Kinh và Kệ- ta đọc hoài chưa ngộ
Tỉnh và mê dằn vặt trái tim buồn
Chuyện trăm năm ai biết được ngọn nguồn:?
Đi và đến- nơi nào ai kể lại?
(Sinh tử ca, Nguyên Cẩn)
Hai vì sao lạc là tác phẩm thứ 22 của nhà văn-nhà thơ-nhà phê bình-dịch giả Nguyên Cẩn mà tôi có duyên may được là một trong những người đọc đầu tiên. Độc giả vẫn quen nghĩ về cái tên Nguyên Cẩn qua những áng thơ trữ tình giàu cảm xúc đậm chất triết luận, những truyện ngắn ngồn ngộn tính hiện thực đặt ra những vấn đề nhạy bén về con người và cuộc đời với những cảm xúc nhân văn đẹp lắng sâu gợi nhiều suy ngẫm. Ông còn là một cây bút chính luận sắc sảo chủ lực trên tập san Văn Hoá Phật Giáo, trang web Thư viện Hoa Sen với những trăn trở về phận người phận nước, về cõi tỉnh mê của con người trước cái Thiện -cái Ác, và đau đáu làm sao dựng lại hồn nguời theo con đường Bát chánh đạo sáng ngời. Nhiều trang cổ thi Đường Tống diễm lệ lẫn những khúc sonnet, ballat Anh Pháp du dương được ông chuyển ngữ mượt mà, nâng niu từng ý nghĩa, con chữ, nhịp, vần…Văn chương cũng là một con đường hành đạo theo cách thế của Nguyên Cẩn - một “nhà” trong rất nhiều “nhà”.
Lần này, mở ra đóng lại file word Hai vì sao lạc
giữa những ngày mưa dầm bão dữ Sài Gòn tháng 9. 2021 ngổn ngang buồn đau tức tưởi
mất mát tang thương, tôi lại không tìm thấy những an nhiên từng có trước đây
khi bước vào thế giới nghệ thuật của Nguyên Cẩn. Không có những kết thúc có hậu
(happy ending) truyền thống. Không phải chuyện cúm tàu. Bóng dáng cơn đại dịch
chỉ thoáng qua 1 lần trong Khúc ngoặt bất ngờ - một Giám đốc đối mặt với
cơn suy thoái, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản nợ nần vì covid định tìm
đến cái chết. Rồi thôi. Những lát cắt cuộc đời trong 22 truyện lần này mỗi lần
đọc lại đều cho tôi những cảm xúc ngổn ngang trái chiều. Thật gần gũi. Mà cũng
đầy lạ lẫm. Có những đối lập nghiệt ngã quyết liệt giữa những điều trong sáng,
đẹp đẽ, tinh khiết, thánh thiện với những gì xô bồ ngập ngụa toan tính mưu mô
trong xòng xoáy tình-tiền-tù-tội. Có những hình tượng người thầy cao quý đúng
nghĩa, giỏi chuyên môn lẫn tâm lý sư phạm, yêu thương học trò (Nhật ký sư phạm)
bên cạnh những mặt nạ trí thức giả trá lọc lừa, đấu đá nhau bẩn thỉu (Cờ tàn).
Có những lý tưởng ước mơ đẹp vời hôm qua hôm kia bỗng vụn vỡ thảm thương trước
sự thật nhức nhối tàn nhẫn hôm nay (Đêm trăng vỡ, Trăng lạnh). Điều gì
khiến người ta tự cam tâm đánh mất chính mình? Một cuộc hôn nhân tính toán để
thoát nghèo đổi đời rơm rạ. Một bữa rượu. Một xác thịt. Một đổi chác. Một lầm lạc.
Một oan khiên. Nguyên Cẩn cứ dẫn người đọc đi qua những cung bậc rối bời ấy bằng
giọng kể điềm đạm cố hữu, cốt truyện đơn giản không nói nhiều và cũng không có
điều gì đao to búa lớn. Quẩn quanh là mối quan hệ vợ chồng trong từng gia đình
với những hỉ nộ ái ố đời thường; rộng hơn một chút là một đoàn thực tập, một
ngôi trường nhỏ. Các chi tiết, tình tiết truyện cứ trôi theo chiều thời gian hiện
tại xen quá khứ hồi tưởng của dòng ý thức tái hiện miên man chồng lẫn vào nhau
như từng mảnh vỡ hiện thực được xếp cạnh nhau thành các mảng màu sáng tối. Nhân
vật thì thoắt mang bóng dáng tự sự xưng “tôi” - người trong cuộc- thậm chí dùng
ngay cả tên thật chính tác giả (Những sớm mai ở Suối Dầu), thoắt là một
nhân vật ở ngôi thứ ba có những tên Trường, tên Sử, tên Lưu, tên Hoài, tên
Phát, tên Thuỷ, tên Loan… vẻ như nhà văn khách quan bước ra điểm nhìn từ bên
ngoài, nhìn ngắm cách nhân vật tự bộc lộ cuộc đời, suy nghĩ, hành động của mình
mà trao quyền phán xét và phản ứng cho độc giả.
