Tiếng nói trong điện thoại
của người bạn văn
hơn năm mươi năm từ quê xưa, nhắc lại một lời hứa tôi sẽ viết về câu chuyện đã
xảy ra từ ngày chúng tôi còn tuổi thơ ấu thơ. Tôi cứ tưởng bạn tôi đã quên những nhân
vật trong câu chuyện đó. Té ra cả hai chúng tôi đều thấm thía ba nhân vật này cùng những người
thân của họ. Giữa cái ác và cái thiện.
Suốt đêm trằn trọc không ngủ được, tôi vùng
dậy, tự pha cho mình cốc
cà phê, nghe một bản nhạc buồn, rồi mở laptop gõ từng chữ trải lòng mình, như sống lại
cả một thời đã qua.
Thủa ấy, lâu lắm rồi, quê
tôi chỉ là một thị trấn nhỏ, phố xá là những ngôi nhà mái ngói âm dương, lụp
xụp, đường xá còn lởm chởm,
hai bên vỉa hè
mọc lên những cây me tây đầy bóng mát. Từ lâu, giữa phố dựng lên một ngôi chùa người Tàu.
Phia trước cổng đặt ba bức
tượng sặc sỡ màu
sắc, với chòm râu dài, cầm những con đao lớn mà mấy anh chị tôi bảo đó là tượng ba ông Tàu thời Chiến quốc.
Đặc biệt, bên cạnh cửa vào chánh điện sừng sững một cái trống to đùng đặt trên
cái giá gỗ chĩa
ba góc, gát lên một cái dùi dài. Mỗi lần có lễ cúng bái, tiếng trống vang dội
khắp nơi, háo hức như thúc đẩy
bọn trẻ trong xóm tôi kéo nhau đến xem người đàn ông dáng dấp to lớn, hai bàn
tay cầm chiếc dùi đánh liên hồi
vào mặt trống, người lớn khúm núm bước
vào lễ vái. Còn chúng tôi, lũ trẻ con xúm lại một góc để nhìn và nghe tiếng
trống mà thôi. Cạnh ngôi Chùa Ông vài chục mét là một cái chợ mới xây cất, nhỏ
nhắn trên nền cái chợ cũ đã bị máy bay thả bom bốc cháy vào năm 1945 Một góc trước chợ là bến xe ngựa, phương tiện
độc nhất giao thông trong thị trấn. Giữa khỏang trống Chùa Ông với chợ là một cái hồ hình tròn.
Vành hồ bề ngang bằng hai gang tay, tráng lớp xi măng đủ để bọn trẻ chúng tôi
bước những bước, mắt nhìn xuống dòng nước cạn được phun ra từ miệng con cóc đúc
bằng bê tông to tướng trội lên giữa hồ. Những buổi trưa hè nóng nực, nhìn trước
ngó sau, vắng người qua lại, chúng
tôi tha hồ nhảy xuống hồ, chui đầu hứng lấy vòi nước, xô nhau cười nức nẻ. Chỉ
bỏ chạy thục mạng khi có người gác
công viên cầm cái tu huýt thổi lên. Lúc hệ thống cấp nước bị hỏng nặng, đáy hồ
trơ ra những gạch đá nứt nẻ,
lỏm chỏm, con cóc ngồi trơ trơ. Miệng há ra. Khô khan. Lũ nhỏ tinh nghịch nhét
vào đó một hòn đá nhỏ. Người đi chợ
ngang qua liệng bừa vào đó những rác rưởi, lâu ngày không ai dọn dẹp, nó trở
thành hố rác. Cuối cùng người ta đem đất cát lấp thành một khoảng đất trống.
Vài kiốt nhỏ mọc lên, bán sách báo.
Lũ nhỏ, nhất là những đứa
con trai tìm ra những trò chơi khác, như nhóm này đánh giặc giả với nhóm kia
đến u đầu, té què chân, đến nỗi anh
chị hoặc cha mẹ răn đe
ngăn chặn buộc chúng tôi bỏ cuộc chơi đó. Thôi thì bọn trẻ chúng tôi thách đố
nhau, để tung hô như một anh hùng, đã gan dạ, dám giữa đêm tối mịt mù đến gốc
cây lim cổ thụ sau trường Nam tiểu học, mò mẫm dưới đất lượm được một trái lim khô đã
rụng từ lâu. Còn một thách đố mà bọn tẻ chúng tôi không đứa nào dám bước xướng
vũmg lầy dưới chân cầu ông Cọp mang về một nhánh bèo lục bình như một chiến
tích. Lớn lên, nhiều lần cả tôi và Khanh thường đứng trên chiếc cầu nhỏ nhắn
này. vừat. Thế mà nơi này, một thời ấu thơ của chúng tôi là vùng đất cấm, làm
trí tưởng chúng tôi biết bao điều bí ẩn.
Thủa ấy thành phố chỉ nằm
trên một con đường độc nhất và ngắn
ngủn, giới hạn từ chợ đến cầu Nước đá. Bọn trẻ chúng tôi chạy một hơi là hết
phố. Vùng đất nối tiếp lúc đó chỉ là cái động cát, hai bên con đường mới mở mọc
đầy những bụi xương rồng, phía xa là dẫy núi, dưới chân sườn là xóm làng hiu
quạnh người Chăm. Một con mương nhỏ như sợi chỉ giữa cái động cát trắng tinh
chảy vào thị xã này và cụt đường dưới chân cầu ông Cọp. Để giải thích tên đó,
mẹ tôi cho biết theo lời của ông ngoại tôi, chính nơi dưới chân cầu, từ xưa có
một con Cọp mắc cạn và chết trong cái đầm lầy này. Con Cọp này dữ tợn nhất từ
trên núi thường xuống làng Chăm vồ bày cừu rồi tha lên núi. Khi biết có cọp vào
làng, trai tráng chuẩn bị dáo mác cung tên, phụ nữ cầm chiêng trống khua vang,
người già canh bẫy đã
đào sẵn.
Con Cọp vùng vẫy
để lại một móng chân đầy máu, thoát thân theo con mương. Xác Cọp bốc mùi thối
cả một vùng. Người dân trong thị xã kéo nhau đến lôi con Cọp lên bờ thấy xác nó
chỉ còn ba chân. Chôn xong, lại còn lập một cái am nhỏ, bên trong vẽ hình mặt
con Cọp. Thỉnh thoảng có người đàn ông ăn mặc bộ đồ màu trắng, đầu vấn chiếc khăn sặc sỡ màu sắc đến trước miếu con Cọp khấn
vái bằng tiếng Chăm cầu xin vong linh
con Cọp phù hộ cho ngôi làng sống an lành. Từ đó người và cọp sống ung dung
trong lãnh địa của
mình. Cái am này vẫn tồn tại bên cạnh chiếc cầu qua nhiều lần đổi thay.
Ngày xưa chiếc cầu làm
bằng gỗ, nhỏ hẹp, ngắn ngủn, chỉ để cho người đi bộ và đủ cho một chiếc xe ngựa
lộc cộc qua lại. Thời của ông bà tôi. Đến thời Ba Mẹ tôi, chiếc cầu được người
Pháp cho đúc bê tông lát
nhựa, chắc chắn, hằng ngày xe hơi di chuyển lưu thông. Đến thời của chúng tôi, trong một đêm tối trời, một tiếng nổ vang,
sáng mai chúng tôi bàng hoàng trước cảnh chiếc cầu gãy đổ, nhưng
cái am con Cọp vẫn còn nguyên. Người dân xôn xao, bàn tán về sự có mặt ẩn náu của du kích từ trên núi xuống. Chiếc
cầu một lần nữa do
chính quyền thời Mỹ viện trợ xây cất lại. Chiếc cầu bệ vệ, khang trang, vững
bền. Bấy giờ, thị xã đã thành tỉnh
lỵ. Dân đông. Phố xá mở rộng. Cầu Ông Cọp nằm gọn trong thành phố. Bao nhiêu
năm rồi. Bao nhiêu biến cố lịch sử đã qua. Hiện tại chiếc cầu vẫn tồn tại với
thời gian.
Bây giờ, tuổi tôi đã tám
mươi. Bỏ nơi tôi sinh ra và lớn lên, gắn liền biết bao kỷ niệm vui buồn. Ra đi,
lập nghiệp nơi xứ người. Mỗi lần về thăm quê xưa, tôi và Khanh thường cuốc bộ
từ cái chợ ngang qua cầu Nước đá rồi dừng lại cái cầu ông Cọp. Chỉ nửa tiếng
đồng hồ, chỉ vài trăm mét, và hai bên đường rộn rịp phố xá. Tìm vào một quán cà
phê trong vườn, ngồi ở một chiếc bàn khuất sau lùm cây. Những câu chuyện của
hai người bạn già chỉ ôn lại những kỷ niệm thơ ấu, nhắc lại những khuôn mặt bạn
bè đã khuất, chết vì bom đạn, chết vì bệnh tật, hoặc đã biến mất ở một nơi nào
đó cùng nhưng trong tâm tưởng chúng tôi họ đã để lại những ấn tượng mà mỗi lần
nhớ đến lòng mình như chùng xuống nặng nề như có một ngọn núi đang ngự trị. Như
chuyện về ba ông : Mười Phục, Mười Thừa, Mười Quân.
