Văn hào nước Anh G.K. Chesterton (1874 – 1936) tương truyền có câu: “Văn học là một món xa xỉ –
hư cấu là một điều thiết thực.” Nguyên văn câu tiếng Anh – “Literature is a
luxury; fiction is a necessity.” – lời văn ngắn gọn, lướt qua có vẻ đơn giản,
nhưng kỳ thực bao hàm cả một thế giới quan, một triết lý sống. Để dịch ra tiếng
Việt mà truyền tải hết ý nghĩa của câu văn lại càng không dễ dàng – chúng ta,
những người cầm bút viết văn tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ, mới chỉ sử dụng và
nhìn nhận thế giới qua những khái niệm văn học, hư cấu, v.v. này
non nớt hai trăm năm qua. Tức là buổi gặp gỡ không tiền khoáng hậu của hai thế giới Âu châu và
Đông Á vào thế kỷ 19, mà kết
quả là sự phát triển đột biến của ngôn ngữ và tư duy các nước Đông Á nằm trong
khuôn văn hóa Hán tự – tức là những vùng nước sử dụng chữ Hán – thông
qua các bản dịch tân thư của học giả Nhật Bổn thời Minh Trị. Tân thư 新書là tên gọi chung của các sách
Tây phương được dịch ra Hán văn và Nhật văn – trong tân
thư có cái gọi là tân danh từ 新名詞, tức là những
từ vựng chuyên môn dịch ra từ các môn học thuật và văn hóa Tây phương. Tân
danh từ đa phần không phải do các dịch giả thế kỷ 19 tự sáng tạo, mà là do
họ tìm những từ ngữ có sẵn trong kinh điển, có sẵn trong thơ văn các triều đại
rồi mượn làm từ vựng để dịch một khái niệm Tây phương nào đó.
Kết quả của sự vay mượn này thường có hai xu hướng
– một là sự thu hẹp ý nghĩa của những khái niệm vốn đa nghĩa và trừu tượng
thành một tân danh từ tương đối hạn hẹp. Từ văn học 文學 chẳng
hạn, vốn mang một nghĩa là sự tu dưỡng của văn chương 文章,
mà văn chương lại có nghĩa rất rộng bao hàm cả đức hạnh, lễ nhạc, pháp độ.
Từ thời Tiền Tần xuyên suốt lịch sử các triều đại, cổ nhân dùng chữ văn học,
chữ văn chương để nói nhiều thứ mà không nhất thiết đã liên quan chủ yếu
đến việc viết lách, ra đời tác phẩm. Đương nhiên, ở thời cổ đại và trung đại văn
học và văn chương – trong một số bối cảnh và theo một cách hiểu hạn
hẹp, vẫn có liên quan gì đó đến cái mà sau này chúng ta gọi là văn học, văn
chương. Tuy nhiên, từ thế kỷ 19 trở đi, khi văn học và văn chương
đã được mượn để dịch khái niệm literature của Tây phương, khái niệm văn
học và văn chương của chúng ta bị thu gọn lại và nghèo nàn đi, cái
nghĩa hạn hẹp trước kia bấy giờ đã trở nên nghĩa duy nhất – trừ phi là người
chuyên về cổ học, làm việc với kinh điển và cổ văn, hầu như chẳng còn ai liên hệ
văn học với đức hạnh hay lễ nhạc, chẳng còn ai hình dung được một thứ văn
chương mà không liên quan đến sách vở, xuất bản, hay độc giả.
Xu hướng thứ nhì, khi mượn chữ nghĩa trong kinh điển
làm tân danh từ, là mở rộng và cố định hóa ý nghĩa của một từ nào đó có
thể chỉ được sử dụng rải rác trong kinh điển và trước kia không hề mang tính thuật
ngữ, thế rồi mượn từ này để làm một tân danh từ mang tính chính thức và
phổ thông. Từ hư cấu 虛構 là một ví dụ
điển hình cho hiện tượng này – hai chữ hư cấu đã xuất hiện rải rác trong
thơ văn thời Hán và Nam Triều như trong bài Vũ quân phú 武軍賦của Trần Lâm 陳琳 (? – 217) với
nghĩa là “xây dựng trên không trung”, hay trong Hậu Hán thư 後漢書 của Phạm Diệp范曄
(398 – 445) với nghĩa là “không
căn cứ mà tưởng tượng ra”, nhưng hư cấu ở đây không phải thuật ngữ, lại
càng không phải một phạm trù hay lý thuyết sáng tác văn học. Ngày nay, từ hư
cấu đã đi vào tiếng Việt phổ thông với tư cách một thuật ngữ nói về thể loại
văn học tương phản với văn học tả thực, tâm thái của độc giả hiện đại cũng dần
dần bị chia đôi theo thế giới quan nhị phân đối lập chặt chẽ giữa tả thực và hư
cấu.
