Sunday, February 13, 2022

2311. NGUYỄN MINH NỮU Truyện ngắn KHU PHỐ NGÀY XƯA

Cầu chữ Y (Sài Gòn) - Source: Google image

Chúng tôi ngồi, không nói gì với nhau nữa, cả hai cùng đăm chiêu nhìn xuống dòng kênh Đôi chảy lờ lững với những đám bèo giạt bám vào bờ, vào chân cây cầu sơn màu đỏ phía xa xa. Nơi chúng tôi ngồi là một khu dân cư mới thành hình khoảng hai chục năm nay, một khu dân cư đẹp vì thiết kế mới, những con đường cắt nhau vuông vức, các mảng cây xanh bên cạnh những căn nhà cấu trúc mới và đẹp. Cái thích nhất là con đường chạy ven dòng kênh, bên bờ là hàng cây cao, tỏa bóng mát xuống công viên thật trữ tình. Bên kia dòng kênh là quận Tư. Quận Tư nằm gọn giữa hai con kênh là kênh Tẻ và kênh Đôi. Bên kia kênh Tẻ là khu vực quận Năm. Chính xác là ngay chỗ giao thoa giữa hai con kênh, là khu Nancy, với Cầu Chữ Y chia ra ba nhánh, Quận Năm bên này, Quận Tám bên kia. Khu phố đó, tôi giữ trong lòng nhiều kỷ niệm khó quên suốt thời niên thiếu.

Tôi vừa gặp lại Trần Hoàng Hùng sau gần ba mươi năm biệt tung tích của nhau. Lần này về Saigon, khi nhớ và ghé đến khu xóm ngày xưa ở Nancy, thật vui khi gặp Hùng ngồi uống cà phê nơi quán cóc ngay đầu hẻm. Hùng không còn cư trú ở đó từ lâu lắm. Nghĩa là ngay khi tôi còn ở đó, thì gia đình Hùng đã dọn đi chỗ khác, và dọn nhà tới hai ba lần nữa, dẫu vẫn chỉ quanh quẩn trong Saigon, nhưng chúng tôi không có dịp liên lạc được với nhau. Hùng nói: “Tao vẫn thường xuyên ghé lại chỗ này uống cà phê khi có dịp, vẫn giữ mối dây liên lạc với bạn bè trong xóm. Cho nên dù không còn ở Nancy, tao vẫn là dân khu đất Nancy.”

Gặp lại nhau, cả hai đều không giấu được cảm xúc bồi hồi và chỉ kịp hỏi thăm nhau vài câu về gia đình, vợ con và sinh kế. Tôi nói muốn gặp lại một lần nữa, chuyện trò lâu hơn. Hùng đồng ý, trao đổi số điện thoại và hẹn nhau tại quán cà phê ven bờ kênh này.

Tôi và Hùng cùng cỡ tuổi. Khi gia đình tôi dọn về khu Nancy năm 1963, và ở cạnh nhà nhau, sau đó cùng đi học chung ở trường Nguyễn Bá Tòng, cùng sinh hoạt phong trào Hướng Đạo và hơn thế nữa, chúng tôi cùng lập một bút nhóm làm thơ viết văn từ lúc chúng tôi còn ở tuổi mười lăm. Cho nên khi ngồi cạnh nhau, các kỷ niệm của thời niên thiếu dồn dập trở về… Cả hai đều không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu.

- Tao xa khu này quá lâu, và thường xuyên lại không ở Saigon, nên không biết gì về những thay đổi của xóm mình và những bạn hữu ngày xưa, mày có tin tức gì về tụi nó? Thằng Nhiều giờ sao rồi?

- Nó có vợ, một con, có một khách sạn nhỏ ở Vũng Tàu. Nó chết hai năm nay rồi. Có một thời gian dài nó không uống nước mà chỉ uống bia, rồi không hiểu làm gì thành vỡ nợ, nó bỏ Vũng Tàu vào sống trong núi, và khi tìm lại thì đã chết.

- Thằng Ngân thì sao?

- Chết rồi.

- Thằng Hải?

- Chết rồi.

- Thằng Đấu?

- Chết rồi.

- Thằng Tèo?

- Ung thư, sắp chết.

Tôi tròn mắt: Thôi tao không hỏi nữa, hỏi thằng nào... chết thằng nấy. Bây giờ tao hỏi tới mày… e rằng mày cũng nói...

