Trong lần về vùng Hoa Thịnh
Đốn khoảng giữa năm 2004, Tôi đón Nguyễn Đức Quang đến từ Cali. Người nhạc sĩ đến
với hành trang chỉ là một cái va li nhỏ và cây đàn cầm tay. Anh cho biết sẽ ở
Hoa Thịnh Đốn 4 ngày với 8 cái hẹn liên tiếp nhau, trong đó cá biệt có ngày có
tới ba cái hẹn, bận rộn và tất bật nhưng cái phong cách của anh vẫn thật thong
dong như một chuyến rong chơi. Ngay khi bước lên xe, là lời anh căn dặn
“Em sẽ đưa anh đi dự buổi họp
với Hướng Đạo ở nhà Huynh Trưởng Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng vì có một trưởng Thuất ở
Úc qua, sau đó tối ngày hôm sau sẽ đưa anh tới Cafe Montmartre, ở đó Giang Hữu
Tuyên và Lê Thiệp có chuẩn bị một buổi họp mặt với anh em, sinh hoạt văn nghệ
hát nhạc của anh, ngày hôm sau thì anh đi với Bùi Mạnh Hùng thăm DC suốt ngày,
sau đó anh sẽ về ở nhà của Lê Thiệp.” Đó chỉ là một trong những sinh hoạt, cái
chính của chuyến này là một đêm Du Ca tổ chức tại nhà hàng Saigon House mà số
vé bán phổ biến đã gần 500 rồi. Chương trình lần này sẽ do Ngô Vương Toại làm
MC.
Trước đó 4 năm, Thanhsgiving
năm 2000, Anh Nguyễn Đức Quang cũng đã có một buổi sinh hoạt ca khúc cộng đồng
thật náo nhiệt, Bốn năm trước , khi Trưởng Ngô Mạnh Thu còn khỏe, chuyến ghé về
DC, các tổ chức thanh niên như Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, Tổng hội sinh viên
, và các Vietnamese Club của các trường trung học chung tay làm một buổi hát cộng
đồng. Chuyến hát vui đó, Trưởng Nguyễn Đức Quang có ghi lại trong một thư gửi
anh chị em Du ca trên Web Du Ca
.”..Trở
laị với khách gặp thì phảỉ nói đến Nguyễn Minh Nữu, đầu tuần rồi lếch thếch từ
Washington DC xuống đến toà soạn tôi: " Thưa trưởng, em là .. " Cái
anh chàng lốp bốp đó ngày nay đang làm văn hoá, văn nghệ với tờ báo cũng mang
tên đó "Văn Nghệ" cũng sống được, thở được trên vùng thủ đô nước Mỹ.
Tôi
nhớ năm 2000, dịp Thanksgiving lên thăm xứ này với buổi hát cho các bạn trẻ ở
trong vùng. Các bạn trẻ là các đoàn Hướng Đạo, Phật Tử, Sinh viên, Học sinh,
400 con người chiếm hết nhà hàng Galaxy hát một buổi đã điếu. Nữu là MC chính
cho khách đến là tôi, Nhuận, Thu và Kiệt (San Jose). Cái ban tứ ca bất ngờ này
thế mà lại sinh hoạt vui ra phết.. Giờ gặp lại nghe báo tin vui công việc Nữu tốt
thế là vui. Anh em nói chuyện được đúng 10 phút tới giờ ra phi trường. “
Sau chuyến đi đó, anh Ngô Mạnh
Thu về Cali và bất ngờ từ trần sau đó không lâu. Cuộc ghé lại Hoa Thịnh Đốn của
anh Quang để lần đầu tiên hát cho chúng nghe những ca khúc nhạc tình anh mới viết.
trong đó, những ca khúc thật lạ như “ trên thành phố San Francisco” mà sau này
tôi cố tìm lại nhưng chưa thấy anh Quang cho in lại ở đâu.
Nói về Nguyễn Đức Quang, thì
phải nói ngay đó là một Huynh Trưởng Hướng Đạo, Bởi vì chất Hướng Đạo Sinh từ
thời thiếu niên thấm đẫm trong suốt cuộc đời của ông. Từ Hướng Đạo Sinh lại là
một Nhạc sĩ sáng tác và yêu thương thiết tha với quê hương mình, đã dẫn đường để
ông cùng bạn bè cùng trang lứa thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam.
