Thursday, July 8, 2021

2084. NGUYỄN VY KHANH Trần Thị Ng.H., nhà văn phá đổ huyền thoại người Nữ


Tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng, sanh 18-4-1949 tại Cà Mau, còn ký Thọ Diên. Truyện đầu tiên Chủ Nhật đăng trên tạp-chí Vấn Đề (1970; sau đó: Giả Thiết; Xuân Tân Hợi 1971,...), rồi Văn (Nhà Có Cửa Khóa Trái, 1972; Những Ngày Rất Thong Thả, 1972; Hè Tiếp Tục, số Xuân 1973; Văn số 1-11-1974 đăng truyện Nghĩ Mát Ở Bãi Biển và chân dung tác-giả làm bìa; Nơi Khác, số đặc-biệt Văn-chương Nữ giới 1-2-1975), Thời Tập (Khoan Điệu, số 15, 30-11-1974) và Thời Văn. Trước 1975, nhà xuất-bản Trí Đăng đang in tập truyện với tựa “Những Ngày Rất Thong Thả” nhưng chưa phát hành thì xảy ra biến cố 30/4; một số được in sau 1975 ở hải-ngoại như Lạc Đạn Và Mười Truyện Ngắn (Toronto: Thời Mới, 2000), Tập Truyện Ngắn Trần Thi Ng.H. (Văn Nghệ, 1999), Nhăn Rúm: tuyển tập truyện ngắn (Paris: Éditions de la Frémillerie/Hồng Lĩnh, 2012; Hội Nhà Văn và NXB Phương Nam xuất-bản cùng năm ở Hà-Nội cùng lúc với Lạc Đạn Nhà Có Cửa Khóa Trái).

Trần Thị Ng.H., một cây bút nữ xuất hiện đầu thập niên 1970 và được xem như cao điểm của trào lưu nữ-quyền hay nữ lưu đòi quyền sống theo nguyện vọng riêng. Qua một số truyện ngắn trước 1975 cũng đã, qua văn chương, tự xác nhận, ra tay để phá đổ huyền thoại phụ nữ như là đối tượng, xây dựng lại tương quan với người khác giống, đảm nhận tự do, một cách lạnh lùng, dứt khoát, dù vẫn cho thấy một loại bất mãn, dồn nén! Trong các truyện này, người đọc sẽ không còn có thể tìm thấy cái không khí lãng mạn, nhẹ nhàng của tình-yêu và đời-sống, trong cốt truyện cũng như tâm lý nhân vật. Sự nghiệp văn chương của Trần Thị Ng.H. khởi đầu với loại truyện-không-có-chuyện, hoặc chỉ là một khai mào, một mảnh chuyện, hoặc chuyện trở thành cái cớ,... Một đoạn tuyệt với dòng văn chương cũ xây dựng trên hai trụ cột: cốt truyện và, tâm lý nhân vật. Tính-dục trở thành sống-chết, trở thành cái cớ để thể hiện “thái độ” phản ứng, nổi loạn của cây bút nữ của trào lưu mới. Phải viết ra, phải công khai, nếu không chấp nhận bị `đàn áp` hay u uất tâm lý.

Truyện ngắn đầu tay Chủ Nhật xuất hiện trên tạp chí Vấn Ðề năm 1970, tác-giả 18 tuổi, nhưng không gây được tiếng vang tức thì có thể vì sự giới hạn số lượng phát hành của tạp chí. - truyện này viết từ vài năm trước và được gởi đến tạp-chí Văn trước nhưng không được chọn đăng (http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TalkWithWriterTranThiNgh_MThuy-20070812.html). Đến Nhà Có Cửa Khóa Trái thì Trần Thị Ng.H. mới được văn giới và độc giả để ý. Một truyện tình khác thường. Và ở các truyện ngắn khác cũng vậy! Tuổi trẻ thời đại sống cho mình đã, sống như mình muốn, sống giây phút thích làm,... bất kể luân lý, dư luận. Ngoại tình, rơi vào vòng tay đàn ông mình muốn, mình thích, bất kể tương lai, là một việc nhỏ trong cuộc đời, trong đời-sống! Làm như mọi sự hết quan-trọng và không còn gì là quan-trọng nữa hết! Không có những kín đáo, tế nhị, giữ gìn phận gái; có chăng là những buông thả tình cảm và tình dục không cần đến lý do, duyên cớ.

