Tên thật Nguyễn Băng Lĩnh,
sanh năm 1937, tại Vĩnh
Long, giáo viên ở quê nhà Vĩnh Long và từ 1961 lên Sài-Gòn dạy Anh văn cho các
phụ nữ bán bar. Tác-phẩm đã xuất-bản gồm các tập truyện ngắn Mèo Đêm (Thời
Mới; Kim Anh, 1967), Lao Vào Lửa (Kim
Anh, 1967), Chiều Mênh Mông (Kim Anh, 1968) và các truyện dài Ngọn Pháo Bông (Tan Trên Lưng Gió, Hiện-Đại, 1968), Thú Hoang (Hồng Đức, 1968), Khung
Rêu (Kẻ Sĩ, 1969), Như Thiên Đường Lạnh
(Kẻ Sĩ, 1972), Chiều Xuống Êm Đềm (Văn,
1972), Nhang Tàn Thắp Khuya (Nguyễn
Đình Vượng, 1972) và Cho Trận Gió Kinh
Thiên (Nguyễn Đình Vượng, 1973) [Năm 2017, nhà Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn trong nước đã cho tái bản 10 tác-phẩm].
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ xuất hiện trên
văn đàn miền Nam năm 1965, thuộc thế hệ mới đã bị đô thị hóa; bà đã đưa vào văn
chương miền Nam lời ăn tiếng nói của người Sài-Gòn - ngoại lệ Khung Rêu
bà viết về một miền Đông trước thời Kháng chiến và vài truyện ngắn phong tục về
thời trước đó. Miền Nam trong văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ là một Sài-Gòn thị
tứ với những cuộc sống tân thời và những vấn-đề
của thời mới, chuyện các cô gái lỡ thời, gái bán bar, me Mỹ và làm sở Mỹ
(Mèo Đêm, Thú Hoang, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông,...). Sau 1972, bà đã
đưa đời sống "miệt vườn" vào tiểu thuyết, trong Nhang Tàn Thắp
Khuya, Khung Rêu,... phần lớn nói về
giới giàu có, điền chủ và phong tục ở chốn quê! Nguyễn Thị Thụy Vũ đầu tiên được
biết đến là nhà văn đã đưa vào văn-học đời sống của gái bán bar, với cuộc sống
và những con người hiện thực, chạy theo sống còn, do đó tác-phẩm của bà khác với
vài nhà văn nữ khác cùng thời, không hề
có dấu vết hiện sinh thời thượng của văn-nghệ thời đó và không có những chất vấn
siêu hình về thân phận hay tha nhân, về phi lý của cuộc đời, v.v.
Uyên Thao trong Các Nhà Văn Nữ Việt-Nam 1900-1970 (Nhân
Chủ, 1973) đã có những nhận xét về thế-giới tiểu-thuyết của Nguyễn Thị Thụy Vũ:
"...trong thế giới tù hãm của cuộc sống tỉnh lẻ vừa vụn vặt, vừa khắc
nghiệt ấy, Thụy Vũ đã cho thấy tất cả những người đang sống chỉ thực sự sống bằng
cách chạy trốn. Trong khi những kẻ yếu đuối chạy trốn vào vùng trời tưởng tượng
bi thảm của mình thì những kẻ tương đối mạnh dạn hơn chạy trốn vào sự giả dối,
che đậy. Ngoài hai lớp người ấy là một lớp người chạy trốn thực sự, chạy trốn bằng
cách ném mình vào những cuộc phiêu lưu mà mọi tính toán chỉ dừng lại ở một điểm
duy nhất: miễn là tách xa được thế giới tù hãm này" (tr. 196) và rằng:
“Theo quan điểm của Freud, chúng ta có thể cho rằng Nguyễn Thị Thụy Vũ là một
người bị dồn nén trầm trọng về tình dục. Khởi từ đây, chúng ta có thể hướng
công việc phát họa chân dung Nguyễn Thị Thụy Vũ theo các suy luận dựa trên những
tìm tòi hướng về tác giả đó" (tr. 209).
Mèo Đêm (1967) gồm các truyện ngắn Mèo Đêm (Bách Khoa, 214, 1-12-1965), Nắng
Chiều Vàng, Một Buổi Chiều và Đợi Chuyến Đi Xa. Hai truyện đầu khai thác chuyện
của những cô gái bán Bar thời quân lính Hoa-Kỳ tràn ngập miền Nam, hai truyện
sau viết về những cô gái lỡ thì, những thèm tưởng tình dục (bóng gió “Bóng tối đã ôm choàng thành phố ngoài khung
cửa…”), như chuyện cô gái điếm về chiều Mi-sen (Michelle): “Hôm nay như
thường lệ, tôi đến dạy Mi-sen vào những buổi trưa nắng gắt. Vào giờ này cánh cửa
sắt trước nhà đã được chị Tư mở sẵn. Tôi cứ việc ung dung dẫn xe đạp vào và tự
tay đóng cửa lại, không phải gọi chuông inh ỏi nữa. Đi ngang qua phòng khách
tôi rẽ tấm màn quẹo qua buồng ngủ Mi-sen, rồi gõ nhẹ cửa.
– Cô giáo đó hả, vô đi.
Tôi đẩy cửa bước vào, rồi bất chợt dừng lại.
Mi-sen cười ngặt ngoẹo:
– Vào đi cưng. Chờ chị làm massage một chút
nghen.
Tôi tìm chiếc ghế ngồi cạnh giường, Mi-sen
pha trò:
– Cô giáo hôm nay bắt gặp học trò trần truồng
như nhộng. Chỗ đàn bà với nhau cả phải không cô.