Trong một bài viết, Huynh
trưởng Hướng Đạo Hoàng Kim Châu, một bạn chí cốt từ thời trai trẻ , sát cánh
cùng Nguyễn Đức Quang trong nhóm Tràm ca, để khởi đầu thành ra Phong trào Du Ca
sau này, Trưởng Châu viết rằng:
“Quang
là một Hướng Đạo Sinh đã thể hiện được tài lãnh đạo của mình với các bạn đồng
tuổi nên từ một đội sinh, đội phó rồi đội trưởng của đội Voi, Quang đã trở
thành một “Đội Trưởng Nhất” phụ tá cho các Trưởng để điều khiển Đoàn. Quang là
một Hướng Đạo Sinh giỏi, đạt được đẳng hiệu “Hướng Đạo Hạng Nhất” mà rất ít Hướng
Đạo Sinh thời đó đạt được.”
Cũng
trong bài viết đó, khi nhắc đến Du Ca và Nguyễn Đức Quang, Trưởng Hoàng Kim
Châu ghi lại:
“
Có thể nói Du Ca là một Phong Trào tự phát mà khởi thủy là do nhu cầu thưởng
ngoạn tự nhiên của đám đông được lựa chọn và có ý thức, nhất là của những người
Trẻ Việt Nam. Khi cuộc chiến càng ngày càng leo thang thì lý tưởng chỉ là thứ
chữ nghĩa phù phiếm được tung hê bởi các phe nhóm được mạ bằng vàng giả, ngụy
trang thành những ý thức hệ xanh đỏ mà Tuổi Trẻ Việt Nam không có tiếng nói.
Trong lòng Tuổi Trẻ Việt Nam chất chứa u uất, phẩn nộ lẫn đắng cay. Du Ca đã là
lối thoát cho họ.”
Thêm một Trưởng Du Ca trong nhóm sáng lập là Hoàng Thái Lĩnh kể lại
trong tuyển tập “Em Ðã Ðến” dưới đây:
“Lúc bấy giờ, vào khoảng 1965, trong dịp Hè,
tôi về thăm gia đình ở Ðà Lạt và gặp Quang. Sau đó tôi và vài anh bạn theo dự một
kỳ trại công tác (Quang làm trại trưởng) tại một ngôi làng Thượng nằm cách Ðà Lạt
khoảng hai, ba chục cây số đường về hướng Nam. Kỳ trại này nằm trong một chương
trình lớn là “Chương Trình Công Tác Hè 1965.” Ðây là lần đầu tiên tôi tham dự một
kỳ trại công tác, và do đó, mọi sự đều mới mẻ đối với tôi. Những kỷ niệm hào hứng
của kỳ trại công tác đó đã lôi kéo tôi vào cái trào lưu “công tác xã hội” đang
lớn mạnh hồi bấy giờ. Tôi về Saigon với Quang và sau đó tham gia trại công tác,
gặp gỡ Phạm Duy để rồi bắt đầu bước vào con đường du ca.” Sau khi Chương Trình
Hè 1965 kết thúc qua năm 1966, tác giả bài viết này được đổi về làm tại Bộ Thanh
Niên phụ trách kế hoạch và huấn luyện. Dựa vào ngân sách của bộ có sẵn, tôi mời
Ban Trầm Ca cộng tác soạn một chương trình huấn luyện ngắn ngày, lấy tên là
Chương Trình Huấn Luyện Thanh Ca và Tác Ðộng gồm tám khóa.”
Những ca khúc Sinh Hoạt Ca viết trong tinh thần
Hướng Đạo , những ca khúc Nhận Thức Ca viết cho Du Ca in dấu trong lòng các
thanh niên nhiều thế hệ như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Không Phải Là Lúc,
Người Yêu Tôi Bệnh… Hướng Đạo là một phần đời sống, Du Ca là tâm nguyện và là
con đường đã chọn để đi cho tới cuối đời, Nguyễn Dức Quang còn có một mãng khá
đậm sâu trong lòng người yêu nhạc nữa, đó là mảng tình ca.
