Nhất Linh, ngày trở về
I- Hương Cảng
Từ Côn Minh đến Hương Cảng
Nguyễn Tường Tam, sau khi từ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong
chính phủ Liên hiệp, sang Côn Minh tháng 6-1946. Tại hải ngoại, ông không ngừng
hoạt động.
Tình hình Quốc Dân Đảng lúc đó gần như tuyệt vọng: ở trong
nước bị cả Pháp lẫn Việt Minh lùng bắt, phải lui vào bí mật. Ở ngoài nước,
trông vào sự trợ giúp của Tưởng Giới Thạch, nhưng chính phủ Trùng Khánh, đã dời
đô lên Nam Kinh từ tháng 5-1946, bắt đầu nao núng trước sức mạnh của Hồng quân.
Trước tình thế ấy, những người Việt Quốc lưu vong có thể làm gì? Nguyễn Tường
Bách viết:
"Việc cần làm trước hết, là tổ chức lại Hải Ngoại Bộ
thành cơ cấu lãnh đạo ở ngoài nước để gây lại các cơ sở địa phương và tiến hành
công tác ngoại vận. Trong tình thế này, không còn con đường nào khác để dọn lối
trở lại Việt Nam, anh Tam giữ chức vụ chủ nhiệm, phần ngoại vụ do anh Long,
phần tổ chức do tôi giữ và kinh tài do anh Xuân Tùng phụ trách (…)
Chúng tôi đã gặp các nhà chức trách ở đây mấy lần, và được
nghe không ít hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng chỉ không tới nửa năm sau, sau khi đã tiến
chiếm Diên An và ăn mừng thắng lợi, binh đoàn Hồ Tông Nam đã bị Cộng quân xơi
gọn từng miếng – hai trăm ngàn quân Q.D.Đ đã bị bốn mươi ngàn quân CS đánh cho
đại bại và khi rút chạy đã không còn một nửa quân số!"[1]
Về cơ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Côn Minh, Nguyễn Tường
Bách mô tả:
"Chúng tôi mướn một căn phòng ở ngoại thành, khu gọi
là Phục Hưng Tân Thôn, phía Tây thành phố. Nhà rộng, có gác, đủ cả phòng họp và
phòng ngủ, nằm bên con đường đi Đại Quan Lâu, một thắng cảnh ở đây. Hai bên
đường trồng thông và cây bạch hoa cao vút. Khi họa sĩ Nguyễn Tường Lân (trùng
tên với Thạch Lam) còn ở đây, anh thường vác giá gỗ ra phác họa cây bạch hoa.
Sau này, anh về nước lúc nào tôi cũng không biết; chỉ nghe nói là khi bước chân
xuống sân bay Gia Lâm, thì bị Việt Minh bắt, không rõ tung tích ra sao"[2].
Nguyễn Tường Bách ở lại Côn Minh, cuối năm 1946, kết hôn với
Hứa Bảo Liên, đã quen nhau từ Hà Nội.
Kể từ tháng 8-1946, Lưu Đức Trung liên lạc thường xuyên với
Nguyễn Tường Tam, viết thư mời anh em Nguyễn Tường lên Nam Kinh, để bàn tính
việc thành lập một tổ chức quốc gia ở hải ngoại. Nguyễn Tường Tam rời Côn Minh
ngày 30-11-1946[3],
tới Nam Kinh, ngày 3-12-46, gặp Nguyễn Hải Thần, Trần Văn Tuyên, Tạ Nguyên Minh…
Ngày 5-12-46, trong buổi họp lớn tại Nam Kinh, Nguyễn Tường Tam tường trình
thái độ của Quốc Dân Đảng kể từ Hội nghị Đà Lạt đến lúc ông chạy ra ngoại quốc,
và mục đích của ông lên Nam Kinh, sau cùng ông đề nghị các tổ chức quốc gia xoá
bỏ mọi khác biệt quá khứ, ngồi lại với nhau thành một khối có tổ chức chặt chẽ
để làm việc"[4].
Nguyễn Tường Tam liên lạc với các đoàn thể hải ngoại và
trong nước để thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Tối 20-2-1947, tại Thượng
Hải, các đại biểu ký kết văn kiện thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất
Toàn quốc.
Thành lập xong Mặt trận, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần
trở về Quảng Châu. Từ đó các hoạt động của Mặt trận phát xuất từ Trung ương ở
Quảng Châu[5].
Cùng thời gian đó, ngày 2-2-47, Bảo Đại phái Trần Trọng Kim,
Đinh Xuân Quảng, Phan Huy Đán về Sài Gòn xem xét tình hình, đồng thời Cựu hoàng
viết thư cho Lưu Đức Trung và nhóm Thượng Hải, ngỏ ý muốn triệu tập tất cả mọi
người về Hương Cảng, trong thư có câu:
"Tôi cũng đã ngỏ ý nói cụ Nguyễn [Hải
Thần] và anh [Nguyễn Tường] Tam về. Hết thảy nên tụ tập lại một nơi,
phân công ra mà làm việc".
Như vậy, việc triệu tập mọi người về Hương Cảng là chủ ý của
Bảo Đại từ tháng 2 năm 47, đến tháng 9 năm 47 mới thực hiện được.
Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long sang Hương Cảng trước
tháng 7-47, Nguyễn Tường Bách được gọi sang sau"[6].
Trước đó, khi Nguyễn Tường Tam quyết định ủng hộ giải pháp
Bảo Đại [đứng ra điều đình với Pháp], ông có viết thư báo cho Hải ngoại bộ ở
Côn Minh[7],
Nguyễn Tường Bách ghi lại phản ứng các đồng chí ở Côn Minh như sau:
"Bức thư mật của anh Tam gửi về Hải Ngoại Bộ khiến cho
tôi đầu bỗng nóng lên, hãm vào mấy phút trầm tư. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bối
rối như vậy. Vì, dù có đưa ra những đòi hỏi như trên [Yêu
cầu Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển Việt Quốc], thực chất như thế là ta sẽ hợp tác với Pháp và sẽ phải đối
đầu với quốc dân đương đổ máu để kháng chiến, dù chính phủ Hồ Chí Minh do đảng
Cộng Sản lãnh đạo.
Chiến sĩ cách mệnh chống thực dân nay lại bắt tay với chính
thực dân? Thực khó mà chấp nhận? Song còn có đường nào khác để đi?"[8]
Đây là lần thứ hai, Nguyễn Tường Bách nói lên thế kẹt của
Quốc Dân Đảng. Lần thứ nhất, khi ông lên chiến khu Vĩnh Yên, phải đánh nhau với
Việt Minh, ông đã viết:
"Lần đầu tiên trong đời, tôi tham gia vào một cuộc
chiến tranh. Nhưng từ trước đến nay tôi không bao giờ ngờ được lại đánh nhau
giữa người Việt Nam với nhau, trong lúc đáng lẽ phải đánh nhau với thực dân
Pháp. Theo ý nguyện của tôi và nhiều anh em thanh niên lúc đó, mục đích chính
là chống Pháp. Nhưng thời cục đã đưa đẩy như thế. Vì thành kiến và vì thù hận
đảng phái, cũng không còn có con đường nào khác"[9].
Đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng, việc Bảo Đại điều đình với
Pháp, không khác gì việc Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp cách
đấy mấy tháng, mà họ đã cực lực phản đối. Nguyễn Tường Bách bèn liên lạc với
Xuân Tùng, Vũ Hồng Khanh, là hai lãnh đạo ở Vân Nam. Hai người này cũng thấy
rất khó xử. Một đảng viên kỳ cựu hỏi thẳng: "Như thế có phải là chủ
trương hợp tác với Pháp không? Có phải là đầu hàng không?"[10].
Cuối cùng, Vũ Hồng Khanh đã dè dặt nhận lời. Có lẽ vì vậy, nên khi Nguyễn Tường
Tam, Nguyễn Tường Long và Nguyễn Hải Thần đi dự hội nghị Hương Cảng, họ không
được toàn thể ủng hộ, nên đã không ký vào bản tuyên ngôn chung. Lập trường của
Nguyễn Hải Thần được Nguyễn Tường Bách ghi lại như sau:
"Trong một ngày gần cuối, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Hải
Thần. Lúc này mắt cụ đã kém, nhưng lập trường vẫn vững cùng chúng tôi, cụ cảm
thấy mình không có hậu thuẫn mạnh, nếu về nước, cũng sẽ chỉ là con bài trong
tay Pháp:
Bọn Pháp lúc này thấy cần phải lợi dụng tên tuổi của mình để
lôi cuốn dân chúng chống lại Việt Minh (…) Tôi nghĩ, không thể chấp nhận những
điều kiện của Bollaert, người ta sẽ cho mình là đầu hàng Pháp" rồi cụ chép
miệng: "Dù sao, từ trước tới nay chúng ta đã là chống Pháp, nay lại đi với
Pháp là mất chính nghiã."
Chúng tôi tỏ ý đồng tình với cụ, và sẽ không ký vào bản
tuyên ngôn. Sau đó cụ trở về Quảng Châu trú ngụ. Chính phủ Trung Cộng sau này
có lẽ vì thấy cụ là một nhà ái quốc can trường, với lại cũng không có hại gì
cho họ, nên đã cung cấp nhà ở và một số tiền sinh hoạt, con cái cũng được đi
học và đi làm. Cụ mất năm 1957 ở Quảng Châu."[11]
Hội nghị Hương Cảng
Hội nghị Hương Cảng bắt đầu họp từ ngày 9-9-1947, và kết
thúc một tuần sau đó. Do Nguyễn Hải Thần chủ tọa, Cung Giũ Nguyên thư ký, Lưu
Đức Trung làm phát ngôn viên của Bảo Đại.
Có khoảng 30 đại biểu của trên 15 tổ chức trong và ngoài
nước tham dự. Trong đó có những chính khách tên tuổi, sau này sẽ đóng các vai
trò quan trọng trên chính trường quốc gia, như: Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Sâm,
Trần Văn Ân, Phan Khắc Sửu, Cung Giũ Nguyên, Trương Vĩnh Tống, Nghiêm Xuân Nam,
Nghiêm Xuân Việt, Trần Văn Liễu, Phan Văn Giáo, Trần Đình Quế, Nguyễn Bảo Toàn,
Trần Văn Tuyên, Vũ Kim Thành, v.v.
Nguyễn Khăc Ngữ viết:
"Hội nghị chia thành 2 phe:
Phe Mặt trận Quốc Gia Thống nhất Toàn quốc chủ trương không
hợp tác với Pháp và chỉ hợp tác với Chính phủ Bảo Đại khi Pháp trao trả độc lập
và thống nhất cho Chính phủ này.
Một số các đảng phái ở trong nước chủ trương cứ để Bảo Đại
đứng ra điều đình với Pháp và lập Chính phủ Quốc gia rồi các điều kiện sẽ tranh
đấu sau"[12].
Chương trình nghị sự: bàn về vai trò của các đảng phái Quốc
gia trong việc điều đình với Pháp và thảo luận đề nghị sau đây của Pháp:
"Trong đề nghị này, Bollaert yêu cầu Bảo Đại và các
đảng phái Quốc gia về nước, Pháp sẽ giúp phương tiện và khí giới để đánh Việt
Minh.
