Các
phong trào tranh đấu hiện đại
Muốn
hiểu rõ con đường tranh đấu của Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn, chúng ta cần phải
nhìn lại:
-
Bối cảnh Việt Nam trong tranh đấu bí mật và bạo động.
-
Sự đàn áp của chính quyền thực dân.
-
Cuộc cách mạng bất bạo động đầu tiên ở Pháp và Việt Nam.
trước
khi Tự Lực văn đoàn ra đời.
Bởi
vì, trước khi chính phủ Bình dân lên cầm quyền tại Pháp từ 1936 đến 1938, Đông
Dương ở dưới sự cai trị tàn ác của hai Toàn quyền Pierre Pasquier (1928-1934)
và René Robin (1934-1936). Trước đó Pasquier làm Khâm sứ ở Huế (1920-1927) và
René Robin làm Thống sứ Bắc Kỳ (1925-1930).
Đảng bí mật hay Hội kín
Dưới
thời Pháp thuộc, những năm 1920-40, các phong trào tranh đấu, có thể xin ra
báo, nếu không ở trong sổ đen, nhưng không có quyền lập đảng. Họ thường bắt đầu
bằng một tổ chức văn hoá, thí dụ Việt Nam Quốc Dân Đảng:
Cuối
năm 1925, ba thanh niên: Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài và Hoàng Phạm Trân
[Nhượng Tống] tổ chức Nam Đồng Thư Xã, chuyên trước tác, dịch thuật và
xuất bản sách thuộc loại ái quốc như Cách mạng Trung Hoa, Lịch sử Tôn Dật
Tiên, Cách mạng thế giới, Chủ nghiã Tam Dân… Sau có thêm Nguyễn Thái Học,
sinh viên trường Cao đẳng Thương Mại, Phó Đức Chính, sinh viên trường Cao Đẳng
Công Chính và Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao đẳng Sư Phạm, tham gia.
Năm
1925, Nguyễn Thái Học gửi cho Toàn quyền Varenne hai bức thư đề nghị cải cách
nền công thương Việt Nam và thành lập một trường Cao đẳng Công nghệ ở Hà Nội,
cùng với dự án giúp đỡ dân nghèo. Nhưng không được trả lời.
Tháng
6-1927, Nguyễn Thái Học gửi đơn lên Thống sứ Bắc kỳ xin phép xuất bản tờ nguyệt
san tên là Nam Thanh để phổ biến và nâng cao trình độ trí đức và thể dục
của đồng bào ông, nhưng không được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận. Vì Nguyễn Thái
Học ở trong tổ chức Nam Đồng Thư Xã, nên đã bị ghi tên vào số đen của sở
Mật thám Bắc kỳ.
Vào
khoảng cuối tháng 10 năm 127, Nguyễn Thái Học triệu tập một phiên họp đưa ra ý
định thành lập một đảng bí mật, dùng võ lực để lật đổ chế độ thực dân,
lập một chính thể Cộng Hoà. Ngày 25-12-1927, với sự hiện diện của 36 đại biểu
cho 14 tỉnh Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ, Việt Nam Quốc Dân Đảng được chính thức
thành lập dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Thái Học[1].
Và họ quyết định Tổng Khởi Nghiã vào đêm 10 rạng ngày 11 tháng 2 năm 1930,
thường được gọi là Khởi nghiã Yên Bái, như ta đã biết.
Trong
thời kỳ hai năm Mặt trận Bình dân cầm quyền tại Pháp (1936-1938), chính
sách cai trị ở thuộc địa cởi mở hơn, báo chí được "tự do" hơn, nên
các phong trào cách mạng ở Việt Nam cũng tương đối dễ thở hơn, nhưng họ vẫn
chưa được quyền chính thức lập đảng, mà chỉ hoạt động trong khuôn khổ những
"hội kín".
Phong
Hóa và các báo thời đó như Hà Thành ngọ báo, Phụ Nữ Tân Văn… thỉnh thoảng đưa
tin những vụ bắt người thuộc "hội kín". Dưới đây là một bản tin trong
mục: "Những việc chính cần biết trong tuần lễ", trên Phong Hóa
số 18 (20-10-32):
"Vụ
bắt bớ ở Cẩm Giàng
"Có
tin báo và sau một cuộc dò la của sở Mật thám Hà Nội, đêm hôm 5 Octobre, liền
có 12 thám tử Tây-Ta đi 2 chiếc ô tô về huyện Cẩm Giàng. Hồi 12 giờ, đáng lẽ
hai xe đi thẳng tới huyện lỵ, nhưng Thám tử sợ lộ khó cho việc bắt bớ, nên lúc
hai xe đến Kẻ Sặt cách Cẩm Giàng hai cây số, thì các Thám tử cho xe đỗ lại và
đi bộ vào Cẩm Giàng. Lúc các Thám tử đến Cẩm Giàng thì đúng một giờ đêm. Lập
tức 12 người bổ vây làng Bình Phiên, chiếu đèn "Pile" sáng rực, dở
súng lục thị oai, bắt được tất cả 10 người trai trẻ và 3 ông cụ già.
Các
nhà Thám tử bắt những người đó rất dễ dàng, như bắt cá bỏ vào dọ [rọ],
không ai chốn [trốn] được hoặc chống cự gì cả. Ba ông già thì giao cho
ông Huyện lấy cung rồi giải về Hải Dương, còn 19 người kia đưa về sở Mật thám
chiếu sổ còn sót một người tên là Cai-Sơ thì các nhà chức trách yêu cầu ông
Huyện bắt cho được. Ba giờ đêm hôm đó ông Huyện đã bắt được Cai-Sơ, đến sáng 6
Octobre ông Huyện cho lính giải ngay lên nộp sở Mật thám nốt.
Bắt
được chi bộ 23 người này, thì nhờ đó mà khám phá ra còn được nhiều người nữa;
hồi 12 giờ đêm [mấy chữ in không rõ] Mật thám lại
phái các Thám tử về huyện Chí Linh cách tỉnh lỵ hai mươi tám cây số về mạn Đông
Triều, bắt được sáu người nữa, nhưng xét ra có bốn người "đích" còn
hai người vô can thì được tha, bốn người đó cũng bị đưa lên giam tại sở Mật
thám. Lại 5 giờ chiều sáng hôm thứ bảy 8 Octobre sở Mật thám lại có cuộc bắt bớ
ở huyện Kim Thành làng Lại Vụ. Lần này bắt được có hai người, hiện cũng đưa về
sở Mật thám.
Thế
là cả ba nơi Cẩm Giàng, Chí Linh, Lại Vụ bắt được gần 30 người rồi, sở Mật thám
tra xét lấy cung đã giải về Hải Dương. Lúc giải hai mươi ba người ở Ga về có
đem vào trình quan Chánh Sứ Romanetti nhận và hạ lệnh tống giam vào Đề lao. Còn
4 người ở bãi Chí Linh, 2 người ở Lại Vụ thì tra xét chưa xong.
