Giải
thưởng
và
các nhà văn, nhà thơ cộng tác
Phần
I
Người
ta thường dựa vào việc Phong Hóa Ngày Nay bút chiến với một số báo, để chỉ
trích Tự Lực văn đoàn có óc bè phái, chỉ tâng bốc những người thuộc phe mình và
chê bai những nhà văn nhà thơ ngoài nhóm. Nhưng đọc Phong Hóa Ngày Nay, sự thực
không phải như thế. Việc bút chiến có gây ra một số điều đáng tiếc, nhưng không
ảnh hưởng đến chủ trương quy tụ tài năng và khám phá những ngòi bút mới của Tự
Lực văn đoàn; họ đã tập hợp được số lượng văn nghệ sĩ đáng kể, và khám phá ra
lớp nhà văn trẻ, nhiều người thành danh nhờ Tự Lực văn đoàn.
Thơ
mới
được Tự Lực văn đoàn khởi xướng và phổ biến, tạo thành một phong trào mạnh mẽ
với những tên tuổi lần lượt xuất hiện trên Phong Hóa Ngày Nay như Thế Lữ, Vũ
Đình Liên, Phạm Huy Thông, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn Văn Cừ, Huyền
Kiêu, Tế Hanh, Anh Thơ…
Vũ
Ngọc Phan khi soạn Nhà văn hiện đại, phần 1932-1940, và Hoài Thanh, Hoài
Chân, khi soạn Thi nhân Việt Nam, phần lớn đều dựa vào những tên tuổi đã
nổi tiếng trên Phong Hóa Ngày Nay để đưa vào sách của họ.
Sau
khi An Nam tạp chí đóng cửa hẳn, thi sĩ Tản Đà chuyển sang dịch thuật,
trong gần hai năm ông đã dành việc dịch thơ Đường cho tờ Ngày Nay, từ số 77
(19-9-37) đến số 152 (11-3-39), số nào cũng có một, hai bài thơ của Lý Bạch, Đỗ
Phủ… được dịch với lời Tản Đà và ông chỉ ngừng ba tháng, trước khi mất.
Về
tiểu thuyết và truyện ngắn, ngoài ba cột trụ Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam,
Ngày Nay còn có những cây bút hiện thực xã hội không ở trong văn đoàn Tự Lực
như Trần Tiêu, Đỗ Đức Thu, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Vũ Trọng Can, các
kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, Vi Huyền Đắc… hầu như tất cả những nhà văn này đều
bắt đầu sự nghiệp trên Ngày Nay. Đỗ Đức Thu, Nguyên Hồng và Nguyễn Bính là
"sản phẩm" của giải thưởng Tự Lực văn đoàn.
Nhóm
Xuân Thu Nhã Tập, gồm sáu thành viên, thì bốn người "xuất thân" từ
Phong Hóa Ngày Nay là Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân
Khoát, chỉ có Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Lương Ngọc "ở ngoài" vào
sau.
Những
văn nghệ sĩ trên đây, đã lần lượt cộng tác với Phong Hóa từ số 16 (12-7-36);
những người trẻ hơn xuất hiện trên Ngày Nay, có người ở lại đến số 224 (7-9-40)
là số cuối cùng, chứng tỏ một sự hợp tác trung thành. Được như thế, có lẽ bởi
vì Tự Lực văn đoàn, không những mở đường cho nền văn chương hiện đại, mà còn
lấy sự nâng đỡ và khuyến khích tài năng làm mục đích mà giải thưởng Tự Lực văn
đoàn là một thành quả.
Chương
này chúng tôi sẽ chia làm hai phần:
Phần
I: Giải thưởng Tự Lực văn đoàn và các nhạc sĩ, thi sĩ cộng tác
Phần
II: Các nhà văn cộng tác
Giải
thưởng Tự Lực văn đoàn
Giải
thưởng Tự Lực văn đoàn được quyết định năm 1934, phát lần đầu năm 1935, và sau
đó còn có hai lần nữa là 1937 và 1939.
Giải
thưởng Tự Lực văn đoàn được công bố trên Phong Hóa số
99 (25-5-34) bằng những hàng sau đây:
"Giải
thưởng Tự Lực văn đoàn
(Năm
1935)
Bắt
đầu từ nay, Tự Lực văn đoàn đặt giải thưởng hàng năm để tặng những tác phẩm
(tiểu thuyết, phóng sự, khảo luận, thi ca, kịch, sử ký, vv…) có giá trị và hợp
tôn chỉ của đoàn.
Giải
thưởng năm 1935 sẽ tặng riêng tiểu thuyết:
Giải
nhất… 100 đồng. Giải nhì… 50 đồng.
Tiền
thưởng sách này lấy ở tiền lãi cuốn Nửa chừng xuân mà ông Khái Hưng đã
biếu Tự Lực văn đoàn. Nếu bán hết Nửa chừng xuân thì đủ tiền đặt giải
thưởng trong bốn năm năm, mỗi năm hai giải thưởng như trên. Trong một năm, nếu
không có cuốn sách nào đáng thưởng thì giải thưởng đó để lại năm sau.
Và
chỉ thưởng những sách hợp tôn chỉ của đoàn, nên hội đồng chấm thi sẽ hoàn toàn
là người trong Tự Lực văn đoàn.
Cuốn
sách được thưởng vẫn thuộc quyền sở hữu của tác giả và được Tự Lực văn đoàn
nhận đặt dấu hiệu, nếu đó là ý muốn của tác giả.
Người
được thưởng không phải vì thế mà được nhận là người trong Tự Lực văn đoàn.
Người
trong Tự Lực văn đoàn không được phép dự thi. (Phong Hóa số 99,
25-5-34).
Bảng
Tôn chỉ Tự Lực văn đoàn trên Phong Hóa số 87 (2-3-34) có mấy điểm chính:
-
Tự mình sáng tác chứ không phiên dịch sách nước ngoài.
-
Viết những sách có tư tưởng xã hội, làm cho con người và xã hội cùng tiến.
-
Theo chủ nghĩa bình dân, tức là soạn những sách có tính cách bình dân, không
trưởng giả.
-
Dùng lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho. Trọng tự do cá nhân.
Đây
là giải văn chương đầu tiên có tính cách quốc gia, vì dành cho người viết toàn
quốc (các thành viên Tự Lực văn đoàn không được tham dự), tác phẩm chưa in ở
đâu, do Tự Lực văn đoàn chấm giải, hướng người viết theo đường lối sáng tác mới
của văn đoàn.
Số
tiền 100 đồng tặng thưởng khá lớn với thời ấy. Lương tháng của nhân viên trong
toà soạn Phong Hóa như Thạch Lam, Thế Lữ là 30 đồng; lương thợ thuyền, nông
dân, khoảng 9, 10 đồng; cho nên phải đợi đến khi Nửa chừng xuân bán
chạy, mới có tiền đặt giải thưởng.
1-
Giải thưởng Tự Lực văn đoàn 1935
Phong
Hóa số 174 (14-2-36) công bố Kết quả cuộc thi sách của T.L.V.Đ năm 1935 như
sau:
"Không
quyển nào đáng được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn (giải nhất và giải nhì).
Vậy 100 đồng bạc thưởng chia làm bốn phần, mỗi phần 25 đồng, để tặng 4 cuốn
dưới đây:
Ba
của ông Đỗ Đức Thu, chef de station météorologique Vinh. [Trưởng
trạm khí tượng Vinh]
Bóng
mây chiều của ông Hàn Văn Lãng, 153 Route de Huế
[Phố
Huế] Hà Nội.
Bóng
ba người của ông Trịnh Huy Tiến, Prof. [Giáo
sư] 3 R. Lê Quý Đôn, Hà Nội.
Cô
Thủy của ông Nguyễn Khắc Mẫn, Directeur de
L’Ecole de Plein Exercice de Bình Gia, Lạng Sơn [Giám
đốc trường Thực Nghiệp Bình Gia, Lạng Sơn].
Đến
1er Mars xin lại toà báo lĩnh thưởng hoặc viết thư về để nhà báo gửi ngân phiếu
đi."
Ngày
Nay số 16 (12-7-36) đăng phần đầu truyện Ba của Đỗ Đức Thu, và ghi rõ:
truyện này đoạn đầu hay nhưng đoạn sau không hoàn hảo nên không được giải nhất.