Hội nghị đã tức khắc bãi bỏ đề nghị này vì rằng nếu đã về
nước thì phải đánh Pháp mới có chính nghiã chứ nếu về làm tay sai cho Pháp thì
sẽ bị mang tiếng xấu và sẽ chẳng còn làm gì được nữa.
Tuy nhiên đa số các đại biểu các đảng phái Quốc gia cũng
đồng ý tiếp tục hậu thuẫn cho Bảo Đại để ông điều đình với Pháp để đòi được
hoàn toàn độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp với các điều kiện: Chính phủ
Việt Nam Quốc gia sẽ có quân đội riêng, tài chính riêng; có quyền ngoại giao
với các nước trên thế giới, v.v."[13].
Chính sách mới của Pháp, được triển khai trong bài diễn văn
của Bollaert, cũng được đưa ra thảo luận, Nguyễn Khắc Ngữ ghi lại theo tài liệu
của Lưu Đức Trung, như sau:
"Trong thời gian Hội nghị đang họp, ngày 10-9-1947,
Bollaert đọc ở Hà Đông một bài diễn văn nói về chính sách mới của Pháp ở Đông
Dương.
Trong diễn văn này, ông nói rõ chính sách mới của Pháp về
vấn đề Đông Dương:
* Pháp chấp nhận để Việt Nam được tự trị (ông không nói gì
đến hai chữ độc lập) trong khối Liên Hiệp Pháp.
* Pháp công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam qua một
cuộc trưng cầu dân ý của dân chúng Nam kỳ.
* Việt Nam sẽ có chính phủ riêng với các bộ chuyên môn của
họ.
* Pháp sẽ chịu trách nhiệm về việc quốc phòng, ngoại giao và
làm trọng tài giữa Việt nam và các nước Lào, Mên.
Hội nghị đã đem bài diễn văn này ra mổ xẻ và đã bác bỏ ngay
những đề nghị trên của Bollaert."[14]
Hội nghị biểu quyết một kiến nghị gửi cho Bảo Đại, trong đó
viết:
"Đại biểu các đoàn thể Chính trị, Tôn giáo, Văn hóa và
Kháng chiến Việt nam họp tại Hương cảng đồng thanh tuyên bố:
Những đề nghị chính thức của Pháp không đáp ứng với những
đòi hỏi chính đáng của dân tộc Việt nam và không thể đưa đến một nền hòa bình
vĩnh cửu.
Hội nghị tái xác nhận lòng tin tưởng hoàn toàn vào Cựu Hoàng
Bảo Đại, người duy nhất xứng đáng đại diện cho dân tộc Việt nam.
Hội nghị thỉnh cầu Ngài đứng ra lãnh đạo dân tộc Việt nam để
cùng người Pháp tìm lấy một giải pháp giải quyết những vấn đề Việt Pháp trên
căn bản bình đẳng công lý"[15].
Đáp lại thỉnh cầu này, ngày 18-9-1947, Bảo Đại công bố một
bản Tuyên ngôn, với những ý chính sau đây:
"…Trong lúc tuyệt vọng, đồng bào đã hướng về Trẫm, kêu
gọi uy quyền của Trẫm, để mang lại cho đất nước bị tàn phá vì chiến tranh và bị
sâu xé vì chia rẽ, một nền hoà bình xứng đáng với một đất nước tự do, bình
đẳng, một nền hoà bình nội bộ trong an toàn.
Đồng bào yêu cầu Trẫm nhân danh đồng bào điều đình với nước
Pháp, qua vị đại diện cao cấp của họ ở Việt Nam, Cao uỷ Bollaert (…)
Đáp lại lời kêu gọi đó, Trẫm chấp nhận trách nhiệm mà đồng
bào giao phó, và sẵn sàng liên lạc với nhà cầm quyền Pháp. Với họ, Trẫm sẽ
khách quan xem xét các đề nghị mà họ đã đưa ra".[16]
Theo Tuyên ngôn trên thì Bảo Đại không nói gì đến sự bãi bỏ
hay chấp nhận đề nghị của Bollaert trong bài diễn văn ở Hà Đông nhưng chỉ nhận
sẽ đứng ra điều đình với Pháp mà thôi.
Sau khi tuyên ngôn của Bảo Đại được công bố ngày 18-9-1947,
ngày 19-9-1947, Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc ra thông cáo bác bỏ đề
nghị của Bollaert nhưng xác nhận lòng tin tưởng hoàn toàn vào Bảo Đại và kêu
gọi đồng bào hãy xiết chặt hàng ngũ, tiếp tục tranh đấu cho độc lập và thống
nhất".[17]
Nhiều đảng phái quốc gia trong nước gửi điện văn ủng hộ Bảo
Đại và bản tuyên ngôn 18-9-1947 của Cựu hoàng.
Việt Nam Quốc Dân Đảng phát truyền đơn phản đối việc thoả
hiệp với Pháp.
Phải khách quan mà nhận rằng: Quan điểm của chính phủ Pháp
đã có ít nhiều thay đổi: kể từ ngày 22-1-1947, Paul Ramadier lên làm Thủ tướng.
D’Argenlieu bị gọi về Pháp. Ngày 5-3-1947, Emile Bollaert lên thay thế, ngày
1-4-47, Bollaert đến Sài Gòn với một quyền lực lớn: đặc trách an ninh, quốc
phòng và là đại diện trực tiếp của chính phủ Pháp tại Đông dương, cùng với một
"chính sách mới", gồm những điểm chính sau đây:
Những quyền lợi tinh thần và vật chất của Pháp ở Đông Dương
là bất di bất dịch. Không cần bàn cãi. Pháp chủ yếu giữ gìn và tự do phát triển
ảnh hưởng văn hoá và quyền lợi kinh tế của nước Pháp; bảo vệ các sắc dân thiểu
số đã tin cậy vào nước Pháp. Pháp không chủ trương duy trì chính sách thuộc địa
như ngày xưa, cũng không chống lại những đòi hỏi độc lập thống nhất 3 xứ của
người Việt, nhưng căn cứ vào những điểm căn bản của hiệp định Sơ bộ 6-3-1946.
Hiệp định này "đã bị Việt Minh xâm phạm" ngày 19-12-1946 [ngày toàn
quốc kháng chiến]. Trong sự thử thách bằng võ lực, chúng ta [Pháp] đã thắng thế
rõ ràng. Song song với hành động quân sự, chúng ta [Pháp] đưa ra hành động
chính trị, để cho người Việt biết chúng ta không còn muốn trở lại tình trạng
trước ngày 9-3-1945 [ngày Nhật đảo chính Pháp] và thành thực để cho người Việt
điều khiển xứ sở của họ. Nếu người Việt muốn thành lập một chính phủ lâm thời,
chúng ta [Pháp] coi là một tiến bộ. Chính phủ này phải loại bỏ các phần tử Việt
Minh[18].
Xin nhắc lại vài mốc lịch sử tiếp theo đó:
- Ngày 6-12-1947, Cựu hoàng Bảo Đại gặp Bollaert lần đầu
trên chiến hạm ở vịnh Hạ Long.
- Bảo Đại hội đàm với Bollaert tại Genève từ 7-1-1948 đến
12-1-48.
- Ngày 30-1-48, Bollaert tuyên bố tại Sài Gòn: Pháp không
điều đình với Hồ Chí Minh nữa.
- Ngày 5-3-48, Cựu hoàng từ Genève trở về Hồng Kông.
- Ngày 2-6-48, chính phủ Nguyễn Văn Xuân được thành lập.
- Ngày 5-6-48, hiệp ước vịnh Hạ Long được công bố: "Pháp
long trọng thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Việt Nam tuyên bố gia nhập
khối Liên Hiệp Pháp"[19].
Trong thời gian này, hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng
hầu như tê liệt. Nguyễn Tường Tam ở vào địa vị khó xử, tương tự như lúc ông cầm
đầu phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Đà Lạt. Nguyễn Tường Bách trình bày khá
rõ tình trạng này:
"Theo đúng nguyên tắc đoàn kết dân tộc chống xâm lăng,
thì cần đoàn kết với Việt Minh để kháng chiến, vì lúc đó chính phủ Hồ Chí Minh
đương cầm đầu cuộc chiến chống Pháp. Nhưng chủ trương của CSVN là tiêu diệt
hoặc chi phối hoàn toàn các phái khác với mình phải thần phục họ, nên đoàn kết
không thể thực hiện được. Một mặt, nếu cùng với Bảo Đại đi vào con đường hợp
tác với Pháp để chống lại Việt Minh đừng kháng chiến, thì tất sẽ rơi vào chỗ
phản lại dân tộc, và bị dân chúng ruồng bỏ".[20]
Theo Nguyễn Tường Bách, sau khi hội ý với Xuân Tùng và Vũ
Hồng Khanh ở Vân Nam, Vũ Văn Đức ở Quảng Tây và một số đại diện những lực lượng
bí mật ở trong nước ra, đại đa số Quốc Dân Đảng đều đồng ý không thể thoả thuận
với Pháp được. Và họ chủ trương "tạm thời chỉnh đốn hàng ngũ để đợi một
cơ hội tốt hơn". Nguyễn Tường Bách viết:
"Một mặt, dù có một vài anh em chủ trương hợp tác với
Việt Minh để thúc đẩy việc giải phóng dân tộc trước hết, nhưng mọi người đều
thấy phải kháng chiến, nhưng không thể đi với Cộng sản được (…)
Từ đó về sau, ở ngoài nước, chúng tôi không còn liên lạc với
Cựu hoàng Bảo Đại và những người đi theo ông.
Chúng tôi trở về Quảng Châu, vẫn ngụ tại gian nhà nhỏ trong
ngõ Hoàng Xá. Ở đây còn có anh Đỗ Đình Đạo và mấy anh em từ Vân Nam sang hay từ
Quảng Tây tới"[21].
Cuộc sống ở Quảng Châu
Hội nghị Hương Cảng chấm dứt, tất cả trở về ngõ Hoàng Xá,
căn cứ Quốc Dân Đảng ở Quảng Châu. Nguyễn Tường Bách kể lại những "giây
phút êm đềm" đi dạo bờ Châu Giang, trèo lên núi đồi ngoại thành hoặc đi
bơi tại Lệ Chi Loan:
"Buổi chiều, sau bữa cơm, ra ngoài hiên hóng mát
ngay trước cửa nhà. Anh Tam mang cái kèn hắc quản (clarinette) ra thổi, những
bản nhạc du dương như Khúc Mộng Ảo, Dạ Khúc hay những bản nhạc Việt Nam mà anh
thích như Con Thuyền Không Bến, Biệt Ly… nghe não ruột, lôi cuốn những người
láng giềng chất phác bắc ghế ra ngoài cửa nghe. Có lẽ họ chưa được nghe âm nhạc
réo rắt nhưng lạ tai như thế bao giờ. Và họ cũng ngơ ngác, không hiểu tại sao
lại có mấy người ngoại quốc này đến đây làm gì.
Song hấp dẫn hơn đối với họ, có lẽ là mấy bài anh [Đỗ
Đình] Đạo thổi. Phải công nhận là anh Đạo thổi hay hơn anh Tam – trong
gia đình anh Đạo nhiều người có khiếu về âm nhạc, mà anh lại chơi những bản
quen thuộc hơn như Lưu Thuỷ Hành Vân, nhất là bài "Tô Vũ Mục Dương"
du dương mà người ở đây, hầu hết đều biết. (…)
Đầu năm 1948, tất cả dọn sang Bạch Hạc Động, một làng bên
kia sông. Chỗ này có hai trường trung học có tiếng, có cả giáo viên người Anh,
Mỹ, và có ca nô chở tới Sa Diện.
