Monday, December 13, 2021

2221. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng


Hợp tác và đối đầu

Trong chương Những ngày sóng gió, chúng tôi đã trình bày vấn đề: Ngày vua Bảo Đại thoái vị là 23-8-1945, nhưng bị đổi thành 30-8-1945.

Còn lại hai sự kiện quan trọng không kém, cần được tìm hiểu:

1- Ai là người chủ động việc đánh điện tín yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị?

2- Tại sao có hai văn bản điện tín (yêu cầu vua thoái vị) khác nhau: bản in trên báo Cứu Quốc không giống với bản in trong hồi ký Con rồng Việt Nam của cựu hoàng Bảo Đại?

Chúng tôi muốn giải đáp hai câu hỏi này trước khi đi vào nội dung của chương Hợp tác và đối đầu giữa hai bên quốc cộng trong năm 1945-1946.

Ai chủ trương việc đánh điện tín yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị?

Khi đọc tài liệu, chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy:

- Có hai nơi nhận đã đánh điện về Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, là nhóm Đại Học Xá Hà Nội (theo Đoàn Thêm)[1]Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ (theo Phạm Khắc Hoè).

- Bản điện tín vua nhận được và bản điện tín vua trả lời in trong sách Con rồng Việt Nam hoàn toàn khác với hai bản đăng trên báo Cứu quốc.

Đọc hồi ký Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan, mới thấy hé lộ một chút ánh sáng về việc này.

Trong đoạn viết về hai hội nghị quan trọng đầu tiên, mang tính cách lịch sử của Đảng Cộng Sản, tại Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 13 và 16 tháng 8-1945, Hoàng Văn Hoan còn cho thêm một số thông tin quan trọng khác liên quan đến ngày lễ thoái vị ở Huế, giống những điều cựu hoàng Bảo Đại viết và khác hẳn báo chí chính thống thời bấy giờ.

Về Hội nghị thứ nhất, tức Hội nghị toàn quốc, ông viết:

"Ngày 13-8-1945, Hội nghị nghị toàn quốc của Đảng họp do bác chủ tọa. Những người tham gia hội nghị ở Bắc có các anh Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng; ở Trung có anh Nguyễn Chí Thanh; ở Nam có anh Hà Huy Giáp, ở Việt Bắc có anh Võ Nguyên Giáp và tôi; ở Thái Lan và ở Lào về có các anh Dương Trí Trung, Trần Đức Vịnh; ngoài ra còn một số đồng chí khác nay không nhớ rõ tên.

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở nhà một người dân trong làng Tân Trào."[2]

Về hội nghị thứ hai, tức Quốc dân Đại hội, họp ngày 16-8-45, ở đình Tân Trào, do Tổng Bộ Việt Minh triệu tập, có khoảng 60 đại biểu các đoàn thể nhân dân tham dự, ông viết:

"Ở Quốc dân Đại hội, với danh nghiã là người lãnh đạo của Việt Minh, Bác phân tích tình hình thế giới và trong nước cũng như đã phân tích ở Hội nghị toàn quốc của Đảng. Đồng thời giới thiệu những chủ trương lớn của Việt Minh là đoàn kết tất cả các lực lượng nhân dân để đánh Pháp, đánh Nhật, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (…)

Quốc dân Đại hội kết thúc, mọi người gấp rút chuẩn bị về địa phương. Các đồng chí Trung ương ở miền xuôi đã về ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng. Anh Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ quân sự chuẩn bị mang bộ đội về chiếm Thái Nguyên "[3].

Hoàng Văn Hoan còn cho biết, ông được lệnh ở lại Tân Trào để "củng cố địa phương làm căn cứ cho cuộc khởi nghiã do Việt Minh lãnh đạo đương chuẩn bị bùng nổ".

Bỗng mấy hôm sau, ông được tin:

"Quân Nhật ở Thái Nguyên đã giao cho ta một số vũ khí và để cho quân ta tự do đi qua Thái Nguyên về xuôi. Tiếp đó là tin mừng liên tiếp dội đến.

Ngày 19-8-45, nhân dân Hà Nội vùng dạy giành chính quyền, đó là ngày mà sau này chúng ta gọi là ngày "Cách mạng Tháng Tám".

Ngày 21 tháng 8, Việt Minh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại đánh điện mời Đại biểu Việt Minh vào Huế tiếp thu chính quyền.

Ngày 24 tháng 8, Bảo Đại tuyên bố xin làm công dân nước Việt Nam độc lập.

Ngày 25 tháng 8, tại Hoàng cung Huế, Bảo Đại làm lễ trao ấn kiếm cho cán bộ Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.

Ngày 30 tháng 8, Bác về đến Hà Nội. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà được thành lập (chúng tôi in đậm)[4].

Ngày mồng hai tháng chín (2-9-1945) hơn năm mươi vạn quần chúng họp mít tinh ở vườn hoa Ba Đình. Cờ đỏ sao vàng tung bay ngập trời. Đúng ba giờ chiều, Bác bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà."[5]

Hoàng Văn Hoan viết ngắn gọn và đầy đủ, ngày tháng ăn khớp với những điều cựu hoàng Bảo Đại ghi trong hồi ký Con Rồng Việt Nam.

Riêng về ngày vua thoái vị, Hoàng Văn Hoan ghi 25-8 theo ngày ghi trên Chiếu thoái vị như Hoàng Văn Đào và Nghiêm Kế Tổ. Nhưng, như ta đã biết, cựu hoàng giải thích về chi tiết này: ngày 23-8 ông đọc chiếu thoái vị, được viết trong đêm 22, nhưng đề ngày 25-8[6].

Hoàng Văn Hoan còn cho biết: "Ngày 30 tháng 8, Bác về đến Hà Nội. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập."

Như vậy, mọi việc đều sáng tỏ: Khi thoái vị, vua trao ấn kiếm cho hai đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận, vì lúc đó chưa có Chính phủ Lâm thời. Điều này cũng được Hoàng Văn Hoan xác nhận: Bảo Đại làm lễ trao ấn kiếm cho cán bộ Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.

Nội dung bức điện tín yêu cầu vua thoái vị, được ghi lại trong Con rồng Việt Nam như sau:

"Trước ý chí đồng nhất của toàn thể dân chúng Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn nền độc lập quốc gia, chúng tôi thành kính xin đức Hoàng đế hãy làm một cử chỉ lịch sử để từ bỏ ngai vàng."

Bức điện này được ký dưới là: "Ủy ban Nhân dân Cứu quốc" đại diện cho tất cả mọi đảng phái, và tầng lớp dân chúng."[7]

Phạm Khắc Hoè trong Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, kể lại rằng:

"Sáng 24 tháng 8, tôi vào gặp Bảo Đại thì ông ta với vẻ mặt lo buồn đưa cho tôi một bức điện nhận được trong đêm 23 tháng 8 do Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ từ Hà Nội đánh vào, nhưng dưới lại ký tên:

Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và Hồ Hữu Tường.

Toàn văn bức điện như sau: "Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà".[8]

Phạm Khắc Hoè chép lại nội dung bức điện tín in trên báo Cứu Quốc số 32 (27-8-1945). Ta thấy ngay bức điện tín này khác hẳn bức được in trong hồi ký của cựu hoàng. Đặc biệt hai câu: "Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh." Lúc đó chưa có Chính phủ lâm thời và Hồ Chí Minh còn ở Tân Trào, chưa về Hà Nội, theo như lời Hoàng Văn Hoan ghi "Ngày 30 tháng 8, Bác về đến Hà Nội. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà được thành lập". Không có lý do gì khiến Hoàng Văn Hoan viết sai về việc này; nhất là các chi tiết khác ông đều viết giống cựu hoàng Bảo Đại.

Hoàng Văn Hoan dùng những chữ "đại biểu Việt Minh", "cán bộ Việt Minh" để chỉ Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận, mà không dùng chữ "đại diện Chính phủ Lâm thời" như báo Cứu Quốc. Và ông cũng không nói đến sự hiện diện của Nguyễn Lương Bằng, đúng như trong hồi ký của Bảo Đại.

Ngoài ra, đoạn văn: "Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay…" in trên báo Cứu Quốc, còn có ý nói chính Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà vua thoái vị. Điểm này, ngược hẳn với những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cựu hoàng Bảo Đại, khi ông ra Hà Nội:

"Thưa Ngài, tôi không liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế, yêu cầu thoái vị. Riêng cá nhân tôi, như đã từng nói hôm 22 tháng 8, tôi vẫn nghĩ vẫn để Ngài lãnh đạo quốc gia, và đặt tôi vào địa vị Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ mà thôi. Tôi không đồng ý với những người đã ép ngài đến chỗ thoái vị".[9]

Lời này xem ra thành thực chứ không phải là lời ngoại giao. Vậy:

1- Việc đánh điện vào Huế yêu cầu vua thoái vị, do ai chủ trương?

2- Việc viết hai bức điện tín "giả":

Bức thứ nhất, nhân danh chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu vua thoái vị và bức thứ hai, nhân danh vua Bảo Đại, trả lời và yêu cầu ông Chủ tịch Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời về Thuận Hoá để ngài giao chính quyền, in trên báo Cứu Quốc số 32 (27-8-45) do ai chủ động?

3- Việc thay đổi ngày vua thoái vị, để phù hợp với việc vua trao ấn kiếm cho "đại diện Chính phủ Lâm thời", do ai quyết định?

Theo T.L. trên báo Việt Nam số 56 (19-1-46), trong vụ "cướp chính quyền" hai ông Trần Huy Liệu và Võ Nguyên Giáp có công đầu. Theo Hoàng Văn Hoan, sau Quốc dân Đại hội (16-8) Võ Nguyên Giáp ở lại Tân Trào để hành quân lên Tuyên Quang. Không thấy Hoàng Văn Hoan nhắc đến Trần Huy Liệu trong cả hai buổi Đại hội, có thể ông Liệu ở lại Hà Nội không lên Tân Trào, vì thế mới chủ động mọi việc để có mặt ở Huế ngày 23-8 nhận ấn kiếm vua trao chăng?

Tất cả những câu hỏi này cần phải được khảo sát lại, bởi vì lịch sử không thể là những ước đoán, phỏng chừng.


***

Hợp tác và đối đầu

Tình hình chính trị trong hai năm 1945-1946 cực kỳ phức tạp, không thể diễn tả được trong một chương sách. Ở đây chúng tôi chỉ cố gắng tìm hiểu những nét chính trong giai đoạn khó khăn, hai bên quốc cộng đã từng hợp tác rồi đối đầu, có nhiều thông tin bị bưng bít, qua cái nhìn của một số chứng nhân, đặc biệt một người thuộc gia đình Nguyễn Tường đã tích cực góp phần hoạt động, đó là Nguyễn Tường Bách và của François Guillemot, sử gia Pháp.

Nguyễn Tường Bách, nhân chứng

Nguyễn Tường Bách, em út của Nhất Linh, lúc đầu không trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, dù đã được Nhất Linh rủ vào Đảng Hưng Việt từ năm 1938.

Năm 1944, tốt nghiệp y khoa, tháng 5-1945, ông thực sự "dấn thân", nhận đứng tên làm Giám đốc báo Ngày Nay kỷ nguyên mới cho tới tháng 8-1945 khi tờ báo đình bản. Tháng 10-1945, ông làm tờ Việt Nam thời báo với Khái Hưng, tháng 11-45, Việt Nam thời báo đổi thành tờ Việt Nam, Cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Tháng 2-1946, Nguyễn Tường Bách được gọi về Tổng bộ Quốc Dân Đảng, giữ Bộ Tổ chức. Khái Hưng giữ Bộ Tuyên truyền, một mình trông coi tờ Việt Nam[10].

Sau hiệp định Sơ bộ 9-3-1946, sự liên kết giữa hai khối bắt đầu tan rã. Tháng 5-46, Hội nghị Đà Lạt thất bại, tình hình căng thẳng. Cuộc nội chiến xẩy ra. Nguyễn Tường Bách được lệnh lên Vĩnh Yên cùng với Vũ Hồng Khanh, tổ chức lại Đệ Tam chiến khu Quốc Dân Đảng. Nhưng cuộc chiến mở rộng, Quốc Dân Đảng thua trận, rút dần lên Yên Bái, rồi Lào Cai. Vũ Hồng Khanh ở lại cầm cự với Việt Minh; tháng 6-1946, Nguyễn Tường Bách được phái sang Vân Nam tìm cứu viện, rồi lưu vong ở Trung Quốc. Tháng 3-1949, ông quyết định ở lại Quảng Châu và thoát ly Quốc Dân Đảng.

