Friday, November 12, 2021

2196. NHÀ THỜ Truyện ngắn của nhà văn Mỹ RAYMOND CARVER (1938-1988) Dịch và giới thiệu: NGU YÊN



Raymond Clevie Carver Jr. (1938 -1988)

Nhà thơ và nhà viết truyện ngắn. Được xem là một trong những nhà văn nổi bật của Mỹ.

Sinh quán ở Clatskanie, Oregon, cạnh dòng sông Columbia. Lớn lên ở Yakima, Washington.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm đủ thứ việc như trong hãng xưởng, người giữ vệ sinh, phụ tá thư viện …Sau cùng đi dạy Anh ngữ ở đại học Syracuse.

Thích sáng tác, ông theo học đại học cộng đồng Chico State và đeo đuổi các lớp dạy sáng tác của tiểu thuyết gia John Gardner. Tuyển tập truyện đầu tay: No Heroics, Please. 1992 và Call If You Need Me, 2010.

Giải Pulitzer cho truyện 1977. Giải O, Henry Awards. Được dựng tượng tại thành phố Clatskanie, Oregon.

Raymond Carver đóng vai trò quan trọng trong văn chương Hậu Hiện Đại. Truyện ông khai mở những hướng đi mới cho những chủ nghĩa và các phong trào sáng tác cuối thập niên 1990 bước sang thế kỷ 21.


Raymond Carver (1938-1988)


NHÀ THỜ

Người đàn ông mù này, bạn cũ của vợ tôi, anh đang trên đường đến đây, sẽ ở lại đêm. Vợ anh vừa qua đời. Anh đi thăm gia đình vợ ở tiểu bang Connecticut. Từ nơi ấy, anh điện thoại cho vợ tôi, sắp xếp chuyến đi qua. Anh sẽ đến bằng xe lửa, đường dài khoảng năm giờ. Vợ tôi sẽ ra đón tại nhà ga. Họ chưa gặp nhau lại, kể từ mùa hè nàng làm việc cho anh ở Seattle mười năm trước. Nhưng họ giữ liên lạc, nói chuyện bằng thâu băng gửi qua bưu điện. Tôi không hào hứng việc anh đến chơi. Chẳng quen biết gì. Cảm thấy phiền hà vì anh bị mù. Ý tưởng mù đến từ những phim ảnh tôi xem. Trong phim, người mù di chuyển chậm chạp, không bao giờ cười, có chó dẫn đường. Thực sự, tôi không mong đợi có người mù ở chung trong nhà. 

Năm đó, mùa hè ở Seattle, nàng cần việc làm vì không có tiền. Cuối mùa hè, nàng chuẩn bị kết hôn với một người trong trường đào tạo sĩ quan. Ông này cũng nghèo nhưng họ yêu nhau, …v…v… Nàng đọc báo, thấy quảng cáo: “CẦN NGƯỜI GIÚP VIỆC: Đọc cho người mù.” Bên dưới ghi số điện thoại. Nàng gọi và hẹn đến nhà, nhận được việc làm ngay hôm đó. Suốt mùa hè, nàng đọc cho anh ta nghe nhiều thứ, đại loại như những nghiên cứu, báo cáo, thư tín, giúp anh sắp xếp văn phòng nhỏ trong cơ quan dịch vụ xã hội của quận hạt. Vợ tôi và anh mù trở thành bạn tốt. Ngày cuối cùng trước khi từ giã, anh mù hỏi, liệu anh có thể sờ vào mặt nàng không và nàng ưng thuận. Sau này, nàng kể cho tôi nghe, anh ấy đã chạm vào tất cả các bộ phận trên mặt, kể cả mũi và cổ. Nàng không bao giờ có thể quên được. Thậm chỉ, đã cố gắng làm một bài thơ về cảm xúc này. Nàng luôn luôn nỗ lực làm thơ, mỗi năm chừng một hoặc hai bài, thường là về điều gì thực sự quan trọng đã xảy ra.   

Khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò, nàng cho tôi xem bài thơ. Trong thơ, nàng ghi lại những ngón tay của anh, cách chúng di chuyển tràn ngập trên mặt. Rồi nói về cảm xúc trong lúc đó, những gì đã hiện ra trong tâm tưởng khi anh mù sờ lên mũi và đôi môi. Tôi nhớ, mình không nghĩ nhiều về bài thơ. Dĩ nhiên, không nói ra, có lẽ, không hiểu mấy về thơ. Phải thừa nhận rằng thơ không phải là thứ chữ nghĩa đầu tiên mà tôi sẽ chọn nếu muốn tìm một thứ gì để đọc.

Dù sao, người trong trường sĩ quan ấy là người đầu tiên hưởng được sự ưu ái, là người yêu thời trẻ của nàng. Không sao. Điều tôi muốn nói, nàng đã cho anh mù sờ mặt để tạm biệt, như một cách kết hôn với nàng lúc đó, anh hiện giờ là một hạ sĩ quan và nàng đã rời khỏi Seattle. Nhưng vẫn giữ liên lạc, nàng gọi lần đầu tiên sau một năm hoặc lâu hơn. Một đêm, nàng điện thoại cho anh mù từ một căn cứ không quân ở Alabama. Nàng muốn tâm sự. Họ trò chuyện. Anh yêu cầu nàng gửi một cuốn băng, kể anh nghe chuyện đời của nàng. Vợ tôi thâu băng và gửi đi. Trong băng, có đoạn nàng tâm sự với anh mù, nàng rất yêu chồng nhưng không thích nơi họ đang sống. Nàng cũng không thích anh ta là thành phần của công nghiệp quân sự. Rồi kể cho anh nghe việc đã làm một bài thơ về anh và một bài thơ khác về chuyện làm vợ một sĩ quan không quân, nhưng chưa xong, còn đang lỡ dỡ. Anh mù thâu cuốn băng gửi trả lời. Nàng thâu băng rồi gửi tiếp. Việc này kéo dài trong nhiều năm.

