Văn
Học Press
22
Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email:
vanhocpress@gmail.com
• Facebook: Van Hoc Press
PR 09/20/2021
SÁCH
MỚI
Trân
trọng giới thiệu:
CHÀNG NHO SINH
DƯỚI GỐC TÙNG
thử bút & xuôi dòng
L Ữ K I Ề U
VĂN HỌC PRESS xuất bản,
2021
Tựa:
Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc
Bạt:
Nguyên Minh – Cao Kim Quy – Trần Thị Nguyệt Mai
Tranh bìa:
Lữ Kiều
Thiết kế bìa:
Lê Giang Trần
@@@
Sách đã có bán trên
BARNES & NOBLE:
Giá:
US$18.00
Xin
bấm vào đường dẫn sau:
Chang
nho sinh duoi goc tung by Lu Kieu, Paperback | Barnes & Noble®
(barnesandnoble.com)
Keyword:
Chang nho sinh duoi goc tung
@@@
TỰA
TÔI
CŨNG TIN NHƯ VẬY…
Đỗ
Nghê Đỗ Hồng Ngọc
Hơn bốn mươi năm cầm bút, chàng
“nho sinh” kia vẫn chỉ có mỗi một việc để làm, miệt mài, không mệt mỏi, ấy là thử
bút. Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm
nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà còn
ngập ngừng, rồi thè lưỡi liếm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn
quít vào nhau, cho nhọn hoắt lại như gom nội lực vào nhất điểm; rồi thận trọng,
nhẹ nhàng chàng nhúng bút sâu vào nghiên mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán, rút
nhanh ra rồi chắt vào thành nghiên, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực
túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một
nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định
thần, lim dim, rồi phóng bút… Chàng “nho sinh” mỉm cười khoái trá, trút
đi gánh nặng ngàn cân, kiệt sức, nhanh tay nhúng bút vào lọ nước trong… Những
giọt mực thừa rơi lả tả…
Thử bút, không phải tùy bút,
không phải tản mạn, không phải tạp văn… Nó ùa ra, nó túa ra, có lúc tòe loe, có
khi hụt hẫng, những cảm hứng, những ngẫu hứng, những xúc động bất chợt, như
không kềm chế được…
Bạn tôi, Lữ Kiều
Thân Trọng Minh, con mắt thầy thuốc đắn đo, cái hồn thi sĩ mang mang, trái tim
hiền triết đông phương. Tuổi đôi mươi tự vấn văn chương, số phận, ý nghĩa đời
người… Rồi “xuôi dòng” với bao bờ bến lạ. Có những phút tưởng thoát ra được. Giằng
xé, hoang mang. Cuối cùng vẫn không thoát. Chàng vẫn là kẻ chỉ sống với cảm
tính, viết với cảm tính, nếu có nhận ra một điều gì đó như là một khẳng định
thì ấy chính là “chỉ có văn nghệ là vượt
thoát, là giúp con người tử tế với nhau”. Chàng thổ lộ:
Thuở đôi mươi chữ nghĩa đã mê hoặc tôi… cho đến khi
hiểu ra, cuộc sống vẫn hồn nhiên trôi đi. (Lãng ca, 1982)
… chúng tôi không còn trẻ, quỹ thời gian của đời người
đang hồi vét cạn. (Tự tình, 2001)
Khi nói về thơ, thứ mê hoặc hơn tất cả những mê hoặc,
chàng cũng đã nhận ra của hôm nay và ngày tháng cũ:
Thơ bấy giờ là bài ca mê muội của lòng say đắm, có
cái thất thanh của tiếng vỡ thủy tinh nhưng cũng đâu đó đã có cái bồi hồi im lặng
của giới hạn.
… những điều tưởng như rất cũ xưa kia, giờ đây đã
khác. Đã có sự giả hình, lòng khinh bạc, có cả sự thù hận lẫn trong tình thương
yêu…
Những cuộc chia tay, những lần phụ tình, thấy lòng
nghèo đi những xúc động cũ. Mới hoảng hốt thương mình đã sống quá xa đường hẹn
ước… (Lãng ca, 1982)
Chàng không viết “những lần tình phụ” mà viết “những
lần phụ tình”. Tôi thích cái cách viết của bạn tôi, khẳng khái, của một tâm hồn
hào hoa mà nhân bản. Nhưng điều đắng cay đọng lại trong chúng tôi chính là “thấy
lòng nghèo đi những xúc động cũ… hoảng hốt thương mình đã sống quá xa đường hẹn
ước.”