Ngoài những ca khúc Vì tôi
là Linh Mục(Phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên), Bên Kia Sông (Phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch),
Chỉ tại anh (phổ thơ Nhất Tuấn) Ông còn khá nhiều bài tình ca trữ tình như Lìa
Nhau, Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc, Như Mây Trên Cao…
Viết về Nhạc của Nguyễn Đức
Quang, và đời của Nguyễn Đức Quang thì đã có nhiều người viết, hơn nữa, trong một
hồi tưởng ngắn này, cũng không thể nói hết, cho nên chỉ nhớ và nhắc tới một ca
khúc ông viết vào khoảng gần cuối đời, mà tôi tâm đắc bởi vì hàm ý về cuộc chiến
tranh đã ngưng tiếng súng từ hơn 40 năm qua, đó là bài hát :Trên Đồi
Arlington”.
Sau khi rời Washington DC, cả
năm sau, dường như khoảng giữa năm 2006. Một hôm nhận được điện thoai của anh
Quang, anh hỏi, em còn nhớ năm ngoái anh ghé Dc không?
- Nhớ chứ, chuyến hát ở Saigon House.
- Đúng rồi, những ngày ở đó anh có dịp đi thăm nhiều nơi của
DC, mà đặc biệt nhất là Nghĩa trang Arlington...
- Nhớ rồi, hôm đó Bùi mạnh Hùng đưa anh đi phải không?
- Anh đi với Bùi Mạnh Hùng một buổi, và một buổi với Lê văn
Phúc, Cai Phúc đó.
Anh Quang kể về chuyến thăm
nghĩa trang Arlington, và anh hết sức xúc động khi nhìn những hàng mộ bia đều dặn,
giống hệt nhau từ ông Tướng, cho đến hàng binh sĩ, những tử sĩ của thời Nam-Bắc
chiến tranh, họ được mang về đây, nằm cạnh bên nhau, và cùng được ngợi ca là
Anh Hùng, cùng được Tổ Quốc Ghi Công.
Anh Quang hát cho tôi nghe một
đoạn ca khúc đó, và khuyến khích tôi nên đến thăm, và viết về Nghĩa trang
Arlington này, hãy đặc biệt dành suy nghĩ về nhân vật tướng Lee.
Một xúc động tức thời, nhưng
những gửi gấm trong đó, anh Nguyễn Đức Quang đã dành hơn sáu tháng sau để viết
bài hát “trên đồi Arlington”
Nội chiến Hoa Kỳ bắt đầu năm
1861 Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn thay đổi dự luật để xóa bỏ thể
chế nô lệ. Trước ngày ông nhậm chức, bảy tiểu bang miền nam Hoa Kỳ phản đối
chính sách cởi mở này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính
phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống [1]. Chính quyền Abraham Lincoln
không công nhận chính phủ Liên minh miền Nam này. Khi quân miền Nam tấn công đồn
Sumter, Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ và thêm 4 tiểu bang khác gia nhập phe miền nam
chống lại lực lượng Liên bang miền Bắc.
Cuộc phân tranh Nam-Bắc kéo
dài 4 năm và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865.với con số tổn thất của
cả hai miền Nam Bắc là 970.000 người. Trong đó trận chiến lớn nhất xẩy ra ngày
01 tháng 7 năm 1863 ở Gettysburg nằm ở tiểu bang Maryland, trong ba ngày chiến
đấu, quân hai bên đã thiệt mạng lên tới gần 50.000 chiến binh.
Chỉ huy quân Miền Nam là Tướng
Robert E. Lee ra đầu hàng tại Richmond , thủ phủ tiểu bang Virginia , và được
quân sử Hoa Kỳ ca ngợi như một nhân vật Anh Hùng .Ngày nay, ở bất cứ thành phố
nào của Hoa Kỳ, cũng có ít nhất một con đường chính mang tên vị tướng này.