Chúng tôi thuê một căn nhà trong làng, gần chợ, tiện mua
bán, nấu ăn.
Hồi đó, có lẽ vì mệt mỏi, anh Tam mắc chứng suy nhược thần
kinh, hay mất ngủ, lo âu, nên hoàn cảnh ở đây yên tĩnh, rất thích hợp. Trong
khi chờ đợi anh em các nơi tới họp, chúng tôi lợi dụng thời giờ
để đọc sách, nghiên cứu về mọi mặt xã hội, chính trị, trau dồi thêm kiến thức
cần thiết cho hoạt động. (…)
Thất bại, lưu vong, bế tắc… Không khỏi đưa tới bàng hoàng,
thất vọng, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan, vẫn cố gắng theo đuổi công cuộc, và
tìm thấy thú vui trong đời sống"[22].
Căn nhà ở Hương Cảng
Căn nhà này họa sĩ Nguyễn Gia Trí đứng tên thuê. Ông là
thành viên xây dựng Tự Lực văn đoàn và đảng Hưng Việt[23].
Nguyễn Gia Trí và Trương Bảo Sơn, thuộc nhóm lưu vong Thượng Hải, dọn xuống
Hồng Kông, khi Bảo Đại triệu tập hội nghị Hương Cảng. Trương Bảo Sơn viết:
"Ông Nguyễn Gia Trí và tôi từ Thượng Hải xuống Hồng
Kông vào khoảng tháng 9-1947, được hai anh em ông Võ Văn Hải (sau là bí thư của
ông Diệm) và Võ Văn Lăng [tức họa sĩ Võ Lăng, sau sống ở Pháp]
mướn cho một gian lều vách ván, lợp giấy bồi, sơn hắc ín, không điện, không
nước ở lưng chừng một ngọn núi đá, trông sang trường đua ngựa Happy Valley.
Hàng ngày hai ông này còn đem cơm cho chúng tôi, cho tới khi chúng tôi kiếm
được sinh kế. Ông Trí lo vẽ tranh, tôi đi kiếm việc làm và đã được tuyển vào
một công ty hàng hải của Hoà Lan. Năm 1948, vợ [bà Nguyễn Thị Vinh, sau này
sẽ trở thành nhà văn] và con tôi [Trương Kim Anh] lúc đó mới ba tuổi
đã bắt được liên lạc với tôi và từ Hà Nội đã sang ở với chúng tôi.
Sau khi hội nghị Hồng Kông tan rã,
căn lều lại có thêm ông Đỗ Đình Đạo, nguyên tư lệnh chiến khu ba của Việt
Nam Quốc Dân Đảng và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tới ở chung. Ngay sau lều có
một hộc đá, rộng mỗi bề khoảng năm mét, ông Tam đã thu dọn ngủ trong đó. (…)
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Đỗ Đình Đạo hàng ngày họa clarinette với nhau ở
trước cửa động"[24].
Như vậy, Nguyễn Tường Tam và Đỗ Đình Đạo, sau Bạch Hạc Động
đã dọn ra Hương Cảng, Căn nhà lều ở Hương Cảng, trên sườn đồi gần trường đua
ngựa Happy Valley, trong hồ sơ công an Anh được ghi là nhà của Nguyễn Gia Trí.
Nhà này cũng là trụ sở của Quốc Dân Đảng ở Hồng Kông, là nơi đi về của các nhà
lãnh đạo như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Đỗ Đình Đạo…
giữa Hồng Kông và Bạch Hạc Động.
Căn nhà này được Nguyễn Thị Vinh mô tả rất nên thơ, là nơi
nhà văn Nhất Linh và họa sĩ Nguyễn Gia Trí, từng sống và sáng tác, trong 5 năm,
từ tháng 9-1947 đến năm 1952, khi Nguyễn Gia Trí và gia đình Trương Bảo Sơn về
nước.
Cũng tại căn nhà này, tháng 11-1947, công an Anh đã tìm được
"những tài liệu chứng tỏ nhóm này chủ trương bí mật sử dụng Bảo Đại và
tính việc lật đổ Bảo Đại để thiết lập chính phủ cộng hoà", như chúng
ta đã thấy trong chương trước.
Nguyễn Gia Trí vẽ tranh ở Hương Cảng
Trương Bảo Sơn kể lại:
"Ba tháng sau khi tới Hồng Kông, tôi được tuyển vào làm
tại một hãng hàng hải Hòa Lan. Tôi cùng Nguyễn Gia Trí thành lập
chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Hồng Kông và xuất bản một tờ nội san. Nhờ được
anh Nguyễn Khải Hoàn đem cho anh một thùng sơn son và một thùng sơn ta, loại
sơn hay "ăn" da tay da mặt những người dễ bị dị ứng, lập tức anh vẽ
phác nhiều bức và mua ván ép về bó sơn, bó vải, tích trữ vỏ trứng, vàng quý anh
mang theo khi xuất ngoại tạm đủ dùng.
Anh giảng cho tôi biết tại sao tranh sơn mài của anh dù có
ngâm xuống giếng nước hàng nhiều năm vẫn bền màu, gỗ không cong, không nứt.
Những nét vẽ bằng vỏ trứng, nhất là bằng vàng mắc giá, phải phết son làm sao để
khi mài sơn sẽ nổi lên theo ý muốn của hoạ sĩ. Sơn phải mài công phu tỷ mỷ và
khéo léo như thế nào để toàn thể mặt tranh bằng phẳng, nhẵn thín, không một vết
gợn, vết nhăn. Anh đã đem mấy bức ra triển lãm cùng với những bản phác hoạ, đã
được đông người ngoại quốc đến tham dự và thưởng thức. Họ xì xầm bàn tán với
nhau; họ trầm trồ khen tài anh. Mấy bức sơn mài được bán hết với giá rất cao.
Nhiều người hỏi mua cả những bức phác họa nhưng anh không bán. Anh đem về lồng
năm bức vào cái khung kính và tặng cho gia đình tôi. Vì phác hoạ bằng phấn mầu,
nếu quấn lại, nét vẽ sẽ nứt vỡ, nên phải lồng khung treo và để di chuyển cho dễ"[25].
Bà Nguyễn Thị Vinh vợ ông Trương Bảo Sơn cũng viết: "Anh
Nguyễn Gia Trí thường đem giá gỗ, ngồi vẽ dưới gốc cây. Cũng tại nơi đây, tôi
đã ngồi làm mẫu, để anh vẽ "portrait". Tấm tranh này, sau anh phải
bán cho ông bà Lãnh sự người Anh ở Hương Cảng, khoảng năm 1948 hay 1949"[26].
Trong thời gian ở Hương Cảng, Nguyễn Gia Trí vẽ tranh và
Trương Bảo Sơn làm cho công ty hàng hải của Hoà Lan để sinh sống. Chỉ hai người
này có "công ăn việc làm". Phần còn lại không ai có việc. Hứa Bảo
Liên, vợ Nguyễn Tường Bách, sống ở Quảng Châu, đến tháng 9-1949, mới có việc
dạy tiểu học. Nguyễn Tường Bách là bác sĩ nhưng chưa thạo tiếng Tầu và chưa có
chứng chỉ "tương đương", mãi đến tháng 2-1950, mới xin được vào làm
bác sĩ ở bệnh viện Quảng Châu[27].
Cái chết của ba họa sĩ
Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) học trường Mỹ Thuật
Đông Dương khoá (1926-1931), đã cộng tác đắc lực với Phong Hoá Ngày Nay
đến những ngày cuối, rồi tiếp tục cùng Khái Hưng chủ trương ra báo Thời Phong
cuối năm 1946. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông theo Việt Minh. Ông bị trúng
bom, mất tại Ba Khe, gần Điện Biên Phủ ngày 17-6-1954.
Hoạ sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1946) học khoá
(1928-1933), cộng tác viên Phong Hoá Ngày Nay, theo Việt Nam Quốc
Dân Đảng, trốn sang Côn Minh, rồi trở về Hà Nội, đến phi trường Gia Lâm, ông bị
Việt Minh bắt, đưa đi mất tích, ở tuổi 40. Nguyễn Tường Bách cho biết:
"Khi họa sĩ Nguyễn Tường Lân (trùng tên với Thạch Lam)
còn ở đây, anh thường thường vác giá gỗ ra phác họa cây bạch hoa. Sau này, anh
về nước lúc nào tôi cũng không biết, chỉ nghe nói là khi bước xuống chân bay
Gia Lâm, thì bị Việt Minh bắt, không rõ tung tích ra sao"[28].
Vậy họa sĩ Nguyễn Tường Lân đã ở trụ sở Quốc Dân Đảng tại
Côn Minh cùng khoảng thời gian với Nguyễn Tường Bách.
Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946), học trường Mỹ
Thuật Đông Dương khoá (1928-1933), người dẫn đầu phong trào cải tiến y phục phụ
nữ trên đất Bắc và là cộng tác viên kỳ cựu của Phong Hóa Ngày Nay. Khi
chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ đầu tháng 12-1946, ông từ Hà Nội cùng gia đình
tản cư lên Sơn Tây, làng Tràng Cát. Khi ông trở lại Hà Nội, ít lâu sau, thì bị
Việt Minh bắt ngày 17-12-1946, đưa đi biệt tích. Nguyễn Tất Đạt, con trai ông,
viết:
"Hôm đó là ngày 17 tháng 12 năm 1946. Buổi sáng ấy, tại
cái sân này [sân nhà cụ Cửu ở làng Tràng Cát, nơi
gia đình Nguyễn Cát Tường tản cư từ Hà Nội về] bố tôi đã mang chị em chúng
tôi ra đây để làm mấy động tác thể dục.
Trưa hôm ấy, theo lời kể của mẹ tôi, bố tôi và ba người nữa
là ông Tôn Thất Định, Phạm Giao[29]
và anh Hạt – người lão bộc của gia đình cụ Phạm
[Quỳnh] – trở lại Hà Nội. Bố tôi về Hà Nội thăm nhà và để lấy thêm tiền
cho mẹ tôi.
Anh Hạt sau khi trở về Tràng Cát có kể lại rằng: Khi về gần
tới nhà thì anh Hạt đi theo ba người kia một quãng ngắn. Đến đầu phố Hàng Bông,
anh Hạt thấy ba người kia bị an ninh thành phố chặn lại, sau đó cả ba người bị
bắt. Anh Hạt lùi lại phía sau và thoát được.
Vài tuần lễ sau mẹ tôi sanh đứa em gái sau cùng. Em sanh
thiếu tháng. Có lẽ vì mẹ tôi quá xúc động trước tin bố tôi bị bắt. Mẹ tôi đã
sanh em tôi ở một cái chòi nhỏ ngay đằng sau căn nhà ngói này"[30].
Năm
ấy, họa sĩ Nguyễn Cát Tường mới 34 tuổi.