Bây giờ tôi được dịp quan sát Mi-sen kỹ hơn. Nàng nằm
trên một chiếc khăn lông màu hồng trải trên tấm nệm mút phủ “ra” trắng. Bà làm
massage quỳ hai gối xuống nệm, hai bàn tay thoăn thoắt trên các bắp thịt mông
và lưng nàng. Mồ hôi rịn ướt trên đôi tay gân guốc của bà. Mắt Mi-sen lim dim,
dáng điệu nàng như con mèo sưởi nắng một cách khoan khoái. Lúc nào nhìn người
đàn bà khỏa thân tôi cũng có một cảm giác lạnh lẽo và tê tái như nhìn một bức
tranh tĩnh vật với màu sắc hết sức ảm đạm. Riêng đối với Mi-sen, tôi nghĩ rằng
tấm thân nõn nà, với làn da mịn màng đó, có cái gì mong manh. Tuổi già đã gần kề
nàng. Chẳng bao lâu nữa, những bắp thịt thon đẹp kia sẽ nở bung ra, bụng sẽ
nhão nhoẹt. Nghĩ tới giai đoạn đó, tôi cảm thấy buồn hơn là ganh tị…” (Đợi Chuyến Đi Xa).
Bản tái-bản cùng năm của nhà Kim Anh có thêm 2 truyện
Bóng Mát Trên Đường và Miền Ngoại Ô Tình Lẻ mà nhân-vật chính vẫn là những thiếu
phụ thiếu quân bằng về tâm sinh lý.
Lao Vào Lửa gồm ba truyện ngắn Chiếc
Giường, Lao Vào Lửa và Đêm Nổi Lửa viết về nếp sống và tâm tình giới phụ nữ bán
bar và bán thân,... Truyện Lao Vào Lửa xoay quanh cuộc đời của Tú, một cô gái
trẻ tuổi, nhà nghèo và cần tiền để sinh sống. Tú được Lan giới thiệu cho một
công việc thâu ngân ở một quán bar mà Lan hứa hẹn là sẽ kiếm được một mức lương
để sống. Tú gặp bà chủ quán bar, và được giới thiệu gặp chị Năm, một “lão làng”
trong quán. Tú được đổi tên thành Tina. Một hôm Tina được một anh chàng Mỹ chú
ý và mời uống. Sau đó tặng hoa cho cô mỗi ngày. Đến một hôm, Tina bước vào quán
với một chiếc nhẫn hột xoàn lấp lánh trên tay. "Một người bạn cầm tay tôi suýt xoa:
– Cô
Tina sắm chiếc nhẫn này bao nhiêu? Thằng "bồ" của con Thúy mua tặng
đó hả? Mới vào nghề mà sao có phước quá. Chắc là con gái của ông trời. Tụi gái
già này là thứ con ghẻ của ổng.
Đôi mắt
hờn ghen quay sang lũ bạn. Một ả khác trầm trồ bằng giọng uốn éo:
- Gái trinh mới có giá
như vậy chớ. Còn tụi tui tan hoang như ống cống thì chỉ có cách kiếm tiền mua hột
xoàn giả...". Đúng là lời của một đàn chị!
Cũng chuyện chiếc nhẫn với chị Năm: “Chị
tươi cười tiến đến bên tôi chìa bàn tay với móng sơn đỏ thắm rắc bột kim tuyến
lụn vụn chiếu nhấp nháy trên vai tôi rồi trách: – Hôm qua em đi “phố” với Tommy
phải không?
Chị bóp nhẹ tay tôi. Bỗng đôi mắt chị dừng lại
trên chiếc nhẫn rồi từ từ buông thỏng tay tôi:
– Thôi đừng khóc. Lỡ rồi Tina à. Bề nào em cũng tới giai
đoạn này” (tr. 71).
Các bạn đồng nghiệp của cô cũng trầm trồ khen
ngợi, nhưng cũng lúc đó thì anh chàng người Mỹ cũng biến dạng. Hết người khách
này đến người khác, Tina đã dần quen với công việc của mình, và gặp người Mỹ
khác. Đây là một cảnh anh lính Mỹ này gạ tình: “Một bàn tay phủ lông như tay con dã nhơn đặt trên vai tôi. Tôi ngẩng đầu
lên. Một tên Mỹ cao lớn, râu ria cạo nhẵn thính, những vết cạo trên râu quai
nón vẫn làm tối sầm khuôn mặt hắn. Hắn nhẹ cười mơn trớn hỏi:
– Em
tên gì?
Tôi
trả lời cộc lốc:
-
Tina.
Hắn
lôi tôi vào lòng rồi đặt lên bắp đùi hắn. Bàn tay hắn sờ soạn lên ngực và eo của
tôi. Chị Nam thường nói với tôi là tụi đàn ông Âu Mỹ lông lá như con dã nhân, mỗi
ngày cạo râu hai lần thì hành sự rừng rú chịu không nổi. Tôi sợ sệt nhìn cánh
tay hắn. Hắn buông thõng tay tôi tiếp tục cười:
– Ngủ
với tôi đi.
Tôi
giơ tay làm hiệu:
– Mười
ngàn nghe.
Hắn lắc
đầu:
– Mắc
lắm cưng ơi! Nếu mười ngàn thì em phải trả tiền phòng và tiền ticket.
Tôi
lãnh đạm lấy bông phấn ra sửa soạn lại nhan sắc rồi xách bóp đi chỗ khác. Hắn
chặn lại đột ngột hỏi:
-Cô lấy
Tây chưa?
Tôi
hơi ngạc nhiên hỏi lại: – Hỏi chi vậy?
– Lấy
Tây mới có 'kỹ thuật' hay chớ. Mười ngàn cũng được nhưng phải biết làm ái tình
thật giỏi nghen cưng.
Tôi vụt gật đầu, quên
tính rằng với số tuổi hiện giờ của mình chỉ đáng là con của me Tây thì đúng
hơn. Nhưng tôi cũng nhận bừa... (Lao Vào Lửa).
Tina đồng ý nhưng cô chẳng biết gì. Khi tên lính Mỹ biết
được mình bị gạt, hắn quát cô rồi bỏ đi, chỉ để lại một nửa số tiền đã hứa.
