Nhà thơ Luân Hoán hình như không bao giờ
ngồi yên. Dĩ nhiên làm thơ là “nghề” chính của chàng. Thường thi sĩ phải yên vị
trên bàn viết nhưng thơ của Luân Hoán là thơ…chạy. Anh làm thơ trên đường phố.
Có khi vừa chạy xe vừa làm thơ nhưng cũng có khi gác xe ngồi làm thơ. Dù cách nào
cũng là thơ đường phố.
Thơ đường phố
thật thà như đếm, như cuộc đời sinh động chung quanh, chẳng thơ một chút xíu
nào. Bảy giờ sáng một ngày nắng
tháng 8, chàng ngồi trên xe trước cửa nhà tôi mần thơ.
mang theo mình hai nghĩa trang
di ảnh hồn vía bạn vàng khá đông
trong này vài bà lẫn ông
đến Nại Hà Kiều vẫn không chịu vào
ví như bác phiếm Song Thao
và bác Hồ (nhưng chỉ Hồ Đình thôi)
hai bác góp tay lôi tôi
tờ mờ ra khỏi cái nôi nhùng nhằng
đường quen, ít qua vẫn quen
xe đi nhịp ngựa bánh lăn đều đều
vì thơ đâu dám bay vèo
đường dài nhiều chặng cộng theo đường vừa
Hai “nghĩa trang” anh mang theo
tới trước cửa nhà tôi, một cho tôi một cho Hồ Đình Nghiêm, là hai cuốn “Hư Ảo Cõi Hương”. Đây là một…phát
minh của nhà thơ. Người ta phát minh ra điện thoại di động, anh phát minh ra “nghĩa trang di
động”. Nghĩa trang của anh là những câu thơ
làm bia mộ cho những người quanh anh đã khuất. Phần lớn là bạn văn bạn thơ của
anh đã nằm xuống. Anh là người giầu bè bạn nên chúng ta gặp bia mộ của hầu hết
các tác giả Việt Nam bỏ cuộc chơi trong những năm qua. Ra đi sớm nhất là Nhất
Linh, Doãn Dân, Đynh Hoàng Sa, Nguyễn Tất Nhiên cho tới những người vừa rời xa
chúng ta như Du Tử Lê, Nguyễn Thị Vinh, Hồ Trường An, Chân Phương. Và mới nhất
là họa sĩ Bé Ký.
nét
bút chị từng vẽ tôi
vẫn
treo phòng khách tôi ngồi thường xuyên
nhìn
tôi nhớ nụ cười hiền
không
quên thằng bạn huyên thuyên chọc cười
nhưng
tôi bỗng khựng tay rồi
nỗi
buồn không lạ ngậm ngùi ngồi im
khói
hương trong đầu nhói tim
quanh
tôi đêm vắng đang chìm vào tôi
Ngoài bạn văn thơ, nhà thơ Luân Hoán
còn xúc động với sự ra đi của những người anh mến mộ nhưng không quen biết. Khi
Quỳnh Giao, Mai Hương, Lệ Thu nghỉ chơi với cuộc đời, Luân Hoán cũng đặt bia mộ.
Bia mộ của người ca sĩ khả ái Lệ Thu đột ngột từ giã chúng ta vì dịch bệnh, anh
ghi:
biết
chị vướng bệnh không lành
trong
thời “dịch lạ” hoành hành tứ tung
lo
thầm cầu nguyện chung chung
vững
tin không có cuối cùng xót xa
thật
buồn thêm người tài hoa
qua
bao chống chọi chị xa thế trần
tôi
ngồi chọn chữ phân vân
mường
tượng chị thở khó khăn mà buồn
Nghĩa trang di động của Luân Hoán,
ngoài những người thân trong gia đình như mẹ, chị, nhạc phụ của anh, còn có những
người thân của các bạn văn của anh. Nằm trong mảnh đất này có thân mẫu của nhà
văn Nguyễn Đông Ngạc và nhạc mẫu của tôi. Hai cụ đều ra đi khi đã ngoài trăm tuổi,
đủ dài để anh thân tình với các cụ. Anh gắn bó với cụ nhạc tôi còn là vì những
trùng hợp khá lạ lùng. Anh sanh cùng ngày tháng với cụ và cả hai đều tuổi Thìn.
