy tay. Tôi vẫy tay đáp lại. Từ xa,
trông cô giống như con cá heo. Chỉ cần thêm đôi chân chèo, cô có thể nhảy xuống
nước, biến mình vào đại dương.
Về phòng, tôi tìm một giấc ngủ. Khi trời tối,
chúng tôi xuống nhà hàng như mọi khi. Không thấy hai mẹ con ở đó. Trên đường trở
về, nhìn thấy cánh cửa phòng của họ đóng chặt. Ánh sáng lọc qua ô kính nhỏ ở cửa,
nhưng không thể xác định họ có bên trong hay không.
Tôi nói với vợ: “Không biết họ đã trả phòng chưa. Không thấy họ ra ngoài biển hoặc trong
nhà hàng.”
“Sớm muộn gì ai cũng phải trả phòng. Không thể
sống kiểu này hết đời.”
“Có lẽ như vậy,” tôi đồng ý, nhưng chưa hài lòng lắm. Không thể
tưởng tượng mẹ con họ đang ở đâu.
Chúng tôi bắt đầu sắp xếp áo quần. Sau khi
đóng vali, đặt ở cuối chân giường, đột nhiên, cảm thấy căn phòng lạnh lẽo và xa
lạ. Kỳ nghỉ hè đang đến hồi chấm dứt.
Tôi thức giấc, liếc nhìn đồng hồ để cạnh giường.
1:20 khuya. Tim đập dữ dội. Trượt khỏi cạnh giường xuống thảm, ngôi xép bằng,
hít thở những hơi dài. Rồi nín thở, thả lỏng đôi vai, ngồi thẳng lên và tập
trung tinh thần. Lập lại vài lần kiểu thở này, sau cùng tôi lấy lại bình tĩnh.
Có lẽ, đã bơi quá nhiều hoặc bị say nắng. Đứng dậy, nhìn chung quanh căn phòng.
Ngay cuối chân giường, hai vali co cụm như hai con thú vật lén lút. Đúng vậy,
tôi chợt nhớ - ngày mai sẽ không còn ở đây nữa.
Vợ tôi đang ngủ say dưới ánh trăng mờ nhạt
chiếu qua cửa sổ. Hoàn toàn không nghe hơi thở của nàng, tương tựa một xác chết.
Đôi khi, nàng ngủ bất động như vậy. Khi mới kết hôn, tôi rất sợ hãi, thỉnh thoảng,
tôi vẫn có cảm giác nàng đã chết thật. Nhưng đó chỉ là những giấc ngủ im lìm
thăm thẳm. Thay bộ đồ ướt đẫm mồ hôi, mặc áo sơ mi và quần đùi. Cất vào túi
chai rượu Wild Turkey nhỏ. Nhẹ nhàng mở cửa đi ra ngoài.
Không khí ban đêm se lạnh mang theo mùi ẩm ướt
của cây cỏ chung quanh. Trăng tròn, phủ lên trần gian một màu sắc kỳ lạ, chưa từng
thấy trong ban ngày. Gần giống như nhìn qua kính lọc màu đặc biệt. Một loại
kính làm cho vật đang nhìn gia tăng màu sắc hơn thực tế, trong khi những thứ
còn lại xám xanh khô cạn như thây ma.
Không buồn ngủ chút nào. Cứ như giấc ngủ chưa
bao giờ hiện diện, tâm trí hoàn toàn minh mẫn tỉnh táo. Im lặng đang ngự trị.
Không gió, không côn trùng, không tiếng chim đêm. Chỉ tiếng sóng xa xa, văng vẳng
phải chú ý mới có thể nghe.
Tôi chậm rãi đi vòng qua căn nhà rồi băng
ngang vườn cỏ. Ánh trăng xuống bãi cỏ hình tròn trông như cái ao bị đông lạnh.
Bước nhẹ nhàng, cố gắng không làm nứt lớp băng. Ra khỏi bãi cỏ là dãy bậc cấp
nhỏ lót đá, dẫn lên quán rượu được trang trí hình cảnh miền nhiệt đới. Mỗi buổi
chiều, trước bữa ăn tối, tôi uống một lý rượu Vodka pha nước tonic tại nơi này.
Dĩ nhiên, đã quá khuya, quán rượu đóng cửa. Những chiếc dù ở mỗi bàn được xếp lại
gọn gàng trông như bầy chim tiền sử đứng ngủ gật.
Cậu trai ngồi xe lăn đang có mặt tại đó, chống
khuỷu tay lên bàn, nhìn ra hướng biển. Từ xa, chiếc xe lăn kim loại phản ảnh
ánh trăng tương tựa như một khí cụ được chế tạo đặc biệt cho những giờ sâu thẳm
đen tối nhất trong đêm.
