Saturday, August 14, 2021

2113. NGU YÊN 16 bài thơ



Nước Bọt Ứa Ra.

 

Tôi kết hôn với nữ thần Tự Do

ngày mồng 4 tháng 7 năm 1975

bên bờ hồ ngoại ô phố Little Rock

những người bảo trợ làm chứng nhân.

 

Tôi lưu vong như người bệnh động kinh,

theo nỗi nhớ nhà giãy giụa.

Lời ứa nước miếng trào bọt xuống nỗi buồn.

Tâm tư trợn trắng mắt.

Hôn mê khoảng mười phút.

Mười phút khỏi làm người mặc cảm phế bỏ quê hương.

 

Tôi lưu vong ít nỗi niềm Chinua Achebe

“Quê Hương Tan Rã.”

Không khát vọng Ngudia Wendel

“Chúng Con Sẽ Trở Về, Ôi Mẹ Luanda.

Chỉ sầu não trên môi: “Adieu Mon Pays,

Giã Biệt Quê Nhà.”

 

Kẻ lưu vong đại khái,

thỉnh thoảng làm thơ hiu hắt tình quê.

Thỉnh thoảng oán hận.

Thỉnh thoảng vong thân.

Hầu hết lơ mơ chiêm bao thất thế.

Thức dậy chưa?

 

Tôi lưu vong giống chiếc phao câu cá

bềnh bồng với lưỡi câu không mồi,

cột vào tự do

chờ dính may mắn.

Chẳng câu được gì

ngoài trừ tuổi đời lặng lẽ lục bình.

 

Tôi lưu vong không xứng đáng lưu vong.

Kết hôn với nữ thần Tự Do,

gửi thân,

tìm ngày thứ 366.

365 ngày lưu vong thả nổi.

 

Vừa ngã xuống.

Nước bọt ứa ra ghi lại thành lời.

Ý tứ động kinh,

điều gì giãy giụa,

trong một đời bình yên

cồn cào thao thức

 (2017)

 

Ghi:

Things Fall Apart, tiểu thuyết của Chinua Achebe.

We Shall Return, Luanda, thơ của Ngudia Wendel.

Adieu Mon Pays, ca khúc của Enrico Macias.

 


Bỏ Chạy, Hồn Ngoảnh Lại.

 

Hành trình đi khắp thế giới,

bằng bước đầu tiên ra khỏi nhà.

Tôi bị đuổi khỏi quê quán,

đi ngàn dặm khắp nơi,

khát vọng tìm bước cuối,

mở cửa vào nhà.

 

Nhà tôi luôn luôn đóng,

bằng ống khóa vô hình,

màu đỏ,

nhập cảng từ Trung quốc.

 

Suy nghĩ nhiều đêm.

Học hỏi những gì có thể học.

Học hỏi nhưng gì không thể học.

Vẫn chưa tìm ra chìa khóa.

Dù trở về Việt Nam,

chỉ đứng ngoài sân.

Nhìn quê hương thay đổi:

đỏ, hồng, rồi hồng lợt...

chỉ là máu pha loãng.

 

Dòng Việt, người tị nạn khá nhiều,

nhưng thực sự biết lưu vong, quá ít.

Lưu vong không phải di cư,

không phải di trú,

càng không phải đi để tự hào.

Lưu vong là xác bỏ chạy hồn ngoảnh lại.

Lưu vong như tôi thật lãng phí.

Nói ra đã hèn.

Không nói càng hèn hơn.

Suy nghĩ nhiều đêm thấy chim bìm bịp cô độc bắt rắn.

Học những gì có thể học tiếng lạc đà rống thê lương.

Học những gì không thể học mặc cảm trong thâm tâm tị nạn.

Vẫn chưa tìm ra chìa khóa mở cửa nhà.

 

Nhà tôi luôn luôn đóng,

bằng ống khóa vô hình,

màu đỏ,

nhập cảng từ Trung quốc.

 

Bây giờ

sắp hết giờ.

Kẻ hiểu số mạng chưa chắc sợ số mạng.

 

Biết có nơi dạy mở khóa

không cần chìa.

Muốn tìm đến

phải mất ít nhất 100 năm.

Tôi nhiều lắm,

sợ không đủ 20.

Lưu vong như vậy thật thừa thãi.

 

Tôi bị đuổi khỏi nhà,

lưu vong xứ Mỹ.

