Sinh sống trong suốt chiều dài thế kỷ XX, Băng Tâm là một
khuôn mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc, ảnh hưởng lớn đến các nhà văn thời
đại bà, với nhiều thể loại khác nhau, kể cả văn học dành cho tuổi trẻ.
Tên thật là Tạ Uyển Oánh ( 谢婉莹), bà lấy bút danh là Băng
Tâm ( 冰心 ) với mong muốn
giữ một lý tưởng thanh khiết, mượn từ ý thơ của Vương Xương Linh: tâm hồn như một
khối băng trong một chậu ngọc.
Băng Tâm sinh tại Phúc Châu, năm 13 tuổi gia đình chuyển
về Bắc Kinh, bà vào học tại Học viện Bridgman, do một nhà truyền giáo người Mỹ
thành lập, nơi đây những tư tưởng nhân văn và tình thương tôn giáo đã ảnh hưởng
sâu sắc đến tâm hồn bà.
Năm 1919 bà viết những bài thơ và tản văn đầu tiên đăng
trên báo địa phương. Năm 1921, khi còn là sinh viên, bà gia nhập Hiệp hội
nghiên cứu văn học do Mao Thuẫn sáng lập. Những sáng tác thơ đầu tiên của bà xuất
hiện trên những ấn phẩm của hiệp hội, hai năm sau được in thành hai tuyển tập:
Phồn tinh và Xuân thuỷ.
Năm 1923, sau khi tốt nghiệp bà được học bổng sang học tại Wellesley College, Hoa
Kỳ. Với mảnh bằng thạc sĩ, bà về nước dạy học. Bà xuất bản một tập “ Thư gởi độc
giả trẻ “, là những suy nghĩ về đời sống sinh viên ở Hoa Kỳ.
Năm 1945, sau chiến tranh, bà đi du lịch nhiều nơi trong
nước, rồi sang Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên Xô. Năm 1946, bà theo chồng sang Nhật Bản
và trong các năm 1949-1951, bà giảng dạy văn học Trung Quốc hiện đại tại Đại học
Tokyo.
Trở về Trung Quốc năm 1951, theo lời mời, cùng với nhiều người khác, của Thủ tướng Chu
Ân Lai, bà tham gia nhiều hoạt động xã hội, chính trị, văn học, nhưng vẫn không
thôi sáng tác.Thời gian này ra đời nhiều tiểu luận, truyện kể, truyện ngắn, nổi
tiếng nhất và tiêu biểu nhất là “ Chiếc đèn lồng bằng vỏ quả quýt “, một biểu
tượng của bút pháp và lý tưởng triết học của bà.
Truyện được đăng vào “ Trung Quốc thiếu niên báo “ số ra
ngày 19/1/1957. Câu chuyện xảy ra vào mùa xuân 1945 nhưng được viết mười năm
sau. Những kỷ niệm cảm động, hình ảnh một thành phố xa xưa, những gốc cây, con
đường lát gạch, những quả quýt… và hình ảnh người kể chuyện tình cờ bắt gặp được
tường thuật lại sau 10 năm. Những kỷ niệm này vẫn được khắc sâu trong tâm trí của
Băng Tâm và trở nên sống động, như cảm xúc ngày nào khi ra đi, bỏ lại đứa bé
bên giường bệnh của người mẹ.
Truyện được tái bản nhiều lần và năm 2012, được chuyển
thành truyện tranh ( liên hoàn hoạ ).
Bà mất ngày 28/2/199, được xưng tụng là “ Thế kỷ lão nhân
“ ( 世纪老人 ).
Một buổi chiều
trước hôm Lễ hội Mùa xuân, tôi đến một ngôi làng ở ngoại ô Trùng Khánh thăm một
người bạn đang cư ngụ tại khu công đường. Sau khi leo lên một cầu thang tối
tăm, dốc đứng, chật hẹp, tôi bước vào căn phòng đầu tiên, nơi có một chiếc bàn
vuông, vài chiếc ghế tre đặt trước bức tường với chiếc điện thoại móc bên trên.
