1.
Sau
mùa thu 1968, chúng tôi vỡ ổ. Đúng nghĩa là vỡ tan tành cái ổ bạn bè thời trung
học. Đoàn Văn Khánh đi lính ở Đồng Tháp, Lê Ôn Vũ vào Không Quân, Vũ Công An
Khang đi du học, Lâm Văn Sang tốt nghiệp Sư Phạm về dạy ở Vĩnh Long….Năm sáu
năm sau mới gặp lại lúc đứa này lúc đứa khác, tất cả đều già dặn đi và trầm lắng
hơn nhiều. Có lần, Sang ôm đàn hát một ca khúc, mà Sang nói là của một người bạn
học chung Sư Phạm nay đang đi dạy ở Saigon, ca khúc hồn nhiên sót lại của tuổi
học trò, chẳng còn nhớ ca khúc tên gì, tác giả thì chỉ còn nhớ họ Vũ, tên cũng
quên rồi, bài hát về Mùa Thu , hay bài hát về cô Thu?
Hôm
nay trời vào thu
Trời
mặc áo sương mù
Em
đi tà lụa phô
Bay
vờn bay trong gió
Anh
nghiêng đầu song thưa
Trường
về mắt trông chờ
Yêu
em và yêu Thu
Nên tập
tành anh nói yêu mùa Thu.
Hai
hôm rồi nghỉ học
Thư
viết làm sao đưa
Thu
không mặc áo lụa
Chỉ
có áo thu mưa
Thu
không mặc áo lụa
Chỉ
có áo len sơ
Áo len cho người bệnh
Mặc đỡ rét tương tư.
Tương tư là tương tư
TRường về anh ngẩn ngơ
Bao
nhiêu cô học trò
Cười
trong mắt vô tư
Thu
ơi là ơi thu
Trường
về mắt trông chờ
Yêu
em và yêu thu
Nên
ngàn đời anh nói yêu Mùa Thu.
Lời
nhạc quấn quýt giữa con gái, tà áo lụa và mùa thu , bản nhạc không vui (Tất
nhiên rồi) mà lại cũng không buồn, như cánh chim bay chuyền cành, có chút nhí
nhảnh và có chút bâng khuâng. Bản nhạc lập tức cuốn hút tôi, nghe lại lần nữa
và thuộc lòng. Sau 1975, Lâm Văn Sang kết hôn với cô giáo cùng trường rồi vượt
biên, bản nhạc vẫn quanh quẩn với tôi và bỗng thành trò chơi khi bắt đầu đoạn
điệp khúc bằng tiếng ơ ơ kéo dài ….
Áo
len cho người bệnh
Mặc
đỡ rét tương tư.
Ơ…..
Tương
tư là tương tư
Trường
về anh ngẩn ngơ.
Khi
đem ra hát cho nhóm bạn bè Thanh Ca như
Bùi Công Băng, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, tới đoạn giữa cả nhóm hét lên
…Ơ….Tương tư là tương tư…kỷ niệm và nhớ quá.
2.
Thế
rồi cả gần 50 năm sau, có lần một người bạn nhạc sĩ rủ tới nhà chơi uống rượu
xem Hoa Cúc vào mùa thu đến trên đất Mỹ.
Cuối
tháng 9, qua đầu tháng 10, thời tiết biến chuyển kỳ lạ, mấy ngày trước còn hừng
hực nóng, ngồi trong xe như ngồi trong một nồi hầm, bước ra khỏi xe, như chạm
vào lò lửa, thế mà tối thì nhiệt độ xuống thấp cả năm bảy độ, ngày hôm sau , xuống
nữa, chỉ vài ngày là đã lành lạnh hơi thu. Phú rủ tới nhà chào đón những ngày
êm mát của đất trời. Khi đã chập tối, phòng khách còn lại khoảng hơn mười người,
Phú dạo đàn và hát vài ca khúc về thu như Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn Từ Linh,
Thu Vàng của Cung Tiến và mời gọi mọi người ngâm thơ hát nhạc chung vui.
Có
người ngâm thơ, có người hát nhạc, Phú quay lại tôi mời góp vui. Tôi ngại ngần
tìm bài, bỗng dưng như một thói quen gợi nhớ mỗi độ thu về, tôi nhờ Phú tìm
tông và điệu nhạc và ngân nga lại một ca
khúc không biết tên gì và của một người …cũng chẳng biết là ai.