Truyện Chiếc Giường là giường của Tâm, một kỹ nữ đang về
già, cũng là nơi hành nghề kiếm sống của cô, truyện mở ra với việc Tâm phá thai
lần thứ tư. Tâm tuổi đã 40, “hốt hoảng trước tuổi già chập chờn vồ lấy mình”
(tr. 13), nên nhờ một ông thầy cao tay dạy cô về cách sắp xếp chiếc giường theo
phong thủy, cô lại kiếm được khách. Nhưng rồi vẫn ế ẩm như cũ. Tâm đành cho cô
bạn tên Minh mượn xài đỡ chiếc giường linh của mình để ngủ với Mỹ, nhưng Minh để
máu chảy lai láng trên tấm ra hồng, làm dơ chiếc giường của Tâm tức làm cho ô uế
chiếc giường, nên tìm gặp gây gỗ với Minh, cô la Minh. Một hôm có một đám người
Mỹ kéo đến quán để phản đối đã bị đám kỹ nữ của quán bar làm ăn lường gạt, Tâm
lúc đó mới hiểu ra vì sao cô không có khách.
Truyện Đêm Nổi Lửa viết chuyện của ba kỹ nữ Lina, Bích,
và Nga. được đưa tới bệnh viện để trị bịnh hoa liễu. Nhờ sự dẫn dắt của những
bà sơ bệnh nhân trong bệnh viện sống như bị giam, phải đọc kinh trước khi ăn. Họ
lên kế hoạch đốt bệnh viện và thành công bỏ trốn khỏi đó. Bích gặp lại Thoại, một
người rất yêu cô nhưng cô không hề để ý, nay chán cuộc sống kĩ nữ của mình,
Bích đã chấp nhận Thoại: “Tôi đứng sững lại, và như tôi nghĩ, Thoại cúi xuống
bế xốc tôi lên đi qua cái cổng gỗ có dàn hoa leo, vào trong căn nhà của chàng.
Tôi tự hỏi mình sẽ được ở đó được bao lâu?” (tr.124). Truyện cho thấy sự
khác biệt giữa cuộc sống bên ngoài và cuộc sống tù túng và thánh thiện một cách
giả tạo trong bệnh viện. Bên ngoài họ sống theo cơ hội, buông thả và dối trá trở
nên chai lì. Bên trong bệnh viện, những người kĩ nữ đó phải che đi bộ mặt xấu
xa đó và tập đọc kinh, làm những công việc thánh thiện giả tạo. Mà các sơ trong
truyện cũng núp dưới lốt tu sĩ nhưng làm những công việc như cầm đồ và cho vay
lấy lời. Các sơ này đâu khác gì những cô kĩ nữ ngoài đời, còn những cô kĩ nữ
trong bệnh viện thì như những người Mỹ tìm đến người ma sơ, trả tiền cho họ, để
đổi lấy một cái gì đó.
Qua 3 truyện ngắn này, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ đã chứng tỏ
thành công khi dựng lên một bức tranh toàn diện về bộ mặt thật của một xã hội băng
hoại thời chiến-tranh. Các cô gái ở đây chỉ biết sống cho hôm nay, và chửi thề
nói tục, chua ngoa, ghen tương đến ấu đả nhau.
Tập truyện ngắn thứ ba Chiều Mênh Mông gồm
Chiều Mênh Mông, Tiếng Hát, Lìa Sông, Trôi Sông, Đêm Tối Bao La và Cây Độc
Không Trái. Chiều Mênh Mông là
"chân dung" một người tình nam: "Duy choàng tay qua
đôi vai tôi, đôi môi chàng màu tro nặc mùi thuốc lá hờ hững đặt lên môi tôi...
Tôi lách ra khỏi vòng tay ấy, ngoái lại nhìn chàng. Da mặt chàng trắng nhờn nhợt
như da bụng con thằn lằn. Mắt chàng sần sùi và thở nặng như một tảng đá không
còn làm da thịt tôi nháng lửa nữa. Đôi vai rộng và mông tròn của chàng ngày trước
đã lôi cuốn sự chú ý của tôi..." (Trích từ Văn, số 98-99,
1-1-1968). Rồi Nhân, đã có vợ nhưng thích thú với những của lạ, của hoang như
Phương, và cuối cùng lại phải trở về với người vợ 20 năm chung sống, “chới với
trong buổi chiều mênh mông”! Phương thì từ khi người yêu chết trận, từ đau
khổ đã đi đến những mối tình chớp nhoáng. Qua nhiều tay, nên khi có mang không
biết ai là cha đứa bé.
Trong Trôi Sông, một ông già và một đào hát bội hết thời
về cái xóm ngoại ô tỉnh Vĩnh Long hẩm hút cháo rau cho qua ngày đoạn tháng, cả
hai có cùng một mẫu số chung là mơ ước có được những ngày cuối đời sung túc,
thơ mộng như một giải mã cho ẩn ức gay gắt tới nứt nẻ suốt thời thanh xuân. Những
khát vọng cháy bỏng không tưởng của họ
cuối truyện, hai nhân vật “trôi
sông” kia vẫn không được định mệnh “hồi tâm,” ngoảnh lại, dành cho họ một nụ
cười an ủi. Mà, khi hai chiếc đò nát gặp nhau, họ đã xáp lại như hai con thú
cùng đường, động kinh. Để rồi trong một ảo giác chót cùng, ông già chết trên bụng
bà đào hát bội hết thời. Như tiếng nấc hay lời nguyền rủa ai oán cuối cùng của
những phần số bất hạnh: lão già đã cưỡi ngựa gió chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế sau
buổi tối hành lạc mà sáng hôm sau bà mới biết, điên khùng la hét náo cả một
vùng quê.