Đi vào thêm nữa, tôi đến căn phòng bạn tôi ở, chỉ có tấm màn vải ngăn cách với
phòng kia. Bạn không có nhà, cô ấy để lại mấy chữ trên bàn, cạnh cửa sổ, dặn
tôi chờ vì bạn có việc đột xuất phải ra ngoài.
Tôi ngồi
xuống trước cái bàn, lấy tờ báo trên đó ra đọc, bỗng nghe có tiếng động trên
sàn nhà rồi như có ai đang xê dịch mấy cái ghế. Tôi vén màn lên và thấy một bé
gái khoảng tám, chín tuổi, mặt hốc hác, xanh xao, môi tái nhợt vì lạnh, quần áo
cũ rách bươm, chân mang dép rơm. Nó leo lên chiếc ghế tre định nhấc điện thoại
lên rồi sợ hãi khi trông thấy tôi và rụt
tay lại. Tôi hỏi: “ Cháu muốn gọi điện thoại phải không? “ Nhảy từ trên ghế xuống
nó gật đầu: “ Cháu muốn gọi đến bệnh viện xx, gặp bác sĩ Hồ, mẹ cháu vừa khạc
ra máu. Tôi hỏi cháu có biết số điện thoại không. Cháu lắc đầu nói không. Tôi
tìm trong sổ danh bạ đặt cạnh điện thoại và hỏi tiếp: “ Khi cô gặp bác sĩ, cô sẽ
mời bác sĩ đến gặp ai ? “ “ Dạ cô chỉ cần nói nhờ bác sĩ đến nhà Vương Xuân Lâm
thăm bệnh, bà ấy sẽ biết.
Sau khi gọi
được rồi, cô bé rối rít cám ơn tôi rồi quay gót như muốn đi ngay, tôi giữ cháu
lại hỏi: “ Cháu ở có xa đây không ? “ “ Thưa không”, cháu đưa tay chỉ phía cửa
sổ, “ đằng kia, trong núi, dưới cái cây to trĩu quả vàng, cháu về đến trong một
thoáng thôi.” Nói xong, nó đi xuống cầu thang, bước chân vang trên những bậc cấp.
Tôi trở
vào phòng, đọc tiếp tờ báo, rồi mở cuốn thơ Đường luật đọc được nửa tập, trời tối
dần, bạn tôi vẫn chưa về. Tôi đứng dậy và để khuây khoả, tôi tới gần cửa sổ
nhìn về phía ngọn núi đang mờ dần trong sương, tôi thoáng thấy căn nhà nhỏ trước
gốc cây có quả vàng. Bỗng tôi chợt có ý muốn đi thăm cô bé và bà mẹ đang đau ốm.
Bên dưới cầu thang, tôi mua vài quả quýt to chín đỏ, bỏ vào túi xách rồi men
theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo đầy gạch
lỗ chỗ, tôi tiến về căn nhà nhỏ.
Tôi gõ nhẹ cửa và nghe tiếng bước chân, rồi cô bé ra mở cửa, há hốc mồm. Cô bé mỉm cười mời tôi vào. Bên trong chật hẹp tăm tối, bà mẹ nhắm mắt nằm dài trên chiếc giường gỗ kê sát tường, chừng như đang ngủ, phần trên tấm chăn dính đầy máu. Mặt bà quay vào tường, chỉ nhìn thấy được đầu tóc rối bù, sau búi tóc to thắt sau gáy. Cạnh cửa vào là cái lò than bên trên có cái nồi đất toả hơi. Cô bé mời tôi ngồi trên ghế trước bếp, nó ngồi xổm bên cạnh nhìn kỹ tôi. Tôi hỏi:
“ Bà bác sĩ tới chưa?”
“Dạ rồi, bà chích cho mẹ cháu một mũi, giờ này mẹ cháu đỡ
hơn nhiều rồi.”
Rồi nó nói tiếp, như muốn trấn an tôi. “ Cô đừng lo, sáng mai bà bác sĩ lại đến nữa.” “ Mẹ cháu có ăn gì chưa?” , tôi hỏi, “ trong nồi có gì vậy? “ “ Dạ khoai lang. Bữa ăn mừng năm mới của hai mẹ con đấy!”
