Đời
sống cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc
Chúng
ta có rất ít tài liệu tin được viết về đời sống của các nhà cách mạng sống bên
Trung Hoa trong giai đoạn 1940-1945, như thể có một bức màn che đậy, hình như
những người trong cuộc cả hai bên quốc cộng đều không muốn nói rõ tình hình.
Nghiêm
Kế Tổ (cùng Vũ Hồng Khanh) là đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, trốn
sang Tàu sau khởi nghiã Yên Bái, đến 1945 mới về nước. Ông viết cuốn Việt
Nam máu lửa (Mai Lĩnh, 1954) về giai đoạn lịch sử 1945-1954, nhưng hầu như
không nhắc đến thời kỳ 16 năm hoạt động ở Trung Hoa.
Nguyễn
Tường Tam không viết lịch sử, mãi sau này trong tiểu thuyết Giòng Sông Thanh
Thủy, Nhất Linh gián tiếp lên án những bạo lực của hai bên trong thời kỳ
cách mạng.
Hoàng
Văn Đào, trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, là nhân chứng bên phiá quốc gia
hiếm hoi viết về giai đoạn này, nhưng cần phải có một nhân chứng của bên Việt
Minh để đối chất, thì mới có thể so sánh để tìm hiểu sự thật.
Hồi
ký Những năm tháng ấy của Võ Nguyên Giáp có rất ít điều tin được.
Cuối
cùng Hoàng Văn Hoan[1]
là người viết rất kỹ về lịch sử đảng Cộng sản từ khi mới ra đời, và đặc biệt
thời kỳ hải ngoại của Hồ Chí Minh trong cuốn hồi ký Giọt nước trong biển cả,
do Nhóm tìm hiểu lịch sử, in năm 1991, tại Hoa Kỳ.
Giai
đoạn mà chúng tôi đề cập đến ở đây là giai đoạn Hồ Chí Minh bị giam ở Liễu Châu
[một huyện ở phiá bắc tỉnh Quảng Tây] cùng với Nguyễn Tường Tam, cũng là thời
kỳ "bí mật" nhất, vì thiếu thông tin, nên mọi người thường tìm cách
chắp vá những mảnh vụn.
Là
người trung thành với chủ tịch Hồ Chí Minh, có mặt ở Liễu Châu trong thời kỳ
này và đã sống nhiều năm trên đất Trung Hoa, Hoàng Văn Hoan cho biết ông đã
tham khảo "một số tài liệu gốc của Quốc Dân Đảng Trung Quốc về các hoạt
động của Hồ Chủ tịch khi ở Liễu Châu năm 1942-1943, việc Hồ Chủ tịch gặp Tư
lệnh không quân Mỹ Chen-nớt-tơ [Chennault] và các hoạt động khác ở Côn
Minh năm 1945…"[2]
Phần
Thứ Tư của tác phẩm Giọt nước trong biển cả, ông dành chương III: Hồ
Chủ Tịch bị bắt ở Trung Quốc và những hoạt động của Người và chương IV:
Hồ Chủ Tịch đi Côn Minh gặp Tư lệnh không quân Mỹ, để viết về, hầu như,
toàn bộ hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn lưu vong 1942-1945.
Những
điều Hoàng Văn Hoan viết về giai đoạn này, không thấy có ở đâu, và nếu so sánh
với những chi tiết thấy trong sách Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn
Đào và hồi ký của Như Băng[3],
đều ăn khớp.
Ông
đề cao công lao của Hồ Chí Minh, trong những ngày ở Liễu Châu. Ông nói lên chủ
đích, hành động và sự thành công của nhà lãnh đạo với những chi tiết đắt giá về
tài liệu.
Tổng
hợp thông tin trong sách của Hoàng Văn Đào và Hoàng Văn Hoan, ta biết thêm về
giai đoạn đầu tiên ở Trung Quốc, hai bên quốc cộng tuy có chống nhau, nhưng
chưa thực thụ chia rẽ, mà còn cộng tác.
Trong
phần thứ hai của chương này, chúng tôi dùng những bài viết của Nguyễn Tường
Tam, Hồ Lễ và Đỗ Tốn trên báo Việt Nam, số 64, (30-1-1946) Tết Bính Tuất, để
tìm hiểu đời sống các thanh niên cách mạng quốc gia, họ đã trốn cuộc ruồng bắt
của an ninh Pháp những năm 1940-1941, như thế nào, họ trốn đi bằng phương tiện
gì và sống như thế nào trên đất khách.
***
Phần
thứ nhất: Liễu Châu 1942-1944
Hồ
Chí Minh đi Trung Quốc
Một
số câu hỏi thường được đặt ra: Tại sao Hồ Chí Minh đi Trung Quốc vào thời điểm
ấy? Tại sao ông bị bắt? thường không tìm được câu trả lời thoả đáng. Vấn đề Hồ
Chí Minh gia nhập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, mỗi người bàn một
cách, dường như mỗi người cũng chỉ nắm được một mẩu, không thể có cái nhìn toàn
diện bằng Hoàng Văn Hoan.
Trong
Giọt nước trong biển cả, ông vừa thuật, vừa giải, một cách mạch lạc rõ
ràng, khiến chúng ta hiểu rõ hơn, không những hoạt động của Việt Minh, mà còn
về cả tình hình chung của cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa lúc bấy giờ.
Trước
hết, ông viết về lý do tại sao Hồ Chí Minh đi Trung Quốc năm 1942:
"Sự
thật là sau hơn một năm lãnh đạo công tác ở Cao Bằng, Việt Minh đã phát triển
rộng trên khắp các tỉnh Việt Bắc, cuộc chiến tranh chống phát xít trên thế giới
cũng phát triển nhanh chóng, Hồ Chủ tịch thấy cần phải đi Trùng Khánh gặp Tưởng
Giới Thạch và bà Tống Khánh Linh, Chủ tịch "Phân hội Phản xâm lược của
Đồng minh Trung Quốc" để đặt mối quan hệ chính thức với phía Trung Quốc,
một trong năm nước lớn Đồng Minh chống phát xít.
Ngày
20-8-1942, anh Lê Quảng Ba đưa Bác đi từ Pác Bó đến biên giới Trung Quốc, rồi
xếp đặt một đồng chí Trung Quốc đưa Bác đi, còn anh thì lại trở về nước. Khi
đến phố Túc Vinh thuộc chuyên khu Thiên Bảo tỉnh Quảng Tây thì Bác bị bắt."[4]
Sau
đó ông cho biết: Hồ Chí Minh bị bắt ngày 2-9-1942 trên quãng đường giữa Tịnh
Tây đến Thiên Bảo (trang 236); ông cũng nói rõ việc đi Trùng Khánh của Hồ Chí
Minh là có một danh nghiã, một chủ đích rõ ràng:
"Bác
đi Trùng Khánh với danh nghiã là đại biểu "Phân hội Phản xâm lược đồng
minh Việt Nam" đi gặp Tưởng Uỷ viên trưởng [Tưởng
Giới Thạch] để tỏ lòng tôn kính và gặp người phụ trách "Phân hội Phản
xâm lược đồng minh Trung Quốc [Tống Khánh Linh] để thương lượng công
việc chống Nhật. Với danh nghiã như vậy, thì đáng lẽ Trung Quốc đang chống Nhật
thì phải tiếp đãi thân mật và hết sức giúp đỡ, nhưng trái lại, đương cục địa
phương lại lấy cớ giấy tờ không hợp lệ, tuỳ tiện bắt giải đi như một người tù
mà chẳng cần xét hỏi gì cả."[5]
Phân
hội Phản xâm lược đồng minh Việt Nam là do Hồ Chí Minh tạo ra, phỏng theo
Phân hội Phản xâm lược đồng minh Trung Quốc do bà Tống Khánh Linh lãnh đạo.
Lúc đó Nhật là kẻ thù của Tàu, và Nhật ở trong trục Đức, Ý, Nhật. Hồ Chí Minh
lập ra "Phân hội" này theo khẩu hiệu chống Nhật với chủ ý chính trị
làm đẹp lòng đồng minh, nhất là Tưởng Giới Thạch.
Xin
nhắc lại, lúc ấy Tưởng Giới Thạch làm chủ nước Trung Hoa, cường quốc thứ tư thế
giới, đóng đô ở Trùng Khánh, Mao Trạch Đông chưa có thanh thế gì. Muốn có sự
hậu thuẫn để chống Pháp, cách mạng Việt Nam phải dựa vào sự giúp đỡ của Tưởng Giới
Thạch. Về phiá quốc gia, sự giúp đỡ này là tự nhiên, vì Việt Nam Quốc Dân Đảng
theo chủ nghiã Tam dân của Tôn Dật Tiên. Về phiá Việt Minh, mọi chuyện phức tạp
hơn, muốn được sự giúp đỡ của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh phải tỏ ra là người
không cộng sản, và hết sức chống Nhật.