Đêm Tối Bao La (còn có tựa là Bà Điếc trong tuyển tập Ba Miền Mười Khuôn Mặt, 1966), Nguyễn
Thị Thụy Vũ tả một thiếu nữ mơ ước làm lại
cuộc đời sau khi bị phụ tình. Cô phải phá thai nhưng vẫn khát khao một lần được
làm mẹ! Trong ngôi nhà cổ kính của một
gia đình địa chủ đang hồi suy sụp có cô gái già mập ú tên Linh ở chung với bà đầy
tớ già điếc lác được gọi là "bà Điếc". Cha mẹ cô Linh đi làm ăn ở xa.
Cô mòn mỏi đợi có người đến hỏi cưới, nhưng chẳng có anh chàng nào tình nguyện
cho cô trao thân gửi phận Túng thé cô dan díu với một người đàn ông tên Duy xấu
trai, gia thế và tung tích mơ hồ, tư cách và tâm địa chẳng có gì đặc sắc. Bên cạnh
cô, bà Điếc sống náo nhiệt hơn cô với tâm tánh quái dị, với tình trạng dở điên
dở khùng. Với thân phận tôi tớ không thể lấy chồng được, không có tiền ăn diện
lại già nua xấu xí, cho nên bà Điếc dù rụng răng cũng tỏ ra mình văn minh tân
thời như ai.Bà yêu một ông già có vợ, nhưng ông ta chỉ cặp xách bà qua
đường mỗi khi từ dưới quê lên chợ tỉnh mua sắm Bà ảo giác thấy giữa ngày có ác thú hoặc cơn lụt lội hay cơn hỏa hoạn xảy
đến. Có đêm bà thấy Linh bị kẻ lạ cưỡng bức. Kết cuộc câu chuyện, bà Điếc chết
vì chứng xơ gan, còn Linh bị tên Duy tặng cho cái bầu, nên cô phải phá thai và
dự định lên Sài Gòn để xa lánh cuộc sống hẩm hiu trong ngôi nhà quạnh vắng tại
miền ngoại ô tỉnh lỵ.
“Anh Duy! Sau vụ phá thai, em sụt mất mười hai ký thịt.
Em gầy gò, xanh xao. Đàn ông như anh là kẻ vô trách nhiệm. Anh chớ tưởng sức mấy
mà em trả đũa chuyện anh bỏ em bô vơ với cái bào thai trong bụng được ba tháng.
Đêm đêm, em giựt mình, có cảm tuởng mình là kẻ sát nhân. Mai sau xuống âm ti địa
ngục, cũng riêng mình em chịu tội. Càng tội hơn là lúc đầu, em chẳng mảy may bị
lương tâm cắn rứt.
Bà Bảy Điếc đã chết. Tới phút lâm chung, bà chịu rửa tội
để về với Chúa. Lẽ nào, một cô gái trẻ như em ở bên lề cái thế giới âm hồn như
vầy mãi sao anh? Bây giờ em chỉ còn hai lượng vàng và và cái máy may. Đợi cho đỏ
da thắm thịt để che mắt thế gian, em sẽ tiếp tục may thuê cho thiên hạ. Đời em
chưa hẳn tàn như cảnh chợ chiều. Em sẽ chắt mót từng đồng để tìm bác sĩ giải phẩu
thẩm mỹ. Em sẽ cho bơm cái ngực teo trở thành cái ngực vĩ đại, sẽ nhờ ông ta vá
lại màn trinh. Để rồi anh xem. Em sẽ lấy chồng sĩ quan Thủ Đức. Nhứt định đời
em chưa lâm vào ngõ bí đâu. Trả thù anh, chẳng lẽ em mướn du côn đánh anh. Em sẽ
làm một người đàn bà phong nhã. Đôi lúc em còn mơ đi học hát để trở thành ca sĩ
phòng trà.
Giờ đây thì em cô đơn quá. Ba má em trị cái tội
lầm lỡ của em bằng thái độ hắt hủi, bỏ liều. Quần áo em giờ đây rộng phùng
phình. Phải sửa sang lối ăn mặc, trang diện, em mới báo thù anh, cho anh sáng mắt
ra là con Linh nầy không phải là thứ gái gặp chuyện rủi ro là đem nước mắt ra
giải quyết.
Nhìn trẻ con lối xóm, em đau lòng. Phải chi
anh chịu làm cha thì con chúng ta sẽ chường mặt với thế gian. Trời sẽ phat em.
Mai sau dù có chồng đàng hoàng, em sẽ tuyệt tự. Em vốn hiền lành, nhân đạo, tại
anh, tại anh đó, em mới làm kẻ sát nhân.
Em sẽ đi ra khỏi tỉnh nhà, chạy trốn ám ảnh
quá khứ. Mùa nầy có ốc gạo và xoài tượng. Các bà mang bầu tha hồ ăn cho thỏa
thích bù tới lúc nằm giường cữ chỉ ăn cơm trắng với cá kho khô. Bây giờ em bịnh
hoạn, chẳng ăn gì ngon, lại ngủ không được. Nhắm mắt lại em thấy đứa nhỏ bò qua
bò lại, nhe hai cái nướu trống trơn ra cười với em. Lại nữa hình ảnh bà Điếc ám
ảnh em từng giây phút, ban đêm lẫn ban ngày. Biết đâu em sẽ là phản ảnh của bà
sau nầy, điên cuồng vì khát vọng mà quên mất tuổi già.
Ôi! Em sẽ chết trong êm vắng, trong ám ảnh vầy vò chăng?
Em phải đi, phải đi...”.
Tiếng Hát miêu tả cái bỡ ngỡ cô thiếu nữ lạc loài theo kiểu
tha phương cầu thực. Tình cờ cô bở ngỡ bước vào xã hội văn nghệ sĩ thời thượng
và chịu ăn nằm với một chàng du ca mà không thể nghĩ sự dan díu sẽ đi tới đâu
sau cuộc làm tình không mấy hào hứng đó.