Khát vọng phút cuối cùng,

được bước vào

nơi tôi bị đuổi ra.

 

2019)

  

Cây Gậy Cùng Đôi Đũa.

 

Đứng trên dãy cồn cát.

Biển hoang dã.

Nước và trời cùng màu,

chưa chia cách nhau.

Tiềm thức vang thương cảm.

Xa xôi, dĩ vãng tôi.

Bay,

con hải âu biết gì về quê quán,

mà thức dậy lúc trăng chưa tàn.

 

Tôi có quê như ông lão có gậy.

Chống đi đường,

Không thể chèo vượt đại dương.

Người lưu vong

Có quê cũ quê mới.

Như so đôi đũa

gắp từng mảnh lòng ưu tư.

 

Tôi đọc nhiều sách,

chuyện người xa quê hương.

Biết được,

Không phải ai lưu cũng vong.

Không phải ai vong,

cũng đạt được mơ ước.

 

Người lưu vong không làm được gì,

như kẻ đứng xoay lưng về mặt trời,

luôn luôn thấy bóng mình phía trước,

ám ảnh.

Chỉ có ánh trăng,

ngã bóng về phía sau.

Đó là những đêm nhẹ nhàng giấc ngủ.

 

Đêm nay chập chờn.

Thức dậy theo trăng,

ra biển.

Cát hai bờ giống nhau.

Sao nước xa lạ?

Ngâm mình xuống.

Nước ngày xưa mặn thêm nước hôm nay.

Sóng hiện tại dâng cao sóng quá khứ.

Có ai lưu vong vì không có quê nhà?

Con hải âu thức dậy tìm cá.

Tôi tìm gì đã muộn nhiều năm qua.

 

Người lưu vong tay cầm đũa tay cầm gậy.

Dù chẳng ra gì vẫn lội hướng nắng reo.

 (2020)

 

Mùa Thu

Không Phải Mùa Máu.

 

Không ai có thể gọi mùa thu tên gì,

vì nếu có tên,

sẽ không còn là mùa thu.

Nhưng có thể đếm tên mỗi người lưu vong,

vì nếu không có tên,

sẽ là những ai chết hối hận.

 

Mỗi trái tim mất nhà cần nụ hôn quê mẹ.

Nước mắt chảy xuôi.

Đám con lưu lạc,

nước mắt không chảy ngược.

 

Mệnh lưu vong

không để dành cho những ai trốn nhà đi chơi,

ngụp lặn phồn hoa đô hội,

đấm bóp xác thịt, vuốt ve công danh,

như những hàng xóm Việt.

 

Vì lưu vong không phải Việt kiều,

tấp nập trở về quê mẹ,

mẹ ghẻ,

sống với chồng Trung quốc,

vô tư hỏi mồ ông nội chôn ở đâu?

 

Mỗi bộ não mất nhà cần tiếng ho quê cha,

nhắc nhớ quê hương đang bệnh truyền nhiễm.

Mùa thu không có tên.

Khi đặt tên Thu Cách mạng,

thu trở thành mùa máu.

 

Những ai lưu vong không có tên,

chúng ta thành lập cộng đồng “Lưu Vọng.”

Đốt lửa “hy vọng” thành “nguồn tin”:

Quê tôi sẽ có ngày mừng rỡ

vì con dân biết yêu quê mình.

 

 (2018)

                                                                

Động Kinh.

 

Sống ở Hoa Kỳ,

được mấy đêm cố tình ngắm trăng?

Trăng thật bị lãng quên,

chỉ thấy trăng trên truyền hình.

Huống chi trăng dĩ vãng.

Thở không kịp giờ nhớ mẹ.

Nói rằng yêu thương sao lại dễ quên !

 

Bất kỳ người thân nào đã chết,

sẽ bị bỏ rơi trong thế giới sinh tồn.

Lâu lâu nhớ lại,

cảm động lóe lên như ánh đèn xe,

chạy quét ngang nghĩa trang bên đường.

 

Bất kỳ hình ảnh nào quê nhà trong ký ức,

sẽ chôn vùi dưới hình ảnh hàng ngày.

Bất chợt chiêm bao thấy lại,

ngỡ ngàng

thức giấc

biện minh tình nghĩa

Nói rằng nhớ nhung sao lại thờ ơ !

