Tuesday, July 6, 2021

2082. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng



Hoàng Đạo: Vấn đề Cần lao

Qua loạt bài Chính trị và đảng phái kỳ trước, chúng ta đã thấy Hoàng Đạo phối hợp đường lối của đảng Xã Hội với chủ nghiã Tam Dân của Tôn Dật Tiên, để rút ra bốn nguyên tắc sau đây:

- Dùng chủ nghiã Quốc gia của Tôn Dật Tiên để đoàn kết dân tộc, đánh đuổi đế quốc thực dân.

- Theo chủ nghiã Xã hội, tranh đấu cho giới cần lao, chống lại thành phần thực dân tư bản.

- Cải cách xã hội ra khỏi tình trạng lạc hậu, chậm tiến, san bằng giàu nghèo.

- Đưa nước đến chế độ dân chủ.

Xin nhắc lại, quan niệm cần lao của Hoàng Đạo khác với quan niệm cần lao của Tây phương:

Đối với Tây phương, cùng là sự người bóc lột người, nhưng Karl Marx nhấn mạnh đến giai cấp tư bản bóc lột giai cấp lao động, còn đối với Hoàng Đạo, là sự tranh đấu của giai cấp cần lao bị trị chống lại giai cấp tư bản thực dân.

Một bên là người cùng một dân tộc tranh đấu với nhau vì giàu nghèo khác biệt.

Một bên là người khác dân tộc, tranh đấu để lấy lại quyền dân tộc tự quyết và quyền làm người.

Việt Nam ở trong trường hợp thứ hai, bởi vì trước khi bị người Pháp chiếm, nước ta là một quốc gia sống dưới chế độ quân chủ, nhưng không độc đoán; cũng không có giai cấp quý tộc đặc quyền đặc lợi, hay đại tư bản, chủ đất, chủ nô, như ở châu Âu. Các quan thanh liêm thời trước, từ Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Tri Phương, đến Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu… đều sống thanh bạch, ốm đau không có tiền mua thuốc, vua phải ban cho. Vua Minh Mạng nêu gương: mua cân nhãn, cân đường, cũng bắt ghi lại trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ.

Chỉ sau khi Pháp xâm lược, tự tiện chiếm đất, chia cho người Pháp thành lập đồn điền, khai thác quặng mỏ, lúc đó mới có giai cấp đại tư bản. Giai cấp này được phép chính thức bóc lột người cần lao bản xứ theo đúng "luật" của nhà nước thực dân.

Loạt bài Vấn đề cần lao của Hoàng Đạo, tố cáo chính sách bóc lột cần lao "hợp pháp" này của thực dân một cách sâu xa, thẳng thừng và triệt để.

Vấn đề Cần Lao

Loạt bài Vấn đề Cần Lao được đăng trên Ngày Nay từ số 125 (28-8-38) đến số 159 (20-4-39).

Trong bài đầu tiên, vẫn đi từ nguồn cội lịch sử, nhưng thay vì lời Karl Marx: "Lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp", Hoàng Đạo cho rằng: "Lịch sử cần lao là lịch sử của nhân loại". Lý thuyết Cần lao của ông dựa trên nhận định này. Cần lao còn là lẽ sống và nuôi sống con người:

"Loài người cần lao đã đành, nhưng nếu nghĩ rộng ra, ta còn có thể nói rằng, hễ vật nào đã sống, là phải cần lao. Một hạt thóc nẩy mầm cũng đã làm một việc lao lực. Con chim bay đi tìm mồi, trâu bò cúi xuống đám cỏ, tôm cá bơi lặn dưới nước, sinh vật nào cũng vậy, sinh ra, lớn lên là nhờ sự khó nhọc đến thân hình hết thảy. Đó là một luật thiên nhiên chung, loài ngươi không thể tránh được." (Vấn đề cần lao, Ngày Nay số 125).

Rồi ông luận tiếp: Nhưng loài vật cần lao mà không biết là mình lao lực, còn ở con người, là sự cần lao có ý thức, có suy nghĩ. Người ta thường chia làm hai loại: cần lao tinh thần và cần lao chân tay, và coi trọng sự làm việc tinh thần. Sự phân chia này mang đầy thành kiến. Sự thực con người cần cả hai thứ cần lao: thầy thuốc chẳng hạn, không những cần óc để suy nghĩ mà còn cần đến mắt, đến tay, đến cả hai tai nữa. Họa sĩ, văn sĩ, cũng vậy, nếu không có mắt, có tay, thì làm sao vẽ, viết được… Tuy vậy, cùng làm một công việc, thí dụ một người chèo thuyền đi chơi với một người chèo đò để kiếm ăn, khác xa nhau: một đằng tự do muốn chèo thì chèo, còn đằng kia là bắt buộc, phải chèo, nếu không thì chết đói. (Ngày Nay số 125)

Như vậy, cỗi rễ của vấn đề Cần lao tự do làm việc hay bị cưỡng bách làm việc. Trong sự cưỡng bách làm việc lại có hai trường hợp: bắt buộc làm việc để nuôi thân, hay bị cưỡng bách làm việc cho người khác hưởng.

Và điểm sau cùng này Một đám đông bị cưỡng bách làm việc cho một số người hưởng thụ, chính là bản chất của chế độ nô lệ.

Chế độ nô lệ

- Thế nào là nô lệ? Hoàng Đạo trả lời:

"Một người nô lệ tức là người hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của người khác. Nô lệ không còn quyền làm người, nô lệ chỉ còn là đồ vật của người chủ, chủ có quyền dùng, quyền bán hay đập phá đi.

"Chế độ dã man ấy, đã lưu hành trong một thời gian khá lâu và đã được xã hội coi như một trật tự dĩ nhiên, hợp với công bình và luân lý".

"Hồi chế độ đó thịnh hành, nhiều nhà tư tưởng siêu việt (Aristote, Platon…) vẫn coi nó là một sự hợp lý" (Chế độ nô lệ, Ngày Nay số 126).

Chế độ dã man này bắt đầu từ lúc nào?

- Bắt đầu từ khi có chiến tranh, Hoàng Đạo viết:

"Theo nhà triết học Herbert Spencer, chế độ đó [nô lệ] còn là kết quả của việc ăn thịt người nữa. Người đời thái cổ đánh nhau kẻ thắng trận giết kẻ bị thua để mà ăn thịt (…) Nhưng có khi nhiều, quá ăn không hết, nên để dành lại ngày khác làm thịt. Trong khi đợi cái ngày ghê tởm ấy, bắt họ làm lụng mới nhận thấy rằng để yên họ cần lao cho mình yên nghỉ dong chơi có lợi hơn là đem giết nốt họ đi mà ăn. Nô lệ bắt đầu có từ đấy".

