Sông Potomac là một con
sông ở miền đông Hoa Kỳ chảy vào vịnh Chesapeake rồi thông với Đại Tây Dương.
Sông dài khoảng 665 km, Hơn 5 triệu người sống trong lưu vực sông. Sông Potomac
bắt nguồn từ vùng đông bắc tiểu bang West Virginia và hợp nhất ở quảng dưới thị
trấn Cumberland, Maryland. Tàu bè lớn có thể đi lại trên sông Potomac từ cửa
biển lên đến thủ đô Washington, D.C.
Phạm Cao Hoàng có bài
thơ Khi dừng lại bên dòng Potomac rất hay:
khi dừng lại bên dòng
Potomac
em bên tôi vẫn rất dịu dàng
gió lồng lộng cả một
trời đông bắc
tóc em bay trong nắng
thu vàng
và như thế mình đi và đã
đến
mình đã tìm và gặp được
dòng sông
tôi ngồi xuống để nghe
sông hát
và đứng lên ôm lấy mặt
trời hồng…
Ở cạnh dòng sông này,
hai tiểu bang Maryland phía bắc và Virginia phia nam cuộn tròn thủ đô Hoa Thịnh
Đốn ở giữa, tạo ra một quần thể dân cư đặc biệt của người Việt. Các thành phố
sát cạnh nhau nên thường gọi là Người Việt Vùng Virginia, Maryland và
Washington DC thành một tổ chức Cộng Đồng.
Truyền thuyết lập quốc
của Hoa Kỳ kể về sự lựa chọn khu đất vuông vức được bao bọc từ hai nhánh sông
Potomac trên đường ra biển là vùng đất của quận Columbia làm thủ đô, Phía bắc
là tiểu bang mang tên vùng đất Đức Mẹ Maria tên là Maryland, và vùng đất bọc
phía nam là Tình yêu Đồng Trinh tên là Virginia.
Tôi đến đây và cư ngụ
tại đây suốt 26 năm rồi. Quen với cái nắng cháy da vào tháng 7, quen với cái
lạnh buốt xương của tháng 2, quen với chạy xe giữa rừng cây gió thổi mù mịt lá
vàng bay, hay ngây ngất giữa ngàn trùng hoa đủ loại nở muôn mầu trên các lối
đi, trên đồi dưới lũng mỗi tháng 4 của mùa xuân về. Và hơn thế nữa, quen biết
và kết thân tình với rất nhiều những con người mà tài năng và tư cách luôn làm
tôi kính phục, ngưỡng mộ và ước muốn học theo.
Khi bắt đầu làm tờ tuần
báo Văn Nghệ tại đây, việc tìm hiểu người trong vùng, tổng hợp các tin tức kinh
doanh và hoạt động dịch vụ đưa tôi vào cái sinh hoạt đều đặn mỗi ngày đều có
mặt tại khu thương mại Eden, ở đó, không cần hẹn hò gì, cũng có thể gặp gỡ thật
nhiều những người muốn gặp và biết rất nhiều những điều muốn biết hoặc có khi
không muốn biết cũng phải nghe.
Trung tâm gặp gỡ nhau
của người Việt xa xứ đầu tiên nằm ở
đầu đường Wilson Blvd, thuộc quận Arlington, Nơi đó có cái chợ Pacific,
ngôi chợ dựng lên năm 1976, nơi đầu tiên có bán thực phẩm Á Đông, thực phẩm Á Đông chứ chưa là thực phẩm Việt Nam, nhưng như thế đã là quá tuyệt vời khi tìm
thấy gạo, nước mắm, vài thứ rau thơm trồng từ vườn nhà. Pacific là lựa chọn duy nhất của lớp dân cư
Việt còn thưa thớt thời đó, cuối tuần là kéo nhau đi chợ, mua thì ít và để thấy
mầu da vàng, ngôn ngữ Việt khuây khỏa nỗi nhớ nhà.
Qua đầu thập niên 80,
khu vực đó trở thành quá hẹp, một luật sư người Việt làm cố vấn với một tư sản
Do Thái, phát triển một thương xá gần như hoang phế vì ế ẩm nằm cách chợ
Pacific khoảng 5 miles để lập thành cả một khu thương xá với vài chục cửa tiệm
ăn uống, dịch vụ lấy tên là Khu Thương Mại Eden.
Eden phát triển vượt
bậc, từ vài chục rồi lên đến cả trăm và vài trăm cưả tiệm. Nhiều nhất là
nhà hàng, tiệm vàng, hớt tóc uốn tóc, quán cà phê, bida, chợ thực phẩm Việt,
lúc đó còn có hai nhà sách tiếng việt là Thế Hệ và Văn Hóa nữa. Sự phát triển kéo theo là tiền thuê nhà
tăng cao chóng mặt, các doanh nhân ai cũng than, nhưng chưa bao giờ có một cửa
tiệm nào bỏ trống, cứ tiệm này vừa đóng thì ngay tháng sau có người mới vào mở.