Xin trở lại danh ngôn của G.K.
Chesterton. Dùng chữ văn học để dịch chữ literature hầu như đã
không có lựa chọn khác, coi như tạm được. Thế còn chữ fiction kia thì
sao? Chữ hư cấu hơi mang sắc thái tiêu cực, trong khi câu nói của
Chesterton đề cao giá trị của hư cấu còn trên cả văn học. Trong
tiếng Việt đương đại, chúng ta còn một số từ vựng gốc Hán để lựa chọn khi dịch
chữ fiction – giả tưởng 假想, viễn tưởng
遠想, chẳng hạn. Những từ này có thể xem như là tân
danh từ của riêng người Việt, tuy có trong tiếng Trung đương đại, nhưng
không được sử dụng như thuật ngữ để miêu tả khái niệm văn học hư cấu. Tuy
nhiên, sắc thái của hai từ này lại càng không thích hợp để dịch câu nói của
Chesterton.
Tôi cho rằng, sự khó khăn tôi gặp phải khi dịch câu
này ra tiếng Việt, chỉ nằm một phần ở sự bất cập của cá nhân tôi – còn lại phản
ánh một vấn đề lịch sử vẫn còn tiềm ẩn trong cách chúng ta – những người Việt
Nam cầm bút và viết văn ở đầu thế kỷ 21 – nhìn nhận văn học. Căn bản, chúng
ta chưa có thói quen phân biệt rạch ròi giữa văn tả thực và văn hư cấu. Điều
này chưa chắc đã là đặc điểm gì của tác giả và độc giả Việt Nam và Đông Á,
nhưng cứ tạm lấy văn học Trung Quốc và Việt Nam làm ví dụ. Hồng Mại 洪邁
(1123 – 1202) đời Tống
nổi tiếng với Di kiên
chí 夷堅志 hay Bồ Tùng Linh 蒲松齡 (1640 – 1715)
đời Thanh nổi tiếng với Liêu trai chí dị 聊齋志異 đều là những
tác giả và tác phẩm tầm cỡ, có vị trí trong văn học sử Đông Á. Hai tác phẩm này
của họ đều ghi chép những câu chuyện ly kỳ liên quan đến hồ ly, quỷ quái, ma phật
– những thứ mà ngày nay chúng ta nhất loạt quy vào thể loại văn học hư cấu. Đồng
thời, họ đều khẳng định họ chỉ chép lại những chuyện tai nghe mắt thấy, lại
miêu tả rất mực chi tiết về tên tuổi, quê quán, chức tước của nhân vật, về thời
điểm, địa điểm, hoàn cảnh của sự kiện, về phản ứng và dư luận của người đương
thời, v.v. Đến nỗi, trong học giới ngày nay Di kiên chí của Hồng Mại được
tham khảo và trích dẫn như một nguồn tài liệu có thể nói lên nhiều điều về kinh
tế và xã hội đời Tống.
Không phải riêng dòng tác phẩm chí
quái, chí dị mới thế. Ngay cả trong chính sử cũng có hiện tượng này. Khi dạy Đại
Việt sử ký toàn thư 大越史記全書, tôi hay đặt câu hỏi với học trò: “Trong phần
Ngoại Kỷ, tại sao Ngô Sĩ Liên chỉ gạt bỏ chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là
hoang đường, còn lại chuyện kim quy, nỏ thần không những không gạt bỏ mà còn cố
sức giải thích cho bằng được theo lý lẽ khoa học?” Hoặc giả, “Tại sao Đại Việt
sử ký toàn thư có niên đại thành thư muộn nhất, mà khi so với Tư trị thông giám 資治通鑒, Hán thư 漢書, Sử ký 史記
– là những tác phẩm chính sử được sử thần Đại Việt tham khảo khi soạn Đại Việt
sử ký toàn thư – mà trong một số trường hợp, chẳng hạn câu chuyện Triệu Đà,
Đại Việt sử ký toàn thư lại chi tiết hơn cả những nguồn tham khảo kia?