Nhà Có Cửa Khóa Trái, truyện ngắn thứ hai, đăng trên tạp chí Văn năm 1972 - sau xuất hiện trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng  Ta (Sóng, 1974), kể chuyện dan díu tình tự của một cô gái ngây thơ với người đàn ông đã có vợ. Chàng thuộc nhiều thơ tiền chiến, biết nhiều về địa lý. Truyện xảy ra ở Huế, được mở đầu trực tiếp, thẳng thừng và bình thản, không cần dạo khúc tả cảnh tả tình mào đầu: “Thử tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn. Một người đàn ông sắp sửa bốn mươi tuổi, có vợ, có địa vị và tiền bạc. Không lý tưởng sao, tuyệt vời nữa. Một hôm chàng nói với tôi:

- Em dám bỏ trốn với anh không?

Tôi nhìn chàng nghi ngờ:

- Chưa có cuộc ngoại tình nào thành công cả.

Chàng hỏi:

- Ngoại tình là gì?

- Là một cố gắng tuyệt vọng.

Chàng có vẻ tâm sự:

- Có khi chung thủy cũng là một cố gắng tuyệt vọng.

Tôi kêu lên:

- Vậy chứ ngoại tình là gì?

- Là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng.”

“... Những lần sau gặp nhau tình cảm của mỗi người có phần khả quan. Tôi tỏ ra sẵn sàng hơn, chuẩn bị hơn trong những lúc đón nhận chàng. Trong khi đó chàng cũng có cái vẻ chu đáo không kém. Nếu dan díu với đàn ông có vợ là tội lỗi thì đó là một thứ tội lỗi rất quyến rũ. Tôi bị lôi cuốn lúc nào không biết. Ít lâu sau chàng đưa tôi về nhà. (...) Ðêm đó chúng tôi yêu nhau. Chàng không ngạc nhiên khi biết tôi còn ngây thơ. Chàng nói không phải sự trong trắng của tôi quyến rũ chàng. Chàng mê sự sòng phẳng của tôi. Trong hơi thở nóng ấm tình ái, tôi nghe chàng nói nhỏ:

- Em...

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là em yêu anh chứ sao!

- Vì sao khi yêu nhau người ta dày vò nhau?

- Ðể nhớ.

Tôi bấu tay trên lưng chàng. Thật không còn thứ đau đớn nào hơn. Thứ đau đớn để nhớ lại bùi ngùi về sau trong những tình cảm ơn nghĩa. Ðêm nóng và mùi mồ hôi trộn lẫn giữa hai người làm tôi bứt rứt cảm động. Chàng khen:

- Em can đảm lắm.

Tự nhiên tôi nói lớn, giọng hờn mát:

- Rồi sao nữa, trời đất!

- Nằm yên...”.

Người con gái sống khép kín trong căn phòng từng có người nữ khác đã đến với cháng và để lại đồ dùng, chờ đợi để được đoái hoài: “Ðêm, sau đó đẹp như một cơn mưa, chàng xối lên tôi cơn mưa nồng nhiệt hạnh phúc.

Một thứ hạnh phúc mỏng manh, bùi ngùi. Một sự yên tĩnh đầy đe dọa. Những buổi trưa buổi chiều chờ đợi chàng khốn khổ một mình. Những giấc ngủ sảng hoàng, cánh tay chàng ghì siết dớn dác giữa khuya, tiếng chàng gọi tức tưởi em. Em. Chàng la lớn: Không! Chàng đau đớn như đang bị hối thúc trong những ý nghĩ ráo riết. Tôi đắm đuối hơn trong hơi hướm chàng, thèm nhớ các thói quen của chàng, thương xót tâm tình chàng. Không có những ngày chủ nhật, ngày lễ, không còn những buổi đi chơi xa, những bữa ăn sang trọng ở hiệu, không còn liên hệ bạn bè, gia đình. Bên cạnh chàng tôi quên hết ngày tháng, sở thích. Tôi sống như thách thức với sự dị nghị, phân bua với mọi bất trắc khả dĩ...”.

Dĩ nhiên tình ái đó không thể không gặp trục trặc giữa đường: ”Một hôm chúng tôi đồng ý xa nhau. Nàng sẽ về trong tháng tới giữa lúc cả tôi lẫn chàng đều gần như kiệt quệ. Tình ái là cái gì thật kinh khủng. Cuộc ngoại tình của chàng dần dần chỉ còn là những cố gắng tuyệt vọng, chàng thú thật. Ðêm cuối chúng tôi say rượu ngất ngư. Tôi ngả ngớn hát ca dao:

“Ðồng hồ sai vì bởi dây thiều...

Em xa anh vì bởi sợi chỉ điều xe lơi...”

