Trưa ngày thứ
sáu 15/10 vừa qua, tại thủ đô Canberra của Úc, sầu riêng lại đại náo xứ sở
kangooru. Lính cứu hỏa đã được điều tới ngăn chặn một vụ mà người ta cho là rò
rỉ khí đốt. Theo báo Washington Post, ông Phương Trần đã biết tỏng đây là chuyện
của thứ trái thân quen với miền Đông Nam Á. Ai cũng nghĩ ông nói đùa nhưng, sau
khoảng một giờ tìm kiếm, thủ phạm vụ thả mùi đúng là hắn: sầu riêng! Ông Phương
có thừa kinh nghiệm. Được hỏi tại sao ông đoán trúng phóc, ông cho biết có chi
khó đâu, mùi vị thoát ra từ khu Dickson, nơi có nhiều tiệm ăn và chợ Á Đông. Vậy
là đúng tổ con chuồn chuồn.
Sầu riêng, thứ
trái cây mà nhiều người rất ghiền, đã có thành tích từ khuya. Tại Úc cũng như tại
nhiều nơi trên thế giới. Có thể nói đây là một tên phá bĩnh quen thuộc trên
trái đất này. Tại trường kỹ thuật Royal Melbourne Intitute of Technology, vào
năm 2018, khoảng 500 sinh viên đã chạy tóe khói ra khỏi khuôn viên trường vì có
báo động về “một chất hóa học nguy hiểm” bị rò rỉ. Thủ phạm được tìm thấy là một
múi sầu riêng hư thối bị bỏ trong một ngăn tủ. Năm 2019, tại thư viện đại học
University of Canberra cũng báo động vì có “mùi hôi của khí đốt”. Đích danh thủ
phạm cũng là sầu riêng.
Ngày 21/6/2020,
cảnh sát và lính cứu hỏa đã được điều hỏa tốc tới một trạm bưu điện ở thị trấn
Schweinfurt, Bavaria, Đức, sau khi nhân viên tại đây nhận thấy một bưu kiện
“phát ra một mùi hôi kỳ quái”. Toàn bộ 60 nhân viên của tòa nhà đã được yêu cầu
sơ tán ngay lập tức. Có 12 nhân viên cảm thấy buồn nôn nên phải chăm sóc y tế tại
chỗ và 6 người khác đã được chở đi bệnh viện. Có 6 xe cứu thương và 5 xe đặc
nhiệm của toán phản ứng nhanh đã khẩn cấp tới săn sóc những nạn nhân này. Khi cảnh
sát mở gói bưu kiện phát mùi thì thấy có bốn trái sầu riêng!
Tháng 11 năm
2018, một chuyến máy bay cất cánh từ Bengkulu, Indonesia, đã phải hạ cánh khẩn
cấp khi hành khách không chịu nổi một
“mùi hôi thối” tỏa ra từ một kiện hàng sầu riêng. Kiện hàng nặng 2 tấn gồm toàn
sầu riêng đã khiến hành khách bịt mũi khi bước lên máy bay. Họ đồng lòng yêu cầu
phi hành đoàn bỏ kiện hàng này lại. Một người đàn ông đã tụng kinh phản đối.
Nhưng phi hành đoàn giải thích là khi máy bay lên cao, mùi này sẽ hết. Theo đài
BBC, một vài hành khách rất tức giận tới mức muốn ẩu đả với phi hành đoàn. Cuối
cùng kiện hàng sầu riêng đã bị bỏ lại.
Tháng 10 năm
2019, chuyến bay mang số hiệu ROU1566 của hãng Air Canada với 245 hành khách đã
phải quay đầu lại nơi xuất phát là Vancouver sau khi bay được 37 phút. Khi đó
máy bay đang ở độ cao 2.100 thước, trong khoang máy bay nồng nặc mùi hôi. Phi
hành đoàn tìm mọi cách làm giảm mùi nhưng bất thành. Phi công buộc phải tuyên bố
tình trạng khẩn cấp mức độ 2 Pan Pan. Có
nghĩa là tình trạng nghiêm trọng nhưng không gây nguy hiểm tới tính mạng. Phi
công đã phải đeo mặt nạ dưỡng khí để điều khiển hạ cánh. Ủy Ban An Toàn Giao
Thông Canada cho biết mùi hôi xuất phát từ một lô sầu riêng mà nhiều hành khách
mô tả là “mùi hành tây thối, nhựa thông hay nước tiểu”.
