PHAN TẤN HẢI
Ngô Thế Vinh ấn hành bản song ngữ:
"Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River"
Bạn muốn biết về
tình hình Sông Mekong, nơi nuôi sống 20 triệu dân Việt Nam và cũng là dòng sông
chiến lược đang bị Trung Quốc chẹn họng đầu nguồn? Tác phẩm song ngữ
"Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River" dày 700
trang của Ngô Thế Vinh đã ghi lại các dữ kiện độc giả Việt cần biết về sông
Mekong dài hơn 4.800 km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng chảy ra tới Biển Đông.
Trong sách này, độc giả sẽ nhận ra vì sao Trung Quốc đã dựng lên chuỗi các con
đập thủy điện dọc sông Mekong để vắt cạn dòng hạ lưu, làm khô cạn nguồn sống của
Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi từng là vựa lúa của dân Việt Nam. Dân tộc Việt có
cách nào tìm ra đường sống mới hay không, khi đầu nguồn đã bị nghẽn mạch?
.
Tác phẩm dày 700
trang, với 362 trang tiếng Việt và phần còn lại viết bằng tiếng Anh, sẽ giúp mọi
gia đình hiểu biết về một dòng sông đang trở thành chiến trường thầm lặng giữa
đại bá phương Bắc và nước nhỏ phương Nam. Tương lai dân tộc sẽ đi về đâu, một
phần cũng từ cuộc tranh chấp nơi sông Mekong.
.
Tác phẩm song ngữ
"Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River" Của
Ngô Thế Vinh vừa do Văn Học Press & Việt Ecology Press ấn hành đầu tháng 6/2021.
Trên mạng Amazon, nơi phần giới thiệu tác phẩm, ghi lời Giáo sư Võ Tòng Xuân
(Rector Emeritus, An Giang University, Vietnam) viết về tác phẩm này:
.
"Bác sĩ Ngô
Thế Vinh từ lâu đã quan tâm sâu xa tới các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái Sông
Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông đã thu thập một khối lượng dữ kiện quý
giá liên quan tới con Sông Mekong dài hơn 4,800 km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây
Tạng chảy ra tới Biển Đông. Rất nhiều bài viết tâm huyết của ông đã cung cấp
cho bạn đọc trong nước Việt Nam cũng như ở hải ngoại những thông tin hữu ích về
chuỗi các con đập thuỷ điện khổng lồ Vân Nam cùng với những ảnh hưởng tác hại
ra sao trên đời sống của bao nhiêu triệu cư dân ven sông. Ông không ngừng tạo sự
quan tâm tới vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà cả với dư luận quốc tế. Đáp ứng
sự khẩn trương ấy, ông cũng đã hoàn tất một cuốn ký sự có tên "Mekong
- Dòng Sông Nghẽn Mạch" là những ghi nhận sống động về những trải nghiệm
trong suốt cuộc hành trình dọc theo con Sông Mekong. Bác sĩ Vinh tuy không sống
ở Việt Nam nhưng trái tim và trí tuệ ông vẫn luôn luôn gắn bó với sinh mệnh của
dòng sông Mekong - Cửu Long."
.
Độc giả có thể tìm
mua bản song ngữ "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding
River" qua mạng Amazon:
https://www.amzn.com/1989993516
.
Độc giả cũng có thể
liên lạc với Văn Học Press & Việt Ecology Press:
P.O.Box 3893, Seal
Beach, CA 90740
.
Sau đây là Lời Dẫn
Nhập và phần giới thiệu Tác giả - Tác phẩm từ sách "Mekong Dòng Sông Nghẽn
Mạch / Mekong The Occluding River" ấn bản song ngữ.
.
LỜI
DẪN NHẬP
“Cửu
Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng”, dữ kiện tiểu thuyết, xuất
bản lần đầu tiên năm 2000, tái bản năm 2001, 2014. Trong khoảng thời gian ấy, tác giả đã
thực hiện một số chuyến đi “quan sát thực địa” từ Vân Nam Trung Quốc xuống các
quốc gia Lào Thái Cam Bốt và Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam.