Rồi: "Người ta thấy nuôi nô lệ có lợi, bèn tìm cách lấy thêm nô lệ cho đông, mà muốn thế, dễ dàng nhất là đi đánh một đám dân khác, bắt họ về làm cho mình. Đó là một việc thường xẩy ra ở Mỹ châu ngày trước, ở Phi châu gần đây" (Chế độ nô lệ, Ngày Nay số 126).

Không hiểu thuyết của Spencer đúng tới mức nào, nhưng việc Hoàng Đạo dùng nó trong đoạn này thực là cao tay ấn, để đưa tới kết luận hiển nhiên: chế độ nô lệ là hậu thân của việc ăn thịt người và là tiền thân của việc chiếm thuộc địa. Bút pháp mỉa mai châm biếm, không khoan nhượng: "Một đằng làm cỏ [xực] hết tù binh, một đằng đem tù binh bắt làm nô lệ" thì đã "nhân đạo" hơn nhiều.

Mà nếu đem so sánh chế độ nô lệ thời trước với chế độ thực dân ngày nay, thì chế độ nô lệ thời trước lại còn "công bằng" hơn: Bởi vì giai cấp chủ nhân ngày trước, tuy bắt nô lệ phải làm việc, nhưng họ cũng làm việc, tức là họ cũng đem gươm giáo bảo vệ sinh mệnh và thôn trại của mình trong lúc nô lệ làm việc để nuôi sống mọi người. Còn ngày nay, dưới chế độ nô lệ thực dân, thì giai cấp chủ nhân các nhà đại tư bản chỉ ngồi không, ăn bám vào dân lao động mà thôi.

Chưa hết, "chế độ nô lệ thời xưa, dẫu là dã man, vẫn không phải chỉ là một việc người bóc lột người. Phải đợi đến lúc các nước Âu châu văn minh hơn nẩy ra cái sáng kiến buôn mọi Phi châu, chế độ nô lệ mới có tính cách đê hèn ấy." (Chế độ nô lệ, Ngày Nay số 126)


Nô lệ là một tiến bộ?

Nếu coi là một tiến bộ thì chế độ nô lệ tiến bộ hơn chế độ "ăn thịt người" (theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng), Trong bài Chế độ nô lệ (Ngày Nay số 127, 11-9-38), Hoàng Đạo viết:

"Chế độ nô lệ, trong lịch sử, là một sự tiến bộ. Nhưng chỉ là một sự tiến bộ đối với sự dã man của thời đại ăn thịt người, tỉ như sự tiến bộ của tội khổ sai chung thân, đối với sự tử hình.

Thực ra, đời sống của nô lệ là một đời khổ cực, nhục nhã của súc vật. Họ không phải là người nữa. Chỉ là một đồ vật, chỉ dùng để chơi hay làm viêc tùy ý. Chủ bảo làm gì thì làm nấy, bảo đi thì đi, bảo ăn thì ăn, bắt nhịn thì nhịn, đánh thì chịu ấy đòn. (…) Chủ cho lấy vợ thì có vợ, chủ bắt vợ thì mất vợ (…) Là vì ông chủ có coi nô lệ như người biết đau xót đâu, ông chỉ coi như một lũ trâu bò, sống để kéo cầy".

"Nhưng nô lệ vẫn có trí thông minh của loài người, nên chủ nhân hết sức dùng cái thông minh ấy, ở thôn quê, thì bắt họ làm hết việc nông, ở thành thị thì bắt họ làm tôi tớ, làm thợ, có khi họ lại làm ông lang, làm nhà triết học nữa" (Chế độ nô lệ, Ngày Nay số 127).

Nhưng dần dà, nô lệ trở nên đông đúc và sự tàn ác của chủ cũng gia tăng, vì vậy Do Thái cấm giết nô lệ: chủ giết nô lệ bị tử hình, và bên Tàu: vua Quang Vũ nhà Hán cũng ra đạo dụ cấm giết nô tỳ, nếu giết sẽ bị xử trảm, còn nếu đem nô tỳ ra hoạn thì sẽ bị truất làm thứ dân.

Nô lệ trung cổ: buôn người

Sau thời kỳ nô lệ thượng cổ nói ở trên, đến thời kỳ nô lệ trung cổ. Thời kỳ này, con người đã văn minh hơn nhiều, các nhà khoa học Tây phương có những phát minh lớn. Đặc biệt chế độ nô lệ cũng bước vào "kỷ nguyên mới" với sự khám phá ra châu Mỹ, nảy sinh chế độ buôn người, như một nền "ngoại thương" mới. Thủy tổ việc buôn người, đã được Hoàng Đạo viết trong bài Tự do ở thuộc địa Pháp, trên Ngày Nay số 89 (2-12-37), như sau:

"Bắt đầu là năm 1442, Gonzalès, một người dân nước Portugal đem trả lại người Ả Rập mấy người bị bắt nên được họ biếu lại rất nhiều vàng cốm và mười người da đen. Từ đó, thấy bở, nước Portugal rồi các nước khác mới nghĩ đến nguồn lợi buôn người và lập chế độ nô lệ, một chế độ có từ thời thượng cổ, trở nên thịnh hành là nhờ các nước văn minh của châu Âu.

Nước Pháp cũng ở trong số những cường quốc dung túng chế độ vô nhân đạo ấy. Ở các thuộc địa cũ, các chủ đồn điền mua nô lệ, mà họ gọi là ébène, một thứ gỗ đen nhánh như mun, để làm việc cho họ. Nô lệ không có quyền gì hết, ngoài quyền nai lưng ra làm vất vả suốt ngày và suốt đêm nữa, tùy theo ý muốn của ông chủ. Trái lại, quyền của ông chủ rất nhiều: ông ấy muốn đánh đập, giam cầm, chặt chân tay hay giết chết đi cũng phải chịu" (Vấn đề nhân công, Ngày Nay số 89).

Trong bài Buôn mọi (Ngày Nay số 131, 8-10-38), Hoàng Đạo xác định vấn đề buôn người trở thành một nền thương mại có hệ thống, lợi nhuận rất cao, kể từ sau khi Christophe Colomb khám phá ra châu Mỹ (1498), và cũng là giai đoạn lịch sử tăm tối nhất của nhân loại mà người bắt người đem đi bán để kiếm lời:

"Châu Mỹ, hồi bấy giờ là xứ sở của người da đỏ, nhưng bọn da trắng, nối gót ông Christophe Colomb, đua nhau sang khai thác, hoặc là chém giết, hoặc là bắt dân da đỏ làm việc cho họ ở trong các hầm mỏ. Người da đỏ vốn tạng yếu, không chịu được sự cực nhọc quá sức, nên chết không biết bao nhiêu mà kể. Một vị linh mục, ông Las Casas, bênh vực họ và có cái "sáng kiến" lấy những dân da đen, khoẻ mạnh hơn, đem sang làm việc thay. Việc "buôn mọi" vùng lên từ đấy.