Làm vợ một sĩ quan thường bị di chuyển từ căn cứ này sang căn cứ khác. Nàng gửi băng từ Moody AFB, McGuire, McConnell, và sau cùng là Travis, gần Sacramento. Nơi một đêm, nàng cảm thấy cô đơn vì mất dần những người quen trong cuộc sống thuyên chuyển. Cảm thấy không còn có thể bước thêm một bước nào nữa. Nàng nuốt sạch hết các viên thuốc trong tủ thuốc gia đình, nốc trơn tru, uống hết một chai Gin. Vào nằm bồn nước nóng rồi hôn mê.     

Nhưng thay vì chết, nàng chỉ ngã bệnh. Nôn mửa. Ông sĩ quan của nàng – vì sao hắn không có tên?  Người tình thuở thiếu nữ, hắn còn muốn gì nữa? – không biết từ đâu xuất hiện, tìm thấy nàng, gọi xe cứu thương. Ngay trước đó, nàng đã thâu tất cả vào cuốn băng và gửi cho anh mù. Trong thời gian qua, nàng đã thâu hết mọi chuyện vào băng rồi gửi tốc hành. Bên cạnh làm thơ mỗi năm, tôi nghĩ, thâu  và gửi băng là cách nàng giải trí. Trong một đoạn băng, nàng nói với anh mù, đã quyết định sống xa anh chồng sĩ quan một thời gian. Trong cuốn khác, nàng nói về việc ly dị. Chúng tôi bắt đầu đi ra ngoài giao tiếp vui chơi, dĩ nhiên, anh mù đã biết. Nàng kể cho anh nghe hết mọi chuyện hoặc đối với tôi, có vẻ như vậy.

Một lần, nàng hỏi tôi, có muốn nghe một đoạn băng mới nhất của anh mù không. Chuyện này xảy ra một năm trước, nàng nói, anh ấy nói về tôi. Tôi đồng ý nghe băng. Bày đồ uống ra, cùng nhau ngồi trong phòng khách, sẵn sàng lắng nghe. Trước hết, nàng lắp băng vào máy, rồi điều chỉnh những nút số. Tiếp theo, nàng bấm nút cho máy chạy. Cuốn băng lên tiếng, ai đó bắt đầu nói quá lớn, nàng hạ âm thanh xuống. Sau vài phút trò chuyện mào đầu, nghe được tên tôi từ miệng một người lạ, người mù mà tôi chưa hề gặp. Rồi lần lần đến đoạn:  “Từ những gì em nói về anh ấy, tôi chỉ có thể kết luận...” Chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gõ cửa, một chuyện gì đó, đã làm chúng tôi không bao giờ quay trở lại nghe tiếp đoạn băng. Có lẽ, cũng chẳng sao. Tôi nghe đủ những gì muốn nghe.

Bây giờ, lại anh mù này đến ngủ trong nhà tôi.

Tôi hỏi vợ: “Có lẽ, anh có thể đưa anh ấy đi chơi bowling.” Đang bào vỏ khoai tây, đặt con dao trên tay xuống, quay lại, nàng nói:

“Nếu còn yêu em, anh có thể làm điều này. Nếu hết yêu em, cũng được thôi. Nhưng nếu anh có người bạn, bất kỳ là ai, đến nhà thăm viếng, em sẽ làm cho người ấy cảm thấy thoải mái.” Nàng lau tay với khăn rửa chén.

“Anh không có bạn mù.” Tôi nói.

“Anh chẳng có bạn nào cả. Chỉ như vậy. Mẹ kiếp. Vợ anh ấy vừa mới chết. Anh hiểu không. Người đàn ông này vừa mất vợ.”

Tôi làm thinh. Nàng kể cho tôi nghe một ít chuyện về vợ của anh bạn mù. Tên là Beulah. Đó là tên của một phụ nữ da màu.

“Cô ta là người da đen, phải không?”

“Anh điên rồi hay sao? Anh đổi tính hả?” Nàng cầm củ khoai tây lên. Tôi thấy củ khoai rơi xuống sàn, lăn vào dưới bếp nấu. “Anh nghĩ gì vậy. Say rồi hả?”

“Anh chỉ hỏi thôi.”

Ngay sau đó, nàng kể lể nhiều chi tiết hơn những gì tôi muốn biết. Pha thêm rượu, tôi ngồi lại trong bếp, lắng nghe. Từng mảnh truyện bắt đầu ráp lại. 