“Mekong
Dòng Sông Nghẽn Mạch” bao gồm những hình ảnh và các trang bút ký sống
động của tác giả viết về các chuyến đi ấy.
Trình
tự các bài viết – thay vì theo thời gian các chuyến đi, sẽ được sắp xếp theo vị
trí địa dư từ thượng nguồn xuống tới vùng hạ lưu. Duy chuyến viếng thăm quốc
gia Tây Tạng đầu nguồn sông Mekong, nay chỉ còn là một vùng tự trị của Trung Quốc,
cho dù được hoạch định rất sớm và từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được do một số
điều kiện khách quan và cả sự nhạy cảm về chánh trị khi mục đích chuyến đi
không phải là “du lịch”.
Cũng
qua các thông tin có được ấy, để thấy rằng sự suy thoái của con sông Mekong là
do những bước “khai thác tự hủy” như một phản ứng dây chuyền với tàn phá sinh cảnh,
làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường... tất cả đã và đang diễn
ra nhanh và sớm hơn dự kiến của nhiều người. Điển hình là vùng Đồng Bằng Sông Cửu
Long, sông Cửu thì đang cạn dòng, thêm ngập mặn, ngày càng ô nhiễm và nguồn thủy
sản thiên nhiên từ sông vốn rất phong phú cách đây hơn ba thập niên thì nay hầu như không còn
đáng kể...
Thế
rồi chỉ hai ngày trước khi bước sang năm 2007, một sự kiện đã gây chấn động cho
toàn thể các quốc gia Đông Nam Á và các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh khi Tân
Hoa Xã loan tin, ngày 29-12-2006, lần đầu tiên Bắc Kinh đã hoàn tất hai chuyến
tàu tải 300 tấn dầu hỏa xuất phát từ cảng Chiang Rai bắc Thái lên tới một giang
cảng tỉnh Vân Nam. Tiếp
theo chuỗi những con đập thủy điện khổng
lồ Vân Nam đã và đang gây tác hại trên đời sống của hơn 60 triệu cư dân hạ nguồn.
Cho
đến nay, rõ ràng là không có giải pháp nào để cứu lấy dòng sông khi mà mọi quốc
gia trong lưu vực – nhất là Trung Quốc, chỉ muốn tự do khai thác con sông theo
ý mình chỉ để phục vụ cho quyền lợi ngắn hạn cục bộ – cả theo cái ý nghĩa hủy
hoại, mà bất kể tới hậu quả dây chuyền ảnh hưởng tác hại tới các quốc gia láng
giềng và về lâu về dài, tới sinh mệnh của cả một dòng sông ra sao.
Kêu
gọi thể hiện “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung cho mọi quốc
gia trong lưu vực với mối quan tâm bảo vệ dòng sông trong toàn bộ các kế hoạch
khai thác và phát triển – nhưng đó phải là những bước hợp tác phát triển bền vững.
NGÔ THẾ VINH
Đồng Bằng Sông Cửu Long 08/2006
.
.
LỜI
DẪN
CHO
KỲ TÁI BẢN I
Mekong,
Dòng Sông Nghẽn Mạch ra mắt tháng Ba 2007, sau 9 tháng sách có
nhu cầu tái bản. Anh Từ Mẫn nguyên giám đốc nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn trước
1975 rồi nhà xuất bản Văn Nghệ ở hải ngoại, cho dù đã nghỉ hưu nhưng vì lòng
yêu sách, anh vẫn nhận giúp phát hành cuốn sách một cách hiệu quả, không những
thế, anh còn đọc cuốn sách một cách rất chuyên nghiệp, ghi lại một số lỗi ấn
loát để có được một ấn bản hoàn chỉnh hơn và riêng họa sĩ Khánh Trường, hơn một
lần vượt qua dốc tử sinh như một phép lạ, cũng đã trình bày một mẫu bìa mới rất
mỹ thuật cho kỳ tái bản lần này.