Bắt đầu là vua Charles Quint cho phép đem sang Mỹ mỗi năm bốn ngàn người. Rồi các nước khác, Anh, Pháp, Hòa Lan, thấy lợi, đều đổ xô mà theo. Việc buôn mọi trở nên một việc hợp pháp. Những người làm cái nghề đốn mạt ấy là những người giàu có, được trọng vọng và có quyền thế. Họ đóng tàu, rồi thì cho đi đến Phi châu, cứ theo dọc bờ biển mà kiếm "đồ hàng" để chở sang Mỹ bán lấy lợi" (Buôn mọi, Ngày Nay số 131)

Dĩ nhiên là những tay buôn người cũng biết nghề này không mấy "nhân đạo", nên biện hộ rằng: những người da đen mà họ mua, trước làm nô lệ cho vua chúa da đen của họ, rất khốn khổ, nếu không được họ đến "cứu", bắt theo đạo Thiên chúa, thì linh hồn họ không bao giờ được cứu rỗi, để có ngày lên thiên đường. Nhưng trong khi chờ đợi ngày vinh quang ấy, thì họ phải sống những ngày địa ngục trên mặt đất:

"Họ bị quân buôn mọi mua đắt mua rẻ, nhét vào một chỗ, đánh dấu vào người, trói lại, rồi cho xuống tầu chở sang Mỹ. Trong khoang tầu, có những thỏi sắt dài chạy từ đầu này đến đầu kia, họ bị xiềng xích vào đấy, có khi cổ lại tròng vào một cái vòng sắt nữa. (…) Nếu sóng cả hay chúa tàu thấy họ có ý khác, tức thì đóng hết các lỗ hổng lại, cửa thì lấy đinh đóng vào: nô lệ ở trong đó chẳng khác gì ở trong một cái săng lớn.

Mà là một cái săng thật. Vì có lần có người chở bốn trăm nô lệ mà lúc tới bến, chỉ còn có hơn một trăm: gần ba trăm người đã chết ở dọc đường" (Buôn mọi, Ngày Nay số 131)

Chính sách buôn nô lệ đưa đến hậu quả khốc liệt, theo thống kê, năm 1690, số nô lệ chết lên đến bốn vạn và năm 1820, lên tới 34 vạn.

Đến giữa thế kỷ XIX, chế độ nô lệ mới bị bãi bỏ: nước Anh bỏ từ năm 1833 và nước Pháp từ năm 1848.

Tuy vậy, chế độ này không chết hẳn, nó vẫn sống dưới những hình thức khác.

Nô lệ trá hình

Ai cũng tưởng rằng khi chế độ buôn người bị cấm, thì chế độ nô lệ cũng hết. Đó là lầm. Về tình hình "ngày nay" tức là khi Hoàng Đạo viết những dòng này, năm 1937:

"Hội Quốc Liên đã cho phái bộ đi điều tra, và những điều tra ấy cho ta biết rằng rải rác khắp các nơi, còn tới bốn triệu đến sáu triệu nô lệ, nô lệ chính thức" (Nô lệ đời nay, Ngày Nay số 132).

Những hình thức nô lệ mới hay nô lệ trá hình này, phát sinh và trưởng thành khắp nơi trên hoàn cầu, trong các cuộc đánh chiếm thuộc địa, nhân danh một nước văn minh đến khai hoá cho dân man rợ bản xứ. Cộng thêm với sứ mệnh tôn giáo của đức chúa trời: người văn minh "có đạo" tự cho đạo của mình có quyền và có bổn phận khai hoá cho những kẻ ngoại đạo, "vô đạo".

Tóm lại, cấm nô lệ không phải là chấm dứt chế độ nô lệ, mà nó chỉ biến dạng dưới những hình thức khác, với những phương pháp che đậy nữa:

"Ở trong thì là nô lệ, mà ở ngoài, người ta phủ một nước son mới, lấy tên là giao kèo làm phu hay lao công áp bách. Thường thường những việc ấy xẩy ra ở các thuộc địa, ở những đồn điền mênh mông, nghiã là ở những nơi các nhà đại tư bản muốn bắt người dân không đủ quyền tự vệ, sống cái đời khổ sở của nô lệ, để mưu lợi riêng cho mình" (Nô lệ đời nay, Ngày Nay số 132).

Hoàng Đạo tố cáo ba hình thức nộ lệ trá hình sau đây: Chế độ cho vay nợ ở Nam Mỹ, Chế độ công nhân ở các đồn điền và Chế độ cưỡng bách lao động.

1- Chế độ cho vay nợ ở Nam Mỹ

Trong bài Nô lệ trá hình (Ngày Nay số 133, 22-10-38), Hoàng Đạo tố cáo chế độ cho vay nợ ở Nam Mỹ, chế độ này được gọi nhẹ đi là péonage [péon là người nông dân Nam Mỹ, péonage nghiã là chế độ nông dân ở Nam Mỹ]. Chế độ đó như thế này: Người da trắng, là chủ những đồn điền rộng mênh mông, xuất tiền cho dân bản xứ vay, để khai khẩn đất nương mà họ cho thuê, nhưng tính lãi nặng đến nỗi người thuê đất không thể nào trả hết nợ.

Tóm lại, người da trắng đến cướp đất của người bản xứ bằng võ lực, rồi cho dân bản xứ thuê lại đất đã cướp của họ, và cho họ mượn tiền để làm vốn khai khẩn; khiến dân bản xứ phải làm không công suốt đời cho quân ăn cướp.

Theo Hoàng Đạo, chế độ này cũng hơi giống việc cho vay lãi ở thôn quê ta ngày trước, còn di tích trong quyển luật hộ Bắc kỳ, và gần đây [1938] ở Cà Mau, lại thấy một vụ có tính cách quái ác tương tự: Một đại điền chủ bóc lột tá điền một cách quá quắt: Mùa cấy y cho tá điền vay bốn đồng bạc, đến mùa gặt phải trả cho y đủ mười gịa lúa. Y còn chế ra ba thứ tiền giấy: 1đ, 0đ50 và 0đ20. Người nào đến vay, y chỉ đưa ra thứ tiền giấy này thôi, khiến tá điền bắt buộc phải "tiêu" ở một vài cửa hiệu của y, với giá cắt cổ, nên suốt đời làm không công, vì không bao giờ trả hết nợ cho chủ. Nguyên Hồng tả lại lối cho vay dã man này trong tiểu thuyết Sóng gầm, ở Hải Phòng, ngoài Bắc.

