Wednesday, May 26, 2021

2033. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng (28)



Nhà Ánh Sáng

Hội Ánh Sáng được thành lập theo nghị định số 4851-A ra ngày 14-10-1937 của Thống Sứ Châtel[1], dưới thời Toàn quyền Brévié.

Sự hình thành đã trải qua một thời kỳ xây dựng khá dài từ 1933 đến 1937.

Dự định cải thiện đời sống bùn lầy nước đọng của dân quê, đã có trong một số bài viết trên Phong Hóa, sau Hoàng Đạo mở rộng, đào sâu, trong loạt bài Bùn lầy nước đọng trên Ngày Nay[2], tố cáo chính sách cai trị sai lầm ở thôn quê và đề nghị sửa đổi, rồi in thành sách; nhưng sách vừa ra đã bị chính quyền thuộc địa tịch thu, như ta đã thấy trong chương trước.

Thời kỳ đăng Bùn lầy nước đọng của Hoàng Đạo, cũng là thời kỳ Ngày Nay tích cực cổ động cho Hội Ánh Sáng mà Nhất Linh là một trong ba hội trưởng và Hoàng Đạo là thủ quỹ.

Chủ trương thay đổi cuộc sống bùn lầy nước đọng của dân quê

Việc kêu gọi thay đổi cuộc sống bùn lầy nước đọng của dân quê, bắt đầu trên Phong Hoá, với bài thơ Dân quê của Nhất Linh, được đăng như bài xã luận trên số 39 (24-3-33), ký Tân Việt, trong đó đã có bốn chữ bùn lầy, nước đọng:

"Cảnh thì cảnh bùn lầy và nước đọng.

Dân thì nghèo vất vả làm quanh năm

Hết nắng thiêu lại gió rét căm căm.

Vẫn nhem nhuốc vẫn thân trần như rộng.

Vì bài thơ này, Nhất Linh bị gọi lên ty kiểm duyệt và báo Phong Hóa suýt bị đóng cửa. Nhưng Tự Lực văn đoàn vẫn tiếp tục tranh đấu, Nhất Linh viết bài: Ban kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật và những kiểu nhà mẫu cho dân quê, gợi ý cho sinh viên ban kiến trúc, nên chú ý đến dân nghèo, thiết kế những kiểu nhà rẻ tiền, để họ có thể theo mà làm lấy được:

"Các bạn ở ban kiến trúc chắc cũng đã nghĩ tới điều đó: tìm một kiểu nhà mẫu thật rẻ tiền, xếp đặt tiện dụng với cách ăn ở ngày nay: hợp vệ sinh, nắng gió điều hoà, có ánh sáng, có khí trời và có vẻ mỹ thuật nữa" và ông kết luận: "Bản báo rồi sẽ dần dần đăng những kiểu nhà mẫu đó lên báo". (Phong Hóa số 72, 10-11-33).

Tiếp theo là loạt bài Một bản chương trình của Nhị Linh (Khái Hưng), đăng trên Phong Hóa từ số 80 (5-1-34), đến số 87 (2-3-34) đề nghị một chương trình xây dựng lại nông thôn cho sạch sẽ, có vệ sinh, dẹp các ao tù, đào giếng, làm đường… và nhất là bỏ lối làm nhà vỏ diêm hay nhà bánh khảo, loại nhà hộp, không có cửa, hoàn toàn thiếu vệ sinh, thiếu ánh sáng và Phong Hóa sẽ vẽ những nhà kiểu nhà mới mát mẻ, rẻ tiền, để dân quê có thể làm lấy.

Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện cho in Nhà kiểu mẫu số 1 trên Phong Hóa số 110 (10-10-34), và ông viết bài Kiểu nhà mẫu, trên Phong Hóa số 117 (28-9-34) và bài Kiến trúc thôn quê trên Phong Hóa số 118 (15-10-34) tả việc ông sửa lại hai nhà cổ, ẩm thấp ở làng Vẽ của ông Đỗ Bá Thọ theo lối kiến trúc mới, cùng với họa đồ đi kèm.

Trên Phong Hóa số 124 (16-11-34) Nhị Linh (Khái Hưng) viết bài Một cuộc triển lãm kiến trúc, giới thiệu những chương trình kiến trúc mới của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, và cho biết kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện sẵn lòng giúp Phong Hóa phổ biến trên báo những kiểu nhà mới, vừa rẻ tiền, vừa vệ sinh, cho dân nghèo.

Nhị Linh đã tường thuật cuộc triển lãm này như sau: khi vào, ông tưởng mình sẽ chỉ nhìn thấy những kiểu villa vẽ cho người giàu, không ngờ lại được thấy mẫu – của người đỗ đầu kỳ thi ra trường: kiến trúc sư Đỗ Đức Diên – vẽ nhà cho dân chúng thợ thuyền ở khu phố Sinh Từ, và ghi rõ mẫu này tặng không cho những ai muốn làm nhà trong thành phố.