 

Một người lưu vong mang bệnh động kinh,

sùi bọt mép,

khi quê hương ngã xuống co giật,

nhắm mắt không thấy ngày mai,

bất tỉnh cho quên sống thực.

Nói rằng lưu vong sao chưa cứu quê mình !

 

Một người lưu vong mang bệnh động kinh,

suy nghĩ

rồi suy nghĩ.

Cặm cụi gói ghém chữ

gửi lên lưới mây.

Ước mơ

mưa thấm về quê cũ,

tưới mát tâm tư trí tuệ

cho một ngày, biết chừng đâu, mai sau.

Đó là những khoảnh khắc

sùi bọt mép, bất tỉnh, co giật chân tay.

 

Khi mở mắt

trôi vô bờ theo thác lũ Hoa Kỳ.

Đêm lo ngủ sớm

hoặc cuối tuần mê xem truyền hình,

không cố tình thức khuya

ngắm trăng.

 

 

Da Cao Cấp.

 

Gần nửa thế kỷ sống ở Hoa Kỳ,

nếu bạn chưa gặp kinh nghiệm

bị kỳ thị,

chưa buồn lòng

vì chỉ khác màu da,

có lẽ,

bạn ngây thơ

hoặc ngu ngơ

hoặc giả vờ.

 

Kỳ thị là phản ứng tự nhiên:

thích hay không thích,

khinh hay không khinh,

sợ hay không sợ.

Kỳ thị là chuyện phải chấp nhận

dù không vui.

Kỳ thị không thể chịu đựng

khi đổ máu

khi tội hình

khi quá độ

khi mạng người bị diệt vong.

 

Người Việt kỳ thị có hạng trên thế giới.

Hầu hết người Việt già không thích da đen.

Đa số giới Việt trẻ bạn bè đa văn hóa

không phân biệt màu da,

chỉ phân biệt tốt xấu.

 

Khi người Việt ủng hộ kỳ thị,

có tự hỏi da mình màu gì?

Không thể hơn da đen,

vì da Việt chưa có Luois Armstrong, Michael Jordan, Muhammad Ali, Whitney Houston, Beyoncé, Denzel Washington, Will Smith, Morgan Freeman, Whoopl Goldberg, George Washington, Alice Ball, Mae C. Jemison, Maya Angelou, Toni Morrison, Langston Hughes, Barrrack Obama...

Không thể hơn da mễ

vì da Việt chưa có Octavio Paz, Carlos Fuentes, Anthony Quinn, Jennifer Lopez, Victor Celorio, Victor Ochoa, Pacho Villa, Alfonso Garcia Robles, Mario José Molina...

Chỉ có thể hơn da bản thân.

 

Khi người Việt ủng hộ da trắng kỳ thị da màu,

đã tự quên mình là ai,

có lẽ,

vì ngây thơ

vì ngu ngơ

vì giả vờ

hoặc nửa nghi nửa ngờ da mình thuộc hàng cao ấp.

Vàng Nổi Da Gà.

 

Dân tôi bên ngoài rất nhiều trí thức.

Nếu gió thổi bay bằng cấp,

lượm lại không xuể.

 

Dân tôi bên ngoài rất nhiều chính trị.

Đến mùa tranh cử,

họ chia hai phe,

tranh giành dữ dội hơn trận football vô địch toàn câu.

 

Dân tôi bên ngoài, một số suy nghĩ khác thường.

Họ ghét bỏ, chống đối tị nạn di dân vào Hoa Kỳ,

như chính họ mấy mươi năm trước.

 

Ảo tưởng da vàng cũ hóa trắng

hơn da đen

hơn da đỏ

hơn cả da vàng mới

làm da nổi u gà.

 

Ảo tưởng da vàng cũ hoá trắng,

khiến quan niệm lột da

trở thành quan niệm sống.

 

Dân tôi bên ngoài, đa số tâm sự lạ lùng,

chiêm bao nói tiếng ngoại quốc.

Nhãn quan cũng lạ lùng,

nhìn vàng hóa trắng.    

                                                         

 

Tấm Ảnh Chết Hai Lần.

 

Trên đỉnh đồi trọc,

một nhà,

một cây,

chiều,

mưa.

Cảnh như góa phụ nhớ chồng.

 

Tấm ảnh gửi đến người tị nạn

địa chỉ Hoa Kỳ.

