Sunday, June 13, 2021

2053. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng (30)



Hoàng Đạo: Vấn đề thuộc địa

Tình hình chính trị tại Pháp những thập niên đầu thế kỷ XX, không mấy vững chắc, thay đổi thủ tướng luôn, phần lớn do đảng Cấp tiến (Radical) hay Xã hội Cấp tiến (Radical Socialiste) thay phiên nhau cầm quyền. Đảng Cấp tiến không chủ trương chiếm thuộc địa. Đảng Xã hội Cấp tiến đồng ý việc lấy thuộc địa và tìm cách chứng minh chính sách này "nhân đạo".

Chính sách cai trị của toàn quyền

Tuy nhiên, các toàn quyền được cử sang cai trị, dù thuộc đảng Cấp tiến, vẫn có thể áp dụng những chính sách cực kỳ thực dân, như trường hợp Paul Doumer, toàn quyền từ 1897 đến 1902, thuộc đảng Cấp tiến, là một thí dụ điển hình:

- Tự ý thay đổi hòa ước 1884, biến toàn thể nước Việt thành thuộc địa Pháp:

- Bỏ chức Kinh lược sứ của vua, thay thế bằng chức Thống sứ Pháp để cai trị toàn thể Bắc Kỳ.

- Đặt Công sứ Pháp đứng đầu mỗi tỉnh.

- Đặt Cơ Mật Viện dưới sự chủ tọa của viên Khâm sứ Pháp.

- Ép vua Thành Thái nhường cho Toàn quyền quyền khai thác những vùng đất hoang hay vô chủ, và cho người Pháp có quyền sở hữu đất trên toàn thể nước Nam: Người Pháp trở thành chủ các đồn điền mênh mông, đặc biệt đồn điền cao su, mang lại nguồn lợi bất tận. Chế độ mộ phu tàn bạo đã dẫn đến vụ ám sát Bazin, giám đốc sở mộ phu, của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đầu năm 1929.

- Nhập nha phiến từ Ấn Độ vào, lập xưởng chế biến thuốc phiện ở Sài Gòn, giữ độc quyền ba thứ: thuốc phiện, nấu rượu, và bán muối.

- Xây cầu đường để mở mang và phát triển nền "kỹ nghệ đầu độc" dân thuộc địa.

Nhờ cuốn hồi ký L’Indo-Chine française (souvenirs) của Paul Doumer, người ta mới thấy rõ "công lao vĩ đại" của ông với nước Pháp. (Xem chương: Ngày Nay tranh đấu).

Việt Nam trở thành "Vương quốc vàng son" ở Á châu, các chính quyền kế tiếp cứ thế tiếp tục khai thác, không thể nhả "mỏ vàng" này ra được nữa.

Đến năm 1911, toàn quyền Albert Sarraut được cử sang Đông Dương. Sarraut là toàn quyền "lớn" thứ nhì sau Doumer. Ông thuộc đảng Xã hội Cấp tiến, làm toàn quyền hai lần (1911-1914) và (1917-1919), quyết thể hiện chính sách đồng hoáđề huề: Muốn biến thuộc địa thành một tỉnh của Pháp. Phương pháp đồng hoá (assimilation) này được trình bày trong tác phẩm La mise en valeur des colonies françaises (Nêu cao giá trị thuộc địa Pháp), như một thứ kim chỉ nam cho những toàn quyền đi sau.

Dĩ nhiên không thành, vì Tàu đã đô hộ ta 1000 năm mà chưa làm được.

Phản ứng dây chuyền của thanh niên

Về mặt tranh đấu, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 của Lương Ngọc Quyến (Quang Phục Hội-Phan Bội Châu) và Đội Cấn, là ngòi châm lại lòng yêu nước của thanh niên.

Lương Ngọc Quyến được Nguyễn An Ninh coi là thần tượng. Đội Cấn, được Nguyễn Thái Học noi gương. Năm 1924, khi Phạm Hồng Thái giết hụt toàn quyền Merlin tại Quảng Châu, ảnh hưởng trái bom Sa Điện[1] bùng nổ: Nguyễn Thái Học vùng dậy.

Sau vụ Merlin, để xoa dịu, chính phủ Pháp phái Alexandre Varenne (1925-1927) thuộc đảng Xã hội, sang Đông Dương. Ông chủ trương ôn hoà: ân xá Phan Bội Châu, áp dụng chính sách cởi mở, ký sắc lệnh bảo vệ công nhân thợ thuyền, nhưng gặp sự cản trở mãnh liệt của giới thực dân, đặc biệt Outrey (Thống đốc Nam Kỳ, dân biểu), vu cho ông tội buôn lậu thuốc phiện.

Outrey còn là kẻ thù "không đội trời chung" của Nguyễn An Ninh:

Ngày 18-9-1919, vấn đề Nguyễn Ái Quốc được đem ra bàn cãi ở Nghị viện Pháp. Outrey chất vấn Longuet, chủ nhiệm báo Le Populaire, tại sao cho in những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc, "một kẻ thù của nước Pháp, một tên phiến loạn đã bị truy tố ở Nam Kỳ".

Nguyễn An Ninh lúc đó đang nghỉ hè ở Biarritz, phản pháo mãnh liệt với bài Thư gửi ông Outrey (Lettre à Monsieur Outrey) ký Nguyễn Ái Quốc, đăng trên Le Populaire ngày 14-10-1919, trong có câu:

"Ông đã nói đi nói lại [ở Hạ Viện] rằng tôi bị truy nã ở Đông Dương, vì âm mưu chống Pháp, vậy hãy nói cho biết, lúc nào, toà án nào, âm mưu gì?"

Dĩ nhiên Outrey không trả lời được, vì Nguyễn An Ninh hồi đó có đánh Tây thật, nhưng không bị án gì cả, vì còn vị thành niên.

Năm 1927, Varenne bỏ cuộc, về Pháp. Outrey bấy giờ mới xin lỗi Varenne là y đã "buộc tội lầm". Như vậy, mục đích của giới thực dân là làm sao đánh gục được những toàn quyền có ý muốn cải thiện đời sống dân bản xứ, đụng chạm đến quyền lợi của họ ở thuộc địa.

