ANAHEIM,
California (NV) – Trong những năm gần đây, khi các tạp
chí văn học (báo giấy) lần lượt đình bản do vấn đề tài chánh, tiền in lên cao,
người đọc giảm, không có hệ thống phát hành rộng rãi, thì Thư Quán Bản Thảo, do
nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương, một tập san ra hai tháng một kỳ, gởi biếu
(không) đến cho độc giả, vẫn âm thầm tồn tại.
Trong
số sách (thơ, truyện ngắn) mà Thư Ấn Quán ấn hành, tôi nhận được tập “Mây Khói
Quê Nhà” của Phạm Cao Hoàng, do tác giả gởi tặng.
Phạm
Cao Hoàng xuất hiện trong thơ ca miền Nam trước năm 1975.
Trước
đây, tôi không có dịp đọc nhiều, hình như chỉ hai, ba bài thơ gì đó, nhưng cái
cảm nhận ngày ấy, cách đây ba, bốn mươi năm với bây giờ, khi cầm trên tay tập
“Mây Khói Quê Nhà” của Phạm Cao Hoàng, tôi không cảm thấy khác gì mấy, cũng vẫn
thấy được cái xúc động khi được đọc được (nhiều) bài thơ hay.
Chẳng
hạn, như bài “Nhớ Cúc Hoa” này:
“Đất
anh ở và rừng anh thở
sáng anh đi chiều lại trở về
rừng vi vút những đêm gió thổi
bóng anh chìm như bóng hư vô
Đôi
khi đứng bên triền đá dựng
anh hoang mang sợ núi đè mình
có khi thấy con chồn con cáo
anh giật lùi lòng thoáng hoảng kinh
Anh
đi qua rừng cao quá đỗi
anh đi về rừng quá đỗi cao
anh thu mình như con sâu nhỏ
nằm rung rinh giữa đám lá rì rào
Và
buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu
Đất
anh ở và rừng anh thở
quá lâu ngày nên thấy hoang mang
anh sống dở và anh chết dở
giữa núi rừng cao ngất ngàn năm.”
Theo
như bản tiểu sử vắn tắt, là Phạm Cao Hoàng chỉ đi dạy học. Nhưng bài thơ trên
mang hơi hám rất lạ, hơi hám của một người lính đi hành quân qua núi, qua đèo,
băng đồng, vượt suối. Cái tâm trạng của người trong cuộc, luôn luôn bị ám ảnh
của nỗi buồn, nỗi buồn của thân phận bé nhỏ khi đứng trước núi cao, nỗi buồn đó
khiến cho người trong cuộc thu mình lại như “con sâu nhỏ, nằm quạnh hiu giữa
đám lá rì rào.” Đứng trước núi, tác giả cảm thấy một nỗi đìu hiu quá lớn.
Có
thể thể thơ bảy chữ, tám chữ anh dùng nhiều trong suốt tập thơ, đã làm tôi phấn
chấn, vì tôi cũng rất thích thể thơ này.
Những
bạn văn ngày tháng cũ (trước năm 1975)
Sau
đây tôi xin trích một vài đoạn ngắn Phạm Cao Hoàng viết kể lại những ngày tháng
tuổi trẻ của các anh:
“Với
Quy Nhơn.
Căn
nhà chúng tôi thuê nằm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, thuộc Khu 6, Quy Nhơn. Đây
là nơi gặp gỡ thường xuyên của chúng tôi: Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn
Huy Hoàng, Hoàng Ngọc Châu, Lê Văn Trung, Phạm Cao Hoàng…
Nguyễn
Phương Loan ở tận trên Pleiku, thỉnh thoảng mới ghé lại. Trần Hoài Thư, Phạm
Văn Nhàn, Nguyễn Huy Hoàng ở ngoài mặt trận, thường cuối tuần mới về. Hoàng
Ngọc Châu có nhà ở dưới phố. Lê Văn Trung ở với anh chị ở khu 2. Còn tôi là
người trụ trì.