Bài
hát hát lại hai lần, bỗng nghe có tiếng thổn thức, mới đầu nhè nhẹ sau bật
thành tiếng khóc từ góc phòng.
Phú
sửng sốt, dừng đàn quay lại nhìn người phụ nữ đang dụi mắt ở góc phòng: Chuyện
gì vậy chị Thu?
Người phụ nữ tên Thu lắc đầu, đứng dậy rời chỗ ngồi, đi lên lầu. Tôi hỏi Phú:
-Ai vậy?
– Bà chị ruột của mình, mới từ Canada qua chơi.
-Tại
sao khóc? Tôi có làm gì xúc phạm không?
Phú
lắc đầu, làm gì có, Bả góa chồng đã lâu và hay bị kích động khi nhớ kỷ niệm nào
đó, thôi bỏ qua đi, nào chúng ta uống nữa
nhe.
Nhưng
buổi tiệc đã như lắng xuống chẳng ai còn muốn nói gì thêm, chia tay mà ai cũng
buồn, cái buồn mênh mang chẳng biết vì sao lại buồn.
Hôm
sau, Phú gọi điện cho tôi mời tới nhà : Chị Thu muốn hỏi anh cái gì đó mà tôi
dò hỏi chị không nói. Chị ấy nói rằng nếu không làm anh phiền thì mời anh đến
chơi , gặp mặt trước khi chị ấy về Canada.
Tôi
đến ngay, trước mặt tôi là một phụ nữ đứng tuổi, tầm thước và rất đẹp dù tuổi
tác có làm thêm vài nét nhăn trên khóe mắt, tia nhìn dịu buồn và thân thiện,
khi chị đứng dậy bước vào bếp lấy nước trà và dĩa bánh Trung Thu bày ra trên
bàn, bước đi thanh thoát và quý phái dù trang phục đơn sơ. Chị nhẹ nhàng mời,
Bánh này là do tôi làm, Vợ chồng Phú vẫn cứ thích lối làm bánh dẻo của tôi, nên
ép tôi làm cho dịp Trung Thu này, mời anh ăn thử…
Tôi
cám ơn và ngồi xuống chờ đợi, tôi biết những lời nói vừa rồi chỉ để chuẩn bị
cho một câu hỏi gì đó, mà câu hỏi chắc chắn liên quan tới tiếng khóc bất ngờ
hôm trước và ca khúc tôi hát góp vui bất ngờ. Sau cùng, sau khi đối diện im lặng
khoảng năm ba phút. Chị hỏi tôi
-Anh
ấy bây giờ ở đâu?
-
Anh ấy …anh ấy nào?
-
Người viết ca khúc Về Thu đó.
-Đó
là bài Về Thu à? Đây là lần đầu tôi nghe tên bài hát này. Tôi không quen với
anh ta. Bài hát là do một người bạn của tôi là Lâm Văn Sang hát cho tôi nghe,
tôi thích, nhớ và hát lại. Theo Sang nói tác giả tên Vũ, là bạn cùng học với
Sang ở Saigon.
- Học
Đại Học Sư Phạm Saigon.
-
Đúng rồi, sao chị biết?
-
Anh ta không phải tên Vũ mà là họ Vũ, Vũ Đình Tuấn, học Đại học Sư Phạm Saigon
ra trường năm 1974 và dạy tại Gò Vấp.
Tôi
sửng sốt, thì ra chị quen với Vũ Đình Tuấn?
Chị
Thu nâng tách trà, nhắp một chút, bỏ xuống, đưa mắt nhìn ra cửa sổ, nói nhè nhẹ…
-Tôi là Thu. Tuấn là người miền Bắc di cư vào nam, nhà chỉ có hai mẹ con, Mẹ Tuấn bán trái cây ở chợ Gò Vấp nuôi Tuấn ăn học, cho tới lúc tốt nghiệp Đại Học được may mắn về dạy gần nhà. Chúng tôi đều tha thiết mong chờ ngày hai đứa được sống mãi mãi mãi bên nhau.
