Thursday, July 1, 2021

2076. NGUYỄN VY KHANH: Nhã Ca, thơ văn tình ái và chiến tranh



Tên thật Trần Thu Vân (sinh ngày 20-10-1939 tại Huế), ký Nhã Ca khi viết văn và Trần Thy Nhã Ca khi làm thơ vào thời mới xuất hiện trên văn đàn miền Nam. Thơ đăng đầu tiên trên tạp-chí Hiện Đại (Thanh Xuân, số 1; Lời Xin, số 5; Bài Tháng Sáu, số 7,...), sau đó trên các tạp-chí văn-học khác. Tập Nhã Ca Mới (1965; tb 1973) được giải thưởng Văn-học Toàn quốc năm 1966 và bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca đã được giải ba Giải thưởng Văn-học Toàn quốc năm 1970.

Trần Thy Nhã Ca đã xuất hiện trên Hiện Đại với những bài thơ tình, rất đa tình, lụy tình, như chỉ có tình-yêu là thứ trân quý nhất:

"Đời sống ôi buồn như cỏ khô

Này anh, em cũng tợ sương mù

Khi về tay nhỏ che trời rét

Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ"

(Thanh Xuân, Hiện Đại, số 1, 4-1960; Nhã Ca Mới, Ngôn Ngữ 1965, tr. 41).

Không đơn sơ vào nẻo tình, vì lại là tình lụy:

“... Thôi trả cho giòng sông tối đen

Trả cho người đó nỗi ưu phiền

Còn đây chút tủi hờn thơ dại

Rồi cũng xa vời trong lãng quên

Mắt dõi theo vừa ngút bóng cây

Đường chia năm bảy dấu chân bày

Tôi hồn vẫn đứng yên như tượng

Trông tháng ngày đi trên cánh tay”

(Ngày Tháng Trôi Đi)

"... Tôi trót dại tin lời trao tất cả

Đâu biết người mang nửa dạ yêu tinh

     Tên người ư, đã trở về bóng tối

Tôi đã vô tri giữa tháng năm dài

Và mỗi bận có một người nhắc lại

Tôi cố tìm nhưng chẳng nhớ tên ai …”

(Bải Tháng Sáu, Hiện Đại, số 7, 10-1960)

 Từ "quan điểm về tình như vậy, nhà thơ xứ Huế khám phá ra rằng từ cổ thời, cả những vì vua chúa, cũng đã mê mẩn tình, cũng đã lụy tình - tình-yêu là chân lý, là một lối đường vào nước Chúa, muốn hưởng hạnh-phúc trọn vẹn hình như phải đi qua đó. Phải chăng dó là lý do nhà thơ chọn Nhã Ca làm bút hiệu và Trần Thy Nhã Ca là một định nghĩa về nguồn gốc, thân phận, khi cần (lúc đầu đời làm thơ). Từ đó mới hiểu tuyển tập thơ được lấy tựa là Nhã Ca Mới, cùng bút hiệu, đều lấy hứng từ Cựu Ước – khởi đầu với bài thơ Nhã Ca ca tụng tình yêu của vua Salomon.

Bài sau đây thì thêm yếu tố thời đại tuổi trẻ:

“... Tôi trở về làm con gái hai mươi

Hai mươi tuổi cộng thêm ngày sắp tới

Nỗi buồn ấy tan biến như buổi chiều

Mùa hạ đơn sơ một loài hoa rụng đỏ

Trong hồn tôi từng giọt tango bleu

Rơi rơi mãi rơi đều không thiết ngó...

(Nhã Ca Mùa Hạ, Hiện Đại)

Bà đem những tứ thơ nhuốm không gian của thời hồng hoang nhân loại, tình đam mê ngây thơ trong một khung cảnh thật vô tư:

"Tôi làm con gái / Buồn như lá cây

Chút hồn thơ dại / Xanh xao tháng ngày..."