Giới tư bản thực dân thắng thế: năm 1928, chính quyền Pháp cử Pierre Pasquier lên thay, dẫn đến sự đàn áp đẫm máu Việt Nam Quốc Dân Đảng và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, năm 1930.

Khi Varenne mới sang Việt Nam, Nguyễn Thái Học, theo chủ nghiã Xã hội, đã tin tưởng vào Varenne, thuộc đảng Xã hội (Hoàng Đạo sau này cũng tin Brévié như thế). Nguyễn Thái Học viết thư và xin gặp Varenne, được ông tiếp đãi "nồng hậu", nhưng cuối cùng thấy những yêu cầu của mình không được xét đến, Varenne lại bỏ về Pháp, nên ngày 25-12-1927, Nguyễn Thái Học và các đồng chí lập Việt Nam Quốc Dân Đảng để "lật đổ chính quyền thực dân bằng võ lực".

Mười năm sau, Nhất Linh đi theo con đường Nguyễn Thái Học: Chính phủ Bình dân chấm dứt, việc tranh đấu giải phóng dân tộc bằng ngòi bút không đưa đến kết quả: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bỏ bút để lên đường.

Con đường Hoàng Đạo

Với Hoàng Đạo, sự tranh đấu đòi độc lập và dân chủ trong thời kỳ 1937-1939, tưởng như sắp có triển vọng, không ngờ sẽ bị tan rã với sự cáo chung của chính phủ Mặt trận Bình dân.

Trong giai đoạn hai năm này, Hoàng Đạo quyết định công phá trên bốn mặt: viết lại lịch sử chế độ thuộc địa, tìm hiểu các đường lối chính trị và đảng phái, đả phá chế độ cần lao dã man của thực dân và tìm cách giáo dục công dân về vấn đề dân chủ.

Tại sao phải viết về bốn đề tài này? Bởi vì đó là sợi chỉ đỏ dẫn đường vào cuộc cách mạng dân chủ. Trước hết, phải giải thích:

- Chế độ thực dân là gì? Tại sao phải đánh đổ nó.

- Tranh đấu, nhưng dưới lập trường chính trị, đảng phái nào? Tại sao?

- Bênh vực quyền lợi cho ai? – Cho giới cần lao. Vậy phải tìm hiểu vấn đề cần lao.

- Và sau cùng, để xây dựng một thể chế dân chủ thì phải giáo dục công dân cho họ hiểu thế nào là dân chủ.

Loạt bài Vấn đề thuộc địa[2] viết về lịch sử đánh chiếm thuộc địa và các chính sách thi hành ở thuộc địa.

Chính trị và đảng phái[3] tìm hiểu các hình thức chính trị và các đảng phái khác nhau, để chọn một con đường riêng áp dụng cho dân tộc.

Vấn đề cần lao[4] điều tra hiện tượng người bóc lột người, phát xuất từ chế độ nô lệ, dẫn đến sự chiếm đất và chế độ bóc lột cần lao ở Đông Dương.

Công dân giáo dục[5] giảng giải cho quần chúng những bài học đầu tiên về tự do dân chủ và quyền làm người. Vấn đề Công dân giáo dục rất quan trọng cho nên đã được đưa vào chương trình học các lớp tiểu học từ thời chính phủ Trần Trọng Kim (1945).

Bốn chủ đề này, đăng trên Ngày Nay, từ tháng 8-1937 đến tháng 1-1940, có tính thuyết phục cao, xác định vai trò lý thuyết gia Tự Lực văn đoàn của Hoàng Đạo.

Tố cáo chủ đích chiếm thuộc địa: xâm lăngkiếm lời

Trong loạt bài Vấn đề thuộc địa, bài đầu tiên Thuộc địa ký ước, đăng trên Ngày Nay số 74 (29-8-37), kể lại lai lịch chế độ thuộc địa, Hoàng Đạo viết:

"Ngày nay, nói đến thuộc địa, người ta thường phô trương ra những mục đích cao thượng, không vẩn một chút tư lợi nào, để biện hộ, để tán dương công cuộc khai thác của Mẫu quốc". Còn ngày xưa họ thật thà hơn, họ nghĩ và nói thẳng ra rằng: "lấy thuộc địa chỉ có một mục đích: làm lợi cho họ (…) Họ nghĩ rằng mất công đi chiếm lãnh thổ của kẻ khác, không phải vì có lòng tốt tự nhiên muốn dìu dắt một dân tộc thấp hèn lên một trình độ cao hơn (…) Ông Montesquieu, một nhà tư tưởng Pháp về thế kỷ thứ XVIII cũng đã công nhận rằng "lập ra thuộc địa cốt là để có nơi buôn bán có lợi hơn là buôn bán với những nước láng giềng".

Những ý tưởng ấy đã đào tạo nên một chính sách riêng về thuộc địa, người ta gọi là Thuộc địa ký ước (Pacte Coloniale)".

Hoàng Đạo đã từ tốn chỉ ra sự thực: mục đích đánh lấy thuộc địa chẳng cao thượng gì như quý vị rêu rao mà chỉ cốt để kiếm lời đó thôi, không phải tôi nói đâu, chính cụ tổ nhân quyền Montesquieu của quý vị nói đó.

Còn cái gọi là Thuộc địa Ký ước mà quý vị đặt ra, cũng chỉ là để cho thuộc địa trở thành một thị trường dành riêng cho mẫu quốc; nghiã là dân thuộc địa chỉ có thể bán nguyên liệu của mình cho mẫu quốc và họ bắt buộc phải mua sản phẩm mẫu quốc tải sang, không có quyền lập xưởng công nghệ, bởi vì mẫu quốc sợ thuộc địa sẽ tiêu thụ sản phẩm của mình, không mua hàng mẫu quốc nữa.

Chính sách kinh tế áp đặt một chiều này dần dà xô đẩy dân thuộc địa đến chỗ nghèo khốn cùng cực.