2- Chế độ nhân công ở các đồn điền.

Tiếp đó, Hoàng Đạo tố cáo chế độ mộ phu. Những công nhân được mượn ở xứ này để đưa đến xứ khác làm việc, thuộc diện "mộ phu". Việc mộ phu cho các đồn điền là hợp pháp, có giao kèo giữa đôi bên đàng hoàng, nhưng bên trong có thể ẩn giấu sự buôn người trắng trợn, Hoàng Đạo viết:

"Những công ty khai khẩn những đồn điền rộng ở các thuộc địa thường mộ phu ở nơi khác đến khai khẩn. Phu ký vào tờ giao kèo làm công từ 6 tháng đến 3 năm, và bề ngoài thì đủ cả dấu hiệu của sự bằng lòng của nhân công, nhưng đó chỉ là bề ngoài.

Một vụ án phỉ báng xẩy ra ở bên Anh đã cho thế giới trông thấy sự thực đê hèn ẩn sau những tờ giao kèo: Một vị điền chủ Bồ Đào Nha bán cho công ty Anh một cái đồn điền, và trong văn tự, người ta thấy viết một dòng kỳ khôi: 200 phu mọi, trị giá là 3550 bảng.

Nhân đó, dư luận mới biết rằng, những đảo Sao Thome và Principe [São Tomé e Principe] thuộc địa của Bồ Đào Nha có hàng ngàn hàng vạn người da đen phải sống một đời nô lệ, tuy rằng đối với pháp luật, có đủ chứng cớ về sự bằng lòng của phu và của chủ. Năm 1925, có một cuộc điều tra của Mỹ về tình hình hai đảo ấy, kết quả là vẫn chưa có gì thay đổi gì hết: Người ta vẫn bắt người Phi châu đem đến đảo ấy bắt làm việc như nô lệ khi xưa.

Đó là những việc tình cờ xẩy ra khiến người ta biết rõ bộ mặt thực của chế độ nhân công các đồn điền ở thuộc địa Bồ Đào Nha và khiến người ta ngờ vực sự thành thực của chế độ nhân công ở các đồn điền khác" (Nô lệ trá hình, Ngày Nay số 133).

3- Lao công cưỡng bách

Đây là vấn đề phức tạp được Hoàng Đạo bàn đến hai lần, trên Ngày Nay số 89 (12-12-37) và Ngày Nay số 150 (25-2-39). Trong bài Tự do ở Thuộc địa Pháp, Vấn đề nhân công, trên Ngày Nay số 89, Hoàng Đạo viết:

"Đi khai thác thuộc địa, dân mẫu quốc nghĩ đến vấn đề ấy [nhân công] trước hết, vì tiền dẫu có muôn, vạn, ức, không có người làm cũng không ra lợi được. Vậy cho nên từ lúc sinh ra thuộc địa, họ đã tìm hết cách để có nhân công, mà có nhân công rẻ giá bao nhiêu là lợi tức của bọn đi khai thuộc địa lại càng tăng lên bấy nhiêu.

Cái lẽ kinh tế đó đã đẻ ra một chế độ vô nhân đạo, một chế độ hạ loài người xuống bằng loài súc vật: chế độ cưỡng bách lao động" (Vấn đề nhân công, Ngày Nay số 89).

Những người bênh vực chế độ này cho rằng:

"Một thuộc địa, muốn trở nên thịnh vượng, cần phải có công nhân chịu khó, chăm chỉ. Vậy mà dân da vàng ở Á châu hay dân da đen ở Phi Châu bản tính rất lười, chỉ có sự cưỡng bách lao động là có thể bắt họ làm cho xứ của họ trở nên phát đạt được." (Ngày Nay số 89)

Nhưng trên thực tế, "một người bị bắt buộc làm việc cho người khác hưởng trong lòng bao giờ cũng mang một mối căm hờn, uất ức. Họ chỉ làm cho đủ khỏi bị đánh, bị phạt mà thôi".

Một người tự do làm việc cho mình, cho gia đình mình hưởng, tất nhiên cố gắng để có kết quả tốt.

"Còn về mặt xã hội, nhân đạo, thì cưỡng bách lao động là một sự quái gở, là một điều sỉ nhục cho văn minh, cho nhân loại.

Tuy vậy, sự quái gở ấy đã được các nước văn minh công nhận trong khoảng ba, bốn thế kỷ. Thời buổi ấy, sự quái gở ấy lấy tên là nô lệ.

Chế độ nô lệ đã lưu một vết nhơ trong lịch sử, không bao giờ rửa sạch." (Ngày Nay số 89)

Cưỡng bách lao động: về mặt pháp lý

Hơn một năm sau, trong bài Vấn đề nhân công, trên Ngày Nay số 150 (25-2-39) Hoàng Đạo bàn lại vấn đề cưỡng bách lao động, trong địa hạt pháp lý.

Về mặt pháp lý, thế nào là lao động cưỡng bách?

"Sau nhiều cuộc thảo luận, Hội Quốc Liên đã thoả thuận nhận ra rằng lúc nào một người không muốn làm việc mà phải làm việc vì sợ phải tội, là lúc ấy sẽ có lao công cưỡng bách."

Các nước có chân trong Hội Quốc Liên đã phải ký nhận điều này là xác đáng và đồng lòng hứa sẽ thực hiện ở nước mình và các thuộc địa của mình.

Kể từ năm 1930, các hình thức lao động cưỡng bách mới bị bỏ. Tuy nhiên không phải là nó mất hẳn. Ở Việt Nam, các ông quan lang (còn gọi là thổ ty hay thổ mục) vùng dân tộc thiểu số (người dân tộc), là những người của thời đại phong kiến còn sót lại, vẫn tiếp tục thi hành chính cưỡng bức lao động: dân phải đi cày ruộng cho lang, đi cấy lúa cho lang và đến mùa đi gặt cho lang.

Ngoài chế độ Mường ở thượng du, ở miền xuôi người dân còn phải đi làm xâu nữa.

"Chế độ ấy hoành hành ở nước ta có lẽ từ lúc mới lập quốc, nhưng mãi đến năm 1840, mới được vua Minh Mạng đặt ra quy lệ hẳn hoi. Theo quy lệ ấy, dân đinh mỗi làng phải làm xâu cho nhà nước 48 ngày một năm để làm các việc công ích như đắp đường, xây giếng, nhưng không bao giờ dân phải làm xa quá nhà mình năm dặm [21,50 km]"[1].

Nhưng trên thực tế, người giàu có quyền thuê người khác làm hộ cho nên vẫn chỉ người cùng đinh là phải làm việc mà thôi.