Triệu Đà và Lục Giả, sứ thần nhà Hán, ngồi nói chuyện với nhau – ai là người
chép lại cuộc trò chuyện ấy? Sử thần Đại Việt đã căn cứ vào đâu để thay đổi những
chi tiết như câu chữ của hai người, hoặc thêm thắt những chi tiết như nét mặt
hay giọng nói hay cảm xúc của nhân vật?” Có lần tôi nghe thoáng qua vài người hải
nội chê sử gia Tạ Chí Đại Trường (1938 – 2016) làm nghiên cứu cẩu thả, tại sao trong
cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771
đến 1802 lại
trích dẫn Hoàng Lê nhất thống chí 皇黎一統志 như một nguồn sử liệu khả tín – cuốn đấy chẳng phải là tiểu thuyết chương hồi sao? Đúng
vậy, nhưng điều họ chưa biết là tiểu thuyết 小說cũng thuộc những từ như văn học hay văn chương, một
khái niệm bị thu hẹp ý nghĩa
khi mượn làm tân danh từ – trước thế kỷ 19, khái niệm tiểu thuyết còn bao gồm cả cái gọi là dã sử 野史, mà chính các sử thần soạn chính sử lại
căn cứ vào tiểu thuyết, vào dã sử để bổ sung và đối chiếu các tiểu
tiết trong chính sử. Đâu là ranh giới giữa tả thực và hư cấu, sự thật lịch sử
và tưởng tượng?
Phải chăng cổ nhân đã nhạy cảm với những
dòng chân lý huyền bí tiềm ẩn sâu trong vũ trụ, mà chúng ta – những kẻ sinh sau
đẻ muộn trong buổi mạt đại này – đã bị chai cứng, không còn cảm nhận rõ rệt được
nữa? Phải chăng chúng ta bị quản thúc trong chính những hạn chế trắng đen chúng
ta tự đặt ra và đặt tên cho gông cùm mình những danh hiệu mỹ miều như “khoa
học”, “khách quan”, “duy vật”? Tôi nghĩ, cổ nhân không phải
không biết điều này – ngược lại, cổ nhân đã thấy trước ngõ cụt của lối suy
nghĩ, lối sống hạn hẹp này. Chính vì thế, bên cạnh những chân lý của khoa học,
những chân lý của minh triết, họ đã không khước từ những dòng chân lý khác –
chân lý của ngụ ngôn, chân lý của nghịch lý, chân lý của những điều nằm ngoài
kinh nghiệm và ngôn ngữ thường nhật của con người. Hoặc, nói như Chesterton là
chân lý và sự thiết thực của hư cấu.
Dù tác giả không viết cổ văn, đọc tập
truyện Nguyễn Minh Nữu, tôi đã không ngăn được những trầm tư, những cảm khái ấy
dậy lên trong tôi một cách hồn nhiên và bất chợt. Nguyễn Minh Nữu xuất hiện
trên văn đàn Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1971 – đến nay
đã tròn năm chục năm đời người chan chứa những biến cố thương hải tang điền của
lịch sử nhân loại, của lịch sử đất nước, của lịch sử gia tộc và cá nhân. Phải
chăng, như một định mệnh lịch sử, nét bút của Nguyễn Minh Nữu cũng mang đầy những
vết thương, những ấp ủ, những chờ mong dở dang và thầm kín của thời gian và ký ức?
Tôi nghĩ, như đối với bất cứ tác giả nào, biết thêm về lai lịch, về thời cuộc của
Nguyễn Minh Nữu thì sẽ hiểu được thêm một phần về tác phẩm của ông. Tuy nhiên,
với Nguyễn Minh Nữu thì biết thêm những cái tiểu tiết ngoại diện ấy cũng chưa đủ
– mà thậm chí, cũng không cần thiết lắm. Nguyễn Minh Nữu không phải là nhà cầm
bút của sự vĩ đại – tác phẩm văn vần văn xuôi của ông đều có quy mô và số lượng
khiêm nhượng, giữa một thế hệ bao la là đại gia, danh gia cuồn cuộn như sóng
trường giang tuôn ra bể đông, thơ văn Nguyễn Minh Nữu như thể một ngọn tiểu
khê, chảy âm thầm theo một lối của riêng mình:
…
Trong chừng mực nào đó
Giữa hiu quạnh đời người
Có một giòng sông nhỏ
Chẩy êm đềm xa xôi
…
(Trong chừng mực nào đó)
Lối
riêng ấy, nếu không có bề ngang rộng bát ngát bao trùm cả vũ trụ nhân sinh xưa
nay, thì lại có chiều sâu thâm nhập vào những vùng sâu kín tưởng chừng bất khả
xâm phạm của tâm khảm con người. Giữa những tấn bi kịch đại hưng vong của nước
nhà, những cuộc tang thương biến huyễn của cả một nền văn hóa, Nguyễn Minh Nữu
đã chọn một con đường riêng khi chấp bút – Nguyễn Minh Nữu kể lại những câu
chuyện “tiểu hưng vong” của từng cá nhân, những câu chuyện tang thương biến huyễn
của những cuộc tình mong manh giữa thời loạn. Những vấn đề mang tính thời sự