Cả ba ông đều sinh ra cùng
năm Dần, tuổi con Cọp. Nhưng kết thúc cuộc đời vào thời điểm lịch sử khác nhau.
Lần lượt tôi kể chuyện
từng người một.
Chuyện
thứ nhất:
ÔNG
MƯỜI PHỤC
Cách đây hơn chín mươi trư
năm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chỉ là một thị trấn nhỏ. Thời còn người
Pháp đô hộ tỉnh Ninh Thuận chỉ là một Đạo mà đứng đầu là một ông quan Tây gọi
là ông Sứ. Cả thị trấn chỉ có mấy trường tiểu học vài ba lớp nằm rải rác trong
cái đình cái ấp. Học trò không phân biệt nam nữ, áo quần lếch thếch ngồi trên
chiếc băng gỗ dài, trai gái sát cánh bên nhau. Trường không có treo bảng hiệu.
Chỉ có 3 lớp. Từ lớp vỡ lòng đến lớp ba. Thầy cô chỉ vỏn vẹn một nam hai nữ.
Thầy bao giờ cũng trang trọng trong chiếc quần tây áo sơ mi trắng, tây cầm cây
roi. Hai cô giáo thướt tha chiếc áo dài, mang đôi guốc vông, thỉnh thoảng bỏ
lớp ra đứng ngoài hành lang nhỏ hẹp để nhìn bâng quơ một khoảng trời xanh. Cô
giáo nhỏ người, đúng như tên cô. Vân Nhỏ. Trong suốt thời thơ ấu đến tuổi xế
chiều cô đã để lại trong lòng tôi những tình cảm quí mến thân yêu. Trong lớp
tôi có vài đứa gia đình nghèo khó không tiền mua sách, cô Vân Nhỏ đem cho sách
Việt văn giáo khoa thư. Khi giảng bài Đứt ruột, chúng tôi im lặng để lắng nghe
cô đọc. Giọng cô trầm trầm. Mắt cô như ướt lệ. Câu chuyện gây xúc động trong
lòng trẻ thơ về một tình mẫu tử của một con vượn bị người thợ săn bắn chết. Xác
vượn rơi xuống đất, hai tay vẫn ôm chặt vào lòng một chú vượn con. Con vật mà
cũng biết hy sinh mạng sống của mình để che chở cho con. Cô Vân Nhỏ lúc đó là
một phụ nữ đã có gia đình, con cô cũng đã vài ba tuổi. Cô thể hiện tình thương
yêu học trò bằng những cử chỉ như một người mẹ hiền. Cô đã cảm hóa được những
đứa học trò nghịch ngợm quá độ. Đến giờ ra chơi bọn con trai chúng tôi ùa ra
sân quần vợt không có rào chắn nằm bên kia đường, mà chơi trò rượt bắt, có đứa
vấp ngã, trẹo chân, cô Vân Nhỏ bồng nó vào lòng, vỗ về. Cô xoa dầu nóng rồi nắn
gân, thằng bé chỉ kịp la lên một tiếng rồi thôi. Chưa bao giờ chúng tôi nghe cô
lớn tiếng la rầy hoặc cầm roi quất vào mông như các thầy cô khác, nhưng chúng
tôi đều vâng lời cô.
Cô Vân Nhỏ hiền từ bao
nhiêu thì chồng cô lại dữ tợn bấy nhiêu. Chỉ nghe tên dân trong thị trấn này đã
sợ hãi rồi. Mười Phục.
Ông Mười Phục không phải
là dân được sinh ra ở đây. Ông một thân một mình từ liên khu 5, Phú Yên của
Việt Minh, vượt đèo Cả trốn vào vùng Quốc gia sinh sống. Ông lập gia đình với
cô giáo Nhỏ con của gia đình đã cưu mang ông.
Ông Mười Phục sinh năm
Dần, tuổi con cọp. Ông Mười Phục làm mật thám cho Tây, sau năm 1954 đất nước
chia đôi ông chuyển qua phục vụ trong quân đội Quốc gia. Những gia đình có con
em theo Việt Minh vừa tập kết ra Bắc đều lo sợ bị bắt bớ tù đầy. Khuôn mặt Mười
Phục như một hung thần đối với họ. Bọn trẻ như chúng tôi chỉ nghe tên ông cũng
sợ hãi và khinh ghét. Chính lần chạm mặt ông trong một lần ông dẫn theo đám
lính đi trên chiếc xe jeep đến khám xét nhà tôi. Họ xông vào nhà, ông Mười Phục
mang khẩu súng lục, ra lệnh mọi người trong gia đình tôi đứng yên. Còn họ chia
nhau lục soát từng nghẻ nghách. Tìm được một chiếc hộp trong ngăn tủ, ôg Mười
Phục hớn hở như vớ được một tài liệu mật có liên quan đên quân địch. Ông tháo
ra, chỉ có một quyển vở học trò, trang đầu nghệch nghoạc mấy chữ Lưu bút ngày
xanh, ông trừng mắt vào tôi đang đứng co ro một góc bàn học. Định vất đi bổng
một tấm hình rơi xuống. Ông lượm lên. Gián cặp mắt nhìn vào tấm hình chụp cảnh
Tháp Rùa nơi Hồ Gươm trong sương mù. Lật phía sau có mấy chữ viết xiên xẹo: Hà
Nội ơi! Biết bao giơ ta mới đến.
Mười Phục gằn giọng quát:
- Thằng nào viết đây.
Tôi trả lời một cách tỉnh
bơ:
- Dạ. Con đó.
Không nói gì, ông ta đến
đưa bàn tay rắn chắc tát vào má tôi. Mạnh đến nổi tôi liểng xiêng té vào vách
tường. Tôi chưa hiểu vì sao tôi bị đánh một cú cháng váng như thế. Mười Phục
trợn đôi mắt vào tôi, một thằng bé mới lớn tuổi mười lăm. Mười Phục hét lên:
- Đụ mẹ. Còn con nít mà đã
mê Cộng sản.
Cái tát tai đó ám ảnh theo
tôi suốt cả cuộc đời. Tấm hình này quê hương của Hà, nàng mang theo khi rời bỏ
Hà Nội cùng ba mẹ di cư vào Nam. Cô bạn Bắc kỳ nho nhỏ có giọng hát truyền cảm,
Hà tặng tôi tấm ảnh và hẹn sau hai năm như theo hiệp định Geneve, đất nước sẽ thống nhất, chúng tôi sẽ ra thăm Hà Nội. Hơn
hai mươi năm sau, chỉ một mình tôi trêm chuyến tàu thống nhất. Một mình đứng
trước Hồ Gươm xót xa nhớ lại cô bạn láng giềng đang ở tận bên kia đại dương.
Mười Phục đã nổi danh ngay
những ngày bỏ trốn từ Liên khu 5 vào thị xã nhỏ này. Tiếng ác mà người ta gắn
cho ông là Chó săn vớt cái tài chỉ điểm, bắt bớ những người bị tình nghi dính líu đến Việt Minh. Hình như ông có ân oán giang hồ
với họ. Sau năm 1955 Phú Yên thuộc vùng quốc gia, mấy anh chị em bà con phía
ngoại tôi vào sống với Mẹ tôi cho biết rõ ràng lai lịch về ông Mười Phục. Gia
đình ông Mười Phục bị Việt Minh liệt vào thành phần tư bản bốc lột nhân dân.
Nhà máy xây lúa của cha mẹ ông bị trưng thu. Ruộng cò bay thẳng cánh chia thành
từng vuông nhỏ phát cho hộ tá điền, gia đình ông sống bần cùng. Từ một công tử
tay chân vụng về, làm gì cũng hư hỏng chẳng nên thân làm sao ông có thể hòa
đồng với đoàn thể Thanh Thiếu cờ đỏ mà hầu hết là con nhà tá điền nghèo khổ.
Ông xem thường việc mất mát tài sản, ông chỉ muốn yên thân, ông sợ ngồi co ro
nghe những thanh niên cùng trang lứa phê bình ông và buộc ông tự phê bình những
khuyết điểm mà ông chưa bao giờ nghĩ đến. Cái mặc cảm ông là kẻ bất tài, suốt
đời chỉ ăn bám xã hội cứ đeo đẳng ám ảnh ông.