Nguyễn Tường Bách là người duy nhất trong gia đình Nguyễn Tường, kể lại hành trình cách mạng của mình và đồng bạn cùng những biến đổi của thời cuộc. Ông viết làm hai lần.

Lần đầu, khi còn ở Trung Quốc, ông viết cuốn Việt Nam những ngày lịch sử, khoảng 1979-1980, gửi nhóm Nghiên cứu lịch sử của Nguyễn Khắc Ngữ ở Monréal, in năm 1981[11].

Năm 1988, gia đình ông di dân sang Mỹ. Năm 1995 ông cho in cuốn sách đầu tiên viết ở Mỹ: tiểu thuyết Trên sông Hồng cuồn cuộn.[12]

Sau đó, Nguyễn Tường Bách soạn bộ Việt Nam một thế kỷ qua, hai cuốn, phần 1, in năm 1998, và phần II, năm 2000, đều do Thạch Ngữ xuất bản.

Ngoài ra còn phải kể đến cuốn hồi ký Nguyễn Tường Bách và tôi (2005)[13] của Hứa Bảo Liên, vợ ông, lai Hoa-Việt, sinh ở Hà Nội; quen Nguyễn Tường Bách từ khi còn là học sinh. Tháng 7-1946, Bảo Liên sang Vân Nam du học, rồi gặp lại Tường Bách, cưới nhau cuối năm 1946. Tác phẩm của Bảo Liên viết về cuộc đời trôi nổi của hai người gắn liền với thời cuộc chao đảo của hai nước Việt-Hoa, điểm những thông tin giá trị về nhóm cách mạng lưu vong.

Việt Nam một thế kỷ qua, của Nguyễn Tường Bách, Tập 1, chính là Việt Nam những ngày lịch sử được viết lại và bổ sung. Tập 2, viết tiếp giai đoạn từ cuối năm 1946 đến năm 2000.

Việt Nam một thế kỷ qua, chi tiết hơn, giọng cân nhắc hơn, nhưng một số đoạn trong Việt Nam những ngày lịch sử bị lược bỏ, có lẽ vì e không thích hợp với độc giả di tản ở Mỹ, phần đông chống cộng.

Đối với người nghiên cứu, ngược lại, Việt Nam những ngày lịch sử, vì viết trước, nên đã ghi được những tình cảm sống động, chân thực của tác giả trước thời cuộc 1945-1946, nhất là những suy nghĩ của tác giả về đối phương là Việt Minh lúc bấy giờ.

Tùy trường hợp, chúng tôi sẽ trích dẫn cả hai bộ sách này.

Ngoài ra, xin giới thiệu bộ sách giá trị của François Guillemot Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam, L’échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam, Sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes Savantes, Paris, 2012, mà chúng tôi sẽ gọi tắt là Đại Việt.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học, một tác phẩm công phu, hơn 700 trang khổ lớn, phối hợp thông tin ba phiá: Quốc gia, Việt Minh, và những tin tình báo của Pháp. Một bộ sách lịch sử đáng tin cậy, không những về các đảng Đại Việt mà còn soi sáng những điểm quan trọng khác trong thời kỳ cận đại này.

Thông tin đầu tiên: Nhất Linh còn sống

Năm 1943, lần đầu tiên gia đình Nguyễn Tường nhận được tin Nhất Linh, sau hơn hai năm biệt vô âm tín. Tin quan trọng này đem một nguồn hy vọng mới cho Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, vừa ra tù, biết rằng người lãnh đạo và bạn thân của họ vẫn còn sống, và có lẽ cũng là động cơ thúc đẩy Nguyễn Tường Bách thay đổi chí hướng, tham gia tích cực hơn vào hoạt động cách mạng.

Nguyễn Tường Bách viết:

"Một hôm [đầu năm 1943], tại địa điểm liên lạc bí mật, một anh em ở ngoài về đưa cho tôi một lá thư nhỏ viết trên giấy mỏng. Đúng là chữ của Nhất Linh, những chữ viết lăn tăn nhỏ tý như dính với nhau. Trong thư chỉ có mấy hàng: anh vẫn được yên ổn khoẻ mạnh, buôn bán làm ăn khá hơn trước, đừng lo. Nhưng thế là đủ rồi, sau khi biệt tích hơn hai năm. Mọi người trong gia đình, các bạn hữu đều vui mừng khi biết anh còn yên ổn."[14]

Tóm lại, Nhất Linh "mất tích" trong hơn hai năm, từ cuối 1940, đến đầu 1943 gia đình mới nhận được lá thư đầu tiên xác nhận Nhất Linh còn sống. Tiếp theo đó, lại một tin mừng khác:

"Lúc ấy, lại thêm một tin mừng: các anh Long, Khái Hưng, Gia Trí và một số anh em khác được tha về; nhưng vẫn bị quản thúc. Có lẽ bọn Pháp thấy không nên quá ư hà khắc, cần phải lấy lòng giới trí thức người Việt."[15]

Khái Hưng từ khi chia tay cũng không nhận được tin gì của Nhất Linh. Sau này, năm 1945, ông thể hiện trong truyện Xiềng Xích, lúc đi trốn[16], niềm nhớ và nỗi lo sợ cho bạn:

"Bản chương trình mà bọn mật thám lai vừa tóm được ở nơi trụ sở của đảng, như người ta đã báo cho Ái [Khái Hưng] biết. Nhưng Lực [Nhất Linh] người thảo ra bản chương trình ấy thì chàng bặt hẳn tin tức. Lực hiện giờ ở đâu? Liệu có trốn thoát không? Ái lo lắng buồn phiền nghĩ đến Lực, linh hồn của sự hành động, nhất là trung tâm điểm của sự thù ghét người Pháp"[17]

Tại sao có sự lo sợ ấy? Bởi vì, như chúng ta đã thấy qua truyện ngắn của Hồ Lễ và Đỗ Tốn[18], những thanh niên trốn Pháp sang Tàu, năm 1941-42, rất ít người sống sót trở về. Như Băng, vợ Đỗ Tốn, cũng kể chuyện Vinh, người bạn gái, trung uý, làm việc với bà tại dinh tướng Trương Phát Khuê, đã giúp bà đào ngũ về nước: Vinh trốn sau, bị giết ở dọc đường.

Những điều trên đây giải thích tại sao gia đình Nguyễn Tường và Khái Hưng lo lắng trong hơn hai năm bặt tin Nhất Linh.

Những chuyển biến lịch sử

Trong ba người bị bắt cuối năm 1941, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng; Khái Hưng được về sớm nhất[19], tiếp đến Nguyễn Gia Trí, và sau cùng, Hoàng Đạo được về vào mùa thu 1943[20].

Nguyễn Tường Bách ghi lại: "Nghỉ ngơi một thời gian, anh em lại bắt tay vào việc. Anh Khái Hưng chuyên trông coi nhà xuất bản, nhà in. Còn anh Hoàng Đạo và tôi kiêm về việc liên lạc trong ngoài"[21]

Rồi họ chờ đợi. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 17-4-45, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Ngày 5-5-1945, Tự Lực văn đoàn cùng một số nhà văn nhà thơ, xuất bản tờ Ngày Nay kỷ nguyên mới, ủng hộ triệt để chính phủ Trần Trọng Kim, như ta đã biết[22].

Ba tháng sau.

Ngày 15-8-1945, Nhật Bản đầu hàng. Ngày 19-8-1945, Việt Minh lên nắm chính quyền.

Nguyễn Tường Bách thuật lại bối cảnh và tình cảm của Khái Hưng và ông lúc bấy giờ:

"Sáng ngày 18 tháng 8, 1945, Khái Hưng và tôi ngồi ở toà soạn phố Quan Thánh, thì làn sóng người biểu tình mỗi ngày [lúc] một đông, đổ về phía bờ hồ. Có người cầm cờ nhỏ và hô khẩu hiệu. Thỉnh thoảng có vài người đi kèm. Họ vào các nhà xua mời ra đường. Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với sức mạnh của quần chúng và không khỏi ngạc nhiên tại sao lại có nhiều người tham gia như thế. Ngay ở tòa báo, có hai người vào yêu cầu mọi người tham gia. Ở tầng dưới cũng có một số người theo ra. Họ định lên gác khiến chúng tôi thấy khó nghĩ vì khó tìm lý do gì thuận tiện để tạ tuyêt. Nhưng sau không hiểu vì sao họ không lên.

Dù sao chúng tôi cũng tự thấy cô độc trong lúc ấy, tuy chúng tôi chưa có cảm giác là đối lập với Việt minh, nhưng ít ra cũng không phải cùng một phe. Hai nữa, họ vẫn gán cho chúng tôi là thân Nhật tuy rằng sự thật không phải thế. Với đầu óc chính trị non nớt tôi cảm nghĩ rằng mọi người đều ái quốc, đều muốn cho dân tộc độc lập cả, không nên có sự thù hận hay đối địch. Nhưng dù sao Khái Hưng và tôi đều cảm thấy không an toàn nên bàn với nhau nên tạm lánh vào một làng ở ngoại ô. Phiền nỗi lúc đó toàn thành đã đầy cờ đỏ sao vàng. Phan Kế Toại đã đầu hàng. Ở đó cũng không phải là kế lâu dài. Vả lại, sự thực cũng không có gì đáng sợ lắm.

Đâu cũng là Việt minh cả… Khái Hưng vừa đi vừa nói. Tại sao? Đó là câu tôi tự hỏi. Họ tài thật. Chúng tôi không khỏi khâm phục."[23]

Lúc bấy giờ Phan Kế Toại, Khâm sai Bắc bộ xin từ chức, Trần Trọng Kim muốn mời Nguyễn Tường Long thay thế, nhưng ông Long đang bị bệnh thương hàn.[24]

Hoàng Đạo bị bệnh từ cuối tháng 7-1945[25], trong lúc tình hình sôi động. Nhất Linh chưa về. Đại Việt Dân Chính gần như tan rã. Nguyễn Tường Bách viết:

"Riêng về phía các đảng viên Đại Việt Dân Chính cũ, tôi thấy có một điều đáng buồn là số còn hoạt động VNQDĐ rất ít, một phần nằm im, một phần đã chạy sang với Việt Minh, có người đã tham gia vào "Nội Các" Hồ Chí Minh"[26].

Nhóm Tự Lực làm gì trong tình cảnh ấy?

Nguyễn Tường Bách mô tả đời sống mới:

"Báo Ngày Nay [Kỷ nguyên mới] tạm đình bản vì phương châm và nội dung cần biến đổi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn sống yên ổn và mỗi ngày vẫn cà-phê, cờ tướng hay belote. Vẫn duy trì nhà xuất bản Đời Nay và nhà in làm kế sinh nhai cho mấy chục anh em.

Ngày 2 tháng 9, chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập ở quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết từ lâu Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ thời niên thiếu. Éo le là vận mệnh đã làm cho tôi đứng vào hàng ngũ đối lập (…)"[27]

"Mọi người đều chờ đợi quân đội Đồng minh đến tước khí giới quân đội Nhật (…)

Vài hôm sau bỗng có một người trong đảng Xã hội Pháp đến đưa cho tôi một bức thư của anh Tam từ Côn Minh, nhờ đại uý Patterson, tổ trưởng, mang sang và cho biết Đại uý muốn gặp chúng tôi.

Bức thư này đại ý nói quân đội Trung Hoa sắp tiến vào Bắc Việt và nhiều anh em cũng sẽ đi về nước. Bên trong cần chuẩn bị để đón tiếp. Còn anh Tam vẫn cần ở lại Côn Minh một thời gian nữa. Vì không có anh phụ trách nào khác có mặt, tôi phải đến gặp Patterson trong một tòa nhà ở Hàng Trống, trông ra hồ Hoàn kiếm.

Ông ta còn rất trẻ, người hòa nhã và vui vẻ. Ông nói tiếng Pháp rất thạo. Chúng tôi trao đổi một số ý kiến về thời cục trong lúc ở dưới đường có nhiều toán mang cờ đỏ, hô khẩu hiệu đương đi biểu tình. Có lẽ họ cố ý để cho Đại biểu Đồng minh xem.

Patterson bảo anh Tam vẫn khoẻ mạnh. Quân Đồng minh sẽ giúp đỡ cho Việt Nam độc lập, nhưng cuối cùng, ông ta chỏ [trỏ] xuống đường một cách thâm trầm nói bằng tiếng Pháp: Tout est rouge… (Cái gì cũng đỏ cả…) Nhiệm vụ của ông chỉ là liên lạc và xếp đặt việc tiếp thu khí giới của Nhật. Những việc khác sẽ do quân Trung hoa và quân Anh xử lý. Tạm thời họ chưa công nhận chính phủ nào ở Đông Dương, kể cả chính phủ Hồ Chí Minh"[28].