Giữa thập niên 1960, ở miền Nam có một phong trào rất rầm rộ của tuổi thiếu niên, đó là việc thành lập các Thi văn đoàn, Bút nhóm. Không có một tư liệu nào ghi lại sự hình thành và các sinh hoạt này.Tôi nhớ thì sau chính biến 01/11/1963, tại Saigon có khoảng vài chục tờ nhật báo phát hành. Tờ báo nào cũng chứng minh báo mình là báo của cả gia đình, cho nên trang bìa là tin tức chính trị, trang trong sẽ có một phần làm trang Phụ Nữ, một phần làm trang Thiếu Nhi, một làm trang Thể Thao, và các truyện dài. Báo thì nhiều quá, những tờ báo có tiếng tăm và được đọc nhiều như Ngôn Luận, Đại Dân Tộc, Hòa Bình, Chính Luận, Saigon Mới, Đại Dân Tộc… đều có trang Thiếu Nhi. Trong trang đó, đăng các bài thơ, truyện ngắn, tùy bút của tuổi học trò, đặc biệt là hình thành các tổ chức như Gia Đình Mai Bê Bi (báo Chính Luận), Gia Đình Tuổi Ngọc, Bạn với Bé Ngôn, Bé Luận.  Đầu tiên, những bài thơ bài văn đề tên tác giả và địa phương cư trú, sau đó dần dần tên tác giả có ghi thêm thi văn đoàn, bút nhóm gì đó. Mới đầu thì ít, sau thì dường như tác giả nào cũng có dòng Thi văn đoàn dưới tên của mình.  Các anh chị phụ trách các trang đó khuyến khích và tạo điều kiện để các nhóm có đất dụng võ và tìm đến nhau làm quen, kết bạn, cùng học cùng viết với nhau.

Khoảng năm 1966 mà tôi nhớ, thì tại Saigon xuất hiện hàng loạt tuần báo dành cho tuổi thiếu niên. Trong đó rất nhiều nhà văn nhà giáo tâm huyết với tuổi thiếu niên thực hiện tờ báo như một phương tiện giáo dục như Nhật Tiến (tuần báo Thiếu Nhi), Hà Mai Anh (tuần báo Bạn Trẻ), Nguyễn Trường Sơn (bán nguyệt san Tuổi Hoa), Duyên Anh (tuần báo Tuổi Ngọc), ABC (tuần báo Việt Sinh). Các tờ báo khác tôi không nhớ tên người chủ trương, nhưng cũng là những tuần báo hấp dẫn thời đó như Tre Xanh, Ngàn Thông, Trẻ, Măng Non và nhiều nữa. Từ môi trường đó, các bút nhóm, thi văn đoàn lập nên ở khắp nơi, các nhóm tự tìm cách liên lạc với nhau, bằng thư, và bằng cả cách tìm đến nhau trò chuyện kết thân.

Ngay trong cái xóm Nancy nhỏ xíu mà tôi cư trú, có Bút nhóm Thế Hệ của các anh lớn (lúc đó họ học khoảng lớp Đệ Nhất (12), Đệ Nhị (11) gì đó và nhóm chúng tôi, những đứa trẻ đang học Đệ Ngũ (9), Đệ Tứ (10). Tôi đang học Đệ Tứ trường Nguyễn Bá Tòng, và đang sinh hoạt Hướng Đạo. Ảnh hưởng từ Hướng Đạo nên tôi rủ Hùng và vài người bạn trong xóm lập bút nhóm lấy tên là Họ Rừng Xanh, và ra tiêu chuẩn mỗi đứa phải lấy bút hiệu là con vật. Tôi lấy tên là Linh Hồ và thay vì xưng là trưởng nhóm thì xưng là Chúa Rừng. Hùng lấy tên Vân Hạc, Nhiều (Trần Thái Lực) lấy tên Thần Kim Quy. Nhiều và Hùng rủ thêm bạn chung lớp tham gia, nhóm có thêm Đỗ Quyên, Ngọc Thố, Chuột Nhắt… Cũng có họp mặt ăn bánh, cũng có làm thơ viết văn gửi đăng báo, cũng liên lạc gặp gỡ người này người kia... tham dự các buổi sinh hoạt do các tờ báo tổ chức họp mặt và nhờ đó kết nối khá nhiều bạn bè, trong đó, sau này, tức là cả ba bốn mươi năm sau, rất nhiều người vẫn còn cầm bút.