Chưa bao giờ nhìn thấy cậu ta một mình, cặp mẹ
con luôn luôn là một đơn vị đặc thù: Cậu trai trên xe lăn - mẹ đẩy phía sau. Cảm
giác hụt hẫng, thậm chí là bất nhẫn khi nhìn thấy cậu như vậy. Mặc áo Hawaii
màu cam, quần trắng. Ngồi bất động, nhìn đăm chiêu ra đại dương.
Tôi đứng một lát, phân vân không biết có nên
gây tiếng động, báo cho cậu ta biết tôi đang ở đây. Trong khi còn lưỡng lự, cậu
đã cảm giác được sự có mặt của người khác và xoay lại. Khi thây tôi, như thường
lệ, cậu gật đầu chào kiểu tối thiểu.
“Chào anh,” tôi lên tiếng.
“Chào anh,” cậu đáp trả bằng một giọng yếu ớt. Đây là lần đầu tiên
nghe cậu nói. Giọng có vẻ hơi buồn ngủ ngoài ra thì bình thường, Không cao quá,
không thấp quá.
“Đi dạo khuya?” Cậu hỏi.
“Vâng, không ngủ được.”
Cậu nhìn tôi từ đầu đến chân với nụ cười lơ đễnh.
“Tôi cũng vậy. nếu anh muốn, ngồi đây chơi.”
Hơi do dự, rối bước đến bàn, kéo chiếc ghế nhựa,
ngồi đối diện với cậu. Xoay người nhìn theo hướng cậu đang nhìn. Cuối bãi biển
là những tảng đá lởm chởm, như chiếc bánh xốp nướng bị chẻ đôi, sóng vỗ vào đá
đều đặn, những con sóng thanh nhả, khoan thai, như thể đã được cân đo điều độ.
Ngoài ra, không còn gì để nhìn.
“Tôi không thấy anh ra bãi biển hôm nay?”
“Tôi nằm nghỉ trong phòng, Mẹ tôi không được
khỏe.”
“Chuyện này thật đáng tiếc.”
“Tôi không phải là người thể lực. Thường
xuyên cảm xúc và nhiều lo lắng.” Cậu dùng tay phải xoa má bằng ngón tay giữa. Dù đã khuya khoắt, da cậu vẫn
trơn láng như men sứ, không thấy râu.
“Bây giờ, mẹ tôi đã khoẻ, không có gì đáng lo. Bà đang ngủ. Khác với đôi chân của
tôi, chỉ cần một đêm ngủ ngon, bà sẽ khỏe hơn. Không hẳn sẽ hoàn toàn bình phục nhưng ít nhất bà cũng trở lại bình thường.
Đến sáng mai, bà sẽ ổn thôi.”
Cậu im lặng khoảng 30 giây đến một phút. Tôi
khoanh chân dưới bàn rồi phân vân không biết có phải lúc nên từ giã. Như thể
toàn bộ đời sống của tôi chỉ lanh quanh trong việc cố gắng đánh giá thời điểm
chính xác giữa lúc chuyện trò để nói lời tạm biệt. Nhưng quá muộn, khi định nói
rằng tôi sẽ phải đi, cậu ta đã lên tiếng.
“Có nhiều loại bệnh rối loạn thần kinh. Ngay
cả khi có chung một nguyên nhân, nhưng có hàng triệu phản ứng khác biệt. Như trận
động đất, năng lượng căn bản giống nhau, nhưng tùy vào nơi nào xảy ra, kết quả
sẽ khác. Có trường hợp, ngọn đảo chìm xuống biển. Có trường hợp, trồi lên một đảo
mới.”
Cậu ngáp. Một kiểu ngáp dài đúng nghĩa. Cậu lịch
sự nói “Xin lỗi.” Trông cậu khá kiệt
sức, mắt nhìn mờ nặng nề, xem chừng có thể thiếp ngủ bất cứ lúc nào. Tôi liếc
nhìn đồng hồ, nhận ra mình không đeo trên tay, chỉ một làn da trắng nơi chiếc đồng
hồ che nắng.
“Đừng lo cho tôi, tuy nhìn giống như buồn ngủ
nhưng tôi tỉnh táo. Chỉ cần ngủ bốn giờ mỗi đêm là đủ. Tôi vẫn thức dậy trước
bình minh. Vì vậy, ban đêm tôi thường ra đây, ngồi hóng gió.”