Đó là lý do ông bỏ quê hương mình tìm nơi đất lành chim đậu. Ông lếch
bộ, trèo đèo băng suối trong đêm tối, suốt khoảng thời gian dài.
Xóa đi cái mặc cảm tự ty,
ông sa vào cái tự tôn, mọi người phải phục tùng ông, phải sợ hãi khi nghe đến
tên ông. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông thành một tên mật thám ác ôn lừng
danh.
Chiến công đầu tiên ông
đem đến cho phòng Nhì quân đội Pháp trong thị trấn này là khám phá ra một nhân
vật hoạt động Việt Minh cao cấp đang nằm vùng. Chính việc này mà ba tôi bị liên
can, ở tù rồi bị trục xuất về nơi ông đã được sinh ra. Làm sao Ba tôi có thể
ngờ được nhân vật ấy là một cầu thủ bóng đá từng làm khán giả say mê với những
cú đội đàu hất banh vào khung thành làm bó tay thủ môn. Không biết chú Kiệt giữ
vai trò gì quan trọng của Việt Minh khiến Tây xử bắn chú. Ba tôi suốt đời chỉ
mê bóng đá. Ông là người duy nhất trong thị trấn này lập được một đội bóng tập
hợp được những danh thủ, chú Kiệt là dân Lục tỉnh Nam bộ.
Không biết bằng cách nào
mà Mười Phục truy ra thân thế chú Kiệt, dù chú đã hóa thân một ách kín đáo.
Huống hồ gì chị tôi lúc ấy chỉ là cô gái mới lớn, làm sao qua mặt được trước
con mắt đầy soi mói của gã đàn ông nhìn chăm bẩm vào thân thể chị như có một
sức hút kỳ lạ khiến chị luống cuống ấp úng trước câu hỏi của hắn:
- Cô đi đâu cả tuần lễ
bày.
– Dạ Sài Gòn
- Làm gì?
- Đi buôn.
-
Buôn gì?
- Bông vải.
Như đã nắm bắt được sự nói dối của chị, ông ta cười gằn nói như bông
đùa:
- Cô kéo tay áo lên xem. Mở luôn nút
áo để hở cái cổ.
Người con gái cứ tưởng gã định giở
trò tồi bại nhưng cũng phải ríu rít nghe lời. Hắn nhìn làn da rán nắng ngay chỗ
vải không che, hắn nhe răng cười đắc thắng:
- Sao cô chịu nổi cái nắng chói chang
trong mật khu Lê Hồng Phong, thằng Phú anh cô có khỏe không?
Đúng cô không thể qua mặt hắn được.
Chị tôi đã bí mật theo người giao liên vào tận Bình Thuận mang theo thuốc kí
ninh tiếp tế cho Việt Minh. Chị tôi ở tù cả năm sau mới được thả ra. Hầu hết
những người trong gia đình tôi, từ ba tôi anh chị tôi kể cả vài người cầu thủ
bóng đá của ba tôi đều tham gia phong trào Việt Minh kháng chiến chống thực dân
Pháp.
Những cái chết tức tưởi do Mười Phục gây ra cứ ám ảnh tôi theo năm
tháng. Như cái chết thảm thương của chị Lựu gây búc xúc xôn xao cả thị trấn.
Ngoài cặp mắt soi mói của loài chim cú trong đêm tối mịt mùng rình rập con mồi,
còn có thêm chiếc mũi thính hơi như loài chó săn, hằng đêm Mười Phục thám thính
quanh nhà chị Lựu khi khám phá ra chú Thành một cầu thủ của đội bóng ba tôi đã
lên núi từ lâu thường lẻn về thăm người yêu. Nhà chị ở trong xóm đạo thuộc làng
Tấn Tài, chỉ cách thành phố vài cây số qua những cánh đồng xanh màu lúa mạ. Một
mái nhà tranh vách đất, liếp cửa làm bằng
những tấm phên tạm bợ, xung quanh nhà mọc vài cây khế ngọt. Nhà không có
hàng rào, chỉ có những bụi tre già cao vút lắc lư theo ngọn gió làm lá chạm vào
nhau phát ra những âm thanh rì rào, và vào những đêm tối lập lòe những ánh sáng
le lót của bầy đom đóm lơ lững quanh cây. Chính trong bụi rậm rịt đó là nơi trú
ẩn của chú Thành mà Mười Phục không ngờ tới.
Sau khi nắm chắc ngày giờ
chú Thành sẽ về thăm người yêu, Mười
Phục báo lại cho sở Mật thám địa điểm để đêm hôm trong giờ giới nghiêm bọn lính
lê dương ập đến bắt ông. Việc không thành khi bọn lính da đen rạch mặt ồ ạt đến
bao vây ngôi nhà thì chú Thành như một bóng đen đã biến mất. Tiếng súng nổ vang.
Lựu đạn quăng qua phên cửa. Xác người banh thay trên vũng máu chỉ là người con
gái lai Tây. Chị Lựu. Kêt quả của một vụ hãm hiếp giữa tên lính Pháp với cô thôn nữ. Người mẹ nuốt nỗi đau ô nhục, sinh con và nhẫn nhục nuôi nấng, thương yêu cô con gái hai dòng
máu. Chị Lựu chưa bao giờ hỏi mẹ về người cha vô danh.. Chị cứ nghĩ mình là một
người con gái Việt Nam chính thống, mặc dầu tóc chị không đen nhánh mà mượt mà
một màu vàng, đôi mắt màu hạt dẻ, lông mi cong vút, chiếc mũi cao cùng nước da
trắng trẻo. Chú Thành và chị quen nhau trong một đêm Giáng sinh ở nhà thờ xóm
Đạo. Họ hẹn nhau sẽ thành đôi vợ chồng hạnh phúc sau ngày không còn bóng quân
thù. Chính ngay đêm đó chú Thành đã chứng kiến trước cái chết bi thản của người
vợ tương lai của mình là một động cơ thúc đẩy lòng hận thù để chú lao vào chiến
đấu kiên cường trong bom đạn. Ngày thống nhất đất nước 1975 , từ Bắc chú Thành
trên đường vào Sài Gòn, chú tìm đến tôi nhờ tôi dẫn chú đến thăm ngôi nhà chị
Lựu để thắp một nén nhang. Thật tình sau bao năm qua cái thị trấn xưa đã đổi
thay rất nhiều. Cái xóm đạo đó đã trở thành phố thị. Đâu còn những mái nhà
tranh. Đâu còn những bụi tre đầu làng. Tôi không còn nhớ nổi dấu tích ngày xưa.
Chú Thành đưa đôi mắt nhìn xa xăm như nhớ lại những kỷ niệm đau buồn rồi từ từ
bước lên xe Motova đang đợi người chỉ huy.
Mười Phục, qua những biến
đổi của lịch sử, ông ta vẫn tiếp tục phục vụ trong ngành công an cảnh sát, vẫn
gây nên những ấn tượng khó quên. Những người đã từng là nạn nhân một thời của
ông đều thừa nhận biệt tài đánh hơi để tìm ra những kẻ mà ông cho là địch thủ.
Dưới thời Cộng hòa, thường
xảy ra những cuộc đảo chánh hoặc chỉnh lý đều kèm theo những cuộc biểu tình
phản đối chính quyền, hầu hết phát xuất từ học sinh, sinh viên, trí thức. Mười
Phục trổ tài phá tan từ trong trứng nước bằng cách tỉa từng người chủ mưu. Mười
Phục có đôi mắt soi mói của loài cú vọ cùng cái mũi rất nhạy cảm cùng đôi tai
rất thính của loài chó săn nên những lần ông rình rập tìm kiếm nạn nhân, ông
đắc thắng như con Cọp đang vồ mồi.
Những thanh niên trốn quân
dịch, không phải họ sợ chết chóc mà họ không muốn chấp nhận cuộc nội chiến
tương tàn, đều phải đối đầu khi bị ông ta phát hiện. Đối với ông, khẳng định
ngay lập trường không thể ăn cơm Quốc gia mà thờ ma Cộng sản. Mười Phục thẳng
tay trừng trị, đưa những thanh niên hủy hoại thân thể bằng cách tự chặt mất đứt
ngón tay trỏ của mình ra tòa án Binh. Những thanh niên đội lốt thầy tu trong
vài ngôi chùa ông cũng phát hiện được huống hồ gì một số thanh niên trốn chui
trốn nhủi. Tất cả những thanh niên này
đều bị bắt đưa ra chiến trường thành lao công đào binh.