Hoàng Đạo qua đời
Việt Nam Quốc Dân Đảng đang trong tình trạng "thất
bại, lưu vong, bế tắc" như Nguyễn Tường Bách đã viết, thì một biến cố
đau thương xảy ra: Hoàng Đạo mất đột ngột trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông đi
Quảng Châu, ngày 22-7-1948. Ông được an táng tại thị trấn Thạch Long. Việc này
xảy ra đúng vào lúc tình trạng Nguyễn Tường Tam, theo Nguyễn Tường Bách: "anh
Tam mắc chứng suy nhược thần kinh, hay mất ngủ, lo âu".
Hoàng Đạo là người em sát cánh, là cột trụ của Nhất Linh, và
chắc chắn Hoàng Đạo đã giữ phần chủ chốt trong chiến lược "lật đổ Bảo Đại
để lập chính phủ dân chủ".
Nhất Linh phản ảnh lại việc này trên Văn Hoá Ngày Nay,
trong bài viết ngắn tựa đề "Cúc Xưa", nhắc đến căn nhà ở Bạch
Hạc Động và giải thích việc ông vẽ bức tranh cúc năm 1948:
"Mấy bông cúc này này tôi vẽ cách đây đúng 12 năm
(1948) và lại đúng vào năm Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long mất. Chậu cúc này do
chính tay Hoàng Đạo mua về để bày tết, trang hoàng một gian nhà tiều tụy ở một
làng hẻo lánh Quảng Đông, nơi mà hai anh em, sau việc Bảo Đại ký kết hiệp ước
Bollaert, rút lui về để nghiên cứu một lý thuyết quốc gia khả dĩ tập trung được
hết thẩy các khuynh hướng rời rạc trong hàng ngũ chống cộng. Năm ấy công việc
nghiên cứu đang tiếp tục thì cái chết đột ngột của Hoàng Đạo làm gián đoạn (…)
Cũng năm ấy, làm thơ khai bút Hoàng Đạo lại có viết một câu: "Nhất chiêu,
thừa Bạch hạc" (một sớm cưỡi con hạc trắng). Bạch hạc là tên làng chúng
tôi ở"[31].
Khi viết đoạn văn này Nhất Linh nhớ lầm mấy tháng: thực ra,
Tết 1948, khi Hoàng Đạo mua chậu cúc, Bảo Đại chưa ký hiệp ước vịnh Hạ Long.
Đến tháng 6-1948, thoả ước này mới được công bố, và tháng 7-1948, Hoàng Đạo
mất.
Vậy ta có thể đoán rằng: sau khi chương trình "lật đổ
Bảo Đại" bị khám phá tháng 11-1947, Nhất Linh và Hoàng Đạo rời Hương Cảng
về Quảng Châu để tiếp tục phát triển việc nghiên cứu một "lý thuyết quốc
gia", làm nền cho một "chính phủ quốc gia dân chủ".
Nên để ý đến chi tiết này: Nhất Linh và Hoàng Đạo rút lui
về căn nhà tiều tụy ở một làng hẻo lánh Quảng Đông, tức là căn nhà ở
Bạch Hạc Động, tuy vậy, Nhất Linh không nhắc đến Nguyễn Tường Bách. Điều này
chứng tỏ:
Chương trình "nghiên cứu một lý thuyết quốc
gia" hay chương trình "lật đổ Bảo Đại để thành lập chính phủ
dân chủ" vẫn tiếp tục sau khi tài liệu này bị tịch thu ở nhà Nguyễn
Gia Trí tại Hồng Kông. Có lẽ hai người anh đã giấu Nguyễn Tường Bách, không cho
em út biết, hoặc tham dự vào chương trình này.
Ngày 5-6-1948, hiệp ước vịnh Hạ Long được công bố: "Pháp
long trọng thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Việt Nam sẽ thực hiện lấy
việc thống nhất. Việt Nam tuyên bố gia nhập khối Liên Hiệp Pháp với tư cách một
quốc gia liên kết"[32].
Một tháng rưỡi sau, Hoàng Đạo qua đời. Cái chết của Hoàng
Đạo có liên quan gì đến sự kiện lịch sử này không? Phải chăng vì tức giận? Căng
thẳng? Nên Hoàng Đạo bị nhồi máu cơ tim? Còn một lẽ thứ hai: khi bị Pháp bắt
cuối năm 1940, Hoàng Đạo đã bị tra tấn dã man, phải chăng cái chết của ông là
hậu quả của cực hình này?
Dù sao chăng nữa, cái chết của Hoàng Đạo gây sốc lớn cho
Nhất Linh. Nguyễn Tường Bách viết: "Sự tang tóc này khiến cho bệnh suy
nhược thần kinh của Nhất Linh càng nặng thêm"[33].
Và ông tóm tắt tình trạng bế tắc của anh trong câu: "Ý anh vẫn là
không thể đi với Pháp được dù là tạm thời, và cũng không thể đi với Cộng sản dù
là kháng chiến. Nhưng xem ra, con đường thứ ba chưa có cách nào thực hiện được
cụ thể"[34].
Nguyễn Tường Bách ly khai Quốc Dân Đảng
Sau cái chết của Hoàng Đạo, Nhất Linh chỉ còn Nguyễn Gia Trí
là người bạn đồng hành thân thiết nhất từ khi thành lập Tự Lực Văn Đoàn (1933)
và lập đảng Hưng Việt (1938).
Sau khi Hoàng Đạo mất, tình hình Quốc Dân Đảng Trung Hoa bắt
đầu nguy ngập, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Bách được cử đi Nam Kinh để "cầu
viện trong khi Trung Quốc còn sức mạnh và cũng để thăm dò tình thế thực tế ra
sao, để tính toán tương lai"[35].
Tại Nam Kinh, nhận thấy Quốc Dân Đảng Trung Hoa không
còn giúp được gì nữa, vì chính bản thân họ cũng đang tìm đường tẩu thoát trước
sức tiến của Hồng quân.
Trở về Quảng Châu cuối năm 1948, Nguyễn Tường Bách quyết
định bỏ chủ nghiã Tam dân theo ông không còn thích hợp nữa, để mở "con
đường mới", lập nhóm Cách Mệnh Xã Hội.
Tháng 3-1949, Nguyễn Tường Bách chính thức thoát ly Quốc Dân
Đảng[36]
và quyết định ở lại Quảng Châu. Ông không nói rõ chủ trương "cách mệnh
xã hội" của ông là gì, chữ "xã hội" này có hàm ý xa
gần với "chủ nghiã cộng sản" hay không? Bởi vì một đảng xã hội dân
chủ theo lối Tây phương, khó có thể sống còn dưới chế độ Mao Trạch Đông. Tuy
nhiên quyết định ở lại Trung Hoa, khi Mao đắc thắng, nhất là việc ra khỏi Quốc
Dân Đảng của Nguyễn Tường Bách chắc chắn đã chia cách hai anh em Nguyễn Tường.
Bởi vì Nhất Linh luôn luôn gắn bó với Quốc Dân Đảng, nên khi ra tờ Văn Hóa
Ngày Nay ở Sài Gòn, ông đã chọn ngày công bố số báo đầu tiên là 17-6-1958,
ngày đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài (17-6-1930).
Một sự lựa chọn sâu lắng, đớn đau âm thầm, hầu như không ai biết. Trong hồ sơ
kỷ niệm của Nhất Linh, chỉ còn Nguyễn Tường Long, ông không bao giờ nhắc đến
Nguyễn Tường Bách nữa. Đối với người đảng trưởng, sự ly khai của một đảng viên
đã là một phản bội, và khi đảng viên ấy lại là em ruột mình, sự đớn đau hẳn lớn
gấp bội phần.
Tình cảnh đau đớn này được tiếp nối bằng sự bất đồng giữa
hai lãnh tụ hải ngoại: Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam. Trương Bảo Sơn viết:
"Thế là từ đó sinh xuất ra hai phe, phe ông Vũ và phe ông Tam trong
VNQDĐ. Chi bộ Hồng Kông cũng chia thành hai phe, mỗi phe theo một ông, bất cộng
tác cho tới ngày hai ông hóa người thiên cổ"[37].
Các đảng phái quốc gia hầu như tan rã, người bỏ cuộc, người
về nước cộng tác với chính quyền Bảo Đại.
Tóm lại: sự thất bại của hội nghị Hương Cảng. Sự tan vỡ của
Mặt Trận Nam Kinh. Mưu toan "lật đổ Bảo Đại" bị bại lộ. Cái chết đột
ngột của Nguyễn Tường Long. Nguyễn Tường Bách ly khai Quốc Dân Đảng. Sự phân
liệt giữa Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam… Và sau cùng Vũ Hồng Khanh, Đỗ Đình
Đạo… trở về Việt Nam phục vụ chính quyền Bảo Đại.
Tất cả những sự kiện này đã ảnh hưởng sâu đậm đến tinh thần
Nhất Linh, khiến ông chán chường chính trị, trở về với văn chương, sau
khi Hoàng Đạo qua đời.
Nguyễn Tường Bách dường như đã nhận định sai lầm về anh, khi
ông cho rằng Nhất Linh bị bệnh suy nhược thần kinh. Trong tình trạng
thất bại như thế, Nhất Linh có thể bị suy nhược thần kinh thực, nhưng sự thật,
chắc không hẳn như vậy: Nhất Linh chỉ bị yếu đi vì đau khổ, và ông đã đóng
kịch suy nhược thần kinh để che mắt thế gian.
Trên trang đầu bản thảo cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới,
Nhất Linh ghi những dòng sau đây: "Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã
khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời.
Hương Cảng, trên núi, 16 tháng 10 năm 1949, 1g30 trưa".
Theo Trương Bảo Sơn, bà Phạm Thị Nguyên (1907-1981) ra thăm
chồng ở Hồng Kông hai lần. Vậy lời đề tặng này, Nhất Linh viết khi đã hoàn tất
cuốn Xóm Cầu Mới, chắc vào lúc bà ra thăm ông lần thứ hai. Như
thế, ông đã viết (lại) truyện này trong vòng hơn một năm, từ sau khi Hoàng Đạo
qua đời (tháng 7-1948) và hoàn thành tháng 10-1949. Thực ra, Nhất Linh viết Xóm
Cầu Mới tới bốn lần, lần đầu năm 1940 tại Hà Nội, lần thứ hai năm 1943 tại
Quảng Châu; lần thứ ba, 1949 tại Hương Cảng và lần thứ tư năm 1951, tại Hà Nội[38].
Theo dây chuyền những sự kiện, ta thấy, Nhất Linh không thể
bị bệnh suy nhược thần kinh, mà có lẽ ông chỉ giả bộ đóng vai người suy
nhược thần kinh để che mắt tình báo. Bởi vì một người bị suy nhược thần kinh
thì không thể sáng tác được. Không thể viết một tác phẩm lớn, đầy ắp
những mối liên lạc cực kỳ mong manh tế nhị giữa con người trong Xóm Cầu Mới,
tác phẩm lớn sau cùng của Nhất Linh. Không những sáng tác mà ông còn khuyến
khích, chỉ bảo Nguyễn Thị Vinh viết tác phẩm đầu tay Thương yêu, trở nên
nhà văn sau này.
Phải minh mẫn lắm mới sáng tác được, Nhất Linh viết để quên
nỗi buồn u uất, quên sự tan nát của gia đình, của bè bạn, của các đồng chí đã
hy sinh hay đã phản bội, sự thất bại của đảng mình, trước một tương lai mờ mịt
cho dân tộc, và đó là lý do khiến ông thường khóc trong đêm, mà người con út
Nguyễn Tường Thiết đã bắt gặp nhiều lần.