không được tác giả miêu tả trực tiếp – gián hoặc có chăng nữa, cũng chỉ là vài
nét qua loa, không làm nặng không khí. Văn của Nguyễn Minh Nữu không phải thứ
văn viết ra như một cái cớ để lập ngôn về chính trị hay lịch sử, đạo đức; cũng
không hẳn chỉ là một thứ văn viết ra để gửi gắm những nỗi niềm cá nhân qua lời
ngụ ngôn mơ hồ. Kỳ thực, nếu ai đó buộc tôi phải truy cho ra nguồn cội của văn
tâm Nguyễn Minh Nữu, tôi sẽ rất lúng túng – cũng như nhật nguyệt là văn của trời,
non sông là văn của đất, văn tâm của Nguyễn Minh Nữu dường như không có tuổi. Những
truyện viết hồi tác giả còn là chàng lính phương Nam, tuổi đời mới trên đôi
mươi, tôi đọc bên cạnh những truyện viết sau chiến tranh, viết sau khi đã về
hưu ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, mà giật mình thấy không khác gì mấy giữa chàng đôi
mươi nhạy cảm, mơ mộng năm xưa với bậc di lão tuổi thất thập cổ lai hy ngày
nay. Hay nói cách khác, không hề có Nguyễn Minh Nữu bậc di lão tuổi thất thập cổ
lai hy. Chỉ có Nguyễn Minh Nữu, chàng trai nhạy cảm, mơ mộng, lãng mạn – hôm
qua, hôm nay, và ngày mai:
…
Thương lắm đó khoảng trời xanh bất biến
Giữa đổi thay dâu biển của lòng tôi
Áo lính thay rồi, áo thợ cũng thôi
Còn trong vắt cả một thời niên thiếu
…
(Ngát thơm ký ức)
Độc
giả chớ để khoảng trời xanh bất biến ấy ru ngủ mình bằng giọng văn trữ
tình êm đềm của tác giả. Tôi không lấy làm lạ khi Nguyễn Minh Nữu đã chọn thể
truyện để lập thân trên văn đàn. Thể truyện 傳 đối với các nhà cầm bút Đông Á xưa nay là nơi trú ẩn cuối cùng
của kẻ sĩ cùng đường, hoặc bất mãn thế sự, hoặc lận đận quan trường, hoặc đơn
giản đã trải qua quá nhiều, tuổi già tưởng lui về vui thú điền viên, mà bên
lòng còn khắc khoải mãi những niềm riêng từ thủa nào xa xưa. Với đa phần tác giả
và độc giả ngày nay, khi nói đến thể truyện, họ sẽ mặc nhiên cho rằng viết truyện
là viết hư cấu, tưởng tượng ra mà viết. Hoặc giả, cho dù cốt truyện dựa
trên sự thật, song phần tưởng tượng, thêm thắt vào mới là phần chính, khiến cho
truyện ấy sinh sắc, nổi bật. Ngược lại, thể truyện trong văn học cổ điển,
cũng như các thể loại văn chương cổ điển khác, hầu như không phân biệt rõ rệt
giữa tả thực và hư cấu – cũng như sự vô cùng phức tạp của đời sống
thật, vốn không thể tách rời từng manh mối gọn gàng, thể truyện cổ điển
là nơi gặp gỡ và xen lẫn của cái chúng ta khiên cưỡng gọi là sự thật và tưởng
tượng.
Trong tập truyện của Nguyễn Minh Nữu, số
truyện đậm mùi hư cấu không nhiều – có thể kể
đến ba truyện Thuồng luồng mắt biếc, Con trai của thủy thần, Hảo
hán cuối cùng tiêu biểu cho dòng sáng tác mang tính thiên về hư cấu
của Nguyễn Minh Nữu. Tuy không phải dòng sáng tác chủ đạo của tác giả, tôi nghĩ
sự hiện diện của ba truyện này trong tập truyện của Nguyễn Minh Nữu cũng nói
lên đôi điều về tác giả. Truyện thần tiên tôi cho rằng đại loại chỉ xuất hiện
trong sáng tác của hai lứa tác giả – tuổi trẻ và lão thành. Tuổi trẻ và lão
thành ở đây không nhất thiết căn cứ vào tuổi tác niên kỷ của tác giả, mà là một
trạng thái, một cảnh giới tâm hồn. Dù biết dòng truyện này xuất hiện muộn trong
sáng tác của tác giả, không hiểu vì đâu tôi đọc lại thấy nét bút hãy còn trẻ
trung và mơ mộng lắm: …
Này
cô gái, sao cô ở đây một mình? Cô không biết là trời gần tối rồi sao?
Cô
gái ngước mặt lên, khuôn mặt trắng hồng và đôi mắt to đen ngạc nhiên.…
(Con
trai của thủy thần)
Tôi
không thể lấy căn cứ từ đâu – chỉ biết là đọc sáu chữ
đôi mắt to đen ngạc nhiên, tôi cảm giác như đạt tới cảnh giới này, chỉ
có thể là tác giả thiếu niên đang tả thực những rung động đầu đời của mình, hoặc
giả là tác giả từng trải bể dâu nhân thế, đã nếm đủ mùi thế thái viêm lương,
nhân tình lãnh noãn, mà sau cùng, hơn bao giờ, hơn ai hết, đã thấu hiểu
chân lý của tình yêu ẩn trong đôi mắt to đen ngạc nhiên kia.