Beulah đã làm việc cho anh mù vào mùa hè sau khi vợ tôi xin nghỉ. Không bao lâu sau, họ làm đám cưới trong nhà thờ, một đám cưới nhỏ, ai mà muốn đi dự đám cưới trong nhà thờ? Chỉ có hai người họ, thêm ông bà bộ trưởng. Nhưng lễ lạc đám cưới ở nhà thờ đều giống nhau. Anh mù nói, Beulah muốn như vậy. Cho dù Beulah đã biết chắc đang mang bệnh ung thư bứu. Sau tám năm quấn quít bên nhau, lời của vợ tôi, họ không rời nhau, sức khỏe Beulah sa sút nhanh chóng. Cô ta qua đời trong bệnh viện ở Seattle, anh mù ngồi cạnh bên và nắm chặt tay vợ. Họ kết hôn, sống chung, ngủ chung, làm tình, rồi anh mù phải chôn cố ấy. Trải qua tất cả những thứ này, mà, mẹ kiếp, không hề thấy mặt người phụ nữ đó ra sao. Vượt qua sức hiểu biết của tôi. Nghe kể, tôi có lòng thương hại anh mù đôi chút. Rồi thấy được mình đang nghĩ, đời người thật tội nghiệp, người đàn bà này hẳn phải được tôn trọng. Thử nghĩ, một người đàn bà không bao giờ thấy được hình ảnh mình như đã thấy trong mắt người yêu. Một người đàn bà mà ngày này qua ngày kia không nhận được một lời khen nào dù rất bình thường từ người mình thương. Một người đàn bà mà người chồng không bao giờ có thể đọc những cảm xúc hiện lên trên mặt, dù khổ đau hay sung sướng. Dù có trang điểm hay không, chẳng có gì khác biệt? Nếu cô ấy muốn, có thể vẽ một mắt màu xanh, đeo bông tai trên mũi, mặc quần vàng, giày tím, vẫn chẳng sao. Để rồi rơi vào cõi chết, bàn tay anh mù ôm ấp bàn tay cô, từ đôi lỗ mắt sâu tuôn ra dòng lệ - tôi đang tưởng tượng -  Suy nghĩ sau cùng của cô, có thể như thế này: Trên con đường tốc hành đi xuống mồ mà thậm chí anh chưa bao giờ biết mặt mũi dáng vóc cô ra sao. Chỉ để lại một hợp đồng bảo hiểm ít tiền và một nửa đồng xu 20 pepso cho Robert, (anh mù). Còn nửa đồng xu kia chôn trong quan tài theo cô ấy. Thật thảm hại.

Rồi đến giờ đã định, vợ tôi đến nhà ga đón anh. Tôi không thể làm gì khác hơn là chờ đợi, hẳn vậy, cứ đổ lỗi cho anh ấy. Tôi đang uống rượu, xem truyền hình, thì nghe tiếng xe ngừng trên lối vào. Cầm ly rượu, đứng lên khỏi ghế dài, đến cửa sổ nhìn ra. Thấy vợ tôi đang cười khi đậu xe. Thoải mái ra khỏi xe, đóng cửa, trên môi vẫn còn nụ cười. Thật đáng ngạc nhiên.  Nàng đi qua bên kia xe, trong khi anh mù đang loay hoay leo xuống. Người mù này có đặc điểm, một hàm râu dày. Râu trên mặt mù! Tôi nghĩ, quá sức. Anh mù thò tay vào hàng ghế sau, lấy cái vali. Vợ tôi nắm tay anh, đóng cửa xe, nói cười luôn miệng, đưa anh rời lối vào, bước lên các bậc thang dẫn đến hiên trước. Tôi tắt truyền hình, uống cạn ly rượu, rửa ly, lay khô tay. Rồi đi ra cửa.

“Đây anh Robert. Đây chồng em.” Trông nàng rạng rỡ, tay nắm vào áo khoác của người bạn.  

Anh để vali xuống, đưa tay lên.

Tôi bắt lấy. Anh bóp khá mạnh và giữ tay tôi một khoảnh khắc rồi buông ra. Anh nói vui vẻ:

“Tôi có cảm giác như chúng ta đã gặp nhau”

“Tôi cũng vậy.” Không còn biết nói gì. “Rất vui, tôi nghe nói về anh rất nhiều.” Chúng tôi bắt đầu bước đi. Một nhóm nhỏ di chuyển từ hiên ngoài vào phòng khách. Vợ tôi dắt tay anh. Tay còn lại anh cầm va li. Vợ tôi hướng dẫn như: “Bên trái của anh. Đúng rồi. Coi chừng nha. Chiếc ghế ở đây. Đúng chỗ. Ngồi xuống đi. Đây là ghế dài. Mới mua khoảng hai tuần trước.”

Tôi tính góp chuyện bằng cách nói về ý thích chiếc ghế cũ nhưng im lặng. Rồì muốn nói chuyện khác, chuyện qua đường, về chuyến đi có thể ngắm cảnh ở Hudson. Khi đi đến New York, nên ngồi bên phải  tàu lửa, khi rời khỏi New York, nên ngồi bên trái.

Tôi hỏi: “Anh đi bằng tàu lửa có thích không? Anh ngồi bên mé nào của con tàu?”

Nàng chen vào: “Hỏi gì lạ vậy! Ngồi bên nào có gì khác biệt?”

“Anh chỉ hỏi thôi.”

Anh mù trả lời: “Ngồi bên phải. Tôi không đi tàu lửa gần 40 năm. Chỉ đi lúc còn nhỏ với cha mẹ. Đã quá lâu, hầu như đã quên mất cảm giác đó. Bây giờ, mùa đông đã chiếm ngự bộ râu của tôi, dù sao, tôi cũng đã nghe nói. Này em, có thấy anh khác xưa nhiều không?” anh ta hỏi vợ tôi.      

“Robert, anh khác nhiều. Rất vui khi gặp lại anh.”

Lúc này, ánh mắt nàng mới rời anh mù và nhìn tôi. Tôi cảm nhận nàng không thích câu chuyện vừa xảy ra. Tôi nhún vai.