Bởi đã có một thời chàng hùng hồn như đứng giữa đời
mà hét: Con dế mèn có thể hát để mà hát
nhưng tôi không thể viết để mà viết. Đó là những phút rời bỏ viễn mơ, thấy
con đường trách nhiệm của người trí thức, thấy cần thiết một dấn thân.
Phải, nhưng rồi chàng đành thú thật: Đời sống trở
nên đầy ắp giằng co. Sự giằng co giữa hai người trong một tấm thân làm ta kiệt
quệ!
Đó chính là sự giằng xé giữa lý trí và cảm xúc để cuối
cùng chỉ còn “chừa lại một sợi khói phù du”. Vâng, chính là sợi khói phù du đó
mà ta “ưng tác như thị quán!’.
Đọc Lữ Kiều, thấy có những lúc ngọn bút của anh như
những nhát dao phẫu thuật, sắc cạnh và chính xác; lại có những lúc như những
nhát cọ mơn man, đắm đuối…
Tôi thương bạn như thương chính mình, cùng những anh
em bạn bè mình một thuở khôn nguôi. Chàng như vùng vẫy giữa trùng vây của ngã nhân chúng sanh thọ giả, để rồi hốt hoảng
nhận ra mình đang cheo leo: “Tôi vẫn thường
ngồi thâu đêm, suy nghĩ và không suy nghĩ. Thời gian qua đi, tôi chiêm nghiệm
được thời gian trên từng phân vuông da thịt, bởi khi người ta già, ta nhạy cảm
với cái chết của từng tế bào trong cơ thể, vô hình nhưng có thật”. (Con đường
nhan sắc, 1990)
Đó là những lúc bạn bè về trong trí nhớ, và đôi mắt
nhung ai kia đã từng dòng lệ nhỏ, một chiều cuối năm hun hút nơi đầu hẻm cụt phố
phường:
Bạn cũ gọi về trong trí nhớ
Lá vẫn bay và ta cuối năm
Đôi mắt nhung đen hàng lệ nhỏ
Thì thôi lá chọn đất ân cần.
Bạn cũ. Đất. Ân cần. Đó là tất cả những gì còn lại
trong người đàn ông 60 chiều cuối năm. (Gió Mai, những ngày hoang dại).
Đọc Lữ Kiều, thương một thân phận. Cảm được cái chán
chường, cái đắng cay lạ lùng không nói hết, không nói được. Tôi rưng rức nhớ
hình ảnh buổi chiều, anh ngồi bên tôi ở một quán riêng. Để ánh sáng hắt từ phía
sau lưng mình, không như thường lệ, chàng buồn bã nói với tôi về chiếc lá bàng
đỏ hun hút cuối hành lang của một phòng thí nghiệm, ở đó, một người bạn chung của
chúng tôi là bác sĩ giải phẫu bệnh lý chuyên khoa về ung thư, đã mỉm cười cùng
chàng mà ánh mắt vời vợi xa xăm.
Với tôi, dẫu thế nào tôi cũng hiểu và thương bạn hơn
bao giờ hết: Khi tác phẩm đã hình thành,
mây tan, hồn tôi khánh kiệt. Bạn viết. Sự khánh kiệt nào cũng dễ thương,
như một buông xả. Bởi buông xả nào mà không khánh kiệt, phải không?
Tôi có một thói xấu là mỗi khi soạn chồng sách cũ,
giở lại những tờ thư xưa, những tấm ảnh hoen màu lại bần thần rã rượi, bị chìm
đắm cuốn hút vào bao nhiêu kỷ niệm lúc nào không hay, quên cả thở chánh niệm! Đọc
bản thảo THỬ BÚT của bạn, nhớ lời bạn dặn viết gấp mấy dòng mà đắm và sợ. Như
ngọn lửa ngún trong một gốc cây to, chỉ cần thổi vài hơi là đủ bùng cháy. Bùi
nhùi đâu mà sẵn sàng đến vậy?
Rồi bỗng lóe lên một niềm hy vọng mong manh khi bạn
tôi viết:
Tìm trong kinh Dịch, bèn đắc ý với một hào dương dưới
những hào âm, quẻ Phục đó!
Tôi cũng tin vậy.
(8/2006)