Tóm
lại, trong bốn người được giải Tự Lực văn đoàn 1935, chỉ Đỗ Đức Thu sẽ thành
danh. Nguyễn Khắc Mẫn, sau viết thêm ba truyện ngắn in trên Ngày Nay: Ông
lão ăn mày, (Ngày Nay số 109, 8-5-38), Nồi cháo cua, (Ngày Nay số
110, 15-5-38), và Bà ký Đường, (Ngày Nay số 135, 5-11-38), cả ba đều chỉ
vào loại trung bình và tên ông sau cũng rơi vào quên lãng.
2-
Không có giải Tự Lực văn đoàn 1936 và 1938
Ngày
Nay số 27 (27- 9-36) và số 32 (1-11-36), đều quảng cáo: Năm 1936, chúng tôi đặt
một giải thưởng 100 đồng, để tặng những tác phẩm có giá trị, bất cứ về
loại gì. Đầu năm 1937, sẽ công bố kết quả. Và Ngày Nay số 58 (9-5-37) đăng mấy
lời "khất" sau đây:
"Cùng
các bạn có sách dự thi giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn năm 1936:
Vì
sách dự thi nhiều gấp đôi năm ngoái, lại vì ông Nguyễn Tường Tam ốm nên đến giờ
cũng chưa công bố được kết quả. Nếu các bạn xét rằng đọc hết 80 cuốn sách dự
thi mất ít nhất là 8 tháng chắc các bạn sẽ sẵn lòng tha thứ cho sự chậm trẽ đó.
Chúng tôi định đến 30 tháng 6 sẽ công bố kết quả cuộc thi Tự Lực văn đoàn."
Thạch
Lam phải đọc trên 80 tác phẩm, rút cục cũng không lựa được cuốn nào, nên không
có giải Tự Lực văn đoàn 1936. Rồi năm 1938 cũng sẽ không có giải thưởng, vì
không có sách hay, theo thông báo trên Ngày Nay số 146 (21-1-39).
3-
Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn 1937
Ngày
Nay số 80 (10-10-37), đăng Kết quả Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn
1937:
"Cũng
như năm trước, hội đồng giám khảo không lấy tác phẩm nào làm "Giải thưởng
độc nhất của Tự Lực văn đoàn". Vì trong những tác phẩm được giải, giá trị
không hơn kém nhau mấy, nên hội đồng đã chia làm hai giải thưởng.
A-
Giải thưởng về kịch năm 1937- 50 đồng: Kim tiền của Vi Huyền Đắc
B-
Giải thưởng về "phóng sự tiểu thuyết"-50 đồng: Bỉ vỏ của
Nguyên Hồng.
Giải
thưởng LD- 30 đồng: Nỗi Lòng tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn [LD
là giải thưởng của một bà vô danh tặng]
Được
hội đồng đặc biệt khuyến khích: Tâm hồn tôi, tập thơ của Nguyễn Bính.
Được
hội đồng chú ý, theo thứ tự:
1)-
Bốn mùa, tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Sơn.
2)-
Hai người trọ học, kịch của Đại Thanh
3)-
Hy sinh, tiểu thuyết của Phạm Ngọc Khôi
4)-
Ngược giòng, tiểu thuyết của Nguyễn Lân".
Trên
Ngày Nay số 81 (17-10-37), Thạch Lam viết bài Giải thưởng văn chương của Tự
Lực văn đoàn, năm 1937, để giới thiệu các tác phẩm được giải: kịch Kim
tiền của Vi Huyền Đắc, phóng sự tiểu thuyết Bỉ vỏ [cô gái ăn cắp]
của Nguyên Hồng và tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính được sự khuyến
khích của ban giám khảo. Thạch Lam cũng nói qua về bốn tác phẩm được hội đồng
chú ý, mỗi cuốn đều có nét riêng, nhưng "tiếc còn nhiều khuyết điểm
trong câu văn và cách diễn, khiến cho toàn thể không được hay", nên
không được giải, đó là : Bốn mùa, Hai người trọ học, Hy sinh và Ngược
dòng, và tác phẩm Nỗi lòng được giải L.D của một bà vô danh tặng.
Vi
Huyền Đắc viết kịch từ trườc, năm 1935 ông đã đăng vở kịch Kinh Kha trên
Phong Hóa, từ số 134 (30-1-35) đến số 138 (1-3-35). Nhưng chỉ khi vở Kim
tiền được giải thưởng Tự Lực văn đoàn, và sau đó, được đăng trên Ngày Nay
và diễn tại nhà Hát lớn Hà Nội, mới làm rạng danh ông. Nguyên Hồng lúc đó còn
trẻ lắm, sinh năm 1918, viết Bỉ vỏ khoảng 16, 17 tuổi, gửi sách dự thi
năm 1936, và được giải thưởng Tự Lực văn đoàn 1937, lúc 19 tuổi, rồi tiếp đó
hồi ký Những ngày thơ ấu, được đăng hàng tuần trên Ngày Nay với lời giới
thiệu hết sức ưu ái của Thạch Lam, mở đầu cho một tương lai sáng lạn. Hai tác
phẩm này sẽ trở thành chủ yếu trong sự nghiệp văn học của Nguyên Hồng. Sau này,
không biết vì Nguyên Hồng hay vì người ta tự ý viết tiểu sử Nguyên Hồng, sợ,
không dám nhắc đến giai đoạn Tự Lực văn đoàn, thực đáng tiếc và đáng trách.
Nguyễn
Bính cùng tuổi với Nguyên Hồng, sinh năm 1918, tập Tâm hồn tôi nhận giải
khuyến khích 1937 và sau đó thơ Nguyễn Bính được đăng trên Ngày Nay trong
khoảng hơn một năm, đến khi Xuân Diệu chính thức vào làm việc trong báo Ngày
Nay, thì không thấy Ngày Nay đăng thơ Nguyễn Bính nữa.
Trở
về giải thưởng Tự lực văn đoàn 1937, phụ trách giải này, không biết Thạch Lam
đã phải đọc bao nhiêu quyển sách dự thi? Nhưng chọn được ba tác giả đích đáng
như Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng và Nguyễn Bính, cũng bõ công. Cách làm việc cẩn
thận khi chọn lựa sách của một người có óc thẩm định văn chương cao như Thạch
Lam đã nâng giá trị giải thưởng Tự Lực văn đoàn và khi không có sách hay, không
tặng thưởng, cũng là một quyết định sáng suốt.
4-
Giải thưởng Tự Lực văn đoàn 1939
Vì
năm 1938, không ai được giải nên số tiền 100 đồng dành lại năm sau, thành 200
đồng. Trên Ngày Nay số 208 (18-5-1940), giải thưởng Tự Lực văn đoàn 1939 được
công bố với lời giải thích sau đây:
"Đáng
lẽ kết quả của Giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn năm 1939 đã tuyên bố
trong tháng Avril trước. Nhưng trong tháng ấy, Ngày Nay bị tạm đình bản, nên
đến nay mới tuyên bố được.
Ngày
4-Avril 1940, ban giám khảo của Tự Lực văn đoàn đã họp ở tòa báo Ngày Nay để
định giải thưởng. Sau hai ngày bàn cãi và lựa chọn, ban giám khảo đã định các
giải thưởng sau này".
Ngày
Nay bị "tạm" đình bản một tháng, không hiểu vì lý do gì.
Năm
1939, không có giải nhất, nên ban giám khảo chia làm hai giải đồng hạng:
a)
Làm lẽ, tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư
b)
Cái nhà gạch, tiểu thuyết của Kim Hà
Số
tiền tặng thưởng năm 1939 là 200 đồng, sẽ chia mỗi tác phẩm 100 đồng.
Về
thơ, ban giám khảo giữ lại hai tập: Bức tranh quê của Anh Thơ và
Nghẹn ngào của Tế Hanh. Để khuyếnh khích phái nữ, tặng Anh Thơ 30 đồng, còn
thơ Tế Hanh, nếu tác giả bằng lòng, sẽ chọn đăng trên Ngày Nay.
Trong
bài Những tác phẩm dự thí giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn 1939,
Thạch Lam nhận định như sau: mặc dù tình hình quốc tế khó khăn, số tác phẩm
gửi đến dự giải 1939 còn nhiều hơn hai năm 1937 và 1938, tiểu thuyết và thơ
ca nhiều nhất, nhưng không có "tác phẩm phê bình, khảo cứu hay tư tưởng".