Chàng, mặt mũi đỏ ké đỡ tôi vào phòng trong. Chàng dụi mặt vào cổ tôi, phụ họa:

“Ðứt dây nên gỗ mới chìm

Bởi anh ở bạc em tìm nơi xa...”

Chàng hỏi: - Ngoại tình là gì?

- Vừa thôi, cha nội!

Ðêm túy lúy, ngây ngất”.

Kết thúc là để kết thúc thôi, như đã khởi đầu, dù 'bịn rịn' nhưng nhẹ nhàng, như không có gì đã xảy ra: “Cuộc chia tay coi bộ bịn rịn. Trước khi đi tôi nhìn lại một lượt căn phòng. Những sợi tóc còn sót trong chăn gối chàng, chiếc khăn ướt vắt cẩu thả trên sợi dây thép, ly sữa uống giữa khuya còn một chút cặn dưới đáy, tờ báo tơi tả nhàu nhượi, mùi xà-phòng chàng tắm buổi sáng, mùi parazolquen thuộc trong nhà cầu, ống kem đánh răng vặn vẹo... Tôi nhìn lần cuối và nghĩ thầm, không hề gì, đâu sẽ lại vào đấy khi tôi đã đi, chàng sẽ tiếp tục những thói quen cũ, sẽ chờ đợi nàng. Phải không anh? Cái ly bôi mình nhấp cạn rồi mà, còn một chút cặn chứ mấy? Thôi để dành”.

Trái cấm quyến rủ hơn trái lành, miễn nhiễm được phong hóa, xã-hội cho phép, lối cướp đoạt tình dục này tiếp tục xảy ra trong Những Ngày Rất Thong Thả: một người con gái khác dõi tìm hạnh-phúc và thỏa mãn sau khi tình cờ làm tình được với Quyết, cướp đoạt chồng của Khuê. Người thường cho là tội lỗi, nhưng với người nữ tự do tính dục, đó là quyến rủ hấp dẫn, phải nếm cho biết, biết rồi lại muốn biết thêm! Tình yêu, tình người ở đây, không còn là những bất ngờ! Trong truyện này. Trần Thị Ng.H. tiếp nối chuyện một ngoại tình khác, của anh rể với em vợ – ngoại tình một cách 'thong thả': “Đã có những đêm tôi nằm co trong ngực anh Quyết mà khóc. Tôi nghĩ tới chị Khuê và cái hạnh-phúc tôi cướp đoạt ngon lành trên tay chị. (…) Em cũng biết đây chỉ là một cuộc vui, mỗi người một chút liều lĩnh, một chút nồng nhiệt, cùng thích thú trong trò chơi, không phân thắng bại. Em cướp đoạt làm gì hạnh-phúc trên tay chị? Hạnh-phúc là con chim lang bạt, bay hoài chẳng mỏi. Nó cũng chẳng dừng chân ở em, nó bay hoài. Em vui chơi dễ dãi, đau đớn, buồn thảm. Chị bất hạnh tội nghiệp. Anh Quyết thờ ơ lựa chọn (...) Tôi đâu muốn gì, đời-sống buồn thảm và tôi tìm cách vui chơi, tôi tìm hạnh-phúc may rủi”.

Trong Hè Tiếp Tục (Văn, Xuân Quí Sữu, 1-1-1973, tr. 142-), cô gái Tôi và ông Khai, khi Tôi trở về Đà-Lạt, và 'kế hoạch' tự tử với thuốc Valium; một “kẻ bị tình phụ cần được cứu vớt”. đã thử cứa cổ tay mấy lần, ông Khai vẫn chưa hiểu Tôi muốn nói 'em muốn tự từ'. Gặp nhau là đi ăn, cùng nhà hàng Tây, cùng những bản nhạc cổ điển đã nhàm quen, là tái diễn những hành cử với nhau như cái máy, như đã hẹn. Chờ đợi cho đến cuối, chỉ là nụ hôn đã 'làm em run' và 'Có cái gì đã sụp đổ, đã hư, hỏng. Có cái gì vẫn còn lại đìu hiu như một đốm lửa nguội, thoảng hơi khói bay nhẹ' mà người đàn ông vẫn vậy, “Ông Khai đưa lên tới cửa nhà, hôn lên trán: Bonne nuit, mai anh đón em. Tiếng chó sủa rời, tiếng cỏ bị giẫm rối, tiếng mở máy xe ực ực, những viên đá bị nghiến chặt, nhỏ xa dần”.

