những tác phẩm sau cùng
Phần
I: Khái Hưng những ngày tháng cuối
Trong
bao năm, tôi đã cố gắng tìm một tài liệu đáng tin cậy viết về cái chết của Khái
Hưng. Bởi vì tôi chắc chắn rằng không dân tộc nào chịu để cho nhà văn vào bậc
lớn nhất của mình, chìm trong cái chết vô danh, vô cớ.
Tôi
đã đọc khá nhiều bài viết "mô tả" việc sát hại Khái Hưng, nhưng chưa
tìm thấy điều gì tin được. Có người đưa ra tới bốn thoại khác nhau, nhưng cũng
không có gì khả tín.
Hai
văn bản mà tôi dùng ở đây đều đáng tin cậy: thứ nhất, bài của Trần Khánh Triệu,
con nuôi Khái Hưng, con ruột Nhất Linh, viết về những ngày trước khi Khái Hưng
bị đưa đi mất tích. Thứ hai, bài của Mai Chi Mai Ngọc Liệu, người đã ở trại Lạc
Quần trong thời gian Khái Hưng được giải đến, trước khi đưa đi chỗ khác.
Trần
Khánh Triệu (năm 1947, 15 tuổi) đã viết ba bài về Khái Hưng:
-
Ba tôi (ít kỷ niệm với Khái Hưng), viết sớm nhất, in năm
1954[1]. Chưa tìm lại được.
-
Ba tôi, in trên báo Văn, năm 1964[2], hiện là tài liệu chính, viết rất
nhanh trong hai ngày, nhưng đầy đủ và chính xác.
-
Bài Papa tòa báo, in trên Thế Kỷ 21, năm 1997[3], có những thông tin về gia đình Khái
Hưng.
Mai
Ngọc Liệu tức Mai Chi, chủ trương Hồn Công Giáo, tờ báo đối lập cùng
thời với tờ Việt Nam, năm 1945-46. Tài liệu của Mai Ngọc Liệu, có nhiều
chi tiết xác định những điều ông viết về Khái Hưng là đúng, được đăng lần đầu
dưới tên Đợi tết trong tù, trên nhật báo Dân Chủ số 925 ra ngày
9-2-1964, tại Sài Gòn. Tạp chí Văn số 22, (15-11-64), số tưởng niệm Khái Hưng,
trích in lại, dưới tên Khái Hưng trong tù, tài liệu của Mai Chi,
và toàn bài Đợi tết trong tù, được Nguyễn Thạch Kiên in lại trong cuốn Khái
Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 2.
Chúng
tôi sẽ dùng hai tài liệu này để thử tìm lại hành trình của Khái Hưng kể từ ngày
18-12-1946, khi ông rời Hà Nội về Nam Định.
Đoạn
đường cuối của một văn hào
Trần
Khánh Triệu kể lại trong bài Ba tôi như sau:
Ngày
17-12-46, gia đình đang sửa soạn ăn cơm trưa, thì súng nổ, một lát sau, Tây vào
nhà:
"Một
thằng Tây cao lớn xông vào nòng súng còn tỏa khói khét lẹt chĩa vào người chúng
tôi ra hiệu bảo đi theo hắn. Tới sân mới biết ba tôi cùng mấy đồng chí khác ở
toà báo cũng đã bị bắt. Một thằng dáng chừng là cấp chỉ huy, súng lục lăm lăm
vặn hỏi ba tôi mỗi lúc một dữ, mặt hắn hầm hầm trái ngược hẳn với thái độ bình
tĩnh từ tốn của ba tôi (về sau được biết vì nhà tôi có máy in nên hắn nằng nặc
cho rằng máy in chỉ để in báo cho Việt minh, cho tự vệ – khi được biết thêm ba
tôi là Việt quốc chống Việt minh, thì hắn càng tức giận thêm vì lại cho rằng
Việt quốc thù ghét chúng hơn cả Việt minh nữa.
Thế
là cả nhà tôi bị bắt cho đến sáng ngày 18-12 mới được ủy ban liên kiểm
Việt-Pháp can thiệt thả cho ra. Ngay chiều hôm đó chúng tôi lên tầu thuỷ tản cư
về Nam Định, hí hửng, tin tưởng thoát khỏi tay những thằng Tây ghê gớm kia để
rồi sau đó lại rơi vào một cạm bẫy khác nguy hiểm, tàn ác hơn nhiều…"[4]
Để
độc giả không quen với địa hình tỉnh Nam Định dễ theo dõi hành trình của Khái
Hưng, chúng tôi xin vắn tắt:
Phiá
nam thành Nam Định có hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường, cách nhau con sông
Ninh Cơ. Quê bà Khái Hưng ở làng Dịch Diệp, thuộc huyện Trực Ninh, tả ngạn sông
Ninh Cơ. Lạc Quần, nơi giam Khái Hưng, ở hữu ngạn sông Ninh Cơ, thuộc huyện
Xuân Trường. Bến đò Cựa Gà (có thể là nơi Khái Hưng bị xử tử) ở làng Ngọc Cục,
hữu ngạn sông Ninh Cơ về phiá bắc, gần làng Hành Thiện, về phiá Thái Bình.
Trần
Khánh Triệu viết tiếp:
"Làng
Dịch Diệp quê me tôi thuộc huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định. Tản cư về yên ổn
trong hai ngày đến ngày thứ ba bỗng có hai tên Công an trên huyện về, rất lịch
sự mời ba tôi lên trên đó gặp Ủy Ban Hành Kháng [Hành
chính Kháng chiến] có chuyện cần. Có lẽ cho rằng đương lúc chiến tranh vừa
bùng nổ, kẻ thù chính là Pháp, không thể có chuyện bắt bớ những phần tử đảng
phái quốc gia khác được, ba tôi bình tĩnh dặn lại mẹ tôi:
-
Chắc cấp dưới họ không biết rõ. Để tôi lên huyện xem sao?
Nói
xong ba tôi lại chỉ vào cái ve áo có huy hiệu của hội Liên Hiệp (do Trần Huy
Liệu tặng cách đó mấy tháng trước để tỏ tình đoàn kết) tiếp:
-
Đoàn kết đánh tây, mình vừa thoát chết khỏi tay thằng tây chẳng lẽ mình là Việt
gian sao?
Thế
rồi ba tôi ra đi. Thân hình gầy trong bộ y phục xám ba tôi đi giữa hai người
Công an lực lưỡng khuất dần sau lũy tre làng.
Mấy
ngày sau chẳng có tin tức gì, dọ hỏi mới biết ba tôi đã bị giam rồi, mẹ tôi lo
sợ vội cho tôi đi cùng một người nhà đem quần áo, thuốc men lên thăm. Vừa đi
được nửa đường gặp một đám người đi ngược chiều, anh người nhà tôi la lên:
-
Kìa ông Tú.
Thì
ra ba tôi cùng một số tội nhân khác đang lếch thếch đi từ huyện Trực Ninh về
phiá Cổ Lễ. Vài tên Công an cầm súng áp giải. Tôi nhảy xuống xe chạy tới gần.
Thực không thể ngờ được … ba tôi trông tiều tụy hẳn đi. Mắt thâm quầng, quần áo
xốc xếch, cái khăn quàng cổ nay đã trở thành tay nải con con cầm tay. Tôi hỏi
dồn:
-
Họ đưa ba đi đâu?
-
Đi Lạc Quần (Lạc Quần thời tây là một đại lý đồn binh cách Trực Ninh khoảng 10
cây).
Đoạn
ba tôi nhỏ hẳn giọng tiếp:
-
Thôi con về đi. Đừng nghĩ đến ba nữa. Từ nay mẹ con hãy cuốc đất trồng khoai mà
sống vậy.
Đương
ngơ ngác không hiểu sao ba tôi lại nói những lời ngao ngán như vậy thì mấy tên
Công an đã dục lên đường cắt ngang hẳn câu chuyện.
Rồi
từ đó cứ cách vài ngày chúng tôi lại lên Lạc Quần mong gặp được ba tôi nhưng
lần nào cũng đều thất vọng. Người nhà những người đương bị giam không một ai
được phép vào thăm".[5]
Đến
trại Lạc Quần
Mai
Ngọc Liệu thuật: Hai tuần trước khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, ông tản cư
về quê ở làng Cổ Lễ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ngay khi bộ đội đột kích
quân đội Pháp ở Thủ đô, Tổng bộ Việt Minh đã ra lệnh bao vây các lực lượng
thực dân và bắt giữ các phần tử chống Cộng. Chín ngày sau, trung ương gửi lệnh
không được bắn giết bừa bãi, phải lập hồ sơ tội trạng để đưa ra toà án, nên
những người bị bắt được giải lên trại Lạc Quần (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam
Định), bên bờ sông Ninh Cơ, cách chợ Lạc Quần chừng 200 thước.
Mai
Ngọc Liệu viết:
"Chỉ
bốn ngày sau khi ba chúng tôi -Lụy, Thành, Văn,- bị di chuyển về trại Lạc Quần,
và trong khi anh em chính trị phạm đang bàn tán về chuyện Tết… thì một buổi
chiều, mọi người được tin lát nữa sẽ có hai ông bạn mới, hình như công an quận
Trực Ninh bắt rồi đưa lên giam giữ tại đây (…)
Một
người chừng trên bốn chục tuổi có vẻ hào hoa phong nhã nhưng hơi gầy yếu. Âu
phục chỉnh tề: Complet và cà vạt, mũ "phớt", ngoài khoác pardessus de
ville[6]
tay xách một cặp da cũ đựng quần áo và đồ dùng vặt.
Người
thứ hai trẻ hơn cũng mặc âu phục nhưng đơn giản: quần đen, sơ mi và áo len nâu
dài tay với một bọc vải gói ghém quần áo và vật dụng.
Trong
gian phòng ẩm thấp và thiếu ánh sáng tất cả chúng tôi cùng đứng lên chào đón
hai bạn mới. Bỗng anh Văn[7]
trố mắt nhìn kỹ hai người rồi thốt lên:
-
Tưởng ai xa lạ… hoá ra anh em nhà cả!
Rồi
anh ghé tai Lụy nói thầm:
-
Anh Khái Hưng đấy; chắc anh đã đọc những tác phẩm của anh ấy rồi. Còn anh giáo
Dưỡng vẫn thường đi hoạt động với chúng ta."[8]
Sau
đó, Mai Ngọc Liệu nói thêm về trại Lạc Quần và những thành phần bị giam tại đây:
"Hồi
ấy Lạc Quần là một chiến khu quan trọng của miền Nam Trung châu Bắc Việt (thuộc
Liên khu 3). Trại "lính khố xanh" cũ lúc đó đã biến thành Bộ Tư lệnh
của đại tá Việt Minh Hà Kế Tấn. Công an tỉnh Nam Định đặt trại giam gần sát đó
để có thể nhờ bộ đội can thiệp tức khắc nếu có xẩy ra những trường hợp bất ngờ
(các chính trị phạm nổi loạn hoặc các nhóm quốc gia đánh úp để giải phóng đảng
viên). Anh em chúng tôi thuộc nhiều đoàn thể khác nhau: Việt Quốc, Việt Cách,
Duy dân, Dân tộc, Công giáo, v.v… không thiếu một đảng phái chống Cộng nào. Đến
trung tuần tháng Chạp âm lịch tổng số lên gần 50 người"[9]
Về
đời sống của Khái Hưng trong trại Lạc Quần, Mai Ngọc Liệu viết:
"Đời
sống ở đây tương đối dễ chịu vì lúc đó Việt Minh còn bận tổ chức kháng chiến
chống Pháp, chưa nghĩ tới việc hành hạ chúng tôi. Ngoài điểm ăn ngủ kham khổ,
chúng tôi không hề bị gông cùm xiếng xích, và cũng không phải làm gì cực nhọc
(…) Tuy nhiên không phải là không có những cuộc tra tấn (…) Và mỗi buổi sáng
chúng tôi lại thay phiên đấm bóp và săn sóc những nạn nhân đêm trước.