 

Đã hơn nửa tháng,

bận rộn chưa xem thư

ông đi họp,

gọi điện thoại,

gửi email,

kêu gọi trên facebook,

vận động tranh cử.

Tâm trí vắng mặt tình nhà.

 

Trên đỉnh đồi trọc,

một nhà cũ,

một cây xơ xác.

Cảnh như góa phụ chết chồng,

lần thứ hai.

 

 

Mùi Sắp Bị Giết.

 

Tìm mùi hương tản mác trong gió.

Bụm vào lòng tay.

Đưa lên mũi

hít thở:

 

Mùi bánh bao góc phố Sài Gòn.

Mùi man mác nắng trưa Long Khánh.

Mùi nước dừa Tam Quang.

Mùi nước mắm Phan Thiết.

Mùi cát bụi Phan Rang.

Mùi ủ ê mưa Huế.

Mùi nem nướng Nha Trang.

Mùi cà phê Đà Lạt.

Mùi trung học Qui Nhơn.

Mùi kênh đen.

Mùi mì quảng

Mùi bún bò.

Mùi tấp nập đường phố Tự Do.

Mùi thông xanh đại học.

Mùi bắp nướng.

Mùi quê mình.

......

Mùi tóc con trai.

Mùi da con gái.

Mùi mồ hôi cha.

Mùi mẹ.

Mùi hẹn hò.

Mùi ly tan

Mùi bom đạn.

Mùi mất mát.

Mùi thương đau.

Mùi chết.

......

 

Tìm mùi hương tản mác trong gió.

Bụm vào lòng tay.

Hít thở.

Nhắm mắt tận hưởng nhớ nhung,

êm đềm đau giữa ngực.

 

Làm sao tìm mùi hương tản mác

khi gió đang gầm gừ,

khi sợ hãi bịt mắt,

khi trốn núp trong nhà.

 

Thời gian sắp giết chết mùi hương,

như đang giết người.

 

Hai Quê Nhà.

 

Bất kỳ ai, sống bất cứ nơi nào,

đều có một quê nhà.

Quê nhà đó hiện diện trên bản đồ

và tàng ẩn trong máu.

 

Quê tôi có hình hài rừng núi xuống gần sóng biển.

Có ruộng khó cày, lúa thấp, èo uột ngô khoai.

Có củ mì dăm trồng quanh hành rào.

Có vườn rau xanh nhờ tay mẹ.

Có cây ăn trái sai quả nhờ công cha.

Quê tôi ở núi Một

và ẩn hiện theo ngày tháng lưu vong.

 

Quê tôi

chính là những người thân thuộc như bình minh,

như đám dế trẻ thơ, như học trò xếp lớp,

như chú bác cô dì, như đánh đáo, đánh trỗng, đá lon,

như bạn bè sánh vai vào chiến trận

như tất cả những gì chìm lúc cuối hoàng hôn.

 

Tôi cũng như ai, có một quê hương trên bàn đồ,

không biết làm sao kể hết thống khổ

vì những người bên trong phá hoại chính là dân tôi.

Tôi cũng như ai, có một quê hương đỏ tươi trong máu,

Không biết làm sao giữ đậm bóng hình,

vì những kẻ bên ngoài xoá mờ chính là dân tôi.

 

 

Khuya 30 Tháng 4.

 

Tôi nghe tiếng chân trên trần nhà. Đêm khuya vắng âm thanh lê mỏi mệt.

Tôi biết ba tôi trở về.

 

Ba tìm gì nơi quen thuộc đã lạnh lùng. Chỉ bầy mèo hoang khóc gào liên tục. Chỉ đàn chuột đói ăn nhện ăn ruồi, nhưng không tránh khỏi muỗi dã tâm hút máu.

Ba tìm gì khi hồn đã bỏ chạy, khi nắng trời chỉ soi sáng mặt ngoài, khi trăng và người không liên hệ, khi người và người giả dạng với nhau.

Tiếng chân lanh quanh.

Tiếng chân ngập ngừng.

Tiếng chân dừng lại.

Sao tiếng chân không đi đến góc trần, nơi chiếc rương cũ chứa nỗi niềm hối tiếc. Con vẫn cất giữ dù không bao giờ dám lục lọi, sợ thấy lại ngày lêu lỏng mất quê hương. 