Và qua 23 truyện ngắn có thể cầm lên, ngồi đọc một mạch,
“one sitting” dung lượng gọn nhỏ, trên dưới 15 trang giấy, điểm quan trọng phát sinh từ sự thống nhất ấn tượng (unity
of impression) như lý thuyết kinh điển về truyện ngắn của Edgar Poe, Nguyên
Cẩn đã “giải thiêng” những giá trị đạo đức cao cả đẹp đẽ mà người đời vốn vẫn
coi là khuôn vàng thước ngọc, lý tưởng, tung hô. Nhiều tiểu chủ đề vẻ như rời rạc:
tình chị em-niềm tin (Cành Lyly đã gãy), cách ứng xử thầy trò (Có một
thời như thế, Những ngày ở Suối Dầu), quan hệ hôn nhân, hạnh phúc gia đình
(Con nhà gia giáo, Mận đắng, Đôi dép, Trăng lạnh…), quan hệ cha mẹ-con
cái, quan hệ xã hội chồng tréo, mờ hoá lý tưởng, nhoè lấp nhân cách…tốt-xấu-thật-giả,
cao cả-thấp hèn…(Đêm trăng vỡ,Trăng máu, Am tỵ trần, Cờ tàn, Ga cuối…) tất
cả như bị nhào trộn đặt lẫn vào nhau không xác định theo kết cấu, bố cục dàn dựng
sẵn đâu mới thực là chủ đề xuyên suốt cuả toàn tập. Phạm vi thánh thiện nhất là
môi trường giáo dục cũng phơi bày tất cả những gì xấu xa phản giáo dục nhất. Một
cán bộ đoàn thanh niên lẽ ra phải đi đầu gương mẫu thì ăn cắp tiền của đoàn thực
tập rồi xảo trá đổ vấy cho bạn khác (Nhật ký sư phạm). Một Hiệu trưởng gốc
Bình Định ra Hà Nội thâm niên bao nhiêu năm nổi tiếng là người thanh liêm mẫu mực,
trong sáng đức độ, không ăn đút lót, không nhận quà tết như ông Lưu đùng một
cái mất đi lại là một bi hài kịch tượng đài sụp đổ thàm thương. Thanh liêm ư?
ông giấu vợ khi chết mới lòi ra có hẳn 30 tỷ gửi ngân hàng và 90 triệu giấu
trong Lênine toàn tập cuốn 13. Trong sạch mẫu mực đạo đức ư? Ông nhắm mắt
trong bao lời ai điếu tôn vinh như một “huyền thoại về lòng chính trực” (tr.81)
thì xảy chuyện động trời: ông có hai đứa con riêng Linh, Lĩnh với cô tạp vụ Trần
Thị Nhỡ. Bà vợ ông thì lao vào tiền mờ hết lý trí. Các con ông cũng dứt khoát
đòi chia gia tài nếu mẹ khg chia không ký (Chiếc cúc áo để lại). Gia
đình và xã hội bỗng chốc mọi giềng mối đứt tung thảm hại. Một thanh niên hừng hực
lý tưởng cống hiến tuổi trẻ cho quê hương đất nước những năm xuống đường đấu
tranh cho hoà bình thống nhất giờ thì lạc lõng bơ vơ trong chính gia đình mình,
cơ quan mình và sau bao lần bị dập vùi, hãy nghe Hoài tự phản tỉnh chân thành, đớn
đau:
“Anh theo
cách mạng như một con người yêu cái đẹp, cái chân, cái mỹ. Anh sống với lý tưởng
cao đẹp của nó chứ không phải theo cái biến thể thành một thứ gì đấy mà anh có
hình dung cũng không tưởng tượng nổi cách nó vận hành trong thực tế nhiều khuyết
điểm như hiện nay.” (tr.111)
Lặp đi lặp lại trong nhiều truyện là những thất vọng ngậm
ngùi, lý tưởng cao đẹp ngộ nhận đã vời xa...trong Trăng lạnh, Đêm trăng vỡ. Nhiều
toan tính lọc lừa trong Khúc ngoặt bất ngờ, Chiếc cúc áo để lại, Trăng
máu, Cafe đắng; nhiều phản trắc điêu toa trong Con nhà gia giáo, mưu
mô đấu đá tranh chức đoạt quyền hèn hạ như Cờ tàn, vụng trộm do hoàn cảnh
như Đôi dép, Bản chính không hoàn hảo, trơ tráo như Mận đắng, lẫn
ân hận muộn màng trong Am tỵ trần, Về thăm chốn cũ… Những ung nhọt nhức
nhối của xã hội thời hội nhập vô cảm, bon chen hám lợi, hám quyền, địa vị, đấu
đá, ngoại tình, lừa gạt, dối trá, mất nhân cách cứ hiện lên trong từng truyện. Soi
dưới cái nhìn hậu hiện đại (Postmodern), tập truyện vô tình hay hữu ý
mang đậm cảm quan hậu hiện đại (Postmodern sensibility), cách xây dựng
truyện đều dày đặc những liên văn bản (Intertextuality), và đi theo
khuynh hướng phân mảnh (Fragmentation) khá tiêu biểu của chủ nghĩa hậu
hiện đại (Postmodernism).