Năm 1967, Mười Phục giữ
chức vụ quan trọng Ty Cảnh sát Tỉnh. Tôi biết ông ta rất ghét phong trào Phản
chiến đang thịnh hành ở các đô thị miền Nam. Những bản nhạc trong “ca khúc da
vàng” của Trịnh Công Sơn tuyệt đối không được lưu hành trong các quán cà phê
Tỉnh nhà. Thủa nhỏ tôi đã bị ông đánh một bạt tai. Bây giờ, lớn lên tôi muốn có
dịp gặp mặt ông như một thách thức.
Quán Cà phê Tao Nhân do
tôi cùng một vài người bạn cùng nghề “gõ đầu trẻ” lập ra. Khách hàng thường là
học sinh, công chức, quân nhân thích nghe nhạc Tiền chiến với giọng ca Thái
Thanh, Anh Ngọc… Làm sao ai có thể nghĩ rằng nơi này đã tổ chức một đêm nhạc
Phản chiến, chính Trịnh Công Sơn trình diễn. Khách mời được chúng tôi rỉ tai
giới hạn trong bạn bè thân thích. Trịnh Công Sơn cùng vài ba người bạn từ Đà
Lạt xuống 7 giờ tối. Một mình Trịnh Công Sơn vừa cầm đàn ghi ta vừa hát liên
tục những bản nhạc trong tập Ca khúc da vàng.
Một ngàn năm đô hộ giặc
Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến
từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho
con
Gia tài của
mẹ
Một nước Việt buồn.
Đến 4 giờ sáng hôm sau Trịnh Công Sơn lên
chiếc xe con cóc lên lại Đà Lạt. Không để lại một dấu vết nào. Tôi vẫn chờ đợi
một giấy triệu tập có ký tên Mười Phục để chạm mặt nhau. Đợi mãi không thấy gì
cho đến ngày được tin ông chết cháy trên đường đi công tác, chiếc xe jeep cùng
ông banh xác khi giẩm phải mìn gài ổ phục kích. Người dân trong thành phố này
xem cái chết của ông như một chuyện tất nhiên. Gieo nhân nào thì gặt quả đó.
Thế thôi.
Sau năm 1975, cô Vân Nhỏ
về dạy trường Mỹ Hương chỉ thêm vài tháng rồi bị cho thôi việc. Đơn giản trong
lý lịch cá nhân của cô có chồng tên Mười Phục được xem như một tên ác ôn có tội
với nhân dân, dù ông ta đã chết từ lâu. Khanh lúc này về làm Hiệu trưởng
trường, trao quyết định sa thải thầy cô theo quyết định của cấp trên. Câu Ai
làm nấy chịu không tác dụng nữa. Khanh và tôi từng là học trò ngày xưa của cô
Vân Nhỏ. Khanh không bao giờ quên nổi hình ảnh thân thương về khuôn mặt hiền
hậu như người Mẹ ôm con vào lòng khi anh đã từng té ngã trật chân. Đối với tôi,
lúc nào tôi cũng xem cô như người Mẹ hiền. Hình ảnh thánh thiện của cô trong
tôi không lẫn lộn với ác tâm của Mười Phục, chồng cô. Hai người sống chung một
nhà nhưng như hai thế giới khác nhau. Cái ác và cái thiện. Được thụ hưởng ngành
châm cứu của người cha truyền lại, cô đã thực hiện giúp biết bao người thoát
cảnh đột quỵ Từ thủa bé đến tuổi xế
chiều cô Vân Nhỏ thường xuyên, với lòng trong sáng, cô luôn làm việc thiện,
giúp đỡ mọi người.
Từ xa, tôi nghe tin qua
điện thoại Khanh báo tin cô Vân Nhỏ vừa mới qua đời. Học trò cũ của cô năm xưa
giờ cũng bạc đầu đều có mặt trong đám tang cô.
Qua khung cửa sổ, tôi nhìn
bầu trời u ám, lòng bồi hồi, văng vẳng đâu đây lời cô giảng bài Đứt ruột của
một thời thơ ấu.
Chuyện
thứ hai:
Ông MƯỜI THỪA
Ngay lần đầu tiên chạm mặt
với một người đàn ông trên con đường vắng, đã để lại ấn tượng sợ hãi cho đứa
trẻ mới mười tuổi. Tôi đang chạy như trối chết để kịp giờ vào trường học, vấp
té nhào vào người đàn ông đang bước ra từ một ngôi nhà. Ngước mắt lên, trước
mặt sừng sững một người đàn ông có nước da xám xịt, lông mày rậm đen, đôi mắt
mở to trừng trừng, cái miệng mở rộng, hàm râu lún
phún quanh cằm. Dáng dấp to lớn. Ông ta đưa bàn chân mang đôi giầy da đen đá
vào mông tôi. Ông ta chưởi tục vài tiếng rồi bỏ đi mặc cho thằng bé ôm mặt
khoc, lồm chồm ngồi dậy. Buổi chiều trước khi tắm gội, chị tôi phát hiện vết
bằm tím, tôi mới kể chuyện. Chị tôi, một thiếu nữ, thốt lên:
- Thôi rồi. Mười Thừa.
Sau này, tôi mới biết ông
Mười Thưa là hung thần, chuyên tra tấn tù nhân từ thời Pháp thuộc. Người ta gọi
ông là Chúa Ngục.
Cái ngục tù mọc lên từ
lâu, sát cạnh rạp chiếu bóng, trước sân quần vợt, cùng ngôi chùa nhỏ. Cách nhà
tôi không xa, đủ để nghe những tiếng la thét thất thanh của những tù nhân đang
bị tra tấn vào những đêm khuya. Tôi phải bịt hai tai nhưng vẫn nghe như tiếng
con heo bị cắt tiết. Tôi hình dung trong trí tưởng từng người tù. Mặt sưng vù.
Đôi mắt lờ đờ rướm máu. Đôi môi sưng tấy lên. Hai bên mép rách toác. Hai vai sệ
xuống. Cái lưng trần đầy vết lằn roi tơi tả. Tôi rung mình. Chùm chăn kín mít.
Như xô đuổi nỗi ám ảnh đó.
Sự thật diễn ra ngay trước
mắt, tôi vẫn tưởng trong mơ. Một buổi chiều nắng ráng vàng, tôi lang thang trên
con đường đầy bóng mát phủ từ hai hàng cây me tây, từ xa xuất hiện người lính
mang khẩu súng trường áp giải một người tù tay đã bị còng, lếch thếch bước xiêu
vẹo. Ngang qua tôi, người tù cúi mặt như muốn che giấu những vết thương sưng
tẩy, bầm tím trên khuôn mặt, quần áo rách tả tơi. Vừa khuất dạng tôi man mán
nhận ra người tù hình như không muốn tôi nhận ra chân dung mình. Nhưng tôi linh
cảm đó là người tôi từng gần gũi. Tôi kể lại buổi gặp đó cho anh Phú nghe. Anh
tôi thét lên:
- Thằng Mười Thừa tra tấn cha rồi. Tao sẽ trả
thù.
Chẳng lẽ đó là động cơ thúc đẩy anh tôi bỏ
thành để lên núi.
Trước khi bỏ nhà ra đi anh
tôi cho tôi biết lai lịch về ông Mười Thừa. Thì ra ông Mười Thừa là bạn học với
anh tôi từ thời cùng học ở ngôi trường lớn mới xây cất ngay trung tâm thị xã.
Mái lợp ngói đỏ. Tường xây bằng gạch nung. Các cửa bằng gỗ, thoáng mát. Nền nhà
tráng xi măng láng bóng. Bàn ghế cho học trò xếp thành hai dãy thứ tự ngăn nắp. Sân trường là bãi đất rộng, có
sẵn vài cây me tây tỏa bóng mát. Đặc biệt sau trường sừng sững một cây lim cổ
thụ. Lớp học chỉ có 10 phòng. Giữa trường xây thêm một sân chơi có mái ngói,
rộng lớn đủ cho học trò tập trung chơi đùa. Ai được vào học nơi này xem như một
hãnh diện. Học sinh phải mặc bộ đồ đồng phục. Quân sọc màu xanh nước biển. Áo
sơ mi trắng. Chân mang giầy bata màu trắng. Đầu đợi nón cối cũng màu trắng.
