Nhà văn Nhật, sinh năm 1960, hiện đang sống ở thành phố Berlin, Đức.
Đoạt nhiều giải thưởng văn chương quan
trọng như Akutagawa Prize, Tanizaki Prize, Gunzo Prize, Noma Literature Prise,
Goethe Medal, Natinal Book Award.
Sinh quán Nakano, Tokyo. Tốt nghiệp đại
học Waseda 1982 về Văn Chương Nga. Tốt nghiệp Master về văn chương Đúc tại đại
học Hamburg, 1990. Ra tiến sĩ năm 2000 tại đại học Zurich.
Tác phẩm của bà hiện diện trong cả hai
sinh ngữ Nhật và Đức.
Có khuynh hướng viết những tác phẩm
dài như tiểu thuyết, kịch, bằng tiếng Nhật. Viết những tác phẩm ngắn bằng tiếng
Đức. Bà đưa ra một phương pháp sáng tác dựa trên kinh nghiệm song ngữ, gọi là
“dịch liên tục”. Bà nói, ngôn ngữ không phải tự nhiên mà là “nhân tạo và kỳ diệu.”
Có nghĩa là, sáng tác không chỉ ở nội dung, giá trị mà còn ở ngôn ngữ và sắc diện.
Âu Châu Bắt Đầu Nơi Nào
[Âu Châu tiếp giáp Nga
và Kazakhstan ở biên giới phía tây. Có dãy núi Ural chắn ngang. Một phần biên
giới phía nam, tiếp giáp với Á Châu. Những mặt còn lại là biển. Với tựa đề: Âu
Châu Bắt Đầu Nơi Nào, khiến cho người đọc nhận ra ngay bài viết có dụng ý.
Siberia không có biên giới
nhất định, được xem là một phần Á Châu của Nga. Cách Nhật Bản khá xa. Tác giả
muốn ám chỉ điều gì khi móc nối Nhật vào Siberia qua di tích Voi Ma-mút?
Vì sao cha của tác giả bị
nhiễm trùng Dịch Hạch Đỏ? Liên hệ như thế nào đến ẩn dụ công trường và lịch đỏ
xâm trên da?
"Khi đến gần nhìn rõ hơn, da của họ không bị viêm trùng mà xâm chữ màu đỏ.
Tôi đọc không được. Vì không phải chữ mà gồm nhiều tấm lịch viết chồng chất lên
nhau."
Câu truyện cấu trúc theo cách mở dần móc xích thời gian với hồi tưởng. Mang dữ liệu thông tin khoa học vào truyện, điềm chỉ cho người đọc cảm nhận được hành trình đi tìm bản sắc của nhân vật "Tôi". Di sản của chủ nghĩa Hiện Sinh thể hiện qua tinh thần đương đại bằng một nghi vấn về căn cước. Không phải căn cước chung của nhân loại như Satre, Camus, Simone de Beauvoir tìm kiếm, ngày nay, mỗi người tự tìm kiếm mỗi căn cước riêng trong từng chủng tộc, từng màu da, từng xã hội, từng gia đình, và từng cá nhân.]
Tôi thường hay viết bài tường thuật về
du lịch trước khi lên đường, vì vậy, trong suốt hành trình tôi có thể trích dẫn
đôi điều từ đó. Khi đi chơi, thông thường tôi ít muốn nói gì. Lần này, nhờ viết
bài trước nên có chỗ hữu dụng. Nếu không, sẽ không biết kể về Siberia như thế
nào. Dĩ nhiên, có thể trích dẫn từ nhật ký, nhưng phải thú nhận tôi đã bỏ bê
không giữ được thói quen ghi xuống trong chuyến đi, về sau, phải viết lại.
Vài tháng trước khi lên đường, buổi
chiều sau giờ học, tôi làm việc trong một cơ xưởng sản xuất thực phẩm. Thấy tấm
bích chương quảng cáo chuyến đi Âu Châu bằng tàu thủy Trans-Siberian, đã biến đổi
khoảng cách vô tận sang Âu Châu thành một chi phí hạn chế.
Trong xưởng làm, không khí phải giữ ở
mức nhiệt độ thấp để thịt không hư. Tôi đứng trong giá buốt, tạm gọi là "
Sương lạnh Siberia", để gói gà đông đá vào bao nhựa. Một xô nước nóng đặt
cạnh bàn để sưởi ấm đôi tay những lúc ngưng nghỉ.