Tôi chợt nhớ
ra những trái quýt mang theo, tôi lấy trong túi xách ra bỏ lên bàn cạnh chiếc
giường. Cô bé không nói gì, chỉ với tay lấy trái to nhất, lấy con dao nhỏ bóc một
phần vỏ, rồi lấy hai tay nhào nắn nửa còn lại.
Tôi hỏi tiếp: “ Trong nhà còn có ai khác nữa không? “ “
Hiện thời thì không còn ai nữa. Bố cháu không có ở nhà. “ Cô bé vừa nói vừa nhẹ
nhàng bóc từng góc vỏ quả quýt và đặt bên cạnh chiếc gối của mẹ.
Trong cái bếp nhỏ lửa vẫn còn cháy nhưng ánh lửa lịm dần, bên ngoài trời tối đen. Tôi định đứng dậy ra về thì cô bé giữ lại. Rồi với bàn tay khéo léo, nó lấy chỉ xâu vào cây kim và luồn sợi chỉ vào chiếc cốc bằng vỏ quả quýt trông giống như chiếc rổ nhỏ, nó buộc những sợi chỉ vào đầu một que tre, xong lấy trên bờ cửa sổ một mẩu nến, nó thắp lên đặt vào giữa vỏ quả quýt đưa hết cho tôi và nói:
“ Đêm tối rồi, đường lại trơn, chiếc đèn lồng này sẽ soi
cho cô trên đường từ đây đi xuống.”
Tôi cầm và ngắm nghía chiếc đèn lồng nhỏ, tôi cám ơn cô bé khi nó tiễn tôi ra cửa, không biết nói lời gì thì nó lại nói như để tôi yên lòng:
“ Bố cháu sẽ về, chắc chắn
rồi. Và mẹ cháu sẽ bớt, tất nhiên. “ Nó lấy tay vẽ một vòng tròn trước mặt. “ Mọi
người sẽ ổn cả thôi. “ Hẳn là cô bé muốn gom cả tôi vào trong mọi người đó. Tôi
ra về, mắt ướt đẫm.
Tay cầm chiếc
đèn lồng thần kỳ, tôi lần mò xuống núi trong đêm đen, trên con đường ẩm ướt.
Ánh sáng đỏ nhạt từ chiếc lồng đèn con không đủ soi xa được nhưng vẻ trầm tĩnh,
can đảm và lạc quan của con bé khiến tôi lên tinh thần, tưởng như thấy ánh sáng
đang soi xa ngút ngàn.
Bạn tôi đã về nhà, nhìn thấy tôi với chiếc
đèn lồng bằng vỏ quýt, cô hỏi tôi đi đâu về. “ Từ nhà Vương Xuân Lâm “, tôi
đáp. Cô bạn ngạc nhiên nói : “ Vương Xuân Lâm, ông thợ mộc. Nhưng làm sao bạn
biết ông ta? Năm ngoái, nơi trường y ở thung lũng bên dưới, nhiều sinh viên cộng
sản bị bắt, sau đó Vương Xuân Lâm biết mất, nghe nói ông ta mang thư cho những
sinh viên kia.
Ngay đêm đó,
tôi đã đi khỏi ngôi làng trong núi kia và không có tin tức gì về hai mẹ con cô
bé nữa. Nhưng từ dạo đó, cứ mỗi dịp năm mới, tôi lại nhớ đến chiếc đèn lồng bằng
vỏ quả quýt. Mười hai năm đã qua, cha cô bé hẳn đã về nhà từ lâu rồi, mẹ cô bé
hẳn đã khỏi rồi, phải vậy thôi. Bởi lẽ, “ tất cả mọi người “ đều ổn cả!
Viết ngày 3/1/1957.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( 1/2022 )
Nguồn:
http://www.chinese-shortstories.com/Litterature_pour_la_jeunesse_Bing_Xin_la_petite_lanterne.htm