Tôi chưa hề gặp hoặc biết rõ một người mù nào. Anh mù này đã ngoài 40, Mập mạp, đầu hói, vai khòm như đang mang thứ gì nặng nề. Mặc quần tây nâu, mang giày nâu, áo màu nâu lợt, thắt cà vạt, khoác áo thể thao. Bảnh bao. Hàm râu đầy đặn. Không chống gậy. Không đeo kính đen. Tôi cứ tưởng, người mù bắt buộc luôn luôn mang kính đen. Thực ra, ước gì anh mang cặp kính đó. Thoạt nhìn, đôi mắt anh giống như đôi mắt của mọi người. Nếu nhìn kỹ, sẽ nhận ra có điều gì khác lạ. Thấy nhiều màu trắng trong tròng đen. Và con ngươi tự động di chuyển trong hốc mắt, hình như anh không biết hoặc không thể điều khiển. Tôi hơi rùng mình. Khi nhìn đăm đăm vào mặt anh, thấy con ngươi bên trái quay về phía mũi, trong khi con ngươi kia đang cố gắng đứng lại một chỗ. Đó là nỗ lực của anh nhưng không hề biết con ngươi kia đang lang thang vô định.   

Tôi nói: “Để tôi rót rượu cho anh. Anh muốn loại gì? Chúng tôi có mỗi thứ một ít. Tuyển chọn rượu là trò giải trí của chúng tôi.”

“A, tôi là người mê Scotch.” Anh mau mắn lớn tiếng trả lời.

“Được ngay. A, mê rượu. Tôi biết thú vui này.”

Anh chạm những ngón tay dọc theo chiếc vali đặt bên cạnh ghế dài. Anh đang tự quan tâm về mình. Chuyện tự nhiên thôi.

Vợ tôi nói: “Em sẽ mang vali lên phòng anh.”

“Không, không sao. Anh sẽ mang nó, khi lên phòng.”

“Pha chút nước vào Scotch không anh?”

“Một chút thôi.”

“Tôi biết rồi.”

“Rất rất ít. Diễn viên Ái Nhĩ Lan, Barry Fitgerald? Tôi giống ông ấy. Figeraid nói, khi ông uống nước, là uống nước. Khi uống whiskey thì uống whiskey.” Vợ tôi bật cười. Anh mù đưa tay từ từ nâng bộ râu lên rồi thả xuống.

Tôi pha ba ly Scotch lớn, mỗi ly thêm một chút nước. Sau đó, chúng tôi ngồi thoải mái, chuyện trò về chuyến đi của Robert. Đầu tiên là chuyến bay dài từ bờ Đại Tây Dương đến Connecticut, chúng tôi đã bàn đến. Tiếp theo là từ Connecticut lên đây bằng tàu lửa. Chúng tôi uống thêm một ly nữa, khi nói về chuyện này.

Nhớ lại mình đã đọc đâu đó, người mù không hút thuốc vì, theo ước đoán, họ không nhìn thấy khói thuốc thở ra. Đối với người mù, tôi chỉ biết bao nhiêu đó. Nhưng anh mù này hút thuốc, hút tận cán rồi mồi điếu khác. Hút đầy gạt tàn, vợ tôi phải đi đổ.

Ngồi vào bàn ăn tối, chúng tôi uống một ly khác. Nàng gắp thức ăn đầy đĩa của Robert, thịt bò nướng, khoai tây bào mỏng, đậu đũa. Tôi làm sẵn cho anh hai miếng bánh mì trét bơ. “Này, bánh mì bơ cho anh.” Tôi nuốt vài ngụm rượu rồi nói: “Bây giờ chúng ta đọc kinh,” anh mù cúi đầu. Nàng nhìn tôi há miệng kinh ngạc. “Xin cho điện thoại không vang lên và thức ăn không nguội lạnh.”

Chúng tôi bắt đầu và ăn hết những gì dọn trên bàn, ăn như không có ngày mai. Chúng tôi không trò chuyện, chỉ ăn. Mang khăn lên cổ.  Cắm cúi trên bàn. Chú tâm ăn một cách nghiêm chỉnh. Anh mù xác định được ngay những thức ăn, biết mọi thứ ở vị trí nào trong đĩa của mình. Tôi thán phục khi thấy anh dùng dao và nĩa cắt thịt. Anh cắt hai miếng, bỏ vào miệng, rồi ăn nhiều khoai tây, tiếp theo là đậu đũa. Sau đó, xé một mẩu bánh mì trét bơ, nhai ngấu nghiến. Rồi, nốc một hơi sữa. Thỉnh thoảng, anh dùng tay bốc ăn, không ngại ngùng gì.

Chúng tôi cạn bữa, kể cả một nửa chiếc bánh dâu tây. Quá no. Trong vài khoảnh khắc, dù ngồi vẫn cảm thấy choáng váng. Thực sự thấy đôm đốm trước mặt. Cuối cùng, chúng tôi đứng lên, rời bỏ những chiếc đĩa dơ trên bàn. Không nhìn lại. Kéo nhau vào phòng khách, chìm mình vào chỗ ngồi cũ. Robert và vợ tôi ngồi trên ghế dài, tôi chọn ghế bành. Cùng nhau uống hai hoặc ba ly trong lúc họ tâm sự những chuyện quan trọng đã xảy ra trong vòng mười năm qua. Hầu hết, tôi chỉ lắng nghe. Thình thoảng mới xen vào, vì không muốn anh mù nghĩ tôi đã rời bỏ phòng khách. Không muốn nàng nghĩ tôi bị bỏ rơi. Họ kể lể những chuyện suốt mười năm, trong khi tôi đợi chờ vô vọng để nghe tên mình trên bờ môi ngọt ngào của vợ: “Rồi người chồng thương yêu đã bước vào đời em.” Đại khái chỉ cần như vậy. Nhưng không nghe một lời nào.

