Ông Ted Osius,
cựu Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, sắp cho phát hành cuốn hồi ký
mang tên: “Nothing is Impossible:
America’s Reconciliation with Vietnam”. Tạm dịch: “Không gì là không thể: Chuyện
Hòa Giải của Hoa Kỳ với Việt Nam”. Trong cuốn sách này, ông kể lại một sự kiện
mà ông cho là “kỳ quặc”, nằm ngoài sự chuẩn bị của ông trong 30 năm làm ngoại
giao. Ngày 31/5/2017, ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới thăm tòa Bạch
Ốc. Khi đó ông Donald Trump mới nhậm chức Tổng Thống được vài tháng. Khi ông tới
phòng Bầu Dục, tướng HR McMaster, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia, giới thiệu
ông với Tổng Thống Trump. Ông Trump đưa ra lời khen về công việc của ông Ted
Osius tại Việt Nam rồi hỏi: “Vậy hôm nay chúng ta gặp ai đây?”. Tướng McMaster
trả lời: “Thủ Tướng Việt Nam”. Ông Trump hỏi: “Ông ấy tên là gì?”. Một nhân
viên trả lời: “Nguyễn Xuân Phúc. Theo vần ‘book’”.
Ông Trump hỏi lại: “Ý ông nói là Fook
You?”. Rồi ông Trump nói tiếp là ông từng biết một người tên Fook You. Ông kể: “Thật đấy. Tôi cho ông
ấy thuê một nhà hàng. Khi ông ấy nhấc điện thoại lên, ông ấy trả lời ‘Fook You’. Việc kinh doanh của ông ấy trở
nên tệ hại. Mọi người không thích nó. Ông ấy mất nhà hàng”. Bài viết về chuyện
này trên đài VOA cũng nhắc lại chuyện ông Trump thăm Việt Nam vào tháng 11 cùng
năm: “Một văn bản bài phát biểu tổng kết
chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam hồi tháng 11 năm đó được Nhà Trắng công
bố cũng đã viết tên ông Phúc thành “Fook”, được cho là nhắm mục đích để giúp Tổng
Thống phát âm tên của Thủ Tướng Việt Nam. Tên của ông Phúc từng là chủ đề bàn
tán trên mạng xã hội vì, trong tiếng Anh, có thể bị đọc nhầm thành một từ có
nghĩa thô tục”.
Không may cho
ông Phúc là ông tới tòa Bạch Ốc vào đúng nhiệm kỳ của ông Trump, một người rất
hồn nhiên, giữ chức vụ lớn nhưng muốn nói chi thì nói. Nhưng cũng may cho ông
Phúc khi ông không phải là một di dân gốc Việt tại Mỹ. Cái tên “Phúc” của những
di dân người Việt là một nỗi khổ tâm. Phúc trong tiếng Việt là một điều rất tốt
đẹp, các bậc cha mẹ thường gửi phúc cho con khi đặt tên cho đứa bé mới ra đời.
Họ chỉ không là thầy bói nên không biết trước được có ngày đứa con sẽ phải lưu
lạc qua Mỹ để khổ vì cái tên.
Tháng 6 năm
2020 đã xảy ra một vụ lùm xùm trên Twitter về cái tên Phúc của cô sinh viên
Phúc Bùi, đang theo học tại Đại học Laney, California. Trên tài khoản Twitter
@aybarlyy đã đăng một số ảnh chụp màn hình e-mail
trao đổi giữa Giáo sư Matthew Hubbard và cô sinh viên Phuc Bui Diem Nguyen, viết
tắt là Phúc Bùi. Ông Giáo sư Hubbard yêu cầu cô sinh viên “Anh hóa” tên của cô
vì cái tên Phúc Bùi khi đọc bằng tiếng Anh nghe có vẻ xúc phạm. Đáp lại, cô
Phúc Bùi nói rằng yêu cầu của Giáo sư Hubbard mang tính phân biệt đối xử và cho
biết sẽ khiếu nại nếu ông không gọi cô bằng tên khai sanh. Ngay sau đó, Giáo sư
Hubbard phản hồi bằng một e-mail. Ông
cho rằng cái tên Phuc Bui khi đọc bằng tiếng Anh sẽ nghe giống một từ mang ý
nghĩa thô tục. Ông viết thêm: nếu ông sống ở Việt Nam và tên của ông đọc bằng
tiếng Việt cũng gây khó xử như vậy thì ông sẽ đổi tên khác để tránh xấu hổ cho
ông và người gọi tên ông. Ông nhắn với cô sinh viên: “Tôi biết bạn bị xúc phạm
nhưng bạn cần hiểu rằng tên của bạn gây phản cảm trong ngôn ngữ của tôi”.