Việc
Hồ Chí Minh bị bắt, chỉ vì lúc ấy, ông chưa nổi tiếng, cảnh sát địa phương
Trung Hoa chưa biết ông là ai, họ bắt vì giấy tờ không hợp lệ.
Theo
Hoàng Văn Hoan, mãi đến tháng 10-1942, Tỉnh Uỷ Cao Bằng mới biết và vận động "các
đoàn thể dân chúng và kiều bào hải ngoại liên danh viết thư đòi phía Trung Quốc
tha ngay nhà cách mạng lão thành Việt Nam đang lãnh đạo phong trào chống Nhật,
một mặt phái anh Hoàng Đình Ròng đến biên giới lấy danh nghiã Phân hội Phản xâm
lược đồng minh Việt Nam đánh điện cho Tôn Khoa, Viện trưởng viện lập pháp Trung
Quốc yêu cầu tha ngay Hồ Chủ tịch."[6]
Hoàng
Văn Hoan viết tiếp là ông Tôn Khoa có can thiệp với Trùng Khánh và Trùng Khánh
ra lệnh cho Trương Phát Khuê [Tư lệnh quân khu bốn] xử lý việc này, nhưng lúc
đó, Hồ Chí Minh đang bị giải đi trên đường Đồng Chính-Nam Ninh, nên Trương Phát
Khuê không tìm ra manh mối. Việc này chưa chắc đã xẩy ra như thế, bởi vì lúc đó
Hồ Chí Minh chưa phải là nhân vật nổi tiêng.
Hoàng
Văn Hoan gửi một bức thư cho Thông tấn xã Trung Quốc, đề ngày 15-11-1942.
"Khi
các thông tấn xã ở Trùng Khánh nhận được bức thư này thì Hồ Chủ Tịch đã bị giải
đến Quế Lâm, nhưng qua một thời gian mấy tháng, Quế Lâm vẫn không điều tra ra
manh mối, nên lại giải về cho Quân Khu bốn ở Liễu Châu để Quân Khu bốn xử lý.
Quân khu bốn coi Hồ Chủ Tịch là một người tình nghi chính trị, giữ lại ở chỗ
giam quân nhân, nhưng cung cấp ăn uống đầy đủ, được đọc sách báo và không bắt
phải làm khổ công. Tháng 7-1943, Quân khu bốn quan
sát biết là một nhân vật hoạt động quốc tế, Trương Phát Khuê liền chuyển về Bộ
chính trị Quân khu và giao cho tướng Hầu Chí Minh, phụ trách việc "cảm
hoá"".[7]
Những
điều này hoàn toàn phù hợp với lời kể của Như Băng trong hồi ký (xem chương Những
ngày sóng gió): Hồ Chí Minh được biệt đãi, ở phòng riêng, trong khi Nguyễn
Tường Tam ở chung phòng với Đỗ Tốn và hai người khác.
Hoàng
Văn Hoan viết tiếp:
"Đối
với Hồ Chủ tịch, Hầu Chí Minh tỏ vẻ kính nể, thường cùng ngồi ăn uống và trò
truyện rất bình đẳng, nhưng tìm hiểu về thân phận thì Hồ Chủ tịch cự tuyệt,
không trả lời. Sau do sự phát giác của một nội tuyến (nội tuyến đây là tên phản
đảng Trần Bảo) thì mới biết rõ Hồ Chí Minh là Lý Thụy, là Nguyễn Ái Quốc, là
Hoàng Quốc Tuấn, là lãnh tụ cộng sản và lãnh tụ Việt Minh" (trang
237).
Việc
này cũng phù hợp với việc không ai biết Hồ Chí Minh là ai, bởi vì chính ông
giấu vết tích cộng sản của mình. Hoàng Văn Hoan xác định lại một lần nữa sự ưu
đãi này với chứng cớ bằng văn bản:
"Trong
bản báo cáo của Trương Phát Khuê gửi Trung Ương Quốc Dân Đảng hồi tháng 1- 1944
có đoạn nói: "Hồ Chí Minh từ lúc rời đến bộ Chính trị Quân khu vẫn được ưu
đãi và được cảm hoá với một thái độ kính nể". Lúc đó Trương Phát Khuê đã
có ý định tha Hồ Chủ Tịch về Việt Nam"[8].
Đó
là tình hình của Hồ Chí Minh giữa năm 1943, qua sự tường thuật của Hoàng Văn
Hoan.
Việc
thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội
Đến
đây, Hoàng Văn Hoan đi ngược thời gian, trở lại việc thành lập Việt Nam Cách
Mạng Đồng Minh Hội, năm 1942, lúc đó Hồ Chí Minh mới bị bắt ở Tịnh Tây:
"Sau
khi hai người Việt Nam Quốc Dân Đảng là Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ, được
Trùng Khánh làm hậu thuẫn, từ Côn Minh đến Liễu Châu, thì Quân khu bốn chuyển
hướng, chuẩn bị thành lập Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội với ý định hoàn toàn
gạt Việt Minh ra ngoài.
Ngày
1-10-1942, Đại hội thành lập Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (gọi tắt là Việt
Cách) chính thức khai mạc ở Liễu Châu. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương
gồm bẩy người là: Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế
Tổ, Trần Báo, Nông Kinh Du, Trương Trung Phụng; mà Uỷ viên thường vụ là Trương
Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh. Xem danh sách thì Trương Bội Công, Nguyễn
Hải Thần có địa vị cao, sự thực thì Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ là người của
Trùng Khánh, nắm ưu thế"[9].
Xin
nhắc lại: Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ, là hai đảng viên kỳ cựu của
Quốc Dân Đảng, đã chạy thoát sang Trung Hoa sau khởi nghiã Yên Bái. Họ được học
quân sự ở Trung Hoa, có trách nhiệm và chức vụ trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng
Trung Quốc, nên Hoàng Văn Hoan coi họ là "người của Trùng Khánh", có
thế lực hơn những nhà cách mạng khác.
Những
thông tin về việc thành lập Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và danh sách Ban
chấp hành Trung ương lần thứ nhất, do Hoàng Văn Hoan cung cấp trên đây ăn khớp
với những gì Hoàng Văn Đào viết, chỉ trừ ngày khai mạc, Hoàng Văn Đào ghi là
10-10-1942 và cho biết lý do quyết định lập Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội,
như sau: Tưởng Giới Thạch thấy tình hình cách mạng Việt Nam lưu vong phức tạp
vì có nhiều đảng phái quá không thể trợ cấp riêng từng trường hợp được, nên ông
giao cho Trương Phát Khuê quy tụ lại thành một tổ chức duy nhất, đó là: Việt
Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội[10].
Lúc
đó những đảng phái theo Việt Minh, ở Trung Quốc cũng nhiều, nhưng không dám để
lộ danh tính cộng sản. Khi Hồ Chí Minh được đưa về Liễu Châu, Hoàng Văn Hoan
viết:
"Một
văn phòng của Đại biểu chỉ đạo [Đồng Minh Hội] được thành lập do
Tiêu Văn làm Chủ nhiệm.
"Tiêu
Văn trao đổi ý kiến với Hồ Chủ Tịch về việc muốn triệu tập một cuộc đại hội để
chỉnh đốn Việt Cách bằng cách đưa một số người mới vào ban lãnh đạo, trong đó
có Hồ Chủ tịch."[11]
Điều
này chứng tỏ Tiêu Văn không biết Hồ Chí Minh là cộng sản, mặc dầu ông đã bị
Trần Bảo tố giác. Hoặc Tiêu Văn không để ý, hoặc đối với ông việc
ấy không quan trọng.
Hoàng
Văn Hoan viết:
"Hôi
nghị Đại biểu họp tại Liễu Châu từ ngày 25 đến ngày 28-3-1944, gồm 15 đại biểu
các đoàn thể, trong đó có đại biểu hội giải phóng ở Vân Nam là Lê Tùng Sơn vốn
đã theo Việt Minh, đại biểu Biệt Động Quân ở Nam Ninh là Nguyễn Thanh Đồng cũng
là Việt Minh, đại biểu đảng Đại Việt là Nguyễn Tường Tam và đại biểu "Phân
hội Phản xâm lược đồng minh Việt Nam" là Hồ Chí Minh".[12]
Đây
cũng là một tài liệu hiếm hoi vì Hoàng Văn Hoan viết rõ tên một số đại biểu
tham dự đại hội, và ông nhận xét: "Những đoàn thể có đại biểu đến tham
dự hội nghị lần này, trước kia không có chân trong Việt Cách", câu này
chủ ý chỉ Nguyễn Tường Tam và Hồ Chí Minh.