(Bài Nhã Ca Thứ Nhất, Nhã Ca Mới, tr. 36; Hiện Đại, số 1, 4-1960)

"Những nàng tiên đến tuổi giã thiên đường

Và cỏ cây đời đến tuổi xanh non

Mắt cao rộng vừa trong trời ngọc bích

Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch

Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng

(…) Hơi thở mùi hương nụ cười bóng lá

Đêm bao dung đêm hiền hòa mới lạ

Đêm ngửa bàn tay đêm động làn môi

Đêm dịu dàng đêm ngọt giấc mơ tôi

Đêm trên núi cao đêm trong hồn nhỏ

Đêm thơm nồng nàn mùi hương trí nhớ

Khi những nàng tiên từ bỏ trần gian

Em là nàng tiên ở lại yêu anh… ” (Đêm Xuân)

Trần Thy Nhã Ca không nhất thiết là tín hữu Công-giáo, đã nhận hứng cảm từ Kinh Thánh (Cựu Ước) khi sáng-tác đa số thi-bản trong tập thơ Nhã Ca Mới (1965) và sử-dụng bút hiệu Nhã Ca, Trần Thy Nhã Ca, cũng lấy hứng từ Cựu Ước. Theo thiển ý, nhà văn nhà thơ có thể chịu ảnh-hưởng, thuộc về một hoặc nhiều trường phái, khuynh-hướng – sự kiện đó không nhất thiết phải trở nên “có vấn-đề hay nghi án như có phán đoán sau này ở hải-ngoại (1), vì tập thơ khởi đầu với bài thơ Nhã Ca ca tụng tình yêu của vua Salomon (công khai, với xuất xứ) - bắt đầu bằng một tia rạng đông:

Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen

Mặt trời đã nạm cháy tôi

(…) Hãy để tôi như một cái ấn trong lòng chàng

như một cái ấn trên tay chàng

vì ái tình mạnh mẽ như sự chết

vì lòng ghen tàn bạo như địa ngục

vì đó là sức nóng của lửa

và vì ngọn lửa đó của đức Giê-hô-va”

(Nhã Ca, 1, 4, 8. Salomon, Cựu Ước)

và kết thúc thi tập cũng bằng một tia lửa khác, trong 'vườn ăn năn':

“Buồn buổi sớm đầy trong ngăn kín

Vườn ăn năn cây cối vừa xanh

Sáng Chủ nhật mặt trời đỏ chín

Đầy tuổi con rồi đó nghe anh

(…) Sáng Chủ nhật cùng khắp mọi người

Con nói đi, mặt trời đang mọc

Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi

Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc”.

(Thơ Sớm Mai).

Nhiều bài khác trong cả ba phần của tập thơ (Thơ viết thời con gái, Thơ trong đời-sống ta và Thơ chi tình ta) đầy ắp hoặc vương vất thi-hứng, thi-cảm của Cựu-Ước. Ngoài ra trong Nhã Ca Mới, nhà thơ còn có những bài ghi lại những hoan-lạc làm mẹ như Trước Giờ Sinh Con – X. phần về nữ-quyền ở Quyển Thượng.

*

Nhã Ca nhà văn, ngoài các tập truyện ngắn như Khi Bước Xuống (Tạp-chí Thứ Tư, 11-1967), Người Tình Ngoài Mặt Trận (1968), Chuyện Đôi Ta (1974), …, bà chuyên về tiểu-thuyết, đã từ tình yêu tuổi học trò và tình hoa mộng tuổi trẻ như Đêm Dậy Thì (1966), Bóng Tối Thời Con Gái (1966, đã đăng từng kỳ trên Đông Phương), Xuân Thì (1967), Sống Một Ngày (1967), Cổng Trường Vôi Tím (1971), Cô Hippy lạc loài (1972), Mộng Ngoài Cửa Lớp (1973), Trưa Áo Trắng (1973), Tuổi Hồng Vỗ Cánh (1973), Bầy Phượng Vỹ Khác Thường (Hải Âu, 1973), Bé Yêu (1974), Hiền Như Mực Tím (1973), Trăng Mười Sáu (1973), Vi ơi, bước tới (1973), Tình Đầu (1973), Ngày thơ, Tình thơ (1974), Sinh Nhật (1974), Chuyện Tình-yêu (1974), Bước Khẽ Tới Người Thương (1974), Mưa Trên Cây Sầu Đông (1968), Như Giọt Nắng Vàng (1968), Phượng Hoàng (1969), Dạ Khúc Bên Kia Phố (1970), Mùa Hè Rực Rỡ (1970), Yêu Một Người Viết Văn (1973) hoặc đề-tài xã-hội như Đêm Nghe Tiếng Đại Bác (1966), Người Tình Ngoài Mặt Trận (1967), Đời Ca Hát (1971), Tòa Bin-đinh Bỏ Không (1971), Lăn Về Phía Mặt Trời (1971), Đám Tang Cá Voi (tức Tan Trong Biển Mặn; Đồng Nai, 1971), Ngày Đôi Ta Mới Lớn (1974), v.v.