"Ông Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers lần đầu tiên xin bỏ các chế độ ấy. Đến năm 1881, lời xin ấy có hiệu quả.

Xong [Song] ở ngoài Bắc, thì chế độ còn sống dai dẳng. Năm 1904, lúc làm con đường xe lửa Hà Nội- Vân Nam, hàng vạn dân Annam bị bắt đi làm phu. Họ sống ở nơi nước độc, nơi ăn chỗ ở lại không hợp vệ sinh, nên chết không biết bao nhiêu mà kể".

Đến năm 1930, khi hội Quốc Liên ra quyết định rõ ràng, thì chính phủ thuộc địa mới ra chỉ dụ ngày 21-8-1930, giới hạn việc làm xâu trong những trường hợp đặc biệt với những quy định rõ ràng, được tuyên hành ở Đông Dương, với nghị định ngày 6-2-1932.

Rồi khi chính phủ Bình Dân ban hành luật Lao động năm 1936, điều 3 có ghi rõ: sự cưỡng bách lao động trong chỉ dụ 21-8-1930, chỉ là một sự bất đắc dĩ và tạm thời mà thôi.

Tuy nhiên "cái gì kêu là tạm thời thường hay sống lâu một cách dị thường"[2]. Ý Hoàng Đạo muốn nói: vẫn còn chế độ làm xâu, dù chỉ "trong những trường hợp đặc biệt".



Lao động trong rừng cao su

Chế độ cần lao trong rừng cao su có một bộ mặt tàn ác khác. Chế độ này hình thành từ đầu thế kỷ XX, sau khi Paul Doumer ép vua Thành Thái phải nhường cho Toàn quyền, quyền sử dụng của cải và đất đai chưa xung công, có nghiã là để Toàn quyền được khai thác những vùng đất hoang hay "vô chủ" và ông ta còn ra thêm một luật khác cho phép người Pháp có quyền sở hữu đất trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam. Việc này Paul Doumer rất tự hào, coi là thành tích lớn của ông đối với nước Pháp trong cuốn hồi ký Đông Dương Pháp (kỷ niệm) L’Indo-Chine française (souvenirs)[3] mà chúng tôi đã có lần đề cập đến.

Nhờ sự lạm dụng này, mà người Pháp thực dân trở thành chủ nhân ông của những đồn điền rộng mênh mông từ Bắc xuống Nam, đặc biệt những đồn điền cao su ở miền Nam và nam Trung Việt.

Trong bài Vần đề Cần lao ở Đông Dương: Trong rừng cao su, in trên Ngày Nay số 151 (4-3-39) và số 152 (11-3-39), Hoàng Đạo tố cáo chế độ mộ phu này:

"Bắt đầu từ năm 1909, lúc bọn tài phiệt bắt đầu khai thác những khoảng đất đỏ mênh mông ở miền Nam hay ở bên Cao Mên, những khoảng đất mầu mỡ để trồng cao su, họ mới chợt nhận ra rằng ở những nơi ấy dân thưa không đủ dùng để làm đồn điền. Họ mới nghĩ đến những làng đông đúc ở trung châu Bắc Kỳ, rồi đưa dân đi vào miền Nam làm phu trong một thời hạn dài.

Rồi từ đấy, phu mộ vào trong Nam hay sang Tân Thế Giới mỗi năm mỗi nhiều. Đến năm 1922, người ta thấy ở Nam Kỳ có 9000 phu người Bắc. Qua năm 1924, thêm lên 6000 phu. Rồi mấy năm sau, cao su bán ra ngoài dễ dàng và lợi có hàng triệu, nên năm 1927, người ta mộ vào gần hai vạn người.

Nhưng năm ấy cũng là năm bắt đầu có một luồng dư luận công kích chế độ mộ phu làm đồn điền" (Trong rừng cao su Ngày Nay, số 151).

Chính phủ thực dân cho rằng sự công kích ấy là do một bọn phản đối nước Pháp gây nên, nhưng chính ông Chassaing, một người Pháp đã phải công nhận có "phong trào phản đối chế độ mộ phu vì chế độ ấy tác tệ: nào là dân phu không được sống hợp vệ sinh nên ốm đau, chết chóc rất nhiều, nào là các sở cao su không theo đúng giao kèo; nào là bọn cai đè nén, đàn áp dân phu". Chính phủ phái ông Delamarre vào điều tra tình hình và ông đã kể rõ, những điều tệ hại xảy ra ở một số nơi:

"Như ở đồn điền Mimot, phu phải làm việc một ngày đến 11 giờ, 11 giờ rưỡi; thường thường là 15 hôm lại phải phạt 1 đồng vì một cớ vô lý. Phu ăn không đủ no mà lại chỉ cho họ có cơm không: nhà của họ ở thì làm ngay mặt đất; mái thì có lỗ hở để mưa vào, chung quanh thì hàng vạn hàng triệu ruồi muỗi. Không những thế, một người Bỉ làm cai lấy roi đánh đập phu trốn ra; bắt về lại trốn ra nên một người phu bị thêm 26 roi gân bò; hắn lại còn lấy gậy đánh ba người đàn bà, mà một người có chửa đã sáu tháng".

"Đến năm 1929, phong trào phản đối sự mộ phu lên đến cực độ, và ông Bazin, Giám đốc sở mộ phu, bị ám sát. Vả năm ấy lại là năm bắt đầu của sự khủng hoảng về kinh tế, nên việc mộ phu bị ngừng hẳn lại" (Trong rừng cao su, Ngày Nay số 151).

Giám đốc mộ phu Bazin bị ám sát

Bazin, được gọi là "trùm mua bán nô lệ", bị ám sát, được Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào, viết lại. Hai thoại khác nhau:

Nhượng Tống, đặt nghi vấn: "Tôi chỉ biết anh Học, anh Viên rõ việc ấy [việc ám sát], nhưng thực không rõ người hạ thủ là ai? Ai là người hiệp khách đã ra tay xử tử Ba- gianh?[4]

Nhượng Tống lúc đó không ở Hà Nội, nên không biết rõ.

Hoàng Văn Đào lúc đó ở gần Nguyễn Thái Học, viết rõ hơn:

Nguyễn Văn Viên tổ chức ám sát Bazin với Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung ngày 9-2-1929, trước căn nhà số 110 phố Huế (chợ Hôm) Hà Nội, không có sự đồng ý của Nguyễn Thái Học.[5]

Về lý do ám sát, Hoàng Văn Đào viết:

"Đứng trước cảnh thống khổ của đồng bào, một số đoàn viên của VNQDĐ ở trong các xí nghiệp: Gô-Đa, Poinsard et Veyret, Descourd et Cabaud, Denis Frères, Brasserie Hommel, cử đại biểu là đồng chí Nguyễn Văn Viên, uỷ viên trong thành bộ VNQDĐ, được thành bộ trao phó trách nhiệm lãnh đạo các chi đoàn công nhân, đến yêu cầu Tổng Bộ cho thi hành giết tên trùm mua bán nô lệ là Bazin, để trừ mối đại họa cho dân tộc.