Chủ nghĩa hậu hiện đại, một khái niệm đuợc giới nghiên cứu cho là sản phẩm của thời đại toàn cầu hoá, của kỷ nguyên truyền thông đại chúng (mass media) và công nghệ thông tin (information technology) hay thời đại 4.0 mà ở đó, tri thức cũng được coi là hàng hoá - một kiểu hàng hoá đặc biệt không chỉ tiêu dùng mà còn có khả năng sáng tạo. Thời đại kinh tế tiền tệ, sức mạnh đồng tiền đóng vai trò vạn năng, trở thành ông chủ thống trị toàn bộ những giá trị vật chất lẫn tinh thần của con người. Từ điển Britanica định nghĩa “Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu triết học và lý thuyết văn học cuối thế kỷ 20 đặt câu hỏi chung về các giả định cơ bản của triết học phương Tây trong thời kỳ hiện đại (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19), đặc trưng bởi chủ nghĩa hoài nghi rộng rãi hoặc chủ nghĩa tương đối và sự nghi ngờ chung về lý trí”. Đặc điểm của Văn học hậu hiện đại bao trùm sự ngẫu nhiên. Các tác phẩm hậu hiện đại bác bỏ ý tưởng về ý nghĩa tuyệt đối và thay vào đó nắm lấy sự ngẫu nhiên và rối loạn, đề cao sự tự do, vui tươi, sự phân mảnh, siêu tưởng tượng (“ngoa thực” (hyperreality) - từ dùng của Nguyễn Văn Dân), và tính liên văn bản. Theo Lê Huy Bắc, “Với hậu hiện đại, những khẩu hiệu như đa trị, đa chủ thể, phi trung tâm, giải cấu trúc… là những nguyên tắc sống còn.” Về phương diện triết học, chủ nghĩa hậu hiện đại “là nỗ lực xoá bỏ ranh giới độc lập giữa nhận thức lý tính và nhận thức cảm tính. Lập luận của họ là cả lý tính lẫn cảm tính đều xuất phát từ một cơ thể sống. (…) Vậy nên, họ đề xuất tính nhục thể (Bodiness hay Corporality). Từ nhận thức này, chủ nghĩa hậu hiện đại xem tính dục là một trong những diễn ngôn quan trọng trong việc xác lập những giá trị và chi phối hành vi, nhận thức của con người:” [1, tr.17].
Trích dẫn
những nhận định trên để soi thêm tác phẩm của Nguyên Cẩn ở một chiều kích mới. Cảm thức hậu hiện đại thể hiện rõ nét ở quan niệm thế giới là một khối hỗn
độn (chaos). “Chấp nhận sự hỗn độn chính là chấp nhận bản chất khách quan của hiện
thực” [1, tr.41]. Cái bất ổn rã rời ngẫu nhiên từ xã hội đến gia đình. Nơi trú ẩn
cuối cùng của con người bây giờ cũng đầy lọc lừa phản trắc. Trong văn học
truyền thống xưa nay, yếu tố tính dục vẫn được đề cập, nhìn nhận, đánh giá
trong phạm trù của diễn ngôn đạo đức. Nền
tảng hạnh phúc gia đình theo truyền thống Á Đông của dân tộc Việt là sự gắn bó
thuỷ chung, hoạn nạn có nhau, đồng vợ đồng chồng, đặc biệt rất coi trọng vấn đề
tiết hạnh. Hai vì sao lạc cũng có những người vợ hiền thục cam chịu như
Thanh, những tình yêu son sắt đẹp và buồn như Châu, hay đức hy sinh và tình yêu
vô điều kiện dành cho em gái của chị Quế, người chồng đứng đắn như Quyết, chân
tình như Sử, tốt bụng và dễ sa ngã như Danh…Nhưng họ chỉ là những nhân vật nhạt
nhoà, quá tốt và quá hiền đến thua thiệt và hiếm hoi trong cơn lốc đời nghiệt
ngã. Đối lập, đa phần hơn, nhân vật của Nguyên Cẩn trong những ngẫu nhiên tình
cờ gặp gỡ đã tự để mình trôi theo vòng xoáy của những dục vọng, buông thả xác
thịt và quay cuồng trong ma lực đồng tiền, sống không định hướng. Tôi tự hỏi
sao những chàng những nàng, đàn ông đàn bà trong Hai vì sao lạc có thể cạn
cợt thản nhiên, dễ dàng sa ngã cám dỗ xác thịt đến vậy? Nhiều những đứa con rơi
của những mối tình vụng trộm đến vậy? 17/23 truyện đều có những nhân vật tì chính
mang vết ngoại tình. Dễ dàng như tự nhiên nó phải vậy. Bản thân xác thịt không
có tội. Vấn đề ở đây xác thịt chỉ là công cụ của sự giả trá lọc lừa. Phải chăng
tác giả mượn chuyện xác thịt để xót xa minh chứng cho sự đổ vỡ hồn người, sự đảo
lộn mọi giá trị đạo đức trong xã hội đô thị hiện đại thời đại công nghiệp này?