Quân Trung Hoa vào Việt Nam

Ngày 9-9-45, quân đội Trung Hoa bắt đầu tới Hà Nội giải giáp quân Nhật. Tổng số sẽ là 180.000 người thuộc hai lộ quân: Vân Nam, dưới sự điều khiển của Lư Hán và Quảng Tây, dưới sự điều khiển của Tiêu Văn. Một phần bộ đội Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách) cũng từ Trung Hoa về nước. Ngày 18-9-45, đại tướng Lư Hán, Tổng tư lệnh quân đội Trung Hoa đáp máy bay đến Hà Nội[29].

Hoàng Văn Đào viết: "Nguyễn Hải Thần, cụ đã cùng quân đội Trung Hoa trở về nước từ đầu tháng 9, được "Đại Việt Quốc Xã Đảng" [của Nguyễn Xuân Tiếu] tôn lên địa vị lãnh tụ tối cao, thành lập hai trụ sở công khai: số 21 đường Quan Thánh và ở đường Lò Lợn, Hà Nội, kéo lá cờ VNCMĐMH. Nhượng Tống được mời làm Bí thư, Nguyễn Triệu Luật làm Chánh trị Uỷ viên, Tạ Nguyên Hối làm Kinh tài Ủy viên…"[30]

Vũ Hồng Khanh, lãnh tụ Việt Quốc, khởi hành từ Côn Minh ngày 1-9-45, đến 15-9 về tới Lào Cai, gặp nhiều trở ngại, ngày 20-10-45 mới về tới Hà Nội. Kể từ tháng 10-45, Việt Quốc thiết lập trụ sở Trung ương công khai tại trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị[31].

Nguyễn Tường Tam và Nghiêm Kế Tổ về tới Hà Nội cuối tháng 11-45, sau khi bản cam kết "Tinh Thành đoàn kết" được ký kết, sẽ nói đến sau.

Ngày15-12-45, Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh), Đại Việt Quốc Dân Đảng (Trương Tử Anh) và Đại Việt Dân Chính (của Nguyễn Tường Tam) áp dụng nghị quyết thống nhất ba đảng đã ký tháng 5-1945 ở Trùng Khánh, dùng một tên chung là Quốc Dân Đảng. Đảng bộ chia hai bộ phận: bí mật và công khai. Từ nay Đại Việt nằm trong phần hoạt động bí mật, lãnh tụ Trương Tử Anh không ra mặt trên chính trường. Về mặt công khai, cơ quan đấu tranh chính trị của Quốc Dân Đảng là nhật báo Việt Nam và tuần báo Chính nghiã[32].

Hoàng Văn Hoan lo ngại:

"Ở miền Bắc hai mươi vạn quân Tưởng do tướng Lư Hán chỉ huy từ Vân Nam vào để giải giáp quân Nhật, và một đơn vị do tướng Tiêu Văn chỉ huy từ Quảng Tây vào với danh nghiã là đại biểu Trương Phát Khuê giúp cho Việt Nam Cách mạng Đồng Minh Hội thành lập chính phủ. Đây mới là vấn đề cực kỳ phức tạp"[33].

Và ông giải thích sự khôn khéo của chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hoàn cảnh:

"Nắm được dân, tích cực chuẩn bị chiến đấu nhưng không nóng nảy trước sự khiêu khích, đồng thời khôn khéo làm công tác với Tôn Văn và Lư Hán đó là bí quyết để phá tan cái ảo tưởng ngông cuồng "Diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh" của Tưởng Giới Thạch"[34]

Việc "khôn khéo làm công tác với Tiêu Văn và Lư Hán" mà Hoàng Văn Hoan nói ở đây chính là việc chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt, và lo liệu để ông được tha, xảy ra vào cuối tháng 9-45.

Theo Đoàn Thêm: "Ngày 29-9-45, quân đội chính phủ Trung ương Trung Hoa, chiếm đóng Vân Nam phủ, buộc tướng Long Vân[35] tỉnh trưởng Vân Nam về Trùng Khánh đợi lệnh, và ngày 30-9-45, theo nhiều tin đồn, tướng Tiêu Văn và tướng Lư Hán nhận nhiều quà tặng như bộ đồ hút thuốc phiện bằng vàng"[36]

Những tin đồn này, không phải là vô bằng cớ.

Francois Guillemot, ghi lại tin tức của tình báo Pháp:

"Tướng Lư Hán, Tư lệnh quân đội Trung Hoa tại Việt Nam, trước ở dưới quyền Long Vân, kẻ thù của Tưởng Giới Thạch. Sau khi quân đội quốc gia chiếm Vân Nam, Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho Lư Hán bắt Hồ Chí Minh, và thay thế chính phủ của Hồ Chí Minh bằng chính phủ của Nguyễn Hải Thần. Sau những thương lượng mờ ám (Hồ Chí Minh trước đã ra lệnh quyên "tuần lễ vàng", sau biếu Lư Hán một lư hương và hai con hạc, tất cả cân nặng 25 kg), Hồ Chí Minh được tha và các tướng Tàu gửi một bản báo cáo lên Tưởng Giới Thạch nói rằng Việt Minh rất được lòng dân và đề nghị một giải pháp trung hạn là lập một chính phủ trong đó có đủ các thành phần chính trị Việt Nam."[37]

Tình hình nguy hiểm của Hồ Chí Minh, cũng được cựu hoàng Bảo Đại kể lại:

"Hoàn cảnh mỗi ngày một khó khăn cho Hồ Chí Minh. Tự cảm thấy bất an, ông ta thay đổi chỗ ở hàng đêm, để ngủ ở những ngôi nhà trưng dụng rải rác khắp trong thành phố. Ông ta vẫn đặt tín nhiệm hoàn toàn nơi tôi và chỉ riêng một mình tôi được biết chỗ ngủ của ông ta.

Ông tỏ ra lo ngại rất nhiều cho sự an ninh của tôi, hơn cả chính tôi nữa."[38]

Hoàng Văn Hoan viết tiếp:

"Để Tiêu Văn và Lư Hán bớt lo ngại, ngày 11-11-1945, Hồ Chủ Tịch công khai tuyên bố: "Đảng Cộng Sản Đông Dương tự giải tán", người cộng sản sẽ là những hội viên của "Hội nghiên cứu chủ nghiã Mác". Về việc này, tôi được phái vào các tỉnh Khu bốn để giải thích cho các Đảng bộ biết, vì thời cục chúng ta phải tuyên bố như vậy, nhưng Đảng vẫn tồn tại, vẫn bí mật hoạt động để lãnh dạo nhân dân đấu tranh.

Viêc tuyên bố Đảng Cộng sản tự giải tán đã làm cho tình hình bớt căng thẳng.

Ngày 19 tháng 11, Tiêu Văn lấy danh nghiã đại biểu Trương Phát Khuê đứng ra tổ chức một cuộc hội nghị hoà giải có Quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Việt Minh tham gia. Sau khi bàn bạc, cả ba phái đều thoả thuận thành lập một Chính phủ liên hiệp, quân đội các bên không dùng vũ lực giải quyết các vấn đề bất đồng, đồng thời chấm dứt việc công kích nhau trên báo chí."[39]

Hoàng Văn Hoan cũng không quên nhắc lại công lao của Tiêu Văn đối với Việt Minh:

"Trong việc đấu tranh với Việt Quốc, Việt Cách, nếu Tiêu Văn không đóng một vai trò dàn xếp đắc lực, không công nhận vai trò quan trọng của Hồ Chủ tịch trong Chính phủ liên hiệp, thì tình hình Việt Nam lúc đó có thể phát triển theo chiều hướng khó khăn cho cách mạng nhiều hơn"[40]

Tất cả những điểm này đều đúng như sự việc đã xảy ra, và giải thích tại sao Hồ Chí Minh chấp nhận dễ dàng việc lập chính phủ Liên hiệp và việc ông giải thể Đảng Cộng sản.

Ngày 11-11-45: Đảng Cộng sản Đông dương tuyên bố tự giải tán, trở thành Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Ngày 19-11-45, một văn kiện thứ nhất, ký giữa ba bên: Việt Quốc, Việt Cách và Việt Minh, đồng ý một nguyên tắc chung tối cao của cuộc hợp tác giữa ba đảng do Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Hồ Chí Minh đồng ký.

Ngày 24 tháng 11 năm 1945, một văn kiện thứ nhì, được gọi là Tinh thành đoàn kết, mở rộng hơn với sáu đại biểu ký nhận: Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Lê Tùng Sơn, Cù Huy Cận, Phan Trâm.

Ngày 1-1-46 Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ra mắt tại nhà Hát Lớn Hà Nội.[41]

Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, chỉ có ba ghế dành cho đối lập là: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Long và Trương Đình Trí.

Trên báo Việt Nam, đối lập đòi một Chính phủ Liên hiệp đúng nghiã.

Ngày 24-2-46, thỏa hiệp thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được ký tại sứ quán Trung Hoa[42].

Ngày 2-3-1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra mắt tại nhà Hát Lớn[43].

Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến thực sự có các thành phần đảng phái khác nhau.

Theo François Guillemot:

"Ngày 10-2-1946, Việt Nam Quốc Dân Đảng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm thứ 16 ngày VNQDĐ khởi nghiã ở Yên Bái với diễn binh và biểu tình. Trong không khí tưng bừng, Nguyễn Tường Tam, nhà văn mà hào quang không hề giảm trong quần chúng, chính thức về tới Hà Nội ngày 12-2-1946 cùng với Nghiêm Kế Tổ. Sự trở về của ông được chào mừng bằng một buổi đại hội của Việt Nam Quốc Dân Đảng"[44]

Vẫn theo François Guillemot, một note của tình báo Pháp [Trung tá Reption-Preneuf, Chủ nhiệm Phòng nhì (deuxième bureau)] cho biết sắp có cuộc đảo chính đưa Nguyễn Tường Tam lên nắm chính quyền. Một nguồn khác nói đến Trần Trọng Kim hay cố vấn Vĩnh Thụy. Nhờ Tiêu Văn, giải pháp lật đổ Hồ Chí Minh được bỏ qua, nhưng vị trí của Hồ Chí Minh lúc đó khá bấp bênh[45].

Một mặt khác, Tưởng Giới Thạch bước vào tình thế phải đương đầu với Mao Trạch Đông, đang mạnh dần, nên đã điều đình với Pháp, để rút quân về: Ngày 28-2-46, Pháp-Hoa ký hiệp ước Trùng Khánh: Pháp trả lại Tàu một phần lãnh địa đã chiếm và Tàu thừa nhận chủ quyền Pháp ở Đông Dương. Quân Tưởng sẽ rút lui từ ngày 1 đến 15-3-46 để cho quân Pháp tiến ra Bắc. Có thể cả hai bên quốc cộng ở Việt Nam lúc đó, nhiều người chưa biết có hiệp ước Trùng Khánh.

Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến

Ngày 6-1-46, bầu cử quốc hội. Tất cả có 356 ghế. Các đảng phái quốc gia chống tổng tuyển cử, không tham dự.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp khoá đầu ở nhà Hát Lớn Hà Nội, chấp thuận dành 70 ghế cho khối quốc gia (do điều đình), nhận sự từ chức của Chính phủ Lâm thời (thành lập ngày 1-1- 46) và xác định thành phần Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Đồng thời thành lập:

- Ban Cố vấn tối cao do Vĩnh Thụy làm Chủ tịch.

- Uỷ ban kháng chiến gồm 9 uỷ viên, Chủ tịch Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh – Uỷ ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch là Nguyễn Văn Tố.

Thành phần Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến gồm có:

Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần; Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc); Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (Trung lập); Kinh tế: Chu Bá Phượng (Việt Quốc); Tài chính: Lê Văn Hiến (Việt Minh); Quốc phòng: Phan Anh (Trung lập); Y tế: Trương Đình Trí (Việt Cách); Giáo dục: Đặng Thai Mai (Việt Minh); Tư pháp: Vũ Đình Hoè (Đảng Dân chủ); Công chính: Trần Đăng Khoa (Đảng Dân Chủ); Canh nông: Bồ Xuân Luật (Việt Cách)[46].

Đây là một chính phủ liên hiệp đúng nghĩa.