Họa
sĩ Babui 75 Mamburao sau khi đọc cuốn sách, đã gửi cho 5 bức ký họa rất ý nghĩa
về các bước suy thoái của con sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long – những bức
ký họa sắc sảo ấy cũng được đưa vào cuốn sách kỳ tái bản. Nhà báo Tưởng Năng Tiến
đã có gợi ý độc đáo về một cuốn sách “tân giáo khoa thư” khoảng 50 trang, hình ảnh
đẹp với bìa cứng in một triệu ấn bản gửi tặng tới các em đang sinh sống ở vùng
Đồng Bằng Sông Cửu Long – với lý lẽ rất thuyết phục là các em phải được thông
tin và không ai khác hơn là chính các em sẽ có ý thức bảo vệ một dòng sông vốn
là mạch sống và là tương lai của thế hệ các em. Làm thế nào để ý tưởng đẹp ấy
trở thành hiện thực thì chắc phải có sự đóng góp công sức của rất nhiều người.
Và
cũng không thể không nói tới những bài điểm sách giới thiệu và cả phê bình trên
báo chí, các cơ quan truyền thông kể cả trên internet khiến cuốn sách tuy mới
xuất bản nhưng đã được phổ biến rộng rãi tới đa số bạn đọc. Với tất cả, tác giả
xin gửi lời trân trọng cám ơn.
Cùng
với bản in Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch lần này là một audiobook với giọng
đọc thuần Nam bộ của Ánh Nguyệt, nhạc đệm của Đoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng,
phần hòa âm do Tuấn Thảo phụ trách. Và một ấn bản tiếng Anh dự trù sẽ được hoàn
tất trong một tương lai gần.
Kể từ
sau hội nghị về Môi Sinh và Phát Triển Rio de Janeiro 1992, Liên Hiệp Quốc đã
quyết định chọn ngày 22 tháng 03 hàng năm là Ngày Nước Thế Giới [World World
Water Day] với chủ đề cho năm nay 2007 là “Nạn Khan Hiếm Nước” đang diễn ra
trên toàn cầu với những con sông đang cạn dòng trong đó có Lưu Vực Lớn Sông
Mekong hay còn có tên gọi khác là Tiểu Vùng Mekong Mở Rộng [GMS/ Greater Mekong
Subregion] không là một ngoại lệ.
Năm
2007 là đúng nửa thế kỷ [1957 – 2007] Liên Hiệp Quốc thành lập Ủy Ban Sông
Mekong [Mekong River Committee] và nay với hóa thân là Ủy Hội Sông Mekong
[Mekong River Commission] vẫn chỉ gồm 4 quốc gia vùng hạ lưu: Thái Lan Lào Cam
Bốt và Việt Nam; trong khi Trung Quốc thì vẫn hoàn toàn đứng ngoài và tận dụng
khai thác khúc thượng nguồn mà không kể gì tới ảnh hưởng hủy hoại môi sinh nơi
các quốc gia khác ven sông.
Để
đánh dấu thời điểm ý nghĩa ấy, báo Thế Kỷ 21 số tháng Bảy 2007, đã là một số chủ
đề phong phú về sông Mekong và Đồng
Bằng Sông Cửu Long.
Kinh
nghiệm của người xưa về “thượng nguồn tích thủy hạ điền khan” tưởng như
là hiển nhiên nhưng vẫn cứ bị Bắc Kinh và cả một số ít người nhân danh khoa học
phủ nhận. Nhưng rồi ra thời gian sẽ cho
chúng ta “một bài học” và sẽ là quá trễ
nếu hệ sinh thái con sông Mekong đã suy thoái tới mức không còn có thể đảo nghịch.