Bởi
vậy, ngay buổi sáng ngày thứ nhì, anh Khái Hưng đã nhìn thấy rõ "nếp sống
và thủ tục trai giam". Và cũng từ buổi đó, chẳng bao giờ chúng tôi được
nghe anh nói một mảy may gì liên quan tới chính trị hay là tình thế. Mặc dầu
trông đợi phiên mình, thế nhưng trong suốt thời gian (vào khoảng 15-20 ngày) chung
sống với chúng tôi, anh chẳng bị bọn chúng gọi lên chịu trận một lần nào cả.
Trái lại, có một số công an viên, kể cả đồn trưởng Thịnh tỏ ra rất hâm mộ và
kính nể anh.
Có
lẽ không gì khổ tâm hơn cho một nhà văn khi phải sống trong cảnh hoàn toàn
không giấy bút và không sách vở. Lúc ra đi, bọn Công an không cho anh mang theo
một chút gì để đọc và viết. Tới đây, anh đành bó tay, và luôn ngỏ ý thèm đọc,
bất cứ sách gì. Một hôm nhìn thấy một tập sách cũ trong phòng một công an viên,
anh nhờ Lụy tìm cách mượn giùm nhưng đây là một quyển sách đạo mà chủ nhân là
một tên khét tiếng hách dịch, bởi vậy hai người đành bỏ rơi việc đó. Rồi bỗng
nhiên hai ngày sau một công an viên khác anh- Thân- vì cảm mến Khái Hưng đã
mang tặng anh một tập giấy trắng với một cây bút chì trong lúc chúng tôi đang
ngồi quây lại để anh xem tướng cho từng người. Anh Khái Hưng xem tướng rất giỏi
-cả tướng tay lẫn tướng mặt. (…)
Từ
lúc có giấy bút chiều nào Khái Hưng cũng ra bờ sông ngồi viết nhật ký. Công an
viên Thân thường lui tới để nhờ anh sửa văn. Và bọn anh em chúng tôi cũng bắt
đầu gác bỏ đề tài Tết để nhảy sang địa hạt văn nghệ. Cũng từ bữa đó, anh Khái
Hưng đã nói khá nhiều với chúng tôi về các vấn đề văn chương, thi ca, tiểu
thuyết. (…).
Lúc
nào Khái Hưng cũng tỏ ra bình thản và vui tính. Ngoài những cuộc đàm luận văn
chương, anh còn thích đánh cờ và rất ham nói chuyện và trong bất cứ chuyện gì
anh cũng xen vào những câu khôi hài rất dí dỏm và đầy lý thú. (…)
Tối
nào nào anh cũng kể cho nghe một chuyện, hoặc Liêu trai, hoặc những kỷ niêm làm
báo viết văn và ở tù. Mẩu chuyện của anh mà cả hai chúng tôi (Lụy và Thành) nói
mãi tới nay là chuyện anh tâp hút thuốc lào trên trại giam Vụ Bản (Hoà Bình):
"Tuy không biết hút thuốc nhưng tôi đã gắng tập hút để có thể nhập bọn và
gây tình thân thiết với các chú lính Mường. Sau đó, đêm nào tôi cũng tụ họp với
họ chung quanh một chiếc điếu cầy "gộc" luân phiên liên hồi hút thuốc
lào và kể chuyện. Tôi đã được nghe nhiều chuyện đường rừng rất ly kỳ, tôi cũng
kể nhiều chuyện lịch sử và thần tiên. Chỉ một tuần sau tất cả đám lính Mường
canh giữ trại đều trở nên "ghiền" chuyện, mỗi khi hơi rảnh rỗi là họ
đi tìm tôi và đòi kể chuyện như đòi nợ.
Ngoài
ra anh Khái Hưng còn là một người rất giàu tình cảm. Mỗi lần nói chuyện hoặc kể
chuyện, không bao giờ anh quên nhắc tới một vài bạn cũ, và gặp ai anh cũng tùy
trường hợp hỏi thăm tin tức về người anh đã từng quen biết. Trong thời gian với
chúng tôi, một hôm cậu con nuôi muốn[10]
tới thăm anh. Và đêm hôm đó anh lại có dịp cho chúng tôi nghe những mẩu
chuyện tình bạn giữa anh và văn sĩ Nhất Linh nhưng không hề đả động gì tới cuộc
đời cách mạng của hai người"[11]
Về
hôm Khái Hưng rời trại Lạc Quần, Mai Ngọc Liệu kể:
"Rồi
một buổi chiều… Hôm đó quá Rằm- có lẽ 16, 17 hay 18 tháng Chạp âm lịch, một
ngày cận Tết- vào khoảng 4-5 giờ trong khi chúng tôi sắp ăn cơm tối, tên Thoại
(công an xung phong) tới báo cho Khái Hưng biết rằng có lệnh mời anh lên
"Trung ương" vì cấp tỉnh không có quyền thẩm vấn và xét xử anh. Hắn
dục anh thu xếp đồ đạc để cùng đi ngay với hắn- đi lúc chiều tối để tránh máy
bay địch.
Mười
phút sau, anh đã sẵn sàng trong bộ âu phục với áo choàng, mũ "phớt"
và chiếc cặp da cũ trong tay như khi anh vừa mới bước chân tới trại Lac Quần.
Bùi ngùi cảm động… anh đi bắt tay từ biệt từng anh em phạm nhân… Anh Văn rơi
lệ… Mọi người buồn xỉu…
"Chào
anh em ở lại", đó là lời nói cuối cùng của Khái Hưng. Câu đó tới hôm nay
vẫn còn in sâu trong tâm khảm hai chúng tôi. Dù anh không nói thêm lời nào nữa,
nhưng chúng tôi đều nhìn thấy trên vẻ mặt Khái Hưng một nỗi ư tư vô hạn… Có lẽ
vì đã cảm thấy rằng chuyến đi này sẽ kết liễu đời anh…
Từ
hôm đó, nhóm chúng tôi -Văn, Lụy, Thành, Xuân- chẳng ai buồn để ý đến cái Tết
sắp tới, mà chỉ suốt ngày nhắc tới kẻ ra đi không có ngày về…"[12]
Bài
viết của Mai Ngọc Liệu, đến đây là hết. Một số bài viết sau, cũng kể lại câu
chuyện tương tự nhưng đưa ra những chi tiết khó tin, có người còn thêm: hai
người dẫn Khái Hưng đi hôm sau trở lại trại giam, một người mặc áo pardessus,
một người đội mũ phớt!
Lần
cuối gặp cha
Trần
Khánh Triệu thuật lại lần cuối cùng được gần cha:
"Qua
tết (tết năm Hợi 1947) [nhằm ngày 22-1-1947] độ hơn tháng,
vào một buổi trưa trong lúc không ngờ nhất ba tôi được một tên Công an dẫn về
nhà. Hỏi ra mới biết vì Pháp mở cuộc tấn công lớn giải vây cho bọn chúng ở nhà
Máy sợi, nhà Băng Nam Định nên Ủy ban quyết định đưa một số tội nhân đi nơi
khác. Theo lời tên Công an ba tôi sẽ được đưa về Chi-nê (Ninh Bình). Hắn lại
ngọt ngào nói với cả nhà:
-
Tôi có cảm tình với ông nhà lắm, đi xa có chuyện gì tôi sẽ báo cho gia đình
biết ngay. Cứ yên tâm… sở dĩ phải đi xa vì phải điều tra kỹ hơn. Cấp trên thế
nào cũng hiểu trường hợp của ông… Thế nào rồi ông cũng được tha.
Cái
vẻ tươi cười mơn trớn của hắn làm tôi thấy ghê ghê nhất là khi nhìn đôi mắt lươn
him híp luôn luôn đảo quanh, quan sát mọi người trong nhà. Mặc bộ đồ kaki xanh
lá cây, đeo huy hiệu Công an xung phong, khẩu côn bạt lặc lè cạnh sườn, hắn tỏ
ý để tự do cho gia đình tôi nói chuyện với nhau.
Hồi
này trông ba tôi tiều tụy hẳn, bộ dạ xám phai bạc màu, đôi mắt gần như dại đi,
giọng nói yếu ớt gần như thều thào:
-
Bị bắt lên Trực Ninh tôi bị hỏi cung liên tiếp nhưng cũng may nó không tra tấn
gì. Chuyển sang Lạc Quần vì chỗ giam đông quá, thức ăn bẩn thỉu nên cái bệnh
kiết hồi nào lại tái phát. Chúng nó kết tội tôi đủ thứ. Hôm nay nó bảo đưa đi
Chi-nê nhưng không biết có thật không. Thôi sống chết có số cả!
Rồi
ba tôi hạ thấp hẳn giọng xuống:
-
Mấy hôm trước chúng nó có hỏi thằng Triệu có phải là con anh Nhất Linh không?
Tôi có nhận nhưng nói nó làm con nuôi từ hồi còn bé nên nó không biết anh Tam
là ai cả. Mợ phải cẩn thận mới được, tôi đi kỳ này không biết sống chết thế
nào, đành nhờ Trời Phật cả.
Dặn
dò được có bấy nhiêu lời tên Công an đã hối thúc lên đường. Khi ra tới cửa hắn
còn quay lại leo lẻo nói với me tôi: "Ông không sao cả, bà cứ yên tâm, đã
có tôi."
"Cứ
yên tâm đã có tôi"… nhưng từ buổi trưa ấy ba tôi biệt vô âm tín luôn.
"Cứ yên tâm, đã có tôi "… nhưng bao nhiêu lá thư, lá đơn, mẹ tôi gửi
lên Ủy ban tỉnh, lên Liên Khu III, cho người đi dò hỏi tận Chi-nê, Đầm Đùn cũng
chỉ là công dã tràng!"[13]
Văn
bản của Trần Khánh Triệu và Mai Ngọc Liệu, có vài chỗ không ăn khớp nhau, có
thể vì trí nhớ qua thời gian có chút sai lạc: thí dụ Mai Ngọc Liệu kể khi Khái
Hưng đến Lạc Quần, ông vẫn còn giữ được cái cặp da cũ đựng quần áo và đồ dùng,
tối ông ngủ gối đầu lên cặp da và lấy áo măng-tô đắp chăn. Trong khi Trần Khánh
Triệu, khi gặp cha trên đường đến Lạc Quần, không nói đến cái cặp này mà lại
bảo cha dùng khăn quàng cổ làm tay nải gói quần áo.
Nhưng
sự khác biệt lớn nhất là thời gian không ăn khớp:
-
Mai Ngọc Liệu nói trước Tết, có "tên Thoại (công an xung phong)
tới báo cho Khái Hưng biết rằng có lệnh mời anh lên "Trung ương" vì
cấp tỉnh không có quyền thẩm vấn và xét xử anh".
-
Trần Khánh Triệu viết: "Qua tết (tết năm Hợi 1947) [nhằm
ngày 22-1-1947] độ hơn tháng, vào một buổi trưa trong lúc không ngờ nhất ba
tôi được một tên Công an dẫn về nhà. Hỏi ra mới biết vì Pháp mở cuộc tấn công
lớn giải vây cho bọn chúng ở nhà Máy sợi, nhà Băng Nam Định nên Ủy ban quyết
định đưa một số tội nhân đi nơi khác."
Và
chắc hai người đều viết đúng cả.
Như
vậy, ta có thể suy ra: trước tết mấy ngày Khái Hưng được dẫn lên "Trung
ương" và sau tết độ một tháng ông được dẫn về nhà. Vậy trong một tháng
Khái Hưng ở đâu?
Nhờ
câu này của Trần Khánh Triệu: "vì Pháp mở cuộc tấn công lớn giải vây
cho bọn chúng ở nhà Máy sợi, nhà Băng Nam Định nên Ủy ban quyết định đưa một số
tội nhân đi nơi khác" ta có thể hiểu là Khái Hưng bị giam ở Nam Định.
Rồi
trong bài Papa nhà báo, in trên Thế Kỷ 21, ông viết câu này: "Một
công an mang phù hiệu "Công an Thành Nam Định" hẳn hoi đi kèm",
càng nhấn mạnh thêm việc ông bị giam ở thành Nam Định.