 

Tôi biết ba tôi trở về.

Tiếng chân buồn như thở dài quê quán.

Lịch sử vì sao thắt cổ lương tâm?

Nhà nhà vì sao khóa cửa hiểu biết?

Người người vì sao xóa bỏ công dân?

Con biết ba nhiều lần trở về như thương binh tàn tật.

Xin đừng trông cậy nơi truyền nhân.

Không thể bỏ vợ, xa con, hiến thân chiến đấu.

Con cũng hèn như bộ đội, công an,

dù bất mãn chỉ câm nghe động tĩnh.

 

 

Con muốn trèo lên chiếc thang ông bà để lại

nay mục nát.

Trườn lỗ thông hơi tổ quốc chống nghẹt thở

để gặp ba.

Nhưng con sợ

không phải ba,

chỉ là ám ảnh

của nỗi niềm bất lực mất quê nhà.

 

Chuyện

Một Dòng Tộc Xiêu Tàn.

 

Mẹ nuôi ông tổ dòng nội ngoài bắc.

Mẹ nuôi ông tổ dòng ngoại trong Nam.

Trịnh nguyễn phân tranh, họ hàng thù oán.

 

Mẹ nuôi ông nội ở Sài Gòn.

Mẹ nuôi ông ngoại ở Hà Nội.

Chiến tranh nam bắc, nội ngoại giết nhau.

 

Mẹ nuôi anh tư ở lại.

Mẹ nuôi anh hai lưu vong.

Anh em hại nhau không màng huyết thống.

 

Mẹ có nuôi đứa nào chống Trung Quốc xâm lăng?

 

Mẹ bệnh nặng. Con trong nhà chạy chữa thuốc thang. Con bên ngoài gửi tiền tiếp tế.

Để bệnh quá lâu không điều trị. Bệnh ngấm vào xương tủy, dễ gì lành một sớm một chiều.

Để lâu hơn nữa sẽ trở thành tê liệt.

Mẹ sợ mất bất ngờ, viết thư trăn trối đàn con. “Dẫu mẹ qua đời, đừng bán ngôi nhà cha truyền con nối, đừng để người lạ chiếm đoạt của từ đường.” Lá thư đào lỗ chôn trước cửa nhà.

 

Mẹ nuôi 50 con trên núi.

Mẹ nuôi 50 con dưới biển.

100 con đánh nhau.

Chết chỉ còn 30 đứa.

Có đứa nào chống Trung Quốc xâm lăng?

 

 

Mẹ nuôi 15 con bên này.

Mẹ nuôi 15 con bên kia.

30 con đánh nhau.

Chết chỉ còn 10 đứa.

10 đứa giết nhau.

Còn đứa nào chống Trung Quốc xâm lăng?

 

 

Tango Habanera.

 

Không / không không sợ / không sợ / không sợ.

Chách/ chách chách chình / chách chình / chách chình.

Điệu nhạc buồn quê hương.

Khi nắng vẫn ngàn xưa như ngàn mai.

Chiếu vàng lúa mênh mông hồn Lục tỉnh

và những con tim kinh lạch sâu đậm câu hò.

Quyền lực nào tự gây thương tích?

Tự đe dọa? Tự dại khờ? Tự biến thái? Tự hại mình?

Quyền lực nào hơn tình tự dân quê?

 

Không / không không sợ / không sợ / không sợ.

Điệu nhạc buồn quê hương.

Nơi tôi lớn lên với muôn ngàn âm điệu hòa tan trong máu.

Quê mình sông dài khác với quê người.

Quê mình biển rộng khác với quê người.

Quê mình núi cao khác với quê người.

Quê mình mồ mả khác với quê người.

Quê mình cha mẹ khác với quê người.

Quê mình vợ chồng khác với quê người.

Quê mình tình yêu khác với quê người.

Quê mình khác với quê người.

Lòng tham nào bán rẻ quê mình?

Trí ngu nào hủy hoại quê mình?

Sợ hãi nào dâng hiến quê mình?

 

Không / không không sợ / không sợ / không sợ.

Điệu nhạc bừng bừng quê hương.

 

 

Chú Ý Lấy Gân.

 

Toàn dân, hãy lấy gân.

Triệu triệu tay yếu ớt lấy gân sẽ bắp thịt khổng lồ.

Đập chết sợ hãi.