Trong một khách
sạn tại Chieng Mai, Thái Lan, tôi đã thấy có yết một tấm bảng nơi thang máy cấm
mang sầu riêng vào khách sạn. Khổ nỗi múi sầu riêng được tách ra trưng bày
trong tủ kính của cửa hàng trái cây có màu vàng hấp dẫn, múi lại rất bụ bẫm khiến
hai vợ chồng một ông bạn đi cùng không nhịn thèm được. Họ mua ngay hai vỉ tổ chảng.
Khi được tôi nhắc nhở, cả hai mới tỉnh giấc mơ sầu riêng. Trả lại không được, họ
phải ngồi ngay lề đường ăn ngấu nghiến cho xong. Tôi chưa bao giờ thấy một cách
ăn tội nghiệp như vậy.
Sầu riêng bị
xua đuổi tàn nhẫn khắp nơi vì cái mùi gây chia rẽ trầm trọng trong nhiều gia
đình cũng như ngoài xã hội. Người bịt mũi cũng nhiều mà người hít hà cũng lắm.
Rất nhiều người ghiền sầu riêng. Ông Khánh Trường là người bị bắt buộc nhàn rỗi.
Mỗi tuần ba lần ông phải đi lọc máu. Mỗi lần lọc ông phải nằm bốn tiếng đồng hồ
cho máu chạy ra chạy vô. Ông vừa cho bà con cô bác trên Facebook biết, trong lần
lọc máu vừa rồi, ông đã xem tin tức của 12 đài truyền hình, đọc linh tinh các
báo mạng cả trong lẫn ngoài nước. Điều ông thấy là sau đại dịch, giá cả sinh hoạt
bay lên trời với tốc độ của hỏa tiễn. Ông hài ra giá xăng, giá cà phê, giá nước
mắm, giá phở và giá…sầu riêng. Ông post:
“Nghĩ buồn cười, vợ tôi là tín đồ của sầu riêng, ngày nào không xơi một hai múi
mùi vị thum thủm nớ là bứt rứt không yên. Trước đây một trái đắt lắm cũng khoảng10
đô, nay một trái 20 đô. Tôi chọc, em ăn một múi sầu riêng bằng nhà nghèo ở Việt
Nam đong được hai ký gạo. Tàn nhẫn!”. Bằng vào chữ “thum thủm” ông dùng, tôi biết
ông không có cảm tình với mùi sầu riêng. Chuyện vợ chồng chia rẽ vì cái mùi
không giống ai của sầu riêng chẳng phải chỉ có vợ chồng ông Khánh Trường. Chẳng
lẽ tôi phải nói tôi rất thông cảm và chia sẻ với ông bạn về những cái mũi đi về
hai hướng khác nhau này.
Cái mùi thiếu
đoàn kết của sầu riêng phát ra từ chất chi mà hung hãn như vậy, chuyện đã làm
phiền các nhà khoa học. Các nhà nghiên cứu của Đại học Kỹ Thuật Munich bên Đức
đã tìm ra chất acid amin ethionine hiếm
trong một vài loại trái cây, trong đó nồng nàn nhất là sầu riêng.