Nhận
định thứ hai: "Xem hết cả các tiểu thuyết dự thí lần này (…) bao nhiêu
những cái sáo, trong cốt truyện cũng như trong cách viết, bao nhiêu những lề
lối, những mánh khoé sẵn, các tác giả ấy phần nhiều đã bỏ được hết. Vài nhà văn
đã có can đảm tự là mình, đã thành thực và thẳng thắn trong khi viết. Một bước
dài đã tiến, ở chỗ nhiều tiểu thuyết gia không bắt buộc sự thực phải theo chiều
để bày tỏ một ý tưởng viển vông nữa, nhưng biết nhìn xét sự thực của cuộc đời
để tìm ra cái bài học".
Sau
đó Thạch Lam giới thiệu hai tiểu thuyết được giải là Cái nhà gạch và Làm
lẽ và hai cuốn không được giải là Tan tác và Rạng đông.
Năm
1939, tuy có nhiều tác phẩm dự thi hơn hai năm trước, nhưng không đem lại tài
năng mới như hai giải trước. Mạnh Phú Tư sau có viết truyện ngắn: Người
vợ già, in trên Ngày Nay số 217 (20-7-40), không có gì đặc biệt.
Thạch
Lam đã có lần kể: không phải vì toà báo thiên vị, chỉ chỉ đăng những tác phẩm
của người trong văn đoàn, mà vì những bài gửi đến Ngày Nay, tuy rất nhiều,
nhưng ít khi thấy một truyện ngắn hay có thể đăng được. Việc đọc cả trăm quyển
truyện gửi đến dự giải thưởng Tự Lực văn đoàn mà không lựa được truyện nào,
càng cho thấy rõ hơn điều này: nhân tài không đầy dẫy. Ngay cả một số
truyện được chọn đăng trên Ngày Nay cũng có khi dở. Thí dụ trường hợp Xuân Diệu,
văn xuôi rất dở, truyện ngắn và tuỳ bút nhạt nhẽo, tiểu luận văn học không có
ý, nhưng Thạch Lam vẫn "phải" đăng, có lẽ vì lúc đó mấy ông anh bận
việc cách mạng, thiếu bài, nên không thể làm khác được?
Tuy
nhiên mục đích của Tự Lực văn đoàn, đã đạt được một phần: người viết văn trên
toàn quốc tìm cách sáng tác hay hơn, bỏ những sáo mòn cũ, để trở thành nhà
văn có can đảm tự là mình, thành thực và thẳng thắn trong khi viết.
Tự
Lực văn đoàn mong ảnh hưởng đến giới trẻ bằng lối sáng tác bình dân, viết tiếng
Việt hay, trong sáng, dường như họ đã ít nhiều đạt được.
Các nhạc sĩ tiên phong
Tự
Lực văn đoàn không chỉ chuyên về văn thơ, mà còn chú ý đến những ngành nghệ
thuật khác như hội họa (chúng tôi đã trình bày trong chương Trường Cao Đẳng Mỹ
Thuật Đông Dương). Riêng về âm nhạc, ngay từ 1938, năm tân nhạc ra đời, Ngày
Nay đã giới thiệu những nhạc sĩ tiên phong với những sáng tác đầu tiên của họ.
Nhạc
sĩ Nguyễn Xuân Khoát là người đầu tiên xuất hiện. Ngày Nay số 121
(31-7-38), đăng bài nhạc đầu tiên của ông, bản Bình Minh với lời Thế Lữ
"soạn theo cảm hứng của nhạc sĩ"; Ngày Nay số xuân 149
(15-2-39) đăng bản Hồn xuân, nhạc Nguyễn Xuân Khoát, lời Thế Lữ. Ngoài
ra Nguyễn Xuân Khoát còn viết loạt bài biên khảo: Kho tàng âm nhạc Việt Nam:
hát ả đào, trên Ngày Nay, từ số 214 (29-6-40) đến số 219 (3-8-40), cũng là
bài biên khảo âm nhạc đầu tiên của một nhạc sĩ tiên phong.
Nhạc
sĩ Nguyễn Văn Tuyên có bài Một kiếp hoa, in trên Ngày Nay
số 122 (7-8-38) và bài Âm điệu không lời trên Ngày Nay số 124
(21-8-38).
Nhạc
sĩ Lê Thương góp mặt với ba bài Tiếng đàn đêm khuya,
nhạc và lời Lê Thương (Ngày Nay số 123, 14-8-38), Xuân yêu đương (Ngày
Nay số xuân 149, 15-2-39) và Bản đàn xuân (Ngày Nay số 198, xuân 1940,
3-2-40).
Nhạc
sĩ Thẩm Oánh có bài Khúc yêu đương (Ngày Nay số 127 (11-9-38),
lời và nhạc Thẩm Oánh, đây là bản nhạc được ban Myosotis trình diễn trong đêm
ca nhạc 13-9-38, tại rạp Olympia, để lấy tiền giúp quỹ xây Nhà Ánh Sáng.
Nhạc
sĩ PVXung và PĐHinh có bài Đám mây hàng (Ngày Nay
số 125, 28-8-38) và bài Đường trường của PVXung và TNQuang
(Ngày Nay số 129, 24-9-38).[1]
Thơ Mới
Vai trò giới thiệu và phát triển Thơ
mới của Tự Lực văn đoàn bắt đầu năm 1933, trên Phong Hóa Xuân, số 31
(24-1-33) với bài thơ Tình già của Phan Khôi (chúng tôi đã trình
bày trong chương Thơ mới).
Lưu Trọng Lư là nhà thơ mới đầu tiên có mặt trên
Phong Hóa cùng với Phan Khôi. Trong bài giới thiệu Thơ mới trên Phong
Hóa số 31 đó, có in năm bài thơ của Lưu Trọng Lư: Một bài chưa có tên, và bốn
bài Trên bãi biển, Giấc mộng tình, Lại nhớ Vân và Vì sương thu đổ.
Sau đó Lưu Trọng Lư chỉ gửi thêm hai bài văn xuôi: Mực tàu giấy bản (phụ
lục Phong Hóa số 36, 1-3-33), và truyện ngắn Ông lão kỳ khôi (Phong Hóa
số 75, 1-12-33), rồi ngừng hẳn. Có thể vì bài điểm sách của Lê Ta, nhạo báng
tác phẩm Trên núi voi của Lưu Trọng Lư (Phong Hóa số 91, 30-3-34) chăng?
Rồi Thế Lữ trở thành chủ soái Thơ
mới và bỏ quên tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử trên xe hỏa, nên
cũng không có thơ Hàn Mặc Tử trên Ngày Nay, trừ bài Bẽn lẽn, in trên
Ngày Nay số 24 (6-9-36) với tên tác giả sai là Hàn Mặc Nữ.
Nữ sĩ Thụy An, từng là chủ nhiệm
Đàn Bà Mới (Sài Gòn) và Đàn Bà (Hà Nội) cũng góp mặt trên Phong Hóa với hai bài
tiểu luận trong mục Phụ nữ: Chị em lấy chồng (Phong Hóa số 30, 13-1-33),
Chị em hãy coi chừng (Phong Hóa số 34, 17-2-33); cùng bài thơ mới Chút
tình thoảng qua (Phong Hóa số 84, 2-2-34) và bài thơ Cảm đề Đoạn tuyệt (Phong
Hóa 155, 27-9-35) diễn tả sự đồng tình sâu sắc với Nhất Linh.
Vũ Đình Liên xuất hiện trên Phong Hóa từ
số 50 (9-6-33) với bài thơ: Đứa trẻ ăn mày; sau đó là nhũng bài Cô
hàng bán lá xim, Chiêu Quân, Lòng thương, Thân tàn ma dại, Ngày
khai trường; Tiếng hát ru; Chia phôi; Nàng thơ, Hồn xưa; Mây thu[2].
Sau Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị
Manh Manh, Thế Lữ…, Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ mới đầu tiên, ông
cũng là người làm thơ xã hội đầu tiên, thoát khỏi trào lưu lãng mạn lúc bấy
giờ, chú ý đến những thân phận khốn cùng. Nhưng từ cuối năm 1935, Vũ
Đình Liên không gửi thơ cho Phong Hóa nữa, có lẽ vì ông bận việc mở trường tư
dạy học, rồi sáng tác ít đi.