Hoàng
Văn Hoan viết tiếp:
"Kết
quả việc chỉnh đốn lần này là: Trước kia bẩy người trong Ban chấp hành Trung
ương có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nông Kinh Du, thì bây giờ ba người này
chỉ ở trong Ban giám sát, ba người mới được thay vào là Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân
Luật và Trần Đình Xuyên. Hồ Chủ Tịch và Nguyễn Tường Tam được bầu làm Ủy viên Trung
ương dự khuyết. Sau một thời gian, Trần Đình Xuyên bị gạt. Hồ Chủ tịch được trở
thành Uỷ viên Trung ương chính thức. Thế là Hồ Chủ tịch đã có một địa vị vững
chắc trong Việt Nam cách mạng đồng minh hội".[13]
Danh
sách mới này cũng đúng với danh sách Hoàng Văn Đào, tuy giọng hai bên khác
nhau, Hoàng Văn Hoan viết rõ ràng hơn Hoàng Văn Đào.
Tóm
lại: Tháng 10-1942, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, được thành lập với
ban chấp hành đầu tiên, lúc đó, Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam chưa có mặt ở
Liễu Châu.
Tháng
3-1944, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, được "cải tổ", bầu
lại, thêm nhiều đại diện mới, lần này Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam được bàu
làm Uỷ viên Trung ương.
Chủ
trương về Việt Nam của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội
Hoàng
Văn Đào viết:
"Thời
cuộc biến chuyển mau lẹ, cuối năm 1943, VNCMĐMH phát động phong trào tuyên
truyền cổ động cho tổ chức vào nội địa Việt Nam; đồng thời thiết lập trạm giao
thông liên lạc ở biên khu để thu lượm tin tức và tuyên truyền VNCMĐMH vào quốc
nội.
Trước
hội nghị, mọi yếu nhân các đảng phái quốc gia đều làm ngơ, không biết lợi dụng
cơ hội đó để phát triển cơ sở, lợi dụng thế đồng minh lãnh trách nhiệm, phái
cán bộ về nội địa phối hợp với các đồng chí để hoạt động mà mọi người đương
mong đợi từ lâu.
Trước
hội nghị duy có ông Hồ Chí Minh giơ tay xin xung phong. Ông Hồ liền được cấp
đầy đủ giấy tờ và công tác phí là 20 vạn quốc tệ với 20 thanh niên cán bộ, do
ông Hồ tự ý lựa chọn những phần tử để điều khiển, mà hầu hết là đảng viên
VNPHĐMH [Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội].[14]
Hoàng
Văn Đào không viết rõ ngày Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội họp hội nghị để bàn
chuyện "vào nội địa Việt Nam", nhưng chắc chắn là sau đại hội
bàu lại Ban chấp hành, vì đã có Hồ Chí Minh tham dự, vậy đại hội này xẩy ra sau
tháng 3-1944.
Hoàng
Văn Đào viết rất rõ :"mọi yếu nhân các đảng phái quốc gia đều làm ngơ
(…).duy có ông Hồ Chí Minh giơ tay xin xung phong", và ông đã thẳng
cánh chỉ trích những người lãnh đạo quốc gia, trong đó có Nguyễn Hải
Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam, không biết lợi dụng cơ hội đó để
phát triển cơ sở, và việc Hồ Chí Minh giơ tay xin xung phong đã
giúp ông thành công trong sự nghiệp cách mạng.
Hoàng
Văn Hoan không ở trong phòng họp nên không biết chuyện này, lúc đó ông đã về
Việt Nam, ông dựa vào tài liệu của Quốc Dân Đảng Trung Hoa để cho những thông
tin khác:
"Ngày
9-8-1944, Hồ Chủ tịch được Trương Phát Khuê để cho hoàn toàn tự do để chuẩn bị
về nước.
Trước
khi về nước Hồ Chủ tịch dự thảo kế hoạch công tác và một số yêu cầu viện trợ cụ
thể đưa Trương Phát Khuê. Kế hoạch công tác là xây dựng hai căn cứ địa du kích
ở dọc biên giới tương đối gần nhau để có thể dễ bề liên lạc. Hai căn cứ địa cần
độ 600 khẩu súng; ngoài ra còn cần 400 khẩu súng nữa để tổ chức một số tiểu
đội, động thì đánh du kích, tĩnh thì làm vũ trang tuyên truyền. Về kinh phí thì
xin cấp cho hai vạn năm nghìn tiền Đông Dương để chi phí về tiền ăn trong hai
tháng đầu và một số tiền Trung Quốc đủ dùng trong lúc đi đường từ Liễu Châu về
đến Việt Nam.
Về
phần cá nhân, Hồ Chủ tịch yêu cầu mấy việc như sau:
1-
Yêu cầu Trương Phát Khuê viết một bức thư gửi các đoàn thể yêu nước Việt Nam.
2-
Yêu cầu có một thư uỷ nhiệm của Trung Ương Việt Cách phái Hồ Chủ tịch về nước
công tác.
3-
Yêu cầu cho một bản địa đồ Việt Nam dùng cho quân sự.
4-
Yêu cầu Trương Phát Khuê cho một chứng minh thư dài hạn để tiện việc đi lại.
5-
Xin một số tài liệu tuyên truyền như quyển Tội ác giặc Nhật[15]
và một số tranh ảnh.
6-
Xin một khẩu súng nhỏ để tự vệ.
7-
Xin một ít kinh phí cần thiết cho cá nhân trong buổi đầu.
Sau
khi nhận được kế hoạch công tác và yêu cầu về cá nhân, Trương Phát Khuê liền
cấp cho:
-
Một cái hộ chiếu dài hạn để tiện cho việc đi lại, các thứ giấy tờ cần thiết
khác và một số thuốc chữa bệnh.
-
Bẩy vạn sáu nghìn tiền Trung Quốc.
Đến
như số kinh phí để xây dựng căn cứ địa và một số tiểu đội du kích thì còn
nghiên cứu chưa cung cấp ngay.
Ngày
20 tháng 9 năm 1944, Hồ Chủ tịch cùng 18 cán bộ rời Liễu Châu qua Long Châu,
Tịnh Tây, Bình Mãnh về Cao Bằng" [in
đậm trong nguyên bản][16].
Những
thông tin này rất quý giá, có lẽ ông chép thẳng trong hồ sơ của Quốc Dân Đảng
Trung Quốc. Hoàng Văn Đào cho biết thêm: "Sau khi Hồ Chí Minh trở ra
biên khu, Nguyễn Tường Tam cũng rời bỏ Liễu Châu, trở lên Côn Minh (Vân Nam)
liên kết với Hải ngoại bộ VNQDĐ"[17].
Trong
chương IV, kế tiếp, tựa đề: Hồ Chủ Tịch đi Côn Minh gặp Tư lệnh không quân
Mỹ, Hoàng Văn Hoan viết về việc Hồ Chí Minh đi Côn Minh (Vân Nam) cuối năm 1944,
gặp tướng Chen-nớt-tơ (Chennault) Tư lệnh không quân Mỹ ở Vân Nam. Hồ Chí Minh
nói với vị tướng Mỹ: "Các tổ chức chống Nhật ở Việt Nam đều gia nhập
mặt trận Việt Minh" và "Hiện nay tổ chức chống Nhật ở Việt Nam
phát triển rất rộng. Nếu Mỹ giúp vũ khí đạn dược và phương tiện thì Việt Nam sẽ
có lực lượng nhiều hơn để đánh phá quân Nhật".
Đây
cũng là một chương quan trọng trong hồi ký lịch sử Giọt nước trong biển cả
của Hoàng Văn Hoan.
***
Phần
thứ hai: Số phận một số thanh niên trốn sang Tàu
Từ
Việt Nam sang Trung Quốc, có ba tuyến đường chính:
-
Phiá tây bắc, đi lối Lào Cai, Hà Giang sang Vân Nam.
-
Phiá đông bắc, đi lối Cao Bằng, Lạng Sơn, sang Quảng Tây.
-
Phiá biển đông, từ Hải Phòng đi tàu sang Quảng Châu (thủ phủ của Quảng Đông).
Ở
thời điểm 1940, khi quân Nhật đã chiếm một phần nước Tàu và đang cầm chân quân
Pháp tại Việt Nam, việc sang Tàu bằng đường biển do Nhật đảm bảo, đi từ Hải
Phòng sang Quảng Châu. Nước Tàu lúc đó chia ra từng vùng: Tàu và Nhật. Riêng
Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông có sông Châu Giang, có khúc chia hai: một
bên là Tàu, một bên là Nhật. Những người Việt Nam mới trốn sang Tàu, ở vùng
thuộc Nhật. Họ tìm cách sang sông qua phía Tàu, để lên Liễu Châu, miền bắc Quảng
Tây, nơi có nhiều nhà cách mạng Việt Nam tụ tập.