Bứt xích nô lệ.

Toàn dân,

123,

lấy gân.

 

Kéo.

Dồn về một phía.

Kéo hết sức cho mặt trời giật mình.

Chỉ có nắng mới đốt hành vi kinh thiên động địa.

Kéo hết sức cho những ai chưa tỉnh ngủ

đứng bật dậy đi tìm quê hương.

 

Toàn dân, hãy lấy gân.

Triệu triệu chân lấy gân sẽ đá cú thần sầu.

Đá mưu trí vào não bộ nhà cầm quyền lơ láo.

Đá trái tim vào lồng ngực những kẻ vô tâm.

Đá tiếng hát dân gian thanh bình vào tai quân địch.

Đá tủi nhục đê hèn vào túi tiền bán nước tham lam.

Lấy gân:

Tập trung năng lực giống nòi vào hồn xác.

Nén hết sức người.

Quyết không rút lui.

Cung tay co chân đối đầu tường đồng vách sắt.

Lấy gân thay thế máu anh hùng.

Toàn dân, hãy lấy gân.

Triệu triệu cổ lấy gân sẽ thẳng và cứng.

 

Toàn dân,

chú ý,

123,

lấy gân.

 

 

Ba Đại Thi Sĩ

Về Thăm Quê Nhà.

 

199 năm sau, Nguyễn Du về thăm quê cũ.

Đi với Tản Đà từ bắc vào nam.

 

Cả hai giật mình:

Tiếng nói dân ta ngọng nghịu giữa tiếng Nga rầm rộ, tiếng Quảng lan tràn.

- Thưa cụ, có biết ta chăng?

- Ngộ phiết, ngộ độc nhưng không hiểu.

 

Cả hai kinh hải:

Dân ta mặt mày tái mét, mỗi người đeo một khối sợ hãi nặng như cùm, đi ba bước thụt lùi hai bước.

- Em nhỏ, có biết ta chăng?

-  Не знаю (*)

 

Tản Đà suy tư suốt một đêm.

Tóc đã trắng không thể bạc thêm.

 

Khi mặt trời mọc, ông nói, phải sửa lại.

“Nước non tuy nặng lời thề

Nước đi nghi vấn chưa về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Non thay đổi nước mỏi mòn niềm đau...”.

 

Bùi Giáng ngang qua, xin bốn câu:

“Hỏi non giờ ở nơi đâu?

Thưa rằng đã chết rất lâu quê nhà,

Hỏi nước giờ ở bao xa?

Thưa rằng đã chết thành ma Thúy Kiều.”

 

Nguyễn Du: - Nên hy vọng.  Cần hy vọng.

“Tuy mưa bão suốt sáng chiều

Nước tuân Trời xuống mỹ miều non xanh”

 

 

(*) Tiếng Nga: Không biết.

 

 

Chạy Trốn Tiếp Tục Trốn, Quay Về.

 

Chạy trốn.

Chưa kịp quan tâm các danh từ cay nghiệt như “tị nạn, lưu vong.”

 

Chạy trốn.

Kinh hãi dẫn15 đứa con trên núi tràn xuống biển.

15 đứa con từ miền Trung vào Sài Gòn.

20 đứa khác từ khắp nơi về núp tự do.

 

Chạy trốn.

50 đứa con hung hăng từ bắc bắn chi chít vào nam.

Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang tung tóe trên bản đồ.

Sài Gòn thất thủ.

Bãi trước Vũng Tàu tôi chạy trốn.

Nhìn từ xa

như cọng rác ai đạp dưới chân,

cuốn theo gió, trôi trên ngọn sóng hung tàn.

 

Chạy trốn.

Lúc bình minh vừa lên.

Không biết nắng hay bóng tối có trước?

Pháo kích trúng tan xác bầy hải âu dù bay lẻ loi.

Đạn phe ta phe địch đan lưới chằn chịt,

những nơi lưới rách là thân thể con người.

 

Chạy trốn.

Trận gió bão thổi mây đen về phương Đông,

mưa xuống biển bảy ngày rồi khóc suốt thế kỷ.

Chiếc ghe đánh cá một máy dài mươi bước chân, rời bến.

Những cánh tay nước tung thuyền bè lên cao,

rồi đập xuống tan tành.

Đám tôm cá vung vãi với trẻ con người lớn vợ chồng cha mẹ.

