Khi nhận lời viết bài cho tạp chí “Kẻ
Sĩ”, tôi có vài lúng túng. Tôi, người viết, phải là một kẻ sĩ? Hay, giới độc giả
đa số là những kẻ sĩ, nói khác đi, thuộc tầng lớp sĩ phu? Giống như, với một tạp
chí khoa học, người viết hay người đọc phần đông thuộc giới khoa học, hay ít
ra, cũng ham thích các bộ môn khoa học. Mặt khác, về danh từ “kẻ sĩ”, tôi được
đọc hay nghe nhiều khi còn ở trường học, hay khi đọc các sách văn, thơ, sử ký
cũ. Trong đời sống hằng ngày, hiện nay, danh từ này rất ít được dùng đến. Và, nếu
được dùng đến, để chỉ những ai, những người như thế nào trong xã hội chúng ta,
trong nước hay trong các cộng đồng ở hải ngoại? Và, tại sao, từ xưa đến nay,
không có một vị nữ lưu nào được gọi là kẻ sĩ? Chữ “kẻ sĩ” chỉ được dùng cho đàn
ông? Bài viết này khởi đi từ những lúng túng như vậy.
Hãy thử có một cái nhìn tổng quát về
vai trò của tầng lớp sĩ phu Việt Nam qua những giai đoạn quan trọng của lịch sử
từ cuối thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh đến thời hiện đại. Trong thời thịnh của
Hán Nho, tầng lớp sĩ phu hay kẻ sĩ là một tầng lớp được kính trọng trong xã hội.
Kẻ sĩ là một mẫu người lý tưởng. Trong một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ,
ông khẳng định vị trí hàng đầu của Kẻ Sĩ trong câu “Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên”, theo
quan niệm xếp hạng “sĩ nông công thương” ngày xưa. Nói
chung, qua cách hiểu thông thường, đây là thành phần có học, mê đọc sách, và hiểu
đạo thánh hiền. Theo như một câu nói khá thịnh hành ở Việt Nam của Hoàng Đình Kiên,
một họa/thi gia nổi tiếng thời Bắc Tống, “Sĩ phu ba ngày không xem sách soi
gương mặt mũi đáng ghét, ăn nói nhạt nhẽo khó ưa” (Sĩ đại phu tam nhật bất độc
thư, đối kính giác diện mục khả tăng, hướng nhân diệc ngữ ngôn vô vị).
Trong xã hội cũ, tầng lớp sĩ phu hầu
như đồng nghĩa với tầng lớp nho sĩ. Đọc sách vở về những thế kỷ sau cùng, có cảm
giác như mục đích chính của đa số trong tầng lớp này là đậu đạt và làm quan. Dù
luôn là một tầng lớp được kính trọng và ưu đãi, tầng lớp sĩ phu thường tỏ ra bất
lực trước những đổi thay của thời cuộc hay những biến động lớn trong xã hội.
Còn giới quan lại thì ngày càng trở nên tham ô và bất tài. Đọc Hoàng Lê
Nhất Thống Chí, chúng ta hình dung được khá rõ cách ứng xử nặng về chữ
nghĩa, giỏi tránh né của giới sĩ phu Bắc Hà, trong những tranh giành quyền lực
đẫm máu trong phủ chúa, trong các biến động gây ra bởi loạn kiêu binh, hay cách
họ chạy theo hay chống đối vua Lê, chúa Trịnh, hay sự tiến quân của Nguyễn Huệ
ra Bắc. Khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam, có một số sĩ phu yêu nước đứng ra
lãnh đạo và phát động cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, như Phan Đình Phùng, Đề Thám,
v.v… Tuy nhiên, dù được đông đảo thành phần nông dân ủng hộ, họ thất bại, vì đa
số sĩ phu thụ động. Trong xã hội Việt Nam thời Hán Nho, tiếng nói và hành động
của sĩ phu thường có ảnh hưởng rất lớn. Nhưng, với đa số thụ động này, hành động
được ngưỡng mộ chỉ là sự thanh liêm khi làm quan, từ quan khi bất mãn với thời cuộc,
với thế sự, rồi về ở ẩn hay vui thú điền viên. Trong lúc đất nước lâm nguy, nhiều
người đang hoặc từng giữ những chức vụ quan trọng vẫn tiếp tục làm thơ ca ngợi
chữ “nhàn” hay ca ngợi đời sống rời xa thế tục. Chúng ta hiểu được sự thất bại
của một nền giáo dục nặng từ chương đã lỗi thời, hiểu được hoàn cảnh của đất nước
vào lúc đó, hiểu được sự thối nát của chế độ phong kiến đương thời nhưng rất
khó hiểu về tinh thần sĩ phu của một dân tộc có một lịch sử lâu dài về văn hiến.