Thời đó, hiệu trưởng là một ông Tây bệ vệ trong bộ véc tông màu đen, cổ thắt nơ
đỏ. Nói tiếng Pháp. Các thầy cô, đơn giản hơn. Thầy mặc quần tây dài áo sơ mi
trắng. Các cô xinh đẹp thướt tha trong chiếc áo dài màu tím. Ngoài tiếng mẹ đẻ
là Việt ngữ, còn phải học tiếng Pháp thông suốt. Học trò các nơi trong xứ quản
này ít có ai bước chân vào ngôi trường này. Trong số đó có ông Mười Thừa, cha
là một Hội đồng quyèn thế, giàu có, ruộng lúa hàng trăm mẫu, tá điền nhiều đếm
không xuể. Hằng ngày đến trường ông Mười Thừa được ngồi trên chiếc xe kéo, có
mái che nắng. Hình như thấy bất tiện ông Hội hội đồng mua thêm một ngôi nhà gần
trường cho người con thừa tự này, có thêm một gia nhân thân tín là người đàn bà
luống tuổi đã từng làm vú nuôi để chăm sóc từng bữa cơm nước uống. Lại thêm một
thanh niên lực lưỡng cùng sống để bảo vệ. Mười Thừa là đứa con trai độc nhất,
nên được sự cưng chìu của ông bà Hội đồng. Không tương xứng với thân hình to
lớn, vạm vỡ của mình, ông thường toát mồ hôi mỗi khi trời nóng bức, hoặc sổ mủi
khi trời trở lạnh.
Trong trường học, ông chỉ
là cậu học trò rụt rè, nhút nhát. Trong những giờ ra chơi, các bạn đồng lứa tha
hồ chạy nhảy, đuổi bắt hoặc những trò tinh nghịch Mười Thừa chỉ tìm một chỗ
ngồi trên rể cây lim. Ông thường bị Thầy giáo kể cả ông Hiệu trưởng phê phán và
phàn nàn về sự yếu đuối thể chât lẫn tâm hồn. Họ lo ngại cho ông, sau này ra
đời không làm được trò trống gì nên thân. Đâu có ai ngờ về sự thay đổi tâm
tính, từ một kẻ hiền lành, nhu nhược trở thành một kẻ hung ác, gieo rắc nổi sợ
hải kinh hồn, đên nỗi người ta chỉ nghĩ rằng trời sinh ra từ trong trứng nước Mười Thừa như một con cọp dữ .
Sau này, tôi tìm hiểu thêm
về nhân vật Mười Thừa, nhất là lý do nào đã thay đổi đời ông. Trở lui lại thời
gian, khơi lại từ ký ức từ thủa ấu thơ. Năm 1945. Lúc đó tôi chỉ là một cậu bé
lên năm tuổi, được các anh chị yêu thương, nên được đi theo mọi người trong
những chuyến rong chơi. Nhà tôi là nơi tập trung những buổi đàn ca hát xướng.
Chị tôi, bấy giờ là một thiếu nữ tuổi 17, dịu dàng, xinh đẹp, lại có một giọng
hát truyền cảm cùng vài người lớn tuổi như chú Túi bấm phong cầm, chú Điền kéo
vĩ cầm, ba người họp thành một ban nhạc tài tử. Tiếng đồn vang xa. Tới tai ông
Hội đồng Ba, một người mê tân nhạc cải cách. Ông mời họ đến dinh thự, biểu diễn
một đêm.
Ngồi trên xe ngựa với anh
chị tôi, lộc cộc trên con đường gồ ghề, hai bên là những cánh đồng thơm mùi lúa
chin, ngang qua cây đa cổ thụ đầu làng mới đến nhà ông Hội đồng.
Chú Tú và chú Điền là viên
chức trong Tòa Sứ nên giữa ông Hội đồng và họ không xa lạ gì. Ông Hội đồng Ba
tiếp đãi họ rất nồng hậu. Ông mặc bộ đồ vest màu nâu, đầu đội một cái mũ nỉ,
tay cầm cái tẩu, dựa người vào chiếc ghế bành, thả hồn theo tiếng đàn hòa tiếng
hát của chị tôi. Dưới ánh đèn măng xông trên sân gạch rộng thênh thang, tiếng
đàn giọng hát như lạc lõng giữa không khí ngoài trời nhưng đó là một ấn tượng khó
quên trong đời tôi. Một ông Hội đồng sính văn nghệ, mê tân nhạc hơn sáu câu
vọng cổ.
Một tháng sau, cũng tại
nơi đây đã xảy ra một việc kinh hồn giữa đêm khuya, bùng sáng một góc trời,
những ngọn đuốc cùng những tiếng người la ó rền vang, những bóng người mang
theo gậy gộc, giáo mác, ồ ạt xông vào nhà ông Hội đồng. Trong số đám đông có cả
vài tá điền của ông. Một người mang đôi dép râu, cổ choàng khăn rằng, dỏng dạc
kết tội ông Hội đông Ba đã theo thực dân Pháp nên có tội với nhân dân. Nay Việt
Minh nổi lên cướp chính quyền. Chưa dứt lời, những người quá khích nhào vào,
núm cổ ông Hội đông xuống nền nhà. Những ngọn đòn từ những cây gậy tầm vông
liên tục phủ xuống đầu ông, máu tuôn ra xối xã. Họ lôi xác ông ra vứt ngoài sân
phơi lúa. Cảnh tượng này in sâu vào trí óc của cậu thanh niên Mười Thừa. Đêm đó
người thanh niên nhút nhát kia thoát chết, vì quá sợ hãi
suýt chút nửa là la thét lên, người run lẩy bẩy, may đám người hỗn độn kia bỏ
đi chưa kịp phát hiện ông đang núp sau chiếc tủ. Ngay trong đêm đó ông Mười
Thừa lết bộ cả mấy cây số mới đến ngôi nhà trên phố. Dinh thự ở quê của ông Hội
đồng biên thành trụ sở Cách Mạng. Nhưng chỉ một
năm sau, Việt Minh vỡ mặt trận. Trước khi rút lui để đi lên núi họ đã đốt phá
dinh thự này. Người Pháp trở lại tiêp tục đô hộ như xưa. Chàng thanh niên yếu
duối, hiền lành ngày nào đã hóa thân thành một hung thần khét tiếng với những
ngọn đòn tra tấn dã man xuống những tù nhân Việt Minh. Một cách mù quán. Cái ác
càng ngày càng phát triển bởi lòng thù hận đã biến ông Mười Thừa thành như con
Cọp dữ.
Những nạn nhân từng bị
Mười Thừa tra tấn kể lại. Sau này tôi mới biết có ông Hà là thầy giáo dạy văn
của tôi, kể cả Thu đều say mê những bài thầy giảng về những tác phẩm Tự lực văn
đoàn. Thầy còn phụ trách văn nghệ toàn trường. Thầy có một giọng hát truyền cảm
làm học sinh chúng tôi bắt đầu biết thưởng thức những bản tình ca của Văn Cao,
Phạm Duy, Cung Tiến. Thu, cô học trò
xinh xắn, với mái tóc thề đen nhánh, với đôi mắt xanh như trẻ thơ, lúc nào cũng
nở nụ cười tươi vui yêu đời. Trời phú cho Thu
có một giọng ca trầm ấm, có một trí nhớ lạ thường, chỉ cần nghe qua Thầy
Hà hát một lần Thu đi cho lá vàng bay…
là Thu thuộc lòng cả lời bài hát cùng nhịp điệu. Mỗi lần Tết đến bao giờ nhà
trường cũng tổ chức buổi trình diễn văn nghệ ở một rạp hát lớn. Khi đứng trên
sân khấu dưới ánh sáng mờ ảo trông Thu trong chiếc áo dài trắng tinh, đầu gắn
một vương miện trông như một Thiên thần. Bên cạnh Thu, tiêng đàn ghi ta của Hân
dìu dắt đưa giọng hát bay lên: Tôi yêu
tiếng nước tôi từ khi mới ra đời. Người ơi…Khán giả đều im lặng tuyệt đối,
bị sức hút lạ kỳ từ hình ảnh thánh hiện đó và tiếng hát đầy âm hưởng, như đưa
mọi người vào một cõi mông lung nào đó.
Thường thường vào những
ngày Chúa nhật, Thu đến nhà tôi để cùng em út tôi tập hát những bản nhạc vừa
mới được phát thanh trên radio. Và, chỉ có tiếng đàn ghi ta của Hân đệm theo
Thu mới hát không lạc điệu. Từ đó mới phát sinh thành tình yêu đôi lứa. Trong
sáng. Lãng mạn. Cuộc tình đẹp như bài thơ. Cặp đôi này là hình ảnh đẹp nhất làm
bọn học trò chúng kể cả thầy cô trong trường đều tán thưởng và mong ước sau này
họ sẽ đi bên nhau suốt cuộc đời này.
Nhưng ai ngờ, người con
gái ngây thơ đó lại là con gái độc nhất của tên ác ôn Mười Thừa. Sống bên cạnh
người cha thường ngày, ít nói, lầm lì, nhưng chìu chuộng con gái. Mẹ cô chết
sớm vì bệnh tim, người cha vẫn làm gà trống nuôi con. Thu sống rất hồn nhiên,
xem người bên cạnh mình như là những nhân vật tốt bụng. Thu bị xốc nặng. Thu
như người rớt xuống vực sâu khi Thu biết cha mình là tên ác ôn đã làm hại bao
nhiêu người, sau những trận tra tấn làm họ thành phế nhân.