sinh,
mất cùng tháng đầu năm
cụ
đi như thể trăng rằm lặn thôi
nhẹ
nhàng thầm lặng thảnh thơi
khác
chi một cuộc dạo chơi cõi trời
Đọc trên những mộ bia trong nghĩa trang
trên giấy của Luân Hoán, tôi thấy còn có những sinh mạng xa tít xa tắp, chắc
nhà thơ không với tới, nhưng anh vẫn trang trọng rước vào. Minh tinh Elizabeth
Taylor, cẩu thủ Maradona, tổ sư playboy
Hugh Hefner, ông bầu Réné Angelil, chồng của danh ca Céline Dion, chúng ta đều
biết. Nhưng Anylan Kurdi, cậu bé tỵ nạn người Syria bị chết trên biển vào năm
2015, thi thể được nhà báo Nilufer Demir chụp hình và phổ biến gây nên một cơn
sốt giúp người tỵ nạn; hay Li Wenliang, nha sĩ người Hoa đã báo động dịch Covid
bị nhà cầm quyền cộng sản đầy ải tới chết vì dịch, cũng được anh trân trọng ghi
bia mộ trong nghĩa trang của nước mắt
thương cảm.
nghĩa
trang của nước mắt
xanh
biếc màu tiếc thương
mộ
không nuôi cỏ lá
tinh
khiết mùi hương buồn
Anh đắp mộ cho những người thân sơ đã nằm
xuống trong phần chính của cuốn sách, phần “Niệm Hương”. Nhưng sách còn có phần
thứ hai được anh gọi là phần “Cáo Tồn”.
“Cáo Tồn” là chi, anh giải thích: “Cáo
Tồn hiểu đơn giản là khóc thương người chưa chết, ngược lại với Cáo Phó. Vậy tại
sao tôi lại muốn bày trò ngược đời này? Tôi là người sợ cô độc, ngại cô đơn, đời
cho quen biết được người nào thì gắng giữ thân tình chân thật đậm đà. Mọi giao
hảo đều cho tôi những linh tinh kỷ niệm. Rủi có một người ra đi, đương nhiên là
thương tiếc.Thuận tiện thì đến nhìn mặt lần cuối, vái mấy vái cùng lầm thầm ít
câu. Không đưa hồn lần cuối bằng sự hiện diện thì tôi viết mấy câu tỏ lòng thay
hương khói. Sự việc này lần lần tạo cho tôi một thói quen, và đầy tôi đi xa
hơn, viết về cả những người mình cảm mến mà chưa được quen biết, gặp gỡ qua. Số
lượng bài tiễn đưa, thương tiếc những người chết thật cứ thế giàu lên, cho đến
một hôm, tôi lẩm cẩm nghĩ, nếu mình bỗng chết đi trong lúc những người bạn thân
còn đó, thì trong đám đưa tang họ thiếu mất mình, tiếc quá. Vậy là, tôi liên tưởng
đến chuyện không may của từng người còn hít thở ngon lành và thử khóc trước.
Trò chơi dại thực sự bắt đầu sau khi tôi tham khảo lấy ý kiến một số bạn và bất
ngờ được đa số đồng ý. Tôi hứng thú và chân tình xuống tay, khai tử sớm một số
bạn để khai sanh một số bài lẩm cẩm”.
Tôi có lẽ là một trong số những người đầu
tiên được anh hỏi khi anh khởi đầu “trò chơi dại” này. Và gật đầu liền chẳng
nghĩ ngợi chi. Lứa tuổi chúng tôi, dư sức được người đời gọi là cụ, nhưng vẫn cứ
tếu táo như những lão ngoan đồng. Ai rủ chơi là chơi. Chẳng care con ma nào! Và anh đã dụ chơi được
29 tên. Những người bên cạnh anh như Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Võ Kỳ Điền,
Phan Ni Tấn. Những người ở xa như Khánh Trường, Lê Hân, Ngu Yên, Nguyễn Trọng
Khôi, Phan Xuân Sinh, Quan Dương, Thành Tôn, Trần Hoài Thư, Trịnh Cung, Vĩnh Điện.
Những người còn ở lại Việt Nam như Cao Thoại Châu, Hồ Chí Bửu, Lê Vĩnh Thọ. Những
nữ nhi như Bích Quân, Ngô Tịnh Yên, Phan Thu Hà. Tất cả đều bị anh dụ vào trò
chơi ma mị của anh.
Nhưng cũng có những người rét lắc đầu
lia lịa chưa muốn nghe kèn khi còn giữ nhịp thở. Trò chơi chưa ai làm này còn dẫn
tới nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Anh chơi như thiệt nên khi được phổ biến,
nhiều người có thân nhân ở xa tưởng thiệt, nước mắt nước mũi thăm hỏi khiến phải
năn nỉ anh rút lại bài để tránh cảnh bi lụy.