Trong
chi bộ bị bắt có một người rất quan trọng mà bấy lâu sở Mật thám truy nã mãi
chưa bắt được; ấy là Khoá Vác. Khoá Vác là người đã từng bị án về hội kín và bị
giam ở Thái Bình, nhưng bầy mưu lập kế hắn lại vượt ngục chốn "biệt".
Bản
tin trên đây không những rõ ràng mà còn đi quá phạm vi thông tin, như để báo
động cho những người trong hội kín biết tình hình trầm trọng ở Cẩm Giàng
(nơi gia đình Nguyễn Tường cư ngụ) và cho thấy Phong Hóa có "tay
trong" nên mới rõ từng chi tiết các việc vây bắt của Mật vụ. Đồng thời cho
biết không khí bắt bớ những năm ba mươi, thế kỷ trước.
Những
tay sai thực dân – Không khí bắt bớ những năm ba mươi
Vụ
bắt bớ quy mô này nằm trong vùng Thái Bình, Hải Dương và Hải Phòng, là địa bàn
hoạt động của hai tên tuổi nổi tiếng Vi Văn Định, tổng đốc Thái Bình và Cung
Đình Vận, tri huyện Vĩnh Bảo. Cung Đình Vận được cử lên thay thế Hoàng Gia Mô
(bị Việt Nam Quốc Dân Đảng ám sát hồi tổng khởi nghiã 1930, xem chương 80
Quan Thánh, Phần II), đều là những người khét tiếng tàn ác.
Khái
Hưng viết về nhân vật Cung Đình Vận, sau khi thay thế Hoàng Gia Mô:
"Mấy
tuần lễ sau, vì không bắt được Trần Quang Diệu bọn thực dân Pháp sai
viên huyện Vĩnh Bảo Cung Đình Vận về làng đào mả ông tú Cư, thu cốt bỏ vào cái
tiểu sành, rồi trói đem về giam tại huyện lỵ"[2]
Trần
Quang Diệu, là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, người tổ chức bắt và xử tử
Hoàng Gia Mô. Ông bị Hội Đồng Đề Hình Hải Dương, xử chém, cùng ba đồng chí: Vũ
Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và Nguyễn Văn Phúc, ngày 23-6-1931. Ông tú Cư là cha
Trần Quang Diệu.
Báo
Phong Hóa số 173 (7-2-36) có bài viết ngắn về Cung Đình Vận, nói rõ cách thăng
tiến của viên quan này:
"Chắc
ai cũng biết tiếng ông Cung Đình Vận. Ông là một ông bố chánh, vẫn có danh là
ông "phủ bơi" (…) vì ông ấy đã bơi trong bể hoạn một cách nhanh chóng
nữa: không mấy lúc mà ông ta đã bơi được từ chức tri huyện cho tới chức bố
chánh vậy.
Gần
đây, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, tên Phạm Thượng Trợ, là người đã
cùng Nguyễn Thái Học và 30 bạn đồng chí đem ba chiếc thuyền định đến phá đồn
Phả Lại, và bị Hội Đồng Đề Hình ở Hải Dương kết án vắng mặt phải lưu chung
thân, lẻn về thăm nhà hôm ba mươi Tết, bị thám tử riêng của ông Cung Đình Vận
dò biết. Thám tử bèn phi báo cho ông Vận, ông Vận tức tốc chuyển thần lực đem
lính tráng về làng Lang Can, bắt được ông Trợ giữa lúc giao thừa."
Cung
Đình Vận bị Việt Minh xử tử năm 1945.
Sau
khi dội bom Cổ Am để trả thù việc giết Hoàng Gia Mô, Robin, lúc đó là Thống sứ
Bắc kỳ, gửi điện tín cho công sứ cho các tỉnh:
"Làng
Cổ Am, thuộc tỉnh Hải Dương, chứa bọn giặc giết ông huyện Vĩnh Bảo, đã bị phi
đội Hà Nội dội bom. Các ông phải quảng bá rầm rộ việc này và nói thêm rằng bất
cứ làng nào dám làm như thế sẽ bị trừng trị thẳng tay."[3]
Không
khí thanh trừng xảy ra trên địa hạt toàn quốc, nhất là ở miền Nam, trên nguyên
tắc là "đất Pháp" (vì là thuộc địa Pháp 100%), tức là phải được hưởng
quyền "công dân" của Pháp!
Phong
Hóa số 19 (27-10-32), đăng tin:
"Sở
Mật thám bắt 70 người Hội Kín. Sài Gòn – Sở Mật thám đã khám phá hai chi bộ hội
kín ở Cầu Kho và Chợ Quán (…) Chủ nhật vừa rồi vào khoảng 6 giờ sáng sở mật thám
đến một căn nhà ở đường Grimaud thì lúc đang sắp nhóm, lính tới thình lình nên
không một đảng viên nào trốn thoát: Thầy giáo Long cũng ở trong số những người
bị bắt".
Phong
Hóa số 26 (16-12-32) đăng tin nhóm Troskyste ở Sài Gòn bị bắt (M. Chánh, M.
Phương, Lê Văn Thử, Nguyễn Văn Nghiệp…).
Phong
Hóa số 27 (23-12-32) loan tin một người hội kín ở Tàu về bị bắt, vì "người
này đã làm môi giới cho các đảng viên hội kín" (tức là sang Tàu liên
lạc với các đảng viên Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch).
Nguyễn
An Ninh bị bắt nhiều lần cũng vì tội "lập hội kín Nguyễn An Ninh",
"âm mưu phá rối cuộc trị an".
Và
đến khi Nhất Linh "làm cách mạng", tức là ra lập đảng Hưng Việt năm
1938, bà Nguyễn Thị Thế cũng chỉ biết anh mình vắng mặt vì đi lập hội kín.
Hội
Đồng Đề Hình, một tòa án thời Trung Cổ
Hội
đồng Đề Hình được Hoàng Đạo, trong một bài viết, gọi là "quái thai của
chế độ dân chủ". Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã ghi rõ thành tích của
Hội đồng này, trên báo Ngày Nay kỷ nguyên mới số 2 (12-5-45), dưới cái
tựa rất dài sau đây:
"Chính
sách khai hoá bằng súng đạn -Trong 3 năm (từ cuối năm 1929 đến năm 1933) bọn
cầm quyền Pháp đã giết bao nhiêu dân quê Việt Nam trong các cuộc biểu tình và
đã tuyên bao nhiêu án tử hình và khổ sai đối với các nhà cách mệnh Việt Nam để
đàn áp phong trào bài Pháp?
Công
việc của Hội Đồng Đề Hình".
Về
Hội Đồng Đề Hình, Vũ Ngọc Phan trong chú thích cho biết: Hội Đồng Đề Hình
lập ra bởi sắc lệnh ngày 26-11-1896 của Pháp để xử những việc phản đối người
Pháp hay làm hại đến chính sách thực dân của Pháp. Hội Đồng gồm có:
Một
viên chủ tịch là một viên quan cai trị Pháp.