Nói thêm về Robert. Có vẻ như anh ta làm được nhiều chuyện, mỗi thứ một ít, là những việc thành công bình thường của đui mù. Gần đây nhất, anh và vợ anh đã sở hữu một nhà phân phối Amway, tôi đoán chừng, họ sống bằng lợi tức đó. Anh mù cũng là một nhà điều hành đài phát thanh. Bằng giọng nói vang vang, anh nói về những đối thoại giữa anh và các nhà điều hành ở đảo Guam, ở Phi Luật Tân, ở Alaska, thậm chí, cả Tahiti. Anh kể, có nhiều bạn ở các nơi đó sẽ sẵn sàng đón tiếp, nếu khi nào nàng muốn đi thăm viếng. Thỉnh thoảng quay mặt mù về hướng tôi, tay nâng bộ râu lên, hỏi đôi ba điều, ví dụ như, tôi ở trong tình cảnh này được bao lâu rồi? (Ba năm). Có thích việc đang làm không? (Không). Có định giữ lấy công việc hay không? (Những lựa chọn sẽ ra sao?) Cuối cùng, khi đoán chừng anh không còn gì để hỏi, tôi đứng lên, mở truyền hình.

Vợ tôi nhìn tôi tỏ vẻ bực bội. Tưởng chừng sắp sôi sục. Rồi nàng nhìn anh mù hỏi: “Robert, anh có TV không?”

“Em à, anh có hai máy. Một máy màu, một máy trắng đen, đều là di vật cũ. Thật buồn cười, nếu anh mở máy, luôn luôn mở đúng TV màu, có buồn cười không?”

Không biết phải nói gì. Hoàn toàn không có gì để nói. Không ý kiến. Tôi đành chú ý xem tin tức, lắng nghe những lời thông báo.

Anh mù nói: “Đây là truyền hình màu. Đừng hỏi tôi tại sao, nhưng tôi tự nhiên biết.”

“Chúng tôi mới đổi TV cách đây không bao lâu.” Tôi tiếp lời.

Anh mù uống một hớp. Vén râu lên, ngửi, rồi thả xuống. Ngả người dựa vào lưng ghế dài. Đặt gạt tàn thuốc trên bàn, bật lửa đốt điếu thuốc. Bắt chéo hai bàn chân. Nàng che miệng, ngáp. Vươn vai. Nói: “Em muốn lên lầu, mặc áo choàng hoặc thay bộ đồ khác. Robert, cứ thoải mái như ở nhà anh.”

“Anh rất thoải mái.”

“Em muốn anh được thoải mái khi ở đây.”

“Anh đang thoải mái.” 

Sau khi nàng rời phòng khách. Chúng tôi nghe báo cáo thời tiết, tiếp theo là tin tức tóm lược về thể thao. Lúc đó, nàng vắng mặt đã khá lâu, không biết có trở lại hay không. Có lẽ, không chừng đã đi ngủ. Ước gì, nàng xuống đây, tôi không muốn một mình với anh mù. Tôi hỏi anh, có muốn uống một ly nữa. Anh trả lời, chắc là vậy. Rồi hỏi anh có muốn hút cần sa. Tôi nói, vừa quấn được một ít điếu. lúc này thì chưa, nhưng chút nữa sẽ hút.

“Tôi sẽ thử với anh.”

“Đúng rồi. Vậy mới được.”

Đi lấy thêm rượu rồi ngồi lên ghế dài với anh. Quấn hai điếu lớn. Tôi đốt một điếu rồi đưa vào ngón tay của anh. Anh kẹp lấy, hít một hơi.

“Nén khói lại càng lâu càng tốt.” Tôi có thể thấy anh ta chẳng biết gì về cần sa.

Vợ tôi xuống lầu trở lại, mặc áo choàng hồng và mang dép cùng màu.

“Mùi gì đây?” Nàng hỏi.

Tôi trả lời: “Chúng tôi muốn hưởng thụ một ít cần sa.”

Nàng nhìn tôi một cách cáu kỉnh. Rồi nhìn anh mù, nói: “ Em không biết anh hút thuốc.”

“Em à, bây giờ anh hút đây. Thứ gì cũng có lần đầu tiên. Nhưng anh chưa có cảm giác gì hết.”

Tôi xen vào: “Thứ thuốc này nhẹ. Êm. Loại cần sa dễ hút. Không gây nhiều lôi thôi.”

Anh cười: “Này bạn, chưa phê lắm.”

Vợ tôi ngồi trên ghế dài giữa tôi và anh mù. Tôi đưa nàng điếu thuốc. Nàng đón lấy rồi hút một hơi. Trả lại tôi, hỏi: “Đưa cho ai đây? Đáng lẽ, em không nên hút. Buồn ngủ mở mắt không ra. Đáng lẽ không nên ăn tối quá no.”

Anh mù nói: “Tại cái bánh dâu. Nó làm no và buồn ngủ.” Anh cười lớn tiếng, rồi lắc đầu qua lại.

Tôi nói: “Còn nửa cái bánh dâu đàng kia.”

Nàng hỏi: “Robert, anh muốn ăn bánh không?”

“Có lẽ, một lúc nữa.”

Chúng tôi chú ý nghe truyền hình. Vợ tôi lại ngáp. Nói: “Robert, giường chăn đã chuẩn bị sẵn, anh có thể đi ngủ khi nào anh muốn. Anh đã đi suốt một ngày dài. Khi nào mệt, cứ nói cho biết.” Nàng kéo tay anh mù. “Robert?”

Anh quay lại, nói: “Anh đang thực sự vui sướng. Còn hơn cả nghe băng thâu, phải không?”