Bước vào Khách sạn Việt Nam, Nguyễn Văn Viên gặp Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Đào và Nguyễn Hữu Đạt, đồng chí Viên đưa đề nghị của các Đại biểu Chi đoàn Công nhân yêu cầu Tổng Bộ xét, xin ra lệnh cho ban ám sát giết Bazin. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trả lời:

- "Nếu nay vội giết Bazin, tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong cấp lãnh đạo của Đảng chúng ta phần đông có tên trong "Sổ Đen" của sở mật thám. Thực dân sẽ bắt hết, đảng sẽ tan, lợi ít mà hại nhiều."[6]

Vẫn theo Hoàng Văn Đào, dù không được Đảng trưởng chấp nhận đưa vấn đề ra Tổng Bộ xét, Nguyễn Văn Viên vẫn tự động theo dõi Bazin, rồi cùng Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung hành động. Khi bị bắt ông tự nhận mình là thủ phạm, vào xà lim xé áo thắt cổ tự tử chết, không khai cho đồng bạn.

Về tội ác của Bazin, Hoàng Văn Đào viết:

"Để cung ứng số nhân công, không những cho các hãng trồng cao su miền đất đỏ Nam Kỳ và Miên, Lào mà còn cho cả đảo Nouvelle-Calédonie, Nouvelles-Hébrides nữa. Thực dân tổ chức mộ nhân công đại quy mô ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ, miền ruộng đất ít mà người đông, lại luôn bị thiên tai phá hoại. Tên trùm mua bán nô lệ có thế lực vào bực nhất là Bazin (Ba- gianh), ở số 35 phố Félix Faure, thứ đến tên Weil ở phố Blockhaus Nord, Hà Nội.

Để cho có được nhiều nô lệ, Bazin và Weil chiêu mộ một số côn đồ lưu manh người Việt tay sai, gọi là cai mộ phu. Nhân danh chủ mộ, bọn cai này đặt phòng mộ ở khắp nơi. Chiếu theo số đầu người mộ được, chúng sẽ được hưởng một số hoa hồng rất hậu, nên ngoài những mánh khoé tuyên truyền lừa bịp, dụ dỗ phỉnh phờ, bọn cai này còn dùng đến thủ đoạn bắt cóc, bỏ thuốc mê, dân chúng mệnh danh là "Mẹ Mìn"[7], khiến mọi người có trách nhiệm trong gia đình phải đề phòng theo dõi chồng con của họ vào trạc tuổi 17, 18 trở lên (…)

Muốn tìm lại được những người thân yêu đột nhiên mất tích, người ta phải tìm đến những nơi có phòng mộ phu để thương lượng chuộc tiền. Nếu chậm trễ ít ngày, thân nhân của họ sẽ bị đưa xuống tầu thuỷ để chở ra Hải Phòng giao cho chủ mua bán nô lệ là Bazin hoặc Weil, kíp làm thủ tục giấy tờ, rồi luồn xuống tầu bể chuyên chở vào Sài Gòn."[8]

Hậu quả vụ ám sát Bazin

Đúng như tiên đoán của Nguyễn Thái Học: Sau vụ ám sát Bazin, đảng viên VNQDĐ bị truy nã khắp nơi. Theo Nhượng Tống, lệnh lùng bắt khởi đầu từ ngày 17-2-1929, chính quyền in hàng vạn tấm ảnh Nguyễn Thái Học truyền đi. Theo dự định trước, thì Nhượng Tống sẽ đi Huế với Nguyễn Thái Học, gặp Phan Bội Châu, để xin cụ Phan thư giới thiệu với các tổ chức cách mạng hải ngoại, và tổ chức đưa cụ Phan ra khỏi nước. Vì vụ Bazin, Nhượng Tống phải đi một mình. Ông bị bắt tại Huế, đầu tháng 3-1929. Ngày 2-7-29, ông bị đưa ra toà cùng các đồng chí. Trong phiên toà này, hai chủ tịch Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu bị xử 20 năm cấm cố vắng mặt.[9]

Phong Hóa số 45 (5-5-33) đưa tin: "27 phạm nhân được ân xá về nước: Hôm 20/4, tầu Claude Chappe đã chở ở Tân Đảo [Nouvelle-Calédonie] về 27 chính trị phạm, nhân viên VNQDĐ bị toà án đại hình lần thứ nhất họp tại Hà Nội xử, để đưa về nguyên quán.

Những phạm nhân này đều bị kết án tù năm năm; tính ra còn đến 11 tháng nữa mới hết hạn. Đó là nhờ Đức Hoàng Thượng ngài đã ra ân cho.

Trong số đó có ông Hoàng Phạm Trân tự Nhượng Tống".

Như vậy, Nhượng Tống và các đồng chí bị đày đi Nouvelle Calédonnie, không phải Côn Đảo như nhiều nơi ghi nhận.

Vì vụ ám sát Bazin, trong năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thanh trừng khốc liệt, một phần đảng viên bị bắt, nhiều ổ khí giới bị phát giác.

Cuối năm 1929, một sự kiện tồi tệ xảy ra: Cha con Đội Dương (Phạm Thành Dương), một đảng viên cốt yếu, giữ chức Trưởng ban Binh Vụ, làm phản. Dương là cựu sinh viên trường thuốc, sau đăng lính vào sở tàu bay Bạch Mai, được học lớp hạ sĩ quan. Dương kết hợp được nhiều quân nhân đồng chí vào đảng. Việc Dương làm phản tương tự như trước khi khởi nghiã "Tổng tư lệnh quân đội" theo địch: Dương thông báo cho sở mật thám những cơ quan chế tạo bom, những kho chứa vũ khí; tố cáo những quân nhân làm nội ứng cho đảng trong các trại lính Pháp ở Hà Nội: hơn 200 đảng viên trong các trại binh bị bắt bớ, giáng chức hoặc đổi đi xa. Lực lượng nghiã quân ở Hà Nội tan rã hết.

Ngày 18-12-1929, Phạm Thành Dương dẫn Riner, thanh tra mật thám đến vây bắt ba lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính, ở nhà một đồng chí làng Võng La, cả ba trốn thoát.