Tóm
lại, ta có thể đoán gần như chắc rằng: sau Lạc Quần, Khái Hưng được đưa lên
"Trung ương" ở Nam Định để thẩm vấn. Và chắc Khái Hưng được lệnh
không nói đến những ngày chót ông bị giam ở đâu, nên Khái Hưng chỉ vắn tắt nói
với vợ như sau:
"Bị
bắt lên Trực Ninh tôi bị hỏi cung liên tiếp nhưng cũng may nó không tra tấn gì.
Chuyển sang Lạc Quần vì chỗ giam đông quá, thức ăn bẩn thỉu nên cái bệnh kiết
hồi nào lại tái phát. Chúng nó kết tội tôi đủ thứ. Hôm nay nó bảo đưa đi Chi-nê
nhưng không biết có thật không."
Câu
này cho phép ta đoán thêm rằng:
Ông
bị bắt đưa lên Trực Ninh, bị hỏi cung nhưng không tra tấn. Chuyển sang Lạc
Quần, vì thức ăn bẩn thỉu nên bệnh kiết lỵ tái phát. Ở Lạc Quần theo lời Mai
Ngọc Liệu, ông không bị thẩm vấn. Nhưng sau đó: "Chúng nó kết tội tôi
đủ thứ tội", câu này chắc ý ông muốn chỉ "trung ương" Nam
Định, và tại nơi này, ông đã bị tra khảo, nên Trần Khánh Triệu viết: "Hồi
này trông ba tôi tiều tụy hẳn, bộ dạ xám phai bạc màu, đôi mắt gần như dại đi,
giọng nói yếu ớt gần như thều thào". Khi Khái Hưng nói với vợ con:
"Hôm nay nó bảo đưa đi Chi-nê nhưng không biết có thật không",
là ông đã biết rõ số phận mình. Thêm nữa, người công an đi kèm tỏ ý cho
gia đình tự do nói chuyện với nhau có lẽ là "ân huệ" chót dành
cho người tử tù.
Tình
cờ đọc được bài Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể
(kỳ 3)[14] của Thái Doãn Hiểu, trên Internet,
tôi thấy những lời trong bài này có thể tin được vì người kể chuyện và người
viết lại, đều không có ý phô trương điều mình biết. Thái Doãn Hiểu viết:
"Hồi
còn dạy học ở thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng năm 1973, tôi (TDH) đã nghe chính
miệng những du kích Thái Bình – những kẻ thừa hành bản án. Họ kể rằng họ được
lệnh bỏ rọ trắn xuống sông nhà văn Khái Hưng – chủ soái của Tự lực Văn đoàn. Kẻ
hành quyết kể lại thái độ của Khái Hưng rất bình thản, ung dung chui vào rọ nứa
cho những kẻ chân đất đầu trần buộc giây, gài đá, vần xuống sông. Ở dưới đáy
sông sặc nước, chắc nghẹt thở lắm… Khái Hưng chết chỉ vì ông là đảng viên đảng
Đại Việt!"
Những
dòng trên đây đáng tin vì người ghi lại chuyện này và kẻ có nhiệm vụ hành
quyết, đều ở ngoài Bắc, họ cũng không biết rõ Khái Hưng thuộc đảng nào, và họ
cũng không "thù Việt Minh" đến nỗi phải tạo ra những huyền thoại về
sự "dã man" của Việt cộng như một số văn bản khác.
Sau
cùng, trong bộ Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II, của Trần Văn
Giàu, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú và Tạ Phong Châu, in năm 1972, mục từ
Khái Hưng có câu:
"Khái
Hưng chết năm 1947 ở bến đò Cựa Gà, huyện Xuân Trường, Nam Định".
Câu
này đã xác định Khái Hưng bị hại ở bến đò Cựa Gà và cũng là sự thực bởi vì
không ai có thẩm quyền hơn Trần Văn Giàu để viết những dòng như vậy.
Đến
đây, ta có thể tóm tắt lại hành trình của Khái Hưng như sau:
Ngày
18-12-1946, Khái Hưng đưa gia đình về quê vợ bằng tàu thủy, dọc đường phải dừng
lại lên bộ vì máy bay Pháp oanh tạc, rồi đi xe tay về làng. Hai ngày sau
(20-12-46) tới Dịch Diệp. Ở yên trong hai hôm, đến ngày thứ ba (23-12-46), ông
được công an đến nhà mời lên Uỷ ban Hành Kháng huyện Trực Ninh, tại đây ông bị
thẩm vấn mấy ngày, sau đó được chuyển về trại Lạc Quần. Đến gần Tết Đinh Hợi
[Tết là ngày 22-1-47], ông được dẫn lên "Trung ương", không
nói rõ ở đâu; nhưng qua những chi tiết của Trần Khánh Triệu, ta đoán là nhà
giam trung ương thành phố Nam Định. Sau tết độ một tháng, ông được dẫn về thăm
nhà lần chót. Rồi được đưa đến bến đò Cựa Gà. Khái Hưng bị xử bỏ rọ trôi
sông, sau Tết Đinh Hợi độ một tháng, tức là vào khoảng hạ tuần tháng 2-1947,
tại bến đò Cựa Gà, bên bờ sông Ninh Cơ, làng Ngọc Cục, huyện Xuân Trường, tỉnh
Nam Định.
Những
nhà nghiên cứu sau này muốn hiểu rõ hơn về cái chết của Khái Hưng, theo tôi,
nên tìm xem "trung ương" ở Nam Định lúc ấy là ai? Tôi chắc không phải
là một nhà chính trị, cũng không phải một nhà quân sự (sẽ rõ ở dưới), mà là một
nhà văn. Bởi vì sự căm thù của đồng nghiệp thường đáng ngại hơn cả. Sau này,
Trần Dần, Lê Đạt, cũng bị chôn vùi bằng ngòi bút của các nhà thơ.
***
Phần
II: Những tác phẩm sau cùng
Một
bài viết của Hồ Hữu Tường có ảnh hưởng tai hại
Trong
báo Văn số 22, tưởng niệm Khái Hưng, có hai bài viết của Hồ Hữu Tường, một bài
tên là "Khái Hưng, người thứ nhứt muốn làm nguyên soái của "văn
chương sáng giá"" và bài thứ hai tên là: "Gửi mõ Làng Văn
về Khái Hưng".
Bài
đầu, Hồ Hữu Tường kể lại câu chuyện Khái Hưng đã trích một đoạn trong sách
"Muốn làm chính trị" của ông để đăng báo Chính Nghiã[15] mà "không xin phép" và
ông đã cùng Khái Hưng bàn việc ra báo Thời Phong.
Bài
thứ hai, là đối tượng được bàn tới ở đây, Hồ Hữu Tường cho biết ông giữ một bí
mật, muốn viết ra mà ngần ngại, rồi cuối cùng "phải viết", vì sao?
Đây là lý do:
"Không
viết, thế mà phải viết. Viết để thú tội với lịch sử rằng tôi gánh trách nhiệm
rất lớn đối với cái chết của Khái Hưng, làm cho dân tộc mất một cây bút thiên
tài. Bởi tôi đã xúi Khái Hưng "móc giò" Hồ Chí Minh một cái khá đau".
Câu
ông xúi Khái Hưng "móc giò" Hồ Chí Minh" cực kỳ hấp dẫn,
khiến người nào đã đọc đến đây, không thể ngừng. Ông kể tiếp:
"Số
là, cuối năm 1946, ít ngày trước cuộc binh lửa Hà Nội, Khái Hưng đến nhà tôi
giọng lo âu và sầu bi nói:
-
Chết tôi rồi anh ơi! Tôi không phải là đảng viên của VNQDĐ mà chỉ vì cảm tình
với anh em, nhứt là với anh Tam, ra gánh gánh nặng là chủ trương tờ Chính Nghiã
và nhựt báo Việt Nam. Nay mấy anh đi đâu mất hết, không để lại một đồng bạc.
Tôi phải lo viết cho đầy tờ báo, coi in, coi phát hành. Mà nhứt là chạy tiền.
Vì chúng nó khủng bố độc giả, nên mỗi ngày chỉ bán được có chín chục số. Việt
Nam là cái thùng thủng đáy tôi phải gánh nước mà châm vào hoài… Tôi ở vào tình
trạng là chỉ còn tiền ra một số nữa thôi. Rồi phải đình bản. Nhưng như vậy còn
gì là danh tiếng của anh Tam, của bao nhiêu bạn bè trong VNQDĐ? Anh bảo tôi nên
xử trí làm sao?
Tôi
an ủi Khái Hưng:
-
Đủ tiền ra số chót là được rồi. Tôi có kế cứu thể diện của anh Tam, của VNQDĐ
và rút anh ra khỏi guồng máy. Anh về viết bài tuyên bố như thế này đây… rồi
đình bản.
Để
bắt chước lối kể truyện Tàu, tôi nói với Khái Hưng như vầy…như vầy… Khái Hưng
nghe xong mừng quá, nhảy lại ôm tôi khen: "Diệu kế! Diệu kế!" Rồi
thoát đi ngay.
Hai
ngày sau, vào lối mười giờ, Khái Hưng lại nhà tôi với vẻ hân hoan, nói:
-
Tôi vừa gặp cụ Hồ, rồi đi ngay lại đây cho anh hay. Tôi đã viết bài y theo như
anh đã vạch. Đại khái tôi nói: Sở dĩ bấy lâu nay chúng tôi kịch liệt công kích
chánh phủ và đảng là chánh phủ và đảng đi đường lối thân Pháp, bắt tay với Pháp
mà làm mất quyền lợi của nhân dân. Nay, sau việc xung đột ở Hải Phòng,
việc chuẩn bị đánh nhau ở Hà Nội, chúng tôi thấy rằng bây giờ chính phủ đi với
dân tộc mà chống Pháp. Như vậy, sự đối lập của chúng tôi là thừa. Chúng tôi
tuyên bố chấm dứt sự đối lập, đình bản báo chí, đem toàn lực đứng sau chánh phủ
để ủng hộ chánh phủ chống Pháp.
Tôi
hỏi Khái Hưng:
-
Rồi sao nữa?
-
Cụ Hồ đòi tôi đến hỏi tại sao tôi viết bài như vậy? Tôi đáp: "Bởi chúng
tôi hết tiền để cho ra tờ Việt Nam". Cụ Hồ nói: "Bài tuyên bố đó rất
phương hại cho đường lối của chánh phủ. Chánh phủ đi cái chánh sách đứng thẳng
với Pháp để điều đình mà mình được nhiều quyền lợi. Lại tuyên bố như vậy là gài
chánh phủ vào đường chiến tranh với Pháp. Tôi yêu cầu VNQDĐ tiếp tục đường lối
đối lập, chống chánh phủ để cho Pháp thấy rằng ý của chánh phủ là muốn bắt tay
với Pháp. Nếu hết tiền ra báo, chánh phủ sẽ cấp đỡ cho.
Tôi
hỏi:
-
Anh trả lời ra làm sao?"[16]
Hồ
Hữu Tường tiếp tục "ba hoa" thêm một đoạn nữa, ông đưa vào miệng Khái
Hưng và cụ Hồ những lời ngớ ngẩn… rồi ông kết luận, bằng một câu không có vẻ gì
là đùa cợt cả:
"Bài
tuyên bố của Khái Hưng viết đã gài cho Việt Minh đánh nhau với Pháp một phần
nào. Họ đã trả thù bằng cách giết Khái Hưng"
(chúng tôi in đậm)[17]
Bài
viết của Hồ Hữu Tường, chỉ là một một bài văn hoạt kê, trong mục Mõ Làng Văn,
nhưng sợ người đọc không tin nên ông đã mào đầu bằng những lời "trịnh
trọng": "Viết để thú tội với lịch sử rằng tôi gánh trách nhiệm rất
lớn đối với cái chết của Khái Hưng. Bởi tôi đã xúi Khái Hưng "móc
giò" Hồ Chí Minh một cái khá đau". Ông tự cho mình vai trò
"lịch sử", coi mình là Khổng Minh, xem Khái Hưng như đứa nhỏ đến vấn
kế và ông có cớ chế giễu cụ Hồ. Nhưng được ban biên tập báo Văn coi là đúng
đắn, thậm chí còn chú thích cả về việc Hồ Hữu Tường "cho biết" báo
Việt Nam lúc đó chỉ còn có "chín chục" người mua!