Cuối năm 1950, Nhất Linh về nước. Nguyễn Gia Trí và gia đình
Trương Bảo Sơn – Nguyễn Thị Vinh về sau Nhất Linh hai năm, năm 1952[39].
II- Ngày trở về
Nhất Linh và Nguyễn Gia Trí trở về
Nguyễn Tường Bách viết: "Một ngày năm 1950, tôi ra
Hồng Kông tới chỗ anh ở bên một sườn đồi, bên cạnh một suối trong. Hai anh em
nói chuyện rất lâu về tương lai. Anh khuyên tôi nên cẩn thận khi còn lại Quảng
Châu, và tôi cũng tán thành việc trở về Hà Nội vì cần có người săn sóc. Anh
ngần ngại, không muốn trở về khu Pháp chiếm. Nhưng cuối cùng anh cũng đồng ý về
nước, ít ra trong giai đoạn này"[40].
Nhất Linh về Hà Nội năm 1950, năm sau ông vào Sài Gòn.
Nguyễn Gia Trí và gia đình Trương Bảo Sơn – Nguyễn Thị Vinh, về Hà Nội năm
1952, ở lại ba tháng, rồi theo lời khuyên của Nhất Linh, kéo nhau vào Sài Gòn"[41].
Nguyễn Tường Thiết, viết:
"Đó là khoảng cuối năm 1950 khi ông từ Hương Cảng trở
về Hà Nội (…) Đêm hôm đầu tiên đoàn tụ… trong căn nhà số 15 Hàng Bè Hà Nội… tôi
còn nhớ ông nói với chúng tôi ngày hôm sau báo chí sẽ đến gặp ông và ông sẽ
tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc đời chính trị để trở về với đời viết văn (…).
Đầu tháng 4 năm 1951, Nhất Linh và toàn gia đình bác Thụy tôi [Nguyễn
Tường Thụy, anh cả] dọn vào Nam (…) Ông mở nhà xuất Phượng Giang (…) Thời
gian này họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng thường lui tới. Ông đã giúp cha tôi trình
bầy mẫu bìa các cuốn tiểu thuyết qua nghệ thuật cắt và dán giấy mầu của ông.
Bức họa chân dung Nhất Linh bằng sơn dầu được nhiều người biết tới, nhất là sau
khi Nhất Linh qua đời và bức tranh được trưng trong những dịp tưởng niệm ông,
là do họa sĩ vẽ trong thời gian này. Bức vẽ thực ra còn dang dở vì trước khi vẽ
xong, ông Trí đã bị bắt đi an trí ở Thủ Dầu Một một thời gian. Khi trở về, ông
định vẽ tiếp thì cha tôi không cho. Thành thử bức chân dung chỉ có khuôn mặt là
đầy đủ còn bàn tay cầm gói thuốc lá thì mới chỉ là mấy nét phác. Sau này cha
tôi nói đùa là ông thích để nguyên như vậy vì chính cuộc đời ông cũng là một
tác phẩm chưa hoàn tất"[42].
Bức tranh Nguyễn Gia Trí vẽ Nhất Linh, sẽ là hình ảnh sau
cùng của người nghệ sĩ Nhất Linh mà chúng ta "được biết" qua tác
phẩm.
Nguyễn Gia Trí bị bắt đi an trí ở Thủ Dầu Một
Theo Nguyễn Tường Thiết, họa sĩ bị bắt lúc đang vẽ dở bức
chân dung Nhất Linh.
Khi Nhất Linh cùng gia đình Nguyễn Bảo Sơn đi thăm Nguyễn
Gia trí năm 1953 ở Thủ Dầu Một, họ có chụp chung một bức ảnh. Nhìn kỹ bức ảnh
này, thấy tranh treo la liệt trên tường hoặc dựa vào tường, và những bức ngổn
ngang trên bàn… chứng tỏ đây là một… xưởng vẽ hơn là một nhà tù. Vậy vì lý do
gì mà Nguyễn Gia Trí bị bắt? Chúng tôi hỏi anh Nguyễn Tường Thiết, anh Thiết
trả lời: trong gia đình tôi cũng có nghi vấn như thế, và cho biết anh Thạch
(anh của anh Thiết) có nhắc đến ông Bảo Đại. Câu nói này khiến chúng tôi liên
tưởng đến sự kiện sau đây:
Ngày 20-10-1950, Quốc trưởng Bảo Đại về Sài Gòn, gần như
cùng thời điểm Nhất Linh về Hà Nội. Tại Hà Nội, Nhất Linh tuyên bố với báo chí
không làm chính trị nữa: Quan điểm rõ ràng, dứt khoát. Năm 1952, Nguyễn Gia
Trí, một nhân vật chủ chốt trong Tự Lực văn đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng, trở
về Sài Gòn, với "tiền án": chứa chất trong nhà ở Hồng Kông tài liệu
"lật đổ chính phủ Bảo Đại".
Những sự kiện này có thể đưa Nguyễn Gia Trí vào "sổ
đen" của mật vụ Pháp và của Bảo Đại; biến Nguyễn Gia Trí thành một phần tử
"nguy hiểm", cần phải đề phòng. Nhưng Pháp và Bảo Đại đều kính nể một
tài năng như Nguyễn Gia Trí, nên họ không thể giam ông, mà chỉ giam lỏng,
và tạo điều kiện để họa sĩ vẫn có thể sáng tạo, vì thế, nơi họa sĩ bị quản
thúc, như Trương Kim Anh viết: "Hồi đó, bác Nguyễn Gia Trí bị thực dân
Pháp an trí tại Thủ Dầu Một, trong một garage của xưởng làm đồ sơn mài"[43],
đúng là một nơi cho họa sĩ có thể tung hoành, thử nhiệm kỹ thuật sơn mài.
Đến năm 1954, Nhất Linh xin sang Pháp "chữa bệnh",
về việc này Nguyễn Tường Thiết viết: "Năm 1954, khoảng ký kết hiệp định
Genève, cha tôi sang Pháp để chữa bệnh và cũng để thăm người anh cả [Nguyễn
Tường Việt] của tôi đã sang Pháp du học từ năm 1949."[44].
Nguyễn Tường Thiết lại kể lại lời Nguyễn Tường Việt: "Anh chắc chắn là
không hề có chuyện cậu đi chữa bệnh trong mấy tháng cậu ở Pháp". Và
suy ra: "Những chuyện cậu giả ốm giả đau hoặc lấy cớ chữa bệnh đều là
cái "tắc-tích" chính trị của cậu mà thôi"[45].
Người con út của Nhất Linh đã đoán đúng ý cha: ông luôn luôn có những hoạt động
chính trị bí mật, và ông phải giả bệnh để trốn tránh những gọng kìm của lịch
sử; khác hẳn với người em út Nguyễn Tường Bách, đã không hiểu anh, khi
tưởng ông bị bệnh thần kinh từ thời kỳ 1947-1948 ở Quảng Đông.
Nhất Linh chơi lan
Tháng 4/1951, ông vào Sài Gòn, mở nhà xuất bản Phượng Giang,
tái bản những sách Tự Lực Văn Ðoàn. Trương Bảo Sơn viết: "Từ ngày vào
Sài Gòn, ông Tam ở nhà ông Thụy, Giám đốc Bưu điện. Ông ở trong một căn phòng
nhỏ với con trai út là Nguyễn Tường Thiết. Ông cho tái bản một số tác phẩm cũ
và xuất bản những tác phẩm mới của ông và vài ba văn hữu, in tại nhà Nguyễn
Đình Vượng và giao nhà Nam Cường phát hành.
Tuy làm việc đấy, nhưng ông xuống tinh thần, như người thất
chí, chán đời, mệt mỏi, chỉ tiếp một số bạn bè thân. Ông tuyên bố không làm
chính trị nữa và đưa con lên Đà Lạt, lấy thú đi rừng kiếm lan, chơi lan để giải
buồn.
Ông tìm được nhiều loại lan. Trừ những loại đã có tên nhiều
người biết, ông đặt tên cho những loại bông lạ theo hình dáng, màu sắc của nó.
Những ngày nghỉ, gia đình tôi thường lên Đà lạt thăm ông,
thấy trong nhà, nền vách la liệt các loại lan. Chúng tôi theo ông đi tìm lan,
mới thấy ông đi bộ rất nhanh và dai sức. Mắt ông lại tinh nên thường trông thấy
lan trên những cây cao trước chúng tôi.
Ông yêu lan, mê lan đến độ bưng cả chậu lan Thanh Ngọc lên
giường ngủ chung và tặng lan hai câu thơ:
Sắc trong Thanh Ngọc, hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên, thoảng xuống trần
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chơi lan đến độ vô tình đã gây
thành phong trào chơi lan ở Đà Lạt cùng vài tỉnh lân cận.
Khoảng 1955, nhân ông cậu bà Tam và bác sĩ Nguyễn Sĩ Dinh,
một bạn thân khác của ông, tậu được một miếng đất ở làng Fin Nôm cách Đà Lạt độ
30 cây số, ông Tam đã đến đây, tự vẽ kiểu và dựng một ngôi nhà gỗ lợp lá theo
kiểu "Nhà ánh sáng" bên cạnh suối Đa Mê. Ông thường mắc võng giữa hai
thân cây, để nằm hoặc ngồi viết, hoặc thổi hắc tiêu (…)
Rồi một hôm đến thăm ông, chúng tôi thấy ngôi nhà lá của ông
nằm tả tơi, cột kèo lăn lóc khắp mặt đất. Nó đã không đứng vững trong một trận
mưa to gió lớn. (…)
Tới 1957, một phần có lẽ sức khoẻ đã bình phục, một phần
những chuyện buồn theo thời gian đã nguôi ngoai, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã
hạ sơn, từ giã Đà Lạt, trở lại Sài Gòn, hoạt động cả về chính trị lẫn văn hoá,
để không bao giờ có dịp trở lại Đà Lạt nữa"[46].
Thời gian Nhất Linh "chơi lan" ở Đà Lạt, có lẽ chỉ
là thời gian Nhất Linh ở ẩn để sáng tạo. Ta có thể hiểu: từ những ngày ông
quyết định trở về với văn chương, ông đã không ngừng sáng tác. Những truyện
ngắn của ông tập hợp lại trong Xóm Cầu Mới, những tiểu luận văn chương
trong tập Viết và đọc tiểu thuyết, v.v. đều đã được sửa soạn hoặc viết
trong thời kỳ này. Khi thấy đã có tạm đủ tác phẩm để ra mắt độc giả, ông hạ
sơn, về Sài Gòn năm 1957.
Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay
Năm 1958, ông khai trương giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay,
một tạp chí không định kỳ, với chủ ý thành lập một Tự Lực Văn Đoàn mới, với một
số nhà văn trẻ như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Duy Lam, Tường Hùng, v.v. Nhưng Văn
Hoá Ngày Nay chỉ ra được 11 (số 1 ra ngày 17-6-1958 đến số 11, ra ngày
21-4-1959) thì đình bản.