Những
câu chuyện dưới đây kể về việc trốn sang Tàu cùa một số thanh niên theo Đại
Việt Dân Chính và Việt Nam Quốc Dân Đảng, là hai đảng chủ trương chống Pháp,
thân Nhật. Vị trí của họ thật bấp bênh, bởi vì Nhật là kẻ thù của Tàu.
Họ
nhờ Nhật giúp đỡ để rời Việt Nam. Nhưng sang đến đất Tàu, họ lại tìm cách trốn
sang vùng Tưởng Giới Thạch để nhờ sự giúp đỡ của Tưởng Giới Thạch cũng như Hồ
Chí Minh. Vì vậy, khi đến Liễu Châu, họ bi bắt giam bởi vì đi từ vùng Nhật
sang, Nguyễn Tường Tam bị bắt trong trường hợp đó.
Những
thanh niên Việt đến Quảng Châu, rồi tìm cách đi Liễu Châu. Tới nơi bị giam
nhiều tháng. Khi được thả, lại theo đường bộ từ Liễu Châu trở về Việt Nam. Một
hành trình gian nan mà vô ích, vì không làm được việc gì, đã gây những rạn nứt
sâu xa trong lòng những thanh niên yêu nước còn quá trẻ.
Trên
báo Việt Nam, số 64, 30-1-1946, Tết Bính Tuất, đặc biệt có ba bài viết về tình
trạng trốn sang Tàu của một số thanh niên vì sự ruồng bắt của Pháp:
-
Tết đầu tiên ở hải ngoại của Nguyễn Tường Tam, viết về nơi trú
ẩn của ông ở Quảng Châu, cùng với 12 đồng chí, tại trụ sở của đảng. 12 người
chỉ có 4 người sống sót trở về nước.
-
Những ngày phiêu bạt của Hồ Lễ, kể lại chuyến đi từ Hải
Phòng sang Quảng Châu tháng tám năm 1941, của nhóm Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ba
ngày sau, tàu cập bến Hoàng Phố (một hải cảng của Quảng Đông). Ít lâu sau, trốn
lên Liễu Châu, bị bắt giam hơn bốn tháng. Được tha, trốn về Nam Ninh, vào học trường
quân sự. Khi Nhật tấn công Quảng Tây, được chính phủ Trung Hoa cấp giấy phép
cho trở về nước. 9 người ra đi còn lại 5.
-
Ả Hẩu của Đỗ Tốn, mô tả những ngày ở Quảng Châu năm 1941, rồi trốn lên
Liễu Châu bị bắt giam hơn bốn tháng, sau đó một mình trốn về nước. 9 người ra
đi từ Quảng Châu còn lại 3.
Ba
truyện ngắn này, có tính cách nghệ thuật và lịch sử, giúp ta chọc thủng tấm màn
bí mật, để biết rõ hơn về một thời kỳ tối tăm, mà ta có rất ít tin tức tin
được, để hiểu rõ lịch sử Việt Nam.
Tết
đầu tiên ở hải ngoại của Nhất Linh
Trong
chương trước, chúng tôi đã xác định Nhất Linh sang Tàu vào khoảng đầu tháng 10
năm 1940, tuy chưa biết chắc ngày nào, bởi vì ông ghé Đài Loan trước, và không
biết ông ở lại Đài Loan bao lâu.
Trong
chương Con đường cách mạng, tôi dùng thông tin trong điện thư Aki Tanaka
gửi ngày 7-9-2020, trong có câu:
"Komaki
Omi (Tên thật: Omiya Komaki) viết hồi ký rằng ông đã giúp Nguyễn Tường Tam sang
Tàu. Lúc đó qua Đài Loan (hồi đó là thuộc địa của Nhật) rồi mới sang Tàu".
Tôi
vừa nhận được điện thư ngày 3-11-2021, Aki Tanaka đính chính:
"Hồi
ký đó là không phải của Komaki Omi, mà của Komatsu Kiyoshi (làm cố vấn cho nhà
văn hóa Nhật). Komatsu Kiyoshi đã tiểu thuyết hóa những gì ông đã trải nghiệm
khi ông ở Việt Nam giúp cho việc giải phóng dân tộc Việt Nam, trong đó, tên của
Komaki Omi được đổi thành Shimura".
Vậy
tôi xin viết lại thông tin này như sau:
"Komatsu
Kiyoshi (cố vấn cho nhà văn hóa Nhật), đã viết trong tiểu thuyết rằng Shimura [tức
Komaki Omi, trong tiểu thuyết đổi tên thành Shimura] đã giúp Nguyễn Tường
Tam sang Đài Loan".
Thành
thật xin lỗi Tanaka Aki, vì đã không báo cho chị biết trước khi đưa tin này vào
bài viết của tôi, để chị sửa lại, và xin độc giả lượng thứ.
Tài
liệu đầu tiên viết về việc Nhất Linh ở bên Tàu là bài Tết đầu tiên ở hải
ngoại của Nguyễn Tường Tam in trên báo Việt Nam, số 64, 30-1-1946, Tết Bính
Tuất.
Nguyễn
Tường Tam viết:
"Hồi
đó, tất cả mười hai anh em đồng chí chúng tôi cùng chung sống ở trụ sở của
đảng; một cái nhà ở trong cùng một cái ngõ con. Chung quanh không có người Việt
Nam nào khác nữa. Năm ấy, gần Tết, trời rét một cách phi thường, và mưa bụi
suốt ngày bay là qua cửa sổ buồng chúng tôi ngồi nghiên cứu và in sách, báo.
Cảnh
buồn rầu về cuối năm ở nơi đất người, lòng tưởng nhớ nước nhà làm cho chúng tôi
uể oải trong công việc, chỉ nghĩ đến việc ăn Tết, ăn tết thế nào cho thật long
trọng mà tiền không phải mất. Sau cùng một anh đề nghị:
-
Lập một bàn thờ Tổ quốc cho oai, còn ăn thì vẫn ăn muối ớt như ngày thường (…)
Một
anh khác đề nghị:
-
Chỉ lập một bàn thờ Tổ quốc thôi, còn bàn thờ Tổ tiên thì cấm hẳn.
Mọi
người đều tán thành. Thế là vì nước quên nhà, đúng tinh thần cách mệnh lắm".
Bàn
thờ nhỏ, chỉ có chỗ cho 20 bài vị. Tổ Hùng vương ở trên cao nhất. Bên cạnh các
bài vị anh hùng cứu quốc, có "hai ghế" cho Phạm Hồng Thái và Nguyễn
Thái Học. Chiều 30 Tết, họ đem bài vị Phạm Hồng Thái ra mộ thắp hương, rồi
đem hương ở mộ về, châm lên bàn thờ Tổ quốc.
"Lúc
đó ai cũng thấy nhói ở tim nghĩ đến nước Tổ hiện đương còn ở trong vòng giam
hãm.
Chiều
mây một trời buồn thê lương. Tôi đứng trên gác ba cúi nhìn gió lạnh lật những
mặt sau trắng bạc của những cây lá gai mọc cạnh tường bên căn vườn trước nhà:
lòng tôi trong một lúc hiu hắt nhớ quê hương, nhớ người mẹ già tóc bạc phơ giờ
này chắc cũng đương ngong ngóng đợi con về (…)
Ngày
mồng 3 chúng tôi hạ bàn thờ. Trước khi hạ còn bao nhiêu nến chúng tôi cùng đốt
tất cả một lúc cho thật sáng rồi 12 anh em đứng thành vòng tròn xát cánh và
quặt tay ra hai bên nắm chặt lấy tay nhau cùng thề trước bàn thờ Tổ Quốc là
cùng nhau như một hy sinh phấn đấu để mong cứu nước ra khỏi vòng lầm than,
người nào cũng rơm rớm nước mắt. Cái vòng đoàn kết mười hai người ấy đến nay về
tới nước nếu có kết lại thì nhỏ bé quá: trong mười hai chỉ còn sống sót lại bốn
người.
Nhưng
thực ra vòng đó bây giờ lại rộng ra không biết đến thế nào. Tết này nếu có thể
được cùng mấy nghìn vạn anh em chiến đấu, kết vòng lại mà đứng trước bàn thờ Tổ
quốc thì cái vòng đó có lẽ vòng quanh bao trùm được cả đất nước".
N.T.T.