Về
việc đình bản, báo Việt Nam có thuê đăng "lời kính cáo" trên báo Vì
Nước (2-12- 46) như sau:
“Kính
cáo độc giả. Vì chưa đủ điều kiện mới thuận tiện về phương diện ấn loát, báo Việt
Nam phải tạm ngừng xuất bản ít lâu. Vậy xin có lời thanh minh mong các độc
giả thể tình cho". Báo Việt Nam.
Việc
đình bản báo Việt Nam, được trình bày cặn kẽ trong bài xã luận tựa đề: Quân
dân nhất trí đăng trên báo Chính Nghiã số 27 (9-12-46), chúng tôi sẽ
đề cập đến ở phần dưới. Không có câu nào "móc giò" ai cả.
Câu
chuyện của Hồ Hữu Tường chỉ là phóng bút, dựa vào chuyện báo Việt Nam đình bản,
để tạo một chuyện tiếu lâm. Nhưng những gì ông viết ra không thể "cứu
vãn" được; bởi vì người ta tin và chép lại, tạo ảnh hưởng không tốt đến
tận bây giờ: Trong một bài báo mới đây viết về Khái Hưng, người ta vẫn còn
trích lời của Hồ Hữu Tường, để đổ tội cho Khái Hưng đã "gây ra" chiến
tranh Pháp-Việt!
Hoạt
động báo chí của Khái Hưng 1945-1946
Sau
khi đi tù Vụ Bản năm 1942, trở lại Hà Nội đầu năm 1943, Khái Hưng bị quản thúc
nên không thể làm báo như trước, nhưng có lẽ trong thời kỳ này, ông đã dịch Liễu
trai chí dị, và viết truyện cho nhi đồng.
Đến
khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3- 45, hoạt động báo chí dần dần sống lại, trong
số đó có tờ Bình Minh, cơ quan của Đại Việt Tân Thanh Niên, do Nguyễn
Giang (con Nguyễn Văn Vĩnh) làm chủ nhiệm, Khái Hưng làm chủ bút, số 1 ra ngày
20-3-45, đăng những thông tin của báo Domei (Nhật)[18].
Tháng
5-45, Tự Lực văn đoàn ra tờ Ngày Nay kỷ nguyên mới, số 1 (5-5-45) Giám
đốc Nguyễn Tường Bách và trị sự: Nguyễn Trọng Trạc. Khái Hưng rút khỏi tờ Bình
Minh, Phan Huy Đán (bác sĩ Phan Quang Đán) sẽ thay thế làm chủ bút.
Hơn
ba tháng sau:
Ngày
19-8-45, Việt Minh lên nắm chính quyền.
Nhóm
Tự Lực ngừng hoạt động trong hai tháng.
Đến
giữa tháng 10-45, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Tường Bách ra Việt Nam thời
báo, số 1 (22-10-45), do Nguyễn Trọng Trạc, Giám đốc, Trần Khánh Giư, chủ
bút. Việt Nam thời báo ra đến số 20 (14-11-45) thì trở thành nhật báo Việt
Nam, Cơ quan của Việt Nam Quốc Dân Đảng, số 1 (15-11-45). Đây là tờ
báo đối lập đầu tiên, như chúng tôi đã trình bày trong chương Hợp tác và đối
đầu.
Báo
đối lập hồi đó còn có tờ Thiết Thực của Phan Huy Đán, Khái Hưng có cộng
tác, và tờ Hồn Công Giáo của Mai Ngọc Liệu[19], người đi tù ở Lạc Quần, đã viết
bài về Khái Hưng.
Tờ
Việt Nam không đề tên chủ nhiệm, chủ bút, ở dưới cùng trang báo, có hàng
chữ nhỏ: Nhà in Việt Nam, quản lý Hoàng Thúc Gị.
Lúc
đầu, tờ Việt Nam có Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Tường Long, dễ nhận diện
qua những bài chính luận đanh thép ký tên TL hoặc không ký tên, nội dung chống
Pháp hoặc chỉ trích một số quyết định của chính phủ. Nhưng từ tháng 2-1946,
Nguyễn Tường Bách lên làm việc ở Trung ương đảng bộ Quốc Dân Đảng, và Nguyễn
Tường Long bận việc trong chính phủ Liên Hiệp, một số người viết trẻ thay thế.
Tháng
5-46, Khái Hưng cho ra tờ Chính Nghĩa tuần báo, cơ quan khảo cứu và
tranh đấu của V.N.Q.D.Đ, song song với nhật báo Việt Nam. Chính
Nghiã ghi: quản lý Phạm Tất Thắng.
Chính
Nghĩa số 1 ra ngày 20-5-46 và số chót, 28 ra ngày 16-12-46. Chính
Nghiã sẽ là tờ báo cuối cùng của Khái Hưng, nội dung: chính luận, văn
chương và lịch sử.
Toà
soạn Việt Nam và Chính Nghĩa trong đêm đầu chiến dịch Ôn Như Hầu
Khi
Võ Nguyên Giáp phát động chiến dịch Ôn Như Hầu, tờ Chính Nghiã ra được
hai tháng.
Theo
Nguyễn Công Hoan, trong bài Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi
cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến[20], đêm 12-7-46, công an bao vây
số 80 Quan Thánh, Phan Khôi bị bắt.
Trong
bài này, Nguyễn Công Hoan tố cáo sự "phản động" của Phan Khôi, chủ
nhiệm chi bộ Quốc Dân Đảng ở Quảng Ngãi, đã lộ rõ từ tháng 6-46: trong một buổi
mít-tinh ở Quảng Nam, Phan Khôi lên diễn đàn đả kích thậm tệ hiệp định sơ bộ
6-3-46. Đêm 12-7-1946, công an bao vây 80 Quan Thánh, Phan Khôi bị bắt và bị
đưa lên Việt Bắc[21].
Về
việc "tấn công" toà soạn báo Việt Nam và Chính Nghiã, nhiều bài viết
khác nhau và khó tin, kể chuyện hai bên bắn nhau dữ dội, có người kể cả Khái
Hưng cầm súng nữa. Hoàng Văn Đào cũng viết sai như thế.
Duy
chỉ có nhà văn Huy Quang Vũ Đức Vinh[22] trong bài "Từ vụ tấn công
tòa báo Việt Nam 1946, Nhớ về nhà văn Khái Hưng"[23], giọng đặc biệt thành thực, sống
động, ghi lại rất chi tiết vụ "tấn công" này. Bài viết của Huy Quang
không hề nói tới "súng nổ, người chết", hai bên "bắn nhau mấy
tiếng đồng hồ" như một số bài khác. Lúc đó Huy Quang Vũ Đức Vinh cùng bạn
là Việt (tức nhà văn Thanh Nam sau này) là hai thiếu niên 14, 15 tuổi, đến toà
soạn Việt Nam học lớp Quốc gia Thanh niên đoàn của Quốc Dân Đảng do cụ
Hể [Phạm Văn Hể] giảng dạy; tình cờ rơi vào cuộc bao vây tòa báo; sau này ông
thuật lại đầy đủ chi tiết trong một bài rất dài, ở đây xin trích một số ý chính:
"Chiều
hôm đó, sau lớp học thường lệ của cụ Hệ [Hể], Việt và tôi rủ nhau xuống
nhà chữ [nhà in] xem mọi người làm việc (…) Khi chúng tôi tính ra về thì
trời đã sẩm tối. Ngay lúc đó chợt có tiếng chân người dầm dập [rầm rập] từ
phía cổng lớn bên đường hàng Bún chạy vào, rồi cả từ phía cổng nhỏ đường Quan
Thánh nữa. Tiếp theo là tiếng chân chạy lên phía cầu thang và liền sau
đó thì tôi thấy các công an xung phong tiến vào nhà chữ người nào cũng cầm súng
trên tay chiã về phía trước (…). Khoảng một tiểu đội công an xung phong xâm
nhập nhà chữ. Họ bố trí đứng chặn ở cửa chính và các cửa sổ. Các nhân viên
trong nhà chữ lúc đó khoảng hơn mười người đều ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xẩy
ra. Một lúc sau thì toán công an khác áp giải những người của tòa báo từ trên
gác xuống, trong số đó có mấy nhân viên tòa soạn và cả vợ chồng ông Khái Hưng.
Tất cả đều phải giơ tay cao và đi trước mũi súng của công an. Trong số những
người từ trên gác đi xuống tôi còn thấy một người khách lạ, mặc âu phục trắng,
đeo cà-vạt đen. Người này khoảng gần 60 tuổi, vóc dáng cao gầy vẻ mặt quắc
thước và để râu dài chấm ngực. Vị khách lạ đi vào rồi dừng lại bên dàn hộp chữ
cao ở phiá bên trái, còn ông bà Khái Hưng đứng sang phía bên phải gần chỗ đặt
bàn dao cắt giấy. Tổng số người bị dồn vào nhà chữ lên khoảng gần 20 người. Tất
cả đều im lặng. (…)
Chợt
vị khách lạ lên tiếng nói với nhóm công an là cụ giơ tay đã lâu thấy mỏi và
muốn biết cụ có thể bỏ tay xuống được không? Không ai trả lời, nhưng một nhân
viên công an đứng gần cụ bỏ ra ngoài, rồi mấy phút sau viên chỉ huy toán công
an bước vào. Hắn là một thanh nhiên tuổi trạc 30, thân hình rắn chắc khoẻ mạnh,
nét mặt sáng sủa thuộc thành phần có học. Hắn nói với vị khách lạ:
-
Thưa thày Phan Khôi. Con là học trò của thày. Xin thày bỏ tay xuống. Nhưng sao
thày lại ở trong tòa báo này.
Tôi
ngạc nhiên một cách thích thú khi biết vị khách lạ là cụ Phan Khôi (…) Cụ Phan
Khôi từ từ buông tay xuống rồi đáp:
-
Tôi mới ở Trung Bộ ra Hà Nội và hôm nay đến thăm ông Khái Hưng, bạn của tôi.
Chẳng may tôi bị đau bụng diarrhée, nên ông bạn tôi mời ở lại. Ở đây có nhà xí
tốt.
Câu
đáp khiến người nghe có thể cười, nhưng lúc đó trước mũi súng chẳng ai cười,
ngoại trừ ông Khái Hưng. Ông mỉm cười nhẹ nhàng, gật đầu xác nhận lời nói của
cụ Phan Khôi, rồi yêu cầu viên chỉ huy công an cho mọi người bỏ tay xuống với
lý do không ai có vũ khí. Nhưng viên chỉ huy này chỉ đồng ý để thêm bà Khái
Hưng được buông tay mà thôi. Ông Khái Hưng nhìn sang bà vợ ra hiệu chấp nhận
điều đó và bà Khái Hưng bỏ tay xuống (…).
Tất
cả nhân viên tòa báo Việt Nam bị bắt giữ ngày hôm đó được đưa lên hai chiếc xe
loại vận tải kín bưng chờ sẵn ở phiá cổng sau tòa báo (…)
Ngày
hôm sau, tất cả phải trả lời thẩm vấn, rồi trở về phòng giam thêm một đêm nữa
trừ cụ Phan Khôi và những người làm trong nhà chữ, đã được về. Khoảng 2, 3 giờ
chiều hôm sau thì tất cả được lên xe chở về tòa soạn.
Ông
Khái Hưng đẩy cánh cổng mở rộng và tất cả chúng tôi đi thẳng vào nhà chữ. Một
cảnh tượng đồ đạc bề bộn ngổn ngang phơi bầy trước mắt chúng tôi. Các hộp chữ
bị kéo đổ tung toé. Giấy báo bị rỡ tung. Các ngăn kéo đều bị rút ra khỏi bàn.
Nhiều chiếc ghế bị đạp đổ hoặc xô nghiêng. Có những bộ phận máy in bị gỡ xuống
sàn nhà"[24].
Huy
Quang viết rất rõ: số người bị bắt khoảng 20, một nửa là thợ nhà in và một nửa
nhân viên toà báo. Những người thợ sắp chữ được tha trước, cùng với Phan Khôi.