Hùng là người ít nói và cũng ít viết, thế mà anh chàng lại là người đầu tiên trong nhóm có tiền nhuận bút từ một bài văn, tùy bút Hắn của Hùng được một tuần báo đăng, không nhớ báo gì, tòa soạn đặt tại Chợ Lớn. Buổi trưa, tôi và Hùng chở nhau trên chiếc xe đạp chạy tìm địa chỉ, thì đó là một nhà in nhỏ, máy chạy xập xình, phòng trước nhỏ hẹp bừa bộn, ngồi đó là một người đàn ông đứng tuổi, hỏi các em kiếm ai? Hùng đưa tờ báo ra, có lời nhắn tin ghé Tòa Soạn nhận nhuận bút. Người đàn ông gật đầu, mở ngăn kéo ra đếm và đưa cho Hùng 70 đồng mà chẳng thèm hỏi tới cái thẻ học sinh để biết đúng tên người nhận. Hai đứa mừng rỡ cám ơn và đi ra liền, ngu dại và bất lịch sự tới nỗi chẳng biết hỏi tên người đưa tiền là ai.

Nhà tôi ở khu Nancy, nằm bên này cầu chữ Y, bên kia là quận 8, Nhà Bè. Một buổi trưa, cả bọn đang ngồi chuyện trò, thấy một chiếc xe đạp chạy vào xóm, ngơ ngác dòm số nhà, Hùng lên tiếng bạn muốn kiếm nhà ai? Người kia trả lời kiếm nhà Linh Hồ, cả bọn ồ lên, bạn là ai? – Kiều Linh Giang.  A, biết rồi, Kiều Linh Giang nhóm Hoa Tình Thương. Nhà Giang ở bên quận 8, nên bữa nay đi học về, ngang qua khu này, tìm theo địa chỉ đến tìm nhau. Nhóm của Kiều Linh Giang có khoảng ba bốn người, kết với nhau là do bạn cùng lớp. Giang đưa tôi đi gặp những bạn trong nhóm, thân nhất là Trịnh Ngọc Minh, nhà ở ngõ nhỏ đường Phạm Ngũ Lão. Minh rất đô con, hôm tới nhà chơi, Minh đang tập tạ. Sau này, cả mấy chục năm gặp nhau ở California, tôi không nhận ra Minh bởi vì khuôn dáng bên ngoài đã khác xưa, mà cái tên được giới thiệu cũng quá xa lạ, còn Minh lại dễ dàng nhận ra tôi bởi cái tên không dễ bị trùng. Minh bây giờ là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng chẳng những về tác phẩm mà còn là chủ biên tạp chí Văn Học. Trịnh Ngọc Minh bây giờ là Trịnh Y Thư.  Kiều Linh Giang thì ngay khi vừa đủ tuổi lính, nhập ngũ vào Biệt Động Quân, chúng tôi đã không còn liên lạc được với nhau. Sau này mới biết Giang đã mất, tôi có dịp gặp được con trai của Giang, là một kiến trúc sư thành đạt.

Cuộc họp mặt các thi văn đoàn đầu tiên do Tuần báo Việt Sinh tổ chức vào năm 1966, kết hợp với việc trao giải viết văn làm thơ. Giải nhất về văn trao cho Hà Thúc Khánh, lớp Đệ Ngũ trường Nguyễn Bá Tòng, giải nhất về thơ trao cho Đoàn Văn Khánh, thi văn đoàn Hàn Mặc Tử. Đoàn Văn Khánh đang ở Việt Nam, đã xuất bản 3 tập thơ, 1 tập truyện và đang trong ban biên tập tạp chí Quán Văn. Hà Thúc Khánh thì đi du học Mỹ từ trước 1975, sau đó ở lại và là một nhà văn người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với bút hiệu Khanh Ha, đoạt khá nhiều giải thưởng văn chương của Mỹ.

Sau buổi họp mặt đó, các nhóm liên lạc với nhau rồi tùy theo chuyện hợp ý với nhau hay không để kết thân, vòng quen biết mỗi ngày càng rộng ra, các nhóm có thành viên còn tiếp tục cầm bút tới giờ cũng khá đông đảo, như nhóm Hoa Đông Phương có Lâm Quốc Trung; nhóm Động Đất có Linh Phương, Vũ Trọng Quang; nhóm Hồn Quê Quy Nhơn có Võ Chân Cửu, Hồ Ngạc Ngữ; nhóm Hàn Mặc Tử có Đoàn Văn Khánh, Lê Hồng Thái; nhóm Hoa Tình Thương có Kiều Linh Giang, Trịnh Y Thư… còn nhiều nữa mà tôi không nhớ hết.