Những người mới dừng lại ở cổng nghĩa
trang này được anh vẽ vời ra sao? Biết Luân Hoán là người khó qua ải mỹ nhân
nên thử đọc vài câu anh tiễn sống các giai nhân. Tiễn nhà thơ Ngô Tịnh Yên, anh
đề bia:
tôi
nằm chết thử nào hay
chiều
tang nghi quán lạnh dài khói hương
bạn
nằm chết đẹp như sương
chờ
tan trên ngọn cỏ buồn cô đơn
Bích Quân là bạn của anh, không trong
văn giới, nên lạ lẫm với tôi. Nhưng tôi khoái những câu thơ tiễn biệt với người
đẹp có cái tên rất “truyện Tàu” này:
Chiêu
Quân xưa ngủ bên trời
Hô
Hoa Hạo Đặc sáng ngời Nội Mông
Bích
Quân chừ ngủ trong lòng
bao
nhiêu thi sĩ bềnh bồng như tôi
yêu
người trong giấc mơ thôi
nhớ
nhung xin liệm hồn người vào thơ
Phan Thu Hà có lẽ là bạn thiếu thời của
anh ở Đà Nẵng. Đọc thơ anh thấy nhân vật này nhiều lần xuất hiện rất thân
thương. Mon men qua ngõ Thu Hà / dẫu lơi
chân đạp cổng nhà cũng qua. Nhiều lần định hỏi anh nhưng ngại mỹ nhân Trần
Thị Lý nên trong lòng vẫn ôm cái dấu hỏi bự thù lù. Vòng quay của bánh xe thời
gian không làm nguôi nhung nhớ của người làm thơ đa cảm. Nhớ cho tới phút tận
cùng của đời sống.
giai
nhân tiếp tục mỹ nhân
âm
ty địa phủ dương trần như nhau
cho
dù người có về đâu
tôi
còn hơi thở vẫn hầu hạ theo
Luân Hoán tiễn ba người đẹp tôi trình
làng cả ba, âu cũng là đồng khí. Ba cái chuyện thẩm mỹ, anh và tôi hình như hợp.
Tôi không là người quen biết anh từ những ngày non dại. Anh với tôi hai người
hai mảnh đất xa cách nhau. Anh Đà Nẵng, tôi Sài Gòn. Những ngày đó chúng tôi chỉ
biết nhau trên sách vở báo chí. Anh và tôi cùng viết cho tạp chí Văn Học của
Phan Kim Thịnh. Thịnh nói với tôi về anh, tôi nghe vậy biết vậy. Biết anh nhiều
hơn là qua thơ anh, thơ của một người lính ra trận như đi dạo tìm vần thơ. Vô ý
như vậy nên anh để lại chiến trường nửa khúc chân trái. Tôi cũng là loại vô ý. Ở
xa thì nghe danh anh, khi gặp anh thì chẳng biết cái ông Đà Nẵng mang tên Lê Ngọc
Châu này là ai. Ngày đó, đúng chục năm sau ngày nước mất nhà tan, chúng tôi
cùng tìm đường rời quê hương. Chẳng ai muốn rứt rời đất nước nhưng cũng chẳng
ai muốn cam phận dưới ách đọa đầy. Con đường của chúng tôi không gập ghềnh biển
cả sóng lớn. Anh và tôi có duyên biết nhau khi cùng lo thủ tục bảo lãnh rời xa
xứ sở. Biết nhưng không nhận ra nhau. Chúng tôi chỉ biết nhau như hai người đồng
cảnh ngộ. Cho tới khi định cư cùng thành phố, vẫn chưa hề biết cái ông Đà Nẵng
này chính là ông Luân Hoán của Văn Học
xưa. Một ngày đẹp trời tôi tình cờ đọc
được bài phỏng vấn anh của Hồ Trường An trên báo Làng Văn mới thấy hình anh và
biết anh là Luân Hoán. Thiệt vô duyên đối mặt bất tương phùng. Khi cái ông Đà Nẵng
ngày xưa rủ tôi chơi trò chết giả, tôi ừ liền. Chúng tôi chẳng đã từng “chết”
trong mười năm sau cuộc chiến sao? Vậy nên tiễn tôi, anh thả ga ba hoa:
tôi
còn khỏe đề huề ăn ngủ đái
bạn
còn ngon hít đất hít lung tung
đời
lạ kỳ vẫn khoái chuyện sửa lưng
chắc
nhờ vậy chúng ta cùng viết khỏe
đang
tử tế ngon lành sao xé lẻ
bạn
đi đâu không báo cáo với tôi
chuyện
rong chơi là nghề của bạn rồi
năm
mấy tháng chu du cùng thiên hạ
nhưng
quả thật lần này bạn kín đáo
làm
thinh mà đi không nói với ai
khi
hay tin tôi ngã ngửa thở dài
không
tin được bạn mau chân đến vậy
Luân Hoán trông củ mỉ cù mì nhưng trong
bụng rất lắm chiêu. Không biết sau trò chơi tới tận nghĩa trang này, ông thần
hay bày chuyện này có còn mưu toan chuyện chi khác không. Xin chờ hồi sau sẽ
rõ.