Sau đó cụ Phan được nguời em họ Phan Bôi, là Thứ trưởng Nội vụ, đưa lên Việt
Bắc. Những người làm việc trong tòa báo cũng được tha về. Theo sự mô tả của Huy
Quang, việc "tấn công" tòa báo, cơ quan "đầu não" của Quốc
Dân Đảng, không có gì "sắt máu" như các vụ Ôn Như Hầu khác. Mặc dù đã
xảy ra đêm 12-7-46, đúng là đêm Võ Nguyên Giáp phát động chiến dịch.
Khái
Hưng là trường hợp đặc biệt chăng? Hay Võ Nguyên Giáp không "dám" bắt
Phan Khôi và Khái Hưng, hai cây đại thụ của văn học?
Dù
sao chăng nữa điều này càng khiến chúng ta nghĩ đến cái chết của Khái Hưng sau
đó: có rất ít khả năng do các nhà chính trị hay quân sự gây ra, mà có thể chỉ
là "thành tích" của đồng nghiệp nhà văn.
Báo
Chính Nghiã nghỉ ba tuần sau vụ toà soạn bị "tấn công"
Báo
Chính Nghiã ra tới số 8 (8-7-46), thì bốn ngày sau, toà báo bị bao vây
(12-7-46).
Việc
công an xung phong bao vây tòa soạn Việt Nam, Trần Khánh Triệu chỉ viết vắn
tắt:
"Hội
nghị Đà Lạt tan vỡ, "Cậu Hàng Bè" [Nhất Linh] từ chức bộ
trưởng rồi sang Tàu lần nữa. Các trụ sở Việt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công
an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác
Hể, bác Đoá, Trí, Dị… bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Nam đình bản… Toà báo ngoài
Papa, chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: anh Bảng, Kính, anh Cống, bác
Thắng…"[25]
Trần
Khánh Triệu không có mặt ở nhà hôm tòa báo bị bao vây đêm 12-7-46, vì vậy Huy
Quang Vũ Đức Vinh không nói đến người con trai nuôi của Khái Hưng trong bài
viết. Việc các Các đảng viên cao cấp như bác Hể [Phạm Văn Hể], bác
Đoá [Nguyễn Đình Đoá], Trí [Vũ Đình Trí tức nhà thơ Vũ Hoằng],
Dị… bị đem đi biệt tích, là chuyện có thật, nhưng có lẽ họ không bị bắt ở
toà báo mà ở chỗ khác.
Sau
đó Chính Nghiã nghỉ ba tuần, đến ngày 29-7- 46 mới ra số 9, vẫn giữ nguyên
đường lối cũ. Báo Việt Nam chắc cũng bị ngưng một thời gian, chúng tôi không có
đầy đủ báo Việt Nam sau số 112 (31-3-46) nên không biết rõ việc này.
Tờ
Việt Nam ra đến đầu tháng 12-46 mới ngừng, theo quảng cáo in trên báo Chính
Nghiã và bài xã luận Toàn dân nhất trí (bị sắp chữ nhầm là Quân
dân nhất trí) đăng trên Chính Nghiã số 27 (9-12-46), nói rõ lý do: Bởi vì
dân tộc đang sửa soạn bước sang một trang lịch sử khác: Toàn dân nhất trí đoàn
kết kháng chiến. Bài xã luận quan trọng này do Chàng lẩn thẩn chấp bút.
Vậy Chàng lẩn thẩn là ai?
Chàng
lẩn thẩn là ai?
Nguyễn
Tường Bách rời tờ Việt Nam vào tháng 2-46. Một tháng sau, trên Việt Nam số 95
(12-3-46) xuất hiện mục Chuyện lẩn thẩn, là bài báo đầu tiên ký tên Chàng
lẩn thẩn, một tên tuổi mới. Bài này mở đầu như sau:
"Nước
Pháp tự cho mình là có nền văn minh nhất hoàn cầu. Nước Pháp lại tự thấy mình
không ích kỷ, chẳng lẽ có một nền văn minh cao như thế mà lại cứ bo bo giữ lấy,
hưởng một mình thì nó khỉ khỉ thế nào ấy, nên các nhà cầm quyền Pháp ngứa ngáy
thấy cần phải đem nền văn minh đó reo rắc cho những kẻ man ri biết. Và vì thế
họ đã kéo đại đội văn minh đến giải đất Đông đương mình.
Và
cái văn minh đầu tiên, chúng ta được biết là hoả lực của các pháo đạn, rồi
chúng ta được biết cả những cái rất vô lý như những sự hà hiếp giết tróc.
Cái
văn minh thứ hai là chúng ta có một nước mẹ để mà cung phụng, nếu không thì cái
của cải của ta chắc chả biết dùng để làm gì…"
Với
giọng văn như thế, Chàng lẩn thẩn được độc giả mến mộ ngay từ bài đầu.
Chuyện
lẩn thẩn là một loại phiếm luận chính trị có chủ đề thâm thuý, đôi
khi mượn chuyện này để nói chuyện khác, nhẹ nhàng mà sâu sắc, ví dụ nhân chuyện
ép duyên ở quê ta ngày trước, nói đến đám cưới sơ bộ 9-3 ngày nay, một cuộc gả
bán Pháp Việt ép buộc, sớm muộn rồi cũng tan rã.
Trừ
một số người làm việc trong toà soạn, hầu như tất cả độc giả đều tưởng Chàng
lẩn thẩn là Khái Hưng; tuy văn của Chàng lẩn thẩn không điêu luyện
bằng và nếu thật chú ý thì cũng có chỗ tác giả ỡm ờ ngỏ cho thấy tuổi tác của
mình, thí dụ trong câu này: "Nhân tiện hôm nào ông bạn yêu quý ấy lại
tòa báo chơi để Chàng lẩn thẩn tự giới thiệu, bây giờ xin nói để ông bạn biết
chàng ta mới có hơn hai mươi tuổi và xuốt [suốt] ngày cười"[26]
Mà
dường như Khái Hưng cũng giữ bí mật, cố ý che đậy mọi hiểm nguy cho cây bút trẻ
này.
Mãi
đến khi tôi đọc những hàng sau đây của Trần Khánh Triệu, mọi sự mới rõ ràng:
"Còn
một chuyện chắc ít người được biết là trong thời kỳ đó ngoài việc hoạt động cho
đảng ba tôi dự tính mở tờ Thời Phong, một tờ báo hoàn toàn có tính cách văn
nghệ cùng với một đồng chí trẻ tuổi - anh Bảng (người phụ trách mục
"Chuyện lẩn thẩn" trong tờ Việt nam ký tên Chàng lẩn thẩn- sau
này khi chiến tranh bùng nổ anh bị bắt ở Bắc-ninh)"[27]
Trần
Khánh Triệu đã vô tình cho ta biết gốc gác Chàng lẩn thẩn: "anh Bảng
(người phụ trách mục "Chuyện lẩn thẩn" trong tờ Việt nam ký tên Chàng
lẩn thẩn- sau này khi chiến tranh bùng nổ anh bị bắt ở
Bắc-ninh".
Vậy
sự che đậy của Khái Hưng cũng vô ích, Chàng lẩn thẩn vẫn bị nhận diện và
bị bắt, có thể cùng lúc với Khái Hưng.
Theo
lời Nguyễn Thạch Kiên, trong toà soạn, lúc đó còn có: Hồ Lễ, Vũ Đình Trí (tức
Vũ Hoằng tác giả tập thơ Hoàng Diệu, in năm 1943), Phù Bình Thảo (Nguyễn Văn
Bảng), Đỗ Tốn, Trình Quốc Cang, Nhượng Tống, v.v.[28]
Vậy
Chàng lẩn thẩn tên thật là anh Bảng, tức Nguyễn Văn Bảng. Và Nguyễn Văn
Bảng còn có bút hiệu khác là Phù Bình Thảo, người viết túy bút và làm những bài
thơ ái quốc trên báo Chính Nghiã, và là bạn đồng hành của Đỗ Tốn trong chuyến
sang Tàu, bởi vì Phù Bình Thảo có làm bài thơ Bằng hữu ca tặng Đỗ Tốn,
nhắc lại những ngày cùng nhau phiêu bạt.
Chàng
lẩn thẩn (Nguyễn Văn Bảng) còn là người cộng sự tin cẩn nhất của
Khái Hưng, như lời Khánh Triệu:
"Dù
trong một thời gian tình hình gay go đến như vậy ba tôi vẫn cùng anh Bảng say
sưa hoạch định tương lai cho tờ báo. Hai người mướn một toà nhà ở phố
Thái phiên (Chợ Hôm), mời cụ Phan Khôi, ông Tô Ngọc Vân lại bàn soạn. Qua câu
chuyện của các người lớn đó (lẽ tất nhiên tôi chỉ được nghe lỏm) thì tờ báo sẽ
ra mắt độc giả vào khoảng tháng Giêng, 1947. Tiếc thay dự định ấy chẳng bao giờ
thành được" [29].
Tờ
báo được Khái Hưng và Chàng lẩn thẩn, một nhân tài mới ngoài hai mươi tuổi,
"say sưa hoạch định" là tờ Thời Phong, thuần túy văn nghệ, sẽ
ra đời sau khi hai tờ báo đấu tranh Việt Nam và Chính Nghiã đóng
cửa.
Tóm
lại, Thời Phong đã được lên kế hoạch từ tháng 7-46, khi Phan Khôi ra Hà
Nội ở nhà Khái Hưng, trước khi ông bị bắt ngày 12-7- 46, tại toà soạn và bị dẫn
độ lên Việt Bắc.
Báo
Chính Nghiã số 28 (16-12-46), số chót, quảng cáo: "Thời Phong, tuần
báo, văn chương, mỹ thuật, xã hội và không chính trị sẽ ra mắt Quốc dân
vào đầu năm 1947", ba chữ "không chính trị" in đậm và trang
báo kế tiếp quảng cáo Nhà in và nhà xuất bản Quan Thánh, 80 đường Quan
Thánh.
Như
thế, Khái Hưng đã sắp đặt rõ ràng việc dứt khoát với quá khứ chính trị: Báo Thời
Phong sẽ ở địa chỉ Thái Phiên và số 80 Quan Thánh trở thành nhà in và nhà
xuất bản.
Việc
đình bản tờ Việt Nam, Khái Hưng giao cho Chàng lẩn thẩn viết bài công bố
lý do trên báo Chính Nghiã số 27 (9-12-46): Bài xã luận Toàn dân nhất trí
(bị sắp chữ lầm là Quân dân nhất trí) giải thích tại sao có sự chia rẽ
đảng phái: là vì hai luồng tư tưởng "quốc gia cần phải giữ" và
"quốc tế cần noi theo" xung đột lẫn nhau, và cũng cần có
tiếng nói ngược chiều để chính phủ nhìn thấy những gì cần thay đổi. Nhưng nay
tình thế đã đến lúc nghiêm trọng, ý nói Pháp đã xâm lược và chính phủ đã quyết
định chống lại, hợp với ý nguyện của toàn dân:
"Từ
trước đến sau chúng tôi chỉ một lòng mong mỏi ở nền độc lập hoàn toàn cho tổ
quốc, chúng tôi không được rõ thái độ của chính phủ, chúng tôi công kích chỉ để
làm cho lòng dân hăng hái và luôn luôn nghĩ đến tổ quốc. Ngày Nay trong giai
đoạn nghiêm trọng, chính phủ và toàn dân đều nhất trí trên con đường tranh đấu,
đó là nguyện vọng của chúng tôi, và chúng tôi không còn mong ước điều gì hơn.
Vì vậy, tờ báo Việt Nam đã đạt được mục đích của nó là "làm cho hành động
của chính phủ hợp với ý muốn của toàn dân" mục đích đã đạt được thì sự
đình bản của nó rất là hợp lý." (Chính Nghiã số 27, 9-12-46).
Đó
là lý do khiến Khái Hưng đình bản tờ Việt Nam.