Vì, lòng yêu nước và khả năng ứng xử của một kẻ sĩ không phụ thuộc vào lòng yêu
nước, khả năng ứng xử của một ông vua hay những ông đại thần hèn nhát. Chỉ cần
11 tên lính Pháp với những khẩu súng trường rất thô sơ vẫn hạ được thành Ninh Bình.
Sau khi người Pháp chiếm Đông Dương, lớp
nho sĩ tan rã dần. Xã hội Việt Nam bắt đầu xuất hiện một thành phần mới thay thế
lớp nho sĩ cũ. Thành phần mới này tiếp thu một nền giáo dục từ các trường học tổ
chức theo chương trình Pháp. Danh từ trí thức bắt đầu xuất hiện. Sự đóng góp của
họ cho xã hội khá phức tạp, có tiêu cực có tích cực, nhưng khó để đánh giá một
cách đơn giản. Tuy nhiên, nói chung, về mặt tích cực, cách biểu lộ tình yêu nước
và những đóng góp cho xã hội, cho quê hương vượt trội hơn lớp nho sĩ cũ. Họ có
kiến thức rộng hơn, năng động hơn, thực tiễn hơn, nhìn xa hơn, và nhiệt huyết
hơn. Trong thời nho mạt này, ngoài thành phần trí thức mới, một số nho sĩ cũ biết
nhìn về một thế giới rộng lớn hơn, thấy được cái hay của người, kể cả của kẻ
thù, và cái dở của mình. Không được đào tạo như lớp trí thức mới nhưng bằng khả
năng và tầm nhìn lớn, họ tiếp thu cái hay của tinh thần trí thức Tây phương. Họ
lập nên Đông Kinh Nghĩa Thục, phát động phong trào khai dân trí, phong trào
Đông Du, v.v... Những phong trào này nhận được sự hỗ trợ nồng nhiệt từ thế
hệ trẻ hơn. Trong giai đoạn lịch sử này, người dân Việt cũng đồng thời chứng kiến
nhiều vận động từ giới trí thức về cải cách xã hội, chính trị, văn hóa, qua báo
chí và sách vở. Lòng yêu nước và khát vọng độc lập, khát vọng tiên tiến khơi dậy
mạnh mẽ. Nhiều phong trào yêu nước liên tiếp được phát động, từ cuộc khởi nghĩa
Yên Bái cho đến cuộc chiến tranh giành đôc lập về sau. Có thành công, có thất bại,
nhưng chính nhờ vào sự dấn thân tích cực của đa số trí thức, thời cuộc thay đổi.
Trong cuộc chiến tranh Việt Pháp
1945-1954, tầng lớp này tham dự vào hai phe khác nhau. Lúc đó, sự chống đối giữa
những trí thức không thuộc đảng phái nào chưa quyết liệt lắm. Tùy hoàn cảnh
chính trị và địa dư, họ có thể cầm súng bắn nhau ngoài mặt trận, nhưng trên những
diễn đàn trí thức, qua những ứng xử giữa con người với con người, họ không quá
tàn ác với nhau. Khi đất nước chia đôi vào 1954, họ chấp nhận chia tay trong ôn
hòa để đi về hai bên giới tuyến đối nghịch. Tuy nhiên, sau đó, mọi cách ứng xử
hoàn toàn thay đổi.
Ở miền Bắc, sau 1954, sau vụ án Nhân Văn
Giai Phẩm, sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất và những thanh trừng chính trị đẫm máu
theo mẫu Stalin và Mao, tầng lớp trí thức hầu như không còn nữa. Thành phần nồng
cốt của xã hội miền Bắc là thành phần cán bộ. Một trí thức cũ có thể trở thành
cán bộ, nhưng đã là cán bộ, nhất là cán bộ trong một chế độ như chế độ Cộng Sản
thì không còn là trí thức vì không thể duy trì được tư duy và nhân cách độc lập.
