Phong trào Du ca được hình
thành từ nhóm Trầm ca, Nhóm Trầm Ca thành hình từ những sinh hoạt thanh niên ca
phát xuất từ Đà Lạt. Theo Bách Khoa Toàn
Thư Mở ghi rằng: “Sự ra đời của Phong trào Du ca gắn liền với phong trào hoạt động
xã hội của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam – bùng lên mạnh mẽ tại miền
Nam vào giữa thập niên 1960. Cao điểm của phong trào hoạt động xã hội là
“Chương trình Công tác Hè 1965” – một dự án lớn liên kết nhiều hội đoàn thanh niên
và nhiều viện đại học lớn tại miền Nam lúc đó.
Mùa hè năm 1965, Nguyễn Đức
Quang và một số bạn đồng môn (là cựu học sinh trường Trung học Trần Hưng Đạo –
Đà Lạt) đã tham gia “Chương trình Công tác Hè năm 1965” và gặp gỡ nhiều nhà hoạt
động thanh niên của vùng Sài-gòn – Gia định. Sau kỳ nghỉ hè này, một ban nhạc
sinh viên đã bắt đầu hình thành gồm có năm người: Nguyễn Đức Quang, Trần Trọng
Thào, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Quốc Văn và Hoàng Thái Lĩnh. Ban nhạc sinh viên
này xuất hiện lần đầu tiên tại giảng đường Spellman (Viện Đại học Đà Lạt) vào
hai đêm 19 và 20 tháng 12 năm 1965 cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Phương
Oanh. Kể từ đó, Phương Oanh gia nhập ban nhạc – chính thức có tên là Ban Trầm
Ca. Trong năm 1966, ban nhạc này đã cùng nhạc sĩ Phạm Duy lưu diễn nhiều nơi tại
miền Nam Việt Nam.
Cũng trong năm 1966, được sự
hỗ trợ của một số huynh trưởng hoạt động thanh niên, Ban Trầm Ca đã tổ chức 8
khóa Thanh ca – Tác Động nhằm đào tạo hạt nhân để phát triển phong trào. Cuối
năm 1966, Phong trào Du ca Việt Nam được chính thức thành lập như một tổ chức
thanh niên tự nguyện với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động
văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng. Đinh Gia Lập – một hướng đạo sinh, cựu học
sinh Trường Trần Hưng Đạo, cũng là một thành viên của Ban Trầm Ca mặc dù không
tham gia trình diễn, đã trở thành Chủ tịch lâm thời của Phong trào Du Ca”.
Tôi đến với Du ca khoảng năm
1972, khi còn trong quân ngũ và đóng ở Ban Mê Thuột. Đầu tiên là quen với Nguyễn
Quyết Thắng, sau đó đến với Du Ca Lòng Mẹ do Thắng làm đoàn trưởng. Du Ca Lòng
Mẹ Dắc Lắc ghi đậm dấu nhớ trong tôi là những buổi sinh hoạt, tập hát những bài
hát mới , và thú vị nhất là những lúc ngồi chung trong một vòng tròn vỗ tay làm
nhịp, và hát hăng say các bài ca sinh hoạt: Nắng nóng cháy da đã về rồi, trên
thân người đẹp tôi, Bão tố buốt xương cũng về rồi , cho thêm tàn phai…..(Người
yêu tôi Bệnh , Nguyễn Đức Quang) Khởi đầu là như vậy, nhưng tôi đang trong quân
ngũ, chỉ đến chơi và làm bạn đoàn được
thôi. Rồi khi rời Ban mê Thuột, vẫn mang trong lòng đầy ắp kỷ niệm sinh hoạt với
tình thân áo Nâu cho nên tôi vẫn tự coi
mình như một Du Ca. Về Saigon, tôi có dịp gặp và làm thân với các anh chị trưởng
của Du ca như Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Trần Trọng Thảo, Phạm
Tuấn Ngọc. Đặc biệt là Huynh Trưởng nhỏ hơn, đồng trang lứa với tôi như Đinh Việt
Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Bùi Công Bằng trong một tập thể khác là Đoàn Du ca Giao
Chỉ. Nhớ tới một người là nhớ tới điểm đặc biệt của người đó và kéo theo nhớ về
cả một nhóm người.