Tình cờ, trong một lần gặp lại thầy Hà tại nhà một người bạn cũ, trông thầy tiều
tiụy, xơ xác. Cười nói linh tinh. Lúc tỉnh lúc mê. Thầy hay đưa hai bàn tay gầy
guộc, da bọc xương, lên vò đầu tóc hói. Thầy lầm bầm hai tiếng Giọt nước. Hai
đứa tôi tưởng thầy khát nước nên vội xuống bếp mang bình trà, rót vào tách,
trịnh trọng mời thầy. Thu cất tiếng hát như muốn Thầy quên đi cơn đau. Đôi mắt
thầ Hà lóe lên một tia sáng. Thầy thả người trên chiếc ghế bành, bỗng chồm dậy,
như bắt gặp điều gì đó trong trí tưởng. Tiếng hát Thu dồn dập Hạt mưa. Mưa rơi tí tách. Mưa xuyên qua mành.
Môi thầy Hà mấp máy như muốn hát theo nhưng ú ớ không nên lời. Hình như thầy Hà
vừa thoát khỏi một cơn đau. Thầy trở lại con người bình thường. Lúc này thầy Hà
mới kể lại cảnh tượng thầy bị tra tấn mà khi nghe đến người ta không tin là sự
thật, cứ nghĩ đó chỉ là ảo tưởng. Lúc ấy thầy bị cột hai tay ra sau lưng, ngồi
chồm hỏm trong một thùng phuy chặt cứng không cục cựa gì được. Từng giọt nước
rơi xuống ngay giữa đầu đã bị cạo trọc. Cảm giác đầu tiên là mát mẻ nhưng sau
đó, từng giọt nước cứ đều đều tiếp tục nhỏ xuống làm thầy Hà khó chịu. Trí óc
thầy bắt đầu loạng choạng, thầy cố trấn tỉnh bằng cách cất tiếng hát dù rất khẽ,
ban đầu lời ca đúng nhịp sau dần lung tung xáo trộn rồi mất hút. Giọt nước như
những mũi kim châm vào da thịt người và sau đó lớn dần, nặng nề như khối đá đè
lên trí óc làm tê liệt cảm xúc. Đến lúc thầy Hà ngất lịm sau những tiếng la
thét như có ai cầm roi da quất túi bụi, rướm từng lằn vết thương tươm máu. Thu
hồn nhiên hỏi thầy Hà:
- Kẻ nào đã sáng kiến màn
tra tấn quái ác vậy?
Thầy Hà trả lời lấp lửng:
- Kẻ đó chỉ mang cái mặt
nạ Cười.
Từ đó nhân vật mang chiếc
mặt nạ Cười xuất hiện vào tâm trí cô gái mang tâm hồn ngây thơ và hồn nhiên,
làm vướng bận nghĩ về việc làm ác độc. Sau đó liên tiếp Thu trực diện với chú
Tâm mới biết thêm về diễn tiến căn bệnh trầm uất của chú. Từ thủa thanh niên
chú là người yêu đời, chú có tài huýt gió những bản tình ca rất hay. Chú thường
nở nụ cười rất tươi khi đứng trước mấy cô gái đẹp. Chú cũng cởi mở chuyện trò
với bọn trẻ chúng tôi. Nhưng sau khi chú ở tù vì bị tình nghi là Việt Minh được
thả về, gặp ai chú đều đến nắm tay họ mà
nhăn răng ra cười. Tiếng cười eng éng, quái dị. Đôi mắt đỏ ngầu. Chú làm người
ta sợ hãi. Lúc tỉnh trí chú kể lại với điều
thắc mắc. Không biết tên mang mặt nạ Cười tìm đâu ra cách tra tấn độc
đáo này. Ngồi trước một người đàn ông mang một chiếc mặt nạ có khoét cái miệng
hả cười toe toét, chú Tâm được nghe nói với
giọng khôi hài:
- Tao chỉ buộc mày cười suốt đời thôi nhé.
Thật vậy. Hắn cởi quần áo
chú ra. Khởi đầu hắn đưa những ngón tay gãi nhẹ vào bàn chân chú. Chú không có
cảm giác gì. Tiếp theo, hắn thọc lét vào nách chú, vẫn không tác dụng. Hắn lần mò xuống mông đít chú. Và hắn đưa
ngón tay trỏ bấm huyệt. Bỗng chốc chú Tâm cười rú lên. Cả hai người đều cười.
Hắn cười đắc thắng. Chú cười bất đắc dỉ. Hắn chỉ cười một chút thôi. Chú cười
liên tục, chảy cả nước mắt, nước mũi. Tiếng cười của kẻ vô hồn. Nghe chú kể
người ta nghĩ chú có tài bịa đặt khôi hài. Nhưng người ta thấy chú nhăn răng
cười suốt ngày như một kẻ điên.
Sau cùng, trong bệnh viện
Tỉnh, Thu cùng các bạn đồng lơp vào thăm mẹ của một người bạn đang hấp hối.
Nhìn thân xác tiều tụy, khuôn mặt trắng trệch, nhịp thở hổn hển, môi mấp máy
thốt ra đủ để Thu nhận ra hai tiếng: Mặt nạ Cười. Thu chẳng hiểu lý do người
đàn bà đó muốn nhắn nhủ gì với mọi người. Đến khi người chồng đến thăm, ông mới
kể chuyện. Ngày trước cách đây mấy mươi năm, bà ta bị tù vì làm giao liên cho
Việt Minh. Bà bị tra tấn dã man bởi một kẻ mang chiếc mặt nạ. Ông ta dùng những
cây kim đâm liên tục vào những đầu ngón tay làm nhức nhối thót cả trái tim can.
Tưởng rằng cái đau đớn đó sẽ tan đi nhưng theo thời gian mười đầu ngón tay của
bà như bị những con đĩa bu vào hút máu cho đến cạn kiệt. Và, tim bà như muốn
nghẹt thở. Cứ thế, cơn đau dồn dập, nhất là những lúc trở trời. Nghe hai tiếng
Mặt nạ, cùng lời giải thích cơn bệnh kỳ lạ của bà, không hiểu sao Thu như kẻ
mất hồn, thần sắc biến đổi, mặt trắng bệch.
Về đến nhà, Thu bước vào
căn phòng riêng của ông Mười Thừa, trên vách tường sau chiếc bàn làm việc treo
một hàng những chiếc mặt nạ đủ màu sắc mang nhiều tính cách khác nhau, từ hình
tượng quỷ dữ, nhăn răng đến cái miệng mở rộng, con mắt tròn mở to. Thu đã thấy
từ lâu và cứ thắc mắc nhờ ba mình giải thich nhưng ông lắc đầu từ chối.
Những ngày sau đó, giấc
ngủ của Thu đã chập chờn những cơn ác mộng về người mang mặt nạ đứng trước
những thân xác tiều tụy sau những lần bị tra tấn
dã man rồi phát lên những tiếng cười ghê tởm. Tâm hồn trong trắng của cô gái
ngây thơ này đã bắt đầu bị bóng đen xâm nhập, từ một chấm nhỏ rồi lan rộng
thành đám mây dày đặc, tối mù, u ám. Cô gái hoang mang. Cô không muốn chấp nhận
sự thật. Cái ác không tồn tại trong trái tim cô.
Một buổi sáng, trước khi
đến sở làm việc, chưa thấy cô con gái cưng dọn bữa điểm tâm, ông đến gõ cửa
phòng Thu, rồi bước vào. Tưởng con gái mình còn ngủ say, ông gọi tên con. Cô
vẫn im lặng. Thì ra, trước mắt ông, một cái xác không hồn. Một tờ giấy để lại,
viết nguệch ngoạc mấy chữ:
Ba ơi, hãy vứt đi những cái mặt nạ cười.
Bấy lâu nay, đã mấy mươi
năm, Mười Thừa cứ bị ám ảnh về khuôn mặt
đầy máu của cha mình bị hành hình, đôi mắt trợn tráo như nhắn nhủ người con
trai phải nuôi hận thù báo oán cho cha.
Làm người quân tử trả thù
mười năm chưa muộn. Lòng thù hận đã làm mờ lương tri, Mười Thừa cứ lao đầu tìm
đủ mọi thủ đoạn để tra tấn loạn xạ, không kể người quen kẻ lạ, chỉ tóm lại họ
là kẻ thù của riêng ông mà thôi.
Đứng trước cái xác con
gái, khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt mở tròn, đôi môi hé một nụ cười như đang thỏa
mãn một ước nguyện mà cha mình sẽ ngưng lại những hận thù xưa. Mười Thưa mới
nhận ra cái chân lý giữa cái thiện và cái ác. Chỉ có cái thiện mới đánh tan
được cái ác, dù muộn màng.