Rồi trên Phong Hóa số 134 (30-1-35) báo Xuân, hai kiến trúc sư Luyện và (Hoàng Nhữ) Tiếp, vẽ lại kiểu nhà mới ở thôn quê, đã được thực hiện cho một khách hàng là ông Ch. M. cùng với bài Kiến trúc thôn quê, nói rõ ý định vẽ mẫu nhà này. Phong Hóa số 138 (1-3-35), in họa đồ toàn bộ nhà vườn đã thực hiện cho ông Ch. M: nhà nhỏ, tường gạch, trần bê tông mỏng, trên lợp tranh, kiểu mẫu nhà cho người trung lưu ở thôn quê.

Đến Phong Hóa số 172 (31-1-36) hai ông Luyện-Tiếp, lần đầu tiên vẽ Một kiểu nhà mới cho dân nghèo ở thôn quê, kèm bài viết giải thích cách chọn phương hướng, làm sao cho nhà thoáng và mát. Nhà gỗ, mái tranh, tường đất, thềm gạch, với mẫu bàn ghế và đồ đạc bằng gỗ và tre để bày biện trong nhà.

Một kiểu nhà mẫu trên Phong Hóa số 172


Họa đồ trên đây sẽ làm mẫu ch những nhà Ánh Sáng, dựng năm 1938 ở bãi Phúc Xá, bên bờ sông Hồng, cạnh cầu Long Biên, phía bắc Hà Nội, nay thuộc quận Tây Hồ.

Cổ động chương trình dựng nhà Ánh Sáng

Trên Ngày Nay số 4 (1-3-35) Việt Sinh (Thạch Lam) viết bài Nhà cửa Annam, một phóng sự với hình ảnh đi kèm, chụp những nhà hang tối, người ở chung với lợn. Trong bài này, Thạch Lam so sánh nhà cửa ở Âu châu với nhà cửa bên ta, và đưa ra những nhận xét:

"Câu truyện nhà cửa ở nước ta, thật là câu truyện buồn nếu không muốn nói là câu truyện… bùn. Ở các nước thái tây, câu truyện nhà cửa là câu truyện những căn phòng sáng sủa, cao ráo, có lò sưởi, những đêm đông lạnh lẽo, lách tách ngọn lửa hồng ấm áp reo. Ở bên Nhật, câu truyện nhà cửa là câu truyện căn nhà bằng gỗ thông, mỏng mảnh nhưng sạch sẽ, bóng bẩy không có một tý bụi, chung quanh có một cái vườn con xinh xắn.

Còn ở thôn quê ta, thì trời ơi! câu truyện nhà là một câu truyện tối tăm, ẩm thấp, câu truyện lụp xụp, lè tè (…) Ai đi qua một thôn quê cũng phải ghê sợ vì những cái bẩn thỉu dơ dáy bao bọc lấy căn nhàNhững vũng nước đọng vàng, đầy rác rơm, làm cho đất bao giờ cũng lầy bùn ướt át…

Tiện đâu vứt đấy, những đống ấy đứng xững ngay cạnh nhà, mùa nực thì bốc lên những hơi nặng nề, mùa đông thì tiết ra những dòng nước hôi hám.

Người và súc vật ăn chung ở lộn với nhau, cùng sống chung trong một chỗ tối tăm chật hẹp ấy… Đến nỗi bây giờ thấy những đứa trẻ quê bụng ỏng, mắt toét, vấy nghịch trong bùn nước, người ta cho là một cảnh thường, không đáng lấy làm lạ. Hình như đã nghèo thì bao giờ cũng phải chịu một cái số phận như thế." (Ngày Nay số 4, 1-3-35).

Bài này là bài đầu tiên có tính cách báo động khẩn thiết, tác dụng mạnh, đưa đến những phản ứng của các kiến trúc sư sau đó.

Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Nhữ Tiếp

Ngày Nay số 16 (12-7-36) khởi đăng loạt bài Nhà cửa… của hai kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Nhữ Tiếp, với lời dẫn nhập như sau:

"…những căn nhà lụp xụp ở thôn quê hay nhà gạch xây như tổ chim ở tỉnh thành đều tỏ ta người mình không biết một chút gì về khoa kiến trúc, và cũng không hề có ý muốn làm một chỗ ở cho dễ chịu. Hình như làm một cái nhà là đủ rồi.

Ngày Nay nhờ hai nhà kiến trúc sư có tiếng ở Hà Nội là các ông Luyện và Tiếp, để tìm cách làm phổ thông những điều thiết yếu của khoa kiến trúc bây giờ".