Nhóm Trai Việt có Quốc Việt sau đó không cầm bút mà ôm đàn. Dù gặp nhau trò chuyện vài ba lần, nhưng Việt nhớ mặt tôi và cứu tôi một lần nguy hiểm. Sau 1975, tôi trở về nhà sau nhiều năm nhập ngũ xa nhà, để cố hòa mình vào đời sống mới, nên tôi ra sinh hoạt thanh niên với phường. Thanh niên miền Nam quen sống tự do, nên các buổi sinh hoạt bó buộc do phường tổ chức thường rất khô khan làm cho họ nản chán. Có lần, sinh hoạt trong một hội trường lớn là một rạp chiếu phim, khi họp xong, bừa bộn dưới đất là rác của kẹo bánh, giấy gói. Bí Thư Đoàn kêu gọi mọi người lượm rác dưới chân mình mà không hiệu quả, mọi người ào ào đứng lên bỏ về mặc kệ ban tổ chức quét dọn. Đến lần sinh hoạt sau, tôi bước lên tạo ra một trò chơi. Đề nghị mọi người bước lên dàn hàng ngang trước sân khấu, rồi yêu cầu quay lưng lại sân khấu, bước tới phía trước, cứ mỗi bước thì yêu cầu cúi xuống lượm rác dưới chân, sau đó lại đứng lên đi tới bước nữa, chỉ trong chớp nhoáng, khi mọi người đi đến cuối hội trường bỏ rác vào thùng để sẵn là hội trường đã sạch sẽ. Không ngờ trò chơi đó tạo thành phản cảm với Bí Thư Đoàn, anh ta không thể điều động thanh niên làm theo ý mình, và khi người khác làm được anh ta ganh ghét. Có lần, anh ta tập họp thanh niên lại để dạy hát và mời một người bạn từ xa đến để dạy. Người anh ta mời là Quốc Việt. Tôi và Việt gặp nhau mừng rỡ chào hỏi. Sau khi dạy hát xong, trước khi ra về, Việt nói nhỏ vào tai tôi, đi ra cuối đường Nguyễn Biểu đợi tao, có chuyện cần. Tôi gật đầu và nhanh chóng đi ra cuối đường, thuộc phạm vi một phường khác. Chút xíu sau Việt ra tới, hai đứa ghé uống cà phê. Việt nói nhanh: “Mày ngưng mọi sinh hoạt thanh niên ở phường này liền đi. Thằng Hải (bí thư Đoàn) nó rất ghét mày, và nghi ngờ mày được CIA huấn luyện để lôi cuốn thanh niên. Bây giờ là lúc luật pháp nằm trong tay tụi nó, một lời báo cáo và mày tiêu đời.”

Thời sinh hoạt văn nghệ học trò đó kéo dài khoảng vài năm, rồi chúng tôi lớn lên. Không còn là các tuần báo nguyệt san thiếu niên nữa, các sách báo tìm đọc là tạp chí Văn, Bách Khoa, Văn Học... mà Nguyễn Lệ Uyên trong bài viết về Trần Phong Giao đã ghi nhận:

“Có thể nói, thập niên 60 là thời kỳ “nở rộ” của các tạp chí văn học miền Nam, với những tên tuổi lớn như Sáng Tạo của nhóm Thanh Tâm Tuyền; Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu; Hiện Đại của Nguyên Sa và trước đó là Chỉ Đạo của Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Đỗ… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau các tạp chí này lần lượt tự đình bản. Duy nhất chỉ còn ba tờ “sống lâu” là Bách Khoa, Văn và Văn Học. Sau đó là những Vấn Đề, Nghệ Thuật, Tiếng Nói, Tin Văn, Thời Tập, Khởi Hành, Đối Diện, Ý Thức… nhưng cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn.

Bách Khoa có lối đi riêng: kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; phần văn học chỉ chiếm một số trang khiêm nhường. Văn Học cũng vậy. Sau khi Dương Kiền ra đi, Phan Kim Thịnh thay thế thì Văn Học trở thành chuyên san về các nhà văn nhà thơ Việt Nam một thời ghi dấu ấn đậm nét cho dòng văn học Việt Nam với những bài nghiên cứu, phê bình và đăng tải lại các tác phẩm của họ.”

