Nếu chúng ta có thể biết trước một tiếng đồng hồ
chuyện gì sẽ xảy ra, đời sống sẽ thay đổi, như một người lái xe theo lời chỉ dẫn
của Google map. Nhưng nếu chúng ta biết trước tất cả những chuyện sẽ xảy đến
trong đời mình, sẽ là một cuộc sống nhàm chán. Không có ngạc nhiên, nghĩa là
không có sinh động.
Lúc đó, tôi vừa cua xe ra khỏi nhà hàng. Hoàn toàn
không say sưa. Với một người có thể tu hết chai rượu một lít, hai chai bia chỉ
để tráng miệng. Nhưng đầu óc tôi lơ mơ vì bất chợt một ý thơ xuất hiện. Thơ đến
bất chợt như một người quen, không cần gõ cửa, chạy tuột vào phòng ngủ, phòng tắm,
không cần tằng hắng hoặc giậm chân cho vang tiếng bước. Khi đã đến, thơ lâm li
với người làm thơ. Đưa anh ta vào một thế giới khác, song song với thực tế mà
hư cấu như nhân vật chính đóng phim trên màn ảnh. Hai bên lưu luyến, vuốt ve, cầm
tay, ấp ủ, vì bất chợt thơ sẽ bỏ chạy, biến mất như lúc đến.
Thơ biến mất, khi tôi từ từ vượt xe qua ngã tư, đèn
đỏ. Không thấy đèn, chỉ thấy thơ. Đột nhiên, tôi nghe tiếng bánh xe rít lên,
hét lên như người lính đang xung phong nhìn thấy họng súng quân thù chĩa vào
mình. Bừng tỉnh, nhìn, thoáng nhanh như ánh sáng, một chiếc xe truck màu đen từ
trên dốc xa lộ phóng xuống, con trâu nổi điên vì bọn trẻ chọc phá, nó lao mình,
chạy hùng hục, đầu ghìm, chĩa hai sừng nhọn về phía trước. Vô phước cho thằng
bé nào chạy chậm.
Và thằng bé đó là tôi.
Mấy tháng sau, một ngày giữa mùa thu, tôi lái xe trở
lại nơi tai nạn. Không phải tìm về kỷ niệm, không có ý định gặp lại người quen
nào đã gọi xe cứu thương. Điều xui khiến, chỉ muốn tìm lại những câu thơ đã bị
bánh xe cán nát, những tứ thơ thoi thóp gãy lìa, những máu thơ còn vươn vất. Đậu
xe khá xa, xe mượn vì xe cũ hình chữ nhật đã biến thành hình vuông, tôi thả bộ
từ tốn vừa nhìn xuống mặt đường, vừa liếc lên nhìn đèn đỏ. Không ai có thể ngờ
được, đời sống lại liên quan mật thiết đến màu đèn. Xanh, vàng, đỏ. Mỗi màu đều
có ý nghĩa thực tế, trực tiếp cho phép di chuyển. Di chuyển có nghĩa là sinh động.
Tôi học thấu khái niệm này trong những ngày nằm bệnh viện và đau nhức trên giường
nhà. Rối áp dụng vào hầu hết các sự việc xảy ra, nhất là những sự việc liên
quan đến người khác. Họ ngần ngừ, màu vàng. Họ đồng ý, màu xanh. Họ từ chối, màu
đỏ. Đôi khi, cũng có thể lén lút trốn màu đỏ, nhưng coi chừng gặp phải trâu
điên. Gần gũi nhất để áp dụng là nhìn ngắm vợ tôi. Hành động theo ba màu. Việc
gì, ý định gì, tranh cãi gì, câu hỏi nào, câu trả lời nào, đều có một trong ba
màu. Hãy xem màu mà hiểu, chẳng phải là tri thiên mệnh hay sao?
Đứng bên lề đường, cố tìm một vài mảnh gương bể, một
dấu tích nào của cuộc tai nạn hai xe lật tung, lăn mấy vòng. Lúc đó, cảm giác
tôi mơ hồ. Không nhận thấy gì ngoài từ một khoảng trắng đục xoay rất chậm. Rồi,
bùm. Xem hình chụp trên một tờ báo địa phương, ghê thật, con trâu đen năm chổng
bốn chân bên trong lề đường, ai đó đã bắn hạ nó để cứu thằng bé. Người thợ săn
nào đã xuất hiện đúng lúc với khẩu súng trên tay. Thằng bé vấp té, bò ra khỏi vỏ
rác đang bốc khói. Nhìn trong hình thấy như con ốc mượn hồn, ló mình ra khỏi vỏ.
Không một dấu vết nào chứng tỏ nơi đây đã từng có
tai nạn lớn. Mưa, nắng, xe chạy, người đi, đã xóa sạch. Điều này cũng có nghĩa,
bất kỳ nơi nào sạch sẽ, đẹp đẽ đều đã từng có tai nạn xảy ra. Những nơi cảm thấy
an toàn, coi chừng. Rồi gió. Đúng vậy, nếu mùa thu không có gió, sẽ như nỗi buồn
không có tiếng hát. Buồn rơi xuống từng mảnh, gió thổi bay lên, la đà, cuộn vào
nhau, xoay tròn, trước khi chạy mất hút vào nỗi buồn khác. Như:
Gió hôn mê băng qua ngả tư đèn đỏ
Bánh xe cán lên
Gió kêu bi thương
Hồn ai nằm lâm chung
Nát trái tim sầu thao thức …
Tôi không lượm lại được bài thơ, nhưng lượm được
bài hát. Tôi bắt đầu ca khúc Ngày Nào Trời Trở Gió với những câu như vậy.
Khi về đến nhà, đêm đó ngủ không yên. Nhìn qua vợ, đèn xanh. Khi đã ngủ say,
màu xanh đậm. Tôi đi ra sân sau, nhìn đất trời một lúc, nghe gió rượt đuổi lá từng
cơn. Và tôi bắt đầu, Đi rồi về âm u trời trở gió. Thấy trong gió cuốn mùa
thu bơ phờ. Ca từ và giai điệu như hai kẻ song sinh kéo nhau vào hồn viết
nhạc, bất chợt giống như thơ. Vừa bước vào nhà riêng, hai kẻ này đã lục lọi, tìm
kiếm những hình ảnh kỷ niệm nào đang rung động, mang ra, cắt đứt những sợi thần
kinh trói buộc, níu kéo, rồi thả cho chúng bay lên. Mới đầu bay lập lòe như đôm
đốm, càng bay cao càng sáng lên, sau cùng mất hút vào bầu trời rộng. Nếu không
có các nhà khoa học, có lẽ, con người đã nghĩ rằng, sao trời đã thành hình như
vậy. Từ trên cao, ánh sáng đó u buồn, làm lòng người xúc động, dìu tâm tư vào hành
trình phiêu lưu cuối cùng của các nốt nhạc:
Ngày này năm sau, người có chờ gió …Ngày này mai
sau ai còn chờ gió về …
NGU YÊN
Bấm vào đường dẫn dưới đây để nghe Julie Quang trình bày ca khúc
NGÀY NÀO TRỜI TRỞ GIÓ
https://kejazz.today/tag/ngay-nao-troi-tro-gio/