Ngoài cái gốc kinh tế là kiếm lời mà ăn, còn những cái gốc "nhân văn" là xâm lăng, cá lớn nuốt cá bé, và nhất là kỳ thị chủng tộc của người da trắng với người da màu:

"Những dân bản xứ, vì khác loài, khác giống, da đỏ, da đen, mũi tẹt, môi dày, đều bị coi là một hạng nửa người nửa thú, không đáng đứng ngang hàng với dân mẫu quốc về hết thảy mọi phương diện. Hoặc vì họ yếu thế, hoặc vì họ hiền lành quá, nên đất nước thì bị chiếm, mà nhân dân thì bị bắt làm nô lệ, làm tôi mọi cho dân mẫu quốc".

Hoàng Đạo đã nói trắng ra những điều mà ít ai dám nói, trừ Nguyễn An Ninh.

Với luận điệu: người Âu đến để khai hóa cho dân bản xứ u mê, dốt nát, Hoàng Đạo trả lời:

"Lẽ tự nhiên là không bao giờ đột nhiên, vì cảm kích lòng hòa hiệp nhân đạo hay khâm phục tài trí của dân mẫu quốc, mà dân bản xứ thân đến xin làm thuộc địa. Họ chịu làm thuộc địa chỉ là một sự bất đắc dĩ, sau một cuộc tàn sát khốc hại. Họ phải lùi, bó tay hàng trước sức mạnh. Địch quân thắng thế, bèn đem họ làm nô lệ cho mình, hoặc đem bán cho người khác làm nô lệ. Dân thuộc địa khi ấy chỉ được coi như một con vật, khoẻ mạnh làm lụng được thì sống làm nô lệ cho chủ. Những dân tộc Phi châu phần đông đều bị đè bẹp dưới cái chế độ vô nhân đạo ấy."

Hoàng Đạo nói rằng: dân bản xứ chúng tôi, dù da đỏ, da đen, mũi tẹt, môi dày, có ngu đến mấy, cũng không ai, tự ý dâng nước mình cho nước mẹ để được học cái văn minh tân tiến. Nói thẳng ra là mẹ đến xâm lăng đấy ạ. Thắng thế rồi, mẹ bắt con người ta làm nô lệ như con vật. Mà chúng tôi có nói chuyện Đông Dương đâu, chúng tôi nói chuyện châu Phi đấy chứ.

Một điều mẫu quốc, hai điều mẫu quốc mà cái thứ nửa người nửa ngợm nửa đười ươi là dân bản xứ này, phóng ra những mũi tên trúng phóc thực tâm của nước mẹ, khiến mẹ không chạy kịp, trừ bịt tai độn thổ. Lối viết của Hoàng Đạo là như vậy.

Chế độ tự trị của Anh

Từ trước đến nay, người ta vẫn tưởng, nhờ Gandhi can trường tranh đấu bất bạo động, nên Ấn Độ mới được độc lập. Việt Nam không có thánh Gandhi, nên đã rơi vào chiến tranh.

Thực ra không phải vậy: Việt Nam đã thử bao nhiêu lần đấu tranh bất bạo động, từ Phan Châu Trinh và phong trào Duy Tân đến Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Tạ Thu Thâu, Hoàng Đạo… nhưng không thể được, vì chính sách của Pháp khác chính sách của Anh: Pháp chủ trương chế độ đồng hoá và Hoàng Đạo sẽ nói rõ thực chất của chế độ này như thế nào.

Hoàng Đạo trình bày vấn đề khác hẳn: Ấn Độ được độc lập, là nhờ chế độ tự trị của Anh, khác với chế độ đồng hóa của Pháp.

Anh và Pháp là vô địch thực dân trong thế kỷ XX (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thuộc các thế kỷ trước), Anh áp dụng chế độ tự trị, Pháp chế độ đồng hoá[6].

Chế độ tự trị của Anh, chủ trương "giáo huấn" xứ thuộc địa cho có trình độ hơn, để họ có thể tự trị được. Chế độ này Anh đã áp dụng cho các nước da trắng (do tù nhân Anh, bị án chung thân, biệt xứ, sang "khai khẩn" các vùng đất mới mà thành) như Mỹ, Úc, Canada, đó là các nước "con đẻ" thực sự của Anh. Chính sách này được cho là "nhân đạo" hơn chính sách của Pháp. Ấn Độ, nhờ Gandhi tranh đấu, cũng dần dần được hưởng quy chế tự trị, rồi độc lập.

Chế độ đồng hóa của Pháp

Pháp vẫn tự hào là nước có truyền thống dân chủ lâu đời nhất, cách mạng Pháp 1789 mở ra một chân trời mới với những giá trị về nhân quyền làm thay đổi bộ mặt thế giới:

"Mọi người sinh ra đều tự do bình đẳng, quyền lợi ngang nhau, không phân biệt chủng tộc, màu da. Bổn phận của con người là phải bênh vực những thành phần yếu kém".

Vì thế, Pháp phải tìm cách giải thích cho "hợp lý": Tại sao, một lý tưởng nhân quyền cao siêu như vậy lại dẫn đến một chế độ thực dân tàn ác phi nhân thế kia?

Họ có hai lối giải thích:

1- Lý tưởng cao siêu ấy đã khiến La Fayette sang giúp Mỹ, từ địa vị thuộc địa tự trị của Anh, đứng lên chống lại mẫu quốc, thành lập nước Hoa Kỳ. Canada và Úc, cũng thành hình trong những điều kiện tương tự. Tóm lại, chỉ những nước "da trắng" mới được hưởng sự giúp đỡ, nhân danh quyền làm người, để được độc lập.

Nhưng sự "lập quốc" này cũng không trong sáng gì lắm, vì nó nằm trên nấm mồ diệt chủng: người Anh, khi sang Mỹ, Úc, Canada "khai khẩn đất hoang" đã tiêu diệt thổ dân để chiếm đất của họ (không phải đất hoang) mà lập nên nước mới.