Nằm ở thành phố Falls Church, gần với xa lộ vòng đai 495, nối các tiểu bang
Virginia, Maryland và Washington DC, người Việt
nghiễm nhiên coi khu thương mại Eden như một trung tâm tụ hội gặp gỡ suốt
tuần. Nơi đó, chẳng những là nơi mọi người hẹn gặp nhau uống ly cà phê, ăn bát
phở nóng chuyện trò tán gẫu mà còn là nơi dễ hẹn của các bạn hữu từ phương xa
ghé thăm Hoa Thịnh Đốn (có khi là việc gia đình, kết hợp thăm bạn cũ, có khi để
tham dự các cuộc hội thảo diễn ra tại đây, có khi đến xem hội Hoa Anh Đào, hoặc
các bảo tàng viện cấp quốc gia và vô vàn thắng cảnh tuyệt đẹp mà đôi khi, chính
người địa phương cũng không biết tới Các bạn phương xa đó, khi xong những việc
riêng tư, chỉ cần một cú điện thoại nhắn nhau, là thay vì phải đi thăm từng
người, thì chỉ ra Eden là gặp gỡ rất nhiều người.
Nhưng lợi điểm đó, chỉ
kéo dài khoảng mươi, mười lăm năm. Từ 1995, rất nhiều hàng quán, văn phòng bác sĩ luật sư, cơ sở dịch vụ đã mở rộng khắp
các thành phố chung quanh. Ăn món ăn Việt không cứ chỉ ra Eden, mà gần thành
phố nào chung quanh như Annadale, Fairfax, Falls Church. Arlington, Washington
DC… đều mọc lên các nhà hàng món ăn Việt nhưng tổ chức và trang trí sang trọng
nhằm vào người Mỹ, Hàn, Phi, Hoa…Nhưng dẫu sao, Eden Center vẫn là nơi sầm uất
nhất, đông đảo nhất và dĩ nhiên là quen tên nhất.
Phở Xe Lửa có lẽ là nhà
hàng nổi tiếng liên bang. Từ California ở cực tây, hoặc Canada ở cực bắc, bạn
hữu văn nghệ khi hẹn gặp nhau ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, thì thế nào cũng nhắc tới
Phở Xe Lửa. Vào thời kỳ toàn thịnh ở khu Eden là khoảng 1992-1997, Phở Xe Lửa
mỗi ngày có thể bán khoảng 500 tô phở, giá 7 đồng một tô, bình quân con số sẽ
là 105 ngàn/tháng. Xin ghi chú rằng, giá một căn nhà ba phòng ngủ tại đây lúc
đó chỉ khoảng 120 ngàn. Địa điểm này ghi lại dấu chân những văn nghệ sĩ cư trú
trong vùng thường xuyên có mặt như Đinh Cường, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Trọng, Văn
Phụng, Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại, Nguyễn Túc, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn
Mạnh Hùng, Hà Bỉnh Trung, Nguyễn Ngọc Bích, Trương Anh Thụy, Phạm Thành Châu,
Hoàng Song Liêm, Lê Thiệp, Uyên Thao… nhiều lắm không thể nhớ hết.
Như những cánh bèo trôi
dạt, gặp gỡ nơi đó chuyện trò thăm hỏi và lại tan tác chia xa, nhưng lại nảy
sinh ra từng nhóm bạn nhỏ năm bẩy người tự thấy hào hứng khi gặp gỡ và thèm
muốn gặp lại, kết thân hơn và khắng khít với nhau lâu dài.
Trương Vũ là một khoa
học gia làm việc tại Nasa, là một Họa sĩ tài ba, Ông là đồng chủ biên tuyển tập
văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven (do Curbstone Press xuất bản
năm 1995). Nguyên đồng chủ biên tập san Việt Học The Vietnam Review của đại học
Yale (1996-1998). Nguyên chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Hợp
tác, đóng góp bài vở cho một số tạp chí văn chương như Văn Học,
Hợp Lưu, Văn...
Ộng được nhiều người quý
mến vì tư cách, vì kiến văn rộng rãi và chất nghệ sĩ lãng mạn trong giao tế.
Nơi ông cư trú cũng là nơi ông dùng làm Studio vẽ tranh và lại là một địa điểm
rộng rãi lý tưởng cho các buổi họp mặt. Sau cái thời mà người ta hẹn gặp nhau
ngoài quán xá chuyện trò ngắn ngủi mang tính chất thăm hỏi, tới lúc những người
ý hợp muốn có một một nời trò chuyện sâu hơn, đã có những điểm gặp như ở nhà
Phạm Cao Hoàng, nhà Nguyễn Quang, nhà Nguyễn Tường Giang, nhà Nguyễn Thị Thanh
Bình... nhưng địa điểm thường được chủ nhận chào đón chính là Studio Trương
Vũ.