Hai
viên bồi thẩm (một viên quan tòa Pháp và một viên võ quan Pháp).
Người
bị kết án chỉ có quyền chống lên Hội Đồng Bảo Hộ (Conseil du Protectorat), nếu
bị bác, án sẽ bị thi hành ngay.
Và
dưới đây là bài viết của Vũ Ngọc Phan:
"Trong
3 năm: 1.100 người Việt Nam[4]
bị kết án. Những án ấy chia ra như sau này:
112
án tử hình;
229
án khổ sai chung thân, đày chung thân và chung thân cấm cố;
250
án 20 năm khổ sai và cấm cố;
36
án 15 năm khổ sai và cấm cố;
25
án 10 năm khổ sai và cấm cố;
130
án từ 5 đến 8 năm khổ sai và cấm cố;
318
án từ 2 tháng đến 4 năm tù.
Nếu
kể mỗi án khổ sai chung thân là 40 năm, thì trong có 3 năm trời, ngoài 112 án
tử hình, Hội Đồng Đề Hình Pháp đã tuyên thêm được những án tổng cộng là 15.913
năm vừa khổ sai, vừa đày vừa cấm cố [do Vũ Ngọc Phan in đậm], để đàn áp
phong trào ái quốc của người Việt Nam.
Trong
3 năm ấy, người Pháp lại dùng bom và súng liên thanh để giải tán các cuộc biểu
tình, tổng số dân quê Việt Nam bị người Pháp giết trong các cuộc hội họp ấy
là 1.320 người, chưa kể số người chết ở các làng bị triệt hạ bằng phi cơ
oanh tạc.
Vì
không có chỗ để giam cầm (Theo lời khai của viên thiếu tá Pháp Lambert khai
trước Toà án Hà Nội ngày 12-6-1933, thì các ngục thấy đông tù phạm quá, Robin
đã dặn miệng rằng: "Giết bới đi!") nên năm 1931, tầu Martinière
của Pháp phải đưa 538 chính trị phạm ở miền Bắc Việt Nam sang Inini [Guyane].
Năm 1933, tầu Forbin của Pháp lại phải đưa 1.800 người Việt Nam[5]
nữa bị án khổ sai chung thân sang Guyane.
(Phí
tổn về hai chuyến hết 10 triệu Phật lăng, ngân sách Đông Dương phải chịu).
Tính
đến năm 1933, ở Côn Lôn có 3.000 người Việt Nam bị giam cầm, trong số này hơn
một phần ba là chính trị phạm, về mỗi người chỉ chi phí mỗi ngày là 0đ47 là
cùng (theo nghị định năm 1933 của viên toàn quyền Pháp ở Đông Dưong).
Ta
cũng lại nên nhớ rằng về sự tận tâm với người Pháp trong công cuộc đàn áp thì
có ông Tổng đốc Thái Bình và ông Tổng đốc Nghệ Tĩnh hồi đó là nổi tiếng hơn cả".
Hai
ông Tổng đốc nổi tiếng mà Vũ Ngọc Phan nói đến trên đây là:
-
Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình (1929-1937) rồi Tổng đốc Hà Đông (1937-1941),
có công truy nã các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Cộng Sản.
Theo
Hoàng Văn Đào: "Mỗi khi bắt được một đảng viên VNQĐ, Vi Văn Định liền
ra lệnh đốt nhà, rồi bắt người về tra tấn rất dã man. Tú tài Nguyễn Đức Triệu
84 tuổi, chi bộ trưởng chi bộ Phụ Dực bị Vi Văn Định dùng chầy giã giò tra khảo
đến bỏ mạng"[6].
Thủ
bút của Nguyễn Hữu Đang ghi: "Cuối năm 1930, bị tổng đốc Vi Văn Định
(tay sai của đế quốc) bắt, tra tấn và giam giữ hai tháng rưỡi ở nhà lao thị xã
Thái Bình"[7].
Lúc đó Nguyễn Hữu Đang mới 17 tuổi.
Hoàng
Văn Đào cho biết thêm về Hội Đồng Đề Hình (tuy thành lập theo sắc lệnh ngày
26-11-1896, để xử các vụ án chính trị, nhưng không mấy khi hoạt động.): Khi
Pasquier làm Toàn quyền [năm 1928], ông thiết lập lại để xử Việt Nam Quốc Dân
Đảng. Hội Đồng Đề Hình có thể thiết lập ở bất cứ đâu, chỉ với một viên chức đầu
tỉnh, như Công sứ và vài người phụ thuộc.
"Toàn
quyền Pasquier ký nghị định thiết lập Hội Đồng Đề Hình (Commission Criminelle)
để xét xử VNQDĐ. Thành phần Hội Đồng Đề Hình gồm có:
Chánh
Hội Đồng: Brides, thanh tra hành chính, chính trị Bắc Việt[8]
Uỷ
viên: Nicolas, Biện lý.
Ủy
viên: Delsalle, Đốc lý Hà Nội.
Ủy
viên: Guet, Đại úy
Thông
ngôn: Hoàng Hữu Phương.
Lục
sự: Arnoux Patrick;
Hội
Đồng Đề Hình làm việc ngay trên tầng lầu ngục thất Hoả Lò, Hà Nội, nơi phòng
giam cụ Phan Sào Nam hồi trước đây [1925]. Số đảng viên VNQDĐ dần dần
bị bắt giam lên tới con số 227 người. (…) Riêng số đảng viên thuộc tỉnh
đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Hội Đồng Đề Hình đặc ủy cho tuần phủ tỉnh ấy là Vi Văn
Định được cứu xét. Họ Vi dùng chó bẹc-giê Đức cùng số lính dõng[9]
người Thổ tra tấn một cách vô cùng khủng khiếp, nên số đảng viên tỉnh Hưng Yên
đã bị bắt nhiều nhất, còn các tỉnh khác, các Trung Uỷ đã cố sức chịu đòn, không
chịu cung khai, Hội Đồng Đề Hình không tìm ra manh mối, nên giữ được an toàn."[10]
Vi
Văn Định làm tuần phủ Cao Bằng (1921-1922), tuần phủ Phúc Yên (1923-1927), tuần
phủ Hưng Yên (1927-1929), có lẽ công việc ông làm ở Hưng Yên, đã khiến ông được
thăng Tổng đốc Thái Bình (1929-1937). Ông đúng là người đắc lực giúp Toàn quyền
Pasquier tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng ở ngoài Bắc.
-
Tôn Thất Đàn, làm Tổng đổc Nghệ An-Hà Tĩnh (1922-1927) rồi về kinh làm Thượng
thư bộ Hình; năm 1930, ông được cử làm Tổng đốc Nghệ Tĩnh trở lại để "dẹp
loạn Cộng sản". Vũ Ngọc Phan viết rằng: "về sự tận tâm với người
Pháp trong công cuộc đàn áp thì có ông Tổng đốc Thái Bình và ông Tổng đốc Nghệ
Tĩnh hồi đó là nổi tiếng hơn cả", nhưng ông Tôn Thất Đàn có viết tập hồi
ký thanh minh việc này, xin xem tài liệu sau đây: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/lac-vien-tieu-su,
mà giáo sư Hoàng Dũng vừa chuyển cho chúng tôi.