Có lần, ba con gà đông lạnh hiện ra
trong giấc mơ: Tôi theo dõi mẹ đặt chúng vào chảo chiên. Khi chảo bắt đầu nóng,
đột nhiên chúng sống lại rồi bay ra cửa sổ nhà bếp. "Không cần hoảng hốt chúng ta sẽ không bao giờ đủ ăn,"
tôi thốt lên một cách tàn nhẫn, mặc dù rất kinh ngạc. "Mẹ phải làm sao đây?" bà vừa hỏi vừa lau nước mắt.
Ngoài việc rán kiếm tiền, có hai chuyện
cần phải làm trước khi lên đường: học tiếng Nga và tính toán ngân khoảng cho
chuyến đi.
Đối với bà ngoại, du lịch là uống nước
ngoại quốc. Xứ lạ, nước khác. Không cần phải e dè quan cảnh nước ngoài, nhưng
nước uống có thể nguy hiểm.
Khi còn là cô bé, tôi không bao giờ
tin có một thứ gọi là nước của ngoại quốc, vì luôn luôn nghĩ rằng trái đất là một
khối cầu nước, có tất cả những đảo lớn nhỏ trôi nổi trên đó. Nước phải giống
nhau ở khắp mọi nơi. Đôi khi trong giấc ngủ, nghe ra tiếng chảy róc rách dưới
hòn đảo chính của Nhật Bản. Biên giới chung quanh đảo cũng bằng nước, có sóng
không ngừng vỗ vào bờ. Làm sao có thể phân định nơi nào là mức bắt đầu nước của
ngoại quốc khi biên giới chính cũng là nước?
Con tàu chạy dọc bờ biển lên hướng bắc.
Trời trở tối khá nhanh, nhưng nhiều hành khách vẫn muốn ngồi trên boong. Xa xa
có thể nhìn thấy đám ánh sáng từ các thuyền nhỏ. "Những ngư dân đang lưới mực," tiếng nói thốt lên từ sau
lưng. "Tôi không thích mực. Khi còn
bé, cứ mỗi ba ngày chúng tôi bị ăn chiều với mực. Còn bạn thì sao?" giọng
nói khác hỏi. "Vâng," người
thứ ba trả lời, "tôi cũng bị ăn mực
suốt ngày. Luôn luôn tưởng tượng mực là hậu duệ của quái vật. "Bạn lớn lên
ở nơi nào?" Giọng nói đầu tiên hỏi.
Những tiếng rầm rì chung quanh, như
chùm tua dần dần xoắn lại. Chuyện trên tàu như vậy, mỗi người bắt đầu tự sáng
tác mỗi tự truyện ngắn, tưởng chừng nếu không làm, sẽ không nhớ họ là ai.
Người ngồi bên cạnh hỏi, "Cô đi đâu?" "Đi
Moscow.". Anh ta nhìn tôi ngạc nhiên. "Cha mẹ tôi thường hay kể về thành phố này, tôi cũng muốn được
chính mắt nhìn thấy." Có thật cha mẹ nói về Moscow? Chuyện trên tàu
như vậy, mọi người bắt đầu nói dối. Mặt anh ta đầy vẻ khủng hoảng, tôi phải lập
tức chuyển sang đề tài khác. "Thật
ra tôi không thích Moscow, nhưng muốn thăm viếng Siberia." "Cô muốn
xem thứ gì ở Siberia? Có thứ gì ở đó?" "Tôi chưa biết. Có lẽ không có
gì đặc biệt để nói. Nhưng quan trọng là đi xem thử Siberia." Càng nói,
càng cảm thấy không tự tin về mình. Anh ta bỏ đi ngồi bên cạnh một hành khách
khác, để tôi một mình với lời nói diễn ra trong đầu.
Chuyến tàu rời Thái Bình Dương tiến
vào Biển Nhật Bản, nơi ngăn chia Nhật và Âu Á. Kể từ khi di tích voi Ma-mút tìm
thấy ở Nhật, đã có vài giả định về một phần đất dính liền giữa Nhật và Siberia.