Lạc Đạn được tác-giả ghi đã viết từ năm 1969, nội-dung 7 chương viết gần như tự-truyện và đến năm 2000 mới có cơ hội xuất-bản ở hải-ngoại, do nhà Thời Mới ở Toronto (Canada), cơ sở đã một thời có chủ trương văn-hóa và chính-trị khá cấp tiến. Lạc Đạn thuộc về loại “truyện vừa” và tựa truyện gợi hình ảnh và không-gian chiến tranh – mà người phụ nữ thường ở hậu-phương nhưng lãnh nhận nhiều hậu quả, họ dễ bị lạc đạn, bị thương tích không những hậu quả tức thì mà còn để lại nhiều thương tích tâm sinh lý và tổn thương dài lâu. Một nhà văn nữ quyền dĩ nhiên có thể còn muốn nói đến hình ảnh đạn lạc khác, đạn của phái nam, của dương-vật, của chế độ phụ-hệ. Nguyệt là nhân-vật chính của Lạc Đạn, 24 tuổi nhưng đã là hình ảnh người nữ kiêu hãnh, luôn đứng thẳng đứng lên nhanh sau mỗi lần bị đạn, cố tình tìm đến hay bị đạn lạc, cũng như sau mọi biến cố, tai nạn. Một cá tính như thế dĩ nhiên dễ bị cô lập, 'trả thù'. Bà Chính, mẹ của Nguyệt và vài người nữ khác (chị Nga, chị Tàm, Thắm, …) có mặt để làm rõ những vết thương của Nguyệt và phụ nữ Việt-Nam nói chung.

Cuộc đời của Nguyệt từ khi mới chào đời đến khi trưởng thành trải qua nhiều biến cố gia-đình, xã-hội bi thương, bất công có, mà hài cũng không thiếu, vì người con gái út này vốn là con cưng trong gia-đình người miền Nam, đã từ sợ hãi (người cha say xỉn,...), nhút nhát, ám ảnh (di truyền tính cha),... đã hãnh tiến như một 'chiến sĩ' ngoài trận mạc, một bãi chiến đòi hỏi kiên cường, dũng cảm mà cả khéo léo, tâm lý nữa. Đó là cả một hành trình chiến đấu và tự chiến, bị đạn, bị thương da non đến những phần khác của một con người.

Bắt đầu với những người đàn ông và viết nhật ký, làm thơ, viết thư cho chị Tàm. Kinh-nghiệm đầu tiên là Trường, giáo-sư sính thơ, nhút nhát, theo chị Tàm của Nguyệt, nay theo và chỉ xem Nguyệt là em. Rồi đến Dự, một sĩ quan Thủy quân Lục chiến đầy nam tính và có tài ăn nói, người đã “dạy cho em làm vợ chồng” “chưa chắc ai thua ai, nhưng tôi đã thành đàn bà rồi” (tr. 45) và “thành đàn bà như chơi giỡn” (tr. 65). Tâm sinh lý khi mở cửa đón nhận người tình tưởng là khám phá tích cực, lại hóa ra là một vô vọng, dễ đưa đến sợ hãi và cả lãnh cảm. Nhật ký ghi: “Tôi đây, tôi đàn bà. Nhìn tôi coi mọi người. Tôi vừa bước ra khỏi khách sạn phòng số 14 tầng hai. Người này người kia và người đó nữa, ngó coi, tôi đàn bà(tr. 45). Nguyệt nghĩ mình làm chủ thân xác mình, nhưng có giây phút chợt giật mình: Con sẽ tắm nước nóng, vuột xà phòng rửa bay biến mùi đàn ông trên người, con sẽ kì cọ mình mẩy. Con sẽ ngủ. Con nguyên vẹn trong sạch của má, con trinh tiết…” (tr. 46), “Tôi tắm rửa gội đầu, giặt quần lót, tôi dỗ dành chỗ mềm yếu nhất, dỗ ngọt, săn sóc... Tôi nằm sấp khép chặt hai háng. Tôi nói thầm, xin lỗi má, con xin lỗi má…” (tr. 47). Cô viết thư tâm sự với chị Tàm: “em đã thành đàn bà, em lớn khằn, chín héo” (tr. 50). Nhưng trao thân cho một người không với tình-yêu cả hai bên chỉ gây thương tích: “Đêm ngoài tầm hiểu biết… Má ngủ chưa má. Má biết con đang ở đâu với ai không (…) Con nằm đây làm gì với ai, con trinh bạch không tội lỗi, con nguyên vẹn của má, con đau xé nổ tung đầm đìa, con đỏ lòm oan uổng” (tr. 43), "con trinh bạch không tội lỗi, con nguyên vẹn của má". Và sợ có bầu, Nguyệt đã sống với nỗi lo đó khá lâu.