Người
Việt chưa có quyền tự do lập đảng
Chữ
Hội kín để chỉ các đảng phái bí mật hồi đó, vì người Việt chưa có quyền
tự do lập đảng.
Trong
mục Tuần Lễ Một, có bài Tự do lập đảng (Ngày Nay số 83,
31-10-37), Hoàng Đạo viết rất rõ về vấn đề này và ông mong từ nay, những vụ án
lập hội kín, sẽ không còn xảy ra nữa. Dưới đây là nội dung toàn bài:
"Ông
Giám đốc Nha Tư Pháp Đông Dương mới gửi cho các ông Chưởng lý một tờ thông tư
rất quan trọng, ảnh hưởng sẽ rất lớn lao về phương diện chính trị.
Trong
tờ thông tư ấy, ông Giám đốc có ra ra lệnh từ nay các ông biện lý, các ông
chánh tòa và các ông công sứ sung chức chánh tòa không được dựa vào điều 91
luật hình thêm thắt riêng cho người Nam mà truy tố những người có chân trong
đảng Cộng sản hoặc lập thành một tiểu tổ Cộng sản.
Vậy
từ nay, những vụ án "lập hội kín", "âm mưu rối cuộc trị an"
sẽ thuộc về quá khứ, một quá khứ nặng nề. Và nếu đảng Cộng sản đã được công
nhiên coi như một đảng hợp với pháp luật, thì những đảng khác lý do cũng có thể
công nhiên thành lập được. Nghiã là từ nay, ta đã có quyền tự do lập đảng.
Nhưng…
có đảng tức là có hội. Mà hội muốn thành lập cần phải chính phủ cho phép, theo
đạo chỉ dụ năm 1933. Vậy nếu lập đảng, nghiã là lập hội, mà không xin phép, sẽ
là trái luật: nghiã là từ nay ta vẫn chưa có quyền tự do lập đảng vậy.
Trước
cái tình thế mập mờ nửa tối nửa sáng này, dân chúng thật đã khó tìm được lối
đi. Vậy muốn lối đi được quang đãng, không có gì hơn là Chính phủ Bình dân
tuyên hành một cách minh bạch sự tự do lập đảng ở Đông Dương và huỷ bỏ đạo chỉ
dụ phản động năm 1933."
Bài
này nói rõ thực trạng pháp luật năm 1937:
Ông
Giám đốc nha Tư pháp ra lệnh cho các ông toà, "không được dựa vào điều
91 luật hình thêm thắt riêng cho người Nam mà truy tố những người có chân trong
đảng Cộng sản hoặc lập thành một tiểu tổ Cộng sản". Tuy Hoàng Đạo
không nói rõ điều 91 luật hình sự thêm thắt vào cho người Nam là gì, nhưng ta
cũng có thể đoán rằng: người Việt không có quyền lập đảng, và vào đảng như đảng
cộng sản thì bị truy tố trước pháp luật.
Hoàng
Đạo cũng nói thẳng: Nếu Chính phủ Bình dân công khai tuyên bố cho tự do lập
đảng và bãi bỏ chỉ dụ 1933, thì ta mới có quyền tự do lập đảng.
Nhưng
cho đến khi toàn quyền Brévié về Pháp (1939), không thấy có chỉ dụ mới nào về
việc này. Và cuối năm 1939, hầu hết những nhà cách mạng chủ trương hội kín,
đều bị truy lùng và bị bắt.
Cũng
phải nói thêm rằng Phan Thanh vào Đảng Xã hội Pháp. Nhiều người viết
tiểu sử Phan Thanh sau này, ghi ông là đảng viên đảng Cộng sản, vì không hiểu
rõ vấn đề: hồi đó đảng Cộng sản còn ở trong bí mật. Nếu Phan Thanh là đảng viên
đảng Cộng sản, thì ông bị bắt ngay chứ không thể ra hội trường hùng biện bênh
vực quyền lợi cho dân chúng như ông đã làm. Và ông cũng không thể là nghị viên
của Viện Dân Biểu Bắc Kỳ (Bắc kỳ Nhân dân Đại biểu Viện – Chambre des
Représentants du Peuple de Tonkin).
Dân
chúng thuần thục dưới ách đô hộ
Dân
chúng, sau nhiều thập kỷ bị nhiễm độc bởi những sách lịch sử do thực dân viết
ra rồi người Việt chép lại, đều đổ trách nhiệm cho triều Nguyễn với chính sách
cấm đạo mà ta "mất nước". Trong những bài học lịch sử mà kẻ viết bài
này được học, không có một chương nào, dù chỉ một chương thôi, bàn về
chủ trương đánh chiếm thuộc địa của người Âu, từ thế kỷ XVI, để liên lạc việc
ấy với việc Việt Nam "mất nước" và chính sách của thực dân Pháp là
chính sách mà người da trắng đi cướp thuộc địa áp đặt trên các xứ da màu, từ
Phi đến Á.
Vì
vậy, những bài viết của Hoàng Đạo là cần thiết: phải trình bày cho người dân
biết nguồn cội của sự mất nước, biết bản chất của chế độ thực dân, biết lịch sử
chiếm hữu thuộc địa của người Âu trên các châu khác, để đưa dân ta ra khỏi tình
trạng dốt nát, khỏi thế thụ động và tự ti của con người bị đô hộ trong
ba phần tư thế kỷ, chỉ biết lặp lại những gì mẫu quốc dạy bảo.
Sau
các cuộc thanh trừng của Pasquier và Robin với sự trợ giúp của những tay sai
đắc lực trong đám quan trường, các phong trào cách mạng hầu như tan rã hết.
Đến
năm 1937, xã hội Việt Nam đã quen với chế độ thực dân, đã thuần
rồi, nhiều người tưởng mẫu quốc là nước mẹ thật, được phục vụ mẫu quốc
là vinh quang, là bổn phận.
Trường
hợp Tổng đốc Vi Văn Định là một điển hình: Hoàng Đạo chỉ viết có một bài chế
giễu ông ta mà báo Phong Hoá bị đình bản ba tháng. Với tội ác không thể chối
cãi được, nhưng Vi Văn Định vẫn được "kính nể", thậm chí các thanh
niên con nhà gia thế, nổi tiếng học giỏi, như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn
Thất Tùng, không ngần ngại theo nhau xin làm con rể, cháu rể ông, bởi vì người
Việt đã "thuần thục" rồi chăng? Việc tiếp tay với thực dân tiêu diệt
các phong trào cách mạng được một số người cho là phải, là "đích
đáng" chăng? Khó có thể hiểu được.