Thấy tình thế càng ngày càng bất lợi, các ổ vũ khí bị khám phá, các đảng viên bí mật bị truy lùng, Nguyễn Thái Học triệu tập đại hội ngày 26-1-1930, với khoảng 20 đại biểu tại căn cứ Võng La, tuyên bố Tổng khởi nghiã ngày 10-2-1930, lý do: Nếu không hành động ngay, thì tổ chức sẽ đi tới tan rã. Ở buổi họp này, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã nói câu lịch sử: "Không thành công thì thành nhân". Cuộc Tổng khởi nghĩa được toàn thể tán thành. Mọi người đều "chọn lấy cái chết", như lời Nhượng Tống về sau ghi lại.

Sau này, người ta thường nói đến sự thất bại của Nguyễn Thái Học.

Không. Không có sự thất bại nào cả: Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn, không thất bại. Phạm Hồng Thái không thất bại. Nguyễn Thái Học không thất bại. Tất cả những cái chết đã chọn trước, không hề thất bại.

Theo Nhượng Tống, trước khi bị bại lộ, tổ chức Quốc Dân Đảng, kể cả đảng viên và đoàn viên ở Bắc kỳ lên tới 70.000 người. Theo Hoàng Văn Đào, có 1500 đảng viên.

Ngày thành lập chi bộ Nam Đồng Thư Xã cuối năm 1926, chỉ có 5 thanh niên. Tổng Bộ đầu tiên quy tụ 15 người. Đầu năm 1929, đã đạt tới con số trên, quả là một kỳ công.

Việc ám sát Bazin ngày 9-2-1929, dẫn đến sự truy nã toàn đảng, đảng viên bị bắt, bị đi đày. Tháng 5-1929, Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị, quyết định Tổng khởi nghiã gấp rút, trước khi lực lượng tan rã, nhưng chưa định ngày.

Theo Hoàng Văn Đào, từ cuối tháng 10 năm 1929 đến tháng Giêng năm 1930, chính quyền thực dân khám phá được 70 nơi chứa bom, đao, kiếm, truyền đơn, cờ quân phục VNQDĐ.

Sự phản bội của Phạm Thành Dương cuối năm 1929, đã triệt tiêu lực lượng nội ứng trong các trại lính Pháp ở Hà Nội, dẫn đến cuộc Tổng khởi nghiã vội vàng không kịp chuẩn bị:

Nguyễn Khắc Nhu lập tức lên Yên Bái truyền lệnh khởi nghiã đêm 10-2-30: Cai Hoằng (Ngô Hải Hoằng) chỉ huy chiếm kho quân nhu, tiến đánh Đồn Cao, nhưng phi cơ Pháp, từ Hà Nội bay lên oanh tạc trúng bộ chỉ huy. Một giờ đêm 10-2-30, Nguyễn Khắc Nhu tấn công Hưng Hóa, Lâm Thao, bị chặn. Ngày 13-2, Phó Đức Chính, thu thập tàn quân Yên Bái tấn công thành Sơn Tây, bị bắt đưa về Hà Nội. Nguyễn Thái Học bị cầm chân ở Đáp Cầu, Phả Lại.

Ký Con (Đặng Trần Nghiệp, 19 tuổi) chỉ huy đoàn quân cảm tử ở Hà Nội, trong tình thế tuyệt vọng. Trần Quang Diệu diệt được Hoàng Gia Mô, ở Hải Dương, nhưng ngày 16-2 làng Cổ Am bị 57 trái bom tàn phá.[10] Hôm sau, Vi Văn Định kiện toàn việc càn quét những mảnh vụn, Nhượng Tống viết:

"Ngay ngày 17-2-1930, tên Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình đã về Phụ Dực, khám bên bờ sông, tìm ra một mớ khí giới và bắt 10 người- Còn Vĩnh Bảo vào tay tên Công sứ Hải Dương, thoạt đầu đã có đến hơn 30 người bị bắt"[11]

Vậy, dù cuộc Tổng khởi nghiã có chuẩn bị kỹ càng hay không, cũng không thể nào "thành công" được. Nhưng phải hiểu thế nào là thành công?

Vụ ám sát Bazin, đã cứu được bao nhiêu người khỏi cảnh mộ phu tàn ác?

Và cuộc khởi nghiã Yên Bái đã dẫn đường cho bao nhiêu thanh niên ái quốc sau này?

Sau cái chết của Bazin

Về phía chính quyền thực dân, cái chết của Bazin làm họ giật mình, việc mộ phu bị đình trệ hẳn. Hoàng Đạo viết:

"Và đến năm 1930, một đạo nghị định thay đổi hẳn chế độ mộ phu (…) Đáng kể là hàng tháng chủ phải trịch ra 5% số tiền lương của phu, rổi bỏ tiền của mình ra, cũng bằng ngần ấy, gửi nhà giây thép, để đến lúc hết hạn giao kèo, phu có một số tiền để dành có thể làm vốn được. Trong năm 1933, số tiền để dành trả cho phu về quê có tới 24 vạn bạc.

Rồi đến những điều lệ chủ đồn điền phải theo để cho phu phen được ăn no và sống hợp vệ sinh." (Trong rừng cao su, Ngày Nay số 151, 4-3-39).

Nhưng mộ phu là một chế độ vô nhân, không thể tồn tại được:

"Trước năm 1932, mỗi người phu được: đàn ông 0,40 đồng một ngày. Đàn bà: 0,30 đồng một ngày. Sau năm 1932, lương đàn ông hạ xuống còn 0,30đ, và đàn bà 0, 27 đ. Đến năm 1935, lại hạ xuống nữa: Đàn ông, 0,27đ, và đàn bà: 0, 20đ. Tuy vậy, bọn chủ đồn điền còn kêu là cao quá, yêu cầu hạ xuống nữa!" (Trong rừng cao su, Ngày Nay số 152, 11-3-39).

Mặc dù chính phủ thuộc địa tìm cách bênh vực quyền lợi cho giới đi mộ phu, nhưng mộ phu vẫn là một phương pháp thất bại. Người đi mộ phu, hoặc bỏ trốn về, hoặc cùng lắm chỉ ở hết hạn giao kèo 3 năm, không ai ở thêm nữa.

Năm 1929, có 3723 người trốn, 1457 người bị bắt hay tự ý trở lại.

Trốn đi, họ sẽ bị tróc nã bắt lại, phạt tiền và tù tội.

Bấy nhiêu điều đưa đến một kết luận: Phải bỏ chế độ mộ phu, tìm phương pháp mượn người theo thói thường, tại chỗ. Tìm cách cho dân Bắc tự ý vào Nam làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, bằng cách chỉnh đốn việc di dân.