Theo Nguyễn Tường Bách, quốc hội giữ lại cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài Tiến quan ca làm quốc ca, ông phân tích tình hình lúc bấy giờ:

"Việc làm trước nhất là phải hô hào các đảng phái đình chỉ xung đột… Ở một vài khu, xung đột võ trang đã tạm ngưng… Nhưng ở nhiều nơi thì họ vẫn choảng nhau như thường… Báo Việt Nam thì vẫn bút chiến với những báo của nhà nước… Thống nhất quân đội vẫn là việc hắc búa nhất. Kết quả hiển nhiên là anh Vũ Hồng Khanh và vài người khác đều ngồi ở bàn giấy Bộ Quốc Phòng bên cạnh anh Giáp (…)

Việc thành lập Chính phủ Liên hiệp đáng lẽ phải là một bước lớn trong việc [đoàn kết] này. Nhưng trong lúc ấy cả phe Việt Minh lẫn phe Quốc gia đều cảm thấy có hai địch thủ trước mặt, một là phe bên kia và một là Pháp. Nhưng Pháp thì hãy còn xa[47] mà phe bên kia thì ở ngay sát nách. Việc đoàn kết thuần tuý không thể có và không bao giờ tồn tại. [Chúng tôi in đậm] Phe Quốc gia vẫn muốn dựa vào quân Tưởng để đoạt lấy quyền hay ít ra cũng chiếm lấy một địa bàn rộng làm căn cứ (…) Còn Việt Minh đã dùng một sách lược vô cùng khôn khéo, lợi dụng sự triệt thoái của quân Trung Hoa, tiêu diệt địch thủ trước khi quân Pháp mở cuộc tấn công lên miền Bắc. Vả lại lực lượng của họ mạnh hơn phe Quốc gia quá nhiều nên làm thế không phải là khó khăn."[48]

Theo François Guillemot, về phía đảng bộ Việt Minh, một bản thông cáo của Uỷ ban Trung ương, được phát hai ngày trước khi khi ký hiệp định Sơ bộ. Khoản VIII, nhấn mạnh:

"Giải pháp "đánh đến cùng" không những làm yếu sức và cô lập chúng ta, mà còn có cơ giúp cho bọn Nguyễn Hải Thần, bọn phản động Việt Quốc nắm được chính quyền thực sự để bán nước cho thực dân Pháp". Khoản IX, điều 2, ghi:

"Dùng thời gian hoà hoãn với Pháp để tiêu diệt bọn phản động ở trong nước – tay sai của Tàu Tưởng – và trừng phạt những hành động khiêu khích nhằm gây chia rẽ giữa ta và Pháp"[49]

Báo Việt Nam

Từ ngày Việt Minh lên nắm chính quyền ngày 19-8-45, nhóm Tự Lực không động tĩnh gì trong gần hai tháng, có lẽ còn chờ tin tức Nhất Linh và Hoàng Đạo đang ốm thương hàn.

Nhưng đến giữa tháng 10-45, họ có quyết định ra báo, đó là tờ Việt Nam thời báo, số 1 ra ngày 22-10-45, do Nguyễn Trọng Trạc, một đảng viên Đảng Xã hội (ôn hoà) làm Giám đốc, Trần Khánh Giư, chủ bút. Tờ báo này có tính cách thăm dò, chưa ra mặt chống đối Việt Minh, Nguyễn Tường Bách viết:

"Về mặt công khai, chúng tôi với anh Nguyễn Trọng… [Trạc] quyết định ra một tờ báo hàng ngày lấy tên là Việt Nam [thời báo]. Chủ yếu là đăng tin tức và hô hào bảo vệ độc lập, chống đế quốc, phong kiến"[50].

Việt Nam thời báo ra đến số 20 (14-11-45), đột nhiên ngày hôm sau trở thành tờ Việt Nam, Cơ quan của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Số 1 (15-11-45), in hai văn bản quan trọng là Tuyên Ngôn của Việt Nam Quốc Dân ĐảngLời kêu gọi các anh em cách mệnh trong Việt Minh, trên trang nhất.

Nguyễn Tường Bách giải thích:

"Việc ra công khai của đảng tại Hà Nội và nhiều tỉnh đòi hỏi tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài việc truyền thanh và rải truyền đơn ra, cần phải có một tờ báo để phổ biến cương lĩnh chính trị và đường lối của đảng, cùng mọi tin tức về hoạt động các nơi. Đứng trước nhu cầu và sau khi bàn luận với anh Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng liền thực hành ngay một hành động rất cách mạng: đổi ngay tờ Việt Nam thời báo sang tờ "Việt Nam Cơ quan ngôn luận của VNQDĐ" mà không báo trước cho ông chủ nhiệm là Nguyễn Trọng Trạc biết, vì sợ nếu Trạc phản đối thì sẽ kéo dài thời giờ."[51]

Dĩ nhiên là Nguyễn Trọng Trạc phản đối và đòi bồi thường thiệt hại.

Tờ Việt Nam, không đề tên chủ bút, chủ nhiệm, và trị sự. Tuy nhiên, theo Nguyễn Tường Bách, ông được "Trung ương đặt làm chủ nhiệm kiêm chủ bút", và ông viết:

"Làm báo Việt Nam, quả là một cuộc đấu chọi rất găng hàng ngày. Luôn luôn phải tìm ra những vấn đề gay go, phải công kích những luận điệu xuyên tạc của tờ Cờ Giải Phóng hay tờ Độc Lập"[52]

Nội dung tờ báo đối lập đầu tiên

Tờ Việt Nam phản ảnh tình trạng gay go lúc bấy giờ giữa hai bên quốc-cộng.

Việt Nam số 1 (15-11-1945) in Bản Tuyên Ngôn của Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đầu, đây là một bản "hiệu triệu quốc dân", ý nói: sau bao nhiêu năm tranh đấu bí mật "hôm nay Việt Nam Quốc Dân Đảng mới được đường hoàng công khai ra mắt quốc dân". Gợi lại sự hy sinh của những vị anh hùng trong quá khứ: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ký Con, Xứ Nhu, Lê Hữu Cảnh và các anh em khác; và giới thiệu hai lãnh tụ mới: Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh (lúc đó Nguyễn Tường Tam chưa về); chỉ trích Việt Minh "trong hai tháng qua [tháng 9 và tháng 10-45] đã thi hành một chính sách sai lầm", "đã khủng bố các chính đảng"… Và đề nghị một "chính sách đoàn kết dân tộc của Việt Nam Quốc Dân Đảng"…

Tiếp đó là bài Lời kêu gọi các anh em Cách mệnh trong Việt Minh, với chủ đích "chiêu hồi", kéo người "bên kia" về với mình. Bài thứ ba, đóng khung, bên phải, tựa đề: "Chủ trương của Việt Nam Quốc dân đảng", nêu ra chín điểm kêu gọi đoàn kết giữa các chính đảng để đánh Pháp.

Việt Nam số 2 (17-11-45), giọng đặc biệt công kích, với hai cái tựa: "Cần phải đả đảo chính sách khủng bố" và "Những thủ đoạn phát xít của Việt Minh".

Việt Nam số 4 (18-11-45), giọng hòa hoãn: "Thế nào là một chính phủ liên hiệp quốc gia chân chính", vì lúc đó Tiêu Văn đã bắt đầu "buộc" hai bên hoà giải.

Việt Nam số 10 (25-11-45) số đặc biệt về tinh thần đoàn kết, với những cái tựa: Ý nghiã sự đoàn kết của đại biểu VNQDĐ; Ngày đoàn kết; Các đảng phái hãy đoàn kết… Đặc biệt in lại hai văn bản quan trọng, có tính cách lịch sử:

- Văn bản thứ nhất, ký ngày 19-11-45, giữa ba bên: Việt Quốc, Việt Cách và Việt Minh.

Bản ký kết ngày 19-11-45.

Nguyên tắc chung tối cao của cuộc hợp tác giữa: Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội, Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Minh do Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Hồ Chí Minh là đại biểu của ba đoàn thể kể trên:

1- Thành lập một chính phủ nhất trí, tổ chức quân sự tối cao (bao quát: danh xưng, tổ chức hệ thống, sắp đặt nhân sự và quốc huy quốc kỳ, vân vân).

2- Định rõ chính cương, chính sách, phát biểu, tuyên ngôn liên hợp (bao quát: nguyên tắc kiến quốc tối cao, ngoại giao, nội chính và chính sách đối với Hoa kiều, vân vân).

3- Hết thảy quân đội phải thuộc về quốc gia (bao quát: các đảng, các phái phải đem võ lực của mình ra, chớ không có thể tự kiến quân riêng).

4- Chỉ nói đến sự sinh tồn của quốc gia chớ không được nói đến những sự tranh dành của đảng phái (bao quát: hết thảy các đảng phái phải y theo quy tắc được tự do phát triển, hỗ tương báo chứng, không được dùng thủ đoạn phi pháp để phá hoại đối phương).

5- Triệu khai hội nghị quân sự (bao quát: thương thảo việc tiến quân vào Trung Nam bộ và vấn đề kiến quân về hết thảy mọi phương diện.

6- Quyết không đổ máu giữa người Việt Nam với người Việt Nam.

7- Kiên quyết huỷ diệt các xí đồ [mưu kế] thực dân của đế quốc Pháp để dành lấy sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam.

Ký tên:

Nguyễn Hải Thần

Hồ Chí Minh

Vũ Hồng Khanh."

- Văn bản thứ hai là Tinh thần đoàn kết, tức Tinh thành đoàn kết, là bản cam kết ngày 24 tháng 11, có sáu đại biểu ký nhận:

"Ngày 24 tháng 11 năm 1945 sáu đại biểu là:

Nguyễn Hải Thần

Hồ Chí Minh

Vũ Hồng Khanh

Lê Tùng Sơn

Cù Huy Cận

Phan Trâm [Nguyễn Tiến Hỷ]

Khai hội thảo luận việc đoàn kết để cứu quốc. Trong cuộc thảo luận, các đại biểu đều khai thành bố công rất là thắm thiết.

Lúc khai hội rồi các đại biểu đồng ý mấy điều sau này:

1- Hai bên đều đăng báo không được công kích lẫn nhau bằng lời nói và bằng hành động.

2- Hai bên đều kêu gọi đoàn kết.

3- Hai bên đều kêu gọi ủng hộ kháng chiến ở Nam bộ

4- Hai bên đều phụ trách thực hiện ba điều trên đó.

Những việc thảo luận hai bên sẽ đồng thời tuyên bố sau.

Ký tên:

Nguyễn Hải Thần Hồ Chí Minh

Phan Trâm Vũ Hồng Khanh

Lê Tùng Sơn Cù Huy Cận"

Hai văn bản này đánh dấu sự cộng tác đầu tiên giữa hai bên quốc cộng. Tiếc rằng sự đoàn kết và những điều hứa hẹn trong hai văn bản lịch sử này chỉ mấy tháng sau là bị bỏ qua.

Việt Nam số 20 (7-12-45), trở tại trở lại giọng bút chiến, đả phá chương trình Tổng tuyển cử do chính phủ Hồ Chí Minh đề ra, với bài Một cuộc tổng tuyển cử giả mạo.

Cuối tháng 12-45, khi việc thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, sắp hoàn tất, Việt Nam số 36 (26-12-45), đăng bài: Một kết quả đáng mừng cho dân tộc – Việc thành lập một chính phủ liên hiệp sẽ thực hiện. Việt Nam số 40 (30-12-45) có bài góp ý với chính phủ mới: Chính sách của chính phủ cần phải thay đổi- Vấn đề tự do dân chủ.

Báo Việt Nam số 41 (1-1-46)

Việt Nam số 41 (1-1-46) đăng tít lớn: Sáng hôm nay 1-1-1946 đúng tám giờ tại nhà Hát Lớn toàn thể Chính phủ Liên hiệp quốc gia lâm thời Việt Nam sẽ làm lễ tuyên thệ tựu chức. Xin mời dân chúng đến dự thực đông để làm tôn phần long trọng cho cuộc lễ. Việt Nam số 42 (3-1-46) có bài tường thuật: Lễ tựu chức của Chính phủ Quốc gia Liên hiệp Lâm thời

Buổi lễ "long trọng" này không khoả lấp được những đòi hỏi của Việt Quốc và Việt Cách, tựu trung họ chỉ có ba ghế: Nguyễn Hải Thần (Phó Chủ tịch), Nguyễn Tường Long (Bộ trưởng Kinh tế) và Trương Đình Trí (Bộ trưởng Y tế), trong một chính phủ 16 ghế.

Nửa tháng sau, báo Việt Nam số 53 (16-1-46), in chân dung Nguyễn Tường Tam, với lời giới thiệu long trọng:

"Báo Việt Nam trân trọng báo cáo để anh chị em đồng chí và quốc dân đồng bào biết rằng anh Nguyễn Tường Tam, một đảng viên V.N.Q.D.Đ. sau 5 năm hoạt động cách mệnh ở hải ngoại đã trở về nước để phụng sự tổ quốc trong công cuộc dành độc lập và kiến thiết quốc gia".