Trong
tình trạng ấy, ta không còn có thể viết Lưu cầu huyết lệ thư như Phan
Bội Châu, để kêu gọi lòng yêu nước của toàn dân; cũng không thể viết Đầu
Pháp chính phủ thư, như Phan Châu Trinh, dùng lời lẽ hạ mình với Pháp mà
"ngoa ngoắt bôi nhọ quốc dân và quan lại" theo nhận
định của Hoàng Xuân Hãn[11],
để lên án gắt gao triều đình Huế.
Bởi
buộc tội triều đình là sai, vì triều đình do viên Khâm sứ lãnh đạo, và ta lại
biết chắc, việc đánh chiếm thuộc địa là chính sách toàn cầu của người da trắng
trong nhiều thế kỷ và sự cai trị dã man của thực dân là do một số Toàn quyền
tàn ác, liên kết với bọn quan lại dã man tay sai thực dân mà ra. Chủ trương
Pháp Việt đề huề của Phan Châu Trinh thực ngây thơ, nếu không muốn nói là lầm
lẫn vì ông tin vào sự "thành thật" của thực dân Pháp.
Ta
cũng không thể kêu gọi dân đi biểu tình, cắt tóc, chống thuế, xin xâu nữa,
những phương pháp ấy được phong trào Duy Tân dấy lên hồi 1908 ở miền Trung,
đảng Cộng sản Đông Dương thực hiện năm 1930 ở Nghệ An, Hà Tĩnh, và đã phải chịu
những đàn áp đẫm máu. Hoặc cầu cạnh sự khoan hồng của chính phủ Pháp như Phan
Châu Trinh đã làm trong nhiều năm ở Pháp cũng vô hiệu.
Phan
Văn Trường, nhà cách mạng cầm đầu nhóm Ngũ Long, đã hết sức giúp Phan Châu
Trinh khi ông đến Pháp, sau này ghi lại trong hồi ký:
"Vị
nhân sĩ này [Phan Châu Trinh] tượng trưng cho xã
hội Annam xưa. Ông ra vào văn phòng của Bộ Thuộc Địa như một nhân vật được ưu
ái tín nhiệm (personna gratta), ông trình bày những quan điểm chính trị, đặc
biệt xin ân xá cho những người bạn cùng cảnh ngộ còn ở trong tù, nhưng không
bao giờ ông nhận được trả lời ngoài sự im lặng khinh bỉ. Sự chăm sóc hời
hợt của chính quyền thuộc địa lúc đầu, lạnh dần để cuối cùng chuyển sang ác cảm
và thù nghịch"[12].
Nguyễn
An Ninh, khi trở lại Pháp năm 1925 để đón Phan Châu Trinh về nước, cũng đã bực
bội than: ổng chả chịu học tiếng Pháp gì cả. Ở Pháp mười lăm năm mà
không học tiếng Pháp. Hơn một tháng giời trên tàu thủy ổng chỉ ôm mấy cuốn
sách chữ nho. Phan Châu Trinh còn phản đối cả việc nhóm trẻ viết bài chống
Pháp ký tên Nguyễn Ái Quốc, cho là vô bổ. Ông không thể hiểu vấn đề dân chủ một
cách tường tận qua những tân thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, bằng
những nhà tân học, tiếp nhận dân chủ, nhân quyền, qua các triết gia thời kỳ Ánh
Sáng của Pháp.
Ở
thời điểm 1937, thế giới đã tân tiến lắm. Sự tranh đấu cũng phải mô-đéc: Phải tranh
đấu công khai bằng ngòi bút, trên báo. Và như vậy phải có tài viết và có
kiến thức sâu rộng về những việc đem ra luận bàn.
Hình
thức tranh đấu này, đã bắt đầu từ năm 1912, tại Pháp với Phan Văn Trường, thủ
lãnh nhóm Ngũ Long, cùng với Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh
và Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh sau này.
Tranh
đấu hiện đại: Phan Văn Trường và nhóm Ngũ Long
Sau
khi các phong trào tranh đấu của nhóm cựu học Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,
Đông Kinh Nghiã Thục… thất bại, cuộc tranh đấu hiện đại bắt đầu với Phan Văn
Trường (1878-1933), từ năm 1912, tại Pháp với Hội Đồng Bào Thân Ái do
ông sáng lập.
Nhưng
phong trào cách mạng bất bạo động này, cho đến nay, rất ít người Việt Nam biết
đến. Chúng tôi đã viết về hoạt động của Phan Văn Trường và nhóm Ngũ Long trong
cuốn Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc[13],
ở đây chỉ xin tóm tắt những yếu tố chính:
Phan
Văn Trường sinh năm 1878, tại làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông (nay là Hà
Nội), học trường Dòng, trường Thông Ngôn, rồi làm phán sự ở Toà sứ. Năm 1908,
đậu vào ngạch tham tá, được gửi sang Paris làm giáo sư phụ giảng tiếng Việt tại
trường Ngôn Ngữ Đông Phương và học Luật. Nhập quốc tịch Pháp năm 1911, cùng năm
này, Phan Châu Trinh và con trai được chính quyền bảo hộ chấp nhận cho sang
Pháp.
Năm
1912, Phan Văn Trường đỗ cử nhân luật, vào luật sư đoàn, tập sự tại toà Thượng
thẩm Paris, và bắt đầu đấu tranh chống Pháp.
Năm
1912, Phan Văn Trường lập Hội Đồng Bào Thân Ái tại Paris; cùng với Phan
Châu Trinh, là hội người Việt Nam yêu nước đầu tiên tại hải ngoại. Phan Văn
Trường luôn luôn đi kèm và dịch cho Phan Châu Trinh. Ông sửa và dịch bản Trung
Kỳ dân biến thỉ mạt của Phan Châu Trinh sang tiếng Pháp, gửi cho Hội Nhân
Quyền, nội dung trình bày với chính phủ Pháp nỗi khổ của người dân Trung kỳ, vì
sưu cao thuế nặng, phải nổi lên chống lại và đã bị đàn áp; mong chính phủ Pháp
vì từ tâm, nghĩ lại, áp dụng chính sách khoan hồng. Bài này Phan Văn Trường gửi
đăng báo của Hội Nhân Quyền ngày 31-10-1912, và ông chuyển đến Bộ Thuộc địa
ngày 25-9-1912. Đầu năm 1913, toàn quyền Albert Sarraut hứa thả dần tù nhân
chính trị trong vụ Trung Kỳ dân biến.
Nhưng
biện pháp trừng phạt Phan Văn Trường cũng bắt đầu: Trường Ngôn Ngữ Đông Phương
được lệnh phải sa thải ông, và gia đình ông ở Hà Nội trực tiếp bị liên lụy:
Thừa dịp Quang phục hội (của Phan Bội Châu) ném bom giết chết hai sĩ quan Pháp
tại Hà Nội tháng 3-1913, mật thám bắt anh em Phan Văn Trường: Phan Tuấn Phong
(anh cả) và Phan Trắc Cư, con trai 13 tuổi, cùng Phan Trọng Kiên (em). Tìm thấy
thư từ liên lạc với ông Trường, hai ông Phong và Kiên bị kết án chung thân biệt
xứ vì tội "giết quan tư Chapuis và Montgrand", bị đày sang
Nouvelle Calédonie cùng với Cư, 13 tuổi.