Tôi
quen Tuấn khi đang học lớp đệ nhị trường Lê Văn Duyệt. Tuấn học năm thứ hai Sư
Phạm, mỗi chiều về, trên chiếc xe đạp của Tuấn chúng tôi đã biết thế nào là gió
vờn trên má, lá rơi trên tóc, Tuấn dừng xe bên lề công viên hát những ca khúc hồn
nhiên và ước hẹn những ngày thiên đường. Nhưng cuộc chiến tranh kết thúc đã
không phải là những ngày của hòa bình. Mỗi gia đình rơi vào một hoàn cảnh khác
nhau. Hoàn cảnh nào cũng xót xa và hoàn cảnh nào cũng khắc nghiệt.
Trước
nhất kể về gia đình Tuấn, Nhà chỉ có hai mẹ con, mà buôn bán nhỏ, Tuấn lại là
Giáo Sư trung học, nhưng chỉ vì nhà là một căn nhà mặt tiền vị trí đẹp, họ đã
tìm cách kết cho Tuấn một tội trạng vu vơ rồi đuổi không cho Tuấn dạy, và ép
hai mẹ con đi kinh tế mới để tịch thu nhà. Giữa lúc ngặt nghèo, Mẹ Tuân lâm bệnh
và đột ngột từ trần. Tuấn bỗng dưng thành vô gia cư, không nghề nghiệp, chao đảo
tuyệt vọng, thì gia đình tôi cũng bị đẩy vào tuyệt lộ. Khi không còn tìm được
niềm tin vào cuộc sống tương lai cho đám con mới lớn, Cha tôi dắt vợ con tìm đường
đi vượt biển.
Tôi
chỉ biết khi Ba gọi các con vào căn dặn
thu dọn quần áo, 5 giờ sáng sẽ ra xe đi Cà Mau ăn đám cưới. sau đó sẽ đi xa.
Khuya
hôm đó, lúc gia đình đã ngủ, tôi lén mở cửa chạy bộ tới nhà thờ Hạnh Thông Tây.
Tôi biết Tuấn đi đâu đó ban ngày để tránh né công an, nhưng khuya sẽ về ngủ góc
nhà mồ trong khuôn viên nhà thờ….khuya , khuya lắm, trời tháng 11 lạnh buốt,
gió rì rào và âm u giữa hai ngôi mộ lớn, tôi có khép mình lại chờ đợi… Cho tới
lúc, ngoài đường có tiếng xe xích lô chở hàng hóa bán sớm ở khu chợ bên kia đường, và thấp thoáng đã có
người bán hàng lục tục đi qua đi lại.
Tuyệt vọng , không chờ được, tôi mới bỏ về nhà.
Tôi
đi tìm Tuấn giữa đêm chuẩn bị ra đi đó để
làm gì? Tôi không đoán định được. Nếu gặp Tuấn thì sao? Tôi có thể nói với Tuấn lời tạm biệt và hẹn sẽ gặp lại sau này, hay sẽ bỏ tất cả để ởi lại với Tuấn rồi không biết sẽ ra sao ,
hay sao nữa…Nhưng chỉ biết là lòng đầy tiếc nuối, chúng tôi yêu nhau đã bốn
năm rồi, chưa bao giờ vượt vòng lễ giáo nhưng đã nguyện trọn đời trao gửi cho
nhau. Tuấn mềm mỏng, khiêm cung, nhưng là người tự trọng, quốc biến gia vong đã
đẩy anh vào tuyệt lộ nhưng anh cam chịu và
tự cố vượt thoát đi lên. Tôi còn quá trẻ và non nớt chưa biết tính cách nào để
giữ được nhau trong đời.
Chuyến
đi của gia đình tôi quá nhiều bi thảm, ghe hư, biển động, đói khát và bị cướp biển, trên ghe năm sáu chục người, sau chót chỉ còn mười mấy
người, Cha mẹ tôi chết mất xác trên biển, tôi thì bị…Tôi chỉ muốn nhẩy xuống biển
chết theo cha, nhưng nhìn lại còn thằng em trai , Phú lúc đó mới 12 tuổi, bị
đánh nằm ngất trên sàn máu trào đầy ngực không biết sống chết ra sao nên không
đành lòng tự vận. Lúc đó, người đàn ông bị
cướp đá văng xuống biển lại bám được thành ghe trèo lên còn sống sót, Anh ta
giúp những người còn lại phục hồi chút xíu và ôm lấy tôi an ủi và thú thật
lúc đó, không có anh ta, có lẽ tôi chẳng có bây giờ. Khi lên được đảo, Nam là
chỗ dựa duy nhất cho chị em tôi. Nam nói với tôi rằng: Những gì kết được với
nhau từ đáy vực, thì sẽ giữ được nhau khi lên đến bến bờ. Anh yêu em vì nghị lực
và tình yêu của em dành cho gia đình, nên anh anh tin rằng nếu anh trở thành
người Gia Đình của em, anh cũng sẽ được nhận những tình chung thủy đó. Anh cũng đã mất hết người thân, bây giờ chỉ
còn ba chúng ta giữa thế giới mênh mông và xa lạ, em nghĩ thế nào khi chúng ta
đến với nhau?