Cô Nguyễn Phúc
Bùi Diễm không nhân nhượng. Cô cho biết sẽ gặp Viện Trưởng của trường để trình
bày vấn đề và nộp đơn khiếu nại. Ngày 18/6, Viện Trưởng Tammeil Gilkerson đã
thông báo đang xem xét vụ này và đã cho vị Giáo sư lắm chuyện tạm nghỉ chờ điều
tra. Ông Viện Trưởng viết trong thông báo chung cho toàn thể giáo sư và sinh
viên của trường như sau: “Tôi viết thông
báo này để cho mọi người hay là tôi vừa được biết về một cáo buộc trong một tin
nhắn kỳ thị và bài ngoại của một nhân viên giảng huấn trong trường của chúng ta
đối với một sinh viên về cách phát âm tên của họ. Tôi coi cáo buộc này là một việc
nghiêm trọng và đã tức khắc cho nhân viên giảng huấn này tạm nghỉ trong khi điều
tra. Trường Laney từ lâu là một thành phần và đồng thời lãnh đạo trong cuộc
tranh đấu cho công bằng xã hội và bình đẳng trong cộng đồng chúng ta. Chúng ta
cương quyết và công khai nhiệm vụ của chúng ta trong giáo dục, hỗ trợ và tạo cảm
hứng cho sinh viên để vượt trội trong một môi trường học tập hòa nhập và phong
phú bắt nguồn từ công bằng xã hội. Chúng ta muốn các sinh viên của chúng ta cảm
thấy yên tâm và biết rằng chúng ta vinh danh nguồn gốc, kinh nghiệm và những gì
làm nên sự riêng biệt của họ. Họ là tất cả tạo thành vẻ đẹp của trường chúng
ta”.
Việc lùm xùm
này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên các trang mạng xã hội. Nhà văn Nguyễn
Thanh Việt từng đoạt giải Pulitzer đã viết trên trang Facebook coi đây là một vấn
đề nghiêm trọng, gọi Giáo sư Hubbard là “kẻ ngốc” và cho biết nhiều người Việt
tại Mỹ hiểu nỗi đau khi bị chế giễu về cái tên của mình. Ông viết tiếp: “Nếu những cái tên như Trump và
Schwarzenneger, Obama và Kissinger đã trở thành tên Mỹ thì toàn bộ tên Việt Nam
của chúng tôi, gồm Phúc Bùi, cũng có thể là tên Mỹ”.
Chúng ta tạm thời
quên cái tên Phúc rắc rối. Cái tên Bích cũng rắc rối không kém. Bà Bích Minh
Nguyễn, sanh năm 1974 tại Sài Gòn, di tản khi miền Nam bị Việt cộng cưỡng chiếm.
Sau thời gian ở các trại tị nạn Guam và Fort Chaffee, gia đình bà định cư tại
Grand Rapids, tiểu bang Michigan. Bà tốt nghiệp Master of Fine Arts tại Đại học Michigan. Bà thành hôn với tiểu
thuyết gia Porter Shreve và có hai con. Cũng như chồng, bà là một nhà văn đã có
ba cuốn tiểu thuyết được xuất bản: Pioneer
Girl, Short Girls và Stealing
Buddha’s Dinner. Cuốn Short Girls
đã được giải American Book Award năm
2010. Bà hiện là giáo sư tại hai trường đại học University of San Francisco và University
of Wisconsin-Madison.
Bích, phát âm
theo tiếng Mỹ, trùng với chữ bitch,
có nghĩa là con điếm. Vậy thì số phận của cái tên đẹp đẽ này cũng giống như cái
tên Phúc. Bà có viết một bài khá dài về cái tên của bà, bài “America Ruined My Name for Me” (Nước Mỹ
khiến tôi hổ thẹn vì tên mình). “Tôi không thể
tách biệt cái tên Bích khỏi những người đã cười cợt tôi, gọi tôi là con đĩ
(bitch), thông báo rằng chính tôi là thứ gây cười trong trò đùa mang chính tên
tôi. Đừng bao giờ thay tên đổi danh, mọi người vẫn hoài bảo tôi. Có người còn
quả quyết họ thích tên tôi: Bich, một cái tên đậm chất Việt Nam, được đặt cho
tôi tại Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và nơi mà cái tên này là vô cùng bình thường.
Khi đặt tên tôi, gia đình tôi không hề hay biết chỉ tám tháng sau, chúng tôi sẽ
thành người tị nạn, và rằng tôi sẽ trưởng thành tại phía tây Michigan những năm
1980, một nơi bảo thủ và đông người da trắng với nhiều bạn nữ mang tên
Jennifer, Amy, và Stacy. Một cái tên như Bích (phát âm “Bic”) không chỉ khiến
tôi nổi bật - nó khiến sự tồn tại của tôi lộ liễu đến khốn đốn. “Tên bạn là gì
cơ?”, người ta thường hỏi. “Đánh vần như thế nào?”. Thỉnh thoảng họ còn cười
thẳng vào mặt tôi. “Chắc bạn cũng biết tên bạn nhìn giống từ gì ha? Ba mẹ thực
sự đặt tên bạn vậy luôn sao?”.