Tôi nói: “Đến phiên anh.” Đưa điếu thuốc vào giữa hai ngón tay. Anh hít, nén lại, thở ra. Giống như anh đã quen hút từ năm chín tuổi.

“Cảm ơn nha. Nhưng có lẽ đã quá đủ cho tôi. Tôi nghĩ, đã bắt đầu phê rồi.” Anh đưa mẩu thuốc đang cháy dỡ sang vợ tôi.

Nàng nói: “Em cũng vậy. phê rồi.” Nàng cầm mẩu thuốc chuyển sang tôi. “Em sẽ ngồi đây một lát với hai anh, nhắm mắt một chút. Đừng quan tâm đến em. Anh nào cũng vậy, nếu cảm thấy phiền, cho em biết. Nếu không, em nhắm mắt ngồi đây cho đến khi các anh đi ngủ. Robert, khi nào cần đi nghỉ, phòng ngủ đã sẵn sàng. Sát phòng ngủ của vợ chồng em, trên đầu cầu thang. Chúng tôi sẽ đưa anh lên, khi nào anh muốn. Các anh nhớ gọi em dậy, nếu em ngủ quên ở đây.” Vừa nói nàng vừa nhắm mắt, lịm dần vào giấc ngủ.   

Chương trình tin tức chấm dứt. Đứng dậy, đổi sang đài khác. Ngồi xuống lại trên ghế dài. Ước gì vợ tôi đừng ngủ. Đầu nàng ngã trên lưng ghế, hả miệng. Xoay người, chiếc áo choàng tuột khỏi chân, để lộ chiếc đùi tươi mát. Tôi chồm đến kéo áo choàng che lại, vừa liếc nhìn anh mù. Điên thật, có thấy quái gì đâu. Tôi mở tung áo ra.  

“Lúc nảy anh nói anh muốn ăn bánh dâu phải không?”

“Chút nữa, sẽ ăn.”

“Anh mệt chưa? Buồn ngủ chưa? Có muốn tôi đưa anh lên phòng?”

“Chưa. Tôi sẽ thức với anh. Nếu được, tôi sẽ ở đây cho đến khi anh muốn đi nghỉ. Chúng ta chưa có dịp trò chuyện, phải không? Từ đầu đến giờ, giống như tôi và vợ anh đã chiếm độc quyền.” Anh ta nâng hàm râu lên rồi thả xuống. Nhặt điếu thuốc rồi cầm lấy bật lửa.

“Được quá. Có bạn trò chuyện là tốt rồi.” Tôi cảm thấy hài lòng. Mỗi đêm, sau khi hút cần sa, thức một mình cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Tôi và nàng ít khi đi ngủ cùng một lần. Khi ngủ tôi thường thấy những giấc mơ. Thỉnh thoảng thức dậy lỡ dở, con tim tôi nổi loạn.

Đôi khi, truyền hình chiếu về nhà thờ và thời Trung cổ. Không phải chương trình bình thường trên đài. Tôi muốn xem thứ gì khác. Tìm mở sang nhiều đài, nhưng không có gì để xem. Đành quay lại xem đài cũ. Nói xin lỗi anh mù.  

“Bạn ơi, không sao cả. Đối với tôi, anh muốn xem chương trình nào cũng được. Tôi luôn luôn học được nhiều điều. Học không bao giờ chấm dứt. Chẳng hại gì, tối nay tôi sẽ học hỏi thêm. Bằng tai.”

Chúng tôi im lặng một khoảng thời gian. Anh ta chồm tới, quay mặt sang hướng tôi, tai phải ngóng về máy truyền hình. Rất băn khoăn. Thỉnh thoảng, mí mắt anh ấy nhắm lại, rồi chớp chớp, mở ra. Thỉnh thoảng, đưa những ngón tay lên bộ râu rồi vuốt xuống như đang suy nghĩ chuyện gì vừa nghe từ truyền hình.

Trên màn ảnh, một số người mặc đồ vẽ bộ xương và hóa trang ma quái, mang mặt nạ, có sừng và đuôi, đang hành hạ một nhóm người bị trùm kín đầu. Cảnh lịch sử này là một phần của diễn hành lễ hội. Tường thuật viên người Anh kể lại chuyện này đã xảy ra ở Tây Ban Nha mỗi năm một lần. Tôi cố gắng giải thích với anh mù những gì đang diễn tiến.

Anh vừa nói vừa gật gù: “Bộ xương, tôi biết giống thứ gì.”

Ống kính quay ngôi nhà thờ này. Rồi chậm rãi kéo sang nhà thờ khác một lúc khá lâu. Sau cùng, hình ảnh chuyển đến ngôi nhà thờ nổi tiếng ở Paris, với những trụ tường và tháp hình nón bay cao tận mây xanh. Ống kính kéo ra xa để nhìn thấy toàn thể ngôi nhà thờ nổi lên đường chân trời.

Có những lúc tường thuật viên im lặng chỉ để ống kính chiếu chung quanh nhà thờ. Hoặc chiếu cảnh đồng quê, người cày ruộng theo sau con bò. Chờ đợi lâu đủ, tôi có cảm tưởng phải nói một lời gì: “Bây giờ, họ đang chiếu cảnh bên ngoài nhà thờ. Các tượng người đầu thú. Những hình nhỏ điêu khắc giống bầy quái vật. Lúc này, tôi đoán, cảnh đang quay ở Ý. Đúng rồi, chỉ ở Ý mới có những hình vẽ trên tường như ngôi nhà thờ này.”

Anh mù vừa uống một ngụm vừa hỏi: “Này bạn, có phải tranh trên tường vẽ theo kiểu ‘fresco’?”