Cái mùi đặc biệt
quyến rũ đối với các fan của sầu
riêng rõ ràng là của chung, mũi ai cũng có thể bắt được cái mùi nồng nàn này,
nhưng tại sao cái trái thô kệch, gai góc khắp người trông phát ớn này lại có
cái tên khá thơ mộng “sầu riêng”? Có sự tích cả đấy. Vào thời Tây Sơn, tại vùng
Đồng Nai có một chàng trai văn võ kiêm toàn. Chàng đã hưởng ứng theo giúp đoàn
quân áo vải khiến quan quân của chúa Nguyễn vô cùng khiếp đảm. Khi Gia Long lên
ngôi vua, quan quân được lệnh lùng giết những người đã theo Tây Sơn, chàng lui
về quê nhà, mượn nghề dạy học để mai danh ẩn tích. Dân làng thấy nguy cơ chàng
bị phát hiện nên khuyên chàng trốn đi thật xa để an toàn tính mạng. Chàng đã
xuôi dòng Cửu Long đi sâu về phía Nam. Một bữa kia, khi lên bờ mua thực phẩm,
chàng thấy một bà già ngồi ủ rũ bên người con gái nằm bất động. Cô gái đang bị
bệnh nặng. Chàng vốn có nghề thuốc nên đã giúp cô gái thuốc thang hồi phục và
dùng thuyền đưa hai mẹ con về tận nhà. Vẻ thùy mị của cô gái đã làm chàng cảm mến.
Sau một tuần chay tạ ơn Trời Phật, mẹ cô gái cho biết là được thần báo mộng cho
hai người nên duyên chồng vợ. Họ thành thân. Hai vợ chồng làm ruộng, nuôi tằm sống
những ngày rất hạnh phúc. Trong vườn, vợ chàng trồng thứ cây có tên là “tu-rên”
mà ở quê chàng không có. Khi có trái chín, vợ chàng hái xuống, tách vỏ mời chồng
ăn. Ngửi mùi, chàng nhăn mặt. Vợ vội dỗ dành: “Anh cứ ăn sẽ biết nó đậm đà như
lòng em đối với anh”. Ít lâu sau, vợ chàng đi chùa bị cảm gió và qua đời. Chàng
nhớ thương vợ hết mực, thề hứa sẽ không bao giờ quên vợ. Khi đó tại quê nhà của
chàng, quan quân nhà Nguyễn đã lơi việc lùng bắt, dân làng khuyên chàng trở về
quê cũ. Trước ngày chàng lên đường, vợ chàng báo mộng cho biết sẽ theo chàng đến
sơn cùng thủy tận. Năm đó cây “tu-rên” chỉ có độc nhất một trái. Khi chàng ra
thăm cây kỷ niệm trước khi tạm biệt khu vườn, trái cây độc nhất này rụng xuống.
Chàng mang trái theo và gieo hạt “tu-rên” trong vườn quê chàng. Lại chục năm nữa
trôi qua, tóc chàng đã muối tiêu, khi trái “tu-rên” chín đúng vào ngày giỗ vợ,
chàng mời mọi người tới thưởng thức thứ trái cây lạ này. Mùi của trái khiến mọi
người khó chịu. Chàng vội trấn an: “Nó xấu xí, mùi vị chưa quen, nhưng múi của
nó lại đẹp đẽ thơm tho như mối tình đậm đà của đôi vợ chồng son trẻ”. Chàng
tách múi mời mọi người nếm. Và chàng xúc động kể lại chuyện tình của vợ chồng
chàng cho mọi người nghe. Không cầm được cảm xúc, chàng khóc, hai giọt nước mắt
lăn trên má chàng rơi xuống múi trái cây chàng đang cầm trên tay. Nước mắt nhớ
thương bỗng sôi lên sùng sục khi thấm vào múi “tu-rên”. Ba ngày sau, chẳng tật
bệnh chi, chàng mất. Từ đó, mỗi khi ăn thứ trái cây này, dân làng cảm thương đến
mối tình chung của người trồng cây. Họ gọi trái “tu-rên” là trái “sầu riêng”.
Chuyện sự tích
trái sầu riêng trên đây do ông Nguyễn Hữu Hiếu kể lại trong cuốn “Nam Kỳ Cố Sử”.
Cái tên “sầu riêng” nghe mà xao xuyến. Dân vùng ruộng Lái Thiêu có câu hát:
Trái chi hương vị lạ đời
Sầu Riêng ấy trái dễ mời khó ăn.