Cậu cầm chiếc gạt tàn thuốc Cinzano trên bàn,
nhìn nó một lúc như món đồ hiếm hoi, rồi đặt xuống. “Bất cứ khi nào mẹ tôi gặp phải trường hợp lo lắng, căng thẳng, phần
bên trái trên mặt bà bị đóng băng. Mắt miệng không thể cử động, Nếu nhìn vào mặt
bà, sẽ thấy như chiếc bình bị nứt. Thật kỳ lạ, nhưng không gây tử vong hoặc biến
chứng nào cả. Qua một đêm ngủ bà sẽ trở lại bình thường.”
Tôi không biết nói gì chỉ gật đầu vô tội vạ.
Một chiếc bình nứt?
“Đừng kể lại mẹ tôi những gì tôi nói với anh,
nhớ không? Bà ghét bất kỳ ai nói về bệnh trạng của bà,”
“Vâng, chắc chắn. Hơn nữa, ngày mai chúng tôi
đi rồi, Tôi nghĩ sẽ không có dịp gặp lại bà.”
“Đáng tiếc.” cậu ta nói như thể rất quan tâm.
“Đúng vậy, tôi phải về làm việc, không có chọn
lựa.”
“Anh từ đâu đến?”
“Tokyo.”
“Tokyo,” cậu lập lại. Nheo mắt nhìn sửng ra biển như thể nếu chăm
chú nhìn lâu đủ sẽ thấy ánh sáng Tokyo từ phía sau đường chân trời.
“Anh còn ở đây lâu không?”
“Khó
nói lắm,” Cậu rà ngón tay lên bánh xe lăn. “Một tháng, cũng có thể hai tháng, còn tùy. Chồng của chị tôi sở hữu cổ
phần trong khu nghỉ mát này, chúng tôi có thể ở đây không tốn kém gì cả. Cha
tôi điều khiển một công ty lớn ở Cleveland, nay anh rễ đã thay thế chỗ. Tôi
không thích anh ta lắm, nhưng có thể nói, nên chọn gia đình là hơn, phải không?
Tôi không rõ, có thể anh ta không tệ như tôi tưởng. Người không khỏe mạnh như
tôi, thường có khuynh hướng hẹp hòi.” Cậu lấy khăn tay trong túi rồi từ tốn
tế nhị hỉ mũi, xong việc, lại cất vào trong túi. “Dù thế nào, anh ta cũng sở hữu rất nhiều cổ phiếu của nhiều công ty, đầu
tư nhiều bất động sản. Một người sắc sảo như cha tôi. vì vậy tất cả chúng tôi,
gồm mọi người trong gia đình, chia làm hai loại: khỏe mạnh và bệnh tật, loại có
chức năng và loại không làm được gì. Những kẻ khỏe mạnh bận rộn danh vọng, gia
tăng tài sản, trốn thuế và họ lo lắng cho những kẻ bệnh tật còn lại. Đó là sự
phân công lao động khéo léo.”
Cậu ngừng lại, hít một hơi dài. Tôi giữ im lặng,
chờ cậu nói tiếp. “Họ quyết định mọi thứ
cho chúng tôi. Sắp đặt chúng tôi ở đây một tháng, ở kia một tháng. Như cơn mưa.
Mẹ tôi và tôi hôm nay mưa ở nơi này, ngày mai có thể mưa một nơi khác.”
Sóng vỗ vào đá, bỏ lại bọt trắng sau lưng,
khi bọt trắng vừa tan, sóng mới xuất hiện. Tôi theo dõi một cách lơ đãng. Ánh
trăng tạo những hình bóng bất thường giữa những tảng đá.
“Tất nhiên, vì là phân công lao động, mẹ con
tôi cũng có vai trò trong đó. Đây là con đường hai chiều. Thật khó diễn tả,
nhưng tôi nghĩ chúng tôi đóng góp vào sự dư thừa của họ bằng cách không làm gì
cả. Đó là lý do chúng tôi tồn tại. Anh hiểu ý của tôi, phải không?”
“Vâng, Đại khái, nhưng không chắc lắm.”
Cậu ta cười khẽ. “Gia đình là điều kỳ cục. Một gia đình phải tồn tại như một tiền đề. Phải
có sẵn mới có phản đề và kết luận, nếu không, hệ thống đó không hoạt động.
Trong ý nghĩa này, đôi chân vô dụng của tôi là một loại biểu ngữ mà gia đình
tôi vận động khắp nơi. Đôi chân liệt của tôi là trục xoay cho mọi thứ xoay
chung quanh.”
Cậu lại gõ lên mặt bàn. Không phải vì tức giận,
chỉ di động ngón tay và lặng lẽ suy gẫm nhiều thứ theo dòng thời gian riêng.