Với tay lấy ly rượu nhưng đã cạn. Tôi cố nhớ những gì có thể còn nhớ: “Anh hỏi tôi tranh vẽ fresco? Câu hỏi này khó quá. Tôi không biết.”

Ống kính quay sang một nhà thờ lớn bên ngoài Lisbon. Sự khác biệt không bao nhiêu giữa nhà thờ Bồ Đào Nha so với nhà thờ ở Pháp và Ý. Nhưng có khác nhau. Rồi điều gì đó hiện ra trong đầu: “Tôi nghĩ ra chuyện này, anh có biết một nhà thờ lớn giống thứ gì không? Trông như thế nào? Ra làm sao? Anh hiểu ý tôi chứ? Nếu có ai nói về ngôi nhà thờ với anh, liệu anh có ý tưởng họ đang nói gì? Anh có biết sự khác biệt giữa nhà thờ này với nhà thờ Tin lành?”

Anh để khỏi nhả ra từ vành môi. “Tôi biết họ phải dùng hàng trăm công nhân để xây cất trong 50 hoặc 100 năm. Vừa mới nghe tường thật viên nói. Dĩ nhiên, tôi biết tổng quát về chuyện các gia đình xây dựng nhà thờ. Vừa nghe tường thật viên nói. Những người bắt đầu công việc xây cất, sẽ không bao giờ sống lâu đủ để chứng kiến công việc đó hoàn tất. Này bạn, kinh nghiệm sống của họ đâu khác gì chúng ta, phải không? Anh mù mỉm cười. Nhắm mắt lại. Gật gù. Dường như mơ màng. Có lẽ, đang tưởng mình du hành ở Bồ Đào Nha. Truyền hình đang chiếu nhà thờ khác. Ở Đức. Tiếng nói tường thuật vang lên. Anh mù vừa nói vừa ngồi dậy nghẻo cổ qua lại: “Nhà thờ, thực sự, đó là tất cả những gì tôi biết. Những gì vừa nghe tường thuật viên kể lại. Nhưng có lẽ, anh cũng có thể mô tả cho tôi biết thêm. Tôi mong như vậy. Muốn như vậy. Nếu anh thật sự muốn tìm hiểu tôi biết gì về nhà thờ, tôi thật tình không có khái niệm.” Tôi chăm chú nhìn cảnh quay nhà thờ. Làm thế nào có thể bắt đầu mô tả nó đây? Nhưng giả sử, đời sống tôi phụ thuộc vào việc này. Giả sử, đời sống tôi bị đe dọa bởi một gã điên, nói rằng, tôi phải làm nếu không sẽ có chuyện.

Nhìn kỹ lại ngôi nhà thờ một lần nữa trước khi hình ảnh thay đổi vào cảnh đồng quê. Chẳng giúp ích gì. Quay lại, nói với anh mù: “Bắt đầu nha. Những ngôi nhà thờ rất cao.” Nhìn chung quanh phòng, tìm chút ít manh mối. “Vươn lên. Cao lắm. Chọc trời. Một số nhà thờ rất lớn, cần phải có sự chống đỡ. Có thể nói, cần sự chống đỡ mới đứng vững. Bởi những cột trụ. Vì lý do nào đó, nhìn cảnh này nhớ lại chiếc cầu cạn nước. Nhưng anh cũng đâu thấy cầu cạn. Đôi khi, có nhà thờ khắc những hình ma quỉ ở mặt trước. Đôi khi, khắc thần thánh và nữ vương. Đừng hỏi tôi tại sao …”

Anh ta gật gù. Cả thân người bên trên dường như lắc lư lui tới.

Tôi hỏi: “Tôi kể không suôn sẻ, phải không?”

Anh ngừng gật gù, dựa lưng vào ghế dài. Vừa nghe tôi nói vừa vân vê bộ râu. Có thể thấy, anh không tiếp thu lời kể chuyện, nhưng anh vẫn kiên nhẫn tiếp tục chờ đợi. Gật gù, như thể cố gắng khuyến khích. Tôi cố nghĩ thử, còn có gì để nói: “Nhà thờ rất lớn, đồ sộ. Xây bằng đá. Đôi khi, trong thời đó, họ cũng xây bằng cẩm thạch. Con người muốn gần gũi Thượng Đế. Lúc thời hoàng kim, Thượng Đế là một phần quan trọng trong đời sống mỗi người. Có thể nhìn ra từ cách xây cất nhà thờ. Xin lỗi nha. Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng không diễn tả hay cho lắm.”

“Này bạn, không sao cả. Này, tôi hy vọng không làm anh phiền lòng vì tôi muốn hỏi điều này được không? Câu hỏi đơn giản thôi, được chứ? Tôi chỉ tò mò không muốn xúc phạm đến anh. Anh là chủ nhà. Nhưng cho tôi hỏi, xin lỗi, nếu anh không vừa ý, anh có đạo không?”    

Tôi lắc đầu. Anh ta không thấy. Nháy mắt hay gật đầu đối với người mù cũng giống nhau. “Tôi nghĩ tôi không tin gì cả. Đôi khi rất khó khăn. Anh biết tôi nói gì, phải không?”

“Rất hiểu.”

“Đúng như vậy.”

Tường thuật viên vẫn tiếp tục. Vợ tôi thở dài trong chiêm bao. Nàng hít một hơi dài rồi tiếp tục ngủ say.

Tôi nói: “Bạn tha lỗi cho tôi. Thực sự, tôi không thể diễn tả nhà thờ giống thứ gì. Tôi không phải là người tường thuật. không thể nói gì khác hơn nữa.”