Có một bài lục bát rất hồn
nhiên, thơ mộng của Đoàn văn Khánh được Nguyễn Quyết Thắng phổ nhạc và cặp đôi
Bùi Công Bằng –Trần Hương Giang hay hát song ca là ca khúc Những Tối Hoa Xưa.
Bài hát như thế này
Năm mười, mười lăm, hai mươi
Tôi che mắt kiếm , em cười rất
trong
Con trăng sớm biết mặn nồng
Giăng ngang một sợi mây hồng
như thơ.
Thương em , xé vở học trò
Ban khuya cắn bút làm thơ tỏ
tình
Trên dòng lục bát mông mênh
Gọi mưa về lá hồn nhiên ngủ
vùi
Năm mười mười lăm hai mươi
Có người xanh tóc yêu người
tóc xanh.
Hai người hát bài này phải
nói là rất đạt, cuốn hút và tình tứ cho
nên cả nhóm bạn hát theo. Hai câu cuối là “Có người xanh tóc yêu người tóc
xanh” lập đi lập lại và trở thành trò
chơi của một đám thanh niên ưa ca hát thích cười đùa. Bùi Công Bằng để râu từ
thời thanh niên, ôm đàn hát bè với Hương Giang tươi trẻ từ hồi cả hai còn là
tình nhân cho đến lúc chính thức về với nhau, nên nhóm Du Ca Giao Chỉ hát sửa lời
để trêu chọc:
Năm mười mười lăm hai mươi
Có người râu cứng, yêu người
cứng râu
Ca khúc tình yêu hồn nhiên dễ
thương đó, mỗi khi hát lên gợi nhớ tới cả ba người bạn: người làm thơ, người viết
nhạc và ca sĩ Râu Cứng Bùi Công Bằng.
Tôi quen với Bằng năm 1974.
Lúc đó Phong trào Du Ca đang tổ chức liên tục các buổi cứu trợ cho đồng bào chạy
loạn từ miền trung về, các trung tâm tiếp cư mọc lên tiếp nhận người chạy loạn
đã bị quá tải, vượt quá khả năng quản trị, nên rất cần các đoàn thể thanh niên
tiếp sức. Phong trào Du Ca có người nhưng lại không có tiền. Bùi Công Bằng là một
Huynh Trương trẻ, có trình độ và khả năng được ủy thác làm đại diện liên lạc với
các công sở, cơ quan để xin hổ trợ tài chánh. Lối nói chuyện rành mạch và đĩnh
đạc của Bằng đem lại nhiều kết quả khả quan để Du Ca có chút tài chính thực hiện
những chương trình cứu trợ cụ thể.
Trên chiếc Honda 67, Bùi
Công Bằng khoác trên vai cái túi vải màu tím, chở tôi theo để đi gặp chỗ này chỗ
khác, chuyện trò , thuyết phục mọi người chung tay lá lành đùm lá rách….những
chuyến đi chung tạo ra thân tình và quý mến thật nhiều chàng Huynh Trưởng tư
cách này.
Căn nhà nằm gần cuối một con
hẻm ở đường Nguyễn Tri Phương tôi đã đến
nhiều lần, nhiều tới độ không nhớ đã bao nhiêu lần. Lần này về Saigon, tôi đến
đó để gặp khuôn mặt trắng trẻo, đôn hậu, hàm râu xanh mượt mà luôn kèm nụ cười
hào sảng. Hơn năm mươi năm qua đi, căn nhà cũ ngày xưa đã sửa chữa tân trang một
chút cho phù hợp với thời đại, nhưng vẫn giữ nguyên một trệt một lầu như trước.
Cái bàn gỗ dài lên nước bóng bên cạnh cây Piano nằm sát vách, cái kỳ diệu là
khuôn mặt xưa dù tóc bạc phơ, hàm râu dài rậm trắng tinh vẫn rộn rã tiếng cười
hào sảng. Tiếng cười của chàng thanh niên tuổi hai mươi ngày xưa và của ông già
gần bảy mươi với đàn cháu nội ngoại sao vẫn như chẳng có gì thay đổi.
Trong chuyến đến thăm lần
trước, Bùi Công Bằng nói yêu thích thơ của Phạm Cao Hoàng, và khi biết tôi quen
và ở gần với Phạm Cao Hoàng ở Virginia, Bằng nói, nếu được, ông xin Phạm Cao
Hoàng cho tôi một tập thơ. Khi tôi nói, Phạm Cao Hoàng nồng nhiệt lấy tập thơ mới
nhất ghi lời tặng và nhờ tôi chuyển về. Lần này, đến chơi với Bùi Công Bằng và
chuyển tận tay Bằng tập thơ đó.