Nói tới sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long trước nguy cơ là còn thời gian
phấn đấu để “giảm thiểu tổn thất” nhưng đó là khoảng thời gian chúng ta phải chạy
đua với vòng xoay của chiếc kim đồng hồ. Thời gian ấy chính là cơ hội nhưng sẽ
không kéo dài mãi.
Khi
cuốn sách sắp lên khuôn, có tin giờ chót gây chấn động khi báo The Nation
Bangkok [04-11-2007] loan tin Bộ Năng Lượng Hoàng Gia Thái công bố kế hoạch xây
một đập thủy điện khổng lồ 1,800 MW [lớn hơn đập Mạn Loan Vân Nam 1,500 MW] chắn
ngang dòng chính sông Mekong phía đông bắc tỉnh Ubon Ratchathani, tiếp sau kế
hoạch chuyển dòng lấy nước sông Mekong cũng của Thái Lan từ thập niên 90. Nhưng
không phải chỉ có một, mà còn có thêm 5 dự án đập thủy điện hạ lưu khác đang được
phục hoạt, chắc chắn sẽ gặp sự chống đối của các nước lân bang, trong đó Việt
Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì ở cuối nguồn; nhưng sự thể sẽ ra sao
khi không một quốc gia nào có quyền phủ quyết. Rồi ra tiếng nói sau cùng để bảo
vệ “Mạch Sống Mekong” phải là từ chính những cư dân ven sông.
Ngô
Thế Vinh
California
12/2007
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM
Ngô
Thế Vinh, sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, nguyên quán Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y
khoa Sài Gòn 1968. Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh
viên Tình Thương trường Y khoa Sài Gòn từ 1963 tới 1967. Nguyên Y sĩ trưởng
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp Y khoa Phục hồi tại Letterman General
Hospital San Francisco. Sau 1975, tù hơn 3 năm qua các trại tù cải tạo. Tới Mỹ
cuối 1983, bác sĩ nội trú và thường trú các bệnh viện Đại học SUNY Downstate,
New York. Tốt nghiệp ngành Nội khoa, bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh
viện miền nam California.
Tác phẩm đã xuất bản:
Tiếng
Việt:
Mây Bão [Sông Mã, Sài Gòn 1963, Văn Nghệ,
California 1993]
Bóng Đêm [Khai Trí, Sài Gòn 1964]
Gió Mùa [Sông Mã, Sài Gòn 1965]
Vòng Đai Xanh [Thái Độ; Sài Gòn
1970; Văn Nghệ, California 1987; Văn Học, California 2018]
Mặt Trận Ở Sài Gòn [Văn Nghệ, California
1996
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng [Văn Nghệ, California
2000, tái bản 2001; Nxb Giấy Vụn Việt Nam 2014]
Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch [Văn Nghệ,
California 3/2007, Văn Nghệ Mới 12/2007, Nxb Giấy Vụn, Việt
Nam 2012]
Audiobook Mekong – Dòng Sông
Nghẽn Mạch [Văn Nghệ Mới, California 2007; Việt Ecology Press & Nxb
Nhân Ảnh 2017]
Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa, [Việt
Ecology Press 2017]
Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm
Mùa Xuân, [Tập San Y Sĩ Việt Nam Canada, Việt Ecology Press 2019]
Tiếng
Anh:
The Green Belt [Ivy House 2004]
The Battle of Saigon [Xlibris 2005]
Mekong – The Occluding River
[iUniverse 2010]
The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in
Turmoil [Việt Ecology Press & Nxb Giấy Vụn, Vietnam 2016]
Bộ
ba Tác phẩm Song ngữ Việt Anh:
Mặt Trận Ở Sài Gòn / The Battle of Saigon
[Văn Học Press & Việt Ecology Press 2020]
Vòng Đai Xanh / The Green Belt [Văn Học Press
& Việt Ecology Press 2020]
Mekong Dòng Sông nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River [Văn Học Press & Việt Ecology Press 2021]