Trong Trăng lạnh, Thuỷ tự do “muốn vui là đi tìm vui, muốn chưng diện là
chưng diện, ai dị nghị mặc kệ. Nàng sống cho mình”, thản nhiên vô tư khoác cái mác một cô gái hiện sinh trong
cách sống vô trách nhiệm lẫn buông thả đam mê cùng Quân, người tình cũ. “Nàng
sống như mình thích. Vui
chơi tới bến. Trường phái
Carpe diem” (tr.128) (Carpe diem là
một thành ngữ Latin từng xuất hiện trong Kinh Cựu Ước lẫn
Tân Ước, có nghĩa là “Hãy sống với ngày hôm
nay”, “Hãy tận hưởng cái phút giây mà ta đang có”- hko). Nhân vật Loan trong Mận đắng còn được tác giả Hai vì sao lạc
đẩy thêm một bậc nữa của sự loạn luân trơ tráo. Loan có chồng là Quyết, một kỹ
sư hiền lành ít nói, cô sẵn sàng chà đạp tất cả đạo lý danh giá gia đình để sống
chỉ theo bản năng con “cái” của mình với con ‘đực”- em chồng là Thắng sau một
đêm say bét nhè ở Đức nhân dịp Loan sang công tác. Với Loan: “Loạn cái gì? Thời buổi này công nghệ 4.0 rồi thì thích ai thì lấy người ấy. Không thích thằng
anh thì lấy thằng em, thế thôi. Còn nói nữa, tao điên tiết bảo. “Hàng” của thằng
em tốt hơn thì tôi lấy nó. Làm gì nhau?
(tr.246). Nhưng khi Loan ép chồng chia gia tài sau khi ly hôn để mang vào Nam xé
lẻ làm ăn cùng với Thắng thì trời xui đất khiến Thắng bị tai nạn, tàn phế không
còn là “Thắng râu ria bặm
trợn, vồ vập và sung mãn” trước kia. Một kiểu giải thiêng nữ quyền luận thú vị. Kết câu truyện bỏ lửng khá
tinh tế với vị đắng quả mận đầu mùa tháng 6 hay một câu ngắn “Ngoài kia trăng rất
lạnh” tâm trạng của anh chồng tội nghiệp khiến người đọc chợt không thể không quay
về với cách đọc truyền thống. Bến mê còn nặng nghiệp và quả báo cũng nhãn tiền.
Đặc trưng sáng tác hậu hiện đại còn ấn
tượng đậm nét trong toàn tập truyện Hai vì sao lạc của Nguyên Cẩn bởi
tính liên văn bản (intertextuality). Nhà nghiên cứu Pháp Julia Kristeva
cho rằng “Bất
cứ văn bản nào cũng là giao điểm của nhiều văn bản cùng thời hay có trước, nó
là sự đọc lại, làm rõ nét, cô đặc hóa, thay đổi vị trí và là bề sâu của những
văn bản đó” [4]. Thuyết này được biết đến
một cách rộng rãi trong những năm 1960-1970 ở Pháp, nhưng “trên thực tế hiện tượng
liên văn bản đã có từ xưa, vì nó luôn đi kèm với việc sáng tạo
văn chương” [4]. Tính liên văn bản có thể xuất hiện dưới hình thức mượn tên một tác phẩm,
tác giả nổi tiếng có thể trong hay ngoài nước, một nhân vật
lịch sử, hoặc có khi vay mượn một câu nói, trích dẫn một đoạn thơ, đoạn văn, lời
nói nhân vật, cũng có thể một bài hát, bức hoạ… qua đó, dẫn đến những ám dụ, những liên kết đa
chiều ngoài văn bản như văn hóa, triết học, mỹ học, tôn giáo… gợi lên những
suy gẫm, liên tưởng đi vào chiều sâu ý nghĩa đa tầng của tác phẩm. Có thể là những hiện tượng liên văn bản vốn nằm sâu trong
văn hoá dân tộc hoặc những hiện tượng ngoài văn hóa gốc, tức nhà văn từ văn hóa
của mình đến với một văn hóa khác, và mang dấu ấn của văn hóa đó. Xét ở góc độ người sáng tác, việc bao quát
kiến thức văn hoá và tôn giáo, văn hoá và văn chương, ngôn ngữ, triết học, dịch
thuật, lại là một thế mạnh của ngòi bút Nguyên Cẩn, tạo nên một phong cách, đặc
trưng giọng điệu hoà quyện Đông-Tây riêng khó lẫn với ai trong sáng tác truyện
ngắn của ông.