V đề tài chiến tranh, với Đêm Nghe Tiếng Đại Bác (1966) là chiến tranh đã về tận thủ đô, trong từng gia đình. Những chờ đợi: Phan đã tử trận hai ngày trong khi gia đình vẫn chờ họp mặt. Những chịu đựng chiến tranh. Tấm lắc người bạn đồng ngũ đưa về. Những âm thanh não nề cuối truyện: “Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho me tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phượng tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông, với Hoàng, với Mẫn, với Nghĩa, với tất cả. Tôi gửi lời thăm. Thăm tất cả. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Ngủ đi Ba. Ngủ đi me. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó”.

Ngày Đôi Ta Mới Lớn (1974) kể chuyện đôi tình nhân Thuyền và Dư từ thời thơ ấu nơi một miền quê mùa nghèo nàn cho đến khi Dư đi lính và tử trận. Tiếp theo là Người Tình Ngoài Mặt Trận (1968), Một Mai Khi Hòa-Bình (1969), Đoàn Nữ Binh Mùa Thu (1969), Tình Ca Trong Lửa Đỏ (1970), Chiến Tranh Trong Thành Phố (1970), Tình Ca Cho Huế Đổ Nát (truyện ngắn, Thương Yêu, 1969) nhưng tác phẩm gây tác động mạnh của bà là Giải Khăn Sô Cho Huế (Thương Yêu, 1969) về thảm cảnh chiến tranh tương tàn Tết Mậu Thân ở Huế và những táng tận lương tâm của những con người và tập đoàn tàn bạo - thân sinh bà là một trong số nhiều ngàn nạn nhân. [Bà và gia đình sẽ bị chính quyền Hà-Nội "trả thù", đày đọa sau biến cố 30-4-1975 và sau này khi tái-bản ở hải-ngoại năm 2008, bà đã viết sửa lại một số đoạn].

Trong “Tựa nhỏ: Viết để chịu tội” ở đầu tập, bà viết: “... sau khi phác họa một vài nét đại cương trên nhật báo Sống hồi ấy, mặc dù được tòa soạn yêu cầu tiếp tục và sau đó được nhiều nhà xuất bản thúc dục, tôi cũng đã cố gắng ngưng lại. Phải ngưng lại, để nếu không nghiền ngẫm được kỹ hơn, thì ít ra cũng tách rời được khỏi những hậu ý xô bồ của thời cuộc, để chờ đợi một giây phút yên lặng hơn, trầm tĩnh hơn, khi viết về Huế. Cái thời gian chờ đợi ấy, đến nay, đã gần hai năm qua, Hai năm, hài cốt cả chục ngàn dân Huế bị tàn sát, vùi nông ở bờ bụi, vứt bỏ xuống đáy sông đáy suối, đã được thu nhặt dần. Những nấm mồ tập thể đã tạm thời xanh cỏ. Những nền nhà đổ nát đã tạm thời dựng lại. Cơn khóc than vật vã của Huế, những tiếng nói xô bồ về Huế, như vậy, cũng đã bớt ồn ào. Đây, chính là lúc chúng ta có thể cùng nhau chít lại giải khăn sô, đốt lại nén hương nhỏ trong đêm tối mênh mông của chiến tranh và tang tóc, để hồi tưởng về Huế.

Có nhiều loạt súng đạn, nhiều loại tang tóc, đã nổ và đã tàn phá Huế. Công trình ấy không biết từ đâu, nhưng dù do đâu đi nữa, thì cái tội ác tàn phá một thành phố lịch sử là Huế, chính thế hệ chúng ta, thời đại chúng ta, phải chụi trách nhiệm. Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đoan, một cô bạn học cùng lớp với tôi ngày nào, đang ngồi trên ghế đại học ở Sàigòn, bỗng về Huế, đeo băng đỏ nơi tay, dát súng lục bên hong, hâng hái đi lùng người này, bắc người khác, để trở thành một nữ hung thần trên cơn hấp hối của Huế.

Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đắc một sinh viên trẻ trung, hăng hái. Thời trước Đắc làm thơ, Đắc tranh đấu, rồi bỏ ra khu. Để rồi trở lại Huế lập những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loặt người, rồi đích tay đào một cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố, để xử tử. Cậu bạn của Đắc, tên Mậu tý, dơ cái băng đỏ dấu hiệu giải phóng quân lên cao, lạy van Đắc: - Em lạy anh. Bây giờ em theo các anh rồi mà. Em có mang băng đỏ rồi mà. Cách mạng muôn năm... Hồ chủ tịch muôn năm. Nhưng mặc Mậu Tý năn nỉ, hoan hô, Đắc vẫn nhất định nổ súng vào người bạn nhỏ.

Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có từng đoàn người, hàng trăm người, cha có, sư có, già có, con trẻ có, mỗi người cầm một lá cờ trắng để ra dấu đầu hàng bất cứ phe nào, đi thất thểu trong một thành phố đầy lửa cháy. Cứ như thế chạy ngược chạy xuôi, cho đến khi gục ngã gần hết.

Cũng chính trong thời đại chúng ta, ngày thứ hai mươi mấy trong cơn hấp hối của Huế, đã có một con chó nhỏ kẹt giữa hai lằn đạn, chạy ra sủa bâng quơ ở bên bờ sông Bến Ngự. Con chó thành mục tiêu đùa rỡn cho những mũi súng hờm rẵn từ bên kia sông. Họ bắn cho con vật khốn khổ sợ hãi rơi xuống sông. Rồi lại bắn vào những bờ sông mà con chó nhỏ đang lóp ngóp bơi vào. Những phát súng đùa cợt không có t́nh bắn chết con chó nhỏ, mà chỉ có trêu chọc cho con chó chới với giữa gịng nước, để có chuyện đùa chơi với máu lửa. Thành phố Huế, và có lẽ cả quê hương khốn khổ của chúng ta nữa, có khác gì thân phận của con chó nhỏ đã chới với giữa giồng nước ấy. Thế hệ chúng ta, cái thế hệ ưa dùng những danh từ đẹp đẽ phô trương nhất, không những chúng ta phải thắt một giải khăn sô cho Huế, cho quê hương bị tàn phá, mà còn phải chịu tội với Huế, với quê hương nữa.

Gần hai năm đã qua, hôm nay, nhân ngày giỗ thứ hai của biến cố tàn phá Huế sắp trở lại, tôi xin viết và xin gửi tới người đọc tập giải khăn sô cho Huế này như một bó nhang dèn góp giỗ. Xin mời bạn, chúng ta cùng thắp đèn, châm nhang, chịu tội với quê hương, với Huế” (2)].

Trong Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, Thư Gửi Tuổi Thơ Ấu Của Huế mở đầu tập mang hình-thức một bức thư gửi cô bạn đã chết thảm trong vụ thảm chiến Mậu Thân ở Huế: “Mi Ki thân mến,

Tôi phải nói với Ki về thành phố đó. Chúng ta đã sinh ra, đã sống ở đó, ít nhất là một phần của tuổi thơ ấu. Tuổi thơ ấu của Ki đã cho tôi thật đầy đủ. Những ngày ở bãi biển Thuận An, đi lang thang ngoài biển, bắt cào cào, đào trộm khoai, chơi cút bắt, hay thơ thẩn một mình ngoài đồng rộng chạy đuổi theo những bông cỏ lăn theo gió. Tắm ở phá Tam Giang, giữa trưa nắng, cát nóng bỏng như lửa. Ki đã chạy nhảy, chân giẫm từ đám cỏ khô này qua đám cỏ khô khác để tới rừng dương, nhìn một cái hồ nhỏ đầy cá mặt trăng. Cá mặt trăng, những mặt trăng nhỏ, trắng muốt của tuổi thơ chúng ta tung tăng trên mặt hồ, bên những cành dương rủ bóng, kênh kiệu một cách đáng yêu với bờ đê, với bãi biển kêu gọi, rủ rê suốt ngày tháng.