Có lẽ, con người đã vượt qua Siberia đến Nhật. Nói một cách khác, xưa kia Nhật
là một phần của Siberia.
Tôi tìm vị trí Nhật Bản trong tập Bản
Đồ Thế Giới từ thư viện trên tàu, đứa con của Siberia đã quay lưng với mẹ nó và
bây giờ bơi một mình trong Thái Bình Dương. Thân mình nó giống như con hải mã,
tiếng Nhật gọi là "Tatsu-no-otoshigo", có nghĩa, đứa con luân lạc của
rồng.
Cạnh thư viện là phòng ăn, ban ngày
luôn luôn vắng vẻ. Chiếc tàu nhào lộn theo cơn bão biển, hành khách đều nằm
trên giường. Đứng trong phòng ăn một mình, theo dõi những chiếc dĩa chạy tới chạy
lui mà không va chạm nhau. Ngay lập tức, tôi nhận ra mình đã mong đợi cơn bão
này từ bé.
Ở trường học, thường hay viết luận
văn, thỉnh thoảng bao gồm cả "mô tả giấc mơ." Có lần tôi viết về giấc
mơ có cha tôi với da màu đỏ.
Cha tôi đến từ một gia đình buôn bán ở
Osaka. Sau Thế Chiến Thứ Hai, ông dời đi Tokyo với tất cả tài sản là một mớ bao
chứa đồ đạc, trong đó có chiếc đồng hồ báo thức. Ông gọi là "con gà trống
cách mạng," chẳng bao lâu nó ngưng chạy, nhưng nhờ vậy chỉ rất đúng giờ,
hai lần trong một ngày, dù sao một giờ trong một ngày cũng phải quay lại hai lần.
"Thời gian trôi tự động, con không cần
đồng hồ báo thức." Ông thường nói bênh vực chiếc đồng hồ hư. "Khi thời điểm phải đến, thành phố sẽ
vang đầy những tiếng nói bị đàn áp, không còn ai có thể nghe đồng hồ reo."
Ông vẫn thường giải thích với bà con
lý do ông rời bỏ nơi sinh quán với giọng nói hằn học: Bởi vì ông bị nhiễm bệnh
Dịch Hạch Đỏ. Lời nói này khiến tôi luôn
luôn nghĩ đến đỏ, làn da bị viêm trùng.
Một công trường rất lớn, có đông người
đi dạo bên trong. Vài người tóc trắng, một số khác tóc xanh hoặc vàng, nhưng tất
cả mọi người đều có làn da đỏ. Khi đến gần nhìn rõ hơn, da của họ không bị viêm
trùng mà xâm chữ màu đỏ. Tôi đọc không được. Vì không phải chữ mà gồm nhiều tấm
lịch viết chồng chất lên nhau. Tôi thấy vô số ngôi sao trên trời. Ở đỉnh ngọn
tháp, con chim Thần Lửa đậu quan sát sự sinh hoạt trong công trường.
Chắc đây là Moscow, tôi đã viết trong
bài luận văn, thầy giáo khen ngợi nhưng không nhận thấy tôi đã phát minh ra giấc
mơ. Nhưng có giấc mơ nào mà không phải phát minh?
Sau này mới biết, đối với một số người
cánh tả ở Tây Âu, thành phố này có tên gọi khác: Bắc Kinh.
Âu Châu không bắt đầu từ Moscow nhưng
từ một nơi nào trước đó. Nhìn ra cửa sổ, thấy bảng quảng cáo cao giống như một
người có hai mũi tên vẽ lên, bên dưới viết chữ "Âu Châu và Á Châu". Tấm
bảng dựng giữa cánh đồng như một đại lý hải quan cô độc.
"Chúng ta đã đến Âu
Châu!" Tôi la to
với Masha, người đang cùng uống trà trong khoang tàu.
"Đúng rồi, sau dãy núi Ural tất cả là Âu Châu," cô ta trả lời,
không cử động, như thể chuyện này không quan trọng, rồi cô tiếp tục uống trà.
Đến gần một người Pháp, người ngoại quốc duy nhất trong xe cạnh bên, tôi nói, Châu Âu không bắt đầu từ Moscow. Ông ta cười trả lời gọn lỏn, Moscow không phải Âu Châu.