 

Vừa ra khơi, một số ghe kéo cờ Việt Nam.

Không biết để làm gì nhưng lòng tôi xúc động.

Thuyền xả hết tốc độ, lạc lõng, cầu may.

“Cấp cứu. SOS.

Tôi là người Việt chạy trốn tàn ác.”

 

Bãi trước Vũng Tàu sáng sớm ngày 29 tháng Tư.

Bà Tám bán cà phê. Chị Bảy bán bún bò. Cô Tư bán bánh bao...

Ông Ba bán cá. Ông Mười bán rau. Em bán đậu phụng, nước đá..

Anh Năm, chị Sáu dẫn mối đổi tiền...

Chợ thực dụng tự nhiên dựng lên, người Việt nghèo tháo vát,

người Việt giàu ngu muội sắp nghèo vẫn trả giá so kè.

Chưa kịp nửa trưa

súng cối bắn nát đồi tướng Lân.

Thủy quân lục chiến tràn xuống biển không chờ hạm đội.

Đạn sơn cát máu đỏ, máu vàng của da, máu trắng của xương.

Không họa sĩ nào sáng tạo đủ ý nghĩa ngập tràn cảm xúc.

 

Đa số người Việt chạy trốn ngây thơ và dễ quên,

Quen nhà máy lạnh máy ấm dễ gì muốn dầm mưa dãi nắng.

Khi thế hệ tị nạn qua đời,

những thế hệ sau lạc đề sử Việt.

Ai nói gì cũng tin.

Cuống cuồng tích lủy tài sản.

Và vô cùng sợ chết.

Trang đời khép lại bằng Facebook, iPhone và email.

he he he... he he he...

Cái gì cũng cười.

 

Tiếp tục chạy trốn,

sữa tươi, cô-ca, bia lạnh, cognac, whiskey...

Một đại dương đắm thuyền lưu vong cả bầy mê sảng.

 

Tiếp tục chạy trốn,

thịt bò, hải sản, quần Jean, lụa là, thừa mứa hào quang...

chồng chất chôn vùi lưu vong trở thành tê liệt.

 

Tiếp tục chạy trốn.

Đàn nai lạc vào thành phố biến thành ngựa kéo xe.

Bầy tôm nước ngọt lột vỏ thành còng nước mặn.

 

Tiếp tục chạy trốn.

Tiếng nói mẹ cha trong máu không ra được đầu lưỡi.

Màu da bên ngoài không vàng thấm lợt lạt quê hương.

 

Tiếp tục trốn.

Tiếp tục trốn.

 

Đa số người Việt chạy trốn ngây thơ và dễ quên.

Quen tiện nghi, thoải mái,

dễ gì chảy mồ hôi, chịu đựng thương tích.

Khi thế hệ tị nạn qua đời,

Những thế hệ sau quên dần lưu vong.

 

 

 

Ngưng trốn.

Dừng lại.

Quay về.

Tôm nước mặn nỗi lòng cá mập

Về nước ngọt trồi lên cá sấu.

Nai can đảm tụ tập mọc sừng bò rừng.

Reo hò tiếng mẹ cha: Quê tôi không thể tan rã.

Lột da vàng gói khổ nạn, mặc cảm, chôn sâu.

 

Ngưng trốn.

Dừng lại.

Quay về.

Không có ai đổ máu, hận thù, tàn tật.

Vì từ trời rơi xuống, từ đất mọc lên,

những trí tuệ khiêm nhường sáng tỏ xô đuổi âm u,

những tâm hồn tử tế biết thức dậy nghe gà gáy sớm,

những thân thể bình thường biết tắm gội bùn dơ,

những hành động thông minh chiếu lên chân trời quang đãng.

 

Ngưng trốn.

Dừng lại.

Quay về.

Từ bản thân bắt sâu đang ăn lá.

Từ dân ta nhận ra,

Chấm dứt lỗi thời là khởi sự cách tân.

Chấm dứt lòng tham. chấm dứt ảo tưởng.

Tự biết mình sâu bọ, côn trùng,

là biết mình sẽ mọc cánh bay.

Không cần chờ phép lạ.

 

 

Ở Một Thế Giới Khác

 

Ngồi suốt ngày ở bàn viết

Sao cảm thấy mỏi chân

Có lẽ vì đi hư cấu

vượt 14. 500 kilô mét mỗi vòng.