Chân dung Nguyễn Tường Tam trên Việt Nam số 53 (16-1-46)

Báo Việt Nam giới thiệu chân dung nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam, lưu vong 5 năm, nay đã trở về để phụng sự tổ quốc. Thực ra, theo Nguyễn Tường Bách, cuối tháng 11-45, Nguyễn Tường Tam đã về đến Hà Nội, nhưng đến ngày 16-1, mới ra mắt công khai.

Báo Việt Nam số 60 (24-1-46), giới thiệu Nghiêm Kế Tổ, với những lời nồng nhiệt không kém: "Báo Việt Nam trân trọng báo để quốc dân biết đồng chí Nghiêm Kế Tổ, Uỷ viên ngoại giao của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã về nước. Đồng chí Nghiêm Kế Tổ đã đáp máy bay từ Trùng Khánh về tới Hà Nội, sau 16 năm phấn đấu không ngừng cho cách mệnh và Tổ quốc". số 61 (25-1-46) in bức vẽ phác Nghiêm Kế Tổ. Đây cũng là một tuyên truyền chính trị, vì Nghiêm Kế Tổ cũng đã về nước từ cuối tháng 11, nay mới công khai ra mặt.

Kể từ hạ tuần tháng 1-46, báo Việt Nam trở lại vai trò của một tờ báo đối lập quyết liệt hơn.

Số 55 (18-1-46), có bài Sự bất lực của ba bộ quan trọng nhất trong Chính phủ Lâm thời, chỉ trích sự bất lực của Trần Huy Liệu trong chức Bộ trưởng Tuyên truyền, Chu Văn Tấn được đưa ra làm Bộ trưởng Quốc phòng để làm vì, bởi vì Võ Nguyên Giáp kiêm cả hai bộ Nội vụ và Quốc phòng. Và bài Một toán quân nhiễu loạn đánh úp Việt Trì – Chúng tôi chất vấn cụ Hồ và ông Võ, bài này tố cáo Việt Minh đánh úp Quốc Dân Đảng ở Việt Trì.

Số 56 (19-1-46), có bài: Dân chủ hay độc tài? Một chính phủ trong đó một người kiêm giữ cả hai bộ Nội vụ và Quốc phòng có thể bị ngờ vực là một chính phủ độc tài lắm.

Bài này vẫn công kích Trần Huy Liệu và Võ Nguyên Giáp, được coi là có công nhất trong vụ "cướp chính quyền", nhưng "chính phủ lâm thời, hay nói thẳng là chính phủ Giáp-Liệu là một chính phủ độc tài mất rồi (…) bộ Nội vụ và bộ Quốc phòng ở dưới quyền chỉ huy của một người" (ý nói ông Chu Văn Tấn làm Bộ trưởng Quốc phòng "bù nhìn", ông Giáp kiêm cả Nội vụ lẫn Quốc phòng) "Và người ta ngờ rằng cả chức Tổng tư lệnh quân đội cũng ở trong tay ông (…) Ông Giáp chỉ có thể là một nhà độc tài và chính phủ trong đó bao nhiêu quyền binh ở trong tay một hay hai người, chỉ có thể là một chính thể độc tài." T.L.

Không cần phải đoán cũng biết T.L. là Tường Long, qua giọng văn cứng rắn của một chính trị gia, và cũng chỉ có Nguyễn Tường Long mới đủ tư thế chính trị để chạm đến hai ông Giáp, Liệu. Hai người này đã có chân trong hai chính phủ đầu tiên của cụ Hồ: Chính phủ Lâm thời (30-8-45) và chính phủ Liên hiệp Lâm thời (1-1-46). Rất có thể vì bài này mà tới khi thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, cả hai ông Liệu-Giáp đều rút lui.

Việt Nam số 62 (26-1-46) đòi hỏi việc thành lập Chính phủ Liên hiệp Chính thức.

Số 64, Tết Bính Tuất (30-1-1946) ngoài ba bài Những ngày phiêu bạt của Hồ Lễ, Tết đầu tiên ở hải ngoại của Nguyễn Tường Tam và Ả Hẩu của Đỗ Tốn, đã giới thiệu trong chương trước, còn có truyện ngắn Tây xông nhà của Khái Hưng; Mấy lời chúc tết của Nguyễn Hải Thần; tổng kết Một năm lịch sử của Nguyễn Tường Bách; Một giai thoại về bói Kiều với Nguyễn Thái Học Tết Canh Ngọ của Vũ Hoằng, và Đảo Côn Lôn của Xuân Tùng.

Đầu tháng 3-1946, có biến cố quan trọng là việc thành lập Chính Phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Việt Nam số 88 (3-3-46) đưa tít: Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến đã thành lập hôm qua. Và trang trọng đăng danh sách Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, thành lập ngày 2-3-46.

Số 89 (5-3-46) hô hào: Đoàn kết! Chỉ có một con đường sống là đoàn kết chặt chẽ.

Ngày 9-3-1946, Hiệp định Sơ bộ được ký kết.

Việt Nam số 93 (9-3-46) lập tức có bài Phê bình hiệp định sơ bộ Việt Pháp và phụ khoản đính kèm bản hiệp định ấy. Những số báo tiếp theo tiếp tục chống đối bản hiệp ước và nêu ra những ý muốn không tốt của người Pháp.

Việt Nam số 97 (14-3-46) sự chống đối Pháp trỏ nên quyết liệt vói bài: Bản hiệp định sơ bộ coi như đã bị xé. Chính phủ Việt Nam phải lập tức tìm cách đối phó. Bài này ký tên Vũ Hoàng nêu lên 5 điểm Pháp đã vi phạm hiệp định sơ bộ và yêu cầu chính phủ tìm cách đối phó, nếu không bản hiệp định coi như đã bị xé.

Số 98 (15-3-46): Có bài: Ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam đã yêu sách Đô Đốc d’Argenlieu mở cuộc đàm phán chính thức, và phản kháng việc quân Pháp đang tập trung ở khắp các mặt trận.

Số 100 (17-3- 46), có bài: Muốn tránh khỏi cái vạ diệt vong, cái nhục nô lệ, chỉ có một con đường: Cương quyết kháng chiến. Và đăng Bài diễn văn của ông Bộ trưởng Nguyễn Tường Tam đọc trước các nhà báo Hoa, Mỹ, Việt. Bài diễn văn này phản đối thái độ của Pháp, mặc dù đã ký Hiệp định Sơ bộ nhưng vẫn tiếp tục gây hấn ở Trung bộ và Nam bộ, ngăn cản việc tổ chức hoà đàm [ý nói việc tổ chức hội nghị Đà Lạt] để dẫn đến một nước Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, như đã giao ước.

Số 112 (31-3-46): Có bài Chủ nghiã tùy cơ ứng biến của Thực dân Pháp, mấy lời tâm huyết ngỏ cùng chính phủ và đồng bào quốc dân, bài này chắc Hoàng Đạo viết, tha thiết nói với quốc dân về sự tùy cơ ứng biến trong chính sách của thực dân, và khi nào dân tộc ta đoàn kết thì thắng, khi nào dân tộc ta chia rẽ thì thất bại.

Và bài: Phỏng đoán những lý do lời đề nghị của ông D’Argenlieu trì hoãn hòa đàm chính thức. Bài này muốn vạch trần lý do trì hoãn việc tổ chức hội nghị trù bị Đà Lạt của D’Argenlieu. Đó là số báo Việt Nam cuối cùng chúng tôi có được.

Tựu trung, Việt Nam là tờ báo đối lập có trách nhiệm, thường chĩa mũi dùi vào thực dân Pháp hơn là chống chính phủ. Dù có đả kích hai ông Giáp-Liệu, nhưng không động tới cụ Hồ.

Sau này, Nguyễn Tường Bách viết cảm tưởng của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hồi ký, như sau:

"Tôi được gặp mặt chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên trong một bữa tiệc do Chính phủ chiêu đãi. Dự dạ tiệc có nhiều Tướng tá Trung hoa và nhiều nhân vật có danh tiếng. Ấn tượng của người cách mệnh kiên cường Nguyễn Ái Quốc vẫn ghi sâu trong trí óc tôi. Ngày nay, sau bao năm bị đế quốc truy nã, người ấy đã lãnh đạo được dân chúng Việt Nam đoạt được độc lập; đánh đổ được chế độ phong kiến. Dù người ta không ưa Cộng sản thế nào đi nữa, không ai phủ nhận được trí bất khuất và tài lãnh đạo của ông.

Trong thâm tâm, tôi không không hề phản đối công nông được giải phóng, ít nhiều chúng tôi đã chịu ảnh hưởng của những sách báo nói về Liên Xô. Éo le là tại sao lại bị lôi cuốn vào hàng ngũ đối lập… Với lòng hiếu kỳ lẫn khâm phục, tôi nhìn người chiến sĩ gầy và hơi thấp, với đôi mắt sáng, với bộ quần áo kaki vàng giản dị, một ông già có thể gọi là mẫu mực Việt Nam".[53]

Tờ Việt Nam ra đến đầu tháng 12-46 thì ngừng, theo quảng cáo in trên báo Chính Nghiã.

Nguyễn Tường Bách phụ trách tờ Việt Nam cùng với Khái Hưng đến tháng 2-46, thì được chuyển lên làm ở Trung Uơng đảng bộ. Một mình Khái Hưng phụ trách tờ Việt Nam, có Chàng lẩn thẩn giúp sức. Chàng lẩn thẩn là một người khác, không phải Khái Hưng như hầu hết mọi người đều lầm tưởng.

Đến tháng 5-46, Khái Hưng cho ra thêm tờ tuần báo lấy tên là Chính Nghiã, số 1 ra ngày 20-5-46, với sự cộng tác của Nhượng Tống. Chính Nghiã sẽ là tờ báo sau cùng của Khái Hưng, số chót 28 ra ngày 16-12-46. Ngày hôm sau, 17-12-46, Khái Hưng đưa gia đình về quê vợ, làng Dịch Diệp, Nam Định. Từ đó ông không trở lại văn đàn nữa. Về những ngày tháng và các tác phẩm sau cùng của Khái Hưng, chúng tôi sẽ trình bày trong chương tới.

Hiệp định sơ bộ và hậu quả

Ngày 6-3-1946, Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh và Sainteny với hai điều khoản chính:

1- Pháp nhìn nhận Việt Nam là một nước tự do, tự trị, trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp.

2- Việt Nam sẵn sàng đón tiếp quân Pháp đổ bộ thay thế quân đội Trung Hoa.

Ngày hôm sau, 7-3-46, một cuộc mít tinh được tổ chức trước nhà Hát Lớn để giải thích về việc ký Hiệp định Sơ bộ, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh lên tuyên bố vắn tắt, Hồ Chí Minh chấm dứt bài diễn văn bằng lời thề nổi tiếng: "Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước"[54]. François Guillemot viết:

"Những người quốc gia, đặc biệt Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã từng thấy các liệt sĩ hy sinh ở Yên Bái, không thể chịu nổi. Đảng của Nguyễn Thái Học trở lại phương pháp bạo động. Sau khi [Hồ Chí Minh] dứt lời, ngày 7-3, một thanh niên tên Văn ném một trái lựu đạn lên khán đài nhưng không trúng ai. Anh ta bị Công An Việt Minh bắt ngay cùng với ba người cầm lựu đạn khác. Những trái lựu đạn này chắc chắn nhắm vào Hồ Chí Minh và chính phủ của ông. Việt Minh điều tra cho rằng Giáo Mười tức Hùm Xám (Đặng Tử Kính), người cầm đầu ban Ám sát của Quốc Dân Đảng chủ mưu. Hành động đầu tiên này chứng tỏ, một phần của Quốc Dân Đảng đã quyết định, bằng mọi giá, phải chiếm lại chính quyền bằng võ lực"[55].

Theo Võ Nguyên Giáp thì kẻ ném lựu đạn quên mở chốt, bị bắt ngay và việc này xảy ra trước khi đọc diễn văn[56].

Nguyễn Tường Bách viết:

"Ngay sau khi công bố hiệp định, lập tức có một số anh em tụ tập hô to khẩu hiệu phản đối: Hiệp định đầu hàng… Hội đồng chuột… Mấy hôm sau, mấy trăm người tự động biểu tình chống đối Hiệp định. Khi họ đi qua bót cảng sát Hàng Đậu thì xẩy ra xung đột giữa cảnh sát và quân tự vệ. Một số người bị bắt giam"[57]

Võ Nguyên Giáp viết:

"Ta nhận cho mười lăm ngàn quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam trong một thời gian được quy định, để tống đi khỏi đất nước mười tám vạn quân Tưởng tàn ác, đã từng tuyên bố ở lại đây vô thời hạn"[58].