(...) hồi Tết Mậu Thân vừa rồi, Tuý sửa soạn về bên chồng. Trước tết, Tuý cắt tóc ngắn, đánh móng tay, rạo rực với bao nhiêu dự định. Sáng mồng Một Tết, Tuý còn mặc áo đẹp, nhởn nhơ mừng năm mới. Nhưng chỉ hôm sau, sáng mùng Hai Tết, Tuý đã bị bắt, rồi bị chôn trong khu vườn ngay khi hoa mai còn đang nở.

Sau này, khi những người thân sống sót trở về đào xác Tuý lên, Ki tưởng tượng được không, dù bị vùi xuống không hòm không chiếu, thể xác Tuý không những vẫn nguyên vẹn, mà mái tóc Tuý, móng chân móng tay của Tuý còn mọc dài hơn ra. Ki ơi, có thể thật rứa không Ki. Mà thật rứa, thì mần răng giải thích, ngoài điều tôi đã nói với Ki: sức sống của con người vốn mãnh liệt lắm.

Phải chăng, khi bị vùi xuống đất giữa lúc còn rạo rực sống, dù tim đã ngừng đập, ngực đã ngừng thở, giữa lòng đất đen lạnh, cô bạn nhỏ của chúng ta, Tâm Tuý, vẫn còn cố gắng trải thêm chút sức sống mà cái chết hối hả không kịp dập tắt, để thể xác còn tiếp tục nở thêm.

Mi Ki thân mến,

Ki thấy đó, như Tâm Tuý, như bao nhiêu người khác, Huế của chúng ta, dù bị vùi dập và tàn phá, vẫn nhất định hồi sinh, nhất định thức dậy, như cỏ nhất định phải mọc trên mặt đất.

Hãy chịu đựng nhé, Huế. Nhưng đừng quên chờ đợi, hy vọng. Giữa những xương trắng vừa được bới đào lên, giữa những đám tang tập thể, giữa đêm tối chưa ngớt kinh hoàng vì những trận đánh lớn quanh quẩn đe doạ, Ki nghe thấy không, lời hứa phục sinh của Huế vẫn nhất định chưa tắt, Ki tin tôi đi, trong lòng tôi, ngay lúc còn đi giữa máu me đổ nát của Huế vẫn còn giữ được nguyên biết bao kỷ niệm mà ngày nào, đôi chân ngắn ngủi của chúng ta đã từng bước tới.

Dù sao Ki ơi, những buổi chiều gió nổi trên mặt sông Hương gợn sóng bạc, những buổi sáng mùa hạ rực rỡ trong Thành Nội, những ngày mưa mù mịt hàng cây sầu đông sau trường Đồng Khánh, hay những cơn giông thịnh nộ, cũng vẫn còn trở lại.

Tôi xin gửi về Ki, về Huế, tập truyện nhỏ này, như những tình ca được viết riêng cho Huế và quê hương đổ nát. Mong rằng những tình ca vụn vặt, đầy nước mắt ấy, sẽ góp thêm phần nào vào việc lay gọi Huế thức giấc, để những tình ca khác sẽ tiếp tục, thơ mộng hơn, tươi sáng hơn.

Mi Ki ơi, Ki đã làm tôi cảm động quá. Sống mãi giùm tôi với Huế nhé, Ki nhé.  -  Sàigon, 4 - 1969”

Ngoài ra, trong Đoàn Nữ Binh Mùa Thu (Thương Yêu, 1969), Nhã Ca kể chuyện một gia-đình Bắc di cư sống trong một xóm lao động – mà tác-giả cho biết là chuyện có thật trong phần “Trước khi vào truyện”, đến thời lính Mỹ sang đông đảo đưa đến những tan hoang xã-hội nhưng cũng giúp gia-đình có thêm lợi tức sinh sống. Con gái đi làm, lấy Mỹ, đứa chết vì sanh khó, đứa sanh con lai, ông bố dẫu sao cũng hài lòng với cuộc sống: “Kẻ ra mình ở với bọn Việt Minh cũng không được. Dạo đó tôi có ruộng, có lúa. May mà vô trong này được, không thì bị khép vào tội địa chủ rồi, ấy mà trò đời cũng lạ, ở đây bây giờ Mỹ nó tràn vào, người người lại giàu có... Việt-cộng nó nói nó đánh Mỹ. Nó đánh gì đâu. Toàn dân chết...” (tr. 251).