Không phải thường xuyên,
nhưng năm ba tháng, cảm thấy nhớ và thèm ngồi cạnh bên nhau, là có một hẹn hò,
như có lần, tôi ghi lại kỷ niệm bằng một bài “Không phải là thơ” như thế này:
Qua rồi mùa u ám
Đông trôi đi theo cơn
mưa rả rích suốt đêm qua
Thư mời gửi đi từ Trương
Vũ:
" Chúng ta có
truyền thống không trả lời nếu sẽ đến, và tôi không chờ đợi một hồi âm
nào"
Thế mà Nguyễn Thị Thanh
Bình phá lệ trả lời rằng sẽ đến, sẽ đến đúng giờ
Thế mà tôi cũng không
nén được sự háo hức bằng một phá lệ trả lời là sẽ đến.
Ngồi quanh bàn thật
nhiều món ăn Việt Nam do Thiên Kim dậy từ sáng sớm để thực hiện
Nguyễn Mạnh Hùng vừa từ
Singapore đem về câu chuyện đất nước
nhỏ, đẹp, an toàn, giàu có ở phương đông.
Đặng Đình Khiết xúc động
nói về Philippines vào cái ngày nhận được hung tin từ điện thoại gọi trên
chuyến bay từ Mỹ đến Manila. Bàng hoàng và đứng không vững.
Phạm Nhuận kể chuyện
người thiếu nữ tạo nguồn cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết "Như cánh vạc
bay"
Đoan Trang tâm sự về dân
nhạc, về sự thăng hoa của bài Phụng Vũ với tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa.
Nguyễn Quang vẫn rất
ngây thơ hỏi những điều chẳng ai dám trả lời.
Qua rồi mùa đông u
ám và buồn của nhóm bạn bè chung.
Hôm nay ngồi nghe, và
thi nhau kể chuyện "đời xưa"
Nói tới Duyên trong thơ
Nguyễn Tất Nhiên, tới Dao Ánh trong nhạc Trịnh Công Sơn, Thương trong thơ Hàn
Mặc Tử.
Tiếng cười hồn nhiên của rất nhiều thanh niên quá lứa.
Trương Vũ tâm sự rằng
anh rất thích vẽ chân dung, nhất là những người một thời ghi dấu thân tình
trong dòng đời.
Ghi lại cái thần bạn hữu
còn có nghĩa ghi lại cái tình chia sẻ với nhau.
Và lần này, qua nét cọ của người họa sĩ tài hoa
màu vàng Hoa Cúc là màu
vàng nền nã trên áo của Cúc Hoa.
Khuôn mặt phúc hậu và
tia nhìn hiền hòa trong tranh giữ lại được toàn bộ cái chất riêng tư đằm thắm
Cúc Hoa.
Ngày hôm qua, chính thức
xuân về, với mùa lễ hội Hoa Anh Đào.
đâu chỉ có Anh Đào, và
rực rỡ bên đường còn là hồng thắm Hoa Mộc Lan,
vàng chanh, tím đỏ ,
trắng xanh của quá nhiều loại cây đồng loạt ra hoa mà tôi không biết hết tên.
Nhưng chắc nhiều người
trong bàn cũng như tôi
sẽ nhớ xuân này với màu
vàng Hoa Cúc.
Những tụ hội ở nhà
Trương Vũ thì nhiều không kể xiết, những lần ghi lại trong lòng nhiều kỷ niệm
như gặp để xem và tập vẽ tranh với Họa Sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh), gặp Nguyễn
Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn đến từ Úc Châu, gặp Du Tử Lê từ California, gặp Trần Hoài Thư từ New Jersey, gặp
Trịnh Cung và cô vợ trẻ đến từ California. Lần gặp đông nhất với anh chị Quán Văn đến từ Việt Nam như
Nguyên Minh, Đoàn Văn Khánh, Trương Văn Dân,
Elena Pucillo, Thân Trọng Minh cùng với Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Doãn Nho từ Boston, Lữ Quỳnh từ California, Duyên Tùng từ Michigan, Nguyệt Mai từ Ohio, tụ hội
với anh chị em vùng Hoa Thịnh Đốn như Đinh Cường, Trương Vũ, Phạm Nhuận, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Tường Giang, Đặng Đình Khiết, Phùng Nguyễn, Nguyễn Quang, Nguyễn Thị Thanh
Bình, Nguyễn Minh Nữu, Bạch Mai, Đinh Từ Bích Thúy, Nguyễn Đình Vinh, Đinh Trường Chinh, Lãm Thúy, Hoàng Thị Bích Ti, Lê Thị Ý…
Những lần đó, là những
lần mở được mắt ra để thấy rất nhiều những chân trời, mở được lòng ra để thấy
bao la tình bằng hữu. Được kết giao và được hòa được mình vào sức sống nhiều
người.