2- Giải pháp thứ nhì, dành cho các thuộc địa da màu Á, Phi. Đối với các thuộc địa ở châu Phi và Đông Dương, Pháp thực hiện chính sách đồng hoá. Chính sách này nghe qua rất bùi tai:

"Theo chính sách ấy lý tưởng không phải là dạy dỗ thuộc địa trở nên một cường quốc như mẫu quốc mà là tìm hết cách giao kết mẫu quốc với thuộc địa, khiến trở nên một khối bền chặt, một đế quốc cùng chịu cung số phận. Người ta nhắc lại lời Nã Phá Luân: "Chỗ nào có lá cờ bay, chỗ ấy là nước Pháp vậy"(…)

Thuộc địa coi như mẫu quốc, mẫu quốc coi như thuộc địa, quyền lợi đồng, nghiã vụ đồng".

Algérie và Nam Kỳ được hưởng chính sách quý hoá này, cho nên:

"Các ông nghị xứ Algérie hay ông nghị miền Nam Đông Dương ở nghị viện Pháp cũng có quyền bàn đến những việc có can hệ đến đảo Corse hay hạt Lille như các ông nghị những hạt ấy".

Mới nghe qua rất hay: "mẫu quốc coi như thuộc địa, quyền lợi đồng, nghiã vụ đồng": thuộc địa sẽ sống trong chế độ dân chủ y hệt như mẫu quốc, còn mong gì hơn nữa? Nhưng đọc kỹ đoạn sau: cái quyền mà dân thuộc địa được hưởng như dân Pháp, rút lại là quyền gì?

- Là quyền được bàn đến những việc ở Lille, ở Corse. Hân hạnh lắm. Nghẹt vẫn có chỗ bất tiện: chúng tôi chỉ muốn được tự do lựa chọn những người cai trị chúng tôi thôi, chứ còn cái hân hạnh được ngồi trong Nghị viện mẫu quốc, để bàn điều này điều kia, xảy ra ở thành phố Lille hay đảo Corse, đối với chúng tôi, nó cao sang mà cũng diệu vợi lắm.

- Còn về quyền công dân ở Nam Kỳ, ta đã quá rõ, chẳng cần Hoàng Đạo nói ra: về việc cả gan dám viết báo và lập hội kín: dân Nam kỳ bị bắt nhiều nhất. Nguyễn An Ninh vô địch, bị bắt tới năm lần vì tội viết báo và đã ở tù đến chết.

Lấy thuộc địa có chính đáng không? Ngày Nay số 77

Chiếm thuộc địa là bất chính

Khi Hoàng Đạo đặt câu hỏi: Lấy thuộc địa có chính đáng không?[7] Tức là đã trả lời: Không!

Nhưng ông không trả lời trực tiếp mà trả lời bằng một câu hỏi khác: Tại sao những nước có thuộc địa thường tự mãn về công việc "khai hoá" của mình, và ngạc nhiên không hiểu sao những nước bị trị không biết ơn mà còn oán nữa?

- Bởi vì:

1- Mẫu quốc luôn luôn che đậy hai động cơ chính của việc đánh chiếm thuộc địa là kiếm lời và dùng sức mạnh để chiếm đất của nước yếu hơn. Nhưng thay vì nhìn nhận sự thực, họ lại biện minh sự xâm lăng ấy bằng một thứ lý thuyết "khoa học", kiểu Darwin:

Họ bảo rằng họ làm "theo luật tự nhiên của trời đất. Cái công lệ đào thải là khoẻ thì sống, mà yếu thì chết. Côn trùng, cầm thú đều chịu theo cái công lệ ấy, người ta cũng vậy.

Song cái lý thuyết ấy không đứng vững được. Vì nó làm cho người ta chỉ phục có một điều: võ lực. Vì nó hạ người ta xuống cái địa vị thấp hèn của loài vật vô tri.

Người ta có hơn cầm thú, không phải là vì khoẻ hơn, biết cách giết loài khác một cách nhanh chóng hơn, mà chỉ vì có lương tâm, biết trọng công lý. Sự cường quyền dẫu thắng, nhưng không bao giờ khuất phục được ai."[8]

Lời nhẹ nhàng nhưng ý gắt gao: Con người chỉ hơn cầm thú vì có lương tâm và trọng công lý, nay chỉ biết dùng võ lực, cậy khoẻ thắng yếu, thì có khác chi súc vật?

2- Một lập luận khác cho rằng: Đối với những dân tộc "bán khai", không nên cho độc lập làm gì, vì chúng ngu, không biết "sử dụng" sẽ gây tai nạn:

"Những dân tộc thuộc địa, theo họ, đối với dân tộc khác, là những dân tộc bán khai, kém hèn, dẫu có được hưởng giáo dục học vấn đến mức nào chăng nữa, cũng vẫn kém hèn, bán khai mà thôi. Đối với những dân tộc ấy, sự tự do, độc lập là một sự đáng sợ, dùng tới cũng như trẻ con chơi dao, thế nào cũng đến đứt tay, chảy máu. Đối với những dân tộc ấy, cần phải có một dân tộc khác có trí thức hơn, chỉ dẫn, bắt ne bắt nét, thì may họ còn sung sướng được".[9]

Thực đáng sợ trước một lập luận như thế. Vị cầm quyền nào nghĩ như vậy, thì dù có bao nhiêu học vấn, bằng cấp, đắp lên đầu, cũng không cách nào "khai hoá" y được.

3- Lập luận thứ ba cho rằng: Mẫu quốc đem lại đời sống hạnh phúc cho dân chúng. Xin hỏi: Thế nào là hạnh phúc? Cách sống của người Âu có phải là hạnh phúc chăng? Nếu chúng tôi yêu sự hỗn độn của chúng tôi hơn là trật tự của của các người, thì các người nghĩ sao?

"Hạnh phúc của con người ta, lấy cớ gì mà bảo rằng là sống một đời vội vã, hấp tấp như cái máy của người châu Âu, chứ không phải là sống một đời êm tĩnh, giản dị của người bán khai? Vả lại cứ sự thực mà xét, thì dân thuộc địa đã được những hạnh phúc gì đâu? Một phần bị lưỡi gươm, hòn đạn mà chết, một phần bị đàn áp, xô đuổi về miền rừng xanh núi đỏ, dân tộc da đỏ ở châu Mỹ hay dân tộc da đen ở châu Úc đến nay hầu như không còn nữa"[10]

4- Lập luận cuối cùng cho rằng: có những chủng tộc thuộc loại hạ đẳng.