Ngày
13-3-1914, Phan Văn Trường diễn thuyết tại trường Cao đẳng Xã hội (École des
Hautes Études Sociales), đề tài: Thỉnh nguyện của người bản xứ (Les
revendications indigènes), phê phán chính sách thực dân từ nguồn cội, thời La
Mã đã đi chinh phục các nước khác; bài diễn thuyết này làm phe thực dân nổi
giận, và cũng là bài mở đầu cho bản Thỉnh nguyện của dân tộc Annam (Les
revendications du peuple annamite), ông sẽ thảo năm 1919, năm năm sau.
-
Tháng 9-1914, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt vì tội "quấy
rối trị an", bị tù đến tháng 7-1915. Hội Đồng Bào Thân Ái bị
giải tán.
Ra
tù, Phan Văn Trường được gửi xuống công binh xưởng Toulouse làm thông dịch viên
cho lính thợ, ông cùng anh em Nguyễn Thế Truyền (lúc đó Truyền đang học kỹ sư
hoá học), đều là sinh viên: Nguyễn Thế Song (em), Nguyễn Thế Phu (chú) Nguyễn
Thế Tắc (em họ) tổ chức nhóm An Nam Yêu Nước với những sĩ quan và hạ sĩ
quan người Việt, tại Toulouse.
Năm
1918, Nguyễn An Ninh sang Pháp và tháng 6-1919, Nguyễn Tất Thành, từ Anh sang
Paris, cùng nhập tổ chức. Họ được gọi là nhóm Ngũ Long, gồm có: Phan Văn
Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành,
thường hội họp ở nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins, Paris 13.
-
Tháng 6-1919, Phan Văn Trường viết bản Les revendications du peuple annamite
(Thỉnh nguyện của dân tộc Annam) giao cho Nguyễn Tất Thành đem đến Hội
nghị Hoà bình đang họp tại Versailles. Ngày 18-6-1919, bản thỉnh nguyện được
đăng trên báo L’Humanité, dưới tựa đề: Les droits des peuples (Quyền của
các dân tộc); nội dung yêu cầu tám điểm:
1-
Đại xá tất cả tù binh chính trị bản xứ.
2-
Cải tổ luật pháp Đông Dương: bảo đảm quyền lợi cho người bản xứ như người Âu.
3-
Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
4-
Tư do lập hội và hội họp.
5-
Tự do di dân và du lịch ra nước ngoài.
6-
Tự do giáo dục và xây dựng trường kỹ thuật và thực nghiệp cho người bản xứ ở
các tỉnh.
7-
Thay thế chế độ pháp lý.
8-
Có đại diện dân biểu bản xứ ở nghị viện Pháp.
Ký
tên: Thay mặt nhóm An Nam Yêu Nước, Nguyễn Ái Quấc.
Đây
là văn bản đầu tiên của người Việt đòi tự do dân chủ, gửi đến chính
quyền Pháp và Đồng minh, được báo chí chống thực dân hỗ trợ, gây tiếng
vang lớn.
Kể
từ mùa thu năm 1919, nhóm An Nam Yêu Nước có cột thường trực trên các
báo cánh tả ở Paris, ban đầu ký tên Nguyễn Ái Quấc, sau đổi thành Nguyễn Ái
Quốc, viết những bài ngắn đả kích chế độ thực dân dưới dạng châm biếm, do Phan
Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh là ba người giỏi tiếng Pháp,
thay nhau viết, đặc biệt giọng Nguyễn Thế Truyền rất hóm hỉnh. Độc giả rất
thích. Đồng thời họ thay phiên nhau diễn thuyết tại các diễn đàn tự do khu La
tinh, chủ đích đánh vào lòng tự hào của dân tộc Pháp, kêu gọi người Pháp bãi bỏ
chính sách thực dân. Trong thời kỳ này Phan Văn Trường bị Albert Sarraut, lúc
đó đã về Pháp, tìm mọi cách truy bách. Nhưng sự tranh đấu trên đất Pháp, không
mang lại kết quả thực tiễn, phe thực dân vẫn thắng thế, lại không đánh động
được dư luận trong nước. Họ bèn tìm cách khác:
-
Nguyễn An Ninh về nước năm 1922, lập báo La Cloche fêlée (Chuông rè) ở Sài Gòn.
-
Phan Văn Trường về nước năm 1923, lập báo L’Annam ở Sài Gòn.
-
Nguyễn Tất Thành đi Nga năm 1923, ông còn dùng tên Nguyễn Ái Quốc trong một
thời gian trước khi lấy các bí danh khác.
-
Phan Châu Trinh về nước năm 1925. Mất năm 1926, tại Sài Gòn.
-
Nguyễn Thế Truyền ở lại, tiếp tục hoạt động tại Pháp.
Phan
Văn Trường về nước làm báo La Cloche fêlée cùng Nguyễn An Ninh, sau mở rộng với
nhóm đệ tứ Tạ Thu Thâu, ra báo L’Annam năm 1926. Ông bị kết án 2 năm tù vì báo
L’Annam đăng bài kêu gọi hội Quốc Liên đòi quyền độc lập cho Việt Nam[14],
và cổ động làm lễ truy điệu Lương Văn Can. Năm 1928, ông sang Paris chống án.
Toà phá án y án, Phan Văn Trường vào tù tháng 6-1929, luật sư Marius Moutet,
bạn ông, vận động ân xá, được trả tự do, tháng 2-1930, ông trở về Sài Gòn, lúc
đó Nguyễn An Ninh đã bị tù lần thứ hai và toàn quyền Pasquier đang đàn áp đẫm
máu Việt Nam Quốc Dân Đảng và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phan Văn Trường
phải ngừng hoạt động, mở phòng cố vấn pháp luật. Năm 1933, ông ra Bắc thăm gia
đình và mất tại Hà Nội vì bệnh ung thư gan.
Báo
Phong Hóa số 44 (28-4-33), đăng tin buồn, dè dặt, mà đầy ý nghiã:
"Cụ
Phan Văn Trường tạ thế chiều hôm 22 Avril tại phố Gambetta số nhà 25. Năm nay
cụ 58 tuổi. Theo như lời dặn cuối cùng của cụ, đám tang sáng hôm 23 cử hành một
cách rất đơn giản và tuy tang gia không báo tin buồn, không gửi giấy cáo phó mà
người đi đưa đám cũng đông lắm. Linh cữu cụ an táng tại làng Sét thuộc huyện
Thanh Trì.
Phong
Hóa đồng nhân xin có lời trân trọng kính viếng cụ và chia buồn cùng tang
gia".
