SÁCH MỚI
GIÁO SĨ
Tập truyện của TRẦN VŨ
364 trang, gồm 9 truyện ngắn
Escape Publishing xuất bản, 2021
Barnes And Noble phát hành
Giá 12 USD. Có thể mua sách theo đường
dẫn dưới đây:
Trần Vũ / Giáo Sĩ / Barnes and Noble
*
"Khi đến Gia Ðịnh lần đầu
tiên, De Rhodes đã biết ông đặt chân tới một vùng đất kỳ bí. Hơi nóng ngùn ngụt
như thiêu đốt liên tục suốt ngày sắc xanh hực gai góc của những cánh rừng trùng
điệp ngút ngàn mà dù đứng xa ông vẫn nghe thấy tiếng trò chuyện râm ran của vạn
vật. Tất cả thanh âm An Nam bật lên dưới nắng sức sống mãnh liệt hừng hực hắt dội
lửa dâng lên khắp mặt đất, không chỗ nào không có tiếng nói, ngợp bóng người,
như thể mỗi người đàn ông An Nam là một cây chuối xanh biết đi đứng, mỗi người
đàn bà An Nam là một buồng chuối xum xuê quả. Mãi sau nhiều ngày De Rhodes mới
hiểu do người An Nam chết yểu, chết sớm quá nhiều nên phải tận lực sinh sản. Và
lý do tử tuất cao lẫn tiếng động không ngớt ầm ĩ, không ngơi nghỉ, từ sáng đến
trưa, suốt chiều, đêm khuya cho đến thâu đêm, phát sinh ở thảm kịch sắc tộc
Kinh thiếu chữ viết để ghi nhớ những chuyện cần nhớ. Tất cả dân bản xứ đều phải
kể chuyện huyên thuyên, nói thật to, bất kể người đang ngủ cần yên tĩnh, để những
điều cần nhớ được lập đi lập lại không dứt và truyền bá rộng rãi, cho phép những
người đã quên có thể nhớ lại, và lưu truyền cho con cháu. Ðến mức nhiều gia trưởng
lập đi lập lại lời trăn trối của tổ tiên cho đến khi tắt hơi qua đời, và kẻ thừa
kế được dòng họ nuôi nấng chỉ để học thuộc bí kiếp gia truyền và lẩm nhẩm trả
bài trước bàn thờ cho đến lúc kiệt sức và cứ thế con cháu thay nhau lập lại một
suy nghĩ đã có từ nhiều ngàn năm trước. Ðến nỗi trong buổi giảng đầu, De Rhodes
không sao truyền bá thánh kinh, vì những kẻ tò mò đến xem, không ngớt lập lại
những điều gia đình căn dặn, để đừng quên, sau khi tan lễ phải ra chợ mua bao
nhiêu lạng hành tỏi, gà, rau, đậu, mắm, và ghé đến nhà ai mời giỗ, thu họ, đóng
hụi chết, bao nhiêu xâu tiền kẽm, khiến buổi ra mắt sách Cựu Ước thứ nhất của
De Rhodes ồn ào như một chợ cá. Chính lúc đó De Rhodes quyết định ký âm thứ
ngôn ngữ kỳ lạ lảnh lót như tiếng họa mi ríu rít, với mục đích giúp dân bản xứ
có thể ghi chép những điều thường nhật cần nhớ, sẽ rảnh rỗi im lặng hơn khi
nghe giảng kinh, và đặc biệt thôi lập lại những điều Thiên Tử ban truyền ngăn cấm
giáo hội. Chỉ một thời gian ngắn, giáo sĩ nhận ra ông đã thành công. Từ khi có
chữ viết, số tử vong vì kiệt sức giảm hẳn, sắc tộc Kinh thông tin cho nhau dễ
dàng việc đồng áng, lúa gạo nhiều hơn, khiến thanh niên An Nam lớn nhanh như thổi,
cao đến đầu gối, rồi đến bụng, cuối cùng đứng ngang tầm ngực ông, nhưng ngưng ở
đó, vì dân bản xứ có truyền thống ăn rau sống với bánh tráng cuốn ruồi nhặng chấm
nước dòi, đưa đến bệnh tiêu chảy triền miên làm teo tọp thân thể. Chính các
Chúa Nguyễn thời đó cũng không sao ngăn cấm được thứ chữ do De Rhodes ký âm, vì
rất ít ai đọc được các sắc chỉ dụ viết bằng tiếng Trung Hoa, nên không hiểu các
Chúa muốn gì.
De Rhodes cũng khám phá, sức
mạnh của sắc tộc Kinh nằm trong những đứa trẻ, đông đúc chiếm hai phần ba dân số,
một phần do những cụ già yểu thọ, một phần do phụ nữ An Nam mắn đẻ, chỉ cần ăn
hơn một rổ khế chua đã có thể thụ thai. De Rhodes luôn luôn ngạc nhiên trước những
đứa trẻ cực kỳ thông minh, linh hoạt, sinh động và gần như không bao giờ già
đi, chỉ chết non vì chiến tranh. Giáo sĩ nhớ rõ, ông đã gặp một cậu bé khôi
ngô, chỉ trong một tuần lễ đã dạy ông cách phát âm của mọi miền đất An Nam với
tất cả thanh sắc. Cậu bé thông thạo mọi thứ, biết hết mọi chuyện, từ cách đổi
tiền quan ra tiền kẽm, lãi thấp, đến cách thuê trâu giúp ông di chuyển, đến mọi
thứ trái cây, đồ tế nhuyễn bản xứ. Chỉ trong một đêm cậu bé đọc vanh vách kê
khai tất cả mọi món ngon vật lạ ở An Nam, và tuyên bố đã ghi chép trong hai cuốn
sách do chính cậu viết. Ðiều kỳ lạ, thiếu niên không biết tiếng Pháp, nhưng hiểu
hết những điều giáo sĩ nói, chỉ qua cử động của đôi môi. Chính De Rhodes cũng
đã tiếp thu toàn bộ văn hoá An Nam qua những điều thiếu niên kể. Mãi sau, khi rời
Gia Ðịnh lên Quy Nhơn, rồi ra Kẻ Chợ, giáo sĩ mới biết thiếu niên tên chữ Lê
Quý Ðôn, về sau chết trong trận giặc sông Gianh rồi đầu thai theo quấc giáo, và
cho xuất bản hai bộ sách Phủ Biên Tạp Lục cùng Vân Ðài Loại Ngữ. "
TRẦN VŨ