"Việc đó nên dành riêng cho những đồ đệ của Hitler. Không có gì chính đáng khiến cho ta phải khâm phục riêng một chủng tốc như dân tộc Đức chẳng hạn và coi rẻ những dân tộc khác. Chủng tộc nào cũng có thể tự xưng là đệ nhất chủng tộc trên hoàn cầu và lấy cường quyền mà bắt chủng tốc khác công nhận như vậy. Nhưng tôi xin nhắc lại một lần nữa: cường quyền không bao giờ bắt được lòng người khâm phục"[11]

Qua bài viết này, Hoàng Đạo, đã vén màn lên những sự thực mà người Việt ít (dám) đề cập, vì ít nghĩ đến những vấn đề thế giới, con người, hoặc vì không biết, hoặc biết mà không (dám) nói ra. Hoàng Đạo kết luận bằng một lời khuyên chính quyền thuộc điạ, có tính cách hoà giải:

"Nay thuộc địa đã có rồi, thì cần phải thực lòng làm lợi cho thổ dân, có khi phải chịu thiệt thòi riêng nữa. Có như vậy mới xoá bỏ được cái vết võ lực buổi trước và mới có đủ lẽ để lưu lại ở đất nước người được."

Phản đối chính sách đồng hóađề huề của Albert Sarraut

Albert Sarraut, thuộc đảng Xã hội Cấp tiến là người lão luyện nhất trong nghề cai trị thuộc địa, ông làm toàn quyền Đông Dương hai lần, từ 1911 đến 1914, rồi từ 1917 đến 1919. Khi về Pháp, ông trở thành Bộ trưởng Thuộc địa, từ 1920 đến 1924.

Ông đưa ra chính sách đồng hoáđề huề giữa thuộc địa và mẫu quốc, ông chủ trương "mở mang thuộc địa" với quy mô rộng lớn và toàn diện, trong tác phẩm La mise en valeur des colonies françaises, như một cuốn cẩm nang cho các toàn quyền sử dụng. Trong bài giới thiệu sách này, Camille Guy cho biết những thông tin:

Đế quốc thực dân Pháp, năm 1923, có diện tích 8.940.992 km2 (chưa kể Bắc Phi, rộng 1.300.318 km2, được coi là "đất Pháp") tức là lớn gấp 18,5 lần diện tích nước Pháp. Camille Guy ca tụng chính sách đồng hoá là cả tương lai kinh tế của Pháp và coi cuốn sách của Sarraut như thành tựu của 50 năm đánh chiếm thuộc địa.

Tiếc rằng những sự cải tổ hữu ích như về mặt vệ sinh, xã hội, mà ông Sarraut đề ra, đều không thể thực hiện được vì "thiếu ngân quỹ"!

Vậy không hiểu lợi nhuận khổng lồ cao như núi (đã được Nguyễn Gia Trí vẽ trong một bức phiếm họa) về: nha phiến, rượu, muối, và cao su mà mẫu quốc độc quyền trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, dùng vào việc gì?

Tranh Cộng tác, đề huề của Ritg, trên Ngày Nay số 78

Hoàng Đạo giới thiệu và trình bày chính sách "cộng tác đề huề" của Albert Sarraut, không như cái nhìn của Camille Guy, mà dưới cái nhìn của một người bản xứ, trên Ngày Nay số 78[12]. Theo ông, chính sách của vị cựu toàn quyền dựa trên hai điểm:

1- Bản điều lệ ngày 28-6-1919 của Hội Quốc Liên "có nói rằng sự khai hoá cho những dân tộc chưa đủ tài lực để tự quan sát công việc của mình, là một chức trách thiêng liêng của sự văn minh. Khai hóa một cách mau chóng để những dân tộc ấy trở nên trưởng thành, có thể thoát ly ra ngoài cái chế độ [thuộc địa] tạm thời kia". Vậy Pháp sẽ dựa trên "sứ mệnh thiêng liêng" này để giúp những dân tộc yếu hèn ấy tiến lên.

2- Các chính đảng Pháp cũng có những quan niệm khác nhau về vấn đề thuộc điạ: đảng Cấp Tiến không ủng hộ việc chiếm thuộc địa. Đảng Xã hội (SFIO) chủ trương không lấy thuộc địa. Đảng Xã hội Cấp tiến thừa nhận công cuộc khai phá thuộc địa, tìm cách bênh vực, làm cho nó "có vẻ nhân đạo, chính đáng".

Vì thế, một chính sách mới xuất hiện, gọi là chính sách đề huề hay hợp tác được toàn quyền Albert Sarraut phát động để tạo ra một nhân loại mới, và ông đã:

"Tỏ bày một cách rất văn hoa trong nhiều cuộc diễn thuyết, trên nhiều sách vở và báo chí. Người dân bản xứ, dẫu đen như mực hay vàng như nghệ, cũng không vì cái màu da mà mất hẳn tính chất của con người. Không phải là đời đời, họ vẫn kém hèn về mọi phương diện, như con vượn hay con đười ươi, dẫu tưởng văn minh bao nhiêu nữa cũng vẫn còn kém hèn. Họ chỉ ở vào một trình độ văn minh thấp hơn mà thôi. Vậy bổn phận của mẫu quốc là dẫn lối cho họ bước mau trên đường tiến bộ; nếu ta ví dân tộc bán khai như miếng đất sét chưa thành hình, thì bổn phận của mẫu quốc là nặn nên hình một nhân loại mới, có giá trị hơn. Tạo nên nhân loại mới, ông Sarraut thường nói mục đích của công cuộc khai thác thuộc địa là thế."