Khi Đinh Cường còn, và
nhất là giai đoạn năm bẩy năm trước khi mất, bạn phương xa đến thăm ông thật
nhiều, không thể tiếp tại nhà, nên Đinh Cường thường chọn Saigon Quán làm nơi
đón khách, và bao giờ cũng rủ tôi và Phạm Cao Hoàng cùng tiếp khách với
ông, có thể kể ra một số tên tuổi quen thuộc: nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Trần Doãn Nho, họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, nhà thơ Lữ Quỳnh, nhà văn Đặng Thơ Thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Chơn...Những gặp gỡ
đó, mở ra rất nhiều mối liên lạc giữa anh em cầm bút với nhau.
Còn góc riêng của chia
sẻ tâm tư, lắng nghe và sọi rọi chính mình lại là những tụ họp nhỏ, chỉ là năm
ba người. Như lần ở nhà Phạm Cao Hoàng.
Nghe Nguyễn Trọng Khôi kể về chương trình làm việc thường ngày, sáng ngủ
dậy, mang giầy vào, chạy bộ, và giữ luôn tư thế sẵn sàng làm việc cho Vẽ, cho
Đọc, cho Viết, đến khi chiều xuống mới tháo giầy ra để thư giãn như xong một
ngày lao động hết lòng.
Như lần ở căn biệt thư
bên hồ của Nguyễn Tường Giang, hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn , tác giả Khói Hồ
Bay do Thạch Ngữ xuất bản 2012, để nghe kể thời làm tạp chí Văn Chương (1973)
và những kỷ niệm lúc thực hiện Tuyển tập Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta vào năm 1973. Một
tuyển tập truyện ngắn hay nhất thời bấy giờ mà cho tới nay, vẫn là một tuyển
tập xuất sắc nhất về truyện ngắn Việt Nam.
Hay là những buổi rất
gọn chỉ có ba anh em Trương Vũ, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu để nghe Trương
Vũ tâm sự là một người giỏi Toán, yêu Toán, ra trường đi dạy Toán và những mối
dây kỳ lạ của Toán với Văn Chương Nghệ Thuật.
Hay có lần cùng với Trần
Thị Nguyệt Mai, vợ chồng Tùng và Duyên trong một vòng tròn thân mật, hỏi Tùng
về Nguyễn Tất Nhiên và những bài thơ viết về Duyên của ông ấy để nghe Tùng rất
nhẹ nhàng thỏa mái khen ngợi hết lòng những vần thơ trữ tình của chàng thi sĩ
bạc mệnh.
Lại nhớ một lần được mời
tới nhà Phạm Cao Hoàng, đến nơi có Đinh Cường, Đinh Trường Giang, và Trần Thị
Nguyệt Mai từ Ohio đến, đem theo món quà đặc biệt cho Đinh Cường. Tập thơ Cào
Lá Ngoài Sân Đêm do nhóm bạn gồm Nguyệt Mai, Phạm Cao Hoàng, Trần Hoài Thư kín
đáo thực hiện làm quà sinh nhật cho anh. Đôi mắt Đinh Cương rưng rưng
người ra ngoài hiên sau
quét dăm ba cành lá
gạch lên màu rêu xanh
lâu không có ánh nắng
vào ngồi trong tịch lặng
đất trời sao buồn thiu
nói gì đi ánh trăng
trời xám mù không thấy
trời xám mù và tôi
một ngày không tiếng nói
nhớ tiếng kèn đồng thổi
đêm nào trong quán xưa
hôm nay một ngày mưa
cám ơn nhận thùng sách
Sẽ không thể kể ra, hay
ghi lại hết được đâu những người anh, những người bạn của tôi đang sống ven
dòng sông Potomac này. Nó bàng bạc như lớp khói trên sông, mà lúc nào cũng có
cảm giác ấm áp như vẫn luôn có nhau trong mọi cuộc đổi dời.
Lâu lắm rồi đó, cả hơn
năm nay không có dịp tụ hội với nhau, dù ở rất gần nhưng đành chấp nhận liên
lạc với nhau qua điện thoại, thực lòng khao khát lại được sống như ngày xưa,
ngồi lại bên nhau, dù chỉ là:
ngồi bên nhau giọt rượu
cay trong mắt
ngồi bên nhau cùng nhớ
một quê nhà
quê nhà thì xa mây thì
bay qua
đời phiêu bạc như những
đám mây trôi giạt.
(Thơ Phạm Cao Hoàng)
Nguyễn Minh Nữu
Tháng 6/2021