Khoảng cuối năm 1968, chúng tôi đã lớn lên, các Thi văn đoàn và Bút nhóm đã lụi tàn. Thời gian chắt lọc đi những ham vui của một thời mới lớn, đọng lại là những người vẫn đam mê chữ nghĩa và tiếp tục viết xuống những điều mình yêu, những điều mình nghĩ, và cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ với nhiều người.

Nhưng điều có thật là những tình bạn nảy sinh từ văn nghệ thiếu niên đó, vẫn luôn là chất kết dính để tín cẩn và thương quý nhau đeo bám suốt đời.

Tôi hỏi Hùng, sau này mày có còn viết được gì không? Hùng lắc đầu, với tay lấy gói thuốc lá, châm hút, nhìn đăm đắm về xa rồi đột ngột hỏi: “Mày có liên lạc gì với Thái không?”

- Thái?

- Thái, với Thức với Duyên …

- Ồ, Thức thì không có tăm hơi gì, Thái đang làm về truyền thông và là một ký giả nổi tiếng ở Nam Cali. Tao có gặp Thái vài lần mỗi khi hắn lên Washington DC công tác.

Năm 1977, khó khăn trong đời sống gần như vào đỉnh điểm. Thiếu thốn và tuyệt vọng. Từ một người bạn trong xóm, tôi đồng ý tham gia một tổ chức chống cộng, tổ chức yêu cầu anh em tham gia ghi danh vào bưng chiến đấu. Tôi từ chối vì có mẹ già. Tổ chức đó có đầy đủ nhóm bạn bút nhóm của tôi như Hùng, Nhiều, Hải, Đấu… và từ đó quen biết thêm những người bạn khác ở xa hơn như Thái, Thức, Duyên. Qua thời gian rất ngắn, một đêm công an đồng loạt tới nhà bắt đi trọn bộ. Đêm đó, tôi không ngủ nhà. Sáng hôm sau, đứa cháu gọi bằng cậu chạy tới cây xăng là nơi tôi đang làm công nhân rửa xe, báo tin bạn của cậu trong xóm như Hùng, Nhiều, Đấu, Hải, Ngân, Thành đã bị bắt hết đêm qua. Bà nói lên báo với cậu, nếu có dính dấp gì thì đừng về nhà.

Lại một lần nữa, tôi bỏ nhà chạy lên Bình Dương tạm trú với Phùng Xuân Mai. Đợi êm êm cả tháng mới về lại nhà. Mấy tháng sau, nhóm bạn đó được thả về. Câu chuyện họ kể trong tù nghe xót ruột: - Mới vô, công an kêu từng đứa lên tra hỏi. Rồi một tuần sau, thay vì kêu từng đứa lên, công an kêu luôn cả đám 8 đứa lên và nói các anh khỏi cần khai gì hết mất công, tôi sẽ khai giùm các anh. Anh này tên này, bí danh là ..., anh kia tên này, bí danh là ... tham gia tổ chức ngày này, quen biết với người tên này, và ghi tên vào bưng vào ngày… Có gì không đúng thì các anh nói đi…

Cả 8 đứa tròn mắt nhìn nhau, không có điều gì để chối. Nghĩa là tổ chức đó đã bị công an gài người nên biết hết, hay nói khác hơn, tổ chức đó do chính công an lập ra, và họ không nhắm vào đám lòng tong cá chốt chúng tôi, mà nhắm vào những con mồi cao hơn… Thái, Thức không phải là con mồi lớn, nhưng lại tiếp cận những con mồi lớn hơn nên Thái, Thức bị giữ lại lâu hơn cho đến lúc họ tìm được cái họ muốn tìm.

Giai đoạn đó, tôi gặp Bảy Thâu. Những ngày còn chiến tranh, sống giữa bom đạn và ranh giới mỏng manh của sống chết, hy vọng thật nhiều vào hòa bình, khi quê hương không còn tiếng súng đã đạt được, thì cuộc sống mới đã không an lạc như ao ước từ bấy lâu nay. Những áp lực đè nặng vào cơm áo đã đành, mà còn tạo ra hàng loạt những khó khăn, bất trắc. Con người như nhão ra, như sống trong lòng con sóng dữ.