Như vậy, theo ông Albert Sarraut, thuộc địa không còn là cuộc đánh chiếm "cường quyền của kẻ mạnh hơn", mà phát xuất từ một lý tưởng cao đẹp: "kẻ mạnh hơn có quyền giúp đỡ kẻ yếu hơn" để "tạo ra một nhân loại mới". Ông cựu Toàn quyền lại còn cho rằng:

"Dân bản xứ, ta phải tưởng tượng, trước kia sống trong sự sợ hãi, đè nén, bất công. Mẫu quốc đem đến cho họ công lý, làm cho họ được hưởng vệ sinh, học thức và hết thảy điều cốt yếu của sự văn minh. Mẫu quốc cho họ quyền hợp tác với mình."

Nhưng đấy chỉ là lập luận của ông cựu Toàn quyền. Còn dân bản xứ chúng tôi nghĩ khác:

1- Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các ông, nếu các ông làm thế nào cho chúng tôi phục các ông là văn minh hơn chúng tôi.

2- Chúng tôi sẵn lòng cộng sự với các ông, nhưng chỉ khi nào sự cộng tác ấy có ích cho chúng tôi, nghiã là dưới sự chỉ huy của các ông, nước chúng tôi phát đạt hơn.

3- Chúng tôi sẵn lòng trả các thứ thuế mà các ông đặt ra, nhưng tiền thuế đó cần phải ở trong nước chúng tôi, làm lợi cho dân chúng tôi và nhất là tiền thuế đó không được tiêu ma vào sự vô dụng, vào việc xa xỉ.

Nếu được như vậy thì dân bản xứ chúng tôi không ngại gì mà không cộng tác, mà còn nhớ ơn mẫu quốc đã thành thực hết lòng mưu cầu cho dân thuộc địa trở thành văn minh hơn.

Tranh Các hạng thuộc địa của Ritg, Ngày Nay số 79

Đánh tráo giá trị

Đào sâu hơn nữa, Hoàng Đạo viết thêm bài Các hạng thuộc địa in trên Ngày Nay số 79 (3-10-37). Bài này mở đầu bằng câu:

"Những đất, những xứ thuộc quyền thống trị của một cường quốc châu Âu, người ta thường gọi chung là thuộc địa. Thực ra gọi như vậy là lầm".

Đứng đầu là những nước do Hội Quốc Liên ủy quyền cho một hội viên trông nom, được gọi là xứ ở dưới chế độ uỷ quyền, xứ uỷ quyền không phải là thuộc địa. Đó là trường hợp nhiều nước Ả Rập.

Xứ bảo hộ cũng không phải là thuộc địa: Bắc Kỳ và Trung Kỳ không phải là thuộc địa.

Việt Nam chỉ có Nam Kỳ là thuộc địa, tức là đất mẫu quốc chiếm được rồi trở thành "đất của mẫu quốc":

"Đất thuộc địa đã là đất của mẫu quốc thì những người sống ở thuộc địa cũng là người mẫu quốc. Thí dụ như dân Annam trong lục tỉnh đều là người Pháp cả. Nhưng là người Pháp, mà không phải là công dân nước Pháp. Dân bản xứ, người ta cho là ở một trình độ văn minh thấp kém, nên người ta bắt sống trong một quy luật riêng, chặt chẽ hơn và ít tự do hơn".

Bài này tố cáo sự gian lận của chính quyền thuộc địa: đánh tráo giá trị, do Paul Doumer chủ trương từ năm 1897: Tự ý thay đổi hoà ước Giáp Thân (1884) biến toàn thể nước Việt Nam thành thuộc địa của Pháp, đã nói đến ở trên.

Nước Việt chỉ có Nam Kỳ là thuộc địa và được áp dụng "chính sách đề huề". Tuy nhiên, Nam Kỳ cũng chỉ được đề huề ở chỗ: các cơ quan tư pháp và hành chính đều do mẫu quốc định đoạt, và ông Thống đốc (Gouverneur) Nam Kỳ do mẫu quốc gửi sang. Nhưng người Nam Kỳ không phải là công dân nước Pháp. Họ không được hưởng quyền công dân, chỉ được hưởng quyền nô lệ.

Không thể áp dụng chính sách đồng hoá ở Việt Nam

Mục đích sâu xa trong chính sách đồng hoá là làm cho người Việt mất tiếng nói, như họ đã áp dụng ở Bắc Phi. Lập luận ấy, theo Phạm Quỳnh, là như thế này: Người Annam trước đã học chữ Tàu, nay học chữ Tây là phải. Cái tiếng Annam mọi rợ ấy, phải diệt dần đi, nó chỉ là một thứ "thổ âm" (patois). Ngày nào mà trẻ con Annam nói toàn tiếng Pháp, thì ngày ấy, nước Nam mới tiến bộ được. Đó là chính sách đồng hoáđề huề được ông Sarraut phát động.

Phạm Quỳnh tố cáo lập luận muốn tiêu diệt tiếng Việt, năm 1922 ở Pháp, và ông đã đọc bốn bài diễn văn tại các trường lớn và Viện Hàn Lâm, để thuyết phục chính phủ Pháp không bỏ tiếng Việt và ông đã thành công. (Xem chương: Sự hình thành nền văn học quốc ngữ).

Trong bài Thuộc địa Pháp- Chính sách trên Ngày Nay số 80 (10-10-37), Hoàng Đạo tố cáo chính sách đồng hoá muốn biến thuộc địa thành một tỉnh của Pháp. Ông cho rằng chính sách này chỉ có thể áp dụng ở một số nước "không có một nền quá khứ lộng lẫy, vì không có sẵn một nền văn minh riêng, nên văn minh Pháp, chữ Pháp, tiếng Pháp, phong tục Pháp đem lại cho họ, họ hấp thụ một cách dễ dàng như in chữ trên một tờ giấy trắng".

Còn đối với những dân tộc "có một lịch sử vẻ vang, có một nền văn minh khá, thì sự đồng hoá cho đến tuyệt đối không phải là một việc nên làm".