Sau ngày đám tang của Thu. Mười Thừa âm thầm bỏ xứ ra đi. Biệt
tăm.
Từ đó, sau năm 1954, tại
miền Nam dưới thời Cộng hòa những cảnh tra tấn tù nhân là vi phạm pháp luật nên
không còn những con người như Mười Thừa.
Chuyện thứ ba:
Ông MƯỜI QUÂN
Con đường xóm tôi ngắn
ngủn, chỉ vài mươi ngôi nhà lụp xụp chen vào ngôi trường nhỏ, trước mặt là sân
quần vợt không có rào chắn, cạnh đó sừng sững một ngôi chùa bao quanh bằng bốn
bức tường cao quá đầu. Nơi này khi tôi vừa mới lớn đã bỏ lại đó một mối tình.
Cũng nơi này làm tôi ray rứt, kinh hoàng lúc tôi còn ấu thơ đã chứng kiến một
cuộc hành hình ngay bờ thành. Những người tù bị trói ké hai tay sau lưng, úp
mặt vào sát tường, bên kia đường trước rạp hát vừa mới xây, một hàng lính cầm
những khẩu súng trường nhắm thẳng vào mục tiêu. Một tiếng hô to của người chỉ
huy. Một tên Tây lai ra lệnh. Bắn. Những tiếng súng vang lên. Những thây người
ngã xuống. Tôi ôm mặt, sợ hãi hét lớn. Không hiểu sao mà những người đã chứng
kiế cuộc hành hình này đều kết án ông Mười Quân.
Sau năm 1946 quân đội Pháp trở lại Việt Nam. Ở Thị xã này Việt Minh đã
rút lui vào chiến khu. Đứng đầu phủ sứ này là một ông quan ba người Pháp. Người
cận kề ông ta, tích cực hổ trợ trong những cuộc hành quân bố ráp Việt Minh nơi
rừng rú cũng như trong thành phố không ai khác chính là Mười Quân.
Mười Quân sinh ra và lớn
lên ở một làng nhỏ bên kia sông Dinh mà người dân gọi nôm na chỉ một tiếng:
Thuông. Một vùng mất an ninh. Ban đêm du kích lén về, ban ngày lính tráng mang
súng vào làng. Vừa đủ trưởng thành 18 tuổi với thân hình cường tráng Mười Quân
xung phong vào lính Pháp. Với lòng gan dạ, lập nhiều chiến công, Mười Quân từ
binh nhì lên đến cấp bậc Thiếu Úy. Một cấp bậc cao nhất cho người Việt bây
giờ. Việt Minh xem ông như một địch thủ
đáng gờm vì những trận ác liệt thẳng vào mật khu, gây nên những tổn thất nặng
nề. Ông Mười Quân là mục tiêu phải bị khử trừ của ban ám sát Việt Minh. Ông
cũng biết vậy nên cùng gia đình được sống trong một biệt thự gần tòa Sứ, có bốn
vách tường bao quanh cùng những trạm lính canh phòng. Mười Quân được xem như
một hung thần đối với Việt Minh, nhưng ngược lại ông làm người cha mẫu mực
thương yêu các con, nhất là cậu con trai độc nhất. Ông cưng chìu nó như trứng
nước. Ông hy vọng sau này lớn lên nó trở thành một người hùng. Trong gia tộc
của ông cũng dành những tình cảm đặc biệt cho đứa cháu đích tôn này.
Bỗng dưng, ông nhận được
tin thắng bé chết, thân xác đầy máu từ những vết thương gây nên trong vụ khủng
bố vào rạp hát, gây xôn xao hoang mang trong lòng dân chúng.
Rạp hát này vừa được xây cất lại. Trước đó chỉ là một mái nhà tranh,
vách bằng phên tre, bên trong dựng cột, những băng gỗ dài làm ghế ngồi, phía
trước là một khán
đài chât chội nhỏ nhắn chỉ đủ chỗ cho một gánh bài chòi không tên tuổi thường
hát ở đình ở miếu. Sang tay qua chủ mới, được xây cất bề thế rộng rãi, ghế ngồi
có thành dựa. Khán đài vững chắc, rộng rãi. Thời bấy giờ rạp hát này là một đổi
thay lớn với sinh hoạt văn hóa trong thị xã. Để chuẩn bị ngày khai trương trùng
hợp với ngày kỷ niệm lễ Quốc Khánh nước Pháp, ban văn nghệ vừa mới thành lập,
với cây đàn mandoline, một phong cầm, một vĩ cầm, một ghi ta do mấy chú là nhân
viên trong các công sở tập hợp lại, vào những ngày chủ nhật đến nhà tôi để cùng
nhau hòa tấu những bản tân nhạc vừa mới phát hành. Các giọng hát của các chị
các cô phải tập đi tập lại cho đúng nhịp đúng cách ăn khớp với tiếng đàn của
ban nhạc. Đặc biệt trong buổi trình diễn văn nghệ hôm đó là tiếng hát của một
bé gái mà mấy chú trong ban nhạc xem như khám phá mầm non sau này lớn sẽ thành
danh ca. Đó là bé Ngân, em gái kề của tôi. Ngân nhí nhảnh trong chiếc áo đầm,
nhún nha nhún nhảy, cất tiếng: Bóng trăng trắng ngà. Có cây
đa to. Có thằng Cuội già ôm một mối tơ...
Trong đêm diễn tại rạp hát
này, hai anh em tôi được ngồi bên cánh gà trên sân khấu, từ đó tôi nhìn xuống
thấy được toàn bộ khán giả đang ngồi chật cứng, hàng ghế đầu đặc biệt dành cho
quan chức, chính giữa là ông Sứ người Pháp. Ở một góc, cách chỗ ông Sứ vài ghế,
chễm chệ một thằng bé bằng tuổi tôi, đưa đôi mắt đăm đăm nhìn lên sân khấu. Tôi
nhận ra ngay đó là thằng Biên con trai cưng của ông Mười Quân. Chỉ có nó là
khan giả nhỏ tuổi đặc biệt, phá lệ vì buổi trình diễn văn nghệ này chỉ dành cho
khách mời người lớn mà thôi. Ông Mười Quân vắng mặt đột ngột vì cơn đau dạ dày,
ông phải để một gã bảo vệ thằngcon trai cưng cứ nằng nặc đòi đi xem con bé Ngân
biểu diễn.
Chưa tới phần trình diễn
của bé Ngân thì đã xảy ra việc khủng bố kinh hoàng đã làm ám ảnh tôi suốt cuộc
đời. Một tiếng nổ vang rền, hai anh em tôi bị bật ngữa té xuống sàn gỗ. Tiếng
người la hét, hổn loạn, đổ xô nhau thoát ra ngoài. Tôi cũng không hiểu sao ai
đó đã bồng tôi ra khỏi chốn này. Tôi ú ớ gọi tên bé Ngân.
- -
Em tôi đâu.
- -
Đây nè.
- Thì ra chú Tú vai còn mang cây đàn
phong cầm tay bồng bé Ngân đang run rẩy vì sợ hãi. Anh tôi cũng tìm được chúng
tôi rồi đưa về nhà.
Ông Sứ được những người
lính bảo vệ đưa ra ngoài, lên xe trở về dinh thự. Một số người chỉ bị thương
nhẹ. Riêng thằng Biên bị phanh thây
trên vũng máu. Ông Mười Quân la hét thất thanh suốt đêm. Tiềng gào vang lên một
góc trời. Như tiếng con cọp rống lên
oán hận kẻ nào đã giết con nó.
Chính vì thế mà người ta
đinh ninh rằng vụ hành hình 6 người tù bên bức tường ngôi chùa là do ông Mười
Quân trả mối thù riêng đến Việt Minh. Chính tôi cũng suy diễn như vậy. Oán trả
oán. Máu đổ sau sân chùa.
Mãi đến sau này, gần năm
mươi năm sau, câu chuyện đã xảy ra vụ án tại rạp hát mới được giải mã.
Ông Mười Quân qua nhiều
năm tháng, bao nhiêu lịch sử thăng trầm ông vẫn phục vụ
trong quân đội, cấp
bậc cuối cùng đến năm 1975 là đại tá, đã từng lập những chiến công dữ dội làm
đối phương kinh hoàng. Ông Mười Quân quá ngỡ ngàng trước sự rã đám tan hàng như
trong một giấc mộng mà không bao giờ ông có thể ngờ được. Cũng như ông đã cùng
vài vị chỉ huy di tản trên một chiếc hạm đội sang một đất nước khác. Ông chưa
kịp mang theo gia đình một vợ và ba cô con gái. Sống ở Mỹ mãi đến 20 năm sau
ông trở về Việt Nam, tìm lại dấu vết của một thời xa xưa.