Hai
năm sau, Ngày Nay số 9 (23-4-35) đăng lời Tưởng niệm Trạng sư Phan Văn
Trường kèm theo bức ảnh trên đây, lời in đậm, cân nhắc từng chữ:
"Trạng
sư Phan Văn Trường, sinh năm 1887, mất ngày 20 tháng tư năm 1934, đến nay vừa
đúng một năm. Ông đỗ luật khoa tiến sĩ, rồi làm trạng sư, làm báo. Suốt đời,
lúc nào ông cũng tận tụy với công việc chung. Cuộc đời xã hội và chính trị của
ông rất hoạt động".
Tờ
báo in nhầm: mất ngày 20 tháng tư năm 1934, thật ra là: ngày 22
tháng tư năm 1933.
Ba
chữ công việc chung ở đây, có nghiã là việc chống Pháp. Phan Văn Trường
là nhà cách mạng đầu tiên chủ trương tranh đấu theo đường lối hiện đại,
nhưng cho đến nay rất ít người biết đến ông. Nhưng phong cách và tư tưởng tranh
đấu trong 20 năm của ông, đã ảnh hưởng đến nhóm Tự Lực văn đoàn.
Sử
gia Pháp Pierre Brocheux, trong bài Phan Văn Trường, 1876-1933. Acteur d’une
histoire partagée (Phan Văn Trường, 1876-1999. Người chủ động trong một
lịch sử phân tranh), viết năm 2014[15],
về Phan Văn Trường "người thầy của nhà nho Phan Châu Trinh, khi ông
Phan sống lưu đày ở Pháp từ 1911 đến 1926" (il fut le mentor du lettré
Phan Châu Trinh lorsque celui-ci vécut exilé en France de 1911 à 1926), như
sau:
"Cùng
với bốn bạn đồng hương Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành (nổi tiếng với tên Hồ
Chí Minh), Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường lập nhóm gọi là
Ngũ Long, trong thời kỳ ông ở Pháp (1908-1925). Nhưng trái ngược với hai người
đầu, ông không được hiện diện trên thánh miếu của dân tộc Việt Nam, không cả sự
được biết đến và nổi danh như hai vị đồng hương kia. Một người giấu tên, cho
biết, có một phố duy nhất – không phải đại lộ – ở thành phố Hồ Chí Minh – mang
tên ông. Chẳng hay ông có một lăng mộ, một bia đá, hay một tấm bảng truy niệm,
ở một thành phố lớn nào chăng? Trong nước Việt Nam hiện thời, danh tiếng ông và
Nguyễn An Ninh, đã bị lu mờ trước Hồ Chí Minh, riêng Nguyễn Thế Truyền, đã chịu
thiệt thòi vì chống cộng và chống nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên bị
loại khỏi thiên anh hùng ca dân tộc."[16]
Nguyễn
Thế Truyền (1898-1969), là một trường hợp đặc
biệt: được mẫu quốc nuôi để chống lại mẫu quốc.
Ông
sinh ngày 17-12-1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, trong một gia đình
khoa bảng nổi tiếng, là cháu nội tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, người đã bị
bom của Phạm Văn Tráng (Quang Phục Hội của Phan Bội Châu) hạ sát ngày
12-4-1913. Nguyễn Thế Truyền được Dupuy, phó công sứ Pháp ở Thái Bình đem về
Pháp du học khoảng 1908, 1910, lúc 10- 12 tuổi, học trường Parangon. Trường này
có mục đích đào tạo những trẻ em thuộc địa thông minh để trở thành "công
dân tốt", trung thành với mẫu quốc. Là học sinh xuất sắc, Nguyễn Thế
Truyền được học bổng Alliance Française từ 1913 đến 1922, ông đã học kỹ sư hoá
học, tiến sĩ, đậu cử nhân triết năm 1922. Trong thời kỳ này, ông về nước hai
lần, học chữ Hán.
Nguyễn
Thế Truyền gặp Phan Văn Trường từ hồi còn học trường Parangon, hoạt động chung
từ thời ở Toulouse. Diễn thuyết, viết báo ký tên Nguyễn Ái Quốc.
Khi
các bạn đồng hành về nước, Nguyễn Thế Truyền ở lại hoạt động tại Pháp. Năm 1922
ông làm phó tổng thư ký hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale) kiêm chủ
bút tờ Le Paria, và vào đảng Cộng sản. Ông thu thập tài liệu ở thuộc địa châu
Phi và của lính thợ Việt Nam, do Phan Văn Trường ghi chép từ khi ở Toulouse,
soạn thành tập Le procès de la colonisation (Bản án chế độ thực dân),
viết tựa và đề tên tác giả Nguyễn Ái Quốc, Librairie du Travail phát hành tháng
5 năm 1925. Lúc đó, Nguyễn Tất Thành đã sang Nga được hai năm. Sau đó ông bỏ
đảng Cộng sản, rời tờ Le Paria, lập tờ Việt Nam Hồn và đảng Annam Độc Lập.
Năm
1927, Nguyễn Thế Truyền về nước hoạt động, bị theo dõi, bị bắt năm 1933, nhờ
hội chống Thực dân can thiệp mới được tha. Dân làng Hành Thiện, quê ông, ghi
nhớ hai thành tích:
-
Tát tổng đốc Vi Văn Định
-
Kiện chính quyền bảo hộ[17].
Năm
1934, ông trở lại Pháp, hoạt động cho Liên minh chống chính sách thực dân
(Fédération anticolonialiste) do Marius Moutet và Joseph Lagrosillière sáng lập
năm 1935. Ông thành lập Tập đoàn Đông Dương (Rassemblement Indochinoise)
năm 1936, vận động những tổ chức nhân quyền bênh vực Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn
Tạo, Tạ Thu Thâu… đang bị tù.
Tháng
6 năm 1936, ông gửi Thỉnh nguyện thư của dân Đông Dương lên chính phủ
Pháp yêu cầu triệt hồi toàn quyền Robin về nước.
Năm
1937, ông làm Đại biểu của Uỷ ban Báo Giới Bắc kỳ tại Pháp (Ngày Nay số 84).
Năm 1938, ông trở về Việt Nam. Năm 1941, ông bị bắt cùng với em là Nguyễn Thế
Song, bị đi đầy ở Madagascar, đến 1946, Marius Moutet mới can thiệp được cho
hai anh em về nước. Ông mất năm 1969, tại Sài Gòn.
Nguyễn
An Ninh (1900-1943), sinh ngày 5-9-1900 tại Chợ Lớn. Học trường Tây
từ nhỏ, nổi tiếng đánh Tây. Năm 1918, sang Pháp du học, vào nhóm Ngũ Long, diễn
thuyết và viết bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đậu cử nhân luật năm 1920. Về nước
rồi sang lại Pháp, chuẩn bị luận án tiến sĩ. Là nhà cách mạng đầu tiên trong
nhóm Ngũ Long quyết định về nước hoạt động, từ năm 1922, lập báo La Cloche
fêlée (Chuông rè). Ông bị bắt và bị tù tất cả 5 lần từ 1926 đến 1939:
Lần
thứ nhất: ngày 20-3-26, bị kết án 18 tháng tù vì tội phá rối trị an, viết
báo Chuông Rè, xúi dân làm loạn.