Khó ăn nhưng dễ
đi vào văn học. Không biết có bao nhiêu bản nhạc nói về trái sầu riêng. Tôi thử
vào internet kiếm. “Buồn Trái Sầu
Riêng” của Lâm Tuấn Anh, “Tương Tư Cô Bán Sầu Riêng” của Mai Lệ Quyên, “Chuyện
Tình Sầu Riêng” của Mộng Thi, “Ôm Trái Sầu Riêng” của Quang Nguyên, “Hương Sầu
Riêng Buồn” của Sơn Hạ. Tôi chỉ kê ra vài bài tiêu biểu. Bài nhạc đầu tay của
nhạc sĩ nổi tiếng Thanh Tùng cũng…sầu riêng: “Cây Sầu Riêng Trổ Bông”.
Những bài hát
quê hương có mùi sầu riêng này được nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có ca sĩ vừa
ra đi Phi Nhung. Nhân chuyện Phi Nhung, người ta nhắc lại một…giai thoại. Tro cốt
của Phi Nhưng được vợ chồng Việt Hương và Hoài Phương mang từ Việt Nam sang Mỹ
để trao lại cho gia đình. Hoài Phương, ngoài tài thổi kèn và hát với giọng ca
khá tình cảm, còn là một người chiều vợ hết mức. Anh đã theo vợ trở về định cư
tại Việt Nam, tháp tùng vợ đi khắp nơi, dành hết thời gian bên vợ. Mới đây, Việt
Hương đã livestream cảnh Hoài Phương
bổ bốn trái sầu riêng giùm vợ. Chuyện đáng nói là Hoài Phương không chịu được
mùi sầu riêng nhưng vì yêu vợ mà hy sinh…lỗ mũi. Anh mang khẩu trang, nhét thêm
vào một túi cà phê để khử mùi khi thi hành sứ mạng chiều vợ!
Nhà văn miệt đất
mũi Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên: “Chị phản ứng
như thế nào trước những ý kiến “chê” văn của mình”, đã ví von: “Tôi chỉ cười.
Mà tôi cũng đã nói một đôi lần với ai đó rằng mình là trái sầu riêng, so sánh
thế này tôi vẫn còn thấy mình…chảnh, vì đáng lẽ tôi cỡ cóc, mận, ổi là cùng,
nhưng cái mùi sầu riêng quả là đặc biệt, có người thích mê, có người nhăn nhó
chê nó thối ùm. Văn của tôi cũng vậy. Đôi khi cũng buồn một chút, chứ hằn học
mà làm gì!”.
Nhà thơ Nguyễn
Phúc Sông Hương, giữa súng đạn ầm ỳ, trong lúc rút quân khỏi Xuân Lộc, cũng vẫn
kịp đưa trái sầu riêng vào thơ. Trong bài “Nửa Hồn Xuân Lộc”, ông đã thơ:
Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi
Ông bạn tôi,
nhà văn Võ Kỳ Điền, gốc gác miệt Bình Dương, dĩ nhiên cũng dính mùi sầu riêng.
Ông có một truyện ngắn mang tên “Cây Sầu Riêng Vườn Cũ”. Ông vượt biển qua tới
Mã Lai, sống trong trại tị nạn, có nhiều bạn tại trại. Ông thân nhất với ông
Hai Thợ Bạc, người Sóc Trăng. Thời giờ trong trại rất quởn, hai ông ngồi trong
bóng mát, trên một chiếc băng ghế, nhìn xuống sườn đồi thoai thoải có vài mảnh
vườn, cây cối xanh tươi, tán gẫu đủ thứ chuyện trên đời. “Chợt chú đưa tay chỉ xuống phía dưới sườn đồi hỏi: “Cái vườn ở dưới đó trồng cây gì mà cành lá xanh um?”.
Tôi nhìn theo, trả lời ngay: “Cây sầu riêng đó. Mấy cây nầy mới trồng chừng ba
bốn năm, còn nhỏ chưa có trái. Nếu lớn hơn một chút thì mùa nầy đã có bông rồi”.