“Một trong những đặc điểm chính của hệ thống
này là một thiếu hụt sẽ thu hút sự thiếu hụt lớn hơn. sự dư thừa dẫn đến sự dư
thừa nhiều hơn. Khi nhạc sư Debussy không làm được gì với bản nhạc kịch do ông
sáng tác, ông đã nói ‘tôi đã dùng hết ngày tháng để theo đuổi cái hư không – tạo
ra cái không có gì,” Cậu nói tiếp: “ Công việc của tôi là tạo ra khoảng không
đó, cái không có gì.”
Cậu lại chìm vào khoảng im lặng vô hồn, tâm
trí đang lang man về miền xa xôi nào đó. Có lẽ, khoảng không đó đang ngự trị
trong cậu. Sau cùng, cậu chú ý trở lại, nhưng mức độ quay về lệch lạc một ít so
với lúc khởi hành. Tôi thử xoa má mình. Cảm giác râu lởm chởm cho biết thời
gian vẫn trôi qua. Lấy chai rượu whiskey nhỏ trong túi, đặt lên bàn.
“Muốn uống
một chút không? Tôi không có ly, e rằng…”
Cậu lắt đầu. “Cảm ơn. Tôi không uống. Nếu uống tôi không biết mình sẽ phản ứng ra
sao. Thế thôi, đừng uống. Nhưng anh uống đi, tôi không có gì e ngại…”
Tôi bật nắp chai rồi đổ whiskey chạy từ từ
trơn xuống cổ. Nhắm mắt tận hưởng hơi nồng ấm. Cậu ta theo dõi cách uống của
tôi.
“Đây có thể là câu hỏi bất thường, nhưng anh
có biết gì về dao không?”
“Dao?”
“Dao, như là dao của thợ săn.”
Tôi nói với cậu tôi dùng dao lúc đi cắm trại
nhưng không biết gì nhiều về dao. Cậu tỏ vẻ thất vọng, nhưng chỉ thoáng qua.
“Đừng bận tâm, tôi chỉ tình cờ có một con
dao, muốn anh xem. Tôi mua nó vào khoảng một
tháng trước từ catalô. Tôi không có một chút kiến thức nào về dao. Không
biết nó tốt hay xấu hoặc tôi đã lãng phí nhiều tiền. Vì vậy, muốn nhờ ai xem
giùm rồi cho ý kiến, Nếu anh không có gì phiền hà.”
“Không, không có gì.”
Thận trọng cậu rút ra từ túi một vật dài khoảng
gần 13 xentimét, hình hơi cong, nhìn rất đẹp, rồi đặt lên bàn.
“Đừng ngại, tôi không có ý làm tổn thương bất
kỳ một ai hoặc cho chính tôi. Chỉ là một hôm, tự nhiên có ý định muốn sở hữu một
con dao bén. Không hiểu vì lý do gì. Chỉ cảm thấy khao khát phải có con dao.
Xem qua vài catalô rồi đặt mua một con. Không ai biết tôi luôn luôn mang theo
con dao này bên mình. Thậm chí mẹ tôi cũng không biết. Anh là người duy nhất.”
“Ngày mai tôi sẽ về Tokyo.”
“Tôi biết,” Cậu mỉm cười. Cầm con dao lên, để nằm trong
lòng tay một lúc, cân nhắc sức nặng như có một ý nghĩa gì quan trọng. Rồi vói
tay đưa cho tôi. Con dao nhỏ có sức nặng lạ lùng. Giống như đang cầm một sinh vật
có đời sống riêng của nó. Cán bằng đồng thau có ghép gỗ. Tay chạm vào kim khí
thấy lạnh lẽo dù nó đã ở trong túi rất lâu.
“Anh mở ra xem thử lưỡi dao.”
Tôi bấm một chỗ lõm trên cán rồi bật lưỡi dao
nặng nề ra. Lưỡi dài khoảng hơn bảy xentimét rưởi. Với lưỡi mở dài, con dao cảm
thấy nặng hơn. Không phải sức nặng làm tôi ngạc nhiên mà vị thế con dao nằm gọn
lỏn vừa vặn trong lòng tay. Tôi thử xoay qua xoáy lại vài lần, đưa lên đâm xuống,
nghiêng bên này bên kia, con dao có độ thăng bằng gần như hoàn hảo. Không cần
phải nắm chặt mà dao vẫn không trượt. Lưỡi bằng thép có khắc rãnh cho máu thoát
rất sắc sảo, khi chém. tạo ra một vòng cung sắc nét.
“Tôi đã nói không biết nhiều về dao, nhưng
con dao này hay quá, nó cho tôi một cảm giác thích thú.”