Sau khi mở rộng đùi cho Dự và thất thân … thất bại, Tấn xuất hiện như kẻ biết rung chơi cái chuông khẩn thiết là Nguyệt: “Nhưng Tấn thông minh. Tôi là cái chuông Tấn biết cách rung. Anh nói đành rằng tình ái là điều lầm lẫn buồn thảm nhất, nhưng cũng không còn một lầm lẫn nào đáng phạm hơn. Tấn không yêu tôi đâu” (tr. 52). Đúng vậy, Tấn cũng rời Nguyệt sau khi đã hưởng thụ theo ý: “Tấn chẳng coi tôi ra gì cả… Tấn tưởng khi thành đàn bà rồi người ta muốn thành ra cái gì cũng được” (tr. 53) - tiếng nói đòi nữ quyền. Như vậy, Nguyệt đã chập chững đuổi bắt tình-yêu với Trường, mất “trinh tiết còn nguyên si” với Dự, rồi dự phần “khẩn trương” với Tấn, cho có với Michel, mỗi người là một cơ duyên để nàng tự khám phá thân xác và bản năng mình, nhưng cô bị rơi vào hụt hẫng: “chơi vọc một mình ê hề với cái trinh tiết đã rách bươm tơi tả” (tr. 53).  Trốn chạy quá-khứ và kinh-nghiệm lạc đạn, “dứt hết tình tẹo, thuốc lá, cà phê ở quán nước, son phấn, nội tâm siêu hình, nhạc cổ điển, tình-yêu và sự chết” (tr. 59), Nguyệt ra Huế dạy học ở một trường Dòng, và nơi đây, bản năng Nguyệt như sống lại khi gần gũi với Thắm, cô bạn: “Khuya hai người ôm nhau như một đôi tình nhân. Thắm rà đôi môi nhỏ trong cổ tôi, đôi vú non căng nở phập phồng, hốt hoảng. Tôi kinh hãi xúc động dầm dề. Tôi muốn la lớn trong cơn khoái cảm mộng mị và kì cục” (tr. 67). Sau đó Nguyệt lại để Thắm làm tình “vớt vát lại liền không sao cầm giữ nổi” (tr. 67) thêm một lần nhưng lại có thái độ như hối hận sau liên hệ đồng tính với Thắm, và tác-giả Trần Thị NgH. hình như cũng không đi sâu vào hình thái tình dục đồng tính nữ này, vào cái thời còn bảo thủ trong văn-hóa tình! Và Nguyệt tìm đến văn-chương, viết nhật ký như cách lên tiếng của người nữ:“Riêng bản thân tôi không thể nào không viết, vì khi đã vận vào người trò chơi chữ nghĩa thì khó có thể li dị với nó được”.

Qua Lạc Đạn, Trần Thị NgH. ngoài cách xen lẫn độc thoại với đối thoại và diễn tả, đã sử-dụng hình-thức văn-chương khá mới, các mẫu đối thoại xen lẫn với văn mô tả, trần thuật, phần lớn in nghiêng, phần còn lại giao thoa trong văn tự thuật, mô tả. Vài ý tưởng được (cố tình) lập lại như “Đêm ngoài tầm hiểu biết” khiến không khí truyện gia tăng tầm quan-trọng. Thơ văn sáng-tác của nhân-vật truyện được đưa vào truyện khiến nội-dung chùng xuống hoặc gia tăng nhiệt độ cơ thể và tâm thức, ký ức! Trong các truyện ngắn khác, ngoài chủ đề nữ quyền, tự do tình dục, bà còn nói đến những mặt trái, tội ác, cái chết tự xử, cái chết người khác, những cái chết dàn cảnh!

Với lối nhập đề trực khởi và hay giả dụ “Thử tưởng tượng...”, Trần Thị NgH đã lạnh lùng cắt bỏ phần dẫn nhập thường thấy nơi những loại truyện không có truyện bằng những mô tả cảnh vật. Trần Thị NgH. với văn phong thành khẩn, trực diện, dứt khoát, quyết liệt đứng về phía cái mới, cái sâu xa, triệt để, đang thiếu hoặc chưa đủ, cái phải-là (nữ quyền), truyện đã là một chọn lựa phản ảnh cá tính mạnh mẽ, riêng, lẻ của cây bút nữ này - tiếng nói năng động, gây ngạc nhiên và nhức nhối của văn-chương nữ quyền cuối của văn-học miền Nam trước ngày 30-4-1975.

Nguyễn Vy Khanh

(Văn Học Miền Nam 1954-1975. Quyển Hạ: Tác giả. San Jose CA:        Nhân Ảnh tb, 2019)