Trong Lìa Sông, thân phận của một cô giáo làng tự ví mình
không bằng với nước mắm: “Em lo lắng lắm, không muốn dạy ở đây lâu hơn. Lật
bật rồi đây học trò cũ có cháu nội cháu ngoại, mình phải làm bà cố bà cốc thì
còn gì là đời em nữa. Nước mắm càng để lâu càng ngon, con gái để lâu như hũ mắm
treo đầu giường, mà lại treo bằng loại chỉ rút ở thân cây chuối bẹ thơm thì thảm
ghê gớm lắm! Nhiều khi nghĩ ngợi xa xôi, em ngáp ồn ào, chán đời nhưng không có
can đảm cắt tóc đi tu”. Cuối truyện cũng tìm được tấm chống. Qua truyện ngắn
Cây Độc Không Trái kể trong từng chi tiết chuyện cô gái bán bar đi phá thai
cùng sự hối hận và lo lắng sẽ bị tuyệt tự, hết trái.
Lòng Trần còn có tựa là Muỗng Nước Mắm, là một truyện ngắn
đặc-biệt. Trong phần nói về truyện ngắn Lòng Trần đăng trong tuyển tập Những
Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (Sóng, 1974), bà cho biết, truyện
ngắn này ghi lại tám mươi phần trăm sự thật: “…Cô Năm Thàng là mẫu người quá khứ của ni cô Diệu Tâm, để cho người đọc
thấy rõ là ni cô Diệu Tâm luôn mến tiếc thời vàng son của mình. Khi truyện nầy
được đăng trên tạp san Văn thì các văn hữu gởi lời khuyến khích. Thật ra, ngay
khi sáng tác, tôi không nghĩ rằng mình viết một truyện hàm chứa một vài tư tưởng
Phật giáo trong quyển kinh Lăng Nghiêm, mà tôi chỉ thấy rằng cốt truyện có nhiều
chi tiết ngộ nghĩnh, thế thôi.” (tr. 399). Cô Năm Thàng, một nghệ sĩ hát bội,
một người bà con xa bên nội tác-giả. Cô Năm được một ông phú hộ bỏ ra phân nửa
số ruộng đất của ông để chuộc cô ra khỏi gánh hát, đem về làm vợ. Chồng chết,
cô Năm Thàng ở vậy, thủ tiết nuôi con. Mỗi khi đến ngày giỗ chồng, cô Năm lại
nhập vai đào hát ngày xưa, với đầy đủ mũ mão, cân đai của sân khấu hát bội… Cô
trang phục và biểu diễn những vai mà ông phú hộ từng say mê qua tài diễn xuất của
cô. Sanh được đứa con nhưng bất hạnh xảy ra: “Ðứa con của cô được một năm
thì bị một cơn sốt dữ mà tất cả danh y đều bó tay đầu hàng. Cô Năm tê điếng
trong niềm tuyệt vọng. Ðã bao lần ý nghĩ tự sát chập chờn qua tâm nảo cô. Ba lần
tự tử bằng ba cách: cắt gân máu, uống dầu nóng, treo cổ được phát giác ngay. Cô
lần tính lại đã quá hai mươi năm, nỗi đau khổ và bất hạnh xa cũ đã bắt đầu mờ
nhạt. Những việc nhà chùa làm cô bận rộn suốt năm bôi xóa dần những nỗi buồn thảm,
tưởng chừng vẫn rỉ rả hành tội cô trong khoảng đời còn lại”.
“Ni cô chay lạt nâu sòng từ hồi còn nhỏ, nhưng đến khi chết,
lại đòi uống một muỗng nước mắm...”: "Bà phải uống một muỗng nước mắm.
Ngày mai dầu có phải đọc kinh sám hối, bà cũng không màng. Bà tin chắc rằng dầu
đọc kinh cứu khổ cứu nạn với Bạch Y Quan Thế Âm Bồ Tát cũng chưa chắc mầu nhiệm
bằng một muỗng nước mắm. Nước mắm sẽ là một món thuốc tiên làm cho cây khô trổ
bông. Cố gắng lấy hết tàn hơi, bà thều thào gọi chú tiểu kiếm cho bà một muỗng
nước mắm. Tất cả những người có mặt bên giường đều ngạc nhiên lẫn hốt hoảng. Diệu
Tâm lập đi lập lại mấy lần:
– Mô Phật! Cho tôi muỗng nước mắm, tôi uống vào sẽ hết bịnh
liền.
Tiếng kêu gọi như một lời van vỉ, thê thảm. Hai tay Diệu
Tâm chìa ra tuyệt vọng. Chú tiểu bưng đến gần tách trà ướp sen kề gần miệng. Ni
cô khép chặt môi, lắc đầu phản đối:
– Tôi chỉ cần uống một chút nước mắm cho mặn môi.
Nói xong ni cô dìm hồn vào trong cơn đồng thiếp hai cánh
tay còn xòe ra quờ quạng van xin”.
Lánh tục bằng cách nương náu chốn am vân chưa chắc là vì
ngộ hoặc đã thoát! Và Nguyễn Thị Thụy Vũ đã tâm lý và hiện thực ở Lòng Trần hơn
Chuyện Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp của Hồ Hữu Tường – dĩ nhiên cho một tình cảnh
tương cận mà có khác.
*
Về phần các truyện dài và tiểu-thuyết,
trong Ngọn Pháo Bông (1968), Nguyễn Thị Thụy Vũ chuyển gần
như nguyên văn các đối đáp của gái bán bar ngoài đời vào truyện, thí dụ như đoạn
tả cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”: "Thắm nheo mắt châm chọc nhìn cô ả Khương.
Nhan sắc như vầy mà dám vác mặt tới White Snow, chỗ hội họp của những người đẹp.
Đã vậy nó còn dụ khị được tên Mẽo đi quân dịch nữa chứ. Từ hôm Khương về đây cô
ả chưa thèm trình diện nàng. Đã vậy khi gặp nàng là ả phớt lờ, không coi nàng
ra một gờ ram nào.