Nói
là căn nhà nhưng thật ra chỉ là một căn phòng không lớn lắm, đủ chỗ cho một
hoặc hai người, tuy nhiên, khi cần thiết mười người cũng không sao. Cuối tuần,
Lê Văn Trung và tôi lóng ngóng xem anh em ngoài mặt trận có ai về không?
Mỗi
người một tính. Anh Nguyễn Huy Hoàng ân cần, chu đáo. Phạm Văn Nhàn vui vẻ cởi
mở. Trần Hoài Thư lang bạt, bất cần đời. Hoàng Ngọc Châu từ tốn. Lê Văn Trung
thâm trầm, ít nói. Cửa của căn phòng không có ổ khóa vì chúng tôi chẳng có gì
để mất. Bên trong chỉ có vài ba ký gạo và một ít quần áo. Ai đến cứ tự nhiên
vào, có gì ăn nấy, nghỉ ngơi và viết lách. Ai muốn viết kiểu gì cứ viết, muốn
đăng báo nào cứ đăng. Người viết khỏe nhất là Trần Hoài Thư. Anh viết rất dễ
dàng, viết bất kỳ ở đâu, kể cả những nơi ồn ào đầy tiếng động…
Vậy
mà chúng tôi quý nhau vô cùng. Gặp lúc nào là vui lúc ấy, và chưa bao giờ chúng
tôi có điều gì xích mích. Năm 1968, chiến trận trở nên khốc liệt hơn. Trung và
tôi rất lo cho các bạn ở ngoài mặt trận. May mà tất cả các bạn đều trở về, trừ
Nguyễn Phương Loan vĩnh viễn nằm xuống với núi rừng Plei Me.
Năm
1969, chúng tôi mỗi người một ngả. Tôi vào Phan Thiết, Lê Văn Trung ra Quảng
Ngãi. Hoàng Ngọc Châu lên Bảo Lộc. Trần Hoài Thư, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn
Nhàn trôi dạt hết chiến trường này đến chiến trường nọ. Hồi đó đâu có điện
thoại như bây giờ nên có một thời gian chúng tôi thất lạc nhau. Rồi Sài Gòn
thất thủ, anh Nguyễn Huy Hoàng bệnh nặng qua đời, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn
qua Mỹ. Lê Văn Trung ở tù rồi ra làm công nhân xây dựng…
Với
Tuy Hòa.
Tuy
Hòa là một thành phố biển giữa Nha Trang và Quy Nhơn, nằm bên bờ sông Đà Rằng,
dưới chân núi Nhạn. Người Tuy Hòa hiền hòa hiếu khách, đặc biệt là rất yêu thơ.
Về
đây tôi có dịp với những cây bút của Tuy Hòa và tham gia các sinh hoạt văn học
nghệ thuật của thành phố dễ thương này.
Người
tôi gặp gỡ nhiều nhất là anh Trần Huiền Ân, tác giả tập thơ ‘Thuyền Giấy,’ nổi
tiếng với những bài thơ đậm đà màu sắc quê hương… Một người luôn sát cánh bên
Trần Huiền Ân và tôi là Đỗ Chu Thăng, tác giả tập ‘Chân Trời Cũ.’ Đỗ Chu Thăng
là một giáo sư toán thuộc loại giỏi, nổi tiếng là nhà giáo nghiêm khắc với học
trò. Ngoài đời, anh là một thi sĩ hiền hòa nhũn nhặn, được nhiều người quý mến
và kính trọng…
Hình
như buổi chiều nào tôi cũng gặp Phạm Ngọc Lư, anh gốc Huế, sau khi tốt nghiệp
sư phạm về dạy ở Tuy Hòa.
Một
gương mặt rất gần gũi với tôi là Mang Viên Long, anh gốc Bình Định, vào Tuy Hòa
dạy học.