 

Tôi vừa đi Việt Nam

lúc 5 giờ 30 sáng.

Ghé Nha Trang

thăm tôi lúc 10 tuổi

ở tu viện Sư Huynh.

Cậu bé ấy vẫn mơ mộng

những tranh cãi với Chúa

vẫn chơi đàn lúc chiều tà

nhớ bâng khuâng điều gì lạ lẫm.

Đi tu, cầu nguyện xong, lòng bình an

Bỏ tu, cầu nguyện xong, đời vẫn khốn khổ.

Thần thánh tuổi trẻ khác thần thánh tuổi già, thần thánh bây giờ như mặt nạ mang hù nỗi ngây thơ, người khôn cứ làm người khờ cứ sợ, dù sao, chết sẽ như nhau.

 

Tôi về Sài Gòn

thăm anh sinh viên trốn học hơn 300 ngày mỗi năm

đánh cờ, ca hát, đi rong, ngồi cà phê

rồi yêu hầu hết thiếu nữ băng ngang vỉa hè.

Nhưng thi vẫn đậu

vì hứa với người yêu

sẽ trở thành luật sư tranh kiện nổi tiếng

trước khi cưới nàng

dù vẫn biết

tôi nói chuyện hài hước hay hơn.

 

Sự kỳ diệu của hư cấu

cho phép con người đạt được bất kỳ điều gì

họ muốn.

Tối thiểu trong khoảng sống rối loạn này

họ được an ủi

bởi tưởng tượng.

Hư cấu là thần dược

chữa lành mọi thất bại, thất tình.

 

300 ngày mỗi năm

tôi lên Đà Lạt yêu người Tuy Phước.

Thời gian đó vui nhất.

Yêu là tà thuật

biến buồn sầu thành niềm vui, biến niềm vui thành đau khổ, biến đau khổ thành sung sường, biến sung sướng thành ngây ngô, dù sao, nhìn từ bên ngoài, trông rất bình thường.

Yêu là hành vi

tìm hiểu mắt môi người thương nhớ, phiêu lưu da thịt không cần địa điểm và thời gian, mạo hiểm đến độ tình nhân giả lơ nhắm mắt, dù sao, yêu thành hay bại, người yêu không bao giờ mất trong trí  tưởng

 

Tôi trở về Houston lúc 6 giờ chiều

mỏi chân và đói bụng

Vợ hỏi:

- Sao anh không ăn uống gì? ngồi mãi ở đó?

Sự kỳ diệu của tưởng tượng

miễn phí

cho phép con ngưới sống thành công hơn, hạnh phúc hơn, muốn gì được nấy, yêu ai không ai dám từ chối, thay đổi định mệnh, không giới hạn, một trăm phần trăm an toàn,

ở một thế giới khác.

 

 

Nhà Văn Lão Thành

 

Khi người viết được tặng tên mới:

“nhà văn lão thành.”

Có nghĩa:

ông rất cô đơn,

gần như bị xua đuổi.

Giới viết trẻ tuy cung kính nhưng xa lánh.

Cái bóng ông không mát mẻ, choáng đường đi.

Viết nhiều như trăn trối, không ai muốn tìm hiểu.

Giới viết già

đa số qua đời.

số ít còn lại như các ca sĩ.

Khi phỏng vấn, khen thưởng nhau.

Về nhà

chẳng bao giờ nghe nhau hát.

Nhà văn lão thành như trái keo chín mùi,

trên đỉnh cây nhiều gai

không ai mất công leo hái.

Chờ gió lớn, ông phải tự lắt mình,

rụng xuống.

Có ai lượm chưa?

 

Muốn viết nên viết lúc trẻ.

Khi không cần độc giả nhưng cần tình nhân.

Người viết trẻ luôn luôn muốn làm sư phụ.

Tự nhiên thôi,

không cần phải tranh giành.

Tự nhiên thôi,

khi già đủ

sẽ trở nên lão thành.

 

Lão thành  老成 nghĩa: tuổi cao thành tựu.

Không hẳn như vậy,

lão thành  : thóc lúa cũ chờ cúng.                                

 

Ghi:

Chữ “Thành” trong từ điển Hán Nôm, Chữ thứ năm theo thứ tự từ trên xuống.

https://hvdic.thivien.net/hv/th%C3%A0nh