Và Hoàng Đạo nhấn mạnh:

"Tôi xin nhắc lại cho rõ: sự đồng hoá tuyệt đối không nên làm. Tôi muốn nói rằng đối với dân tộc Việt Nam chẳng hạn, hay dân tộc A-Rập; điều họ muốn nhất, không phải là thành ra một công dân Pháp để có quyền bầu một người thay mặt họ ở Nghị Viện Pháp, mà là có quyền coi sóc đến công việc của xứ, của nước họ. Một người Annam vào làng Tây, không thành ra một người Tây được, một người Annam theo học chữ Tây cho đến bậc cao đẳng, cũng không "hoá" ra một người Pháp; những người Annam ấy không bao giờ mong được bàn bạc đến việc bên mẫu quốc cả".

Người Việt, dưới ngàn năm đô hộ của người Tàu, không bao giờ trở thành người Tàu cả. Vậy người Pháp còn có thể kỳ vọng gì vào chính sách đồng hóa với một dân tộc như thế?

Người Việt muốn gì?

Nhưng người Pháp vẫn ngoan cố, nhất định áp dụng chính sách đồng hoá ở Đông Dương. Mà Đông Dương gồm nhiều xứ: có một thuộc địa Nam Kỳ và hai xứ bảo hộ Trung Kỳ và Cao Mên; lại có một xứ nửa bảo hộ nửa thuộc địa Lào; một xứ bảo hộ trực trị Bắc Kỳ và một nhượng địa trong vòng 99 năm là Quảng Châu Loan[13].

Hoàng Đạo chỉ ra:

"Nhưng quan trọng nhất và có đoàn kết nhất là người Nam [Việt Nam]. Vì thế, nói đến vấn đề Đông Dương là người ta ám chỉ vấn đề người Nam.

Đối với dân Annam, một dân tộc có một dĩ vãng có thể nói là oanh liệt, đã tới một trình dộ văn minh khá cao, có tinh thần đoàn kết và rất có vẻ thống nhất về tình tình, ngôn ngữ từ Nam chí Bắc, chính sách đồng hoá là một sự lầm. (…)

Người Nam chỉ ao ước một điều: là được những sự tự do của nền dân chủ và được dần dà coi ngó, đảm đang lấy việc công trong nước họ. Ngày nào dân Annam có quyền, trong sự tự do, tự kén chọn lấy những người cầm quyền cai trị họ, ngày ấy, nguyện vọng của người Nam đã đạt được nhiều rồi vậy."[14]

Sau khi xác định chính sách thuộc địa đồng hoá sẽ đưa đến thất bại, và nói rõ nguyện vọng của người Việt, Hoàng Đạo viết bài Thuộc địa Pháp- Chế độ chỉ dụ trên Ngày Nay số 81 (17-10-37), để chỉ ra tính chất độc tài cơ bản trong chính sách thuộc địa đồng hoá: Cai trị bằng chỉ dụ.

Phản bác việc cai trị bằng chỉ dụ

Cho tới năm 1937, nước Pháp vẫn chưa cho dân thuộc địa có một cái quyền gì về lập pháp.

Tức là họ vẫn áp dụng bản Hiến Pháp ngày 14-1-1852 của Nã Phá Luân Đệ Tam, mà theo điều 27 của bản Hiến pháp này, thì Thượng Nghị Viện (Sénat) sẽ đặt một đạo luật làm hiến pháp cho dân thuộc điạ.[15]

Trong khi chờ đợi đạo luật hiến pháp ấy, thì người ta cai trị bằng chỉ dụ. Nhưng bản hiến pháp đó không bao giờ ra đời, cho nên dân thuộc địa vẫn sống dưới chế độ chỉ dụ, trong hơn 80 năm (từ 1852 đến 1937), trước là chỉ dụ của vua, sau của tổng thống.

Nghiã là một chế độ hoàn toàn độc đoán: ông Tổng thống hoàn toàn có quyền thay đổi luật pháp của dân thuộc địa, hay tự đặt ra luật mới rồi ban hành chỉ dụ để áp dụng theo ý muốn.

Chưa kể chỉ dụ có rồi, nhưng khi đến thuộc địa mà Thống đốc (Gouverneur), hay Toàn quyền (Gouverneur général) không muốn áp dụng, thì cái chỉ dụ ấy cũng chỉ vứt đi. Để bào chữa, người ta bảo rằng: Chỉ dụ làm đã chóng mà ký cũng chóng!

"Nhưng nhanh chóng không phải là một điều hay, nhất là đối với việc lập pháp. Lập pháp cũng như xây một toà nhà. Một toà nhà cần phải chắc chắn kiên cố, một đạo luật cần phải khúc triết, đầy đủ. Muốn thế, đạo luật phải dự thảo cho cẩn thận và đem ra bàn luận cho đích đáng, rồi mới tuyên hành".[16]

Rồi Hoàng Đạo nhấn mạnh:

"Chế độ chỉ dụ trong một nước cộng hoà là điều phi lý. Lập pháp cho thuộc địa là vấn đề quan trọng". "Đem bỏ quyền ấy đi, là cho quyền hành pháp lấn sang quyền lập pháp, một điều đáng lẽ không thể có trong chế độ cộng hòa".

Sự bất bình đẳng, theo Hoàng Đạo, bắt nguồn từ cái gọi là Đẳng cấp tôn ti[17] có sẵn trong đầu óc mỗi phần tử thực dân:

"Người mẫu quốc vượt biển đi khai thác thuộc địa, sau khi đã chiếm được lãnh thổ của người, thì tự cho mình là phú cường hơn, nghiã là văn minh hơn, thuộc về một giống người siêu đẳng, có thể làm gương cho người khác noi theo được. Giống người siêu đẳng ấy, bèn tự đặt cho mình cái nghiã vụ lớn lao là dìu dắt các giống nòi khác noi theo mình và nhất là tự phó thác cho mình những quyền lợi rộng rãi. Trái lại, người bản xứ bị coi là thuộc về một giống người hèn kém, nên chỉ được giữ một dúm quyền lợi, lớn nhỏ, tùy ở tay người [đô hộ]"[18]

Giọng nhẹ nhàng chỉ rõ nguyên nhân bất bình đẳng: bởi vì ở thuộc địa, chỉ có hai hạng người: người văn minh và người thấp hèn. Kẻ cai trị là người văn minh. Kẻ bị trị là hạng thấp hèn, dưới người, nên không đáng hưởng quyền lợi của con người.