Anh mù ngồi yên, đầu hơi cúi xuống, lắng nghe.

Tôi nói: “Thật ra, nhà thờ không có mấy ý nghĩa đối với tôi. Hoàn toàn không. Bất kỳ nhà thờ nào. Chỉ là chương trình về khuya để xem. Chỉ vậy thôi.”

Anh mù tằng hắng. Lấy một thứ gì ra. Một khăn tay từ túi quần sau. Anh lên tiếng: “Này anh, nghe tôi nói. Có thể giúp tôi một chuyện không? Tôi có ý kiến. Tại sao anh không tìm một ít giấy dày và cây bút? Chúng ta sẽ cùng nhau vẽ. Đi đi, tìm giấy bút. Này bạn, đi lấy đồ đi.”

Tôi lên lầu. Đôi chân cảm thấy không còn sức lực, giống như vừa chạy bộ xong. Vào phòng vợ tôi, nhìn chung quanh. Tìm thấy cây bút bi trong một giỏ nhỏ trên bàn. Rồi nghĩ thử nơi nào có thể tìm ra loại giấy anh muốn.

Xuống lầu, vào bếp, tìm thấy túi giấy đi chợ với vỏ hành tây dưới đáy. Đổ hết ra. Mang vào phòng khách. Ngồi xuống gần chân anh mù. Tôi dọn dẹp ít đồ vật, vuốt thẳng những nếp nhăn trên mặt giấy, trải ra trên mặt bàn thấp.

Anh mù tuột xuống, ngồi trên thảm gần tôi. Những ngón tay lướt rà trên giấy, từ cạnh này sang cạnh kia. Dừng lại ở các góc.

Anh nói: “Được rồi. Chúng ta vẽ.”

Anh tìm bàn tay tôi đang cầm bút. Đặt tay anh lên rồi nắm lại. “Bạn vẽ đi, anh sẽ hiểu. Tôi sẽ vẽ theo anh. Sẽ được thôi. Bây giờ, hãy bắt đầu như tôi nói. Anh sẽ hiểu. Vẽ đi.”

Tôi bắt đầu. Trước hết, vẽ một cái hộp tương tựa căn nhà. Có thể là căn nhà tôi đang ở. Vẽ mái nhà. Ở hai bên chái nhà, tôi vẽ hình nón. Điên thật.

Anh ta nói: “Nữa đi, hay lắm, anh vẽ rất tốt. Này bạn, có lẽ anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện như vậy đang xảy ra trong đời, phải không? Ừ, cuộc sống luôn luôn kỳ lạ, chúng ta đều đã biết. Tiếp tục vẽ, đừng ngừng lại.”  

Vẽ cửa sổ trên mái vòm. Những cây cột bay. Treo những cánh cửa lớn. Tôi không thể dừng lại. Chương trình truyền hình đã hết. Đặt bút xuống, nhúc nhích những ngón tay. Anh mù sờ chung quanh tấm giấy. Di chuyển mấy đầu ngón tay khắp mặt giấy, khắp hình tôi vẽ, rồi gật gù.

“Quá tốt.” Anh nói.

Cầm bút lên, anh lại nắm tay tôi. Vẽ. Tuy không phải họa sĩ, nhưng tôi tiếp tục vẽ trơn tru.

Vợ tôi thức giấc, mở mắt nhìn. Nàng ngồi dậy, áo choàng lại mở ra. “Hai anh đang làm gì vậy? Cho em biết với?”

Tôi không trả lời.

Anh mù nói: “Chúng tôi đang vẽ nhà thờ. Hai đứa anh vẫn còn chưa xong. Đè mạnh xuống.” Anh nói với tôi. “Đúng rồi. Hay quá. Trúng chóc. Anh vẽ đúng rồi. Này bạn, tôi có thể biết. Anh đã nghĩ, không vẽ được. Nhưng được rồi. Phải không? Anh đang vẽ hết sức tài tình. Biết tôi sẽ nói gì không? Chúng ta sẽ vẽ xong một thứ gì trong vài phút nữa. Mỏi tay chưa? Vẽ thêm vài người nữa. Nhà thờ chẳng ra làm sao nếu không có người.”  

Vợ tôi nói: “Robert, chuyện gì đây? Hai anh đang làm gì? Chuyện gì vậy?”

“Không có gì,” anh mù nói với nàng rồi quay sang nói với tôi: “Nhắm mắt lại.”

Tôi làm theo ý anh mù.

“Đã nhắm chưa?” Đừng giả bộ.”

“Nhắm rồi.”

“Cứ nhắm mắt. Vẽ tiếp đi. Đừng ngừng lại.”

Chúng tôi tiếp tục. Ngón tay anh lướt trên ngón tay tôi trong khi bàn tay tôi lướt lên khắp mặt giấy. Cho đến giờ phút này, gần như chưa có gì xảy ra trong đời tôi như vậy.

“Tôi nghĩ, đã đủ rồi. Anh đã vẽ đủ rồi. hãy nhìn xem. Anh thấy ra sao?” Anh mù nói.

Nhưng tôi vẫn nhắm mắt. Nghĩ rằng phải nhắm lâu hơn. Tưởng rằng phải làm đúng như thế. Anh mù hỏi:

“Sao đây? Anh đã nhìn thấy chưa?”

Mắt tôi vẫn nhắm. Tôi đang ở trong nhà. Tôi biết rõ, nhưng có cảm giác như không ở trong bất cứ một nơi nào.

Tôi nói: “Thật là lạ lùng.”


RAYMOND CARVER

(1981)