Phải, thơ văn của Nguyễn Minh Nữu thường
đem lại những cảm giác bồi hồi man mác như thế bằng một giọng văn tưởng chừng
không có gì là trau truốt hay phô trương. Cũng như bản thân thể truyện hòa quyện
giữa hiện thực và hư cấu, ngôn ngữ của Nguyễn Minh Nữu là sự phối hợp tự
nhiên giữa cái gọi là “văn vẻ” và văn nói. Độc giả nào chỉ lướt qua hấp hấp tấp
tấp để tìm những triết lý cao siêu kế cổ khai kim, những bình luận lịch sử khốc
quỷ kinh nhân, tôi nghĩ sẽ chóng chán mà phát quạu: “Đây là trò viết lách tiêu
khiển, trai gái lan man, tâm sự tuổi già, chứ văn chương gì!” Truyện Nguyễn
Minh Nữu, thoạt đầu đúng là có vẻ như thế – văn thường nhật kể lại những sự biến
thường nhật của những nhân vật tưởng cũng rất mực thường nhật. Nhưng, không đơn
giản chỉ là thế. Ngay từ truyện đầu tay in trên tạp chí Văn năm 1971, đọc
kỹ chúng ta sẽ thấy tàng hình trong từng câu từng chữ những trăn trở và trầm tư
về số phận của một thế hệ bất hạnh, hai lần mất quê hương:
Tết
năm đó, Nhự không về thăm nhà. Lý do thật dễ hiểu là còn nhà đâu nữa mà thăm.
Di cư vào Nam, mẹ Nhự mướn một căn nhà nhỏ trong khu xóm lầy lội ở Sài gòn làm
chỗ thờ bố Nhự, đó cũng là cái tổ ấm duy nhất của Nhự, trong suốt tuổi ấu thời.
Nhự là con trai út, đứa con tội nghiệp nhất. Nhự mất cha từ hồi còn bốn tuổi,
cũng cái tuổi này. Nhự mất cả quê hương…Nhự đọc thư mà muốn khóc. Mới đầu còn
tưởng vì nhớ tới bà con xóm giềng, nhớ tới những con trai con gái đã cùng Nhự một
thời lăn lộn trên đất, chơi đùa, đã cùng Nhự đánh đáo, u mọi, bắn bi, tạt lon.
Nhớ tới sân cỏ, nhớ tới cây trứng cá, cái giếng. Nhưng càng ngày, Nhự càng cảm
thấy một thất thoát khác, chua xót hơn, man mác mà dầy vò Nhự từng ngày từng
đêm từng sớm từng chiều. Đó là chỗ trở về.
…
(Một
thoáng mây phiêu bạt)
Tôi
nghĩ hầu hết độc giả sẽ không khó để liên tưởng liền giữa thân thế chàng lính
mang tên Nhự và bản thân tác giả Nguyễn Minh Nữu. Ôi, vận nước đã ra làm sao, sự
đời đã hề chi, mà ép bước chàng cầm bút mới tuổi đôi mươi đã phải cảm thán cho
thân thế trăm năm nam bắc vô sở quy? Đọc Nguyễn Minh Nữu, chúng ta không thấy
nhắc trực tiếp đến sự hưng vong của nhà Nguyễn, đến cuộc di cư của hàng triệu đồng
bào từ Bắc vào Nam năm 1954, đến những chi tiết cụ thể của chiến tranh Nam Bắc,
đến những cuộc tỵ nạn sau năm 1975. Tuy nhiên ảnh hưởng và chuỗi hệ quả những
biến cố lịch sử ấy luôn bàng bạc trong truyện Nguyễn Minh Nữu như một cái gì đó
không cần nhắc đến mà ai đọc vào cũng đã tự hiểu. Tôi trộm cho rằng quyết định
này của tác giả là một lựa chọn đúng đắn, thậm chí là một lựa chọn dũng cảm, thể
hiện được nghị lực của một nhà cầm bút thụ lập, không xu thời mị chúng bằng những
khẩu hiệu vô nghĩa, những điệp khúc cũ rích, những phê phán và định luận “đao
to búa lớn” không đúng với sở trường mình, vả lại không xứng với một dòng lịch
sử khúc chiết, hỗn độn, dễ chừng trăm năm sau vẫn để lại nhiều nghi án cho sử
gia Nam Bắc, trung ngoại. Thay vào đó, Nguyễn Minh Nữu nhìn nhận mọi thứ qua
lăng kính của con người, của những thân phận bé bỏng và cụ thể. Nỗi đau và ký ức
tập thể của cả một thế hệ di dân được tác giả gói trọn trong nỗi đau và ký ức rất
riêng tư của từng cá nhân nhân vật:
…
Thắp nén nhang thơm ở giữa đồi
Nghe lòng thương nhớ đã trùng khơi
Xa trong cõi khác người quay lại
Rộng lượng Ba Vì , mây trắng thôi.