Xuyên suốt 303
trang của tập truyện Hai vì sao lạc này, qua khảo sát buớc đầu của người
viết, tính liên văn bản được tác giả sử dụng theo các hình thức kể trên hơn 60
lượt. Trong đó, Jacques Prevert với Les fleuilles morts lãng mạn được
trích dẫn cả đoạn trong dòng hồi tưởng “quá khứ bao giờ cũng đẹp” (Nhật ký
sư phạm). Có một thời như thế thì nhắc một loạt tên những bài hát
lừng lẫy một thời Yellow Bird, Pendant les Vacances với thơ
Rimbeaud, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và trích cả quan điểm giáo dục tuyệt vời
của nhà sư phạm Nga Anton Makarenko. Rồi kịch Soapy and the Cop của
O’Henry cũng được huy động lên sân khấu của thầy trò Thu. Có lẽ tác giả muốn tựa
vào những đại thụ văn thơ triết nhạc lẫy lừng trên như một sự tổng hoà các giá
trị tạo nên tính chất khai phóng cho mảnh đất miền Nam. “Tôi hiểu văn hóa
Sài Gòn trước
đây thoáng và cởi mở ra sao? Nên mới có những Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, và
không tư tưởng nào có thể đóng khung được?” (tr.36).
Trong Ga cuối, chàng sinh viên ban Việt Hán còn để
dòng hồi ức trở về quá khứ trong chuỗi ân hận vì lầm lỡ của mình dẫn đến sự
quyên sinh của người vợ hiền khi mượn bài thơ cảm động “Do Not Stand at My Grave and Weep”của Mary Elizabeth Frye.
Đừng đứng bên mồ em và khóc…
Em xa rồi, em không chết đâu anh …
Nỗi đau buồn thương nhớ không nguôi ấy còn được chàng huy
động cả thơ Tự Đức khóc Bằng Phi, thơ Lý Bạch, Lý Thương Ẩn bằng tất cả trang
trọng nâng niu. Một sự liên kết văn hoá kim cổ Đông Tây được dụng điển để tô đậm
nỗi biệt ly cổ kính muôn thưở.
Rồi Zarathustra,
Nietzsche, J. P. Sartre, A. Camus, Sigmund Freud, và Chủ nghĩa hiện sinh, những
triết gia tên tuổi thuộc nền văn hoá phương Tây được ông trích dẫn vào truyện Trăng
lạnh không chỉ để nói về chính nó mà để cải chính cho cách hiểu ngộ nhận
tai hại về chủ nghĩa hiện sinh trong không ít người trẻ, miền Bắc hôm nay. Cần
hiểu “Tự do ở
đây là tự do hiện sinh, tức là tự do bên trong, tự do phát xuất từ bản thể. Tự
do lựa chọn, tự do quyết định. Tự do ở đây là dám là mình. Là câu hỏi “To
be or not to be” của Shakespeare ngày xưa”.
Câu nói bất hủ của Hamlet cũng là cả một mệnh đề triết học không phải ai cũng
có thể chạm hết. Có thể thấy
thêm khả năng mở rộng liên tưởng trong dòng hồi ức của Đỗ trong đêm chờ đợi Thuỷ
về là cả những giằng xé thời đại trong một cuộc tranh luận nội tâm gay gắt và
chua xót. Các đoạn hồi ức, những câu hỏi không lời đáp
rơi vào hư không, những liên tưởng qua liên văn bản liên tục mở ra khả năng đối
thoại của văn bản, đặt ra cho người đọc hôm nay bao nhiêu suy ngẫm về một đoạn
đời của đất nước, những bể dâu của xã hội và những nhận thức không thể không đổi
thay của chính mình về lý tưởng của cả một thế hệ chiến tranh và đổ vỡ mất mát sau
chiến tranh.
Tôi thích Khói vẫn còn vương. Mối tình
đẹp từ đầu đến cuối, kể cả khi Châu đối mặt với cái chết, cả cái tên Ái Khanh đặt
cho con gái, cả những bông hoa pensée ép trong cuốn vở học trò, những cuốn lưu
bút hồn nhiên một trời kỷ niệm mà trong thời đại khoa học công nghệ kỹ thuật
4.0 ngày nay hẳn đã trở thành xa xỉ, hiếm hoi hay còn bị chê cười là âm lịch cổ
lỗ sỉ… Có đến 10 khuôn mặt thơ văn lãng mạn Anh, Pháp từ
Shakespeare, Byron, John Keat, Corneil, Victor Hugo, Alexandre Dumas, A. D.