Về sự đình bản này, mỗi người đưa ra một thuyết khác nhau,
phần lớn đều đổ lỗi cho sự "độc tài" của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Tôi nghĩ không phải. Thời kỳ đó là thời kỳ tự do sáng tác, hai ông Diệm, Nhu,
là những trí thức chân chính, họ ghét đảng phái, nhất là đảng Đại Việt Quốc Dân
Đảng, nhưng không bóp nghẹt văn chương, nhất là với một tờ giai phẩm thuần túy
văn chương như Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh. Lý do chính của sự đình
bản Văn Hoá Ngày Nay, theo tôi, đến từ văn chương: Những nhà văn
trẻ cộng tác với giai phẩm này không thực sự là những nhân tài. Họ không thể
thay thế Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ. Bấy giờ Nhất Linh chỉ còn có một
mình – ở trong môi trường văn chương đang rầm rộ nổi lên những tên tuổi mới
của những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu,
Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, v.v. – nên Nhất Linh chỉ "cầm
cự" được 11 số, rồi ngừng.
Nhất Linh tham gia đảo chính
Trung thành với nhiệm vụ đảng trưởng, tuy ông không
bao giờ chính thức công nhận chức vụ này, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không thể
bỏ hẳn chính trị, bỏ rơi đồng chí, nên ông đã tham gia vụ đảo chính ngày
11-11-1960, và ông bị gọi ra tòa ngày 8-7-1963.
Nhất Linh uống thốc độc tự vận ngày 7-7-1963.
Cuộc đảo chính hụt của Vương Văn Đông và Nguyễn Chánh Thi
xảy ra ngày 11-11-1960. Sự thể không thành vì hai quân nhân này đã hành sự
không phải lúc: năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm còn vững mạnh và rất được
lòng dân. Học sinh tuy có phải hát suy tôn Ngô Tổng Thống, nhưng sáng tác vẫn
được tự do: Văn học miền Nam lúc đó đang trong thời kỳ cực thịnh. Năm
1960, người ta tranh luận không ngừng với những ý tưởng dị kỳ và nổi loạn của
Thanh Tâm Tuyền trong Tôi không còn cô độc, bàn luận về văn phong độc
đáo của Mai Thảo. Không mấy ai nói đến tình trạng "độc tài toàn trị"
của chính quyền Ngô Đình Diệm! Một cuộc đảo chính trong trường hợp như thế ít
có cơ thành tựu.
Trương Bảo Sơn đã tham dự cuộc đảo chính này, kể lại:
"Khi thảo truyền đơn, trong danh sách những người ký
tên, chúng tôi đã để tên Nguyễn Tường Tam lên đầu, rồi mới đến tên các cụ Phan
Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Vân, Nguyễn Xuân Chữ, v.v., ông Tam đã sửa
lại, để tên ông sau tên ông Chữ. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích:
"Anh đừng quên người ta vẫn nói miền Nam của người Nam, mình là người Bắc
di cư, phải tôn trọng điều đó."
Cuộc đảo chánh thất bại, các đồng chí của ông Tam bị bắt gần
hết. Ngoài ra ông Diệm còn cho bắt giam hết các nhân sĩ và lãnh tụ đảng phái và
giáo phái khác, không trừ một ai, nhưng… trừ Nguyễn Tường Tam!
Sao có sự lạ lùng như vậy?
- Phải chăng vì Ngô Đình Diệm kính nể Nguyễn Tường
Tam?"[47]
Trương Bảo Sơn nghĩ rất đúng: Ngô Đình Diệm kính nể
Nguyễn Tường Tam, nên không bắt. Cũng giống như năm 1946, Võ Nguyên Giáp
không bắt Khái Hưng và Phan Khôi, hai vị thủ lãnh tinh thần của Quốc Dân Đảng.
Những người làm chính trị ở Việt Nam, cả hai phe quốc cộng,
đều biết trọng nhân tài.
Nguyễn Tường Tam, bị đòi ra "hầu toà" án quân sự
ngày 7-7-1963, bởi vì ông đã ký tên trong bản truyền đơn tuyên bố lý do đảo
chính. Việc này toà án binh không thể bỏ qua, nên họ phải gọi ông ra tòa làm
nhân chứng, để chứng tỏ không ai có thể đứng trên pháp luật, nhất là những nhân
sĩ cách mạng nổi danh đồng ký tên như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần
Văn Vân, Nguyễn Xuân Chữ… đều đã bị cầm tù từ hai năm rưỡi trước.
Riêng Nhất Linh, ngoài việc trợ giúp đàn em, ông "tham
dự" vào cuộc đảo chính này cũng là chuyện bình thường, bởi vì ông thích
đảo chính, hồi ở Quảng Châu, Hương Cảng, ông đã hoạch định chương trình đảo
chính Bảo Đại, mặc dù lúc đó Bảo Đại chưa nắm chính quyền. Bây giờ ông bằng
lòng để tên vào danh sách ký tuyên ngôn lên án chế độ Ngô Đình Diệm, cũng để tỏ
sự chống đối một chính quyền ông cho là thiếu dân chủ. Ông đã nói với Hoàng
Xuân Hãn từ hội nghị Đà Lạt: "Những việc chính trị thôi để các anh làm.
Còn tôi thì về với văn hóa mà thôi".
Vậy, sau khi đảo chính thất bại, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
làm gì? Dĩ nhiên là ông đi trốn. Nhưng họ không lùng bắt ông vì nếu muốn bắt,
họ đã bắt được rồi.
Ông đi trốn và ông viết tiểu thuyết Giòng sông Thanh
Thủy. Tác phẩm này sẽ là đầu mối của việc Nhất Linh tự vận.
Nguyễn Tường Thiết cho biết trên tập bản thảo tập tiểu
thuyết này:
"Ông ghi ngày khởi viết 28-11- 60 và ngày viết xong
28-1-60. Hai tháng. Hai hôm trước khi khởi viết bộ truyện ông phác thảo phần
dàn truyện và đặc tính nhân vật, xong ông ghi ngày giờ trên trang đầu tập bản
thảo: 26-11-60, 3 giờ sáng.
Vào cái đêm khuya khuắt ấy Sài Gòn chìm trong bóng tối bất
an. 15 ngày trước đó, 3 giờ sáng, tiếng súng nổ ở phía Dinh Độc Lập. Cuộc đảo
chính bất thành 11-11-60 mà cha tôi dính líu về mặt chính trị hẳn còn nguyên
vẹn trong tâm trí ông. Trên một căn gác nào đó của thành phố, nơi ông ẩn trốn,
tôi hình dung – qua những ghi chú thời khắc trên
từng trang bản thảo (30-11, 4 giờ sáng; 4-12, 2 giờ sáng; 6-12, 8 giờ sáng,
v.v.) một Nhất Linh lặng lẽ đơn độc ngồi viết tác phẩm sau cùng của đời mình,
viết say mê, viết không nghỉ, như thể ông tự cho là mình sẽ không còn một cơ
hội nào khác để viết nữa…"[48].
Giòng sông Thanh Thủy được nhà Đời Nay in lần đầu năm 1961.
Không ai tham dự vào một cuộc đảo chính, mà còn được in
sách, trong lúc các bạn đồng hành đều ở trong tù. Sự kiện này cho thấy hai
điều:
- Ông Diệm không muốn bắt Nhất Linh; cũng như khi Sartre
xuống đường biểu tình, Bộ trưởng Nội vụ đòi đi bắt, De Gaulle trả lời: Không ai
bắt Voltaire.
- Nhất Linh không hề mắc bệnh tâm thần như nhiều
người suy tưởng, thậm chí có người còn "chứng minh" và "xác
định" điều này qua "văn bản", để chứng minh ông đã tự tử tới hai
lần!
Như tôi đã nói ở trên, năm 1948, ở Hương Cảng, Nhất Linh
không thể bị bệnh suy nhược thần kinh, như nhận xét của Nguyễn Tường
Bách, bởi vì người suy nhược thần kinh không thể sáng tác, không thể viết được Xóm
Cầu Mới.
Giòng sông Thanh Thủy đòi hỏi một trí óc
minh mẫn, một lập luận vững chãi và một sự bình yên của tâm hồn. Đây không thể
là một tác phẩm của người sống trong lo âu sợ sệt cho tính mạng. Chứng tỏ Nhất
Linh biết thừa ông Diệm không động đến mình.
Sau này, năm 1963, khi Nhất Linh tự vận, người ta lên án
Tổng thống Ngô Đình Diệm về cái chết của Nhất Linh là sai lầm và quá đáng.
Chính tác phẩm của Nhất Linh đã ngỏ cho thấy một phần sự
thật, như ta sẽ thấy sau này.
Sự tự phán của Nhất Linh
Trong những trang Nguyễn Tường Thiết viết về cha, đặc
biệt nhất là những dòng này:
"Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những khi
giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông
còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì có tiếng khóc trong phòng
cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ, sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng
tôi ngơ ngác nhìh nhau, một người anh họ lớn tuổi hơn, ra dáng hiểu biết, giải
thích: "Chú Tam khóc vì chú nhớ chú Long đấy!" Sau này tôi biết, ông
đã khóc âm thầm nhiều đêm vào những dịp khác. Không ai có thể đoán biết ông
khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này
đã gieo vào tuổi thơ tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn
và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung
thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ờ trong đêm"[49].
Tôi đã đọc những dòng này của Nguyễn Tường Thiết, nhiều lần,
mong tìm thấy bí mật trong những giờ phút cuối của Nhất Linh, nhưng không thể
đạt được, và tôi hiểu rằng mỗi con người có một bí mật, mà họ mang đi trong cái
chết. Việc Nhất Linh tự tử, đã bao nhiêu bài viết, đã bao lời ca tụng,
bao giả thuyết đưa ra, ngay cả đến câu Nhất Linh viết: "Đời tôi để lịch
sử xử, tôi không chịu để ai xử cả", cũng không thể dùng được.
Vì nó không đúng, ít nhất không đúng với lúc ông bình tĩnh nuốt
những viên thuốc ngủ, sau khi đã bàn với Nguyễn Tường Triệu (tức Trần Khánh
Triệu) bằng tiếng Pháp về dự định tự tử của mình; rồi sau đó ông lại sai hai
con Triệu và Thiết đi mua rượu. Ông uống thuốc ngủ trong thời gian 15 phút họ
vắng mặt, và khi họ đem rượu về, ông uống một lúc thật nhiều, để rượu và thuốc
ngủ kết liễu đời ông: Một quyết định sáng suốt, minh mẫn, chi li đến phút chót,
không thể có ở người "mắc bệnh tâm thần".
Trở lại với câu: "Đời tôi để lịch sử xử", là
một lời bài bản, từ chương gần như khẩu hiệu, mà Nguyễn Tường Tam đảng trưởng
Quốc Dân Đảng, viết cho các đồng chí đang ở trong tù và cho một quảng đại quần
chúng hừng hực chờ đợi những lời hùng hồn, để có cớ lên án một chế độ mà họ
đang muốn đạp đổ. Năm 1963, tình thế của chính quyền Ngô Đình Diệm đã khác
nhiều so với năm 1960: họ đã mất lòng dân vì những sai lầm trong chính sách cai
trị.
"Đời tôi để lịch sử xử", vì
thế, không thể là lời của một nhà văn như Nhất Linh, có bút pháp sâu sắc, chứa
đựng nhiều ý trong một lời, một câu, một tác phẩm. Và nhà văn cũng không cần
phải biện hộ cho hành động của mình.
Vậy lý do tự tử của Nhất Linh phải nằm ở chỗ khác, có ý
nghiã cao hơn, ở chỗ không ngờ nhất: đó là sự tự phán của một hiền triết
hoặc sự thám thính bên kia thế giới của một nhà văn.