Tuy
Hòa là nơi sản sinh ra nhiều cây bút viết truyện ngắn xuất sắc, một trong những
cây bút đó là Nguyễn Lệ Uyên. Tuy Hòa còn một thi sĩ nổi tiếng rất sớm là Hoàng
Đình Huy Quan, tác giả tập thơ “Mở Cửa,” lúc tuổi chưa tới 20, Hoàng Đình Huy
Quan đã có tên trong ban biên tập tạp chí Văn Học ở Sài Gòn.
Nhắc
đến văn nghệ Tuy Hòa không thể không nhắc đến Nguyễn Sông Ba, Khánh Linh, Triều
Hạnh, Phan Bá Chức, Nguyễn Tường Văn. Bên cạnh đó, nhiều cây bút ở địa phương
khác lâu lâu cũng ghé lại làm cho Tuy Hòa ấm áp thêm như Trần Hoài Thư, Lê Văn
Nhàn, Lê Văn Trung, Tạ Chí Đại Trường, Đỗ Toàn, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Sa Mạc,
Lê Ký Thương, Huỳnh Hữu Võ, Trần Vạn Giã, Nguyên Minh, Võ Tấn Khanh…”
Tôi
đã đọc được trên Thư Quán Bản Thảo những mẩu chuyện của những bạn văn nghệ một
thời sinh hoạt trước 1975. Thuở đó tuổi chúng tôi còn rất trẻ, trên dưới hai
mươi.
Tôi
cũng sung sướng vô cùng khi đọc (lại) những bài thơ của Pham Cao Hoàng trong “Mây
Khói Quê Nhà.” Dĩ nhiên là những bài thơ cũ, nhưng với tôi, đó là thứ nhan sắc
vô cùng mới, chẳng hạn như: “Bạch Tiễn Tôi Ở Ngã Ba Duồng”:
“Tay
chưa vẫy mà lòng nghe ứa lệ
người tiễn tôi một sớm mùa thu
cám ơn em, hỡi người thiếu nữ
thôi, chia tay, xe lăn giữa bụi mù
Trong
phút đó sao người chẳng nói
dù một lời cũng đủ buổi xa nhau
và trong mắt người có gì buồn bã
thoáng ngượng ngùng rồi sẽ quay mau
Hình
như gió lộng qua màu áo
tóc người che mấy cõi trời sầu
xe lăn bánh tôi âm thầm khóc
có xa rồi lòng mới thấy đau
Người
tiễn tôi một sớm mùa thu
vàng dáng lá như dáng người tha thướt
đường thì xa vạn dặm mịt mù
những oan nghiệt làm sao ngờ được
Tôi
phong sương nên không hề biết
con đường nào có lá me bay
con đường nào chân người in dấu
những tình buồn giữa buổi thu phai
Người
cũng hiểu đời một tên đãng tử
có gì đâu ngoài cuộc sống buồn tênh
những thu qua rồi những mùa thu tới
một mình tôi rồi vẫn một mình
Người
cũng thấy áo tôi không đủ ấm
chưa ba mươi mà tóc bạc trắng đời trai
ngày tháng cứ lạnh lùng một bóng
tôi điêu linh nay đã mấy năm rồi
Có
lúc tôi nhủ thầm đời lạ nhỉ
tôi mà cũng có người đưa tiễn ư
tôi mà cũng có người con gái dáng như thu
cầm tay khóc giữa tình đời bội bạc
Bởi
thế nên cám ơn, người nhé
xe lăn đi là cách biệt ngàn trùng
xe lăn rồi bụi mù trời giông bão
tóc thu người bay giữa hư không.”
Đọc
thơ Phạm Cao Hoàng và những ngày tuổi trẻ với bạn văn nghệ ở Tuy Hòa, Quy Nhơn,
tôi như thấy chung quanh tôi còn thơm ngát hương tình bằng hữu và tình yêu.
Nên
tôi (cũng) xin ghi lại đoạn thơ trong bài “Mai Sau Dù Có Bao Giờ” của Nguyễn
Bắc Sơn về cái tình bằng hữu ấy:
“Có khi nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.”
Trần Yên Hòa) [qd]
Nguồn: Người Việt, California, 18/8/2021