Cái tên hay ho
theo nghĩa tiếng Việt bị chế giễu bởi những cái miệng phát âm theo tiếng Mỹ.
Thậm chí họ chế giễu ngay trước mặt con trai bà. “Một lần, tại cửa hàng với một đứa con
của tôi, tôi đã phải trình bằng lái xe của mình. Người phụ nữ đứng sau quầy bắt
đầu cười. "Đó thực sự là tên của chị à?" cô ấy hỏi. Tôi nghĩ rằng bản
thân trước đây của tôi sẽ cười theo để tránh gây khó chịu. Tôi đã quá quen xin
lỗi và nói, "Ừ, quả là một cái tên khó khăn." Nhưng con tôi đang ngay
cạnh, vì vậy tôi nhìn chằm chằm vào người phụ nữ đó cho đến khi cô ấy cảm thấy
khó chịu. Khi chúng tôi rời tiệm, con tôi nói với tôi rằng, “Cô kia đã chế nhạo
tên của mẹ. Thật xấu tính”.
Dưới áp lực của cuộc sống tại một nơi
mà cái tên luôn bị cười cợt thô lỗ, bà Bích Minh Nguyễn đã phải đầu hàng, đổi
Bích thành Beth. Không chủ tâm nhưng phải chấp nhận. “Đó là một nghịch lý: những người khiến tôi không thoải mái với cái tên
cha sinh mẹ đẻ của mình cũng nghĩ rằng tôi đang phản bội dòng máu của mình nếu
đổi tên. Điều tôi luôn muốn là điều tôi không thể có được: trở nên không tên,
không còn bị dòm ngó. Tôi luôn lấy tên giả tại các nhà hàng, thường là Rose,
Sophia hoặc Beatrice. Một ngày nọ, cách đây vài năm, tại tiệm ăn Shake Shack ở
Công viên Quảng trường Madison, một người phụ nữ đứng sau quầy lấy giấy đặt chỗ
của tôi và hỏi câu hỏi đáng sợ về tên của tôi, và tôi trả lời,
"Beth." Cô ấy gật đầu. Cô ấy không nghi ngờ câu trả lời của tôi. Và,
trong khoảnh khắc đó, cảm giác như thật: Tôi không chỉ nói tôi là Beth — tôi chính là Beth. Vì vậy, tôi bắt đầu
dùng tên đó nhiều hơn. Đối với nhân viên bán hàng. Với người trông trẻ, thợ
điện, người quen mới, đồng nghiệp mới. Tôi gọi tôi là Beth, với một niềm vui
nho nhỏ, như luồng khí mát phả ra từ tủ lạnh trong một ngày nắng nóng. Như một
danh tính bí mật. Như một cuộc sống khác. Beth là một thí nghiệm xã hội, một giả thuyết rằng cuộc sống ở
Mỹ dễ dàng hơn với một cái tên mà không ai gọi sai bao giờ. Và đó là sự thật.
Người ta xem tôi là người châu Á ít hơn và người Mỹ nhiều hơn với cái tên Beth.
Trải qua sự khác biệt đó, nhìn thoáng qua một chút hiểm họa da vàng đó, thật sâu
sắc và đau lòng. Khi tôi là Bích, tôi là người ngoại quốc khiến mọi người bất
an. Là Beth, tôi không bao giờ được khen ngợi về trình độ tiếng Anh của mình.
Những người bạn thân nhất của tôi đã tự động chấp nhận cái tên này. Những người
khác tỏ ra ngạc nhiên và không bằng lòng”.
Không chỉ hai cái tên Phúc và Bích,
nhiều tên tiếng Việt khác cũng chịu nạn. Tên Phát bị lộn với fart (trung tiện), Hoàng lộn với wank (thủ dâm), Bình lộn với bin (thùng rác), Đức lộn với duck (con vịt), Loan lộn với loan (nợ), Đài hay Đại lộn với die (chết), Cao lộn với cow (bò cái). Còn một cái tên bị thương
khó nữa là tên Dung hay Dũng bị lộn với dung
(phân). Nếu lại có cái tên kép đẹp đẽ như “Mỹ Dung” còn mệt hơn nữa: xác
nhận đó là thứ chất thải của mình (my
dung)!