Việc thám thính thế giới sau cái chết của nhà văn, tôi đã
nói rồi, ở đây xin triển khai sự tự phán của một hiền triết mà tôi cho rằng khả
thể hơn.
Sự tự phán này, Phan Bội Châu từng đã kinh qua, đã
viết lại một cách rõ ràng và tha thiết trong bài tựa cuốn hồi ký Phan Bội
Châu niên biểu (tức Tự phán) với lời phán xét nghiêm khắc đời mình
sau đây:
"Than ôi! Lịch sử của tôi mà làm gì! Chỉ là một bộ
lịch sử hoàn toàn thất bại! Chân trời góc biển gần ba mươi năm: cắt đầu vì tôi
lây [vì tôi mà bị cắt đầu], họa tràn quận quốc, vào ngục vì phe phái,
độc trôi đồng bào[50].
Thường nửa đêm vỗ ngực, quẹt mắt trông trời; hơn hai mươi năm, sa đà, trông râu
mày hổ thẹn"[51].
Chính lòng nhân đã khiến nhà cách mạng Phan Bội Châu
khựng lại, không tiếp tục sai phái chuyện nổ bom ám sát, và đã đưa cụ Phan đến
thất bại. Và cũng chính cái lòng nhân ấy đã viết những lời Tự phán
của Phan Bội Châu, đã tạo ra những tiếng khóc trong đêm khuya của Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam, đã đưa cụ Phan vào hàng hiền triết của dân tộc.
Võ Phiến kể một chuyện được nghe Vũ Khắc Khoan thuật lại:
"Bấy giờ là đầu thập niên 1960, Sài Gòn xôn xao không
khí chính biến. Ông Vũ tỏ ý lo ngại tới sự an toàn của Nguyễn Tường Tam. Ông
Nguyễn bảo rằng thực ra lúc này ông không trực tiếp hoạt động chính trị, chẳng
qua bạn bè và đồng chí cũ có điều gì hỏi đến thì ông góp ý thôi. Ông Vũ nói
mình biết có những người hoặc bị tù tội hoặc đã hy sinh tính mạng vì sự tin
tưởng vào ông (Nguyễn) đấy. Không nghe đáp lại. Lát sau, ông Vũ quay nhìn, thấy
ông Nguyễn đang khóc lặng lẽ"[52].
Đây là những giọt nước mắt có người chứng kiến, còn bao
nhiêu giọt nước mắt không ai biết, những giọt nước mắt không rơi ngoài tim
mình, như thơ Thanh Tâm Tuyền.
Những giọt nước mắt này biến thành văn bản lần đầu tiên, có
lẽ là khi Nhất Linh thúc đẩy Đỗ Tốn viết lại truyện Ả Hẩu. Chắc chắn
Nhất Linh thúc đẩy, vì nếu không có sự thúc đẩy của thủ lĩnh chưa chắc Đỗ Tốn
đã "dám" viết lại chuyện ám sát Sài Điền theo lệnh của lãnh đạo trong
Ả Hẩu in trên Văn Hoá Ngày Nay[53].
Nhất Linh thúc đẩy Đỗ Tốn viết lại chuyện này để xác định rằng: những lệnh
giết người trong cách mạng là có thật, và cả người ra lệnh lẫn người thi hành
đều có thể là những nhân vật chân yếu tay mềm, lòng đầy cảm thương rung động.
Văn Cao cũng ở trong trường hợp tương tự, khi ông vào đội
biệt động vũ trang:
"Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng
vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh
và căm thù. Đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn
nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều
cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay
phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng và chỉ viết nhạc-không-lời"[54].
Vậy những lần "nửa đêm vỗ ngực, quẹt mắt trông
trời" của Phan Bội Châu, những tan nát trong lòng chàng trai Đỗ Tốn,
những thổn thức trong đêm khuya của Nhất Linh, những bài ca câm của Văn Cao,
chính là những cách tự phán âm thầm của những bậc hiền triết biết mình
phạm tội, và cũng là lý do đưa đến sự thất bại của họ.
Chúc thư
của Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thủy là tự phán của Nhất Linh về nhà
chính trị Nguyễn Tường Tam, qua đó là bản án của văn học đối với cách mạng.
Bản án viết trong hai tháng, trên một căn gác bí mật ở Sài Gòn.
Giòng sông Thanh Thủy là một trường giang tiểu thuyết, gồm
ba phần: Ba Người Bộ Hành, Chi Bộ Hai Người và Vọng Quốc. Toàn bộ
viết về thời kỳ cách mạng Việt Nam tại Trung Hoa, thời điểm 1944-1945, trên
trục Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, Hà Giang mà Việt Minh và Việt Quốc ở vào thế
phải diệt nhau bằng những phương tiện tàn bạo nhất: ám sát, thủ tiêu. Hai nhân
vật chính trong truyện: Ngọc, cán bộ Việt Quốc và Thanh, cán bộ Việt Minh, đều
biết người nọ có nhiệm vụ phải giết người kia nhưng đồng thời họ cũng yêu nhau
bằng một tình yêu tuyệt đối.
Toàn bộ những nhân vật trong tiểu thuyết biểu hiện một xã
hội cách mạng lưu vong, chia thành hai phe quốc-cộng, sống trong ngờ vực
cực điểm: phân liệt bạn thù, tìm cách lật mặt nạ nhau, để cuối cùng trở thành
sát thủ.
Ba người bộ hành mở vào cuộc chiến rình rập, thủ tiêu
của cặp gián điệp tay ba: Ngọc (Việt Quốc, cán bộ giao liên có nhiệm vụ thủ
tiêu) đầu độc Tứ và Nghệ (cán bộ cao cấp Việt Minh).
Chi bộ hai người triển khai cuộc chiến tay đôi giữa hai
người yêu nhau: Ngọc (Việt Quốc) và Thanh (Việt Minh trà trộn vào Việt Quốc).
Vọng quốc kết thúc cuộc trở về quê hương không
bao giờ tới của hai người.
Giòng sông Thanh Thủy là cuốn tiểu thuyết phiêu lưu trinh
thám tinh thần, ít có trong văn học, mọi toan tính xảy ra trong đầu các đối
thủ, mà kẻ đi trinh sát cũng là kẻ bị dò thám. Vai trò đảo ngược giữa đôi bên,
như thể không có thủ phạm, không có nạn nhân, mà cả hai bên đều là nạn nhân và
thủ phạm.
Trong cuộc điều tra để đi đến hành quyết, tác giả phô bày cả
một xã hội cách mạng lưu vong, đủ mọi từng lớp, giai cấp, con người sang hèn;
đủ mọi thứ lý tưởng khác nhau, nhưng họ giống nhau ở chỗ quyết tâm theo đuổi lý
tưởng của mình và nhất định thắng. Muốn thằng phải diệt trừ đối thủ.
Nam, thành viên Việt Quốc, sống ở Vân Nam, là một phụ nữ,
làm nghề thầy thuốc và đỡ đẻ, một nghề cứu nhân độ thế. Khi nghe Nam kể việc
nàng tiêm thuốc mê rồi bóp cổ Vương Đức, một cán bộ cao cấp của Việt Minh, Ngọc
nghĩ:
"Chàng chưa hiểu được tại sao một người đàn bà nhu mì
như Nam lại có thể giết người, mà lại tự ý giết một cách độc ác như thế, chàng
thốt nhớ lại câu Thanh nói: "Bị cái guồng máy nó lôi kéo." [...]
Ngay lúc Nam kể cho chàng nghe về việc giết Đức, chàng không khỏi ghê tởm vì
lòng độc ác của con người; chàng thấy thương hại cho Đức khi bị Nam bóp cổ; đôi
mắt mờ ấy biết đâu đã không đau khổ vì không hiểu và biết đâu Đức không có cha
mẹ, vợ con hay một người yêu và trước khi chết đã không nghĩ tới những người
thân yêu đó"[55].
Nhưng chỉ ít lâu sau, Ngọc cũng thực hành việc Nam
làm, theo lệnh của Hải ngoại bộ, chàng phải thủ tiêu Tứ và Nghệ, hai cán bộ
Việt Minh, mà chàng có nhiệm vụ dẫn đường về Việt Nam, một cách tàn ác và lạnh
lùng không kém. Trong bối cảnh cực kỳ thơ mộng của núi rừng, Ngọc chọn một nơi
mà chàng gọi là "chỗ ấy" và chàng dẫn hai người tới để thi hành bản
án:
"Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước
chân ăn nhịp với bài hát mà chàng cố hát thật mau:
Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng,
Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,
Làm cho vang tiếng cháu con nòi giống Tiên Long[56].
Bài hát của Lưu Hữu Phước, sáng tác lúc còn là đảng viên
Việt Quốc, bí mật từ trong nước truyền ra. Nhất Linh đã giao lưu hai dòng cách
mạng, hai con người, hai đường hướng đối chất nhau, trong cùng một tội ác: thủ
tiêu. Ở đây, tội ác của con người nhân danh lý tưởng đã được mặc bộ đồng phục tổ
quốc và chính nghiã để tự do hành sự.
Gạt bỏ lương tâm ra ngoài, Ngọc say sưa với nhịp bước hùng
ca, đường hoàng đi vào tội ác. Sau khi bỏ thuốc độc trong cà phê cho Tứ và
Nghệ, "chàng nhấc thây của Nghệ và Tứ đem ra đặt sát gần bức vách núi
rồi đẩy mạnh một cái. Hai cái xác rơi từ trên cao xuống, lọt vào khe mấy tảng
đá. Đứng ở trên còn thấy hở ba cái chân, Ngọc bẻ một cành cây rậm lá quăng
xuống, chàng phải quăng xuống bốn năm cành mới có một cành trúng và che phủ mấy
cái chân hở. [...]
Ngọc ngẩng lên: trời cao và xanh, lơ lửng một vài đám mây
trắng. Các ngọn núi bao bọc chung quanh dưới ánh sáng trong mùa thu có một vẻ
đẹp rực rỡ mà vẻ đẹp của trời thu như còn xa hơn nữa"[57]
Tranh lan Thanh Ngọc của Nhất Linh
Ngọc và Thanh, là tên một loài lan quý lan Thanh Ngọc,
chính Nhất Linh đã đặt tên cho loài lan này, từ ngày còn ở ẩn trên Đà Lạt:
Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.
Nhưng lan Thanh Ngọc đã "giáng" xuống trần và bị
rơi vào cái guồng máy khắc nghiệt của lịch sử: sự phân liệt giữa các
chính đảng đã có tự nghìn xưa. Từ hai trăm năm, hai ngàn năm trước… những guồng
máy tranh chấp quyền chính chưa bao giờ ngừng quay từ khi có loài người.
Thanh nói với Ngọc:
"- Cái guồng máy ấy vẫn còn, còn mãi. Anh đã xem Đông
Chu Liệt Quốc và Tây Hán chứ?
- Có, tôi có đọc nhiều lần.
- Đấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước.
Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín
với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chủng, Hàn Tín đều bị cái guồng máy
nó nghiền nát nhừ cũng như nó sẽ nghiền anh Ninh và cả anh nữa.[...]
Anh bị lôi cuốn vào đó và tôi cũng vậy"[58].