“Nhưng có vẻ hơi nhỏ đối với dao đi săn, phải
không?”
“Tôi không rõ. Có lẽ tùy vào việc anh sử dụng.”
“Đúng vậy.” Gật gù vài lần như tự thuyết phục mình.
Gấp lưỡi dao lại rồi đưa cho cậu. Người thanh
niên lại mở lưỡi dao ra, một cách khéo léo xoay con dao trên tay. Rồi như dùng
cây súng trường, cậu nheo một mắt, đưa dao lên nhắm thẳng vào mặt trăng tròn.
Ánh trăng phản chiếu từ lưỡi sắt lóe lên mặt cậu.
“Anh có thể giúp tôi một việc không? Anh có
thể dùng dao cắt một vài vật gì không?”
“Cắt cái gì? anh muốn ra sao?”
“Cái gì cũng được. Bất cứ cái gì ở chung
quanh. Tôi bị vướng cái xe lăn không thể hoạt động như ý, Muốn nhờ anh cắt thử.
Tôi thật muốn xem anh cắt thử ra sao.”
Không tìm thấy lý do nào từ chối. Cầm con dao
lên, đâm chém vài nhát vào thân cây dừa
bên cạnh. Cắt xuống theo đường chéo, bỏ đi phần vỏ. Tôi nhặt một tấm trợt nước
bằng xốp gần hồ bơi rồi cắt làm đôi theo chiều dài. Lưỡi dao sắc bén hơn tôi tưởng.
“Con dao này hay quá.”
“Nó là sản phẩm thủ công, làm bằng tay. Khá đắc
tiền.”
Tôi canh con dao, nhắm vào mặt trăng như cậu
đã làm. Nhìn chăm bẵm. Dưới ánh phản chiếu, nó giống thân mình của một loài thực
vật hung tợn nào đó, vừa đâm xuyên qua mặt đất, trồi lên. Một thứ gì nối kết giữa
không có và dư thừa.
Cậu thúc giục: “Cắt thêm nữa đi anh.”
Tôi chặt chém bất kỳ thứ gì có thể tìm thấy,
những trái dừa khô rơi trên đất, đám lá vùng nhiệt đới to lớn, tờ thực đơn dán
trước của quán rượu. Thậm chí, đẽo một mảnh gỗ trôi dạt vào bờ biển. Khi không
còn thứ gì để cắt, tôi bắt đầu di chuyển chậm rãi, cố tình như đang tập Thái cực
quyền, lặng lẽ múa dao cắt vào không khí đêm. Không có gì có thể ngăn cản tôi.
Đêm sâu lắng, thời gian vô tăm. Ánh trăng rằm soi thêm độ sâu thẳm.
Trong khi tôi dâm chém vào không trung, Đột
nhiên, nghĩ đến người phụ nữ mập mạp, cô cựu tiếp viên của United. Có thể tưởng
tượng da thịt căng phồng tái nhợt của cô bay lơ lửng trong không gian chung
quanh, ẩn hiện như có sương mù. Màn sương đục sở hữu mọi thứ. Trời, biển, chiếc
bè, trực thăng, phi công… Tôi nỗ lực chém chúng làm hai làm ba nhưng tất cả đều
nằm ngoài tầm của lưỡi dao. Tất cả chỉ là ảo ảnh? Hay tôi là ảo ảnh? Có lẽ, không phải là chuyện
quan trọng. Đến ngày mai, tôi không còn ở đây.
“Đôi khi tôi thấy giấc mơ,” Cậu ta nói. Tiếng vang vang kỳ lạ, như vọng
lên từ đáy hang. “Một con dao bén nhọn
đâm vào chỗ mềm trên đầu tôi, nơi chứa đựng ký ức. Con dao bị kẹt sâu bên
trong. Tôi đứng sang một bên theo dõi chuyện này như thể đang xảy ra cho người
khác. Tôi muốn ai đó rút giùm con dao ra, nhưng không ai thấy nó đang dính trên
đầu. Tôi nghĩ đến việc tự giựt nó xuống nhưng bàn tay không thò được vào bên
trong. Thật quái đản. Tôi tự đâm mình, nhưng không thể rút ra. Rồi tất cả bỗng
dưng tan biến. tôi cũng mờ mịt theo. Chỉ còn thấy con dao. Con dao luôn luôn hiện
diện cho đến cuối cùng. Như cái xương của con thú tiền sử cắm trên cát biển. Đó
là giấc mơ của tôi.”
NGU YÊN dịch từ bản Tiếng Anh THE HUNTER'S KNIFE của Phillip Gabriel.