Muốn khóc lên cho nhẹ ngậm ngùi
Xin quỳ để thấy xót xa nguôi
Ai xui chim Việt về Nam nhỉ
Bốn chục năm trường nhạn lẻ đôi.
…
(Mênh mông trời Bất Bạt)
Đọc
truyện Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua, tôi nghĩ không nhất thiết phải
là Nguyễn Minh Nữu kính nhớ và thương tiếc thân phụ mình mới cảm động, mà kỳ thực
Nguyễn Minh Nữu đã nói thay cả một thế hệ đã phải xa lìa quê cha đất tổ ngay từ
khi còn sống trên mảnh đất Việt Nam. Sự ám ảnh của hình bóng người cha đã khuất
mặt vĩnh viễn, sự khao khát về “cái không khí nghiêm khắc nhưng không kém phần
chiều chuộng của người cha” (Dòng nước mắt xanh) của nhân vật trong truyện
Nguyễn Minh Nữu không còn chỉ đơn thuần là ngụ ngôn nói thay nỗi lòng tác giả,
mà còn là ngụ ngôn thổ lộ và thấu hiểu cho nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, vô luận
quốc tịch hay chiến tuyến.
Phần tôi thường ngần ngại sử dụng các
phạm trù và danh hiệu khuôn sáo và mơ hồ để khiên cưỡng đánh giá hay định nghĩa
về tác giả và tác phẩm. Tuy nhiên, câu cửa miệng của nhiều nhà phê bình khi
miêu tả văn học miền Nam thời chiến là văn học nhân bản, mượn để nói văn
Nguyễn Minh Nữu tôi trộm cho là thậm phải. Vì là nhân bản – lấy con người
làm gốc – cho nên mới cự tuyệt được những ảo tưởng mập mờ vô thực hay gây chia
rẽ và đau thương, mà thay thế vào đó những gửi gắm tuy không kém phần cảm khái,
nhưng lại tạo được một không gian gặp gỡ cho con người với con người cùng đau,
cùng khóc, cùng cười, cùng trầm tư và phản tỉnh quá khứ để rồi cùng hướng tới một
tương lai với nhau. Con người – dù là của tác giả hay nhân vật trong truyện –
trong văn học nhân bản ấy, là con người thật – có nghĩa là một cá thể vô
cùng phức tạp, được tạo thành từ những phần tử lịch sử và văn hóa thường khi
mâu thuẫn và chênh lệch với nhau. Con người ấy không thể nói khái quát là người
Bắc Hà hay người Nam Hà, người trong hay người ngoài. Văn đàn hải nội hải ngoại
đã có nhiều người nhận xét và hân thưởng tính “Bắc Hà” trong văn Nguyễn Minh Nữu,
kể cũng đúng nhưng chưa phản ánh được hết khía cạnh của tác giả và tác phẩm. Đọc
truyện Nguyễn Minh Nữu, chúng ta còn gặp một chàng lãng tử chân chính của
Saigon, không thể nào lẫn lộn được với những cậu công tử thuần túy của Bắc Hà.
Chúng ta gặp một người con – dù là con nuôi – nhưng vẫn là người con thật của
phương Nam:
Với
những người khó tính thì Saigon chỉ là thành phố với 11 quận ngày xưa. Nhưng với
tôi, Saigon không chỉ có vậy, mà bao quát hơn nhiều, chẳng những bao gồm 19 quận
nội thành, 5 huyện ngoại thành như nghị định năm 2003 của chính phủ, mà còn kể
thêm rất nhiều tỉnh , thành phố chung quanh từ phía bắc như Bình Long, Biên Hòa
xuống tận cực nam như Rạch Giá, Cà Mâu....ở đâu đó, mọi người có thể nói quê
quán là một địa danh xa xa như Mỹ Tho, Bình Chánh , nhưng trong nỗi nhớ thì lại
mênh mông là nhớ Saigon.