François Guillemot cho biết: "Một văn kiện Pháp chỉ định rõ ràng trước, sự kiện "sự hiện diện của quân đội Pháp là vô thời hạn" [in đậm trong nguyên bản]. Như vậy, trái hẳn với sự truyên truyền: trong năm năm quân Pháp sẽ rút dần hết, chỉ giữ lại binh đội đặc biệt, bảo vệ các căn cứ hải quân và không quân". Ngày 8-3-46, hội nghị quân sự đầu tiên giữa Võ Nguyên Giáp và các đại tá Lecomte và Repiton-Preneuf để chuẩn bị sự trở lại của quân đội Pháp. Sáng 9-3-46, những xe thiết giáp đầu tiên của Pháp đổ bộ lên Hải Phòng. Hai đại diện của chính phủ Việt Nam tới tận nơi để "chúc mừng Tướng Leclerc trên tầu Emile Bertin"[59].

Sau Hiệp định Sơ bộ, phản ứng của đối lập tức thời và mãnh liệt:

Ngày 13-3-46, Nguyễn Hải Thần và quân đội Việt Cách rút về chiến khu Lạng Sơn trong vùng Thất Sơn, Yên Lạp, Thái Nguyên, thiết lập chính phủ ly khai; quân đội Việt Cách đặt dưới sự điều khiển của Vũ Kim Thành có khoảng 3600 người võ trang, trong có 800 người Nhật, hoạt động trong vùng từ Móng Cái đến Quảng Yên[60].

Việt Quốc tổ chức biểu tình chống sự đổ bộ của quân Pháp và đòi chính phủ Kháng chiến phải kháng Pháp thực thụ. Vũ Hồng Khanh ký Hiệp định Sơ bộ bị các đồng chí "hỏi tội". Việc tham dự chính phủ Liên hiệp của Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long bị phê phán là ngây thơ.

Ngày 16-3-46, Hồ Chí Minh cử Nghiêm Kế Tổ cầm đầu phái đoàn Việt Nam sang Trung Hoa, với nhiệm vụ hòa hiếu. Cố vấn Vĩnh Thụy đi cùng với tư cách du lịch.[61] Nghiêm Kế Tổ lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, đồng chức với Phạm Văn Đồng; Nguyễn Tường Tam là Bộ trưởng.

Quân Pháp đến Hà Nội

Ngày 5-10-1945, Tướng Leclerc tới Sài Gòn và tuyên bố sẽ bình định Nam bộ.

Sáu tháng sau, quân Leclerc ra tới Hà Nội.

15 giờ ngày 18-3-46, đoàn quân viễn chinh Pháp đầu tiên trở lại Hà Nội, gồm 2.200 binh sĩ và 200 chiến xa, giữa sự vỗ tay hoan hô của người Pháp.

Bùi Diễm viết:

"Trong mọi tầng lớp, việc Việt Minh cho phép Pháp trở lại vẫn gây ra ấn tượng sâu xa. Hai tuần lễ sau khi ký kết, lúc tôi đang ở ban công nhà thương Phủ Doãn tại Hà Nội với một nhóm bạn là bác sĩ, trong số có một vài người là đảng viên Đại Việt, thì ngay phía dưới 15 ngàn quân Pháp đang diễn hành dưới sự thống lãnh của tướng Jacques Philippe Leclerc. Nhìn họ, bọn tôi cảm thấy cay đắng dâng trào. Quang cảnh chẳng khác nào Việt Nam đang trở lại thời kỳ nô lệ. Hai bên đường các Pháp kiều ngụ tại Hà Nội đứng tung hô. Trên ban công chúng tôi cố gắng gạt những giọt lệ căm phẫn và tủi nhục"[62]

Guillemot viết: "Cuộc duyệt binh ngày 22-3-46 gồm những binh đội thiết giáp sáng chói với sự chủ trì của Võ Nguyên Giáp, Sainteny và Leclerc là điềm báo trước tương lai đen tối của nước Việt Nam độc lập"[63]

Cuối tháng 3-46, đại diện Việt Quốc và Việt Cách họp chung, chấp nhận nguyên tắc lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh, nếu chính phủ này đầu hàng Pháp.

Ngày 25-4-46, một buổi họp bí mật ở trụ sở Quốc Dân Đảng, 80 Quan Thánh, giữa Việt Quốc và Việt Cách, bàn về vấn đề vũ khí khả dụng trong trường hợp bạo động.

Ngày 20-5-46, 500 thành viên Quốc Dân Đảng từ Phúc Yên chuyển về Hà Nội, phân phối trong các trụ sở Quốc Dân Đảng ở Đỗ Hữu Vị, Duviller, đường Quần ngựa[64].

Hội nghị Đà Lạt

Tuy nhiên, Nguyễn Tường Tam vẫn tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Liên Hiệp. Việc điều đình với Pháp được Hồ Chí Minh trù liệu trong khuôn khổ hội nghị trù bị Đà Lạt. Nguyễn Tường Tam được cử làm trưởng phái đoàn, Phạm Văn Đồng làm phó, hội nghị Đà Lạt họp từ 19-4-46 đến 11-5-46.

Hội nghị Đà Lạt thất bại. Nguyễn Tường Bách nhớ lại:

"Khi về đến Hà Nội, anh Tam nói: Nó bắt mình đầu hàng… Không thể được… Nhưng ngay chính trong phái đoàn mình, ý kiến cũng không nhất trí.

Đó là mầm của sự chia rẽ sau này."[65]

Không còn ảo tưởng gì về chủ ý của Pháp, Nguyễn Tường Tam từ chối không tham dự hội nghị Fontainbleau. Nguyễn Tường Bách viết về tình hình nội bộ Quốc Dân Đảng:

"Một số lãnh tụ trong đảng (…) có ý muốn ở lại trong chính phủ, đa số muốn rút lên chiến khu vì e bị tiêu diệt bất ngờ cả nhóm. Cuối cùng tất cả đồng ý để tôi và Vũ Hồng Khanh đi trước để dọn đường. Dù sao việc này đã đánh dấu sự rút lui có trật tự của Việt Nam Quốc Dân Đảng và bắt đầu sự phân liệt trong khối "Tinh thành đoàn kết". Chỉ mấy hôm sau, nội chiến đã bùng nổ. Trách nhiệm về ai trước lịch sử?"[66]

Nội chiến và sự thất bại của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Bị đẩy đến đường cùng, không còn lựa chọn nào khác giữa đánh Pháp hay đánh lẫn nhau, Nguyễn Tường Bách kể:

"Cục thể đã đến lúc quyết liệt. Việt Quốc và Việt Cách họp hội nghị liên tịch. Theo tình thế dự đoán thì sau khi quân Tưởng rút, quân Pháp sẽ tiến công và chiếm Hà Nội. Như thế thì phe quốc gia phải lựa chọn: Một là hợp tác đánh Pháp, hai là lui về các căn cứ để chống Pháp riêng rẽ (…) Đã đến lúc chúng tôi phải định đoạt lấy vận mệnh của mình. Hội nghị Trung ương quyết định một mặt vẫn duy trì liên hệ trong chính phủ Liên Hiệp, một mặt củng cố và tăng cường căn cứ ở địa phương (…) Hội nghị quyết định thành lập bộ chỉ huy Đệ Tam khu [Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái] để chỉnh đốn lực lượng và sau này cả Trung ương cũng sẽ dời lên đó khi cần. Với vài cán bộ trung ương, tôi được cử lên Vĩnh Yên để giúp việc đảng bộ trên đó".[67]

Nguyễn Tường Bách "lên chiến khu" với vài vệ sĩ trong "một ngày mưa đầu tháng 6", cải trang bằng binh phục màu vàng xanh của quân Tưởng để lọt qua các trạm gác của Việt Minh[68]

Ông viết: "Lần đầu tiên tôi đặt chân đến một chiến khu mà chúng tôi tưởng tượng đủ mầu thơ mộng như trong bản nhạc của Văn Cao "Chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều.""[69]

Nguyễn Thị Thế nhớ lại tình hình căng thẳng lúc bấy giờ:

"Các anh ít dám đi đâu, có xuống nhà tôi ngắm cảnh hồ cũng phải kè kè có người mang súng đi theo…

Mấy tháng sau, một hôm anh Tư [Hoàng Đạo] xuống chơi, vẻ mặt không vui… Anh gượng cười nói có lẽ sắp phải đi nên hôm nay xuống thăm cô… Lúc tiễn anh ra cửa tôi thấy hai người hộ vệ đứng ở ngoài ngõ. Đó là lần cuối cùng anh em gặp nhau…

Ít hôm sau lại có chú Bẩy [Tường Bách] đã lâu không thấy cũng đến chơi. Các con tôi chạy lại hỏi tíu tít và thò tay vào túi để tìm kẹo, ai ngờ lôi ra toàn là đạn. Tôi hỏi tình thế gay go lắm sao mà lúc nào cũng mang súng với người hộ vệ. Chú bảo hai bên không thể hợp tác với nhau được, người nào ra đi một mình là mất tích luôn nên phải cẩn thận… Đùa chơi với các cháu một lúc chú ra về, từ đó tôi cũng không gặp lại."[70]

Nguyễn Tường Bách viết về cuộc nội chiến:

"Đó là những ngày đầu tháng 7 năm 1946. Sau mấy hôm ở Vĩnh Yên, nhận thấy địa thế tỉnh này khó giữ, chúng tôi lên Việt Trì xem xét tình hình (…) Chúng tôi đồng ý bỏ cứ điểm Vĩnh yên, rút quân lên tập trung ở Việt Trì và Phú Thọ, lập một phòng tuyến vững chắc hơn và chiếm một địa bàn rộng hơn (…) Vài hôm sau, Việt Minh nắm lấy thời cơ, tấn công đột ngột vào toàn tuyến từ Vĩnh Yên cho đến Phú Thọ, Yên Bái và cả Việt Trì nữa. Có lẽ họ muốn làm áp lực bắt Quốc Dân Đảng phải chấp nhận thống nhất dưới sự chỉ huy chung. Cuộc nội chiến đã bùng nổ.(…)

Lần đầu tiên trong đời, tôi tham gia vào một cuộc chiến tranh. Nhưng từ trước đến nay tôi không bao giờ ngờ được lại đánh nhau giữa người Việt Nam với nhau, trong lúc đáng lẽ phải đánh nhau với thực dân Pháp. Theo ý nguyện của tôi và nhiều anh em thanh niên lúc đó, mục đích chính là chống Pháp. Nhưng thời cục đã đưa đẩy như thế. Vì thành kiến và vì thù hận đảng phái, cũng không còn có con đường nào khác.

Là một bác sĩ kiêm nhà văn, tôi không hiểu gì về quân sự cũng như nhiều anh em lúc đó."[71]

Về tình hình quân đội hai bên, Tường Bách viết: "Quả thật, hai bên đều không có kinh nghiệm chiến trường. Quân phòng thủ [Việt Quốc] chỉ biết nằm ở bờ đê mà bắn một cách máy móc mà quân tấn công [Việt Minh] lại nằm trên ruộng trống không, để làm bia đỡ đạn, bị thương nhiều mà không tiến được bao nhiêu".[72]

Việt Quốc thắng một trận nhỏ ở Việt Trì, nhưng bị Việt Minh bao vây, cô lập, đành phải liều mạng mở đường tiến về Phú Thọ, lại được tin Phú Thọ đã về tay Việt Minh, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Bách đành quyết định rút lên Yên Bái.

Tháng 6-1946, Nguyễn Tường Long còn ở trong chính phủ Liên Hiệp, đang giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, là đại biểu Quốc Dân Đảng, cùng với Tướng Hoàng Văn Thái, đại biểu Việt Minh, lên chiến khu điều đình giảng hoà hai bên. Hai anh em gặp lại nhau trong một hoàn cảnh kỳ lạ:

"Một điều không ngờ là khi kéo đến gần chỗ rẽ vào Phú Thọ thì gặp ngay chiếc ô tô của đoàn đại biểu hỗn hợp đương đi xuống Việt Trì. Có lẽ họ chưa biết gì về tình hình ở đây. Trên xe bước xuống là một đại biểu quân đội Việt Minh, nếu tôi nhớ không lầm là tướng Hoàng… [Văn Thái] và đại biểu Quốc Dân Đảng không phải ai xa lạ, chính là anh Nguyễn Tường Long. Những anh em tiền phong đã vây lấy Hoàng để chất vấn về việc Việt Minh phá hoại tình đoàn kết, tiến công và chiếm đoạt Phú Thọ, Việt Trì. Chúng tôi thì trách họ lên chậm quá, vô ích. Còn Hoàng thì xem ra cũng khá sợ hãi trong tình cảnh lọt vào tay địch, mặt tái mét.