Bùi Công Bằng trân trọng cầm
tập thơ và tâm sự : mình và Phạm Cao Hoàng chưa từng gặp mặt, mình thích thơ Phạm
Cao Hoàng vì cái phong cách điềm đạm, cái tình yêu đằm thắm và một cái gì đó bí
ẩn giấu kín giữa hai dòng chữ trong thơ Phạm Cao Hoàng. Hay thật, Bằng và Hoàng
là hai người bạn của tôi từ hai phương trời khác nhau, chỉ qua thơ mà Bằng cảm
nhận ra sự gần gũi của con người Phạm Cao Hoàng.
Mà thực sự là vậy, ngay từ tập
thơ đầu "Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn' xuất bản năm 1972 cho đến tác phẩm gần
đây nhất "Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương" (2016) thơ Phạm Cao Hoàng vẫn
giữ nguyên thần sắc của nhẹ nhàng, sâu lắng và đôn hậu như chính con người anh.
Trong thơ, Phạm Cao Hoàng ghi nhận được thiên nhiên kỳ thú bằng cái nhìn mới lạ
và tìm ra mối liên quan bất ngờ đầy sáng
tạo giữa thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm riêng mình.
Tôi và Bùi Công Bằng gặp
nhau và chia sẻ niềm yêu thich đó.
Chiều thứ bảy, tháng chín
Sài Gòn hay có những cơn mưa, phòng khách nhà Bằng đã bày sẵn một bàn dài với
12 cái ghế, tương ứng với 12 bộ chén bát. Chơi với Bằng đã lâu, người bạn Ca
Trưởng gốc nhà giáo này là người tinh tế, hào sảng nhưng thật nghiêm túc. Cách
bày biện cho tôi biết trước hôm nay quay tròn trong vòng thân tình này sẽ là 12
người mà Bằng đã chuẩn bị. Sẽ không có khách lạ bất ngờ, và chắc cũng sẽ không
có sự vắng mặt nào bất ngờ của ai nếu đã nhận được lời mời.
Trong lúc chờ mọi người đến,
mênh mang nhớ đến cái thời sau 1975. Chúng tôi còn rất trẻ , và tất nhiên còn rất
khỏe. Chúng tụ tập nhau tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên ở số 4 đường Duy Tân, bỗng
dung rồi hình thành một nhóm khá đông thanh niên cùng sở thích sinh hoạt ca
hát, nhóm tạm xưng tên Thanh Ca Tác Động và mong đóng góp sức mình vào một cuộc
sống đẹp hơn sau chiến tranh. Nhóm được Thành Đoàn chấp nhận cho sinh hoạt,
nhưng cách một hai hôm, Bằng phải một mình lên gặp Thành Đoàn để nhận những hướng
dẫn, càng lúc càng khắt khe với một tổ chức không do chính Thành Đoàn thành lập.
Những chuyến đi họp đó của Bằng đem về những yêu cầu càng lúc càng không thể
làm nổi. Cho đến chừng hai tháng sau thì nhận được quyết định cấm mọi sinh hoạt
dù ở bất cứ nơi nào. Lúc đó, thực sự chúng tôi cũng đã nếm mùi thiếu đói của
gia đình và bản thân, ai cũng nghĩ tới chuyện phải quay về với các sinh sống đời
thường cơm áo gạo tiền.
Cơn mưa Sài Gòn ào xuống bắt
chợt, mà những bạn hữu ngày xưa của Đoàn Du Ca Giao Chỉ, nhóm Thanh Ca Tác Động
lần lượt bước vào, Nguyễn Công Tài, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Minh
Hương, Đỗ Như Bình, Trần Nhật Vy, Trần Đạt, Hương Giang, cùng với tôi, Đoàn Văn
Khánh, Bùi Công Bằng và cậu con rể của chủ nhà nhận nhiệm vụ chuẩn bị một bàn
dài cho buổi tụ hội chờ sẵn.