Lần
thứ hai: tháng 9-28, bị kết án 3 năm tù vì tội lập Hội kín Nguyễn An Ninh,
cuối năm 1930 được tha.
Lần
thứ ba: tháng 4-36, bị bắt về tội viết báo La Lutte (Tranh
Đấu) quy tụ nhóm đệ tứ Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Lê Văn Thử, Phan Văn Hùm,
phá rối trị an; tháng 11-36, được tha.
Lần
thứ tư: tháng 7-37, kết án 5 năm tù, 5 năm biệt xứ vì tội tổ chức biểu tình
ở huyện Càn Long, xúi giục dân chúng nổi loạn. Tháng 1-39, được ân xá.
Lần
thứ năm: ngày 5-10-39, đệ nhị thế chiến bùng nổ, ông bị bắt cùng với nhiều nhà
cách mạng khác, tội phá rối trị án, xúi giục nông dân, thợ thuyền nổi loạn
chống chính phủ… Bị kết án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ. Nguyễn An Ninh mất tại
Côn Đảo ngày 14-8-1943.
Chiến
thuật của Hoàng Đạo
Đi
theo con đường đấu tranh bằng ngòi bút, nhưng rút kinh nghiệm của nhóm Ngũ
Long, lại là luật gia như Phan Văn Trường, Hoàng Đạo chuẩn bị kỹ càng những
điều sẽ viết trên Ngày Nay, để chính quyền thuộc địa không thể bắt bẻ được,
cũng không cho vào tù được. Hoàng Đạo đến sau, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng hơn
nhóm Ngũ Long, vì lý thuyết của ông viết bằng tiếng Việt, trên một tờ tạp chí
có đông độc giả nhất Việt Nam, trong khi Nguyễn An Ninh và nhóm Đệ tứ trong Nam
viết tiếng Pháp, nên chỉ truyền đạt được trong khối trí thức biết tiếng Pháp.
Nên có thể nói lý thuyết của Hoàng Đạo, không chỉ ở trong vòng Tự Lực văn đoàn
mà còn có ảnh hưởng chung cho cả một thế hệ thanh niên yêu nước.
Viết
tiếng Việt, người Việt sẽ đọc những bài này, để hiểu rõ nguồn cội của chế độ
thực dân, và phải hiểu thế nào là tự do, mới có thể tham gia tranh đấu cho độc
lập và dân chủ. Sau nữa, ông còn gửi đến những người cai trị có đầu óc cởi mở
lúc bấy giờ, như Thống sứ Chatel, Toàn quyền Brévié, mong họ sẽ đọc báo Ngày
Nay qua thông ngôn, hy vọng họ hiểu và thay đổi chính sách cai trị ở thuộc địa.
Đó
là những lý do chính khiến Hoàng Đạo viết loạt bài: Vấn đề thuộc địa,
Chính trị và đảng phái, Vấn đề cần lao và Công dân giáo dục.
(Còn
tiếp)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]Hoàng
Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt tái bản kỳ 4, 2006,
California, trang 25-27-30 và 147.
[2]
Khái Hưng, Bọn thực dân Pháp vô nhân đạo đã diễn một tấn thảm kịch trên sân
khấu Cổ Am, Ngày Nay kỷ nguyên mới số 2 (12-5-45).
[3]
Nguyên văn điện tín của Robin: "Village Coam, province de Haiduong, où
s’était refugiée bande rebelles ayant mis à mort sous Préfet de Vinhbao, a été
bombardé hier par escadrille Hanoi. Vous prie donner large publicité et ajoute
que tout village qui se mettra dans situation analogue subira impitoyablement
le même sort." (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt
tái bản kỳ 4, 2006, California, trang 117).
[4]
Chú thích của Vũ Ngọc Phan: Madelaine Paz nói có 1.094 người bị kết án nhưng
theo các báo xuất bản trong khoảng 1929-1933, thì thấy tổng số là 1.100 người.
[5]
Số này gồm cả những người bị án từ trước năm 1929 (chú thích của Vũ Ngọc Phan).
[6]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt tái bản kỳ 4, 2006,
California, trang 116.
[7]
Thủ bút của Nguyễn Hữu Đang, tài liệu của Thái Kế Toại, in trong bài Nguyễn Hữu Đang, thủ lĩnh một cuộc cách mạng
của Thái Kế Toại, Vanviet.info, ngày 12-5-2021.
[8]
Brides được người dân Bắc Việt liệt vào hạng "Tứ Hung": nhất Đác
(Darles), nhì Ke (Eckert), tam Ma (Delamare), tứ Bích (Brides) (chú thích của
Hoàng Văn Đào; Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 55). Darles là người
đã tra tấn dã man Lương Ngọc Quyến (con Lương Văn Can) xâu chân bằng xích sắt
xuyên qua da thịt.
[9]
Lính dõng là dân binh miền núi do Pháp lập ra.
[10]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 55-56:
[11]
Trong bài Tựa cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp của Thu
Trang, Đông Nam Á, Paris, 1983, trang 8.
[12]
Hồi ký Phan Văn Trường: Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou
la Vérité sur L’Indochine (Một chuyện âm mưu của người Việt ở Paris hay Sự
thật về Đông Dương), Nxb L’ Insomniaque, Paris, 2003, trang 72).
[13]
Xem Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, từ chương 15 đến chương
20, nxb Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ, trang 424-482, hay trên mạng điện tử: thuykhue.free.fr
.
[14]
Bài của báo Việt Nam Hồn và đảng Annam Độc Lập của Nguyễn Thế Truyền, bên Pháp
gửi về.
[15]
In trên tạp chí Moussons, https://journals.openedition.org/moussons/3013.
[16]
Nguyên văn tiếng Pháp: "En compagnie de ses quatre compatriotes Phan
Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành (plus connu sous le nom de Hồ Chí Minh), Nguyễn An
Ninh et Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trương formait le groupe dit des Cinq
Dragons durant son séjour en France (1908-1925). Mais contrairement aux deux
premiers d’entre eux, Phan Văn Trương ne figure pas au panthéon national du
Viêt Nam, il n’a pas la même visibilité ni la même renommée que ses deux
compatriotes. Un anonyme a fait remarquer qu’une seule rue – pas une grande
artère – d’Hô Chi Minh-Ville porte son nom. Un mausolée, une stèle ou une
plaque commémorative dans une grande ville du pays existent-ils ? Dans le Viêt
Nam d’aujourd’hui, sa renommée, comme celle de Nguyễn An Ninh, a été éclipsée
par celle de Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thế Truyền, pour sa part, a beaucoup pâti de
son opposition au communisme et à la République démocratique du Viêt Nam ; il a
été mis en marge de l’épopée nationale".
[17] Xem: Đặng Hữu Thụ, Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tác giả xuất bản, Paris 1993.