Vừa khi
Khương định bước đi liền có tiếng gọi giật lại:
– Ê,
con kia! Ở ngõ ngách nào tới đây?
Khương
gượng cười:
– Tôi
từ trên Phú Nhuận dọn về.
Thắm
cười rũ và nhìn vào mặt ả:
– Ở
đó gần Gò Vấp, Hạnh Thông Tây mà.
Biết
Thắm ám chỉ mình là gái ăn sương hạng bét, chỉ chui rúc ở chỗ tối tăm nên
Khương mím môi, nuốt nước miếng. Thắm đứng ưỡn ngực hách dịch hỏi: - Ê, ra nghề
hồi nào?
Khương
đáp cụt ngủn:
– Cũng
gần mười năm rồi.
Thắm
cười châm chọc:
– Ủa,
té ra cũng chưa già tay ấn đó mà. Nè, cái con hỗn láo kia, mày biết bà cố này
đây là ai không?
Thấy Thắm tấn công ồ ạt
quá, Khương vội kéo kéo tên Mẽo đi một nước về phòng. Chưa đã cơn tức, Thắm nói
với: -Muốn biết tao là ai thì mai này lên hỏi con Cúc ở phòng số 13. Trời ơi!Té
ra em này chưa biết danh bà “Thắm Ngựa” chớ"...
(Ngọn Pháo Bông).
Mô tả tâm trạng của một cô gái buôn hương bán phấn về chiều
nhưng vẫn còn hấp dẫn đối với mấy anh lính Mỹ trẻ. Cô kiếm ra tiền song lại
thích trai Việt và bị chúng bòn rút tiền. Cuối cùng, cô bị đâm chết trong căn
apartment mà nhà chức trách không sao tìm ra thủ phạm. Ngôn-ngữ thì dung tục,
thô lỗ đi theo lối sống của bọn gái điếm một khi sõi nghề thì trở nên bẩn thỉu,
đàn áp bắt nạt ghen ghét, ganh đua nhau. Tác-giả đã dùng từ “ống cống” hiện thực
các cô gái điếm.
Thú Hoang kể chuyện yêu đương của
ba nữ sinh một trường công lập ở tỉnh nhỏ. Một cô bị nam sinh trường khác cưỡng
dâm. Một cô thì lén lút với một nam sinh khác sở khanh, có thai và phải đi phá
thai. Cô xưng “tôi” cũng vì cái không khí tỉnh nhỏ đã bỏ nhà lên Sài Gòn hy vọng
tìm được một cuộc đời khá hơn, nhưng trên chuyến xe lên Sài-Gòn lại yếu lòng
nghe lời ve vãn của một thanh niên và theo hắn. Như Thiên Đường Lạnh
mô tả đời sống buồn tẻ của hai vợ chồng định cư trên cù lao sông Cổ Chiên gần
chợ Vĩnh Long. Chồng dạy tiểu học, nghiêm túc yêu nghề nhưng rồi đâm ra chán nếp
sống vô vị. Bà vợ là người đàn bà đảm đang, yêu thương chồng nhưng tính t́nh
hay ghen tuông và khi nóng có thể hỗn hào. Người chồng tuy chán sống nơi “thiên
đường” “lạnh lùng” nhưng tài cán không nhiều nên đến cuối vẫn hành nghề dạy trẻ
nơi nửa quê nửa tỉnh này. Nhang Tàn Thắp Khuya là câu chuyện về một
người vợ công dung ngôn hạnh gánh vác giang sơn nhà chồng thuộc hàng giàu có.
Cũng vì lễ giáo mà phải dau khổ khi tình-yêu tình cờ đến với bà khi một người bạn
của chồng đến nhà ở lại. Một con người hiền hòa, kín đáo và có phần yếu đuối,
nhưng đã thu hút người vợ rồi từ cảm thông đưa đến tình cảm. Bà đau khổ từ chối
lời tỏ tình của người này, cho nên vẫn yêu chồng nhưng không thể nguôi ngoai
tình-yêu đó nay đã trở thành kỷ niệm.
Cho Trận Gió Kinh Thiên – là
tiểu-thuyết cuối cùng được xuất-bản trước 1975, trận gió đây là để thổi vào một
xóm lao động đủ loại người sang hèn và gốc gác, ở gần chợ Đũi, có đình Phú Thạnh,
có quán nhậu, có đủ tứ đổ tường. Truyện mở đã cho thấy một bức tranh hiện thực
sống động: “cánh cửa vừa mở, mùi ẩm mốc bốc lên. Nguyệt bước vào căn nhà
sáng lờ mờ. Bà già đứng ngoài cửa nói vọng vào:
– Xóm này vui lắm, cô Hai à. Ở lâu rồi cô sẽ rõ. Bà con
chòm xóm ở đây tốt lắm, như ở miệt vườn vậy.
Đồng hồ chậm rãi gõ mười tiếng. Bà Tư giựt mình:
-Ủa, gần tới giờ nấu cơm rồi. Hồi đêm qua, tôi ngồi đậu
chến tới ba giờ sáng nên bây giờ hãy còn sật sừ...”
Lợi dụng mẹ bận niệm Phật và tưởng đâu bà Tư đã ngủ, cô
con gái tên Lan đa dâm đem tình nhân về làm tình ồn ào ở ngoài bao lơn làm bà mẹ
phải lên tiếng.
“Bà Tư bưng cây đèn Huê
Kỳ đặt giữa bàn ăn trầu, cằn nhằn:
- Nhà có ván, có giường mà bây làm gì dắt nhau
ra chỗ bàn Ông Thiên vậy hả ? Bây có biết chỗ đó là chỗ thờ phụng không?
Lan lẻo mép :
- Tui ra ngoài nầy cho
mát.
Bà Tư the thé :
- Trời lạnh cắt ruột như vầy mà mầy còn hứng gió hả ?
Lan trả treo :
- Thì có nóng nảy trong người mới ra hóng gió chớ bộ.