Chị Hương Giang đón khách niềm
nở và bạn cũ gặp nhau chuyện ròn ta như pháo tết. Nhìn chị Hương Giang, tôi bất
chợt nhớ đến ngày xưa. Ngay sau ngày
30/4/75, những người bạn cũ trong sinh hoạt Du Ca gặp lại nhau ở số 4 Duy Tân.
lúc đó các anh em Du Ca nghe tiếng kéo đến
chơi chung, có lúc lên đến 200 người, Thành Đoàn giao cho nhóm một căn nhà bỏ
hoang để làm nơi tập trung sinh hoạt, đó là số nhà 101 đường Nguyễn Du. Khi vào
căn biệt thự nằm bên hông Dinh Độc Lập này nhìn thấy rất nhiều tượng điêu khắc
hoàn chỉnh như tượng Hà Thúc Nhơn, Phan Bội Châu,Trịnh Công Sơn, rất nhiều những
tượng phác thảo chưa xong, đằng sau nhà có một cái hầm nổi để tránh pháo kích,
bên trong la liệt sách báo, nhiều nhất là nhạc Trịnh Công Sơn…cả bọn đoán mò
đây là nhà riêng một nhân vật cao cấp, và là nơi lui tới hoặc mượn đất là xưởng điêu khắc của Điêu khắc
gia Lê Thành Nhơn. Căn biệt thự đẹp rộng, trước sân, ngay cửa vào trồng hai cây
hoa Sứ , tàn cao lá rộng che phủ cả nửa khoảng sân.
Lúc đó Bùi Công Băng và Hương
Giang còn trong giai đoạn tình nhân, mà Bằng khí vũ hiên ngang, “râu hùm hàm én
mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao, Đường đường một đấng anh
hào”(Nguyễn Du)….Đàn ca hát xướng món nào cũng tinh, nên trong nhóm có một vài
cô lén lút mộng mơ. Có một cô , bây giờ tôi cũng quên tên là gì, có những cử chỉ
và lời nói hơi lộ liễu, hai ba bạn thân
ghé tai nói nhỏ với Bằng nên gìn giữ, Bằng gật đầu và nói hình như Hương Giang
biết rồi, hồi nãy thấy cô ta có vẻ buồn.
Nói xong, Băng quay vào nhà tìm Hương Giang thì cô ta đã biến mất. Cả bọn
nhốn nháo đi tìm, không ai thấy Hương Giang đi ra khỏi căn nhà , mà trong nhà
ngoài sân tìm tứ tung không thấy. Cả bọn đứng trước cửa nhà bàn tán xôn xao, đặt
ra hàng chục lý do từ thâm sâu đến ngô nghê nhất để đoán tại sao cô ta biến mất
và cô ta biến mất đi đâu. Giữa đoán mò theo kiểu tưởng tương như …tưởng voi đó
, bỗng mọi người phát giác một tiếng cười ngắn giống như bật cười nhưng vội lấy
tay che mồm lại, phát xuất từ trên cây hoa Sứ bên cạnh. Mọi người ồ lên phát
giác Địch lén lút trốn trên cây. Thế là hiệp sĩ Bùi Công Bằng phải đích thân
tham gia trò chơi “Cứu Công Chúa”.
Ngày hôm sau, chúng tôi được
thông báo chính thức, sẽ có lễ đính hôn sớm giữa Hương Giang và Bùi Công Bằng.
Ngày hôm nay, nhìn Hương Giang đã là bà nội bà ngoại với quá trình gần năm mươi
năm Khớp con Ngựa Ngựa Ô…..mới hay mối tình Hoa Sứ có kết thúc có hậu vô cùng.’
Cũng từ Thanh Ca Tác Động
này, còn kết nối mối tình khác , mối tình Đinh Việt Hùng và Minh Hương. Niềm
vui có thật khi cả hai cặp Bằng-Giang và Hùng- Hương tổ chúc đám cưới chung, và
kết thân chơi với nhau cho đến bây giờ.
Ngoài hai cặp đôi này, còn một
cặp đôi khác cũng hình thành từ Thanh Ca Tác Động này là Nguyễn Dân Chủ và Nguyễn
Thị Thu. Chủ và Thu quen nhau, yêu nhau và tiến tới hôn nhân khi nhóm đã tan rã
nên ít người biết. Từ trang facebook này, tôi và Chủ tìm ra nhau, Chủ hiện ở Đà
lạt, vui vẻ với nghề trồng hoa cuộc sống ổn định thanh nhàn, chỉ đau lòng là
khi hỏi đến Thu, Thu đã mất từ 21 năm về trước.