Báo
Chính Nghiã
Ban
biên tập báo Chính Nghiã, ngoài Khái Hưng và Nhượng Tống, còn có những người
viết rất trẻ, như Hồ Lễ, Đỗ Tốn, Chàng lẩn thẩn (Phù Bình Thảo) là những thanh
nhiên vừa trốn sang Tàu, sống sót trở về, họ mới ngoài hai mươi tuổi, cùng vài
cán bộ cao cấp như Vũ Đình Trí tức nhà thơ Vũ Hoằng (tuyên huấn), Nguyễn Xuân
Tùng (tổ chức)… và một số người thường xuyên có mặt tại toà soạn như Nguyễn
Mộng Công, Phạm Văn Hể (trị lý), Nguyển Đình Đoá (giao tế).
Trần
Khánh Triệu cho biết, dần dần bác Hể, bác Đoá, Trí, Dị… bị đem đi biệt tích
và Toà báo ngoài Papa, chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: anh Bảng,
Kính, anh Công, bác Thắng…"[30]
Mặc
dù số người viết rụng dần, nhưng dường như Khái Hung vẫn bình chân như vại
trước mọi biến cố. Trong mục Người và việc trên Chính Nghiã số 16
(16-9-46), Khái Hưng vẫn nhẩn nha đọc Chùa đàn của Nguyễn Tuân, đưa ra
những lời khen ngợi tinh tế, kèm những lời phê bình không kém sắc bén, về cái
nền văn học đang biến sang tuyên truyền "bài phong đả thực" mà ông
gọi là "trụy lạc" này:
"Nhân
vật trong truyện rất ngông rất đẹp và hoạt động và sống như những nhân vật của
Bồ Tùng Linh. Đoản thiên ấy, tuy chỉ là một đoản thiên, cũng an ủi làng văn
chúng ta được đôi chút trong cái thời sáng tác trụy lạc này.
Nhưng,
chừng ông Nguyễn Tuân nhút nhát của chúng ta vẫn còn sợ cái "trụy
lạc" ấy nó quật lại, sợ cái phong trào bài phong kiến nó "chà
đạp" nên ông ta mới đi thêm vào đoản thiên của ông ta hai đoạn không thể
vô vị hơn được: đoạn "dựng" và đoạn "mưỡu cuối". Đó là hai
viên đường trong chén trà "trảm mã" đấy ông Tuân ạ, ông đã nhận rõ
chưa?"
Những
lời cảnh báo này, Nguyễn Tuân không nghe, cho nên về sau mới có Hà Nội ta
đánh Mỹ giỏi.
Hai
tuần sau, trên Chính Nghiã số 18 (30-9-46), vẫn trong mục Người và việc,
nhân ngày giỗ Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng cho biết ông vẫn thân với Vũ Trọng
Phọng, rồi miên man ông nói đến cách cụ Hồ viết báo và ta lại ngạc nhiên lần
nữa, khi đọc những dòng này:
"Thời
xưa trước khi đem một vở kịch vui lên sân khấu, Molière thường diễn thử trước
cho vú già của mình nghe. Hễ vú già không cười là nhà soạn kịch bỏ đi viết lại
liền.
Thời
nay, theo báo "Ici Paris", Hồ Chủ tịch ngày còn viết xã thuyết cho
báo Cứu Quốc, trước khi đưa bài cho nhà in, bao giờ cũng đem đọc cho một đám
người không biết chữ, những ông già và đàn bà cùng nghe. Nếu ông thấy thính giả
ra lối chưa hiểu mấy những ý tưởng trong bài, thì lập tức ông xé đi để viết lại
bài khác.
Những
trí thức giản dị lớn lao thường gặp nhau, dù ở trên sân khấu hay ở trên đàn dư
luận".
Tháng
10-46, Hội nghị Fontainebleau thất bại. Pháp không chấp nhận Việt Nam độc lập.
Chiến tranh khó tránh khỏi, Chính Nghiã số 19 (7-10-46), mục Người và việc
đăng tin Phái đoàn Việt Nam về nước:
"Phái
đoàn Việt Nam cất cánh sang Pháp hôm 30-6-1946 đã vượt trùng dương trở về tới
nước nhà hôm 2-10-1946.
Được
bình yên vô sự.
Và
được đồng bào nhiệt liệt hoan hô."
Tiếp
đó là tin Hồ Chủ tịch sẽ về sau:
"Cùng
đi với phái đoàn, Hồ Chủ tịch, thượng khách của nước Pháp, sẽ về tới nước nhà
vào hôm 15 tháng này. Khác với phái đoàn đi tầu buôn, cụ đi tầu chiến".
Câu
này vang lên như một điềm chẳng lành.
Tháng
12-1946, chiến tranh đến. Mọi người đều sẵn sàng.
Tại
nhà Hát Lớn, kịch Lôi Vũ của Tào Ngu do ban Hoa Lan trình diễn, thành công mỹ
mãn, Giới Tử viết bài "Nhân đi xem Lôi Vũ, sự ngạc nhiên của đàn giơi ở
nhà Hát Lớn" với những nhận xét lạ lùng về một điềm gở: con giơi phóng
viên xuất hiện trên vòm nhà Hát lớn như nghe ngóng, nhà hát không còn một ghế
trống, chứng tỏ sự thành công của vở kịch "giữa lúc mà mùi thuốc súng
sặc trong không khí, giữa lúc mà trên các ngả đường ngoại ô, người ta tản cư
trên tất cả các thứ xe, kể cả xe bò".
Bản
Tin tức hàng tuần, trên báo Chính Nghiã, số 28, có hai tin đáng chú ý:
Nguyễn
Tường Tam rời Côn Minh đi Nam Kinh ngày 30-11-1946. Sau ta sẽ
biết: ông đi Nam Kinh để lập Mắt trận Quốc gia chống Pháp.
Và
tin Hà Nội:
"Quân
lính Pháp vẫn khiêu khích. Họ vào nhà Thông tin tuyên truyền xé sách báo và
viết bậy, họ cướp 29 con bò của một người Việt Nam trên cầu Long Biên. Đêm
10-12-46, lính Pháp quấy nhiễu khu hàng Bún, và đêm 12-12 chúng bắn súng ở khu
hàng Đậu, hàng Giấy.
Hồ
chủ tịch đã tuyên bố cùng phái viên báo Paris Sài gòn: Nước Việt Nam không muốn
là nơi chôn vùi bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh người ta muốn chúng
tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Đồng bào tôi và tôi, thành thực muốn hoà
bình."
Bản
hiệp định sơ bộ đã bị xé.
Tinh
thần báo Chính Nghiã
Tờ
báo chỉ sống được nửa năm, nhưng nó đã làm một nhiệm vụ lịch sử đặc biệt.
Nhượng
Tống
khắc tạc chân dung hơn 20 vị liệt sĩ: Ký Con, Song Khê (Xứ Nhu),
Phạm Hồng Thái, Cụ Lê Cần, Hồ Văn Mịch, Mộng Tiên, Phó Đức Chính, Trần Quang
Riệu, Bà Chánh Toại, Bà Ký Tường, Nguyễn V. Nho, Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Văn
Viên, Nguyễn Bá Tâm, Lê Hữu Cảnh, Tô Thúc Dị, Hải Kình, Ngô Hải Hoàng, Nguyễn
V. Viển, Đội Lãng, Cụ Mai, Cao Thắng, Thủ Khoa Nghiã, Phạm Văn
Nghị[31]. Những chân dung này ghi lại thời
điểm chống Pháp can trường và tuyệt vọng của những người yêu nước chân thực,
một số không ai biết đến, nếu không có những dòng chữ của Nhượng Tống.
Điểm
đáng kể thứ nhì là những bài thơ ái quốc của các nhà thơ: Vũ Hoằng, Phù Bình
Thảo, Phàm Cang, Nam Dân, Thanh Trúc. Sự hiện diện của những bài thơ hùng tráng
luôn luôn có sức tuyên truyền mạnh mẽ trong lúc "tổ quốc lâm nguy".
Phù
Bình Thảo tức Chàng lẩn thẩn chuyên viết phiếm luận trên báo
Việt Nam, còn viết tùy bút, xã luận và làm thơ trên Chính Nghiã. Thơ ông có
những bài: Tịch mịch, Tử sĩ ca, Bằng hữu ca (Tặng Đỗ Tốn) và Thăm
viếng.[32] Chàng lẩn thẩn bị bắt cùng
thời điểm với Khái Hưng.
Vũ
Hoằng viết chính luận và là nhà thơ có tay nghề, thơ ông giọng
hùng tráng, bi ai, nổi trội nhất lúc bấy giờ, ông có bốn bài đăng trên Chính
Nghiã: Qua bãi chiến trường, Đứng dậy, Bạn có thấy! Bạch
Đằng.[33] Sau bài Bạch Đằng, ông
bị biệt tích, trong tháng 9 năm 46.
Phàm
Cang
nối tiếp, làm bốn bài thơ: Tối bãi điêu tàn, Quán cổ bên đường, Vườn
xưa, Rõi miền biên ải,[34] Phàm Cang cũng chỉ làm bốn bài thơ,
đến số 23 (11-11-46) biến mất.
Nam
Dân là người cuối cùng, tiếp tục làm thơ từ
số 24 (18-11-46) đến số 28 (16-12-46), có ba bài của Nam Dân: Chiêu hồn
nghiã sĩ, Thu cảm, Cách mạng hành, và một bài của Thanh Trúc: Tiếng
hát chinh phu[35]
Điểm
kỳ lạ ở các nhà thơ này là họ nối tiếp nhau, như thể một người biến mất thì
người khác lên thay. Nhưng làm thơ có dễ thế đâu, vậy mà họ làm được, làm hay.
Thơ họ cùng một chủ đề: tịch mịch, sa trường, hồn tử sĩ, biên ải… Sau cùng, chỉ
một mình Phù Bình Thảo còn ở lại với Khái Hưng đến ngày cuối, những nhà thơ kia
đều đã ra đi. Rồi họ có gặp lại nhau chăng?
Những
tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng
Khái
Hưng không bao giờ ngừng viết, dù trong những lúc khó khăn như thời kỳ ở trại
Lạc Quần. Và ở đâu cũng có những người quý mến ông, dù họ là công an có nhiệm
vụ quản thúc, như lời Mai Ngọc Liệu, "anh Thân" đã cung cấp giấy
trắng cho Khái Hưng ra bờ sông Ninh Cơ viết. Không biết những tờ văn ấy, giờ
lưu lạc nơi nào?
Nhà
văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2008) "là người có cái may mắn duy nhất còn
giữ được một số văn phẩm cuối cùng của Khái Hưng mà V.N.Q.D.Đ. Thị Bộ Hà Nội đã
ưu ái gửi trao"[36] ông đã cho in lại ở Sài Gòn thành
tập truyện ngắn Lời nguyền, gồm truyện Tây xông nhà, đăng trên
báo Việt Nam và các tác phẩm in trên báo Chính Nghiã. Sau này, khi sang Mỹ, ông
tập hợp tất cả với Hồn bướm mơ tiên, trong tập sách Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng (trừ kịch Đoàn kết, sau này được Viên Linh in
trên Khởi Hành). Ông cho biết:
"Chúng
tôi có một may mắn không ngờ là ngay từ năm 1945-1946, và sau ngày toàn quốc
khói lửa, tôi vẫn còn được "quản lý" một số tài liệu quý, có cả bài
Khái Hưng viết. Tôi còn được biết thêm là ngay từ hồi đó, Khái Hưng đã dịch
xong toàn bộ cuốn Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh và đã cho một thân hữu
mượn." [37]
Theo
lời Mai Ngọc Liệu, trong trại Lạc Quần, Khái Hưng thường kể chuyện Liêu trai.
Và tinh thần liêu trai phảng phất ở một số truyện ngắn sau này, chứng tỏ trong
thời điểm bị giam ở Vụ Bản hay bị quản thúc ở Hà Nội, những năm 1942-44, Khái
Hưng không chỉ viết truyện cho thiếu nhi mà ông còn dịch toàn bộ Liêu Trai
Chí Dị. Nguyễn Thạch Kiên không muốn nói rõ tên người giữ bộ sách quý này,
nhưng ông biết là ai.
Vậy,
những tác phẩm sau cùng đã in, của Khái Hưng, gồm có:
-
Trên báo Việt Nam: truyện ngắn Tây xông nhà[38]
-
Trên báo Chính Nghiã: bốn vở kịch và tám truyện ngắn:
Kịch:
Đoàn Kết! Dưới ánh trăng, Câu chuyện văn chương và Khúc tiêu
ai oán.