Nhất
Linh không viết rõ, nhưng ta chắc là Tết Tân Tỵ 1941. Bài viết thể hiện tinh
thần của người lãnh đạo, nhưng vẫn ngụ tình cảm chân thật của một "người
thường". Nhất Linh không cho biết trụ sở của đảng ở địa chỉ
nào tại Quảng Châu. Có phải là chỗ trú của Đỗ Tốn và Hồ Lễ không?
Những
ngày phiêu bạt của Hồ Lễ
Như
trên đã nói: Lúc bấy giờ Trung Hoa do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo là một trong
bốn cường quốc đồng minh. Nước này đang bị Nhật xâm chiếm. Nhiều tỉnh một nửa
là của Tưởng, một nửa đã bị Nhật chiếm. Quảng Châu là như vậy, bên này Châu
Giang thuộc Tưởng, bên kia thuộc Nhật. Nhật chiếm một phần bờ biển nên độc
quyền hàng hải. Người Việt sang Tàu, nếu muốn bớt nguy hiểm, chỉ có cách lấy
tàu Nhật từ Hải Phòng sang Quảng Châu. Hồ Lễ ghi lại:
"Mùa
hè năm 1941, sau khi tốt nghiệp ở trường ra, tôi thấy chán nản một cuộc đời quá
ư bình thản. Thời ấy công cuộc Cách mệnh đã ngấm ngầm lan trong dân chúng. Được
một người bạn thân giới thiệu, tôi không ngần ngại gì, xin gia nhập V.N.Q.D.Đ.
Cách
đó ít lâu, Pháp hàng Nhật, đảng phái tôi và một ít đồng chí ra Hải ngoại, để điều
tra và liên lạc với tất cả các đảng phái Cách mệnh. Rồi một buổi sáng mưa tầm
tã, ngày 9 tháng 9 năm 1941, tôi cùng năm đồng chí thanh niên trốn ra Hải Phòng
để đáp một chiếc tàu Nhật đi Quảng Châu (…) Lúc ấy vào khoảng hai giờ chiều
ngày 11 tháng 8 năm 1941. Chúng tôi lên boong tàu nhìn theo mãi quê hương cho
đến khi không còn trông thấy nữa (…) Sau ba ngày lênh đênh trên mặt biển, tàu
cập bến Hoàng Phố, một hải cảng của Quảng Đông và ở đấy, chúng tôi đáp ô tô đi
Quảng Châu".
Tại
Quảng Châu, được Ngô Thành, là đồng chí của Phan Bội Châu hướng dẫn thăm thành
phố và thăm "các nhà cách mệnh Việt Nam của cụ Cường Để". Ba
tháng sau "công cuộc cách mạng trong nước bị vỡ lở, một ít đồng chí bị
bắt, chúng tôi bị nghẽn đường tiếp tế và vì thế chúng tôi trải bao nỗi khổ sở
thiếu thốn gian nan về vật chất cũng như tinh thần. Sau nhờ có anh N.T. T ra và
nhờ sự lãnh đạo khéo léo của anh, lòng chúng tôi ai nấy lại phấn khởi.
Nhưng
sau hơn một năm trời, và thấy công cuộc cách mệnh không ăn thua gì chúng tôi
liền bỏ trốn sang đất Tưởng Giới Thạch".
Hồ
Lễ là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, vậy khi viết "nhờ sự lãnh đạo
khéo léo của N.T.T," thì có lẽ NTT này chưa chắc đã là Nguyễn Tường
Tam Nhất Linh. Nhóm của Hồ Lễ, chỉ rời Quảng Châu một năm sau, tức là cuối năm
1942. Và bị bắt ở Liễu Châu, bị giam trong hơn 4 tháng. Phải chăng bất
cứ ai từ vùng địch (vùng Nhật) vào Liễu Châu (vùng Tưởng Giới Thạch) trong thời
gian ấy, cũng bị giam hơn 4 tháng? Nhưng điều kiện giam cầm của nhóm Hồ Lễ khác
hẳn những gì Như Băng mô tả trong hồi ký của bà. Hồ Lễ viết:
"Những
ngày ở Liễu Châu là những ngày đau đớn nhất cho chúng tôi vì ở đây chúng tôi đã
mất hai đồng chí, hai thanh niên hăng hái đã mắc bệnh chết trong ngục. Trong số
9 người đã chết mất hai, và hai người mất tích trong lúc rời Quảng Châu.
Còn
lại năm. Chúng tôi ở đây đều bị giám thị, thành thử công cuộc cách mệnh không
hoạt động được. Chúng tôi liền quyết định trốn về để xem xét tình hình trong
nước.
Rời
Liễu Châu chúng tôi đi bộ mất năm ngày tới Nam Ninh [thủ
phủ Quảng Tây, cách Việt Nam 180 km]. Quãng đường này rất nguy hiểm vì dạo
ấy nước Tầu có rất nhiều cướp đường có súng ống hẳn hoi (…)
Ngày
thứ ba chúng tôi tới Cô-Lôn-Quan, nơi trước kia có cuộc xung đột kịch liệt nhất
giữa quân đội Trung Nhật. Địa thế ở đây thật là hiểm trở, hai bên là núi cao
ngất giữa chỉ có con đường độc đạo, và cũng là con đường nổi tiếng, vì nhiều
giặc cướp (…) Đương lo lắng và sẵn sàng đợi tai nạn xẩy đến, chúng tôi gặp ngay
một cái xác chết trần truồng máu hãy còn tươi người đó mới bị giết cách đó độ
mười lăm phút thôi.
Trong
tay không một thước sắt, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Quay đi quay lại không
một bóng người, không một tiếng chim, gió lùa vào những rừng thông rít lên từng
hồi ghệ rợn. Chúng tôi mỗi người chặt một cái gậy đi sát nhau, rảo bước, mặc số
mệnh (…) Đến Nam Ninh muốn phá tan sự nghi ngờ của những nhà đương cục và cũng
để luyện tập công cuộc tác chiến, chúng tôi gia nhập quân đội Trung Hoa.
Sáu
tháng sau Nhật tấn công vào Quảng Tây. Chúng tôi vì là người ngoại quốc nên
chính phủ cấp giấy cho về nước. Trong những ngày chờ đợi để có đủ khoản lộ phí,
chúng tôi phải xoay ra bán thịt lợn".
Hồ
Lễ về đến Hà Nội, nghỉ ngơi hai tháng. Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945,
người sinh viên mới ra trường này lại nhận nhiệm vụ lên đường hộ tống đoàn đại
biểu sang Vân Nam rồi đi Trùng Khánh.
Ả
Hẩu của Đỗ Tốn
Đỗ
Tốn viết truyện ngắn Ả Hẩu, in trên báo Việt Nam số 64 (30-1-1946) Tết
Bính Tuất. Nhưng sau vào Nam, ông viết thêm, dài hơn, với những chi tiết đáng
chú ý về lịch sử, in trên Văn Hoá Ngày Nay[18]
từ số 9 đến số 11.
Ả
Hẩu,
có hai câu thơ mở đầu, thắm thiết:
"Chiều
nay giở lại trang tình cũ.
Ta
viết ra đây một quãng đời".
Và
Đỗ Tốn đã viết về quãng đời đó bằng bút pháp xứng đáng Hoa vông vang.
Ả
Hẩu, bản in trên nhật báo Việt Nam, chỉ có một nhân
vật chính là Ả Hẩu, người hầu, người làm, nàng tiên với tấm lòng vàng như trong
giấc mơ, Đỗ Tốn suốt đời không quên được.
Ả
Hẩu,
bản in trên Văn Hoá Ngày Nay có hai nhân vật: Ả Hầu và Sài
Điền.
Sài
Điền,
là chuyện tàn ác trong cách mạng, đối trọng của Ả Hẩu.
Sài
Điền
Đỗ
Tốn sang Trung Hoa năm 1941, theo đường dây của Sài Điền:
"Hầu
hết chúng tôi đều là những thanh niên trên dưới 20 tuổi, đương bị nhà đương
cuộc Pháp ở trong nước lùng bắt nên phải lẩn tránh sang Quảng Châu. Ai đã giúp
chúng tôi xuất ngoại: đó là một người tên Sài Điền – khi quân Nhật tấn công và
chiếm đóng tỉnh Lạng Sơn vào hồi năm 1940 thì Sài Điền là vị Đại tá nắm quyền
chỉ huy vùng chiếm đóng đó. Sài Điền nói tiếng Việt Nam thông thạo và tự giới
thiệu là người Việt Nam đã sang Nhật lâu năm, nay trở về nước để giúp các người
cách mạng V.N. giành lại nền độc lập cho Tổ Quốc. Cũng vì Sài Điền là người V.