Gặp mặt hôm nay giữa những
người bạn phải kể đến Nguyễn Ngọc Linh.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh vừa
qua một cơn bạo bệnh, cái gọi là bình phục nghĩa là từ nằm thiêm thiếp thành ra
tạm đi đứng được, người gầy hom hem, chỉ có đôi mắt là vẫn sáng tinh anh, nụ cười
nhỏ nhẹ, thế mà vẫn ôm được cây đàn đễ hát "...những mê đắm rã rời...trong
tuyệt vời ký ức..."
Ghi chú thêm: là sau buổi gặp
gỡ này, mấy tháng sau Linh bệnh trở lại , nặng nề hơn. Thấy là không xong rồi
nên nhóm bạn hữu thân thiết chung tay thực hiện cho Nguyễn Ngọc Linh một CD 12
ca khúc của Nguyễn Ngọc Linh, gồm 4 ca khúc Linh phổ thơ Nguyễn Minh Nữu, 4 ca
khúc Linh phổ thơ Đoàn văn Khánh cùng với 4 ca khúc Linh viết nhạc và lời. CD
thực hiện xong, Đưa đến tân tay Linh để Linh tặng bạn bè Linh vui mừng nằm nghe
được mấy bữa rồi ra đi.
Đôi uyên ương Minh Hương
Đinh Việt Hùng say đắm niềm vui khi kể cho bạn bè biết: tiếng hát Khôi Nguyên
Sinh Viên hồi năm 1975, bây giờ vừa tham dự cuộc thi "Tiếng Hát Mãi
Xanh" và vừa đạt số điểm 99/100 để bước vào nhóm 9 thí sinh của vòng bán kết.
Tiếng hát của Đinh Việt Hùng là tiếng hát của của cảm xúc, cái trữ tình trong
đó là cái trữ tình của hoài vọng và nuối tiếc khôn nguôi, cho nên ca khúc anh
chọn để dự thi là ca khúc Nỗi Lòng. Đúng
là nỗi lòng chất chứa bấy nhiêu năm.
Lần này, ngồi bên nhau, Đinh
Việt Hùng ôm đàn, tiếng hát như một dải lụa mềm, mênh mang và trìu mến khi hát
Hương Xưa của Cung Tiến, đôi mắt nhìn mông lung và mê đắm gọi mời "Người
ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn
có mơ xa...."
Nhà báo Trần Nhật Vy làm tôi
ngạc nhiên nhiều nhất, Vy đưa tặng tác phẩm "Sài Gòn chốn chốn rong
chơi" và cho biết đây là tác phẩm thứ 9 của chàng. Từ "Khúc Dạo Đầu"
tập thơ đầu tay năm 1987, chàng thanh niên thanh mảnh với những bước chân lãng
tử ngày nào đã lần lượt làm việc miệt mài cho các tác phẩm tiểu thuyết, biên khảo,
ký sự... tạo một tên tuổi được nhiều người biết đến.
Nguyễn Công Tài, Đỗ Như Bình
cũng vậy, những khuôn mặt trắng hồng thanh niên xưa đã từng trải phế hưng cuộc
sống để ngày nay ngồi lại bên nhau với mắt sáng môi tươi tiếng hát hòa nhau
trong từng ca khúc sinh hoạt ngày xưa.
Đoàn Du ca Giao Chỉ đã không còn từ lâu, nhưng cái giao tình của Ca Trưởng Bùi Công Bằng, với các bằng hữu như Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Hoàng Mạnh Hùng, Hoàng văn Phượng, Công Tài, Như Bình, Trần Nhật Vy,,,và nhiều người nữa vẫn là những cung cách xưng hô như ngày nào, vẫn chung một vòng tròn vỗ tay cùng hát những tính ca đất nước như xưa. Cái vỏ danh xưng không còn nữa, nhưng cái ruột chí tình lại lồng lộng hơn xưa.
Căn nhà nhỏ ở gần cuối con hẻm
đường Nguyễn Tri Phương này ghi lại trong tôi biết bao kỷ niệm, và hôm nay, lại
ghi thêm dấu nhớ cho thời thanh niên rất quý, mà như một người bạn làm thơ đã
ghi lại :
"Nơi đây từng có một thời
Bừng bừng nhạc dậy, lời lời
thơ reo"
Hai câu thơ của Nguyễn Tri
Thứ không phải ghi về căn nhà đó, mà ghi về một điểm khác.Nhưng cũng như tất cả
chúng ta, ai cũng có những địa danh, thời điểm, vị trí và bằng hữu ghi đậm nét
trong trí nhớ, mãi mãi mang theo để rồi có lần ghé qua trìu mến nhớ lại rằng
... từng có một thời...