Phạm Huy Thông được đăng thơ trên Phong Hóa sau Vũ
Đình Liên, từ số 62 (1-9-33) với bài: Sống; tiếp đến các bài: Vọng
hương ca, Cùng mặt trời, Nguyễn Du, Rạng đông rồi, Ngày
xuân, Tiếng rừng, Tiếng hát buổi chiều, Tiếng họa mi ca,
Chiều hôm qua, Nhớ không[3].
Thơ
Huy Thông có giọng hùng tráng. Nhưng Huy Thông cũng ngừng gửi thơ cho Phong Hóa
từ cuối năm 1934, sau một bài "phê bình" của Thế Lữ.
Thái Can có sáu bài thơ đăng trên Phong Hóa năm
1935: Hồn hoa, Chiều thu; Trông chồng, Phút yêu đương,
Tình xuân và Im lặng[4]. Thơ Thái Can điêu luyện sâu sắc, bối
cảnh cổ nhưng ý mới. Trên Phong Hóa số 185 (1-5-36) Khái Hưng viết kịch vui Trúc
lâm quần tiên tụ hội, nhại thơ Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Thái Can, Lưu Trọng
Lư, Thế Lữ, Nhược Pháp; có lẽ đó là sáu nhà thơ Khái Hưng thích hơn cả lúc bấy
giờ.
Chế Lan Viên được Khái Hưng viết bài giới thiệu
nồng hậu Một thi sĩ Chàm Chế Lan Viên, (Ngày Nay số 75, 5-9-37) và đăng
bốn bài thơ: Hai đêm sầu não, Cái sọ người, Mơ trăng và
Xương vỡ, máu trào. In hai bài Xuân về và Trên đường về[5]
trong hai số báo kế tiếp, rồi không thấy đăng gì thêm nữa. Theo Hoàng Diệp vì
Khái Hưng biết Chế Lan Viên không phải là người Chàm thật. Khái Hưng rất ghét
những gì không thật.
Nguyễn
Bính xuất hiện năm 1934 trên Phong Hóa số 116 (21-9-34) với bài
thơ đầu tiên Cô hái mơ, sáng tác lúc 16 tuổi. Bẵng đi ba năm
không thấy thơ Nguyễn Bính đăng trên Phong Hóa, đến khi tập Tâm hồn tôi
được giải khuyến khích Tự Lực văn đoàn 1937, Nguyễn Bính mới thực sự nổi tiếng:
Ngày Nay in những bài thơ trích trong tập Tâm hồn tôi: Hoa rụng hai
lần, Lơ đãng, Cây bàng cuối thu, Vô tình, Khách lạ
đường rừng, Rừng, Đã thấy xuân về, Mơ truyện thần tiên[5].
Thơ
Nguyễn Bính tự nhiên, thành thực, bình dân, khác những người cùng thời: thơ Thế
Lữ chữ đẹp mà hào nhoáng, thơ Xuân Diệu chữ mới nhưng tình cảm hời hợt. Không
mấy ai có chất thơ đớn đau bi đát mà nhẹ nhàng như Nguyễn Bính: chữ mộc mạc
"rất thường" nhưng luôn luôn gieo nỗi buồn nhẹ mà sâu. Đầu năm 1938,
khi Xuân Diệu vào làm việc ở Ngày Nay, không thấy báo này đăng thơ Nguyễn Bính
nữa.
Huyền
Kiêu có hai bài thơ đăng trên Ngày Nay năm 1937: Một đêm xuân
và Sương rơi [7]; ba truyện ngắn Nàng thơ, Em
bị bắt cóc! Một người giàu tử tế và Lý Toét là một bài thơ nhại[8].
Đoàn
Văn Cừ có năm bài thơ được đăng trên Ngày Nay: Chợ Tết,
Đám hội, Trăng hè, Thu, Đám cưới mùa xuân[9].
Anh
Thơ
được khuyến khích năm 1939, có ba bài thơ: Sáng hè, Trưa hè,
Chợ mùa hè được đăng trên Ngày Nay số 219 (3-8-40).
Tế
Hanh, được khuyến khích năm 1939, có ba bài thơ được đăng trên
Ngày Nay: Trao đổi và Lời con đường quê (Ngày Nay số 218,
27-7-40); Những ngày nghỉ học trên Ngày Nay số 222 (24-8-40).
Xuân
Diệu
gửi thơ đến Phong Hóa từ năm 1935, bài Với bàn tay ấy… được đăng trên
Phong Hóa số 158 (18-10-35), đó là bài thơ Xuân Diệu nói đến sự đồng tính
của mình; lời tế nhị, hình ảnh tuyệt đẹp, rất mới, chinh phục ngay độc giả:
Một
tối vòm trời chẳng bợn mây,
Cây
tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa
nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ
Nghiêng
xuống làn rêu, một tối đây.[10]
Sáu
tháng sau, Xuân Diệu có bài thơ thứ nhì Nụ cười xuân in trên Phong Hóa
số 182 (10-4-36), bình thường, nhưng đến bài thứ ba Vì sao (Phong Hóa số
185, 1-5-36), với những câu hỏi lẩn thẩn rất lạ, chưa ai hỏi như thế bao giờ,
nổi tiếng ngay. Sáu tháng sau, có bài Đây mùa thu tới, tặng Thế Lữ,
(Ngày Nay số 29, 11-10-36) với những câu thơ thực hay, những cảm xúc mới lạ:
Những
luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi
nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Đến
bài Xa cách in trên Ngày Nay số Xuân 46 (7-1-37), đi kèm với bài Một
nhà thi sĩ mới Xuân Diệu của Thế Lữ, là sự thăng hoa toàn diện. Bởi vì bài Xa
cách không những có lối viết văn như Tây mà còn có sự dám nói, dám làm
của Xuân Diệu. Trong bài giới thiệu, Thế Lữ đã trích những bài thơ hay của Xuân
Diệu (chưa đăng trên Ngày Nay) điều này chứng tỏ, lúc đó Xuân Diệu đã viết xong
tập Thơ Thơ rồi. Nhưng lần này người ta không "đánh" Thế Lữ,
như ngày trước họ đã đánh Nhất Linh giới thiệu Thế Lữ. Tóm lại, Xuân Diệu may
mắn được sự đỡ đầu nồng nhiệt của vị "chủ soái thơ mới" lúc bấy giờ
và Ngày Nay số 96 (30-1-38) quảng cáo sẽ in tập Thơ Thơ.
Đầu
năm 1938, Thế Lữ tách dần ra lập ban kịch, Xuân Diệu vào làm việc trong báo
Ngày Nay, cho đến năm 1940, đã in tổng cộng khoảng 40 bài thơ trên Ngày Nay,
hầu như cả sự nghiệp thi ca "tiền chiến":
Phải
nói,
Cảm xúc, Viễn khách; Dại khờ, Xuân rụng, Chỉ ở
lòng ta, Chiều, Thanh niên, Tiếng gió, Đi dạo, Kỷ
niệm, Nhị hồ, tặng Thạch Lam, Đi thuyền và Dư vang, Gửi
hương cho gió, Núi xa, Dối trá, Gặp gỡ, Xuân không
mùa; Những kẻ đợi chờ, Buồn trăng, Mời yêu, Tình cờ,
Lời kỹ nữ, Ngã ba, Ngẩn ngơ, Xuân đầu, Thu, Nguyệt
cầm, Rạo rực; Giục giã, Cảm xúc; Tình thứ nhất,
Đa tình, và Ý thoáng.[11]
Xuân
Diệu viết khoảng 13 truyện ngắn: Mèo hoang, Cái hoả lò, Thương
vay, Cái giây, Chó hoang, Sợ; Ba nàng công chúa,
Sợi dây không đứt, Người học trò tốt, Thân thể, Truyện
cái giường, Tỏa nhị kiều, Đứa ăn mày.[12]
Một
vở kịch: Đoá hồng.[13]
Và
27 tiểu luận: Thơ ngắn; Đôi lời tự thuật về tập Thơ Thơ sắp xuất
bản; Ý thơ: Thơ ái tình; Thơ ái tình; Đọc thơ; Thơ của
người; Thu, Đàn bà hay là người yêu? Ái tình và khuôn sáo, Hàng
bia văn miếu, Ngày vui sống; Phấn thông vàng, Sự thực
trong ái tình, Những điều vụn vặt; Thơ thơ ra đời (Lời đưa
duyên của tác giả) Hà Nội đêm 20-12-38; Thơ khó, Tính cách Annam
trong văn chương; Mở rộng văn chương; Tết trong tết ngoài; Thơ
Huy Cận, Công của thi sĩ Tản Đà; Tựa Phấn thông vàng của Xuân
Diệu; Bút ký; Chú lái khờ; Vườn tinh hoa; Giã từ tuổi
nhỏ, bút ký viết từ Mỹ Tho, tháng 3-1940; Kẻ đi đày, bút ký.[14]
Nhưng,
như tôi đã nói ở trên, văn xuôi Xuân Diệu rất tầm thường, nên có in bao nhiêu
cũng không đem lại gì thêm cho sự nghiệp Xuân Diệu.
