Tôi
tới Yangon lúc trời đã về chiều. Sau mấy mươi tiếng bay từ D.C., không khí nóng
ẩm đập ngay vào mặt. Phi trường khá đông nhưng không ồn ào, anh Bong Theo đã
chờ tôi với mảnh giấy ghi tên mình. Tôi ở Miến một tuần,
công ty du lịch lo đưa đón phi trường, guide và di chuyển chỉ tốn chưa đến 400
đô. Miến đang thay đổi, đồng đô còn lớn như Việt Nam mấy mươi năm về trước. Cái
gì cũng còn quá rẻ.
Bong
Theo khoảng 40 tuổi, tốt nghiệp khoa Sử đại học Yangon. Nhờ thế 15 phút từ phi
trường về khách sạn Bong hào hứng kể về một Miến Điện đang thay đổi, đang toàn
cầu hoá. “Ông tới đúng lúc , Miến Điện của thời xưa đang biến mất!”
Khách
sạn tôi ở trước kia là nhà ở của Toàn Quyền Anh, chưa đến 20 phòng nhưng kiến
trúc tinh xảo. Khắp nơi đều dùng gỗ mun cứng như sắt. Gỗ Miến Điện, emerald
Miến Điện, ruby Miến Điện, vàng Miến Điện, ngọc Miến Điện những thứ quý giá có
thể đem tới no ấm thì như một lời nguyền cứ kéo đất nước này trong vũng đói
nghèo.
Đế
quốc Anh cai trị Miến Điện mấy trăm năm và chính sách chia để trị để lại một
bản đồ được vẽ bởi những tay thực dân sao cho có rất nhiều sắc dân khác nhau về
tập tục và tôn giáo sống chung với nhau với những thù hằn truyền kiếp.
Những
ngôi chùa ở Yangon tuyệt đẹp, mái dát vàng, những kỷ quan về kiến trúc chứng tỏ
Miến Điện có một quá khứ vàng son và một nền văn minh rực rỡ. Cái nghèo của đất
nước có thể thấy rõ ràng ở khu ổ chuột ngay sát Yangon. Qua một chuyến phà,
Bong dẫn cho tôi đi xem những túp lều tạm bợ trên những vũng nước đen ngòm đẩy
ruồi và muỗi, những đứa bé trần truồng đang lội lõm ngõm, mùi thối xông nồng
nặc nhưng lác đác đã thấy vài biển bán đất. Bong nói với tôi rằng tài phiệt
Miến cũng như ngoại quốc đang dòm ngó những khu đất vàng cho dù hôm nay là bùn
lầy nước đọng. Những cư dân bần hàn sẽ được bứng đi một nơi nào đó để nghèo
không thể nghèo hơn. Là người Việt tôi thấm cái nghèo nhưng không nhầm nhò gì
với cái nghèo mà chế độ quân phiệt đã đem đến cho quốc gia một thời giàu nhất
Đông Nam Á. Những chiếc vòng ngọc xanh biếc Miến hàng trăm ngàn đô
bày bán ở những khu sang trọng ở Hồng Kông và cuộc sống không có mấy đô một
tháng ngay gần Yangon cho thấy sự cai trị tàn bạo của tầng lớp quân
đội đã tai hại cho một đất nước như thế nào.
BBong
dẫn tôi vào thăm đại học Yangon nơi nỗi tiếng trong phong trào đấu tranh trong
50 năm qua để phục hồi nền dân chủ cho Miến Điện. Trường ốc sơ sài nhưng có thể
cảm nhận sự hồ hởi trên những khuôn mặt sinh viên. Bong dẫn tôi đến một cây đa
rất to ngay giữa trường và kể rằng đó là nơi sinh viên tập trung trước lúc các
cuộc biểu tình đòi dân chủ. Gần đó là nơi triển lãm những họa phẩm về nhà tù
Miến Điện, tàn bạo và phi nhân làm tôi liên tưởng tới những nhà tù của Khmer
đỏ. Chúng tôi đi bộ qua biệt thự của bà Aung San Suu Kyi, biệt thự cạnh hồ nước
lớn, kín cổng cao tường rất đẹp có bảo vệ đứng gác. Bà được xem như
là anh hùng ở Miến cũng như người cha là tướng Aung San, người có công dành độc
lập cho Miến từ đế quốc Anh. Câu nói “ Power of the powerless” từ một người phụ
nữ mảnh khảnh có một sức mạnh làm thế giới khâm phục.
Đến
ngày thứ tư, tôi dậy sớm đi Bagan. Chiếc Airbus 320 mới tinh trên đường bay
Yangon Bagan phía dưới toàn rừng già. Buổi sáng sớm máy bay lượn một vòng quanh
hàng ngàn ngôi chùa ẩn hiện trong màn sương cho du khách một bức ảnh đẹp khó có
thể tả nổi. Vào thời hoàng kim vào thế kỉ 12-13, Bagan có hơn 10,000 ngôi chùa
tháp cao vút. Qua bao bể dâu, khoảng 1000 ngôi còn sót lại cho hậu thế chiếm
ngưỡng tài hoa kiến trúc của người Miến. Trong ba ngày tôi đến thăm hơn 20 chùa
lớn nhất. Hùng vĩ uy nghi mỗi ngôi chùa là một kì quan là nơi những nghệ nhân
Miến gởi gắm tài năng của mình trong kiến trúc điêu khắc và hội họa. Bagan nằm
ngay sát con sông Irrawaddy mênh mông trong mùa nước lớn. Từ cao
nguyên Tây Tạng và Hy Mã Lạp Sơn sáu con sông thiên soi bóng những nền văn
minh, những đền đài rực rỡ là sông Ấn, sông Hằng, Irawaddy, Mekong,
Dương Tử và Hoàng Hà.
Bong
đề nghị tôi nên mướn một chiếc thuyền để ngắm Bagan giữa giòng sông. Từ giòng
nước cuồn cuộn nhìn lên những đền miếu đổ nát của Bagan mới thấy rõ hơn sự vô
thường của thịnh suy trong đời sống. Bỗng nhớ mấy câu thơ của thầy Tuệ Sĩ:
Giăng
mộ cổ
Mưa
chiều hoen ngấn lệ
Bóng
điêu tàn
Huyền
sử đừng chơ vơ
Một
tuần ở Miến Điện qua nhanh. Bong nói với tôi trước lúc chia tay: lần sau ông
đem gia đình đến thăm lần nữa. Tôi hứa năm tới, mấy đứa nhỏ trong nhà nên biết
về đất nước hiền hoà này.
Rồi
COVID ập tới, rồi Miến bị đảo chánh bởi quân phiệt và những cuộc biểu tình bị
đàn áp đẫm máu. Email tôi gởi thăm Bong không thấy trả lời.
Xin
hẹn một ngày nào đó không xa, lại được trên thuyền trôi theo dòng Irrawaddy,
ngậm ngùi cho những thiên niên kỉ vàng son còn thiêm thiếp ngủ.
Trần Anh Chương
Miến 2019, Maryland 2021