Trở lại chuyện của chúng ta, chuyện
“phắc”. Một sáng sớm, ông Võ Kỳ Điền điện thoại cho tôi. Ông vừa đọc xong bản
tin của đài VOA về chuyện ông Phúc và ông Trump và không kiềm lòng được nên vội
gọi ngay cho tôi. Ông cắc cớ hỏi tôi: “Trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước
đây có khẩu lệnh “Vào Hàng! Phắc!”. Tiếng “Phắc” đó từ đâu mà ra?”. Tôi cũng
như ông nhà văn họ Võ, chỉ là thứ lính 9 tuần, đâu có biết chi nhiều. Mà trong
quân trường Quang Trung hồi đó, có bao giờ tôi nghe khẩu lệnh này hay không,
tôi không nhớ rõ. Mầy mò tìm kiếm, tôi mới biết, chẳng hiểu có đúng không, đây
là khẩu lệnh từ thời quân đội Pháp. Đó là: “À
vos rangs, fixe!”. Dịch ra tiếng Việt : “Vào Hàng! Nghiêm!”. Nhưng không
biết sao, khẩu lệnh này lại chỉ được dịch có một nửa, nửa cuối vẫn giữ tiếng
Pháp. Fixe vẫn là…phích. Rồi không
hiểu sao, biến thành “phắc”!
Quân đội Pháp có huấn thị số
201710/DEF/SGA/DFP/FM/1 về khẩu lệnh này như sau: “Khi một sĩ quan cấp tướng
hoặc sĩ quan chỉ huy đơn vị mặc quân phục đi vào một phòng ốc, quân nhân đầu
tiên nhìn thấy sẽ hô khẩu lệnh: “À vos
rangs, fixe!”. Khi nghe khẩu lệnh, mọi quân nhân trong phòng sẽ đứng dậy,
giữ im lặng trong tư thế nghiêm cho tới khi vị khách ra lệnh: “Repos!” (Nghỉ). Khi vị khách rời phòng,
khẩu lệnh sẽ là: “Garde à vous!”.
Tác giả
Mũ Xanh Sàigòn đã dẫn theo hồi ký của Đại Tá Thomas E. Campbell, nói về một buổi
tiệc mừng chiến thắng của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, Thủy Quân Lục Chiến, vào tháng
3 năm 1966 tại hậu cứ Thủ Đức. Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Lê Hằng Minh. “ Quân
đội Việt Nam Cộng Hòa còn giữ một ít truyền thống cũ của quân đội Pháp, họ thường
mang huy chương khi mặc chiến phục rằn ri. Trên ngực của thiếu tá Minh đỏ chói
và lấp lánh ba hàng huy chương, Thượng sĩ Chơn cũng vậy. Chúng
tôi cùng đi đến hội trường để dự tiệc khao quân. Dáng đi của Minh theo kiểu đi
diễn hành của quân đội Pháp, đầu ngẩng lên, chân rảo bước, ngang qua sân tập cơ
bản thao diễn của tiểu đoàn, hướng về hội trường rộng lớn, lợp bằng những tấm
“tôle”, được các cây dừa có tàn lá rậm rạp che mát, nằm về hướng Đông của
doanh trại. Có tiếng hô lớn: “Vào hàng…Phắc!”. Khoảng 500 quân nhân đầu để
trần, đứng trong tư thế nghiêm dọc theo hai bên các dãy bàn dài, chứa đầy những
chai bia và nước ngọt. Không khí yên lặng khi Thiếu tá Minh bước vào hội trường
ung dung tiến đến bàn phía trước, nơi đang có quí vị như Đại úy Tiểu đoàn
phó, Sĩ quan hành quân huấn luyện, năm Đại đội trưởng, hai Cố vấn là Big John
và tôi”.
Vậy là
ít nhất, tới năm 1966, khi cấp tiểu đoàn của quân đội Việt Nam đã có các cố vấn
Mỹ, khẩu lệnh “Vào Hàng! Phắc” vẫn còn được dùng. Trong buổi tiệc mừng chiến thắng
này, người được đón tiếp là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, hai cố vấn Mỹ chỉ đi
theo. Tôi không được đọc cuốn hồi ký “My
War…Vietnam” của đại Tá Thomas E. Campbell nên không biết ông có suy nghĩ
chi khi nghe khẩu lệnh có chữ “phắc” này hay không. Theo tôi nghĩ, các cố vấn Mỹ chắc phải thắc
mắc. Giả dụ khẩu lệnh “Vào Hàng! Phắc!” được hô khi đón riêng cố vấn Mỹ, có thể
sẽ xảy ra chuyện hiểu lầm tai hại.
Chữ
“phắc” tưởng chỉ gây ra chuyện cho những người mang tên Phúc trên đất Mỹ, hóa
ra cũng có thể gây nên chuyện cho sĩ quan Mỹ trên đất Việt. Kể ra cũng là có đi
có lại, còn toại lòng nhau hay không là chuyện khác!
SONG THAO
11/2021