Truyện
ngắn: Người anh hùng, Nhung, Lời nguyền, Bóng giai
nhân, Khói hương, Quan Công sứ, Hổ, và Tiếng người
xa[39]
Trung
thành với nghệ thuật của mình, Khái Hưng, trong chín truyện ngắn sau cùng:
Tây xông nhà, Người anh hùng, Nhung, Lời nguyền, Bóng giai
nhân, Khói hương, Quan Công sứ, Hổ và Tiếng người
xa, vẫn giữ nguyên phong độ ngày trước. Tây xông nhà, viết về thời
kỳ 1930, cách mạng Nguyễn Thái Học. Tám truyện ngắn sau viết về thời kỳ Vụ Bản.
Khái Hưng luôn luôn ghi lại dấu ấn những nơi mình đã sống, những hoàn cảnh mình
đã trải qua. Vụ Bản là nơi ông để lại dấu ấn sau cùng, qua những chân dung nhân
vật, người Việt, người Mường, người Pháp, những cảnh núi đồi hùng vĩ bí mật,
không khí liêu trai, và lối sống, tín ngưỡng Mường. Ngòi bút đoản thiên của
ông, từ tác phẩm đầu tiên, năm 1932, đã mở đường cho truyện ngắn hiện đại Việt
Nam, bây giờ ông đi đoạn hậu, trong giai đoạn khó khăn, mà sáng tác thuần tuý
đã bị bỏ rơi để nhường chỗ cho tuyên truyền phi nghệ thuật. Ông còn muốn tạo
ngọn gió mới Thời phong, khi Tự Lực văn đoàn đã tan rã.
Những
truyện ngắn cuối cùng của ông, một số rất nhẹ nhàng, viết tự nhiên như ăn và
thở, như Bóng giai nhân, người đẹp ở sàn lim số 18 đã làm
"rung động" bao nhiêu "anh em cách mạng" Hoả Lò: "Sàn
lim mười tám" là một người bé nhỏ, xinh xắn; đôi mắt sáng với cặp môi tươi
trong khuôn mặt trái soan, nước da nhỏ mịn tuy rám nắng…" Nhưng không
phải vì sắc đẹp của nàng mà "anh em" chạy quanh sàn lim mười tám, mà
vì đôi hàng "tiểu sử": nàng đã từng trốn thoát, những ba lần, lần nào
cũng can trường tiếp tục, thay hình đổi dạng, khi là nữ sinh, khi giả trai, khi
nhuộm răng cánh kiến… Giai nhân chỉ ở lại sàn lim có một đêm, sáng sau nàng bị
cùm tay dẫn đi nơi khác, nhưng bóng nàng đã thoáng qua nơi giam cầm như chút
ánh nắng tươi hé ra giữa khoảng trời mây đen đặc". Khái Hưng chính là
ánh nắng ấy, trong đêm đen trời Việt.
Quan
công sứ, một hình ảnh đặc biệt của Vụ Bản: là một Cụ lớn tây lai có
cái thú kiểm duyệt thư tù, đọc xong ghi vào chữ "lu" [đã
duyệt], dưới ký tên và chức vụ "Công sứ nước Pháp tại Hoà Bình",
đôi khi kèm theo một lời bình rất hóm. Tù nhân quen được đọc những lời phê hóm
hỉnh của công sứ, khi ông ta bị đổi đi chỗ khác, người tù như thiếu vắng một
người bạn, một nguồn vui. Con ma thuốc phiện trong truyện Khói hương là
một thứ ma hoạt kê, thần kỳ, liêu trai kiểu Mường, lạ lùng, hài hước và thâm
thúy. Tiếng người xa truyện người vợ, chồng làm cách mệnh phải trốn đi
xa, một hôm nàng nghe đài Cựu Kim Sơn, giờ phát thanh tiếng Việt, thấy giọng
chàng. Nàng bán tất cả nữ trang, mua cái máy bắt sóng, để nghe tiếng nói mà
nàng chắc chắn của chồng. Nàng sống một đời khác, từ đó, không cô đơn, cô độc.
Tây
xông nhà là một tự truyện, viết về một kỷ niệm
lạ lùng của tác giả: ông được Tây đến "xông nhà" tối mùng một Tết
Canh Ngọ, tức là tối 30-1-1930. Mà như ta đã biết, Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết
định Tổng khởi nghiã ngày 10-2-1930. Người Tây ấy là một người Áo, can
án tử hình trốn sang Pháp, đăng lính Lê dương. Rồi hắn sang ta, làm quan Đại,
tức Quan Đại Lý Ninh Giang, tiếng Pháp là Monsieur le Delégué, đích thực hắn là
Xếp Pô-lít, nhưng ai vô phúc không biết, gọi thẳng chức thật của hắn thì phải
biết. Hắn đến nhà Khái Hưng truy lùng tên C. trưởng ban ám sát của cái đảng mà
chủ nhà "rất quen thuộc". Chỉ với cốt truyện nhẹ nhàng như thế, nhưng
Khái Hưng đã tạo nên bầu không khi nghẹt thở, khi một người dân, dù là con quan
tổng đốc, dù không thiếu lời lẽ cứng cỏi để ứng đáp với Tây, vẫn bị một kẻ cựu
sát nhân, cùng quê với Hitler, đến khám nhà, không trát tòa. Ở đây Khái Hưng
dùng thứ ngôn ngữ nhiều tầng mà ông sở trường, để tố cáo tội ác: chỉ một chữ Áo
đủ gây cảm giác Hitler, hai chữ quan Đại, đủ tỏ mật độ giao lưu giữa
thực dân và phong kiến. Nếu ở Hồn bướm mơ tiên, Khái Hưng dùng thứ ngôn
ngữ tẩm văn hoá thì ở Tây xông nhà, ông dùng thứ ngôn ngữ ẩn ngụ tội ác
và độc tài.
Lời
nguyền là một kiệt tác, kết hợp ba yếu tố: thực dân, phong kiến,
liêu trai, trong một lời nguyền thuần Việt. Đầu tiên hết, Khái Hưng vào truyện
bằng sự ngạo nghễ, ngự trị trên đỉnh đồi:
"Đồ
sộ, chót vót trên đỉnh đồi cao, đồn Vụ Bản hách dịch nhìn xuống con đường đá
nối Nho Quan với Hoà Bình. Trên một quả đồi đối diện và thấp hơn, khu trại giam
chính trị phạm náu mình trong hàng dậu đầy nứa nhọn và hai hàng cọc chăng giây
thép gai."
Rồi:
"Xa xa về phiá tây nam, dẫy núi Hoành Sơn sừng sững như một bức thành
kiên cố đứng ngăn. Buổi sáng nó chìm biến vào trong sương dầy trắng đục, buổi
chiều nó lờ mờ trong sương lam bốc lên như khói. Buổi trưa nó lấp lánh ném ánh
bạc của những cây ngân diệp mọc bên sườn".
Hai
khung cảnh sừng sững đối đầu: Một bên là đồi Vụ Bản ngạo nghễ châm đầy cọc nứa
và dây thép gai. Một bên là dãy Hoành Sơn, huyền ảo, bí mật, ngăn chặn. Tất cả
nằm trong không gian Mường, u uất, thần bí, liên hệ tới một lời nguyền.
Bây
giờ đến con người: Đồn Vụ Bản được "kiến thiết theo chương trình thống
trị", có một vị quản đồn là ông Tăng trấn giữ. Ông quản Tăng ăn
như Tây, ở như Tây, tay cẩm roi da quay tít như Tây, có chó Tây kếch sù hầu
cận. Lên phố ông mặc trào phục với hàng huy chương rực rỡ trên ngực. Ông
quản trở thành quan Quản, rồi chẳng bao lâu, Cụ Lớn. Cụ Lớn hét ra lửa, thủa
mới về nhậm chức mới hơn hai tháng đã cưới cô nàng hầu người Kinh con một
thương gia giàu có trên phố chợ, rồi sáu tháng sau, kén luôn một lúc hai cô
nàng hầu người Mường.
Bỗng
một hôm, có một cụ già và một thiếu phụ quê mùa, hỏi đường qua sông, lên đồn,
xin gặp ông quản. Bị lính chặn lại, hạch hỏi: bà con thế nào với quan. Ông cụ
lúng túng, người đàn bà đỡ lời:
"Thưa
ông cụ… sinh ra quan. Còn tôi là vợ… quan".
Đúng
lúc ấy, cụ lớn đứng trong sân ngó ra, thấy hai cha con người nhà quê, cụ lớn
quát:
-
Đuổi cổ chúng nó ra!
Người
lính không dám phân trần. Người cha, người vợ, chỉ kịp kêu lên hai tiếng: Tăng!
Anh Tăng! Thì bị đẩy ra ngoài, cổng đóng sập lại.
Ông
già lỡ khoe với người lái đò đưa mình qua sông là bố thằng Tăng, ông không thể
trở lại đường cũ, ông chọn lối khác với một lời nguyền…
"Từ
đó lời nguyền vẫn thiêng. Những người cha, người vợ lên đây thăm con, thăm
chồng, khi trở về đều ốm nặng rồi chết".
Chưa
có lời nguyền nào độc địa như thế. Bởi đây không chỉ là lời nguyền của
người cha mất con, mà của cả một dân tộc bị mất linh hồn. Cái chết trầm mình
của ông già với lời thề độc bên sông, có nghiã là từ nay đứa nào có con theo
Tây, thì sẽ chết như thế, và từ trước đến nay, Khái Hưng cũng chưa viết
truyện ngắn nào đạt độ kinh hoàng và bi đát đến thế.
Kịch
Đoàn Kết
Tháng
6 năm 1946, cuộc nội chiến bùng nổ giữa Việt Quốc và Việt Minh, Khái Hưng chủ
trương hòa giải dân tộc ngay từ những số Chính Nghiã đầu tiên, ông viết hài
kịch Đoàn kết, in trên Chính Nghiã từ số 2, phác họa tình cảnh hài hước
của Hà Nội, trong cuộc đảng tranh, xuyên qua một gia đình, anh em một nhà chia
làm hai phe: một bên theo Việt Minh một bên theo Quốc Dân Đảng, coi nhau như
quân thù, gọi nhau là Việt gian, cả ngày hội hè, khẩu hiệu, xuống đường lùng
bắt kẻ địch. Tất cả Hà Nội rần rần trong lời hô, tiếng súng, bắn nhau, trước
khi bắn quân thù. Hai chữ đoàn kết, mà cả hai bên đưa ra làm khẩu hiệu,
không còn giá trị gì, như lời Minh nói với Chính: "Đoàn kết! Đoàn kết!
Người ta chơi chữ đấy mà anh không hiểu. Đoàn kết nghiã là kết đoàn, kết đoàn
để bắt lẫn nhau."
Hai
chữ Việt gian trở thành miệng lưỡi, ai cũng có thể là Việt gian,
như lời Chính: "Không là Việt gian thì sao cùng là người Việt Nam lại
đi bắn nhau. Giết lẫn nhau?"
Chính:
"Họ ghét nhau như quân thù". Minh: "Hơn quân
thù chứ! Chính: "Nhưng có khi họ cùng trong một họ, cùng một
gia đình…". Minh: "Ít ra họ cũng ở trong cùng
một quốc gia, cùng một dân tộc."
Khái
Hưng mô tả sự loạn thần của một xã hội lấy căm thù làm lẽ sống.
Trong
không khí ấy, với đời sống ấy, không thể xây dựng được một cái gì: Thơ, văn,
tiểu thuyết, hết thời rồi chỉ có chủ nghiã là bán chạy và cái dễ bán nhất
và được coi là "trí thức" nhất, chính là "chủ nghiã". Khái
Hưng trình diện bộ mặt trái của Hà Thành 1946, không son phấn, một Hà Thành
rởm, với những kẻ tự cho mình yêu nước hơn người, yêu nước theo phong trào,
theo chủ nghiã, yêu nước theo mốt mới.