N. nên dân chúng ở Bắc Việt hồi đó đồn ầm lên rằng y là con trai ông Cường Để.
Ở địa vị đó Sài Điền đã liên lạc được với một số đảng viên các đảng cách mạng
Việt Nam hồi đó.
Sau
đó ít lâu người Nhật trao trả lại cho Pháp tỉnh Lạng Sơn, làm cho hàng ngàn
người V.N. phải bạt chạy lẩn tránh sang Tầu và bao ngàn người khác bị Pháp bắt
bỏ tù; rồi đến khi người Pháp ruồng bắt chúng tôi ở Hà Nội thì Sài Điền liên
lạc đưa chúng tôi lên tàu binh Nhật để sang Quảng Châu; nhóm ra đi chúng tôi
hầu hết là thanh niên ngoại trừ vài người cầm đầu. Vì chúng tôi còn trẻ, ưa
hoạt động, nhiều hiếu thắng, thích xa lạ, nên khi Sài Điền hứa đi Quảng Châu
rồi sẽ đưa chúng tôi sang học trường quân sự tại Nhật thì chúng tôi nhận lời
ngay.
Khi
đã tới Quảng Châu, Sài Điền thuê một căn nhà cho chúng tôi ở, căn nhà này có
hai tầng gác (…) Sài Điền dạy chúng tôi văn ngữ Nhật; hắn dạy rất giỏi, rất có
thứ tự mạch lạc. Chúng tôi hấp thụ rất mau được văn mẹo Nhật ngữ, với tin tưởng
rằng rồi đây sẽ vào trường Quân sự Nhật".[19]
Sau
hơn nửa năm ở Quảng Châu, đang bị nạn đói hoành hành, Sài Điền không cho các
thanh niên này hoạt động chính trị và bản thân ông ta cũng không động tĩnh gì.
Họ lại được biết thêm: "Chính phủ Tưởng Giới Thạch đã treo giải thưởng
cho ai lấy được thủ cấp của hắn vì hắn là một tên gián điệp lợi hại của Nhật.
(…) Hắn cần nắm vững chúng tôi trong tay, không phải cốt để hại chúng tôi mà
cốt chỉ tỏ cho nhà đương cuộc Nhật thấy là các nhà cách mạng Việt Nam liên lạc
với hắn chặt chẽ. Hắn ở giữa, lấy tiền của nhà đương cuộc Nhật nói là để nuôi
chúng tôi, rồi hắn lại lấy cả tiền của chúng tôi đem theo và cả tiền anh em ở
trong nước gửi ra cho chúng tôi nữa".
Nhóm
Đỗ Tốn họp nhau và quyết định thoát khỏi sự kiềm toả của Sài Điền. Họ bèn đòi
Sài Điền đưa về nước, nhưng Sài Điền vẫn lấy hết cớ này đến cớ khác, kéo dài
trong nhiều tháng, khiến họ quyết định "phải giết hắn đi" để trong
nước không bị lừa thêm, và họ được giải thoát để tìm đường về nước hoặc đi chỗ
khác hoạt động:
"Cuối
cùng số lớn anh em trong bọn đi đến quyết định là phải giết hắn đi dù có phải
đổi mạng. Cần phải hành động như vậy, một là để mở đường thoát cho một số anh
em đi nơi khác hoạt động. Hai là để các anh em còn ở trong nước khỏi bị lừa
thêm mãi, có hại lớn về sau.
Trong
một buổi họp, anh X., người cầm đầu bọn chúng tôi lên tiếng hỏi: "Ai tình
nguyện giết?" Tôi còn đương trẻ măng [21 tuổi], tôi cảm
thấy tôi không thể đưa tay lên giết một mạng người, tôi không đủ can đảm!… Có
lẽ ra lệnh cho tôi thì tôi sẽ giết đấy, nhưng "tình nguyện" thì
không! Tôi ngồi im lặng. Giây phút nghiêm trọng như có điện trong không gian.
Tôi không rõ thời gian nhanh chậm ra sao nữa nhưng tôi nhớ rồi có hai cánh tay
giơ lên, tôi nhận ra Danh và Tiết.
Danh
mới 21 tuổi đầu, và Tiết mới 18. Danh giơ tay thì tôi không lạ, nhưng còn Tiết…
Tiết là con một gia đình buôn bán khá lớn ở Hà Nội lại là người công giáo sùng
mộ, ngày ngày vẫn đi nhà thờ cầu kinh và trên cổ lúc nào cũng đeo ảnh Đức Mẹ!
Tôi cúi đầu im lặng, tôi không thể hiểu được những động lực sâu xa của lòng dạ
con người, thực tôi chưa thể hiểu được"[20].
Quyết
định, nhưng trong nhiều tuần lễ, chưa thi hành. Một buổi sáng, Danh dậy sớm, rủ
các bạn đến nhà Sài Điền, nói là để hối thúc hắn việc về Việt Nam. "Bọn
chúng tôi có 9 người nhưng chỉ có 4 người tới nhà Sài Điền" là Danh,
Tiết, Lễ và Tốn.
Cuộc
sát hại xảy ra tàn bạo, không thể chép lại ở đây.
Sau
đó Danh trốn ngay sang khu Tưởng Giới Thạch. Tiết ở lại nhận tội. Lễ và Tốn đi
báo cảnh sát Tàu địa phương. Người thư ký của Sài Điền điện thoại báo Hiến binh
Nhật.
"Hiến
binh Nhật từ tứ phiá gươm tuốt trần, súng lục lăm lăm ở tay, ùa chạy tới bắt
chúng tôi dẫn đi.
Tại
trại Hiến binh, người Nhật đối đãi với chúng tôi rất nhã nhặn. Thấy chúng tôi
còn ít tuổi nhất là Tiết mà quần áo còn đẫm máu sát nhân, bọn Nhật lại tỏ vẻ
mến phục mới kỳ chứ.
Sau
khi ngồi ở trại Hiến Binh Nhật độ một giờ đồng hồ thì có một thượng sĩ Hiến
binh Nhật ở ngoài đi vô. Hắn tiến tới chỗ chúng tôi và ngỏ lời khen Tiết làm
sao anh đã hạ nổi một người giỏi võ và kiếm như Sài Điền được?"[21]
Nửa
giờ đồng hồ sau.
"Vị
Thiếu tá chỉ huy hiến binh bước tới đứng trước mặt chúng tôi rồi cất tiếng hỏi:
-
Các anh tới Quảng Châu có mục đích gì?
Chúng
tôi nghiêm chỉnh đáp:
-
Mục đích của chúng tôi là tranh đấu để giành lại nền độc lập cho nước chúng
tôi.
Nghe
xong hắn gật gù khen "tốt, tốt"".
Chiều
hôm đó họ lấy khẩu cung, rồi bị giam một đêm, đến 3 giờ chiều hôm sau, được tha
về: "Vị Thiếu tá đưa mắt nhìn chúng tôi một lượt đoạn hắn chậm chạp
nói:
-
Người Việt Nam xung đột với người Việt Nam, đó là chuyện nội bộ của các anh,
người Nhật không muốn dính dáng tới. Tuy nhiên tôi khuyên các anh rằng từ nay
trở đi đừng để xẩy ra những chuyện như thế nữa… Người Nhật cần giữ trật tự ở
nơi đây (…)
-
Thưa Thiếu tá, thế còn số phận chúng tôi ra sao?
-
Các anh được tự do.”[22]
Đêm
hôm ấy, "… tôi bỗng cảm thấy một nỗi buồn xa vắng mênh mông từ đâu từ
từ trở về xâm lấn cả tâm hồn; căn phòng thiếu Danh (đã trốn) càng lạnh lẽo
thêm.
Tôi
nằm được một lát thì thấy Tiết từ phòng bên đi tới… Tiết nói:
-
Em ngủ chung phòng với anh được không?”
Người
sát thủ trẻ tuổi trở lại thành cậu bé sợ ma:
"Nằm
phòng bên kia một mình em hơi rợn sợ anh ạ."
"Tôi
trạnh nghĩ đến Danh, chẳng hiểu giờ phút này Danh đương rét mướt nằm ngủ trốn
tránh ở một xó chợ nào, hay ở một gậm cầu nào hay ở đâu… và rồi bổng nhiên tôi
thấy tủi thân muốn ứa nước mắt… tôi thấy tôi thương hại cho tất cả chúng tôi."[23]
Giết
được Sài Điền, ít lâu sau họ tổ chức vượt Châu Giang sang bên kia sông thuộc
khu Tưởng Giới Thạch, rồi đi về Liễu Châu.