Bà Tư nhấn mạnh:
- Con người ta phải biết chọn chỗ, chọn nơi, chớ có lý đâu
nhè chỗ thờ Trời, thờ Đất mà ...
- Lan nói nhỏ :
- Má cứ tưởng tượng những chuyện dữ cho tui hoài.
- Bộ mầy tưởng con già nầy hễ nằm xuống là nhắm mắt, hả họng
ngáy liền hay sao hử ? Mèn ơi, mỗi khi mình mở miệng niệm Phật ở trong nầy thì ở
ngoải tụi nó làm đùng đùng như cù dậy.
Tới đây Lan cứng họng, nghẹn lời. Gã đàn ông chen vào:
- Thôi nhịn bả một chút đi em.
Bà Tư cắt lời :
- Ối con đĩ ... vợ Thằng Bố cứ leo lẻo cái miệng. Ý là con già đã thấy hết rồi.
Gã đàn ông rầy :
-Thôi nín đi em. Nói ra xấu thiếp hổ chàng.
Bà Tư rót nước súc
miêng, têm miếng trầu rồi vặn đèn chong ngoài bao lơn, lên giọng phải quấy :
- Nè Tám, người ta có xe hơi nhà lầu, người ta mới sanh sứa
vợ hai, vợ ba. Còn mầy tối ngày phải dẫn thây lên miệt Xuân Lộc làm tài xế mấy
chiếc xe be chở cây về trại cưa miệt Bình Triệu. Cực khổ quá mạng mà tiền lương
chưa đủ mua giấy cho con nít chùi đít. Tao thử hỏi, rủi con Lan mang bầu thì mầy
có cạo đầu, bán quần áo nuôi đẻ cho nó không ?
Lan ngon lành:
- Làm giống gì mà phải mang bầu ?
- Thì làm đùng đùng như con cá sấu đập đuôi theo bánh lái
ghe chài chớ còn làm giống gì nữa ?”.
Một cô gái khác tên Châu thì thay chồng vì tính mê cờ bạc.
Một ông chồng già hấp hối, đứa cháu đến sòng tứ sắc báo tin thì bà vợ phải xong
bàn tứ sắc mới chịu về nhà lo ma chay. Bà này có đứa em gái câm điếc vậy mà
cũng bị dụ dỗ đến có thai, mà đến hai lần, và khi bà này chết không ai lo thì
bà chị mê bài bạc vẫn tiếp tục đánh bài,...
Ngoài bài bạc, đàn bà con gái trong xóm còn “đua nhau” lấy Mỹ, ngoại
tình, chạy theo tiền bạc,... Một “xã-hội” thời chiến thu nhỏ với đủ tình tiết sống
sượng, tàn bạo!
Chiều Xuống Êm Đềm là
truyện xảy ra vào những năm cuối thế kỷ XIX ở vùng Tiền-giang với nhân-vật
chính là hai vợ chồng giàu có nhưng sống đơn độc buổi về già với ký vãng khó
quên ở làng Đạo Thạnh tỉnh Mỹ Tho. Người chồng đã một đời vợ họ Lê thuộc gia tộc
Lê Văn Khôi con nuôi Tả quân, vì nổi loạn
chống vua Minh Mạng, nên đã phải dùng thuốc độc tự vận để khỏi phải bị xử trảm ở
pháp trường như những người khác. Trước đó người chồng này cũng đã chứng kiến cảnh
một bà cô ruột trong chuyến đi thuyền từ Huế vào Nam, đã bị bọn chủ thuyền ném
xuống biển cúng Hà-bá để biển lặng sóng yên mà tiếp tục hải trình. Ông tái hôn,
được vợ sau yêu thương và có hai mặt con gái đã lập gia-đình mà chồng đều có địa
vị cao sang, nhưng hai vết thương lòng đó cứ ám ảnh ông, khiến đời-sống hai vợ
chồng già này cứ lo sợ lỡ số mệnh cướp đi một trong hai người, dù họ đang có một
cuộc sống đầy đủ và êm đềm trong căn nhà cổ dĩ nhiên càng luôn gợi thời và người
đã quá vãng. Tiểu-thuyết này sử-dụng chất liệu lịch-sử ở miền Nam cũng như truyện
dài Khung Rêu.
Khung Rêu kể chuyện tang thương trong một gia đình địa chủ giàu
sang tới hồi khánh kiệt, nhưng nó được lồng vào một thời đại nhiễu nhương, khi
mà giai cấp địa chủ tới giai đoạn mạt điệp trong cuộc chiến tranh Đông Dương giữa
Pháp và Việt Minh. Tác giả lấy một bối cảnh nhỏ lồng vào một vấn đề lớn lao: cảnh
ngộ biến suy dập vùi trên lớp sóng phế hưng, trên khúc quanh của thời cuộc,
trong sự vận hành của lịch sử. Đây là lời trần tình của tác giả trong Thay Lời
Tựa: “Từ hồi còn nhỏ tôi đã phải chịu đựng
một ám ảnh thường xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền
Nam (Cái thịnh mãn của hạng điền chủ ở miền Nam trước đây đã là tục ngữ...).
Tôi sanh ra và lớn lên trong một dòng dõi đã đến hồi ly
tán. Cái họ của tôi gồm hai chữ có gạch nối có thể sẽ gợi lên những cảnh sống
huy hoàng, vương giả của một thành phần xã hội trong trí nhớ ao tù của những
ông già bà lão, những cảnh sống mà tôi chỉ nghe kể lại như một chuyện hoang đường
trong những lần giỗ chạp.
Bây giờ chỉ còn lại một ngôi nhà thừa tự, cột kèo chạm trổ
tinh vi đã mục rệu, và chẳng bao giờ lành những vết thẹo của chiến tranh không
tha,những điền sản cò bay thẳng cánh chỉ biết đến qua một đống bằng khoáng vô dụng
mà giấy đã ố vàng và dòn tan, một đám bà con xa gần chi chít, nhỏ nhen ích kỷ
như sò hến và hoàn toàn vô tích sự.