Nhiều trí thức nổi danh trong thời Pháp thuộc không tiếp tục ứng xử độc lập như
trước, để có những đóng góp cho xã hội, cho nhân loại như trước. Bài học họ để
lại cho đời chỉ còn là những kinh nghiệm về chịu đựng và khả năng tồn tại. Nhiều
khuôn mặt lớn trong Nhân Văn Giai Phẩm, chẳng hạn, cũng thế.
Ở miền Nam, sau 1954, ảnh hưởng của tầng
lớp trí thức trong lãnh vực chính trị không nhiều. Không so được với thành phần
chỉ huy quân đội và cán bộ một số đảng phái. Tuy nhiên, trong xã hội, họ vẫn
còn là một tầng lớp tương đối được kính trọng, giúp giảm thiếu phần nào sức mạnh
của các khuynh hướng độc tài và lệ thuộc. Ho giữ được khá tốt sự độc lập của
trường học, đặc biệt, tính tự trị của đại học. Họ không để chính trị ảnh hưởng
đến chương trình giảng dạy, và có nhiều đóng góp vào sự phát triển cho xã hội
trong giáo dục và văn hóa. Trong điều kiện của cuộc chiến, ảnh hưởng này vẫn
không đủ sức lấn áp để ngăn chận sự sụp đổ của miền Nam.
Kể từ 1975, xã hội Việt Nam hoàn toàn
thay đổi, sau khi thống nhất, sau cách kết thúc đẫm máu, và sau những trả thù
tàn bạo, những vượt biển thảm khốc. Một bộ phận người Việt khá đông rời quê
hương, di tản đến nhiều quốc gia khác nhau. Ngày nay, ở hải ngoại, lớp trí thức
cũ không còn bao nhiêu, lớp mới dần hội nhập vào giới trí thức Tây phương.
Trong nước, số trường trung, tiểu học, và đại học nhiều hơn. Rất nhiều, so với
trước 1975. Đào tạo về chuyên môn khá tốt. Tuy nhiên, đại học chưa được tự trị
và có xu hướng đào tạo chuyên gia hay cán bộ hơn đào tạo trí thức. Mỗi năm,
thành phần ưu tú tốt nghiệp trung học, có điểm số cao nhất, được tuyển chọn vào
khối trường công an như học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện An ninh
nhân dân, v.v... Điểm số dành cho các trường đại học Bách khoa, Kinh tế, Khoa học,…
thấp hơn, thấp hơn cả ngành Hàn Quốc học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên
theo ngành Hàn Quốc học này sau khi tốt nghiệp có thu nhập và có tương lai tốt
hơn nhiều so với những sinh viên theo các ngành Việt học. Trong xã hội Việt Nam
hiện nay, thành phần có ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của xã hội vẫn là thành phần
cán bộ. Tiếp đến là giới đại gia. Về giới trí thức hiện nay, GS Hoàng Tụy đã
nêu một nhận xét rất đáng lưu-ý:
“…Mỗi người chỉ biết việc của mình, chỉ lo cho mình, ít khả năng và cũng
không thích thú hợp tác với bạn bè đồng nghiệp. Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy
giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại,
không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình,
tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy
theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của
trí thức VN. Chưa bao giờ trong xã hội ta có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ.
Tôi nói có vẻ bi quan, nhưng thà nhìn khắt khe một chút để biết người biết ta,
còn hơn nhắm mắt chủ quan một cách lố bịch…” [1]
Nhìn lướt qua dòng lịch sử từ cận đại đến
hiện đại như trên, ta thấy, nếu có một tầng lớp sĩ phu trong xã hội Việt Nam,
thì đó phải là tầng lớp nho sĩ trong xã hội cũ và tầng lớp trí thức trong xã hội
mới. Đến đây, chúng ta bắt đầu có chút mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ tinh thần trí
thức, chịu ảnh hưởng của giáo dục Tây phương, với tinh thần nho sĩ, chịu ảnh hưởng
giáo dục Khổng Mạnh của Trung Hoa. Một bên chú trọng vào tư duy độc lập, khuyến
khích tìm tòi, khuyến khích cống hiến những khám phá mới, khuyến khích phản biện.