Bài hát mang âm hưởng tự sự,
mà dòng suy tưởng của tác giả khi nói tới người lính đứng nghiêm gác trước đài
tử sĩ của nghĩa trang quốc gia Arlington, đã đưa người nghe về quê hương mình,
về những xót xa của cách cư xử không công bình cho người lính Việt Nam Cộng Hòa
ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Xin hãy nhớ Nghĩa Trang Quốc
Gia Hoa Kỳ nằm trên đồi Arlington là nơi yên nghỉ của Tổng thống Kenedy, của
hàng trăm ngàn tử sĩ vô danh trong cuộc nội chiến Nam Bắc, nơi yên nghỉ của rất
nhiều chiến sĩ Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam, và gần đây, còn là nơi yên nghỉ của
những chiến sĩ gốc Việt, tử trận trong các cuộc chiến ở Irac, Afghanistan...
Đây là lời của bài hát:
Này
bạn, mang găng trắng,
bồng
súng gác trên đồi Arlington
Chiều
nay trời sẽ mưa hay sương gió lạnh lùng
có
còn vững đôi chân?
Chào
tay nhìn thẳng nhé!
Đập
gót cho oai hùng!
Hồn
dưới kia hả dạ, xác thân này đã chết
Cho
một đất nước chung
Này
bạn, cùng chiến đấu,
cùng
gục ngã viên đạn ngược đường bay
Về
đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này
không
lời hờn oán đắng cay
Bắc
Nam cùng mạch sống!
Thắng
thua đều anh hùng !
Bốn
mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng chung dòng “Tổ Quốc Ghi Công”
Xin
giới thiệu hồn này từ cầu Đồng Hới,
hồn
kia cuối Trường Sơn
Đồng
lúa xanh, có lắm anh đi nhẹ nhàng,
có
người thịt nát xương tan
Nay
mộ phần, rào quanh bằng oán thù,
một
lần thành thiên thu,
sống
hay là đã chết đều mất lối bơ vơ.
Làm
sao tin thế được?
Làm
sao gọi là vinh quang?
Cuộc
chiến vùi sâu dân tộc, khơi dậy những hờn căm Thắng ngoáy dài mũi kiếm- Thua xuống
cuối biển đông Sao gọi anh hùng được- Hồn lệ sử thấu chăng?
Đã
bảo vết thương không nhắc nữa- Mà sao thấy sẹo cứ bâng khuâng Ừ nhỉ, xưa kia
thành quách đổ- Thắng bại anh hùng có xứng chăng?
Này
bạn, chuyện tôi nói,
chuyện
xưa ấy xin thả giòng sông trôi
Đời
tôi là đớn đau,
cay
đắng băn khoăn ưu phiền,
xin
ngừng lời ca tiếng khen
Triệu
linh hồn oan khuất-
Chiều
nay xa quê nhà
Còn
chỗ không người lính gác,
chúng
tôi về đây nằm,
trên
đồi Arlington!
Muốn nghe bài hát này do tác
giả hát, xin vào http://www.ducavn.com/. Trưởng Nguyễn Đức Quang thân kính.
Ngày Chủ nhật 27 tháng 3, em
đi làm về khuya, 12 giờ đêm mở hộp thư thấy email của Nguyễn Quyết Thắng với
ghi chú đầu trang là Nguyễn Đức Quang.. ..em đã hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Trưởng
đã đi xa
Từ những lời nói với người sống
trong hùng ca “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, tới những lời nói với người đã chết
trong “ Trên Đồi Arlington”, tới những trăn trở với bạn bè chung quanh trong
“Không phải là Lúc”, xót xa với quê hương trong “Người Yêu Tôi Bệnh” Hàng mấy
trăm ca khúc đã được viết xuống, đã được hát lên, đã truyền tải đi khắp các
châu lục, đã đi vào tâm tư của người Việt khắp nơi,. Những ca khúc nhân danh
cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ để luôn đòi công băng nhân ái cho mọi người.
Nước mắt em nhạt nhòa trên
bàn phím, nhưng vẫn hiển hiện thấy hình ảnh của Trưởng với cái cười hào sảng.
nhớ những câu trong bài hát của Trưởng :
Đã bảo vết thương không nhắc nữa, mà sao thấy sẹo cứ bâng khuâng./.
29 tháng 3/2011. Viết thêm vào tháng 10/2021.
Nguyễn Minh Nữu