…
(Khu
Nancy ở Saigon)
Phải
là người con rất mực yêu miền Nam, yêu và hiểu con người miền Nam mới có những
truyện như Chuyện cổ tích trên bến Bình Đông, dù rất khó để miêu tả cụ
thể nhưng từ nhân vật đến cốt truyện đến câu văn đều đượm phong khí miền Nam
vào những năm chiến tranh và sau chiến tranh. Chúng ta không thể nào lẫn lộn được,
chỉ có người Bắc di cư mới có cách nhìn nhận, thưởng thức, và trân quý miền Nam
bằng một lối rất riêng ấy. Những sinh hoạt và tập quán tưởng chừng tầm thường
không đáng nói, qua nét bút của Nguyễn Minh Nữu lại gợi mở bao nhiêu là suy tư
lý thú:
Tôi
sinh trưởng ở miền Nam, niềm vui từ thủa thanh niên là cà phê, là thuốc lá, là
bia rượu và là hào sảng ngân dài một câu vọng cổ.
…
(Hà
Nội thứ 4)
Chỉ
một câu thế mà đã bảo tồn được những nét phong lưu một thời của cộng đồng di cư
1954, thường dù vẫn giữ nếp riêng của các truyền thống văn hóa Bắc Hà, nhưng lại
hồn nhiên đón nhận và yêu lấy những nét văn hóa bình dân của miền Nam, mà kết
quả là một sự duyên dáng ngộ nghĩnh và dễ thương của riêng cộng đồng và giai đoạn
lịch sử ấy, sau này hầu như không còn tái lập được nữa. Nghĩ đến nhân vật dòng
dõi thư hương Thăng Long, mà thứ ẩm liệu trong chén tiêu sầu kia không phải là
chè mà lại là cà phê sữa, câu khiển muộn nọ không phải là Kiều mà lại là
vọng cổ, tôi bất chợt nhận ra hình ảnh của thân thế và lai lịch cá nhân tôi. Tôi
cũng sinh trưởng trong gia tộc Bắc 1954, từ bé dù trong nhà vẫn nói tiếng Bắc,
nhưng – một cách không thể giải thích được –
trong khá nhiều trường hợp lại sử dụng từ vựng của tiếng Nam, thậm chí
vô ý trung lại phát âm theo tiếng Nam. Cho dù khi ở với người gốc Nam thuần túy
thường bị bạn bè và người thân quen quy là người Bắc nói giọng Bắc, phải đến
sau này tôi lớn lên và ra Hà Nội, tôi mới nhận ra rõ rệt, từ văn hóa đến tiếng
nói câu chào, quả thực tôi là con lai của hai miền Nam Bắc.
Những sự “gặp gỡ” ấy trong truyện Nguyễn
Minh Nữu không phải chỉ dành riêng cho một đối tượng độc giả hạn hẹp trong cộng
đồng di cư và hải ngoại của tác giả, mà còn dành cho nhiều người nữa. Riêng
truyện Hà Nội Thứ 4, khi tôi gửi bạn bè và đồng nghiệp hải nội – trong đó đa phần nếu không phải là người Hà Nội, thì
cũng là người Bắc, có cả những người cán bộ, những người sinh trưởng sau chiến
tranh mà, một cách hoàn toàn có thể thông cảm được, nặng lòng và tự hào về thân
thế và lai lịch của riêng họ – nhiều người
đã sững sốt bày tỏ mối đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng của tác giả. Họ đã nhận ra
nơi Nguyễn Minh Nữu một người tri kỷ thật sự yêu Hà Nội, yêu miền Bắc, không
khác mấy tình yêu và niềm tự hào chính họ vẫn luôn dành cho quê hương, dù lắm
khi không thổ lộ được một cách chân tình. Đọc truyện Nguyễn Minh Nữu, một độc
giả Hà thành trong học giới hải nội đã chia sẻ rất mực cảm khái: “Hà Nội thứ nhất
đã chết. Hà Nội thứ hai và thứ ba không phải là Hà Nội. Hà Nội thứ tư – có thì
có đấy, nhưng tiếc là không dễ nhìn ra và một ngày càng một thêm mờ…Xin cảm ơn
câu truyện, mà có lẽ là phần thật ít nhất chiếm tới 90%, và cũng xin chia sẻ với
nỗi lòng tác giả…”. Phản ứng này – sự hoang mang trước một câu truyện tưởng hư
cấu mà lại thiết thực hơn cả hiện thực – không phải phản ứng của riêng người độc
giả này, mà còn là phản ứng chung của rất nhiều độc giả hải nội khi đọc Hà Nội
Thứ 4. Còn nhớ, khi tôi gửi truyện này cho một cô hồng nhan tri kỷ xứ Ái
Châu, con nhà danh gia đương triều, thuộc thành phần tri thức trẻ sinh ra và lớn
lên sau 1975, tuy tự hào về gốc gác gia đình, nhưng vẫn luôn rộng rãi và mong