Tiếp
đó trên Chính Nghiã số 9 (29-7-46) Khái Hưng cho in Dưới ánh trăng, bi
kịch một hồi, giữa hai thanh niên, Khoa: Quốc Dân Quân (Quốc dân Đảng) 30 tuổi
và Thức, Vệ Quốc Quân (Việt Minh), 20 tuổi; họ gặp nhau quá muộn trên chiến
trường, trước khi chết.
Khúc
tiêu ai oán
Tiếng
tiêu ai oán, là tác phẩm lớn sau cùng của Khái
Hưng, dựng lại chuyện Ngũ Tử Tư: vì can trường theo đuổi lý tưởng cao đẹp báo
thù cha, mà được vinh danh muôn thủa.
Thời
Đông Chu (hồi thứ 71 đến 76 trong truyện Đông Chu liệt quốc), Sở Bình
Vương hoang dâm vô độ, bị thái sư Ngũ Sa ngăn cản, liền bắt giam thái sư và gài
bẫy cho hai con là Ngũ Tử Tư tức Ngũ Viên và và anh là Ngũ Thượng về triều để
giết luôn cả ba. Chỉ Ngũ Thượng chịu về chết với cha. Ngũ Tử Tư trốn thoát sang
Ngô, phò Công Tử Quang lên ngôi là Ngô Vương Hạp Lư và dẫn quân Ngô về giày xéo
nước Sở, báo thù cho cha và anh. Trên đường đi Ngũ Tử Tư được nhiều ân nhân cứu
độ, nhưng y đã lấy sự nghi ngờ buộc họ tự tử để giữ tròn bí mật.
Chí
báo thù của Ngũ Tử Tư được Tư Mã Thiên và cả thiên hạ cổ kim hết sức ca ngợi.
Nhưng
Khái Hưng đưa ra một cái nhìn khác hẳn.
Trong
Khúc tiêu ai oán Khái Hưng trình bày hình thức sáng tác tuyệt mới, có
tính cách đa âm, đa nghiã, qua những "lời bàn" khác hẳn quan điểm
chính thống của Tư Mã Thiên và cả loài người. Đó là những hành động và lời nói
của Đông Cao Công, của ngư phủ, của người con gái giặt sa, của Sở Bình Vương,
của Ngũ Thượng, của Ngũ Sa và của Trịnh Nữ. Bảy "lời bình" khác nhau,
về chuyện Ngũ Tử Tư, qua hành động và quan niệm về chữ nhân và lòng ái quốc.
Một cái nhìn đa diện về chân dung người anh hùng biến y trở thành kẻ vô
nhân, phản quốc.
Khái
Hưng lột trần chính nghiã của hai chữ "báo thù": để thực hiện giấc
mộng báo thù cha của mình, Ngũ Tử Tư đã trải qua bao lần sát nhân, phản
bội?
Kịch
Tiếng tiêu ai oán ra đời cuối năm 46 trong hoàn cảnh nhiễu nhương toàn
diện, trong cuộc đảng tranh một mất một còn, hai bên đều lấy "căm thù"
làm chính nghiã. Tác phẩm là chúc thư của Khái Hưng, chúc thư rỏ máu, nhắn nhủ
dân tộc từ nay phải chôn vùi hai chữ căm thù.
(Còn
tiếp)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Ba tôi, ít kỷ niệm với Khái Hưng, in trên tuần báo Mới số 84, 85
và 86 (tháng 6-7 năm 1954).
[2]
Ba tôi, in trên báo Văn số 22, ra ngày 15-11-1964, số tưởng niệm Khái
Hưng.
[3]
Papa toà báo, in trên Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng (tháng
12-1997). Sau in lại trong sách Nhất Linh người nghệ sĩ-người chiến
sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004.
[4]
Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22 (15-11-1964) Tưởng niệm Khái Hưng,
trang 19-20.
[5]
Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22 (15-11-1964), trang 20-21.
[6]
Pardessus de ville là áo choàng ngoài, phiên âm là ba-đờ-xuy,
còn gọi là áo măng-tô đàn ông.
[7]
Lưu Ngọc Văn, tác giả hai tập sách hát trẻ em do nhà Đời Nay xuất bản trong
loại sách hồng vào khoảng 1940-41, chú thích của tác giả.
[8]
Mai Ngọc Liệu, Đợi tết trong tù, in trong Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, tập 2, trang 853-854.
[9]
Mai Ngọc Liệu, Đợi tết trong tù, in trong Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, tập 2, trang 856-857.
[10]
Bản in trên báo Văn có chữ muốn, bản in trên sách Khái Hưng, Kỷ
vật… bỏ chữ muốn, có lẽ vì biên tập không biết việc người nhà đến
thăm, nhưng không được vào trại, như lời Trần Khánh Triệu. Điều này chứng tỏ
Mai Chi viết đúng cả.
[11]
Mai Ngọc Liệu, Đợi tết trong tù, in trong Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, tập 2, trang 857-860.
[12]
Mai Ngọc Liệu, Đợi tết trong tù, in trong Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, tập 2, trang 860-861.
[13]
Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22 (15-11-1964) số tưởng niệm Khái
Hưng, trang 17-23.
[14]
Bài này in trên mạng: tongocthao.Wordpress.com ngày 17-9-2013.
[15]
Đó là bài phiếm luận Cuộc đàm phán giữa Thích Ca và Karl Marx hay là ba lần
giác ngộ sau chót của Thích Ca, đăng trên Chính Nghiã từ số 2 (27-5-46) đến
số 4 (10-6-46).
[16]
Hồ Hữu Tường, Gửi Mõ Làng Văn về Khái Hưng, Văn số 22, trang 47-49.
[17]
Hồ Hữu Tường, Gửi Mõ Làng Văn về Khái Hưng, Văn số 22, trang 49.
[18]
Theo thông tin của Aki Tanaka gửi cho tôi ngày 3-9-2020.
[19]
Theo Phạm Ngọc Lũy, Vụ thủ tiêu Khái Hưng, in trong Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, tập 2, t. 878.
[20]
Nguyễn Công Hoan, Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời
kỳ toàn quốc kháng chiến, Văn Nghệ số đặc biệt thứ 2 chống Nhân Văn Giai
Phẩm, số 12 (5-1958).
[21]
Theo Nguyễn Công Hoan, Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến
thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Văn Nghệ số đặc biệt thứ 2 chống Nhân Văn
Giai Phẩm, số 12 (5-1958).
[22]
Huy Quang Vũ Đức Vinh (1931-2005), nhà văn quân đội, sáng lập tạp chí Đất Mới,
một trong những tạp chí văn nghệ đầu tiên tại hải ngoài từ tháng 7-1975, Thanh
Nam (chồng Tuý Hồng) làm chủ bút, tại Seattle, Hoa Kỳ.
[23]
Huy Quang Vũ Đức Vinh, Từ vụ tấn công báo Việt Nam 1946, Nhớ về nhà văn Khái
Hưng in trong Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 1,
do Nguyễn Thạch Kiên sưu tầm và biên soạn, Nxb Phượng Hoàng, California, 1998,
trang 315-341.
[24]
Huy
Quang Vũ Đức Vinh, Từ vụ tấn công báo Việt Nam 1946, Nhớ về nhà văn Khái
Hưng, in trong Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 1,
do Nguyễn Thạch Kiên sưu tầm và biên soạn, nxb Phượng Hoàng, California, 1998,
trang 325-336.
[25]
Trần Khánh Triệu, Papa nhà báo, in trong Nhất Linh người nghệ
sĩ-người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004, trang 170.
[26]
Chàng lẩn thẩn, Việt Nam số 153 (21-5-46).
[27]
Trần Khánh Triệu, Ba tôi, báo Văn số 22, trang 18.
[28]
Nguyễn Thạch Kiên, Khúc Nhạc dạo… in trong Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, tập 2, t. 691-692.
[29]
Trần Khánh Triệu, Ba tôi, báo Văn số 22, trang 18.
[30]
Trần Khánh Triệu, Papa toà báo, in trên Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái
Hưng (tháng 12-1997). Sau in lại trong sách Nhất Linh người nghệ
sĩ-người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004.
[31]Ký
Con hiện thân của Kỷ luật đảng và Một bài thơ của đồng chí Song
Khê (Xứ Nhu), số 1 (20-5-46). Phạm Hồng Thái và Tâm Tâm Xã, số 2
(27-5-46) và số 3 (3-6-46). Cụ Lê Cần số 4 (10-6-46) và số 5 (17-6-46). Hồ Văn
Mịch số 6 (24-6-46) và số 7 (1-7-46). Thơ Mộng Tiên, số 7 (1-7-46). Phó Đức
Chính, số 8 (8-7-46). Trần Quang Riệu số 9 (29-7-46) và số 10 (5-8-46); Bà
Chánh Toại, số 11(12-8-46), Bà Ký Tường, số 12 (19-8-46): Nguyễn V. Nho, số 13
(26-8-46); Hoàng Văn Tùng và Nguyễn Văn Viên, số 14 (2-9-46), Nguyễn Bá Tâm Số
15 (9-9-46): Lê Hữu Cảnh, Số 16 (16-9-46) và số 17 (23-9-46); Tô Thúc Dị, số 18
(30-9-46); Hải Kình số 19 (7-10-46), Ngô Hải Hoàng, số 20 (21-10-46); Nguyễn V.
Viển. ký B, số 21 (28-10-46): Đội Lãng, ký B. số 22 (4-11-46) Cụ Mai, ký
B. số 23(11-11-46) Cao Thắng, ký R, số 24 (18-11-46) Thủ Khoa Nghiã, số
25 25-11-46), Phạm Văn Nghị, ký B, số 28 (16-12-46). Những bài từ số 1 (Ký Con)
đến số 20 (Ngô Hải Hoàng), ký T, tức Tống. Từ số 21 (Nguyễn V.Viển) đến số 28
(Phạm Văn Nghị), ký R rồi B, có thể là người khác.
[32]
Thơ Phù Bình Thảo trên Chính Nghiã: Tịch mịch, số 1 (20-5-46), Tử sĩ
ca, số 5 (17-6-46), Bằng hữu ca "Tặng Đỗ Tốn, số 9 (29-7-46) và
Thăm viếng, số 22 (4-11-46).
[33]
Thơ Vũ Hoằng trên Chính Nghiã: Qua bãi chiến trường, số 3 (3-6-46): Đứng
dậy, số 4 (10-6-46) Bạn có thấy! số 11(12-8-46) và Bạch Đằng,
số 14 (2-9-46).
[34]
Thơ Phàm Cang trên Chính Nghiã: Tối bãi điêu tàn, số 17 (23-9-46), Quán
cổ bên đường, số 20 (21-10-46), Vườn xưa, số 21 (28-10-46), Rõi
miền biên ải, số 23(11-11-46).
[35]
Thơ Nam Dân và Thanh Trúc: Chiêu hồn nghiã sĩ của Nam Dân, số 24
(18-11-46), Thu cảm của Nam Dân và Tiếng hát chinh phu, của Thanh
Trúc, số 27 (9-12-46), Cách mạng hành của Nam Dân, số 28 (16-12-46).
[36]
Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 2, trang 694.
[37]
Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 2, trang 552.
[38]
Tây xông nhà, Việt Nam số 64 Tết, 30-1-46.
[39]
Tác phẩm của Khái Hưng được in theo thứ tự sau đây trên Chính Nghiã: Đoàn
Kết! kịch vui, số 2 (27-5-46), số 3 (3-6), số 5 (17-6), số 6 (24-6), số 7
(1-7) và số 8 (8-7-46). Dưới ánh trăng, bi kịch, số 9 (29-7-46) và số 10
(5-8-46). Các truyện ngắn:, Người anh hùng, số 11(12-8-46), Nhung,
số 12 (19-8-46): Lời nguyền, số 13 (26-8-46): Bóng giai nhân, số
14 (2-9-46), Khói hương, số 15 (9-9-46), Quan Công sứ, số 16
(16-9-46); Hổ, số 18 (30-9-46), Câu chuyện văn chương, kịch, số
19 (7-10-46), truyện ngắn Tiếng người xa, số 20 (21-10-46); Kịch Khúc
tiêu ai oán, số 21 (28-10), số 22 (4-11), Số 24 (18-11), Số 25 (25-11), Số
26 (2-12), số 28 (16-12-46).