Tình thế này thực khó xử. Quay về Việt Trì thì không đủ khả năng. Sau một cuộc bàn luận ngắn với anh Long, anh cũng đồng ý tiếp tục rút lên Yên Bái làm cơ sở. Còn Hoàng thì bị buộc đi trước dẫn đầu, để làm lui những toán quân Việt Minh nào muốn cản trở". Anh Long cho biết: "Trung ương hiện nay chỉ có các anh Tam, Chu Bá Phượng… ở lại. Chưa có quyết sách gì, vẫn còn theo dõi tình thế"[73]

Theo tin này thì Nguyễn Tường Tam vẫn còn ở Hà Nội tới tháng 6-46.

Liên tục bị Việt Minh tấn công, "Vũ Hồng Khanh cầm đầu toán đánh thốc lên để anh Long và tôi đoạn hậu đưa mọi người ra khỏi vòng vây", lợi dụng tình thế hỗn loạn, Hoàng Văn Thái trốn thoát. Cuối cùng đoàn quân đến được Yên Bái.

"Sau cùng chúng tôi quyết định rời bộ chỉ huy Khu Ba, lên Lào Cai cho an toàn hơn."[74]

"Mấy ngày sau, bỗng có điện từ Hà Nội lên cho biết, lực lượng chính phủ đã bắt đầu khủng bố các vị trí Quốc Dân Đảng ở Hà Nội, Vĩnh Yên. Yên Bái lại bị tấn công riết. Tình thế nguy hiểm mà tất cả các nhóm Việt Cách đã rút đi hết. Rồi có tin anh Tam đã đáp máy bay đi Côn Minh. Bảo Đại cũng đã làm như thế. Thời cục đã xoay đến chổ phá liệt gay go."[75]

Trong tình cảnh tuyệt vọng, Nguyễn Tường Long được phái đi Côn Minh gặp Nguyễn Tường Tam cùng lo việc ngoại giao với Trung Hoa. Trong khi ấy, tình hình Quốc Dân Đảng ngày càng nguy ngập: Vĩnh Yên ra hàng, Yên Bái bị bao vây chặt… "đâu đâu cũng cáo cấp xin thêm người và súng" mà không có tin tức ngoại viện ở Côn Minh, Nguyễn Tường Bách viết: "Trong tình thế này, không thể ngồi chờ mãi được, anh em quyết định cử tôi sang Vân Nam cầu viện."[76]

Cuối tháng 7-1946 Nguyễn Tường Bách cùng 6 người vượt cầu sắt Lào Cai-Hà Khẩu, sang Trung Hoa, ông viết về bước đường cùng của Quốc Dân Đảng:

"Tình hình ở Việt Nam đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đến giai đoạn cuối cùng. Tất cả các căn cứ đã mất, trừ Yên Bái và Lào Cai nhưng những nơi này đang bị vây chặt. Chỉ có cách là đầu hàng giữ lấy một vài chức vụ trong chính phủ Liên Hiệp, hai là chống cự đến cùng. Nhưng muốn chống cự cần phải có quân và súng đạn, lại phải có tiền."[77]

Vì không có những yếu tố này và thêm sự phân liệt nội bộ, Quốc Dân Đảng hoàn toàn thất bại, những người sống sót phần lớn chạy sang Tàu.

François Guillemot kết luận: "Việt Minh đã thắng trên mọi bình diện nhờ gặp thời. Chiến thuật Liên hiệp rồi bóp nghẹt đã thắng. Hiệp ước "cứu tinh" 6-3 đã khôn khéo cứu Hồ Chí Minh và đảng của ông."[78]

Vụ Ôn Như Hầu

Ôn Như Hầu là vụ thanh trừng đối lập, nhưng Hoàng Văn Hoan, không viết một chữ về vụ này. Hoàng Văn Đào và Võ Nguyên Giáp đối chọi nhau. François Guillemot, sử gia Pháp, là người ngoại cuộc, đã nghiên cứu kỹ vấn đề. Chúng tôi ưu tiên dùng thông tin của ông.

Ôn Như Hầu là tên phố, ở số 9[79], có một trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong hai ngày 12 và 13-7-46, Việt Minh tấn công vào các trụ sở của Quốc Dân Đảng ở Hà Nội và bắt một số người đưa đi mất tích và trình bày "tang chứng" Việt Nam Quốc Dân Đảng làm tiền giả, cướp của, giết người, v.v. trước báo chí.

Về nguyên nhân, François Guillemot viết:

"Ngay sau khi ký hiệp định sơ bộ 6-3, Võ Nguyên Giáp đã tin sẽ có cuộc bạo động của đối lập, ông viết: "Bọn Quốc Dân Đảng tay sai của Tưởng vẫn mưu toan tiến hành một cuộc đảo chính phản cách mạng. Nhân lúc bọn chúng hoang mang vì cảm thấy sắp bị Tưởng bỏ rơi; ta cần tìm cách phân hoá chúng, kéo những người lầm đường quay trở về với nhân dân" (Những năm tháng không thể nào quên, QĐND, 1974, t. 207). Nhưng làm sao tiêu diệt được đối lập quốc gia một cách "hợp pháp"? Làm sao đánh một đòn chí tử vào bọn đối lập phá hoại này? Đó có thể là câu hỏi mà những người cầm quyền Việt Minh chắc chắn đã đặt ra và cũng là những câu hỏi làm căn bản cho chúng tôi khảo sát cái mà sử thần chính thức gọi là Vụ án Ôn Như Hầu"[80]

Thu thập tài liệu nhiều phía, đặc biệt tình báo Pháp đã tịch thu được những tài liệu mật của Quốc Dân Đảng, François Guillemot đưa ra những thông tin sau đây:

"Ngày 1-6-46, những lãnh tụ chính của Mặt trận Quốc Dân Đảng, chủ yếu có Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh, họp tại 80 Quan Thánh, Hà Nội, hồi 20 giờ, trong một buổi họp bí mật tối quan trọng, để quyết định đường lối cho những tháng sau đó và giải thích lý do tại sao Quốc Dân Đảng không gửi đại diện sang Pháp [dự hội nghị Fontainebleau]. Nguyễn Tường Tam bày tỏ ý tiếc rằng ta đã có thể giành được độc lập nếu "chúng ta dùng võ khí chống Pháp". Thực vậy, trong một buổi họp trước đây với Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Hồ Chí Minh, các lãnh tụ quốc gia đã đề nghị với vị Chủ tịch "liên kết quân sự tất cả các đảng phái dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, để tức thời chống quân xâm lăng Pháp" [in đậm trong nguyên bản]. Nhưng Hồ Chí Minh đã từ chối, lấy cớ "tất cả sẽ được giải quyết ở Paris". Nguyễn Tường Tam đã biện hộ rằng: hiện ta có 6000 lính võ trang tinh nhuệ, cộng với dân quân ở các tỉnh, có thể mạnh mẽ chống lại quân Pháp. Ông cho biết, ông đã được Tiêu Văn và Lư Hán đồng ý trợ lực. Buổi họp [ngày 1-6] sau đó đã quyết định chương trình của Mặt trận [Quốc Dân Đảng]: "Cực lực tuyên truyền trong quần chúng; Bằng mọi phương tiện gây thiện cảm với những nhóm Tự vệ; Không bao giờ chấp nhận những quyết định một chiều trái với quyền lợi dân tộc; Bảo vệ bằng võ lực nếu cần, lý tưởng của đảng".

Quan điểm này, không phải là phi lý, bởi chính Bernard Fall, khi nhận xét những lực lượng hiện hữu và tính chiến đấu của người Việt, cũng nghĩ rằng: "Chiến tranh Đông dương là "không thể thắng được" ngay từ đầu", ý tưởng này theo ông ấy, chỉ có Leclerc chia sẻ. Trung tá Repiton-Preneuf, chủ nhiệm Phòng Nhì Pháp, là chứng nhân trực tiếp, đã nhìn nhận ngay từ tháng 2-1946, rằng: "Tinh thần chiến đấu của người Bắc rất mạnh. Họ đã cung cấp những chiến sĩ gan dạ nhất ở "mặt trận phía Nam". Ở Bắc, họ có thì giờ tổ chức, điều chỉnh kế hoạch, phương pháp chiến đấu và hệ thống phá hoại của họ".

Ngày 10-6-46, trong một buổi họp mới của Mặt Trận Quốc Dân Đảng bàn về tính chiến đấu của quân Pháp trực diện với quyết tâm giành độc lập của người Việt, lời tuyên bố của các chiến hữu về sự lựa chọn chống Pháp bằng võ lực đã rạch ròi:

"Hội nghị Paris không đi đến đâu, chúng ta không giành được độc lập. Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị kháng chiến, bởi cuộc đấu tranh giành độc lập chỉ có thể thành công nếu dựa trên những nền móng vững chắc (…)

Lối đánh du kích của chúng ta đã thành công ở trong Nam, chúng ta cứ dùng và còn tận dụng nữa. Mặc dù chúng ta có một kho súng đạn và dự trù kháng chiến lâu dài, nhưng chúng ta cũng phải bắt chước các anh em trong Nam, dùng cả dao găm và lựu đạn do ta chế tạo."[81]

Mặc dù quân đội Trung Hoa đã rút lui, hoạt động của Mặt trận Quốc Dân Đảng vẫn còn vững mạnh và nguy hiểm, bởi từ nay, họ đã lui vào bóng tối. Vì Vũ Hồng Khanh đã ở trong chính phủ Liên Hiệp bên cạnh Võ Nguyên Giáp và đã ký hiệp định sơ bộ 6-3-46, Trương Tử Anh lãnh đạo Mặt trận Quốc Dân Đảng. Sự rạn nứt của hai đảng cũng bắt đầu từ đấy.

Những bản báo cáo của Công An Việt Minh được lưu hành ngay từ tháng 5-1946, đã loan báo một cuộc phá hoại có tầm cỡ, đang được chuẩn bị dưới sự điều khiển của Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng. Cuối cùng, cuộc binh biến được dự trù vào ngày 14-7-1946.[82]

Về phiá Việt Minh, Võ Nguyên Giáp cùng với Trần Quốc Hoàn, tổ chức kế hoạch "vạch mặt và cô lập bọn phản động".

Võ Nguyên Giáp viết: "Anh Trần Quốc Hoàn cùng tôi bàn kế hoạch thực hiện chủ trương trên, nhằm ngăn chặn những hoạt động phá hoại đang hàng ngày gây rối loạn trong thành phố"[83]

François Guillemot viết:

"Sau khi phái đoàn Việt Nam, do Phạm Văn Đồng cầm đầu[84] cùng Hồ Chí Minh đi Paris, Huỳnh Thúc Kháng giữ chức quyền Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến, Võ Nguyên Giáp làm phó. Cùng với Trần Quốc Hoàn (lúc đó là Phó Bí thư Ủy ban Địa phương Bắc bộ), thiết lập chương trình tận diệt đối lập, sau khi thăm dò ý kiến của Pháp. Vì thế, cuối tháng 6 [1946], Giáp đến gặp Đại tá Jean Crépin, lúc đó là phụ tá Tướng Valluy, được bổ nhiệm ở Bắc bộ, và hỏi thẳng ông ta, nếu Việt Minh tấn công đối lập thì Pháp có phản ứng gì không? Đại tá Crépin trả lời: người Pháp không xen vào "việc nội bộ của người Việt". Chỉ còn trở ngại cuối cùng là phải thuyết phục Huỳnh Thúc Kháng, rằng cần phải thanh trừng đối lập trong lúc hội nghị Fontainebleau đang họp. Cụ Huỳnh thoạt tiên chống lại và đòi phải có chứng cớ gì để biện minh cho hành động này. Những chứng cớ mà Võ Nguyên Giáp cần, ông ta sẽ thu thập được nhanh chóng trong chiến dịch của cảnh sát dự trù vào ngày 12 tháng 7"[85]

François Guillemot viết tiếp: "Các cơ quan tình báo Pháp lập tức loan tin có cuộc tảo thanh dữ dội của lực lượng cảnh sát chống đối lập: "Ở Hà Nội, trong đêm 12 rạng ngày 13 tháng 7, Cảnh sát Việt Minh đã thực hiện một cuộc thanh trừng đối lập. Nhà in của báo Việt Nam, cơ quan của VNQDĐ bị phá nát, và khoảng hai mươi người bị bắt ở trụ sở ĐMH. Có tiếng súng bắn nhau giữa người Việt, một viên đạn lạc khiến một vị tá trong quân đội Pháp bị thương nhẹ"[86].

Chiến dịch Ôn Như Hầu tiếp tục đến cuối năm 1946, khi chiến tranh Pháp Việt bùng nổ.

