Chào đời, tiếng ru ngọt ngào êm ái của
mẹ đưa ta vào giấc ngủ, mẹ dịu dàng dỗ ta từng miếng ăn, từng bước đi chập
chững, hát lời ru, kể chuyện ngày xưa….Từ ấy, ta đã biết thế nào là “TIẾNG”,
tiếng của mẹ, “TIẾNG NƯỚC TÔI!”…
Nhạc sĩ Phạm Duy, cây cổ thụ trong làng
âm nhạc Việt, viết nên nhạc phẩm “Tình Ca” bất hủ, mà mỗi lần ủ dột vì thân
phận đất nước, tủi nhục vì đội ngũ cầm quyền, tôi thường thầm cất lên câu hát
này, như một lời động viên, nhắc nhở mình!…
Có yêu tiếng nước mình mới yêu đất nước
mình. Có yêu đất nước mình mới yêu văn học mình. Có yêu văn học mình mới yêu
con người mình. Và có yêu con người mình mới biết yêu cha mẹ anh chị em vợ
chồng con cái, và mới biết yêu nơi mình đang sống, đó chính là tổ quốc, quê
hương!…
Đất nước, tình yêu, ngôn ngữ và chúng
ta, là một!….
Những năm đầu 90, tôi may mắn được đi
ra nước ngoài, ở nơi xa xăm lạnh lẽo như Phần Lan, Đan Mạch, được nghe một
người nói tiếng Việt, đọc một cửa hàng ghi chữ PHỞ!…, thấy vui sao, ấm áp sao.
Và những khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, thấy họ truy vấn những câu vớ vẩn đầy
khinh miệt, thấy đau buồn, bực bội làm sao! Ta, Việt Nam, bốn ngàn năm văn
hiến, hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Hơn một trăm lần thắng đuổi giặc
tàu. Ta, đã từng là Hòn Ngọc Viễn Đông đầu bảng Đông Dương, chỉ vì người chiến
thắng chọn sai con đường nên chậm lụt, nên lạc hậu, chứ dân tộc ta, tiếng nước
ta, dũng mãnh, hào hùng, các ngươi có quyền gì khinh bỉ?!?!…
Tôi đã từng vui buồn như thế với quê
hương!…
Học giả lỗi lạc Phạm Quỳnh có câu nổi
tiếng “ Tiếng ta còn, nước ta còn”. Vâng, 1000 năm bị Hán tộc xâm chiếm, văn
hoá, chữ nghĩa bị chúng xoá bỏ, Hán hoá tất cả, nhưng người Việt chỉ nói
tiếng Việt, nên…NƯỚC TA CÒN! Tổ tiên ta loay hoay tìm chữ viết thoát chữ tượng
hình của Trung Hoa, mãi đến thế kỷ 18 mới được món quà tặng vô giá của các giáo
sĩ người Pháp khi đồng bộ được tiếng Việt với chữ Việt Latin. Đến đây thì ta đã
hoàn toàn độc lập về ngôn ngữ và những dòng chữ tha thiết “ Tôi yêu tiếng nước
tôi từ khi mới ra đời người ơi…” lại càng thiêng liêng cao quí!…
Càng yêu tiếng nước tôi, càng yêu tiếng
Việt tôi, lại càng trân trọng “tình quê hương” trong gia tài âm nhạc đồ sộ của
nhạc sĩ Phạm Duy. Ta cũng cám ơn đất trời và cũng cảm ơn ông đã “dinh tê” về
làng, dứt bỏ “chủ nghĩa” vào Nam để còn được sáng tác những tình tự quê hương,
tình yêu con người, làm giàu văn hoá Việt. Chứ biết bao nhân tài văn hoá khác
đã bị vùi dập một cách bạo tàn để sống mà như chết, như con chim trong lồng chỉ
hát khi người ta cho ăn, chỉ múa khi người ta ra lệnh…
Miền Bắc ngoài đó không thiếu những tài
năng âm nhạc. Tôi nghe “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du có giai
điệu thật đẹp, khi mượt mà, khi hùng tráng, mà lời thì thật là thất vọng, chỉ
có ý nghĩa giai đoạn một thời. Hãy nghe Phạm Duy trong “Việt Nam! Việt Nam!”
“Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam, Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa
đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình
người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời”
Một bản nhạc nhịp đi gọn gàng, mỹ lệ và
hào sảng, xứng đáng chọn làm quốc ca…
Mỗi lúc buồn ủ dột vì đất nước bị thằng
Tàu Cộng lấn lướt, tủi nhục vì đội ngũ cầm quyền yếu mềm, tôi thường thầm cất
lên “TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI TỪ KHI MỚI RA ĐỜI…” để nhắc nhở mình, tiếng ta còn
đó, nước ta còn đó. Để nghe vang vọng đâu đây tuyên ngôn độc lập của Lý
Thường Kiệt, hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại
cáo của Nguyễn Trãi và lời tuyên bố hùng hồn của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. “
Đánh cho chúng biết Việt Nam anh hùng tri hữu chủ!”….
Nguyễn Quang Chơn
12.9.21
Nhân 100 năm ngày sinh Phạm Duy