được hiểu biết hơn và thông cảm với những người “bên kia cuộc”, cô ta đã ngạc
nhiên hỏi lại tôi: “Đan, đây là truyện hay là ký? Đan nói từ đầu là truyện, mà
tôi đọc sao thấy lại chân thực một cách phi hư cấu…”
Hiện thực với hư cấu, xưa với nay, Nam
với Bắc, trong với ngoài – những khái niệm và phạm trù nhị phân này trong truyện
Nguyễn Minh Nữu không dễ gì để phân tích gọn gàng. Dù là tả thực hay hư cấu,
chung quy lại không thành vấn đề - vì từ truyện Nguyễn Minh Nữu, chúng ta gặt lấy
một thứ khác, đó là sự thiết thực của tình yêu và niềm tin xuyên suốt những thăng
trầm, những buồn vui, những tuyệt vọng và hy vọng lần lượt của đời người. Trong
một thời buổi quá nhiều tiếng nói, quá nhiều tác giả và tác phẩm chạy đua theo
những phương trời lý tưởng, ôm mộng lớn cải cách xã hội, điều chỉnh nhân loại,
cứu vãn trái đất, đôi khi chúng ta lại quên mất những điều căn bản nhất. Chúng
ta không còn thời gian cho truyện tình yêu đầu đời của một anh chàng mơ mộng,
không còn thời gian cho truyện thần tiên viễn vông, không còn thời gian cho những
truyện chỉ quan hệ một gia tộc hoặc một cá nhân bình thường. Lắm lúc, chúng ta
đã quên mất sự thiết thực của hư cấu đã được Chesterton nhắc nhở chúng
ta một trăm năm về trước, như lời cảnh cáo tiên tri về thời đại đen tối và yếu
lòng tin sắp bao trùm nhân loại.
Tôi quen và đọc Nguyễn Minh Nữu chưa đầy
nửa năm – tuy nhiên sự gặp gỡ ấy, kể cả về con người ngoài đời, lẫn con người
qua tác phẩm, kể cả khi đọc tác phẩm qua tác phẩm, lẫn cả khi đọc tác phẩm qua
tác giả, tôi đã cảm kích trước mối tri âm nhất kiến như cố, mới gặp đã
như cố nhân. Không những thế, tôi thậm chí chỉ là một người hậu sinh đến với
văn thơ của Nguyễn Minh Nữu như một đứa trẻ đến trường tựu học, mà sự học ở đây
không đơn thuần chỉ là học vẹt những mẹo ráp câu điền chữ cho ra một bài văn
chương hoa lệ. Điều tôi học ở Nguyễn Minh Nữu là sự cẩn trọng khi cầm bút, sự
tinh tế trong việc cảm nhận, và sự bao dung và yêu thương dành cho con người –
kể cả những người quen biết được tác giả đưa vào văn chương, lẫn những người độc
giả chưa quen biết mà tác giả đã nghĩ ngợi từ trước, để khi chấp bút sẽ không
gieo mầm chia rẽ và đau thương bằng những lời bất cần và thiếu suy nghĩ. Tôi phải
thú thật, rằng không phải tôi vừa mới đọc Nguyễn Minh Nữu lần đầu tiên là hiểu
được hết những điều này. Cũng chưa chắc là đọc đến lần thứ nhì, lần thứ ba là
đã hiểu. Chỉ khi tôi đọc Nguyễn Minh Nữu không phải để đọc văn chương, mà để
soi gương những khúc mắc và trăn trở trong chính đời sống tôi, dần dần tôi mới
nhận ra và đồng cảm sâu sắc, đôi khi là sâu sắc ngoài khả năng diễn đạt bằng
ngôn ngữ. Tập truyện Thuồng Luồng Mắt Biếc này sẽ xuất hiện trên văn đàn
hải ngoại vào năm 2021 một cách lặng lẽ và khiêm nhường đúng bản chất tác giả
và tác phẩm. Trong đây có những truyện đã đăng báo và xuất bản từ khi Việt Nam
Cộng Hòa vẫn còn là một quốc gia ở miền Nam Việt Nam. Có những truyện đã được
viết ra trong thời gian cách lý giữa cơn khủng hoảng của đại dịch Vũ Hán năm
2020. Nơi đây đã gồm đủ sự nghiệp trăm năm của một nhà văn đã đi suốt hành
trình của lịch sử đất nước và nhân loại thế kỷ 20, 21. Điều này, chưa chắc tác
giả đã muốn phô trương hay thể hiện với độc giả, cũng chưa chắc là phần tôi cần
phải phân tích để thuyết phục bất cứ ai. Tốt hơn, chúng ta hãy cố gắng làm quen
lắng nghe trở lại, làm quen tin tưởng trở lại, làm quen nhạy cảm trở lại, để rồi,
một ngày nào đó, chúng ta có thể cùng Nguyễn Minh Nữu:
Về ngồi đây cạnh nhau thôi
Mà nghe rộng suốt một đời cho nhau...
(Lời
chào năm mới)