Muset, Chateaubriant, Lamartin, G. Sand đến thơ nhạc Việt: những Hàn Mạc Tử,
Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Cô láng giềng, Bay đi cánh chim biển, Lá đổ muôn
chiều…theo dòng nhớ của Sử hiện về chật cứng mà lung linh mộng ảo. Đó là những
bài giảng một thời chàng đã say sưa mở toang cánh cửa tâm hồn những cô cậu trò nhỏ
của mình… Một mối tình đẹp lãng mạn và đáng yêu cả kết cuộc buồn tuyệt vọng cũng
đẹp thanh khiết lạ lùng. Những điệp khúc trong bài Nhã Ca thứ nhất
nửa thế kỷ rồi chưa thôi ám ảnh tôi được trích dẫn kiểu liên văn bản như một
đối cực đầy hàm ý trước hiện thực xô bồ đảo lộn mọi giá trị thiêng liêng nhất mà
có lẽ trên hành tinh này chỉ có con người là động vật cao cấp nhất được Thuợng Đế
ưu ái ban cho: Yêu và Biết Yêu. Biết nâng niu thờ phượng Tình Yêu: Tôi làm con gái/
Một lần yêu người / Một
lần mãi mãi /Bao giờ cho nguôi.
Truyện ngắn Hai vì sao lạc là thế giới của những ca khúc trữ tình
miền Nam trước 75 với điệu Bolero và ca từ da diết đầy tâm trạng được tái hiện
như những hoài niệm có khả năng làm sống lại tâm hồn người vốn đã khô cằn xơ xác
chai cứng nhọc nhằn cuộc mưu sinh. Không trách móc chửi bới đòi hỏi, tác giả cứ
để cho hai ông bà sui già hồn nhiên say sưa đàn hát như gặp được chính mình bất
kể bối cảnh lườm nguýt căng thẳng của bà Trang là một chứng minh hùng hồn cho cái
văn hoá từng bị ngộ nhận hay hời hợt bạo lực chối bỏ vẫn âm ỉ cội rễ cuốn hút tận
đáy lòng con người. Toàn truyện ngắn nhỏ này toát lên phần chìm của tảng băng:
Cho dù thực tế có thời bị chụp mũ, cấm đoán chê bai, sức sống của dòng nhạc
bolero chân chất trữ tình vẫn truờng tồn trong ký ức tâm tình người bình dân
Việt mọi thời, mọi lứa tuổi…
Khúc ngoặt bất
ngờ, Ga cuối, Chiếc cúc áo bỏ lại, Am tỵ trần, Trăng máu là những liên văn bản mang đậm dấu ấn phương
Đông và sắc màu tôn giáo tâm linh. Hai truyện đầu tác giả gợi đến những điều dạy
trong Kinh Phật qua lời trực tiếp của nhân vật về nghiệp quả và những dục vọng
của con người. Truyện thứ 3, được trích hẳn bài kệ trong Kinh Phổ Diệu, lý giải
một quy luật “Tam giới vô
thường và không bền vững. Cuộc sống trôi nhanh về phía cái chết, như điệu nhảy của
vũ công, tia chớp trên bầu trời, hay dòng thác đổ - chúng liên tục chuyển động
và biến đổi không ngừng dù chỉ trong giây lát” (tr.77). Truyện thứ 4, Am tỵ trần cũng cùng chủ
đề với Trăng lạnh và Đêm trăng vỡ song liên văn bản ở đây gắn với
Kinh Dịch quẻ Càn, thuộc nhận thức quy luật âm dương của phương Đông. Cơn ác
mộng, lời dạy của cha, coi chừng “kháng long hữu hối“ - Rồng bay cao quá
quay đầu không kịp…như một cảnh báo linh nghiệm, mở ra một thế giới tâm linh gắn
liền với tín ngưỡng dân gian. Truyện thứ 5, Trăng máu là một truyện đặc sắc
đậm cảm thức tư duy phương Đông dù có nhắc tới Decartes, Kundera song chỉ là một
cách diễu nhại. Hải bị ung thư giai đoạn cuối, và bác sĩ dự đoán chỉ còn sống 3
tuần. Chạm mặt với tử nghiệp chàng mới thấy hết bộ mặt của người vợ đầu ấp tay gối.
Nàng không ngoại tình. Nàng vô sinh và tham lam độc ác ích kỷ. Thơ Basho, Từ Đạo
Hạnh, Thiền sư Viên Minh là một lựa chọn để Nguyên Cẩn mở rộng biên độ tư duy, nhận
thức về lẽ vô thường. Liên văn bản với Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam
hé ra một khao khát hạnh phúc gia đình đơn giản trong lòng Hải: có ai đó chờ mình.