Tâm lý của hạng ngươi này khá đặc biệt. Đó là những thằng
chõng trôi giạt lềnh bềnh trên dòng sông hung tợn, một hạng người khư khư ôm lấy
cái quá vãng vàng son (nát dậu cũng còn bờ tre), dở thầy dở thợ dở cu ly, bất lực
trước sự biến đổi nhãn tiền của cảnh ngộ, bấu víu vào nhau mà sốngsót. Trong
ngôi nhà thừa tự đó, mỗi người là một hòn đảo của những thói hư tật xấu... Có
phải con người một khi đã mất thăng bằng trong cuộc sống vật chất thường để lộ
ra rõ rệt hơn bao giờ hết những xấu xa tàn tệ của mình? Và một giai cấp cũng vậy.
Khi khởi công quyển truyện này, tôi đặt trước cho tôi một
chủ định: ghi lại cái ám ảnh từ thời nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần
nữa, giải tỏa nó cho xong...”(bản Cửu
Long, 1990, tr. 5-6). Ấn bản trước 1975 ở đoạn đầu có thêm “Nguyên nhân chánh của sự suy sụp bệ rạc này
thì ai cũng biết: chiến tranh. Một cuộc chiến tranh dằng dai hai mươi lăm năm,
khoảng thời gian gần bằng số tuổi của tôi”.
Nguyễn Thị Thụy Vũ viết về
gia đình mình qua hai thế hệ trước bà. Ông Phủ là một bậc đường quan và điền chủ
giàu có, nay dù ông đã hưu trí và phần lớn đất đai của ông trong vùng Việt Minh
và bị sung công. Bà Phủ đã có một đời chồng trước
khi kết hôn với ông, bà khéo ăn ở và xử sự với ba người con riêng của chồng và
lại đảm đang việc gia-đình. Nhưng các con ông Phủ mỗi người một cá tính: trưởng
nam tên Canh ăn chơi chỉ mong cha chia gia tài sớm, thứ nam tên Thụ thì theo
kháng chiến chống Pháp, còn Tường cậu út thì lười biếng và dễ tin người ngoài.
Ông Phủ cuỡng hiếp Ngà là cô tớ gái đến mang thai; khi bị tiết lộ, bà Phủ dàn xếp
cho Mọt một ít ruộng đất để y ta cưới Ngà nhưng ông Phủ không thuận. Cho nên bà
Phù giận dọn ra ở riêng, vẫn ở trong khuôn viên nhà và bà không màng đến việc
trong nhà nữa. Ông Phủ bị hất hủi và chết vì đứng tim. Ngà sinh con nhưng không
nuôi được tính trở về quê và trở lại với Đực, anh chàng nông phu từng cưỡng hiếp
Ngà, nhưng chưa về thì Ngà cặp với một anh chàng lính kín rồi bỏ nhà theo tình
nhân. Cậu Tường thì theo đuổi Ngự là cô gái thích xa hoa và cuối cùng Ngự mang
thai, hai người rủ nhau bỏ nhà đi trốn nhưng không phương tiện sống cuối cùng
trở về lại nhà.
Truyện kết thúc ở thời điểm
chiến tranh chấm dứt, mười năm sau. Khung Rêu là chuyện gia đình ông Phủ
với nhiều nhân-vật và tình huống, nhiều nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ đã thành công
viết lại gia phả một gia-đình bằng cách phác họa đời-sống trong từng chi tiết về
con người, tâm lý và cách xử sự, lời nói, của nhiều giai cấp xã-hội, điền chủ,
tá điền, người siêng làm, kẻ ăn chơi, thích xa hoa, vô trách nhiệm với đất nước. Vài chi tiết như nhân-vật Ngà ở đợ bị ông
chủ cưỡng hiếp, đã không căm thù mà hình như tỏ ra thích thú làm giường tạo dịp
để được tiếp tục gần ông ta người “đã đem cho cô khoái lạc về thể xác lần đầu
tiên cô sống với nó” đến mang thai. Ông Phủ “bây giờ, bỗng dưng một chút
rạo rực gì đó mọc lên trên nắm xương thịt bắt đầu tàn tạ của ông, để ông thông
gian cùng Ngà... Có phải vì một nỗi thất vọng về con cái mà ông lại xoay qua
tìm một cảm giác mới bên thân thể tràn trề nhựa sống của người tớ gái?” (bản
Cửu Long, 1990, tr. 114).
Ngôn ngữ tiểu-thuyết của Nguyễn Thị Thụy Vũ sinh động và trực tiếp khi kể đủ chuyện: gái bán bar bị lính Mỹ hành hạ thể
xác, lính Mỹ biểu tình chống "Sàigòn-tea" tại vài đường phố Sàigòn để
phản đối chủ các bar “chém” quá nặng, gái bán bar lường gạt lính Mỹ, coi lén người khác tắm, đi phá thai, bị bệnh hoa liễu, gái mới
nhập môn học các ngón nghề của bậc đàn chị, trong nghệ thuật bán bar, và đôi
khi đi khách như một gái hạng khá đắt tiền. Nói chung nhân-vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ bình dân, không màu mè nhưng chân thật dù ở vào tầng lớp xã-hội nào. Bà dùng
ngôn ngữ nói hàng ngày, tương
đối trực tả mọi sự, dù là tục hay nhã,
ghi nhận sự việc và ngôn ngữ trung thực như một ký giả đi làm phóng sự. Nguyễn
Thị Thụy Vũ chân thật, hiện thực-như-thật (trong một phỏng vấn, bà nói là 70% sự
thật), khi viết về một giới với sự thông cảm, thương người hơn là phê phán kiểu
đạo đức giả – cũng như khi bà viết về một số nhân-vật thuộc gia-đình, họ hàng.
NGUYỄN VY KHANH