Tôi nhìn cây sầu riêng Mã Lai lá nhỏ nhưng tàn rậm hơn sầu riêng ở
Việt Nam. Thấy khu vườn nầy lòng tôi đâm ngẩn ngơ. Quê tôi là xứ của sầu
riêng, măng cụt, bây giờ nó ra sao? Tôi quay qua hỏi chú hai: “Ủa, chú chưa bao
giờ thấy cây sầu riêng sao? Chú có ăn được sầu riêng không? Có nhiều người hễ
nghe tới mùi là chạy mất, họ nói hôi không chịu nổi”. “Tôi khoái lắm chớ. Cứ
tới mùa trái cây là mua mỗi lần cả chục kí, ăn tới mờ con mắt… Nhưng tiếc quá,
tôi chưa có dịp đi vườn để thấy cây của nó”… “Mà chú Hai ơi, ăn sầu riêng mà ăn
một mình cũng chưa đủ ngon. Phải đi vào vườn với một cô bạn gái dễ thương, lựa
một nơi im mát, gom cỏ khô lại làm đệm, khui trái sầu riêng chín thơm nực nồng,
cầm từng múi bằng năm ngón tay, ăn hết rồi còn liếm cơm còn dính trên các ngón
tay, mút chùn chụt, nhìn nhau mà cười mới đã thèm”. “Sao tả cảnh nghe mê quá
vậy. Chắc thầy Tư ăn sầu riêng kiểu đó hoài?”. “Phải được như chú nói, cũng đỡ.
Nhiều khi tôi nghĩ tới còn tức mình. Hồi đó tới giờ, ngồi dưới gốc cây sầu
riêng thì nhiều, còn ăn như vậy thì chưa bao nhiêu. Bây giờ ngồi đây, nhớ tới
kỷ niệm mà trong lòng nao nao. Lúc đó tôi vừa được hai mươi tuổi…”.
Nhân vật xưng
tôi, đánh chết cũng chính là tác giả, nhớ lại chuyện xưa. Sở dĩ tôi nói vậy vì
tôi biết ở ngoài đời ông nhà văn họ Võ này thật thà như đếm, có chi nói đó,
thẳng tuồn tuột. Hai chục năm trước, ông có một mối tình với cô em của bạn tên
Phương. Ông thường xuống vườn của gia đình cô Phương ở Cầu Ngang chơi. “Phương xinh xắn, dễ thương, lăng xăng làm
các món ngon để đãi khách. Chúng tôi thường ăn dưới gốc cây sầu riêng lớn. Vườn
nhà Phương rất rộng, các mương nước nhỏ đầy rong. Nước trong vắt, thấy được
những con cá bãi trầu, cá lia thia, cá lìm kìm, lội nhởn nhơ dưới đó. Đất đen
mầu mỡ, cây dâu, cây măng cụt, cây sầu riêng, có những tàng lá xanh um, mát
rượi. Tôi ngồi mà nghe lòng khoan khoái, mắt nhìn ánh nắng lấp lánh qua các
khoảng lá thưa. Đâu đây có con chim hót trên cành, tiếng nghe trong trẻo quá”.
Thời buổi
chiến tranh, người trong quân ngũ, người nơi vườn quê, chàng trai lính chiến
không dám đèo bòng, sợ nếu có mệnh hệ nào thì tội cho người tình…sầu riêng. Bàn
tay vướng víu súng đạn không níu được trái sầu riêng vườn nhà. “Câu chuyện đã trên hai mươi năm rồi, bây
giờ tôi còn nhớ lại như in. Cái kỷ niệm ngày xưa sao mà êm ái nhẹ nhàng quá.
Tôi với chú Hai thợ bạc, ngồi im lặng bên nhau. Mỗi người một ý nghĩ vụn vặt,
tản mác. Xa quê hương là xa hết những cảnh, những vật, những người thân yêu. Trước
mắt tôi, bây giờ cũng có cây sầu riêng. Nhưng đâu phải là cây sầu riêng vườn
cũ. Phương bây giờ đã có chồng, có con. Biết được nàng hạnh phúc, tôi mừng lắm.
Nhưng rồi vận nước đổi thay. Hiện giờ vợ chồng con cái nàng vẫn còn ở nguyên
nơi quê xưa. Liệu nàng có đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua những khổ nhục mà
chế độ mới đưa tới hay không?”.
Câu hỏi không
chỉ riêng của tác giả mà của tất cả mọi người xa nhau vì nước mất nhà tan. Tôi
muốn trách ông bạn nhà văn. Ông đã biến sầu riêng thành sầu chung!
SONG THAO 11/2021