Huy
Cận được
đăng thơ trên Ngày Nay sau Xuân Diệu, trong hai năm rưỡi, từ tháng 1-38
đến tháng 6-40, Huy Cận đã có 35 bài thơ in trên Ngày Nay:
Chiều
xưa;
Chiều xuân, Họa điệu, Đẹp xưa, Trông lên, Tắm
giòng người, Nhớ hờ; Lời dịu, Đi giữa đường thơm,
Hối hận, Dấu chân trên đường, Ngủ chung, Vỗ về,
Buồn đêm mưa, Quanh quẩn, Gánh xiếc, Xuân ý,
Xuân, Tình mất, Ngậm ngùi, Cách xa, Chết,
Giấc ngủ chiều, Thủa xưa, Chức Nữ…, Em về nhà, Hồn xuân,
Áo trắng (tặng Nhất Linh), Tràng giang; Ê chề; Thân thể,
Thu rừng, Nhạc sầu, Khung tình, Vạn lý tình, Tâm
sự (tặng Xuân Diệu).[15]
Và
theo quảng cáo trên Ngày Nay số 217 (20-7-40), Đời Nay sẽ in Lửa thiêng
của Huy Cận do Tô Ngọc Vân vẽ bìa.
Thơ
Huy Cận có ảnh hưởng thơ Đường, sâu sắc, cao lộng, lời thơ điêu luyện, nhưng
ông vào Ngày Nay sau Xuân Diệu, lại không được Thế Lữ cất nhắc, nên bị thiệt
thòi.
Phải
biết rằng hồi đó Thế Lữ làm mưa làm gió, vì giữ mục điểm báo, điểm sách trên
Ngày Nay, nên tha hồ "xử lý" các nhà thơ khác, như Lưu Trọng Lư,
Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông…
Thêm
điều này nữa: Hàn Mặc Tử vì bị Thế Lữ đánh mất tập Đau thương, nên không
có thơ đăng trên Phong Hóa Ngày Nay, bị cả hai nhà phê bình Vũ Ngọc Phan và
Hoài Thanh gián tiếp chê là thơ "đồi trụy".
Vũ
Ngọc Phan viết: "Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca
ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của của Hàn Mặc Tử không được
thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái
quê còn ngập ngừng… nhưng đã bắt đầu nghiêng về xác thịt:
…Ống
quần vo xắn lên đầu gối,
Da
thịt trời ơi! trắng rợn mình…
Đến
bài Hát giã gạo (Gái quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu
ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng"[16]
Hoài
Thanh phê bình Gái quê như sau: "Gái quê – Nhiều bài có thể là
của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình
dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch… Ấy là một thứ tình
nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi”[17]
Quan
niệm thơ của hai nhà phê bình cổ lỗ như thế cũng không đáng trách, nhưng lại
lấy thơ Thế Lữ làm mốc cho Hàn Mặc Tử mới kỳ.
Tuy
vậy có một sự thực khó chối cãi là trừ vài trường hợp đặc biệt như Hàn Mặc Tử,
Bích Khê, phần lớn những nhà thơ nổi tiếng trong nền thơ mới đều "xuất
thân" từ Phong Hóa Ngày Nay. Và Hoài Thanh, Hoài Chân khi soạn Thi nhân
Việt Nam, đã hoàn toàn dựa vào sự lựa chọn của Tự Lực văn đoàn, chỉ đưa
thêm một vài người "bên ngoài" vào mà thôi.
Xuân
Thu Nhã Tập
Nhóm
Xuân Thu Nhã Tập, đưa ra một lý thuyết hoàn toàn mới mẻ về sự phối hợp
giữa thi ca, hội họa và âm nhạc và họ đã trình bày tác phẩm của họ để chứng
thực cho lý thuyết ấy trong tập sách Xuân Thu Nhã Tập, in năm 1941. Xuân
Thu Nhã Tập mở đầu một thế hệ mới, có thể coi là "làm mới lại thơ
mới" chỉ mười năm sau khi thơ mới ra đời. Như vậy ta thấy văn chương
Việt Nam trong vòng 15 năm đã tiến triển nhanh như thế nào, kể từ Tố Tâm
của Hoàng Ngọc Phách.
Khuynh
hướng đem hội hoạ và âm nhạc vào thơ đã được Bích Khê thực hiện trong tập Tinh
huyết (xuất bản năm 1939 do Hàn Mặc Tử viết tựa), nhưng Bích Khê là một
nhân cách thơ riêng biệt, thiên tài, có trước, không liên quan với tuyên ngôn Xuân
Thu Nhã Tập, ra sau.
Buồn
lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn
sang cây tùng thăm đông quân
Ô!
Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng
rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông (Bích Khê, Tỳ bà)
Trở
về với Xuân Thu Nhã Tập, những thành viên chính của nhóm này, như trên
đã nói, gồm sáu người, thì bốn người đã xuất hiện trên Phong Hóa Ngày Nay: Đoàn
Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát, sau chỉ thêm Nguyễn
Xuân Sanh và Nguyễn Lương Ngọc.
Đoàn
Phú Tứ có mặt từ năm 1933 trên Phong Hóa số 46 (12-5-33), với bài
thơ Một buổi chiều xuân, làm theo phong cách thơ mới. Sau đó, ông chuyển
sang viết kịch, trong ba năm, ông viết liền mười vở kịch trên Phong Hóa (từ số
59 đến số 183): Những bức thư tình, Kiều Liên, Lòng rỗng không,
Chiếc nhạn trong sương, Con chim xanh, Hận ly tao,
Mơ hoa, Cuối mùa, Gái không chồng, Sau cuộc khiêu vũ.[18]
Trên
Ngày Nay, ông viết thêm một truyện ngắn Một vụ hiếp dâm (Ngày Nay số
71); một vở kịch: Xuân tươi (Ngày Nay số 96 và 97), và hai bài tiểu
luận: Cuộc đời mới (Ngày Nay số 99 và 100) và Vẫn chuyện cái lạy
trong một đám cưới (Ngày Nay số 208).
Với
những vở kịch đã đăng trên Phong Hóa, Đoàn Phú Tứ có địa vị của một kịch tác
gia lớn, đầy tính sáng tạo. Kịch của Đoàn Phú Tứ không giống thoại kịch
"bình thưòng", thí dụ vở Chiếc nhạn trong sương, viết theo lối
kịch lyrique (thi kịch) mà ông gọi là kịch ly tao, chất thơ ẩn
trong mỗi ý, mỗi lời đối thoại; cả tấn bi kịch là một bài thơ dài, lãng mạn đớn
đau, mà cũng hết sức nên thơ, tuyệt đẹp. Vở Hận ly tao là một thành công
khác, vẫn theo lối diễn ngôn thầm kín, nhưng lần này, chính người trong kịch
cũng không thấu được lòng nhau, nhân nỗi đau làm hai. Phong Hóa Ngày Nay hay
đăng kịch vì Khái Hưng là người yêu kịch và viết kịch, nên đã in kịch của hai
kịch tác gia tài năng nhất lúc bấy giờ là Đoàn Phú Tứ và Vi Huyền Đắc. Riêng
kịch Đoàn Phú Tứ có tính cách thi ca và tư tưởng cao, người viết phải là một
nhà thơ mới đạt được, và người đọc cũng phải có trình độ, mới thấu được cái
hay.