Trong những ngày đó ông
sống thanh thản ngay ngôi nhà Từ đường ở quê xưa. Những buổi tối trời, ánh
trăng lấp ló sau hàng cau già, tiếng côn trùng rỉ rã, thỉnh thoảng có vài tiếng
gáy của vài con dế mèn, ngọn gió từ bờ sông Dinh mang hơi nước làm dịu lòng ông.
Ngồi nhâm nhi ngụm nước trà, hút một điều thuốc phả ra
làn khói mỏng lan tỏa trong không gian, nhẹ nhàng như trong lòng ông xóa đi
những hận thù một thời đã đè nặng như khối đá.
Ông đâu ngờ tại nơi này
ông lại gặp được người bạn thời niên thiếu, cũng là địch thủ thời chiến tranh.
Cả hai, lúc này là hai ông già tóc đã bạc, giã từ vũ khí đã lâu, ngồi bên nhau,
trút hết nỗi lòng tâm sự với nhau.
Người đó chính là ông Tám
Hà, một đại tá sư đoàn trưởng lừng danh của Việt Cộng. Ngày 16 tháng 4 sư đoàn
của ông tiến vào Ninh Thuận. Khi tiếp thu trong tình trạng quân quản, ông Tám
Hà việc đầu tiên là tìm đến nhà ông Mười Quân. Tám Hà trong bộ trận đầu đội nón
cối ngồi trên chiếc xe molotova dừng lại trước ngôi biệt thự, hỏi thăm người
nhà mới biết ông Mười Quân đã biệt tăm. Ông Tám Hà muốn trả lời ông Mười Quân
chính ông là người thực hiện vụ khủng bố trong rạp hát mấy mươi năm về trước.
Khi đó Tám Hà chỉ là một
thành viên trong ban Ám sát của Việt Minh. Chủ đích là ám sát tên Sứ đứng đầu
chính quyền thực dân Pháp. May thay trái lựu quăng trúng ngay chỗ ông Sứ ngồi
nhưng không nổ. Liên tiếp trái thứ hai lạc mục tiêu, nhằm ngay chỗ ngồi của con
ông Mười Quân. Cái chết bi thảm của thằng bé vô tội đã làm ray rứt lương tâm bao nhiêu năm trong
lòng Tám Hà. Sau ngày đó ông chuyển qua bộ đội chính quy.
Ngày ấy ông Mười Quân đã
nhận diện ngay thủ phạm khi biết lai lịch về trái lựu đạn tự chế, không ai
ngoài ông Tám Hà.
Hai người sinh ra từ một
thôn làng, lớn lên học cùng trường cùng chơi trò đánh giặc giả, cùng thích làm
kẻ chỉ huy của phe đối nghịch
nhau, những trái lựu đạn giã do Tám Hà nắn từ đất sét nung đỏ bên trong là tro
trấu, ném vào Mười Quân làm bụi bay mờ mắt.
Trò chơi đánh giặc giã
ngày xưa sao lại thành sự thật vận vào đời họ.
Trước xác chết của đứa cn
trai Mười Quân nuốt hận thề sẽ lùng bắt cho được Tám Hà. Con trai ông đâu có
tội tình gì. Khi trong tay ông có cả một trung đoàn quân tinh nhuệ với khí giới
tối tân ông đã đích thân chỉ huy tiến vào sào huyệt nơi Tám Hà chiếm đóng hùng
cứ với cả một sư đoàn quân gan dạ.
Ngược lại, ông Tám Hà nghĩ về Mười Quân ngày
ấy là kẻ tiểu nhân trong vụ xử tử 6 ngươi tù trước cổng chùa. Những người này là nạn nhân
do Mười Phục chụp mũ bắt bớ, giao cho Mười Thừa tra tấn dã man buộc họ phải
nhận tội làm Việt Minh. Còn việc xử tử họ người dân nơi đây nghĩ đó là việc trả
thù cho cái chết của con mình. Tất cả tội ác đó đổ lên đầu ông Mười Quân, gây
nên những ân oán giang hồ cùng những kết cuộc đau thương. Tiểu biểu nhất chiếu
vào đời Huy con gái ông Mười Quân những năm sau đó.
Ngày chia đôi đất nước
1954, tiếp đến tại miền Nam trong cuộc trưng cầu dân ý, vua Bảo Đại chấm dứt
một triều đại nhà Nguyễn, miền Nam mở đầu nền Cộng hòa với Tổng thống đầu tiên.
Người Pháp hoàn toàn rút lui, thị xã nhỏ này phát triển thành trung tâm Tỉnh
lỵ. Bên cạnh ông Tỉnh trưởng người Huế mới được bổ nhiệm về, ông Mười Quân đã
lên chức đại úy trong quân đội Quốc gia, đồn trú tại biên phòng bảo vệ an ninh.
Gia đình ông vẫn sống trong ngôi biệt thự cũ.
Lúc này trường học được ưu
tiên mở rộng. Lần đâu tiên, một ngôi trường trung học được xây cất khang trang,
trên khoảng đất rộng, học sinh được kén chọn qua một cuộc thi vào lớp đệ thất.
Đến vài năm sau trường mới đủ 4 lớp Trunng học đệ nhất cấp. Trong số những học
sinh đầu tiên của trờơng có chị em tôi và Huy, con gái ông Mười Quân.
Buổi trình diễn văn nghệ
đặc biệt mùa hè để học
trò cuối cấp chia tay. Khán giả phần
đông là phụ huynh học sinh, nhà kinh doanh lớn nhỏ trong tỉnh. Dưới khán đài, ở hàng
ghế danh dự có bà Hương, một nhà kinh doanh nổi danh, mẹ của Tân. Sau cái chết bi thảm
của người chồng, một trng 6 người bị hành hình sau cổng chùa, người vợ ôm hận
trong lòng về kẻ đã xử bắn chồng mình. Sau khi biết đích xác Huy là con gái của
ông Mười Quân, cô gái thường đến nhà bà cùng tập dợt văn nghệ với Tân con trai bà mà cả học sinh trong
trường đều xem hai người đó là một cập tình nhân dễ thương và trong sáng. Trước
đó bà đã từngdành tình cảm thân thương và chấp nhận Huy sẽ làm con dâu mình
trong tương lai. Bà đã thay đổi hoàn toàn thái độ, bà kịch liệt ngăn cấm Tân
đên với Huy. Bà dùng những lời lẻ xúc phạm đến Huy để làm Huy tự ái. Tân chấm dứt chuyện
tình tuổi học trò như trong vở kịch mà hai người là nhân vật chính bằng cách
anh xung phong tình nguyện vào lính biệt
động quân. Kết cuộc Tân hy sinh trong một cuộc chiến khốc liệt. Huy đau khổ ray rứt suốt đời.
Về sau Huy mới biết đích
xác kẻ ra lệnh vụ hành quyết cha của Tân chính là tên chánh Sứ thực dân Pháp
thời đó như một lời cảnh cáo đến với sự có mặt của Việt Minh trong xứ này. Mẹ
Tân cũng nhận ra điều này nhưng quá trễ. Bà ân hận là trước đó mình suy diễn sự
việc quá hồ đồ như những người ngoài cuộc chứng kiến hành hình năm xưa.
Hai người bạn già, trong
chiến tranh họ từng là kẻ thù, bây giờ trong thời bình, họ ngồi lại với
nhau nhắc lại chuyện xưa với những lỗi lầm của một thời, họ như những con rối
quay cuồng trong guồng
máy mà lịch sử đã chọn họ. Thấm thía nỗi đau một thời đã qua. Hận thù gây nên
chiến tranh đã che mắt họ làm họ mù quáng không biết đường ra.
Ngày ông Quân vĩnh viễn
rời khỏi cõi đời này Huy từ Mỹ mang hủ đựng hài cốt theo lời trối trăn của cha
mình về lại ngôi làng xưa. Những đám tro tàn tan tác rơi xuống dòng sông Dinh
như đón nhận linh hồn ông trở về mãi mãi với quê hương.
Cùng lúc ông Tám Hà cũng
ra đi vĩnh biệt cược đời, theo ý nguyện thiết tha của ông, được chôn cất tại
nghĩa trang trong một ngôi chùa bên dòng sông Dinh, như mọi người dân bình
thường. Tấm bia chỉ để tấm hình mặc áo trắng, mái tóc bạc, đơn giản vài dòng
chữ tên họ, quê quán, ngày sunh, ngày mất. Giã từ quân ngủ. Bỏ hết chức hàm,
huân chương.
Nếu có kiếp sau, cả hai
ông không bao giờ dám chơi trò đánh giặc giã nữa.
NGUYÊN MINH
Tháng 7/2021