Cô gái cùng xóm là một người Nam bộ chính gốc. Cô sinh viên Văn khoa quê ở Kiên Giang này không có những lời lãng mạn yêu thương, không có cái dịu dàng khéo léo lấy lòng, những tình cảm được bày tỏ bằng hành động chăm sóc lẫn nhau. Những câu nói đơn giản, chất phác lại là một bến bờ mà tôi đang thiếu thốn. Bên cạnh Bảy Thâu tôi tìm thấy cảm giác an lành như đang hít thở được hương đồng lúa chín miền Tây. Trò chuyện với em, tôi như thấy mình rời bỏ được những vòng vây ràng buộc, như đang nhẹ nhàng trôi lênh đênh giữa trùng khơi Rạch Giá. “Em chia tay Đại Học, Chân chim lạ bước đời, Chiến trường thôi bom súng, Ta về hồn tả tơi, Lao đao dòng Định Mệnh, Buông tay ngước nhìn trời, Rã rời tim bối rối, Chắt chiu tình em thôi.”

Cái gọi là đám cưới tổ chức đơn giản với những gì chúng tôi có được. Nhóm họ bên nhà gái là bánh và nước ngọt, rước dâu về chỉ có một mâm cơm trên bàn thờ và chưa tới một chục người khách là các bậc trưởng thượng. Chụp được 5 tấm ảnh màu với lời dặn dò kỹ lưỡng nhiếp ảnh gia, chỉ 5 tấm thôi nhé, nhiều hơn không có tiền trả đâu, còn hình đen trắng thì một người bạn có nhã ý chụp giùm. Tiếc thay máy ảnh bị hở ánh sáng, nên chỉ còn lác đác mươi tấm còn nhìn được. Buổi chiều thì dành cho bạn bè tôi, cũng khoảng mươi người, thức ăn không đầy mâm, một người bạn thân trong xóm chạy ra đầu ngõ mua thêm một con vịt quay tiếp tế. Cái áo màu hồng tôi mặc là do Trần Hoàng Hùng (Vân Hạc) cho mượn. Áo đó, Hùng may hai năm trước để dành cưới vợ, ai ngờ, sau 75, cô dâu đã đi nước ngoài, Hùng treo cái áo trong tủ để dành, và cho tôi mượn mặc trong ngày đám cưới. 

Ngày hôn lễ, Nhiều (Thần Kim Quy) tặng bài thơ như xem tử vi:

Trời xanh gọi khúc Ngưu hành Hỏa (Kỷ Sửu - Tích Lịch Hỏa)

Đất vàng hòa nhịp Mã hành Kim (Giáp Ngọ - Sa Trung Kim)

Hỏa Kim tương khắc tâm vô ngại

Quý tử Thủy thành tự duyên may. (Có thể là Nhâm Tuất - Đại Hải Thủy)

Trần Dzạ Lữ chép tay bài thơ trên giấy hồng kẹp vào cái thiệp:

Một điều thú vị nhất

Là lúc hết chiến tranh

Có người lấy vợ hiền

Hát tràn câu ân ái

Chàng lên ngôi chú rể

Mộng dàn như trời cao

Nàng môi hồng mắt biếc

Săm se tình cô dâu

Mặn nồng ôi ngày cưới

Mùa xuân của đôi hồn

Rất nhiều hoa hạnh phúc

Nở rộ đời tân hôn

Ôi ngày bạn cưới vợ

Ta không có gì hơn

Làm một bài thơ nhỏ

Chúc mừng ngày tân hôn.

45 năm rồi đó, nhìn lại mảnh đất ngày xưa, nghĩ về bạn hữu của thời niên thiếu, nuối tiếc và nhớ thương đến xót lòng.

Hùng bất chợt quay lại hỏi tôi - Lần này mày về, ghé qua xóm mấy lần rồi? Có ăn cơm tấm con của thằng Thành bán không?

- Ồ mày nhắc mới nhớ, thằng Thành sao rồi?

Hùng buông thõng, Chết rồi.

 

Tôi không hỏi nữa, im lặng leo lên xe gắn máy của Hùng, mày chở tao về khu xóm ngày xưa, ăn dĩa cơm tấm đi…

Không biết là trong quán đang mở nhạc, hay là văng vẳng đâu đó từ trong trái tim tôi bài “Giọt Buồn Không Tên” của Lê Minh Bằng: 

Bạn bè của ta mỗi đứa tha phương một nơi

Khu phố ngày xưa nay vắng nhau không còn vui

Và hàng cây me trút lá khô trên vai tôi

Càng nhớ thương bạn ơi…

 NGUYỄN MINH NỮU
Virginia, 5/2021