Với văn-học miền Nam trước 1975, Nhã Ca đã có những tác-phẩm viết về tuổi thơ, tuổi học trò có nhiều độc giả trẻ. Như Cổng Trường Vôi Tím kể chuyện các nữ sinh đất Thần-kinh và các cô giáo (Kim Chi, Tịnh Nhơn,...). Những biến đổi của tuổi mới lớn, chớm biết yêu và bắt đầu mộng mơ làm thơ văn. Chuyện mở với việc cô Kim Chi nghỉ dạy, các nữ sinh quyến luyến:

“... Thái Dương đứng khóc mùi . Cô Kim Chi phải bỏ ghế xuống ngồi bên cạnh Thái Dương, cô đặt tay lên vai nó:

- Ní đi . Cô đi thì có cô khác tới dạy . Nên giấu sự buồn bã trong lòng . Em cố gắng học sẽ giỏi . Cô thấy em dư sức học, tại em cứ có cảm tưởng thua bè bạn rồi nản đó thôi . Em gắng lên rồi gửi thư cho cô nhé.

     - Dạ.

Nhờ cô Kim Chi xuống ngồi chung ghế với học trò, các nữ sinh bạo dạn hơn . Họ bắt đầu hỏi chuyện cô, thầy trò nói chuyện vui vẻ . Cô cũng nhắc tới tôi:

– Phù Dung ráng giữ sơ mi quốc văn nghe.

- Dạ.

- Nó làm văn sĩ nữa cô.

- Xì, làm thơ mà van sĩ . Quê.

- Thi sĩ . Nữ sĩ Phù Dung.

- Ẩu, Mấy bạn dị ghê đi.

- Nó làm bộ đó cô . Nó có bài đăng báo . Đăng ở văn nghệ học sinh.

- Hoan hô Phù Dung.

Tôi đỏ mặt . Chuyện gì lũ quỷ này cùng biết hết . Tại thầy giáo sư quốc văn năm nay đó . Năm nay tôi mất cô Tịnh Nhơn, cô không dạy lớp đệ tứ . Đỗ Quyên véo tay tôi :

- Sướng nghe mi . Khối thằng làm thơ tán nữ sĩ.

- Thôi mi . Mi mà cũng rứa nữa.

Cẩm Lệ cũng chen vào:

- Mai mốt mi giới thiệu tau gửi truyện ngắn đi.

Tôi gạt nó đi vì bận nghe cô Kim Chi hỏi:

- Em lấy bút hiệu là gì đó Phù Dung?

- Hoa Cỏ May.

- Hoa cứt lợn.

Có đứa nào nói nhỏ giễu tôi . Tôi nhìn về phía tiếng xì xầm nhưng không biết đứa nào . Cẩm Lệ nói:

- A, con Ngọc . Được . Để nó cho tau.

Lát nữa đây, con Cẩm Lệ sẽ làm gì con Ngọc . Con Ngọc có tiếng là đanh đá nhứt trong lớp . Nó chuyên môn bắt bẻ giáo sư, chuyện gì cũng cãi . Mồi lần giáo sư giáng bài xong hỏi: Ai có ý kiến . - Dạ em, ựa em . Nó giơ tay lên liền . Nó thường cãi sai, cãi bướng bỉnh . Ít giáo sư thích nó nhưng học sinh trong lớp đều sợ nó . Con đó vô học . Đỗ Quyên thường nói với tôi về con Ngọc bằng câu đó.

- Thưa cô, cô cho chúng em xin mỗi đứa một tấm ảnh.