Tuy
nhiên, điều tôi muốn nói ở đây, không phải về kịch của Đoàn Phú Tứ mà là về bài
thơ Màu thời gian của ông, in trên Ngày Nay số 198 (3-2-40) xuân
1940. Trong số báo xuân cuối cùng quy tụ các văn nghệ sĩ đã cộng tác với Tự Lực
văn đoàn, Đoàn Phú Tứ đã dành công bố bài thơ Màu thời gian, bất hủ,
tiêu biểu cho con đường đổi mới thi ca của Xuân Thu Nhã Tập.
Màu
thời gian
Sớm
nay tiếng chim thanh
Trong
gió xanh
Dìu
vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn
xưa không lạnh nữa, Tần Phi!
Ta
lặng dâng nàng
Trời
mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu
thời gian không xanh
Màu
thời gian tím ngát
Hương
thời gian không nồng
Hương
thời gian thanh thanh
Tóc
mây một món chiếc dao vàng
Nghìn
trùng e lệ phụng quân vương
Trăm
năm tình cũ lìa không hận
Thà
nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên
trăm năm đứt đoạn
Tình
một thủa còn hương
Hương
thời gian thanh thanh
Màu
thời gian tím ngát
Đoàn
Phú Tứ
Màu
thời gian in cùng trang thơ với Hồn xuân của Huy Cận, Rạo
rực của Xuân Diệu và Ma túy của Thế Lữ, vượt hẳn ra ngoài, với lối
suy nghĩ khác hẳn, với cách lập ngôn lạ lùng, một âm nhạc riêng, không còn
giống thơ mới nữa, và cho tới bây giờ, đọc lại, ta vẫn thấy có gì mới,
mới lắm, bởi nó nối các thời gian xa biệt với nhau, nối các hương, sắc với
nhau, các sinh vật và tĩnh vật trong nhau, và bởi nó làm ta giật mình: màu
thời gian là cái gì nhỉ?
Phạm
Văn Hạnh, viết cho Ngày Nay rất ít, chỉ có một bài thơ Giọt sương
xuân: Bữa qua (Ngày Nay số 96 (30-1-38) và một truyện ngắn Một ngôi hàng
(Ngày Nay số 108, 1-5-38).
Nhưng
bài Giọt sương xuân [sau in lại bỏ hai chữ Bữa qua] là thơ
tự do!
Giọt
sương xuân
Bữa
qua lạnh lẽo, mai kia rồi lại âm thầm. Nắng chiều nay mỏng manh như điều hoài
vọng. Em có nghe dặt dìu khúc nhạc im lìm… vẳng đưa hương hồng man mác?
Trời
xuân rung động. Tôi muốn như ai vẽ trên mặt giấy muôn hình sắc của bóng sớm với
mây chiều. Như tôi muốn ghi hết những hoài niệm tiêu tao… mà chắc đâu em còn
nhớ?
Tia
sáng lách mây, nằm thu trong bình cẩm chướng. Thôi, đừng sửa lại hoa nghiêng:
tôi chỉ sợ ánh vàng tan nát… với những giờ quang đãng buổi xuân qua.
Mây
bay tới tấp: những mớ hoa xưa rải rác ngang trời. Em có thấy vẫn thơm nồng tươi
tắn tựa hồ đã xóa bỏ thời gian? Em có thấy vẫn còn sống những buổi đầu thơ dại?
Một
đôi khi với những nâng niu đằm thắm, với những hương vị ngất ngây? Vì em cũng
lặng nhìn mây, có lẽ đã đọc được lòng tôi rõ ràng hơn trang sách mở…
P.
V. Hạnh
Đây
là bài thơ tự do đầu tiên của Việt Nam, do Xuân thu nhã tập đề xướng.
Sau này ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền được coi là cha đẻ của thơ tự do, nhưng
theo tôi, Phạm Văn Hạnh mới thực sự là cha đẻ của thơ tự do, với bài Giọt
sương xuân in trên Ngày Nay số 96 (30-1-1938).
Phan
Khôi
Trong
những "bạn già" của Khái Hưng (1896-1947) phải kể Phan Khôi
(1887-1959) và Tản Đà (1889-1939). Phan Khôi hơn Khái Hưng 9 tuổi và Tản Đà hơn
Khái Hưng 7 tuổi.
Phan
Khôi là bạn thân của Khái Hưng, ta biết chuyện này qua hai bài viết: Bài Khái Hưng
giới thiệu thơ Tình già của Phan Khôi trên Phong Hóa Xuân, số 31
(24-1-33) mà tôi đã nói tới nhiều lần. Ở đây, tôi trích dẫn bài tiểu luận: Cái
địa vị khôi hài trên văn đàn của Phan Khôi, in trên Phong Hóa số 26
(14-12-32) và số 28 (30-12-32), bênh vực Phong Hóa, nhất là Tứ Ly (Hoàng Đạo),
lúc đó đang bị "đánh" vì người ta không thích lối hài hước trên Phong
Hóa.
Sau
này người ta vẫn tiếp tục viết như thế, bởi vì họ không hiểu mối thâm tình giữa
những tài năng lớn.
Người
ta "đánh" Phong Hóa vì dám chế giễu lý luận Phan Khôi.
Là
người được "bênh vực", mà Phan Khôi lại viết bài Cái địa vị
khôi hài trên văn đàn, để "trả lờì", mới lạ, tôi xin trích
dưới đây một đoạn:
"Người
mình hình như chưa hiểu đến cái hay của sự khôi hài là dường nào, cũng chưa
hiểu đến cái ích lợi của văn khôi hài và người có tài khôi hài ra sao. Vì vậy
cho nên ít ai biểu đồng tình cùng họ, không để họ vào trong con mắt, cũng loại
hết cả hài văn ra ngoài nền văn học, là phải lắm, không trách đặng.
Nhưng
phải biết rằng ai có tài thông minh tuyệt thế thì mới nói được câu chuyện diễu
có duyên hay là làm được bài văn bông lơn có duyên, chớ phải dễ dầu gì đâu mà
khinh thị. Làm một bài văn trang hoàng điển nhã, trong mười tay văn nhân tay
nào cũng làm được hết, chớ làm một bài văn khôi hài cho hay, đọc lên cho ai
cũng mở miệng cười và lấy làm thích ý, thì trong mưới tay ấy chưa chắc đã có
một tay làm được đâu.
Văn
khôi hài nó thường làm cho cảm động người ta một cách rất mạnh mà người ta
không tự biết. Giả như ông mỗ có cái tật xấu gì, có kẻ làm bài hài văn, ám chỉ
mà công kích cái tật xấu ấy của ông; trong lúc ông mỗ đọc đến, ông phải tức
cười nôn ruột mà không giận được, rồi có lẽ lần lần tự nhiên ông mỗ bỏ cái tật
xấu ấy đi bao giờ mà chính mình ông cũng không hay. Đó mối thật một bài hài văn
hay đó, và cái công dụng của nó là như thế (…)
Kể
ra bọn hoạt kê, tức là người hay khôi hài, lại còn có cái đạc tánh này đáng quý
lắm nữa. Là trong đám họ, người nào cũng có cái tánh tự cao và khinh đời; có
người trong con mắt họ chẳng coi quyền thế ra chi, mà cả đời chỉ có nói bông
nói đùa, cốt để nhủ đời hay răn đời, chớ không thèm cầu gì hết thảy. Cái tư
tưởng tự do ấy, cái khí phách độc lập ấy, hỏi trong đám đọc sách muôn pho, đặt
mình vào hàng đại nhân quân tử đã mấy người có được ư?".
(Phong Hóa số 26)
"Tôi
từng đọc sách, thấy người ta nói dân tộc nào phổ thông có tánh hay khôi hài, ấy
là biểu lộ ra dân tộc ấy có tư chất thông minh. Mà giọng khôi hài càng sâu sắc
chừng nào, thì lại càng tỏ ra cái trình độ thông minh cao chừng ấy.
Phải
lắm. Có thông minh mới nói ra được câu bông lơn có thú vị, mà cũng duy thông
minh lắm mới biết ngửi thấy cái thú vị của câu bông lơn hay. Chớ còn "nói
chơi không biết, nói thật không hay" thì duy có ngu đần mới như vậy, dân
ấy là dân bỏ xó". (Phong Hóa số 28)
Tản
Đà
Tản
Đà cũng vậy, việc Tứ Ly chế giễu Tản Đà đã trở thành một "tội không thể
tha thứ được". Các nhà trí thức không biết cười thay phiên hạch tội Tứ Ly
và Phong Hoá trong nhiều thế hệ, nhưng người ta có biết đâu Tản Đà cũng thích
cười và ông đã ngầm khuyến khích "thằng em" để nó mua vui cho đỡ
buồn.