Một bên, cố học để thấu hiểu nhưng không phản biện sách vở, lời dạy của thánh
hiền, để lập công-danh, để giúp đời, để sống đẹp, và dùng sách vở không khác gì
của nho sĩ thuộc một, hai ngàn năm trước. Dù chịu ảnh hưởng văn hóa và chế độ
giáo dục của Trung Hoa, đa số nho sĩ của ta từ thế hệ này qua thế hệ khác rất nặng
về từ chương, không thật sự có đam mê khám phá và hiểu biết thâm sâu. Ngoài
thơ, phú, không có công trình đáng kể nào về triết học, văn học, nghệ thuật như
Trung Hoa. Nếu chấp nhận lớp trí thức mới này là sĩ phu thì khó chấp nhận lớp
nho sĩ cũ là sĩ phu, dù rằng danh từ sĩ phu khởi đi từ thời thịnh của Hán Nho.
Một vấn đề khác chúng ta gặp phải khi
theo dõi vai trò của tầng lớp trí thức, tức lớp sĩ phu mới, trong xã hội Việt Nam
từ thời Pháp thuộc đến nay. Thời Pháp thuộc, người Pháp áp đặt nền cai trị nhằm
mục đích khai thác cho quyền lợi và quyền lực của họ, đồng thời xây dựng một chế
độ giáo dục dựa trên khuôn mẫu của họ. Nhưng chính trong thời kỳ đó, tầng lớp
trí thức được hình thành và có nhiều ảnh hưởng tích cực vào nhiều lãnh vực, làm
xã hội trở nên tốt đẹp hơn về văn hóa, dân trí, học thuật, v.v... Họ tạo nên thời
cuộc. Nhưng tại sao, khi đất nước chịu sự cai trị của người Pháp, họ tạo nên thời
cuộc, và khi không còn sự cai trị đó nữa, thời cuộc chế ngự họ? Lý do, theo
tôi, dù dựng nên cho Việt Nam vì nhu cầu cai trị, nền giáo dục của Pháp vẫn là
một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản và nhằm đào tạo trí thức. Giáo dục của Việt Nam,
ở miền Bắc trước 1975 và trên toàn quốc sau 1975 không nhằm mục đích đó. Một lý
do khác, như được trình bày tiếp theo đây, liên quan đến định nghĩa chữ Kẻ Sĩ
và tinh thần kẻ sĩ.
Nhiều dân tộc có mẫu người lý tưởng của
họ, mang bản sắc của họ, và mỗi khi nói đến dân tộc đó người ta nghĩ ngay đến mẫu
người này. Chẳng hạn, “gentleman” của người Anh hay “samourai” của người Nhật.
Có phải “kẻ sĩ” là mẫu người lý tưởng, mang bản sắc của dân tộc Việt Nam và mỗi
khi nói đến người Việt Nam thì nghĩ ngay đến tinh thần kẻ sĩ?
Trong văn thơ cũ, khi đọc đến chữ “kẻ
sĩ” chúng ta dễ liên tưởng đến giới nho sĩ. Chẳng hạn, khi đọc bài Kẻ Sĩ của
Nguyễn Công Trứ như đã nêu trên. Và, liên tưởng đến giới trí thức ngày nay.
Nhưng một nho sĩ không hẳn là kẻ sĩ và một trí thức cũng không hẳn là kẻ sĩ.
Bên cạnh, nếu chúng ta chấp nhận một định nghĩa cho chữ Kẻ Sĩ dựa trên từ nửa
Hán nửa Nôm này, thì một sĩ phu cũng không hẳn là một kẻ sĩ.
Riêng chữ “trí thức”, chúng ta thường sử
dụng nó trong nghĩa rất tương đối. Đa số thuộc tầng lớp mà chúng ta gọi là trí thức
trong thời Pháp thuộc chưa tốt nghiệp đại học, nghĩa là còn ở tầm học trò khá
thấp trong ngành chuyên môn của họ. Thời đó, ai tốt nghiệp đại học đương nhiên
được xem là trí thức. Ngày nay, số tốt nghiệp đại học đông hơn nhiều, tiêu chuẩn
cao hơn. Tuy nhiên, cách gọi ai là trí thức vẫn mang giá trị tương đối so với
giá trị thực đòi hỏi ở các xã hội có truyền thống giáo dục Tây phương cao, như
Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật, v.v... Tạm thời, xin chấp nhận cách nhìn tương đối về
trí thức trong bài viết này.