"Chúng
tôi bị giữ tại trụ sở Cảnh bị Tư lệnh bộ, nhưng được đặc biệt ở trong một phòng
vẫn thường dành cho khách vãng lai, vật chất thì không thiếu thốn lắm, nhưng
mất tự do."[24]
Đó
cũng là nơi giam Nguyễn Tường Tam và Hồ Chí Minh. Tại đây Đỗ Tốn gặp Như Băng,
trung uý truyền thông làm việc trong dinh tướng Trương Phát Khuê, và sẽ là
người bạn đường tương lai. Sau Tết độ 2 tháng, Đỗ Tốn một mình lên đường
về nước. Đó là mùa xuân năm 1943. Gần một tháng sau về đến Việt Nam.
Sài
Điền là ai?
Theo
những mô tả của Đỗ Tốn:
Sài
Điền rời Việt Nam từ 11 tuổi, do các nhà tiền bối cách mạng đưa đi. Vì ở Nhật
quá lâu và đưọc hấp thụ nền văn hoá Nhật, nên đã trở thành người Nhật.
Sài
Điền là một tay kiếm cừ khôi, đã từng dự các cuộc đấu kiếm, tranh giải, và là
giáo sư dạy lịch sử các đảng cách mạng thế giới ở trường đại học Oa Sê Đa ở
Nhật.
Rất
giỏi Hán Văn, nói tiếng Tàu quan hoả như các nhà trí thức Tàu. Trước kia Sài
Điền đã giả danh người Tàu, giữ một địa vị quan trọng trong Bộ Ngoại Giao Tàu,
làm tình báo cho Nhật, báo cho Nhật biết những bí mật của Tầu trong trận Lư Câu
Kiều [7-7-37, được coi là trận mở đầu chiến tranh Trung-Nhật]. Khi việc vỡ lở,
Sài Điền kịp chạy về Nhật.
Khi
Nhật đánh chiếm Lạng Sơn, năm 1940, thì Sài Điền là Đại tá. Và sau đã "tự
nguyện" đưa người Việt trốn Pháp, sang Tàu[25].
Sài
Điền chính là Shibata, hay Trần Phước An, Trần Văn An, nhân
vật mà Khái Hưng và Nhất Linh tìm gặp trong tháng 4-1941, và được tình báo Pháp
ghi nhận trong bản Note Công an số 23670, ngày 3-11-1941, do François Guillemot
ghi lại, chúng tôi đã đưa ra trong chương Con đường cách mạng:
"Ngày
31-10 vừa qua, cảnh sát đặc biệt Hà Nội đã bắt được nhà báo Trần Khánh Giư tại
trụ sở của nhật báo Ngày Nay trước, ở số 80 Quan Thánh (…), cựu cộng tác viên
của tờ báo này và lãnh đạo đảng Đại Việt Dân Chính. Đương sự nhận ngay liên hệ
của mình với đảng.
Lời
thú nhận của y xác nhận những thông tin ta đã thu lượm được từ trước về y, chủ
yếu là chuyến đi tại/tới (à) Quảng Đông và Đài Loan cùng Nguyễn Tường Tam, trên
một chiếc máy bay quân sự của Nhật vào tháng 4 vừa qua [4-1941]
để gặp Trần Văn An tức Shibata (Trần Phước An)”[26].
Nhất
Linh Khái Hưng tìm gặp Shibata tức Sài Điền trong tháng 4 năm 1941 để
làm gì? Có phải để nhờ y tổ chức đưa các thanh niên Việt Nam sang Tầu
không? Hay là lúc đó hai người đã nghi ngờ Shibata rồi? Đến gặp y để kiểm soát
lại sự thể? Theo François Guillemot, nhà đương cuộc Pháp chỉ được thông báo có
nhiều nhóm nổi dậy, kể từ tháng 7-194[27].
Vậy sự lùng bắt gắt gao có lẽ chỉ bắt đầu từ tháng 7-1941.
Nhóm
Đỗ Tốn có lẽ là một trong những nhóm đầu tiên, sang Quảng Châu bằng sự tổ chức
của Shibata, đi tàu Nhật. Hồ Lễ đi tháng 8 năm 1941, cũng đi tầu Nhật, nhưng
chắc theo một diện khác. Hình như hai nhóm không biết nhau. Nhưng khi nhóm Đỗ
Tốn biết sự phản bội của Sài Điền, quyết định giết y, thì chắc phải báo cáo
Nguyễn Tường Tam (anh X. trong truyện Ả Hẩu) và chính anh X. đã hạ lệnh
thi hành bản án.
Về
việc này, Hoàng Văn Đào ghi:
"Sau
thời gian vài tháng chiến đấu chống Pháp, Trần Trung Lập, Đoàn Kiểm Điểm, Vũ
Chương cùng hàng trăm đồng chí bị Pháp bắt rồi sát hại tại thành Lạng Sơn. Còn
Trần Phúc An cùng quân đội Nhật Bản rút khỏi Lạng Sơn về Hà Nội, bị Nguyễn
Tường Tam ra lệnh giết chết"[28].
Thông
tin của Hoàng Văn Đào sai, vì Nhất Linh và Khái Hưng còn gặp lại Trần Phúc An
tháng 4 năm 1941, và theo truyện Ả Hẩu của Đỗ Tốn, Sài Điền bị ám sát
vào khoảng cuối năm 1942, để giải thoát cho nhóm Đỗ Tốn chạy sang Liễu Châu.
Một
chuyện lạ nữa, Sài Điền là mật thám của Nhật, vậy mà sau khi y bị ám sát, hai
viên sĩ quan Nhật lại tỏ vẻ khen ngợi, không bỏ tù, có lẽ vì thông cảm cho
những thanh yêu nước còn quá trẻ và cảm phục lòng can đảm của họ.
Ả
Hẩu
Đỗ
Tốn đang ốm, nằm bẹp trên gác một căn nhà ở Quảng Châu. Họ đến đây đã được một
thời gian, trong thành phố Quảng Châu "thời ấy có thể gọi là cảnh địa
ngục trần gian. Quân Nhật thì chỉ chiếm đóng được một vùng độ ba bốn chục cây
số chung quanh thành phố" mà nạn đói đang hoành hành. "Ngày
nào cũng có hàng trăm người chết đói". Những "cậu công tử"
đi làm cách mạng, mượn một "người ở" trông nom cơm nước giặt giũ.
Nhưng từ khi Pháp lùng bắt cách mạng ở trong nước, việc tiếp tế trở nên
"tắc nghẽn", nhóm họ rơi vào cảnh túng thiếu phải ăn cơm với rau, với
muối vừng, thì bà ở đã bỏ đi.
Hôm
nay có "một đồng bào" ở đây, bỏ tiền ra thuê giúp cho một người ở
mới, nàng là Ả Hẩu.
Ả
Hẩu vào nhà đám con trai xa nhà, sống cẩu thả lười biếng, cuộn quần áo bẩn để
riêng một xó, mặc hết đồ sạch, đem ra "mặc lại". Nàng "bắt"
họ ăn phải ở sạch sẽ, nàng lau chùi phòng họ nhẵn bóng. Nàng bỏ tiền ra mua
thức ăn cho họ. Tiền đâu ra? Họ dò hỏi người quen nàng mới biết: khi thì nàng
đi vay, khi vừa mới lĩnh lương, có khi nàng bán cả hoa tai mua thức ăn cho họ.
Có người mướn trả tiền công lớn nàng từ chối. Họ không có tiền trả lương, nàng
ở không công. Họ đi trốn, nàng theo dẫn đường. Họ vào tù, nàng cũng vào theo để
chăm nom cơm nước.
Hôm
chia tay về nước ở Liễu Châu, "nàng dặn dò tôi nhiều điều, nàng nhắc
tôi từ chiếc bàn chải đánh răng đến viên thuốc trừ cảm". Sau khi kiểm
soát hành lý, "nàng ra đi mua về cho tôi một lọ dầu Nhị Thiên Đường và
một hộp dầu cao Con Hổ."
"Có
một lúc Ả Hẩu hỏi tôi về số tiền lộ phí của tôi – và theo ý nàng thì số tiền đó
hơi eo hẹp, vì tôi thấy nàng ấn vào tay tôi một số tiền khá lớn… tôi gạt ra thì
nàng không bằng lòng, nhất định nàng ấn tiền vào túi tôi bằng được, thân thiết
nàng bảo:
-
Ông nên cầm lấy để mà phòng thân… tính mạng các ông nên giữ gìn cẩn thận để mà
giúp nước các ông…
Tôi
thấy một nỗi gì đau đớn quặn lên trong lòng, như muốn trào ra mí mắt… một nỗi
đứt rách, nhầu xé, đau xót, như muốn bật lên thành những tiếng nức nở…"[29]
Trên
đường phiêu lưu, người thanh niên ấy đã trải bao khó khăn trở lực, nhưng cũng
gặp những nghiã cử không ngờ: Đi từ Quảng Châu đến Liễu Châu, trên rừng gặp tên
thổ phỉ, thương bọn thư sinh, y chia cho tiền mãi lộ; khi chia tay, y bắn phát
súng hùng tráng lên trời làm quà ly biệt.