Cái "guồng máy" có khả năng nghiền nát tất cả: nó
lôi cuốn con người vào vòng tội ác không mảy may ngần ngại, hối hận. Nhất Linh
cũng ở trong cái tròng như thế: bởi vì một khi đã bước vào chính trị, thì không
thể thoát ra được. Văn chương và cách mạng đối với Nguyễn Tường Tam Nhất Linh
như Ngọc và Thanh, như lan Thanh Ngọc, cuốn hút nhau trong môi trường mê hoặc
đến hơi thở cuối cùng.
Khi họ biết đích xác nhiệm vụ phải loại trừ nhau, họ đi với
nhau một đoạn đường cuối về Hà Giang, gọi là vọng quốc, và họ đã tìm ra
"chân lý":
"Ngọc cho cuộc đi với Thanh về Hà Giang như một cuộc
tìm kiếm thiên thai; thân chàng dù có bị guồng máy nghiến nát nhưng linh hồn
chàng theo lời Thanh vẫn thường nói, sẽ tan đi như hạt muối trong nước hay biến
thành một niềm vui hòa loãng trong cái mênh mông của hư vô. Phạm Lãi, Tây Thi
chết đã mấy nghìn năm nhưng tâm hồn hai người vẫn còn tồn tại trong tâm hồn
nhân loại"[59].
Bỏ mặc những mưu toan chính trị, thành hay bại mà họ đã lao
vào, tâm hồn Phạm Lãi Tây Thi mới chính là cội rễ của tình yêu, là ngôn ngữ văn
chương, là cái tâm con người, và cái này không thể bị diệt, nó sẽ sống ngàn
năm, sống mãi mãi:
"Thanh để hết cả tâm hồn khe khẽ ngâm, tiếng thoảng nhẹ
như hơi gió trong đêm trăng sương mù:
Đêm sương thoảng tiếng ai trong gió,
Lòng hỏi lòng biết có hay không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe…
Tiếng ngâm rứt đã từ lâu nhưng dư âm còn vang mãi trong hồn
Ngọc. Tự nhiên chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài phú Xích Bích và
nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Đông Pha và ánh
trăng trong trên dòng Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có
thể lát nữa sẽ chết, Việt Quốc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa.
Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của
những đêm sương lạnh"[60].
Câu này chính là chúc thư của Nhất Linh.
Lời nhắn rõ ràng: tất cả mọi thứ anh hùng rồi cũng sẽ chết,
mất hút trong hư vô, nhưng dư âm một câu thơ hay có khả năng hồi sinh, tái tạo,
mỗi lần có người đọc nó.
Khả năng tái sinh, không một loại sinh trùng nào có, kể cả con
người.
Khả năng tái sinh, chỉ mình con chữ nắm quyền sở hữu.
Khái Hưng, Nhất Linh, hai văn hào, đã tạo ra Tự Lực Văn
Đoàn đã xây dựng nền móng văn học Việt Nam hiện đại, đã kiên cường chống
phá chế độ thực dân từ nguồn, và đã sa vào cảnh nội chiến tương tàn, với tư
cách nạn nhân và thủ phạm.
Tôi đã nói đến chúc thư của Khái Hưng trong vở kịch Khúc
tiêu ai oán là triệt hạ căm thù.
Và chúc thư của Nhất Linh trong Giòng sông Thanh Thủy
là rời bỏ guồng máy.
Khái Hưng, Nhất Linh, trong tác phẩm chót của họ, để lại cho
hậu thế lời dặn: tình yêu và văn chương sẽ cứu vớt con người.
Hết
Thụy Khuê
Bắt đầu viết tháng giêng 2020
Viết xong, ngày 10-1-2022
Paris – Yên Cơ (Les Issambres)
thuykhue.free.fr
[1]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, trang 51 và 53.
[2]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Hồi ký phần II, Thạch Ngữ,
California, 2000, trang 50.
[3]
Theo bản Tin tức hàng tuần, trên báo Chính Nghiã, số 28, 16-12-46.
[4]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 105.
[5]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 114.
Xem chương: Từ hội nghị Đà Lạt đến cuộc lưu vong 1946.
[6]
Nguyễn Tường Bách viết: "Lúc tôi đến [Quảng Châu, đầu tháng 7-47]
thì các anh Tam Long đã ra Hong Kong", Việt Nam một thế kỷ qua,
phần II, trang 72.
[7]
Bức thư mật này, Nguyễn Tường Bách không ghi rõ viết ngày tháng nào.
[8]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, trang 67.
[9]
Nguyễn
Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 94-95.
[10]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, trang 68.
[11]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, trang 84.
[12]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 249.
[13]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang
249-250.
[14]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang
250-251.
[15]
Nguyễn Khắc Ngữ Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 251,
Philippe Devillers, Histoire du Viet-nam de 1940 à 1952, Seuil, Paris
1952, trang 409. Hội nghị kết thúc bằng biểu quyết:
"1- Triệt đổ ủng hộ ông Bảo Đại, đứng ra thương thuyết
với Pháp để thực hiện độc lập và thống nhất quốc gia.
2- Danh từ "Hoàng đế Bảo Đại" được sử dụng trên
địa hạt ngoại giao".
Biểu quyết thứ 2 này có nghĩa là Hội nghị công nhận Bảo Đại
vẫn còn là Hoàng đế của nước Việt nam, là người có thẩm quyền đứng ra lập Chính
phủ Quốc gia và điều đình với người Pháp".
[16]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 254; Bảo
Đại, Con rồng Việt Nam trang 287-288.
[17]
Nguyễn Khắc Ngữ, Các đảng phái quốc gia lưu vong 1946-1956, trang 255.
[18]
Nguyễn Khác Ngữ, Bảo Đại, các đảng phái quốc gia và sự thành lập Chính quyền
Quốc gia, Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal 1991, trang 1-3.
[19]
Theo Đoàn Thêm, 1945-1946, Việc từng ngày, Hai mươi năm qua.
[20]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, Thạch Ngữ,
California, 2000, trang 69-70.
[21]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, trang 85.
[22]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, phần II, t. 88- 89-90.
[23]
Theo Hoàng Hưng, trong bài Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghê thuật
(mạng Văn Việt) trên giấy tờ ghi ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1912,
nhưng ông Trí và người thân đều cho biết ông sinh năm 1908 (Kỷ Dậu) tại làng An
Tràng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây, thuộc Hà Nội). Ông mất
ngày 20-6-1993, tại Sài Gòn. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là con cụ Nguyễn Gia Cư, hai
đời làm phẩm phục cho triều đình. Theo họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, gia đình có 10
người con, 4 trai, 6 gái, theo thứ tự như sau:
1- Bác Ba (tên là Ba, con gái đầu lòng). 2- Ông Nguyễn Tam
Phúc (con thứ nhì, các con ông Phúc theo Việt Minh). 3- Ông Nguyễn Gia Tường
(gọi là bác Giáo, giáo sư trường Bưởi). 4- Bác Hai (chị gái). 5- Bác Hồi (chị
gái). 6- Bác Khách (chị gái). 7- Bác Huân (chị gái, tên chồng). 8- Bác Tám (chị
gái, mất sớm). 9- Họa sĩ Nguyễn Gia Trí. 10- Kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức).
[24]
Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, in
trong Nhất Linh người nghệ sĩ người chiến sĩ, Thế Kỷ, California, 2004,
t. 71-72.
[25]
Trương Bảo Sơn, Tiếc thương Nguyễn Gia Trí, Thế kỷ 21, Xuân Ất dậu,
tháng 1 và 2/2005, t. 25.
[26]
Nguyễn Thị Vinh, Nhất Linh và Xóm Cầu Mới, Nhất Linh người nghệ sĩ,
người chiến sĩ, t. 91.
[27]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, t. 179.
[28]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Hồi ký phần II, Thạch Ngữ,
California, 2000, t. 50.
[29]
Phạm Giao là con cả học giả Phạm Quỳnh, sinh ngày 17-12-1911, kết hôn với và
Nguyễn Thị Hy là con gái học giả Nguyễn Văn Ngọc. Về sau bà Hy làm vợ ông Trần
Huy Liệu.
[30]
Nguyễn Tất Đạt, Bố tôi họa sĩ Nguyễn Cát Tường, mạng: sachxua.net,
ngày 1-8-2009.
[31]
Nhất Linh, Cúc xưa, Văn Hóa Ngày Nay, số xuân 1959, in lại trong Nhất
Linh người nghệ sĩ người chiến sĩ, t. 198-199.
[32]
Đoàn Thêm, 1945-1946, Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, trang 45.
[33]
Nguyễn Tường Bách, Tưởng nhớ anh Nhất Linh, in trong sách Nhất Linh,
người chiến sĩ, người nghệ sĩ, t. 65.
[34]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Phần II, trang 118.
[35]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Phần II, trang 108.
[36]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Phần II, trang 117- 122.
[37]
Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, in
trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 73.
[38]
Lời nhà xuất bản Phượng Giang (Nguyễn Tường Thiết) in trong phần Phụ lục
Xóm Cầu Mới, quyển 2, bản chụp in lại tại Hoa Kỳ.
[39]
Trương Bảo Sơn, Triết lý tuyệt hảo trong cuộc đời của Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam, Văn, số 14, Tưởng niệm Nhất Linh, 7/7/64, t. 23.
[40]
Nguyễn Tường Bách, Tưởng nhớ anh Nhất Linh, in trong Nhất Linh, người
chiến sĩ, người nghệ sĩ, t. 65.
[41]
Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, in
trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 74.
[42]
Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh cha tôi, Văn Mới, 2006, trang 13, 16, 17.
[43]
Trương Kim Anh, Tưởng nhớ về Nhất Linh, Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến
sĩ, t. 154.
[44]
Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh cha tôi, t. 19.
[45]
Nguyễn Tường Thiết, Thuyền câu trên sông Cowlitz, trong Căn nhà An
Đông của mẹ tôi, Văn mới 2012, t. 65.
[46]
Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, in
trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California,
2004, trang 74-75.
[47]
Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, in
trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California,
2004, trang 76.
[48]
Nguyễn Tường Thiết, Về lần tái bản năm 2003, in trong Giòng sông
Thanh Thủy, phần Phụ Lục, Văn Mới, California, 2003.
[49]
Nguyễn Tường Thiết, Ga Thạch Long, in trong Nhất Linh cha tôi, trang
16.
[50]
Độc trôi đồng bào: Sự ác độc (do tác giả gây ra) nhiều đến nỗi làm trôi
ngập nhiều người (chú thích của dịch giả Chương Thâu).
[51]
Phan Bội Châu, Tựa cuốn Tự Phán, in trong Hồi ký Phan Bội Châu niên
biểu, Nxb Văn Nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, trang 43).
[52]
Võ Phiến, Đọc bản thảo của Nhất Linh, in trong cuốn Nhất Linh người
nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 56.
[53]
In trên Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, tại Sài Gòn, từ số 9 đến số 11.
Xem chương: Đời sống cách mạng Việt Nam ở Trung quốc.
[54]
Trích bài Cảm nhận Văn Cao của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hợp Lưu số 8 (tháng
12-1992), số đặc biệt Văn Cao, trang 49.
[55]
Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, Văn Mới, California, 2003, trang
69-70.
[56]
Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, trang 130.
[57]
Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, trang 143.
[58]
Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, trang 193-194.
[59]
Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, trang 295.
[60]
Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, trang 361-362.
Nguồn: Văn Việt