Tôi
không thể quên Tuấn, nhưng bây giờ biết Tuấn ở đâu? Chỉ còn Nam với từng cử chỉ chăm sóc, an ủi và sẻ chia.
Tôi và Nam lấy nhau khi ở đảo và về định cư ơ ở Mỹ từ năm 1980.
Tôi
có với Nam hai người con, người con lớn thú thật tôi không biết chắc có phải
con của Nam hay không, nhưng cho đến cuối đời, Nam vẫn dành toàn tâm toàn ý
chăm lo gia đình yêu thương vợ con hết lòng, nuôi em Phú ăn học và xây dựng gia
đình như người anh ruột, thương yêu hai con đồng đều . Nam mất mấy năm nay rồi. Tôi hiện ở với gia đình
con gái ở Canada.
Còn
Tuấn, không có tin tức gì đáng tin cậy. Một bạn học của tôi nói rằng có gặp Tuấn ở Mỹ nhưng không trò chuyện được. Một bạn học khác ngày xưa có quen với cả hai
đứa thì nói Tuấn ở Việt Nam, đang sống ở miền tây, có gia đình nhưng cũng không
bắt được liên lạc. Tôi với Tuấn thật ra cũng chỉ là tình xưa, mỗi người đã có một
đời cách biệt. Tôi không có tin tức
chính xác nào về Tuấn, và Tuấn có lẽ cũng chẳng có tin tức chính xác nào về
tôi.
Hay
nếu có mà Tuấn cố tránh tôi, lại càng làm cho tôi tin rằng dấu ấn của nhau vẫn
còn trong trái tim mỗi người.
3
Những
ngày đầu tháng 10 ở vùng Hoa Thịnh Đốn này hiu hắt gió lạnh, chưa có lá vàng rụng,
nhưng đã vàng rực cả chân trời, Ngồi trong phòng khách nhà Phú, nhìn xuống phía
chân đồi của vùng Annandale xanh rì cỏ non và lối đi bộ ngoằn nghèo quanh những
thân cây phong già úa, tôi chợt cảm thấy lạnh.
Chị
Thu đưa tay mời nước và ăn bánh. Chị nói, anh có thể hát lại cho tôi nghe bài Về
Thu đó không? Tôi quay lại nhờ Phú dạo đàn lấy tông và nói:
-Bài
này khi tôi biết và hát, thì không biết tên nó là Về Thu, và không biết bài này
là ca khúc tình yêu của tác giả nói về người tình tên Thu của mình, bây giờ
biết rồi, thì tôi sẽ gọi bài này thành một tên khác đó là “ Thu ơi là ơi Thu” và chỉ hát lần này
là lần cuối. Từ nay ca khúc này tôi sẽ quên đi, bởi vì nó thuộc về một Người, một người duy nhất ,
và tôi xin thay mặt một người Bạn của Bạn tôi, hát tặng chị Thu của “Thu ơi
là ơi Thu…”
Dường
như hát lần này, giọng tôi không còn hồn nhiên như những lần hát trước, và chị
Thu cũng không bật khóc như cách đây mấy hôm, mà chỉ thấy mắt chị đỏ hoe.
Khi kể câu chuyện này với một nhạc sĩ trẻ mới quen trên mạng: nhạc sĩ Cung Minh Huân, qua phone, tôi hát cho Huân nghe, và Huân đã ký âm lại bài hát, xin gửi kèm theo đây với lời nhắn: Vũ Đình Tuấn ơi, nếu cơ duyên nào bạn đọc được những dòng chữ này, thì hãy nhớ rằng tình yêu của bạn, ca khúc của bạn vẫn có người còn nhớ dù đã 50 năm nhé.
Nguyễn
Minh Nữu.
Virginia, 6/10/2021.