Một
mình trên đường về nước, đến biên giới, mượn được hai người Thổ dẫn đường, họ
thuộc lòng từng khe núi, từng ngõ ngách, trong vùng đồi núi âm u bất trắc, họ
đã dẫn người thanh niên lưu lạc về tới Bắc Giang vô sự, và họ đã quay trở lại,
biến vào rừng xanh như hai vị Sơn Thần.
Rồi
ngày 11 tháng 11 năm 1944, Liễu Châu bị Nhật chiếm.
"Chẳng
hiểu Ả Hẩu có thoát khỏi chết trước cuộc tấn công vũ bão của quân đội Nhật vào
Liễu Châu không? Gặp các bạn đã cùng tôi phiêu bạt tôi vẩn thường lẩn thẩn hỏi
thế (…) Tôi cảm thấy tôi cần gặp lại con người vàng ngọc ấy để mà tạ ơn… Tôi sẽ
nắm lấy tay người, mà chẳng nói năng chi.
Trung
Quốc mênh mang lớn rộng vô chừng đường đi từ tỉnh này qua tỉnh khác – nhất là
trong vùng Quảng Đông, Quảng Tây – thường phải đi nhiều ngày qua núi rừng vắng
vẻ mà tính mệnh con người đặt trong tay các "ông thổ phỉ". Ra đi
Quảng Châu chín người chúng tôi, nay chỉ còn ba. Những bạn cùng đi, sống thì đã
về, những ai vắng mặt đã gửi xác nơi đất khách. Tuy nhiên nhiều lúc tôi cứ đinh
ninh tưởng như còn có một người rất cao quý, sao cứ nấn ná chưa chịu trở lại
đất nước này để cùng tôi ôn lại những kỷ niệm của quãng đời gian nan.
Lẩn
thẩn có khi tôi nghĩ: "hay đó chỉ là một nàng tiên ẩn mình trong một tấm
thân mộc mạc trời sai xuống để giúp chúng tôi trong những ngày phiêu bạt?"
Mà
biết đâu không có lẽ!…
Tôi
còn nhớ bóng dáng nàng hôm tối từ biệt, chập chờn trong đêm sương mờ toả, ẩn
hiện bềnh bồng đi dưới ánh trăng mờ rọi qua lá cây, để rồi tan loãng vào bóng
đêm sực nức mùi dạ hương huyền ảo như một bóng yêu tinh vậy.
Nàng
là Tiên hay yêu ma? Mà sao lúc đó gió đêm lạnh mà tôi lại choáng váng ngất
ngây! Thực kỳ dị." [30]
Ả
Hẩu
là một truyện tình người, cao cả, vượt trên giới tuyến chiến tranh, quốc gia,
dân tộc, xác định Đỗ Tốn như một nhà văn vô cùng nhân bản.
(Còn
tiếp)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Hoàng Văn Hoan (1905-
1991)
(tên thật là Hoàng Ngọc Ẩn, sang Thái Lan đổi tên Thái là Nai Thông, khi về
nước, lấy tên là Hoàng Văn Hoan (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng,
trang 39). Ông sinh năm 1905, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ
An. "Năm 1924 giác ngộ cách mạng. 1926, được tổ chức đưa đi
Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Hồ Chủ trịch chủ trì". Xong lớp này
được vào tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và đuợc gửi về nước
hoạt động. Năm 1928, trốn qua Xiêm. Năm 1930, gia nhập đảng cộng sản Xiêm.
1936, qua Trung Quốc, cùng một số đồng chí ở Nam Kinh thành lập Việt Nam Độc
Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh). Năm 1940, Hồ Chí Minh từ Diên An về Côn Minh.
1941, Hồ Chí Minh về Pác Bó, Hoàng Văn Hoan được lệnh đi Long Châu [thuộc Quảng
Tây, phiá tây giáp giới Cao Bằng] lập Biện sự xử Việt Minh ở Long Châu, rồi về
Tịnh Tây [thuộc Quảng Tây], cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết
Hùng, Cao Hồng Lĩnh và một số người ở trong nước ra, công khai hoạt động dưới
danh nghiã Việt Minh. 1942, ông hoạt động ở Liễu Châu, được Trương Phát Khuê
[Tư lệnh quân khu 4] mượn làm dịch thuật viên cho "Trung-Việt biên khu
chính trị công tác đội" ở Tịnh Tây. Ít lâu sau, ông bỏ Tịnh Tây về nước,
hoạt động ở Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần xây dựng chiến khu Việt Bắc. Năm 1950,
ông được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và Triều Tiên. Tháng 4-1957, ông
về nước làm Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc Hội. (Theo tiểu sử Hoàng Văn Hoan in
cuối sách Giọt nước trong biển cả).
Năm
1957, Lê Duẩn ra Bắc, trở thành Tổng Bí thư. Cuộc tranh chấp giữa phái thân
Trung Quốc và phái thân Liên Xô xảy ra. Là một đảng viên kỳ cựu, Hoàng Văn Hoan
thuộc nhóm thân Trung Quốc, đối đầu trực tiếp với Lê Duẩn. Năm 1976, nhóm thân
Trung Quốc bị khai trừ khỏi Trung Ương Đảng. Sự chia cắt càng sâu xa. Ngày
26-6-1979, Hoàng Văn Hoan bị kết án tử hình vắng mặt. Sau khi thoát ly sang
Tàu, ngày 9-8-1979, ông viết lá Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam kể
tội "Lê Duẩn phản bội". Ông viết hồi ký lịch sử Giọt nước trong
biển cả, hoàn thành tháng 2-1986, ở Bắc Kinh. Phần Thứ Bảy 1957-1979, cũng
là phần cuối cùng của cuốn sách, tựa đề: Cách mạng Việt Nam với sự phản bội
của Lê Duẩn.
[2]
Hoàng Văn Hoan, Lời nói đầu, tháng 2 năm 1986 ở Bắc Kinh, Giọt nước
trong biển cả, Nhóm tìm hiểu lịch sử in năm 1991 tại Hoa Kỳ, trang 4 và 5.
[3]
Hồi ký Như Băng, vợ Đỗ Tốn, in trong sách Hoa vông vang, Ả Hẩu, Như Băng hồi
ký (Việt Tide, Cali, 2019).
[4]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 234-235).
[5]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 235.
[6]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 235.
[7]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 237.
[8]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 238.
[9]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 238-239.
[10]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 181.
[11]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 239.
[12]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 240.
[13]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 240.
[14]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 185.
[15]
In
đậm trong nguyên bản.
[16]
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, trang 241-242.
[17]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 186.
[18]
Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, tại Sài Gòn, số 1 ra ngày 17-6-58, đến số 11,
ngày 21-4-59, thì đình bản.
[19]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay 9, trang 13.
[20]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 9, trang 15.
[21]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 10, trang 34.
[22]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 10, trang 35.
[23]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 10, trang 35-36.
[24]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 11, trang 65.
[25]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 9, trang 12-13.
[26]
Nguyên văn tiếng Pháp: "Le 31 octobre écoulé, la police spéciale de
Hanoi a arrêté au siège de l’ancien journal "Ngày Nay", no 80 avenue
du Grand Bouddha, le publiciste Trần Khánh Giư [...] ex-collaborateur de ce
journal et dirigeant du parti "Đại Việt Dân Chính". L’intéressé n’a
fait aucune difficulté pour reconnaître son affiliation au parti. Ses aveux
confirment les renseignements précédemment recueillis sur son activité, notamment
en ce qui concerne le voyage qu’il a effectué à Canton et à Formose en
compagnie de Nguyễn Tường Tam, à bord d’un avion militaire nippon au mois
d’avril dernier pour y rencontrer Trần Văn An dit Shibata [Trần Phước An]"
Note Công an số 23670, Hà Nội ngày 3-11-1941, về Đại Việt Dân Chính "Hoạt
động quốc gia chống Pháp", CAOM, Toà Công Sứ Bắc Kỳ; in trong François
Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam, L’échec de la
troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam,
sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes savantes, 2012,
Paris, t. 87.
[27]
François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam… trang
87.
[28]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 181.
[29]
Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 11, trang 67.
[30] Ả Hẩu, Văn Hoá Ngày Nay số 11, trang 69- 70.
Nguồn: Văn Việt