Có ai đó đợi anh để yêu thương. Trăng trong tên gọi truyện này là một biểu tượng
ám dụ độc đáo. Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Jean Chevalier &Alain Gheerbrant trong nhiều định nghĩa biểu
tượng có một ý cho rằng trăng là biểu tượng của các nhịp điệu sinh học, là thời
gian đang trôi đi, “trăng cũng là cái chết đầu tiên. Mỗi tháng âm lịch, trong ba
đêm, trăng như là chết, nó biến mất…Rồi nó lại hiện ra và sáng dần lên. Cũng như
vậy, những người chết coi như đạt tới một vòng sống mới. Đối với con người, trăng
là biểu tượng của cuộc chuyển tiếp ấy, từ sống sang chết và từ chết trở lại sống.”
[3, 937]. Ám dụ này dẫn người đọc liên tưởng đến phần kết tác phẩm. Hải không chết
như tiên đoán của bác sĩ và mong đợi của vợ mình. Như tính chất bản nguyên vận động
của trăng, anh từ cõi chết phục sinh và chọn vòng sống mới của mình trong ý niệm
từ bi. Cho dù là “Trăng máu” nhưng không phải điềm dữ, Hải bình thản trong tâm thế
buông xả an nhiên:
“Trăng muôn đời vẫn là trăng thôi. Nằm trong nước nhưng không chìm.
Không vấy bẩn nhiễm ô. Những ngày sống với cận tử nghiệp dạy chàng nhiều điều:
đó là hãy thấy sự đời nhẹ nhàng hơn vì sự sống và cái chết chỉ là một hơi thở.
Mong manh. Đêm còn dài và trăng máu cũng
chỉ thoáng qua.
Trăng vẫn sẽ nằm yên, vàng non hay vàng cam tùy thời khắc, không động
dù lòng người bao nỗi xuyến
xao...” (136)
Có thể thấy, Triết lý Nghiệp-Duyên, Nhân-Quả của nhà Phật
đã vượt ra ngoài kinh kệ, khuôn viên nhà chùa bước vào đời sống tâm linh người
Việt như một tâm thức cội rễ được khai thác nhẹ nhàng mà khá thành công trong
truyện ngắn Nguyên Cẩn. Nền tảng kiến
thức của một sinh viên ban Anh văn Đại học Sư phạm và Văn Khoa, một tiến sĩ kinh tế và tất nhiên là một cây bút từng trải nghiệm sáng tác ở nhiều
lĩnh vực, nhiều thể loại là tiền đề vững vàng cho tác giả Nguyên Cẩn tự do mở
đến tối đa mọi liên kết tạo nghĩa và đem đến những đối thoại nhiều suy ngẫm.
Liên văn bản trong truyện ngắn Nguyên Cẩn được dùng theo một phương pháp
quen thuộc, nhất quán. Tác giả hay bắt đầu bằng những kiểu câu: “Chàng nhớ lại…”, “Chàng
bỗng nhớ”, “Dũng
nhớ hồi xưa”, “Chàng tự hỏi…”, “Nhớ bài thơ thầy Tấn Tuệ tặng năm
nào…”, “Chàng nhớ câu thơ Trần Tuấn Kiệt …”, “Chàng chợt nhớ…” Nhớ là một động
từ của ký ức. Nhà phê bình Liễu Trương trong bàì về “Thuyết liên văn bản” có kể:
“Để kể truyện, Proust dùng một phương pháp gọi là trí nhớ bất chợt (mémoire involontaire) do những
cảm giác gây ra. Vào dịp viếng thăm người cô tên là Léonie, người kể truyện
được mời ăn thứ bánh ngọt được gọi là bánh madeleine. Khi người kể truyện cho
vào miệng miếng bánh và uống một ngụm trà, thì bỗng nhiên vị giác làm sống lại
cả một thời quá khứ với bao kỷ niệm trong cái làng Combray, với nhà cửa, ngôi
nhà thờ và những người trong làng. Kể từ đó, trong văn hóa Pháp, người ta
thường nhắc đến chiếc bánh madeleine như một biểu tượng của ký ức.” [3] Căn cứ vào cấu trúc câu quen thuộc khi
dẫn vào các trích dẫn Nguyên Cẩn cũng dùng trí nhớ bất chợt, nhưng “cái bánh madelaine”
của Nguyên Cẩn không bắt nguồn bằng vị giác mà bằng ký ức thị giác và thính
giác qua văn chương, triết học, tôn giáo và âm nhạc. Đó là những hồi ức từ mối
liên kết giữa văn bản này và văn bản khác theo chiều dọc tác động bởi hoàn cảnh
nhất định. Một vài trường hợp, liên văn bản trong sáng tác của Nguyên Cẩn còn
in đậm ký ức cá nhân ở những bài thơ do chính tác giả sáng tác hay tạm dịch
lồng vào câu chuyện tạo những hiệu ứng thẩm mỹ rất riêng cho người đọc.