Khi
Tản Đà mất, Khái Hưng nhắc lại những kỷ niệm với Tản Đà, ta mới biết Khái Hưng
quen Tản Đà từ khi còn học trung học, tức là đã hai mươi năm. Mới đầu ông mê
nghe Tản Đà diễn thuyết vì Tản Đà nói chuyện có duyên lắm; cái duyên đó dẫn ông
đến việc đọc và yêu thơ Tản Đà; và bao nhiêu năm Khái Hưng tiếp Tản Đà trong
những bữa rượu dài vô tận.
Khi
An Nam tạp chí đóng cửa, Tản Đà phải làm nhiều việc để sinh sống, Khái
Hưng đề nghị Tản Đà dịch thơ Đường, nhờ đó mỗi tuần Ngày Nay mới có mấy bài thơ
Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh… nâng cao giá trị tờ báo và làm đẹp lòng độc
giả yêu thơ.
Trong
một năm rưỡi, 75 tuần lễ, Tản Đà đã dịch thơ Đường cho Ngày Nay, từ số 7
(19-9-37), lần đầu dịch Vương Xương Linh và Lý Bạch, đến số 152 (11-3-39), dịch
hai bài thơ của Bạch Cư Dị, là lần cuối. Ba tháng sau Tản Đà qua đời. Ông mất
ngày 7-6-1939, tại nhà 71 Ngã Tư Sở, Khái Hưng có mặt.
Nếu
ngày ấy Khái Hưng không nhờ thi sĩ dịch thơ Đường thì làm sao chúng ta có được
tập Đường thi với giọng Tản Đà? Nhưng cả hai đều đã cưỡi hạc bay xa.
Hạc
vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà
đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc
vàng đi mất từ xưa,
Nghìn
năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán
dương sông tạnh, cây bầy,
Bãi
xa Anh vũ xanh dầy cỏ non.
Quê
hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên
sông khói sóng cho buồn lòng ai.[19]
(Còn
tiếp)
PV
Xung (Phạm Văn Xung)
PĐHinh
(Phạm Đăng Hinh)
TN
Quang (Trần Quang Ngọc)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Các nhạc sĩ này viết tắt tên họ của mình, nhưng căn cứ vào bài viết của nhạc sĩ
Lê Thương (https://nhacxua.vn/nhac-tien-chien-loi-thuat-cua-nhac-si-le-thuong/)
thì có thể biết PVXung là Phạm Văn Xung, PĐHinh là Phạm Đăng Hinh và TNQuang là
Trần Quang Ngọc.
[2]
Vũ Đình Liên xuất hiện từ Phong Hóa số 50 (9-6-33) với bài thơ: Đứa trẻ ăn
mày; rồi Cô hàng bán lá xim (Phong Hóa số 98, 18-5-34); Chiêu
Quân (Phong Hóa số 105, 6-7-34); Lòng thương (Phong Hóa số 108,
26-7-34); Thân tàn ma dại (Phong Hóa số 111, 18-8-34); Ngày khai
trường (Phong Hóa số 114, 7-9-34); Tiếng hát ru (Phong Hóa số 115,
14-9-34); Chia phôi (Phong Hóa 138, 1-3-35); Nàng thơ (Phong Hóa
số 145, 19-4-35); Hồn xưa (Phong Hóa số 155, 27-9-35); Mây thu
(Phong Hóa số 163, 22-11-35).
[3]
Thơ Phạm Huy Thông: Sống (Phong Hóa số 62, 1-9-33); Vọng hương ca (Phong
Hóa số 63, 8-9-33); Cùng mặt trời (Phong Hóa số 65, 22-9-33); Nguyễn
Du và Rạng đông rồi (Phong Hóa số 66, 29-9-33); Ngày xuân
(Phong Hóa số 96, 4-5-34); Tiếng rừng (Phong Hóa số 106, 13-7-34); Tiếng
hát buổi chiều (Phong Hóa số 107, 20-7-34); Tiếng họa mi ca (Phong
Hóa số 120, 19-10-34); Chiều hôm qua (Phong Hóa số 121,26-10-34); Nhớ
không (Phong Hóa số 124, 16-11-34).
[4]
Thái Can, thơ: Hồn hoa và Chiều thu (Phong Hóa số 153, 13-9-35,
đặc biệt trung thu); Trông chồng và Phút yêu đương (Phong Hóa số
154, 20-9-35); Tình xuân (Phong Hóa số 155, 27-9-35); Im lặng
(Phong Hóa số 156, 4-10-35).
[5]
Chế Lan Viên: Xuân về (Ngày Nay số 76, 12-9-37) và Trên đường về (Ngày
Nay số 77,19-9-37).
[6]
Nguyễn Bính: trong tập Tâm hồn tôi: Hoa rụng hai lần và Lơ
đãng, (Ngày Nay số 83, 31-10- 37): Cây bàng cuối thu (Ngày Nay số 86,
21-11-37); Vô tình (Ngày Nay số 88, 5-12-37); Khách lạ đường rừng
và Rừng (Ngày Nay số 89, 12-12-37); Đã thấy xuân về (Ngày Nay số
96, 30-1-38); Mơ truyện thần tiên (Ngày Nay 98, 20-2-38).
[7]
Huyền Kiêu, thơ: Một đêm xuân (Ngày Nay số 99, 27-2-37) và Sương rơi
(Ngày Nay số 100, 6-3-38).
[8]
Huyền Kiêu, truyện ngắn: Nàng thơ (Ngày Nay số 139, 3-12-38), Em bị
bắt cóc! (Ngày Nay số 162, 20-5-39) và Một người giàu tử tế (Ngày
Nay số 195, 6-1-40) và bài thơ nhại Lý Toét (Ngày Nay số 201, 2-3-40).
[9]
Thơ Đoàn Văn Cừ: Chợ Tết (Ngày Nay số xuân 149, 15-2-39); Đám hội
(Ngày Nay số 150, 25-2-39); Trăng hè và Thu, (Ngày Nay số 182,
7-10-39); Đám cưới mùa xuân (Ngày Nay số 198, xuân 1940, 3-2-40).
[10]
Bản Phong Hóa số 158 (18-10-35). Trong bài Một nhà thi sĩ mới Xuân Diệu
của Thế Lữ (Ngày Nay số 46,7-1-37), sửa thành Một tối bầu trời đắm sắc mây,
hay hơn. Sau in thành sách sửa một tối đây thành một tối đầy,
hay hơn.
[11]
Thơ Xuân Diệu: Với bàn tay ấy… đăng trên Phong Hóa số 158
(18-10-35), Nụ cười xuân (Phong Hóa số 182, 10-4-36), Vì sao
(Phong Hóa số 185, 1-5-36), Đây mùa thu tới, tặng Thế Lữ (Ngày Nay số
29, 11-10-36), Xa cách (Ngày Nay số 46, 7-1-37), Một nhà thi sĩ mới
Xuân Diệu của Thế Lữ (Ngày Nay số 46,7-1-37), Phải nói (Ngày Nay số
84, 7-11-37); Cảm xúc, (Ngày Nay số 96, 30-1-38) Viễn khách,
(Ngày Nay số 101, 13-3-38); Dại khờ (Ngày Nay số 106, 17-4-38); Xuân
rụng (Ngày Nay số 112, 29-5-38) Chỉ ở lòng ta (Ngày Nay số 114,
12-6-38) Chiều, (Ngày Nay số 116, 26-6-38); Thanh niên (Ngày Nay
số 120, 24-7-38) Tiếng gió, (Ngày Nay số 122, 7-8-38); Đi dạo,
(Ngày Nay số 123, 14-8-38); Kỷ niệm, (Ngày Nay số 125, 28-8-38); Nhị
hồ, tặng Thạch Lam (Ngày Nay số 126, 4-9-38); Đi thuyền và Dư
vang, (Ngày Nay số 129, 24-9-38); Gửi hương cho gió, (Ngày Nay số
135, 5-11-38); Núi xa, (Ngày Nay số 139, 3-12-38); Dối trá, (Ngày
Nay số 144, 7-1-39); Gặp gỡ, (Ngày Nay số 145, 14-1-39); Xuân không
mùa, (Ngày Nay số xuân 149, 15-2-39); Những kẻ đợi chờ, (Ngày Nay số
153, 13-3-39); Buồn trăng, (Ngày Nay số 155, 1-4-39); Mời yêu,
(Ngày Nay số 156, 8-4-39); Tình cờ, (Ngày Nay số 160, 6-5-39); Lời kỹ
nữ, (Ngày Nay số 163, 27-5-39); Ngã ba, (Ngày Nay số 168, 1-7-39); Ngẩn
ngơ, (Ngày Nay số 183, 14-10-39), Xuân đầu (Ngày Nay số 188,
18-11-39); Thu, (Ngày Nay số 192, 16-12-39); Nguyệt cầm, (Ngày
Nay số 197, 20-1-40); Rạo rực (Ngày Nay số 198, xuân 1940, 3-2-40); Giục
giã, (Ngày Nay số 199, 12-2-40); Cảm xúc, (Ngày Nay số 201, 2-3-40);
Tình thứ nhất, (Ngày Nay số 215, 6-7-40); Đa tình, (Ngày Nay số
217, 20-7-40; Ý thoáng, (Ngày Nay số 218, 27-7-40).