Trong bài Luật xã hội, in trên Ngày Nay số 153 (18-3-39), Hoàng Đạo cho biết: Luật mộ phu, sau này dù có nhân đạo hơn một chút, cũng chỉ áp dụng cho một số dân đi mộ phu ở trong Nam hoặc Tân Thế giới, còn hàng ngàn hàng vạn người phu khổ cực ở Hòn Gay, Uông Bí, ở trong nhà máy sợi Nam Định và các nơi khác vẫn chịu những điều kiện sống tồi tệ, không có luật pháp che chở. Nếu chính phủ bảo hộ có muốn làm luật để thay đổi đời sống ấy đi, thì bọn chủ nhân cũng không bằng lòng, tìm đủ cách để ngăn chặn.

Ngay như sắc lệnh về lao động năm 1933, đã ra, được đăng vào công báo, nhưng khi sang Đông dương, bọn chủ nhân, nhất là bọn chủ nhân nhà máy sợi Nam Định, nơi mượn nhiều đàn bà, trẻ con, đã tìm đủ mọi cách để nghị định đó không thi hành được.

Bọn chủ nhân vẫn hết sức chống lại và viện mọi lẽ là người Annam lười biếng, không thể cho họ hưởng luật xã hội được.

Tức nước vỡ bờ. Tháng giêng năm 1936, từ Nam ra Bắc, có đến 4, 5 vạn thợ đình công. Họ không làm chính trị, chỉ yêu cầu bớt giờ làm và tăng lương, vì lương họ không đủ sống và phải làm việc 11, 12 giờ mỗi ngày. (Luật xã hội, Ngày Nay số 153).

Chỉ đến khi chính phủ Bình dân lên cầm quyền, giới cần lao mới được hưởng một quy chế lao động thực sự nhân đạo hơn.

Luật xã hội 1936 của chính phủ Bình Dân

Ngày 30-12-1936, sắc lệnh về luật lao động được duyệt y và chưa đầy một tháng sau, ngày 27-1-1937, Toàn quyền Brévié ký nghị định ban hành luật lao động trên toàn cõi Đông Dương. Nội dung đạo luật được nói khá rõ trong bài Luật xã hội, trên Ngày Nay số 154 (25-3-39). Có một số điểm quan trọng lần đầu tiên được áp dụng:

- Cấm mượn trẻ em dưới 12 tuổi. Đến 20 tuổi, bắt buộc phải cho thành thợ.

- Số thợ tập việc không được quá 1/3 số thợ chính thức.

- Xưởng nào có quá 25 người thợ thì phải làm một tờ quy ước riêng, nói rõ về công việc, tiền công, kỷ luật, vệ sinh… do nha Thanh tra Lao động duyệt.

- Kể từ ngày 1-1-1937, mỗi ngày người thợ làm việc 9 giờ.

- Kể từ ngày 1-1-1938, trở về sau, mỗi ngày người thợ làm việc 8 giờ.

- Làm đêm chỉ có thợ đàn ông.

- Đàn bà, con gái, trẻ con dưới 18 tuổi, cấm làm việc đêm.

- Thợ được nghỉ một ngày trong tuần và một năm được nghỉ 10 ngày, có lương.

- Tạo điều kiện vệ sinh cho thợ thuyền.

- Tai nạn lao động: khiến người thợ phải nghỉ việc quá bốn ngày, thì dù lỗi ở thợ hay không, chủ cũng phải bồi thường cho họ.

Luật lao động 1936, dù đã theo tình thế ở Đông Dương mà thay đổi các điều lệ được áp dụng ở Pháp, nhưng vẫn bị giới chủ nhân hết sức phản đối, lấy cớ rằng nếu áp dụng thì sẽ rất có hại cho nền kinh tế Đông Dương. Sắc lệnh tuy đã ban hành, nhưng giới chủ nhân tìm hết cách để gây khó khăn.

Hoàng Đạo nhận định về đạo luật này:

"Sắc lệnh ngày 30 tháng chạp năm 1936 của chính phủ Bình Dân tuyên hành rất hợp thời. Đó là một bộ luật có ý muốn đầy đủ, có ý muốn giải quyết hết các vấn đề can hệ đến lao động Đông Dương" (Ngày Nay số 154)

Và ông tiếc rằng về việc lao động cưỡng bách và mộ phụ dài hạn, bộ luật mới, chỉ nhắc lại những điều đã có, mà không viết thêm gì.

Để kết luận, ông cho rằng sắc lệnh này còn thiếu các khoản:

- Không nói đến nghiệp đoàn.

- Không nói đến quyền đình công.

- Không nói đến sự che chở cho thợ khi bị ốm đau, bất trắc, tai nạn, thất nghiệp…

Đó là khuyết điểm lớn của sắc lệnh 1936 (Ngày Nay số 154).

Nhưng sau khi chính phủ Bình dân chấm dứt, chính quyền thuộc địa, năm 1939, quay trở lại với chính sách cũ, các quyền tự do tối thiểu bị thu hồi: báo chí bị kiểm duyệt gắt gao hơn trước, các nhà cách mạng dần dần bị bắt, phần lớn bị đày đi Côn Đảo.

Tháng 4 năm 1939, Hoàng Đạo chấm dứt loạt Vấn đề cần lao, với bài Tương lai thợ thuyền ở Đông Dương, trên Ngày Nay số 159 (29-4-39), với lời kết luận quyết liệt sau đây:

"Sự tiến hoá đến chế độ kỹ nghệ của người Đông Dương đã bắt đầu, không có sức mạnh nào có thể bắt ngừng lại được. Thợ thuyền Đông Dương đã thành một giai cấp, một lực lượng, người ta không thể coi như là không có được nữa; nếu không ai giúp họ, thì theo luật tự nhiên, họ cũng sẽ tự giúp họ, tự cứu họ, tự tạo lấy một tương lai rực rỡ."

Câu này chứng tỏ cuộc cách mạng đã bắt đầu: cách mạng xã hội với giai cấp cần lao.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Vấn đề cần lao ở Đông Dương, Lao công cưỡng bách, Ngày Nay số 150, 25-2-39.

[2] Vấn đề cần lao ở Đông Dương, Lao công cưỡng bách, Ngày Nay số 150, 25-2-39.

[3] L’Indo-Chine française (souvenirs). Nxb Vuibert et Nony, Paris, in lần thứ nhì, 1905.

[4] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, chương 17, bản điện tử.

[5] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, NXB Tân Việt, tái bản kỳ 4, Cali, 2006, trang 48-53.

[6] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 50.

[7] Xem phóng sự Buôn người của Nhất Chi Mai, trên Ngày Nay những số đầu.

[8] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 47-48.

[9] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, chương 17 và 18, bản điện tử.

[10] Những thông tin trong đoạn này viết theo Hoàng Văn Đào và Nhượng Tống trong hai cuốn Việt Nam Quốc Dân ĐảngNguyễn Thái Học.

[11] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, Chương 30, bản điện tử.