Gấp sách lại, tuy vẫn đầy những cảm xúc bất an về một thế
giới hỗn độn, nhiều giá trị đạo đức mong manh dễ vỡ không còn đủ sức nâng đỡ
hồn người do cảm thức hậu hiện đại chi phối. Song, người đọc vẫn có thể nhặt ra trong Hai vì sao lạc những cung bậc cảm xúc đẹp và
tính hướng thiện cao trong Cành Lyly đã gãy, Nhật ký sư phạm, Có một thời
như thế, Khói vẫn còn vương, và Những sớm mai ở Suối Dầu. Nhiều bài
học làm người từ những điều rất nhỏ. Không thể đánh giá sự việc một cách
vội vàng, cảm tính mà phải đủ cơ sở, chứng cớ. Tình huống thứ hai trong Có một
thời như thế từ điểm nhìn một thầy giáo trẻ tâm huyết mới thật là điều nhức
nhối. Buổi diễn văn nghệ của đoàn gợi lên cả một miền ký ức thanh xuân của tôi
ngày nào. Tôi nhớ những chuyến thực tế Tam An Long Thành 1977, thực tập sư phạm
Tân Hiệp Mỹ Tho 1978 của lớp Ngữ văn chúng tôi biết bao. Nhớ sân đình Tân lý
Tây chúng tôi lên đóng kịch hát hò ngày tổng kết… Một thời tuổi trẻ quá đẹp. Vậy
mà hẹp hòi thiển cận sao, công thức khắc nghiệt sao những định kiến với Thu, với
ngành ngôn ngữ Anh thời bấy giờ để đẩy cậu sinh viên vào bước đường bế tắc phải
bỏ học. May còn có người thầy đáng quý mà tôi nghĩ chính nhà văn Nguyên Cẩn hoá
thân vào bộc bạch “Tôi không nhớ ai đó nói những thầy cô giỏi nhất
dạy bằng trái tim chứ không từ sách vở. Một thầy giáo tốt giống như ngọn nến,
luôn cháy hết bản thân mình để soi rọi con đường của người khác. Thời bao cấp này mọi thứ còn nghèo
nhưng tình yêu luôn đầy ắp. Tôi cảm thấy nhẹ lòng vì ít ra những năm tháng đầu
đời trong nghề không phải trở thành nỗi ray rứt khôn nguôi về sau.” (tr.24)
Việc chọn các ký ức liên văn bản văn chương, âm nhạc, hội
hoạ kinh điển Đông Tây của các nền văn hoá lớn trên thế giới song song với
những tác phẩm thi ca âm nhạc một thời của văn học nghệ thuật miền Nam trước
kia phải chăng cũng mở ra những đối thoại đáng suy ngẫm về sự khác biệt những
giá trị tinh thần, vật chất trong quá khứ đã lùi xa nhưng vẫn còn sức sống đích
thực và những điều tưởng đâu là chân lý vĩnh hằng thì theo thời gian lại đã không
còn ý nghĩa với con người hôm nay. Hiện thực như nó vốn có. Bất ổn, hỗn độn
nhưng là thật. Điều con người cần nhất trong thế giới ảo hôm nay là gì? Cái
THẬT.
Những ngày Sài Gòn tháng chín dương lịch 2021 mưa dầm bão
trút và lòng người cũng tan tác đớn đau tê dại vì biến chủng Coronavirus Vũ Hán
hoành hành chết chóc thê lương, 23 câu chuyện của Nguyên Cẩn tuy mang đến cả một
thế giới hỗn độn, bon chen, nghi ngờ, giả trá, lọc lừa dữ dội nhưng xen vào đó
những nốt trầm xao xuyến về tình thầy trò, tình người đẹp đẽ xúc động và cho niềm
tin lặng lẽ mà mãnh liệt vào luật nhân quả ở đời bỗng dưng gợi trong tôi những
suy tưởng về con đường trồng người chính mình đã đi qua gần nửa thế kỷ nay. Qua
đại dịch này, nếu con người còn không thể sống chân thật với nhau, chỉ bon chen
danh vọng, không biết đến với nhau bằng tình yêu thương nữa thì chắc chẳng bao
giờ còn có thể hy vọng gì về tiến bộ xã hội, hoà bình, nhân ái, văn minh…
Thị Nghè, 10.2021
HKO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Huy Bắc, 2012, Văn học hậu hiện đại-lý thuyết và tiếp
nhận, H: Nxb.ĐHSP.
2. Nguyên Cẩn,
2021, Hai vì sao lạc, Nxb Hội nhà văn
3. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, 1997, Từ điển biểu tượng
văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng.
4. Liễu Trương, “Thuyết liên văn bản”, ngày đăng: 30.4.2021. ngày truy cập: 10.10.2021.Nguồn:http://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2021/04/30/thuyet-lien-van-ban