Theo Lực lượng chống phản động, tại Hà Nội, 40 sào huyệt Mật trận Quốc Dân Đảng bị phá huỷ[87].

Guillemot viết: "Tuy nhiên, giữa ngày 23 và 27-10, hơn 400 người tình nghi bị bắt trong nhiều cuộc bố ráp. Đối lập biến mất trong quốc hội: từ 70 ghế tháng 3-46; còn lại 2 ghế trong tháng 11-46. (…) Kể từ tháng 7-1946, phe đối lập quốc gia, đặc biệt Mặt trận Quốc Dân Đảng tan rã, phải trốn vào vòng bí mật ngày càng nghẹt thở"[88]

"Trương Tử Anh [đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng] bị bắt gần như tình cờ trong vụ xét giấy ở ngoại ô Hà Nội, ngày 17-12 [1946], theo công an Việt Minh và Viết Linh, một trong những thám tử có nhiệm vụ truy lùng dấu vết. Nhưng theo Boisson, Trương Tử Anh bị bắt ngày 19-12 (…) Còn Lý Đông A [đảng trưởng Đại Việt Duy Dân] có lẽ bị giết trong chiến dịch truy nã Duy Dân ở Hoà Bình. Tới cuối năm 1946, có thể nói rằng đối lập đã hoàn toàn bị vô hiệu hoá và tận diệt ở Hà Nội và trong các tỉnh miền Bắc".[89]

Vai trò của Pháp trong chiến dịch Ôn Như Hầu là gì?

Theo François Guillemot, Jacques Raphael-Leygues, Uỷ viên hải quân Đông Dương từ 1945 tới 1950, tìm cách giải mã thái độ của hai ông tướng Salan và Valluy đối với Việt Minh; trong hồi ký, Raphael-Leygues viết: "Đúng lúc này [1946], Salan đang còn "thiên tả". Cùng với Valluy, ông ta giúp Hồ Chí Minh thủ tiêu những đảng đối lập bằng giải pháp quân sự [in đậm trong nguyên bản] mặc dù họ chính là thành phần tốt nhất chống lại sự thống trị của cộng sản tại Việt Nam. Tôi không bao giờ hiểu chiến thuật của Salan hồi đó. Phải chăng ông ta muốn bảo đảm với những người cộng sản rằng họ sẽ được ở lại trong chính quyền, hay là ông ta muốn trở thành ông tướng của nước Pháp cộng sản? Tôi không thể tin điều đó, thế nhưng…"

Guillemot viết tiếp: "Thái độ kịch liệt chống người quốc gia còn được Crépin [phụ tá Tướng Valluy] xác định một lần nữa, qua câu sau đây trong bản hồi ký nói trên: "Nói chung, đại tá Crépin, mặc dù nhìn nhận rằng những người cầm đầu Việt Minh chỉ muốn đuổi chúng ta đi, nhưng tháng 6 [1946] ông ta đã không giúp gì cho những người đối lập và cũng không dùng họ làm lợi cho ta. Ông ta lại còn thẳng thừng tuyên bố: "Tôi tiêu diệt tất cả mọi sự chống đối Việt Minh" (J’annihilerai toute opposition Việt Minh) [in đậm trong nguyên bản]. Tuy nhiên sau đó chính Crépin lại thiết lập đội quân Nùng để tiêu diệt Việt Minh"[90].

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

[1] Đoàn Thêm trong 1945-1964 Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, trang 11, ghi: "21-8-1945: Một nhóm thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại Học Xá Hà Nội, và biểu quyết gửi điện văn yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị". Câu này, có điểm đúng: ngày 21-8-1945, vua nhận được điện tín, vì trùng hợp với thông tin của Hoàng Văn Hoan và của cựu hoàng trong hồi ký (tuy ông không ghi rõ ngày, nhưng cho biết việc này xảy ra trước ngày 22-8). Còn câu "Một nhóm thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại Học Xá", có thể Đoàn Thêm phỏng theo những tên tuổi: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, Hồ Hữu Tường, ký dưới bản điện tín được in trên báo Cứu Quốc.

[2] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 254.

[3] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 255-257.

[4] Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà: Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Hồ Chí Minh. Nội vụ: Võ Nguyên Giáp. Quốc phòng: Chu Văn Tấn. Tài chính: Phạm Văn Đồng. Kinh tế: Nguyễn Mạnh Hà. Lao động: Lê Văn Hiến. Thanh niên: Dương Đức Hiền. Giáo dục: Đặng Thai Mai. Tư pháp: Vũ Trọng Khánh. Giao thông công chính: Đào Trọng Kim. Y tế vệ sinh: Phạm Ngọc Thạch. Xã hội: Nguyễn Văn Tố. Tuyên truyền: Trần Huy Liệu. Bộ trưởng không bộ: Cù Huy Cận và Nguyễn Văn Xuân.

Trần Huy Liệu và Nguyễn Văn Xuân trước là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, sau gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (Giọt nước trong biển cả, trang 258-259).

[5] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 257-259.

[6] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 186. Xem chương: Những ngày sóng gió.

[7] Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, trang 183.

[8] Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Hà Nội, 1983, trang 68.

[9] Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, trang 198.

[10] Việt Nam một thế kỷ qua, tập 1; Nxb Thạch Ngữ, Hoa Kỳ, 1998, trang 223.

[11] Cuốn sách này, nguyên tên đầy đủ là Việt Nam những ngày lịch sử - Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, nhưng khi in Nguyễn Khắc Ngữ đã bỏ những chữ Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, nên tác giả có ý trách. Nhưng công bình mà xét, Nguyễn Khắc Ngữ có lý, bởi vì cuốn Việt Nam những ngày lịch sử, không chỉ viết về gia đình Nguyễn Tường, mà còn là một cuốn hồi ký lịch sử viết về giai đoạn tranh chấp quốc-cộng 1945-1946, qua cái nhìn của một người đã từng ở trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, có thái độ ôn hoà và trung thực. Tác phẩm ngừng ở năm 1949, khi Nguyễn Tường Bách quyết định ở lại Quảng Châu. Cô đọng, viết hay, nhiều đoạn ngỏ rõ tình cảm của tác giả trước mỗi sự kiện lịch sử, trước đối phương, lời lẽ tự nhiên, chân thật.

[12] Tác phẩm này, dù được tiếp đón nồng hậu lúc mới ra đời, cũng không mang lại giá trị mong đợi về văn chương, và cũng chưa tạo được không khí lịch sử. Những nhân vật thường mờ nhạt, người đọc khó đoán được ai là ai, làm việc gì, điều mà người ta thường chờ đợi khi đọc tiểu thuyết thời sự lịch sử.

[13] Do tác giả xuất bản năm 2005, tại California, Hoa Kỳ.

[14] Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 141.

[15] Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 141.

[16] Từ ngày 16- 9 đến ngày 31-10- 41, xem chương Con đường cách mạng.

[17] Khái Hưng, Xiềng xích, Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, số 4, 26-5-45.

[18] Chúng tôi đã giới thiệu trong chương Đời sống cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc.

[19] Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22 (15-11-64) số tưởng niệm Khái Hưng, Sài Gòn, trang 26.

[20] Theo Hứa Bảo Liên, Nguyễn Tường Bách và tôi, hồi ký, tác giả xuất bản, California, 2005, trang 59.

[21] Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 141.

[22] Xem chương: Những ngày sóng gió.

[23] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, nhóm Nghiên cứu lịch sử, Monréal, 1981, trang 69.

[24] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Việt Books in lại, California, 2010, trang 85.

[25] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 160.

[26] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 186.

[27] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 70.

[28] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 72, 73.

[29] Đoàn Thêm, 1945-1964 Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, trang 13.

[30] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 242.

[31] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 240- 241-242.

[32] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, t. 242-244.

[33] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 265.

[34] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 270.

[35] Tướng Long Vân muốn nổi loạn chống chính phủ Trùng Khánh.

[36] Đoàn Thêm, 1945-1964 Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, trang 14.

[37] François Guillemot, Đại Việt, trang 319.

[38] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 213.

[39] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 266-267.

[40] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 271.

[41] Đây là chính phủ thứ hai của nước Việt Nam Dân Chủ Công Hoà, tức Chính phủ Liên hiệp Lâm thời (1-1-46): Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao: Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần, Nội vụ: Võ Nguyên Giáp; Tuyên truyền: Trần Huy Liệu; Quốc phòng: Chu Văn Tấn; Thanh niên: Dương Đức Hiền; Kinh tế: Nguyễn Tường Long; Xã hội: Nguyễn Văn Tố; Tư pháp: Vũ Trọng Khánh; Y tế: Trương Đình Tri; Giao thông công chánh: Đào Trọng Kim; Lao động: Lê Văn Hiến; Tài chánh: Phạm Văn Đồng; Giáo dục: Vũ Đình Hòe; Canh nông: Cù Huy Cận; Không bộ: Nguyễn Văn Xuân.

[42] Hoàng Văn Đào, t. 255. Guillemot, Đại Việt, t. 321. Hoàng Văn Hoan, t. 268.

[43] Đây là Chính phủ thứ ba của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, tức Chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến: Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch: Nguyễn Hải Thần; Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam; Kinh tế: Chu Bá Phượng; Y tế: Trương Đình Tri; Giáo dục: Đặng Thai Mai; Tài chính: Lê Văn Hiến, Tư pháp: Vũ Đình Hòe; Giao thông công chánh: Trần Đăng Khoa, Nội vụ: Huỷnh Thúc Kháng; Quốc phòng: Phan Anh; Canh nông: Bồ Xuân Luật.

[44] François Guillemot, Đại Việt, trang 317.

[45] François Guillemot, Đại Việt, t. 317, 318.

[46] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 256. Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 268.

[47] Đến đầu tháng 2/46 quân Pháp đã chiếm cả miền Nam và một phần miền Trung, từ vĩ tuyến 16 trở vào.

[48] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 84, 85.

[49] Guillemot, Đại Việt, t. 323.

[50] Việt Nam những ngày lịch sử, trang 73.

[51] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 193-194.

[52] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn 1, trang 194.

[53] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 81.

[54] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, trang 197; Guillemot, Đại Việt, trang 325.

[55] François Guillemot, Đại Việt, t. 325.

[56] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, t. 195.

[57] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 86.

[58] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, t. 187.

[59] François Guillemot, Đại Việt, t. 322.

[60] François Guillemot, Đại Việt, t. 324-325.

[61] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Mai Lĩnh, 1954, t. 95-97; Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 237.

[62] Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, t. 75.

[63] François Guillemot, Đại Việt, t. 328.

[64] François Guillemot, Đại Việt, t. 332-333.

[65] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 86.

[66] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 93.

[67] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 90.

[68] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 90.

[69] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 91.

[70] Nguyễn Thị Thế, Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, t. 136-137.

[71] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 93, 94, 95.

[72] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 95.

[73] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 98, 99.

[74] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t.101, 107.

[75] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t.109.

[76] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t.110.

[77] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, t. 111, 126.

[78] François Guillemot, Đại Việt, t. 328.

[79] Hoàng Văn Đào ghi số 9, các tài liệu Việt Minh ghi số 7.

[80] François Guillemot, Đại Việt, t. 332.

[81] François Guillemot, Đại Việt, t. 333- 334.

[82] François Guillemot, Đại Việt, t. 334.

[83] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, t. 104.

[84] Phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Fontainebleau, ngoài Phạm Văn Đồng, trưởng phái đoàn, còn có Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính… Chủ tịch Hồ Chí Minh đi với tư cách là khách do chính phủ Pháp mời. Ngày 31-5-1946, phái đoàn lên máy bay. Tới Pháp gặp lúc đang thay đổi chính phủ, phái đoàn tạm trú ở Biarritz. Ngày 23-6 có chính phủ mới của Georges Bidault. Hội nghị họp tại Fontainebleau, bắt đầu từ ngày 6-7-1946, trong một tuần không đạt được kết quả gì, rút cục phải bỏ dở. Đêm 14-9-46, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tư dinh của Bộ trưởng Ngoại giao Marius Moutet, ký một bản Tạm ước (Modus vivendi). Ông trở về bằng đường thuỷ. Ngày 20-10-46, ông về đến Hải Phòng. Trong suốt thời gian từ tháng 6 đến tháng 10, Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Ôn Như Hầu.

[85] François Guillemot, Đại Việt, t. 335.

[86] François Guillemot, Đại Việt, t. 339.

[87] François Guillemot, Đại Việt, t. 343.

[88] François Guillemot, Đại Việt, t. 343-344.

[89] François Guillemot, Đại Việt, t. 354.

[90] François Guillemot, Đại Việt, t. 357, 358.