Trở lại chuyện sĩ phu, trí thức và kẻ
sĩ. Theo tôi, chữ “sĩ” trong “kẻ sĩ” không chỉ có nghĩa là học trò, là người có
học mà còn có nghĩa như trong chữ “sĩ khí”. Như vậy, trong xã hội ngày
nay, một kẻ sĩ là một trí thức có sĩ khí, có trách nhiệm làm tốt xã hội,
quyết liệt bảo vệ sự thật và không chịu khuất phục dưới bất cứ đe dọa, áp lực
nào mà mình tin là phản trí thức. “Kẻ Sĩ” cũng không bị giới hạn vào giới tính,
như “Sĩ Phu”. Từ quan điểm đó, nhìn lại những giai đoạn lịch sử kể trên, cái mà
xã hội chúng ta thiếu không phải là sĩ phu hay trí thức mà chính là kẻ sĩ. Thời
thuộc Pháp, Trần Đức Thảo là một trí thức lớn, sau khi về nước, ông chịu bao áp
lực, ông không tiếp tục nói, viết ra những suy nghĩ thật nữa, không dám đóng
góp cho xã hội, cho nhân loại bằng khả năng trí thức của ông. Ông chịu khuất phục.
Hiểu biết cái chính trị của xã hội Việt Nam vào lúc đó, chúng ta thông cảm cho
ông, thương tâm ông. Ông vẫn là một trí thức nhưng rõ ràng, không là một kẻ sĩ.
Ông không là Tư Mã Thiên. Ông không là Emile Zola. Ông không là Shakarov. Ông
là Phùng Quán. Xã hội chỉ thay đổi được cho tốt hơn nếu xã hội đó có nhiều kẻ
sĩ.
Kẻ Sĩ là một mẫu người lý tưởng. Một vấn
đề cần được bàn ở đây là có phải nó biểu trưng cho bản sắc của dân tộc Việt như
Gentleman của Anh hay Samourai của Nhật? Câu hỏi rất khó trả lời. Trong đời sống
hằng ngày, không phải chỉ người Anh, mà chính chúng ta, người Việt, vẫn thường
dùng chữ gentleman để nhận xét về phong cách của một người Anh nào đó. Cách
dùng chữ samourai cũng vậy. Chỉ mới đây thôi, nhiều người Việt đã dùng chữ tinh
thần samourai để nói về phong cách của một cô công chúa Nhật khi quyết định rời
bỏ hoàng cung. Nhưng, trong đời sống hằng ngày, mấy khi chúng ta dùng chữ kẻ sĩ
để nói về một người Việt nào đó? Và, ngày nay, trong đời sống hằng ngày, trong
các trao đổi giữa giới trẻ với nhau, chúng ta có thường nghe hay thấy chữ kẻ sĩ
được dùng trong câu chuyện? Với một hiểu biết, có thể nông cạn, về một thực tế
như vậy, tôi chưa dám trả lời câu hỏi trên.
Tuy nhiên, Kẻ Sĩ vẫn là một mẫu người
lý tưởng. Cho xã hội Việt Nam. Tôi thích câu trả lời của Reginald Johnston, ông
thầy người Anh của hoàng đế Phổ Nghi, trong phim The Last Emperor. Trong buổi học
đầu tiên, Phổ-Nghi hỏi Johnston: “Ông có phải là một gentleman?” Johnston trả lời:
“Thưa ngài, tôi cố gắng làm một gentleman.” Tôi không được đọc cuốn sách của
Johnston, nói về thời gian ông làm gia sư cho Phổ Nghi, nhưng sau khi đọc hồi ký
của Phổ Nghi, tôi tin Johnston quả thật là một gentleman.[2] Câu chuyện đó có thật sự xảy ra
hay chỉ có trong phim, tôi vẫn thích câu trả lời đó. Cho dù, ông có thật sự là
một gentleman hay chưa phải.
Kẻ Sĩ là một mẫu người lý tưởng. Tôi
xin mượn câu trả lời của Reginal Johnston trong phim để kết thúc bài viết này:
“Cố gắng làm một kẻ sĩ”. Nhất là, trong học thuật, trong văn học, và
trong nghệ thuật.
TRƯƠNG VŨ
Virginia, tháng 2 năm 2022.
(1] Hoàng Tụy, “Để có lớp trí thức xứng
đáng”, Tạp chí Tia Sáng, (2008).
[2] Pu Yi, Paul Kramer biên-tập, The Last Manchu: The Autobiography of Henry Pu Yi, the Last Manchu Emperor of China [Người Mãn-châu cuối cùng: Tự-truyện của Henry Phổ-Nghi, Hoàng-đế Mãn-châu cuối cùng của Trung-quốc], Kuo Ying Paul Tsai dịch (London: Weidenfeld and Nicolson, 1987).