Có phải thế không?
Những giao tình của thời còn
thanh niên cũ chẳng phai mờ theo năm tháng, mà đậm đà hơn khi chúng tôi tuổi đã
về chiều. Giữ mối liên lạc để biết rằng đấu đó vẫn còn nhau. Chuyện về Thanh Ca
Tác Động, của Du Ca Giao Chỉ ngày xưa vẫn luôn là điều thú vị. Xa cách nhau
ngàn trùng, nhưng qua facebook, vẫn giữ mối giây đằm thắm văn nghệ. Tháng
9/2021 vừa rồi, Phạm cao Hoàng viết một bài thơ mới, Bài thơ u uất buồn của kiếp
sống trước nỗi buồn lo trong đại dịch, cả địa cầu chung một nỗi sầu đau. Bài
thơ tên là : Rồi Một Hôm Chim Bay Về Núi Cũ”:
rồi một hôm chim bay về núi
cũ
đậu trên triền vách đá cheo
leo
nhìn xuống dưới: một trần
gian khốn khổ
chìm trong cơn đại dịch tiêu
điều
nhìn xuống dưới: những con
đường vắng ngắt
những căn nhà cửa đóng then
cài
những tiếng thở dài trong
đêm bão rớt
những phận người không biết
được ngày mai
và đâu đó có tiếng ai than
khóc
những cuộc chia tay không kịp
giã từ
những nấm mồ mọc lên vội vã
những phận người như lá mùa
thu
rồi một hôm chim bay về núi
cũ
đậu trên triền vách đá cheo
leo
nhìn xuống dưới thì thầm cầu
nguyện
từ nơi xa vọng lại tiếng
chuông chiều
Bài thơ hay, tôi gọi cho
Hoàng và xin đăng lại trên trang Facebook của mình. Sáng hôm sau, Hoàng văn
Phương từ thành phố Buffalo, New York gọi điện cho tôi, Chiều nay em sẽ xuống
anh chơi một chút rồi mai về lại. -Xuống
chơi? Lái xe 6 tiếng đồng hồ để ngồi chơi một buổi ...? - Đúng rồi, Bài thơ của Phạm cao Hoàng mà anh
vừa đăng trên facebook của anh , em rất thích, và phổ nhạc rồi, muốn lái xe xuống
hát cho anh nghe.
Khi Phượng xuống, trời đã tối,
Tôi nói hay là anh gọi cho Phạm cao Hoàng, nếu ông ta còn thức, và bằng lòng,
thì anh em mình đến đó, em hát cho cả anh và Hoàng cùng nghe.
Trong căn nhà bên dòng suối,
cạnh rừng Scibilia, chúng tôi ngồi bên nhau, tách trà thơm, nghe Hoàng văn
Phương diễn tả...rồi một hôm chim bay về núi cũ...
Phượng không phải là một nhạc
sĩ, mà là một ca trưởng, một người ôm đàn để hát chứ không phải ôm đàn để viết.
Cho nên lời bài thơ làm chàng choáng ngợp, đọc bài thơ nhiều lần nảy sinh âm điệu, thành một bài ca nối được nỗi
lòng người làm thơ và nỗi lòng người hát lên. Bài thơ hay và bài hát dạt dào
xúc động. Chúng tôi thả lòng lòng mình về
những nơi xa dẫu chưa bao giờ đi tới, nhưng vẫn chung nỗi buồn đau của sự tàn
phá của dịch bệnh. Còn nữa, riêng tôi, nhớ mênh mông cái thời thanh niên, cả
nhóm đưa nhau đi hát cộng đồng.
Trên trang Phạm Cao Hoàng,
có ghi lại bài hát này khi Hoàng văn Phương hát, xin bấm vào đường dẫn này:
http://www.phamcaohoang.com/2021/10/2154-pham-cao-hoang-mot-ky-niem-ang-nho.html
Bài viết từ 09/16, viết thêm
03/21 và Tháng 9/21
Nguyễn Minh Nữu