Bức tranh Nguyễn Gia Trí dưới đây, thể hiện sâu sắc sự bất bình đẳng trong quan niệm đề huề. Tranh vẽ một người phu xe ốm o, rạp người kéo chiếc xe có một ông Tây bự và một ông quan Ta nhỏ thó. Đội xếp Tây gọi lại: Sao hai người lớn ngồi cùng một xe?

Ông Tây bự trả lời: "Hai người lớn đâu? Một người lớn, một người đấy chứ!"

Tranh của Ritg, Ngày Nay số 80

Cái đẳng cấp tôn ti mà Hoàng Đạo chỉ ra ấy, chính là cái óc thực dân ở mỗi con người.

Óc thực dân đã nằm trong xương thịt và tư tưởng của một số người, không thể gỡ ra được, kể cả những người hiểu biết, những danh nhân. Thí dụ Thủ tướng Jules Ferry, là nhà văn hoá, đã có công xây dựng nền giáo dục hiện đại của Pháp, nhưng ông còn được mệnh danh là "Bắc Kỳ nhân" (Tonkinois) tức là kẻ [có dã tâm chiếm hết] Bắc Kỳ.

Hoặc như Tướng De Gaulle, anh hùng dân tộc của Pháp, ngay sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi gông cùm Hitler, đã hạ lệnh cho Tướng Leclerc đổ bộ chiếm lại Sài Gòn và Nam Bộ. Dẫn đến hai cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Algérie từ năm 1945 đến 1962, làm lụn bại nền kinh tế Pháp, gây đau thương tang tóc cho hàng triệu con người.

Sự chinh phục thuộc địa của Pháp, đã bị Tống thống Pháp Emmanuel Macron, khi còn đang tranh cử, kết án là "tội ác chống nhân loại", nhưng ông đã bị nhân dân Pháp chống lại, kể cả những nhà báo cấp tiến, khiến ông phải lùi bước, nhưng không chịu cải chính.

Xem như thế, chế độ thực dân, cướp đất, giết người, đến thế kỷ XXI, ở Pháp, cũng vẫn còn là một điều "hiểu" được và nhất là không thể lên án được.

Cho nên những lời của Hoàng Đạo trong loạt bài phân tích này, đến nay, là 84 năm sau, vẫn còn đầy đủ ý nghiã thời sự và sẽ còn giá trị, một khi con người chưa tẩy não được đầu óc thực dân.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

[1] Các sách ngày trước đều viết là Sa Điện. Giáo sư Hoàng Dũng giải thích: "Viết Sa Diện là đúng, chứ không phải là Sa Điện. Vì chữ Hán là 沙面 (xin xem: https://en.wikipedia.org/wiki/Shamian).

Sa là "cát"; còn Diện là "mặt". Chữ Hán đôi khi một chữ có nhiều cách đọc, như Hoàng có thể đọc là Huỳnh. Nhưng trường hợp Diện thì khác, không ai đọc là Điện".

[2] Từ Ngày Nay số 74 (29-8-37) đến số 95 (23-1-38).

[3] Từ Ngày Nay số 98 (20-2-38) đến số 114 (12-6-38).

[4] Từ Ngày Nay số 125 (28-8-38) đến số 159 (20-4-39).

[5] Từ Ngày Nay số 160 (6-5-39) đến số 196 (13-1-1940).

[6] Hoàng Đạo, Thuộc địa tự trị (Ngày Nay số 75, 5-9-37) và Chính sách đồng hoá (Ngày Nay số 76, 12-9-37).

[7] Ngày Nay số 77 (19-9-37).

[8] Ngày Nay số 77 (19-9-37).

[9] Ngày Nay số 77 (19-9-37).

[10] Ngày Nay số 77 (19-9-37).

[11] Ngày Nay số 77 (19-9-37).

[12] Trong bài Cộng tác, đề huề (Ngày Nay số 78, 26-9-37).

[13] Quảng Châu Loan (Kouang-Tchéou-Wan) thuộc tỉnh Quảng Đông. Cuối thế kỷ XIX, nhà Thanh bị liệt cường xâu xé, thi nhau "thuê" các tỉnh Trung Hoa. Pháp "thuê" Quảng Châu Loan trong 99 năm. Năm 1946, Pháp ký với Tưởng Giới Thạch hiệp định Trùng Khánh (28-2-1946), trả lại Trung Hoa các tô giới: Quảng Châu Loan, Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, và đổi lại Pháp sẽ vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch giải giới quân đội Nhật ở Việt Nam, bắc vĩ tuyến 16.

[14] Thuộc địa Pháp – Chính sách, Ngày Nay số 80, 10-10-37.

[15] Vì vậy, ngày 3-5-1854. Thượng nghị viện mới thảo nên một đạo luật, còn được thi hành tới ngày nay [1937]. Đó là đạo Sénatus-consulte ra ngày 3-5-1854, chia thuộc địa Pháp ra làm hai hạng: một bên là những thuộc địa cũ, như những đảo Martinique, Guadeloupe và Réunion, còn có ít nhiều được bảo đảm quyền lợi của mình. Một bên là tất cả những thuộc địa khác, không có chút bảo đảm nào. Chiếu theo điều lệ thứ 18, của đạo Sénatus-consulte 1854, thì: "Những thuộc điạ ấy, Hoàng đế sẽ định pháp bằng chỉ dụ, cho đến khi nào một Sénatus-consulte [mới] định đoạt". Nhưng cái Sénatus-consulte mới ấy, không bao giờ ra đời.

[16] Thuộc địa Pháp – Chế độ chỉ dụ, Ngày Nay số 81, 17-10-37.

[17] Thuộc địa Pháp – Đẳng cấp tôn ti, Ngày Nay số 82, 24-10-37.

[18] Thuộc địa Pháp – Đẳng cấp tôn ti, Ngày Nay số 82, 24-10-37.

Nguồn: Văn Việt