[12]
Truyện ngắn Xuân Diệu: Mèo hoang (Ngày Nay số 81, 17-10-37); Cái
hoả lò (Ngày Nay số 93, 9-1-38); Thương vay (Ngày Nay số 94,
16-1-38); Cái giây (Ngày Nay số 105, 10-4-38), Chó hoang (Ngày
Nay số 108, 1-5-38), Sợ (Ngày Nay số 111, 22-5-38), Ba nàng công chúa,
truyện Ả Rập (Ngày Nay số 112, 29-5-38) số 113 (5-6-38) và số 114
(12-6-38), Sợi dây không đứt (Ngày Nay số 113, 5-6-38), Người học trò
tốt, (Ngày Nay số 116, 26-6-38), Thân thể, (Ngày Nay số 118,
10-7-38), Truyện cái giường, (Ngày Nay 121, 31-7-38), Tỏa nhị kiều,
Ngày Nay số 130 (1-10-38), Đứa ăn mày (Ngày Nay số 155, 1-4-39).
[13]
Kịch Đoá hồng (Ngày Nay số 98, 20-2-38).
[14]
Tiểu luận của Xuân Diệu: Thơ ngắn, (Ngày Nay số 99, 27-2-38), Đôi
lời tự thuật về tập Thơ Thơ sắp xuất bản (Ngày Nay số 102, 20-3-38); Ý
thơ: Thơ ái tình, (Ngày Nay số 107, 24-4-38); Thơ ái tình, (Ngày Nay
số 108, 1-5-38); Đọc thơ, (Ngày Nay số 110, 15-5-38); Tựa cuốn Thơ
thơ của Thế Lữ (Ngày Nay số 119, 17-7-38); Thơ của người, (Ngày Nay
số 122, 7-8-38) và số 123, 14-8-38); Thu (Ngày Nay số 125, 28-8-38); Đàn
bà hay là người yêu? Ái tình và khuôn sáo (Ngày Nay số 127, 11-9-38); Hàng
bia văn miếu (Ngày Nay số 129, 24-9-38); Ngày vui sống (Ngày Nay số
133 (22-10-38); Phấn thông vàng (Ngày Nay số 135, 5-11-38); Sự thực
trong ái tình (Ngày Nay số 136, 12-11-38); Những điều vụn vặt (Ngày
Nay số 137, 19-11-38); Thơ thơ ra đời (Lời đưa duyên của tác giả) Hà Nội
đêm 20-12-38) (Ngày Nay số 142 (24-12-38); Thơ khó, (Ngày Nay số 145,
14-1-39); Tính cách Annam trong văn chương (Ngày Nay số 147, 28-1-39) Mở
rộng văn chương (Ngày Nay số 148, 4-2-39); Tết trong tết ngoài (Ngày
Nay số xuân 149, 15-2-39); Thơ Huy Cận (Ngày Nay số 151, 4-3-39); Công
của thi sĩ Tản Đà (Ngày Nay số 166 (17-6-39); Tựa Phấn thông vàng của
Xuân Diệu (Ngày Nay số 168, 1-7-39); Bút ký (Ngày Nay số 182, 7-10-39); Chú
lái khờ, (Ngày Nay số 186, 4-11-39); Vườn tinh hoa (Ngày Nay số 194,
30-12-39); Giã từ tuổi nhỏ, bút ký viết từ Mỹ Tho, tháng 3-1940 (Ngày
Nay số 207,11-5-40); Kẻ đi đày, (Ngày Nay số 211, 8-6-40).
[15]
Thơ Huy Cận: Chiều xưa (Ngày Nay số 96, 30-1-38), Chiều xuân
(Ngày Nay số 102 (20-3-38), Họa điệu (Ngày Nay số 107 (24-4-38), Đẹp
xưa (Ngày Nay số 120, 24-7-38), Trông lên (Ngày Nay 121, 31-7-38); Tắm
giòng người (Ngày Nay số 122, 7-8-38), Nhớ hờ (Ngày Nay số 123,
14-8-38), Lời dịu (Ngày Nay số 124, 21-8-38), Đi giữa đường thơm
(Ngày Nay số 127 (11-9-38), Hối hận (Ngày Nay số 136, 12-11-38), Dấu
chân trên đường (Ngày Nay số 139, 3-12-38), Ngủ chung (Ngày Nay số
141, 17-12-38), Vỗ về (Ngày Nay số 142, 24-12-38), Buồn đêm mưa
(Ngày Nay số 143, 31-12-38), Quanh quẩn (Ngày Nay số 145, 14-1-39), Gánh
xiếc (Ngày Nay số 147, 28-1-39), Xuân ý và Xuân (Ngày Nay số
xuân 149, 15-2-39), Tình mất (Ngày Nay số 157, 15-4-39), Ngậm ngùi
(Ngày Nay số 161, 13-5-39), Cách xa (Ngày Nay số 173, 5-8-39), Chết (Ngày
Nay số 182, 7-10-39), Giấc ngủ chiều (Ngày Nay số 186, 4-11-39), Thủa
xưa, Chức Nữ… (Ngày Nay số 191, 9-12-39), Em về nhà (Ngày Nay số
194, 30-12-39), Hồn xuân (Ngày Nay số 198, xuân 1940, 3-2-40), Áo
trắng (tặng Nhất Linh) và Tràng giang (Ngày Nay số 201, 2-3-40), Ê
chề (Ngày Nay số 202, 9-3-40), Thân thể (Ngày Nay số 203, 16-3-40), Thu
rừng (Ngày Nay số 205, 30-3-40), Nhạc sầu (Ngày Nay số 209,
25-5-40), Khung tình (Ngày Nay số 210, 1-6-40), Vạn lý tình (Ngày
Nay số 211, 8-6-40), Tâm sự (tặng Xuân Diệu) (Ngày Nay số 213, 22-6-40).
[16]
Nhà văn hiện đại, quyển ba, trang 762-763.
[17]
Thi nhân Việt Nam, trang 205-206.
[18]
Kịch của Đoàn Phú Tứ: Những bức thư tình (Phong Hóa
số 59,11-8-33), Kiều Liên (Phong Hóa số 64, 15-9-33, và số 65), Lòng
rỗng không (Phong Hóa số 68, 13-10-33), Chiếc nhạn trong sương (Phong
Hóa số 76, 8-12-33), Con chim xanh (phụ trương Phong Hóa số 87, 2-3-34),
Hận ly tao (Phong Hóa số 94, 20-4-34, và số 95), Mơ hoa (Phong
Hóa số 108, 26-7-34 và số 110, 10-10-34), Cuối mùa (Phong Hóa số 155,
27-9-35), Gái không chồng (Phong Hóa số 179, 20-3-36), Sau cuộc khiêu
vũ (Phong Hóa số 183, 17-4-36 và số184).
[19]
Hoàng Hạc Lâu, thơ Thôi Hiệu, Tản Đà dịch, Ngày Nay số 80 (10-10-37).
Nguồn: Văn Việt