Cả lớp lại nhao nhao . Ý kiến hay đó . Nhưng tôi, tôi không cần . Tôi đã có ảnh của cô Kim Chi từ đa6`u năm lận . Cô Kim Chi tặng tôi tấm ảnh với hàng chữ nghiêng nghiêng bay bướm mà mỗi chiều mưa tôi thường đem ảnh ra xem, đọc đi đọc lại từng hàng chữ đó: Trìu mến tặng Phù Dung để giữ một chút kỷ niệm về cô Kim Chi . Và kỷ niệm của cô Kim Chi là nụ cu8ời rạng rỡ . Nụ cười đó hồi cô còn con gái, bây giờ chỉ còn tôi giữ lại thôi, cô mất nụ cười đó từ lâu rồi . Tôi hài lòng khi nghe cô Kim Chi từ ch^'i . Cô làm sao đem theo ảnh để tặng trên ba mươi học sinh, còn các lớp khác nữa”.

Phù Dung là nhân-vật chính và các bạn học khác đã làm khởi sắc thêm cái quãng đời trường lớp hoa mộng kéo dài cả tập. Cuối cùng thì hiện-thực đau đớn đã đến, cô nữ sinh đành giã biệt mái trường và lăn vào cuộc-sống xã-hội: 

“Nước mắt tôi chảy ra và trời vẫn trồng tôi tại chỗ . người ta đã đập nguội cả đống tro tàn . Người ta đem xác ba tôi vào nhà . Lúc chết ông cũng như chú Đặng là được nằm trong căn nhà của ông . Tôi lủi thủi đi theo, trong tiếng kêu khóc của mẹ tôi và của Minh, tôi như nghe thấy tiếng cười của chú Đặng đâu phía ngoài mặt sông . Nhưng chỉ là tiếng cười mơ hồ, thoáng qua tai rất nhanh rồi tắt ngúm .

Người ta đặt ba tôi nằm trên chiếc sập gụ bốn chân chạm rồng phượng . Lúc đó tôi mới đến gần ba tôi, tôi phục xuống bên giường và khóc nức nở . Khóc đau đớn, khóc xé ruột và khóc cho thật hả .

Tôi khóc cho những người còn lại nhiều hơn . Vì ba tôi đã chết, và người chết nhất định không còn biết đau đớn gì .

Chị Thảo đi lấy chồng . Ba tôi chết . Mẹ tôi suốt ngày vùi quên với những con bài tứ sắc . Tôi được đi học trở lại . Nhưng cổng trường vôi tím bây giờ không còn là nơi dung dưỡng tuổi hồng của tôi nữa . Những ngày vui cũng trôi qua cùng tiếng cười thời trẻ dại . Người tình đã quên . Ngày xanh mới đó đã thành kỷ niệm . Trường còn đó, bạn còn đó mà tôi thấy đã xa . Mẹ tôi báo cho biết cuối năm tôi nghỉ học để bước sang một cuộc đời khác: Tôi đi làm việc .

Tôi sẽ khắc tên chàng trên mặt bàn bằng gỗ khô, để cùng trả lại hết cho cổng trường vôi tím những ngày tháng đẹp nhất đời người .

Hoa Phù Dung nào cũng nở ngắn ngủi”.

 

Chú-thích

1- Sau thời chiến-tranh, bản dịch quốc-ngữ Sấm Truyền Ca (Tạo đoan kinh) và Thánh Kinh của Phan Khôi đồng dịch giả do Hội thánh Tin Lành xuất bản thời 1925 được phát hiện, nghiên cứu (Nguyễn Văn Trung, Lại Nguyên Ân, ...), nhà biên khảo Nguyễn Tà Cúc đã khám phá ra rằng Trần Thy Nhã Ca đã sử-dụng lại ngôn từ và ý tưởng của Thánh Kinh trong một số bài thơ của tập Thơ Nhã Ca ("Nghi án văn học thế kỷ XX", tr. 325-340 in Văn Học Miền Nam: Nhóm*Tạp Chí Văn Học*Tác Giả. CA: NXB Mẹ & Con, 2014).

2- Giải Khăn Sô Cho Huế (Thương Yêu, bản 1970, tr. 8-12). Sau này khi ra hải-ngoại, tác-giả Nhã Ca sẽ sửa lại một số chi tiết của tập bút-ký cũng như đã có một số “nhân-vật” của tác-phẩm lên tiếng, phản đối theo quan điểm của họ.

NGUYỄN VY KHANH