Dưới chủ đề Nhà cửa… hai kiến trúc sư Luyện và Tiếp bắt đầu viết những bài học nhập môn dạy việc làm nhà như thế nào. Đầu tiên là phải biết chọn hướng:

"Ở Bắc kỳ và miền Bắc Trung kỳ, gió mát là gió đông nam từ biển Đông và vịnh Bắc kỳ thổi lại. Những buồng ta ở phải đặt thế nào cho có cửa về hướng nam, hướng đông hay hướng đông nam. Những hàng hiên để ngồi hóng mát phải làm ra các hướng ấy." (Ngày Nay số 16)

Bài kế tiếp trên Ngày Nay số18 (26-7-36) chỉ cách trổ cửa như thế nào: một phòng muốn mát phải có cửa ở hai hướng đối diện nhau để gió thông cho mát; cách đặt các lỗ thông hơi như thế nào để, dù phòng chỉ có một cửa vẫn thoáng, và nên làm hàng hiên theo kiểu nhà thuộc địa để hóng gió, v.v.

Ngày Nay số 21 (16-8-36), bàn về các mầu vôi sơn nhà: "Mầu vàng xẫm, mầu xanh biếc hay mầu đỏ, không nên dùng. Các màu xám "gris colorés" nên dùng. Bao giờ nhà cửa ta quét mầu dịu, tường vàng nhạt, xam xám hồng, xám màu ciment, hay lờ lờ xanh, hồ thủy, mầu nâu nhạt… khi ấy trước mắt ta sẽ thêm được một cảnh đẹp về nhà cửa."

Tóm lại, với loạt bài Nhà cửa… hai kiến trúc sư Luyện và Tiếp đã chỉ cho người dân quê, không nên làm những nhà hang ổ, tối tăm nữa, mà cùng với số tiền đó, có thể làm được những căn nhà đầy đủ tiện nghi, mát mẻ, hợp vệ vệ sinh.

Một cố gắng của ông Justin Godard

Luật lao động được chính phủ Bình dân ban hành tại Pháp ngày 11-10-36, nhưng gặp sự phản kháng mãnh liệt của giới chủ nhân.

Việc ông Justin Godard, cựu Bộ trưởng Lao động và là Thượng nghị sĩ Pháp đến Sài Gòn ngày 1-1-37 là một sự kiện lớn. Tại bến Nhà Rồng, hơn một vạn người đi đón ông Godard.

Lời tuyên bố đầu tiên của Justin Godard với René Candelon, phóng viên báo Populaire, như sau:

"Cần phải có liên đoàn thợ thuyền. Trước khi thi hành luật lao động ở xứ này, cần phải hỏi ý kiến của các chủ lẫn thợ. Nên để các liên đoàn được sống dù lúc ban đầu có phạm điều lầm lỡ. Về mặt nông nghiệp, chỉ có thể bảo vệ nhân công một cách hiệu quả hơn thôi" (Ngày Nay số 43, 17-1-37).

Trong bài Tự do nghiệp đoàn và việc ông Justin Godard tới Đông Dương, trên Ngày Nay số 43 (17-1-37) Hoàng Đạo viết:

"Ông sang đây có hai nhiệm vụ lớn lao: một là, khảo sát về các vấn đề y tế và vệ sinh chung; hai là, tìm phương pháp che chở cho thợ thuyền, thi hành luật lao động ở Đông Dương".

Sau khi xem xét tình hình, ông Godard nhận thấy có nhiều bất cập trong việc thi hành luật lao động ở Đông Dương, nên ông đề nghị "cần phải có những lao đoàn mạnh mẽ để đối phó với nghiệp đoàn của các ông chủ. Cho nên ông mong chính phủ sẽ tuyên hành đạo luật về sự tự do nghiệp đoàn ở Đông dương ".

Và Hoàng Đạo viết tiếp:

"Với những tư tưởng giầu nhân đạo ấy, ông Godard đi khảo sát tình hình thợ thuyền Đông dương. Ông sẽ dần dần rõ cái chế độ nhân công riêng ở xứ chúng tôi, chế độ của bọn cai. Chế độ ấy đè bẹp bao nhiêu người nghèo khổ vào trong sự túng thiếu cơ cực, lẩm than. Chế độ ấy rất là nguy hiểm cho dân lao động. Không những bọn cai chặn tiền công của họ mà nhiều ông chủ lại còn dùng bọn cai làm bung xung để áp bức họ nữa. Ông sẽ hiểu thấu tình cảnh đáng thương của thợ thuyền, ông sẽ thấy sự lam lũ của nông dân, ông sẽ thấy trong lòng đầy rẫy tình cảm với những người chỉ có cái tội nghèo cực ở đất nước này."

Nhưng cuối cùng, sự tự do nghiệp đoàn mà ông Godard đề nghị cũng không được thực hiện.

Nhà Ánh Sáng

Tuy nhiên, ba sự kiện:

Ngày 9-9-36, toàn quyền Robin bị gọi về Pháp.

Ngày 8-1-37, Luật lao động Pháp được ban hành tại Đông Dương.

Ngày 14-1-37, toàn quyền Brévié đến Sài Gòn.

đều dẫn đến việc ra đời của hội Ánh Sáng.

Thực vậy, chỉ ba tháng sau khi Robin bị gọi về Pháp, trên Ngày Nay số 38 (13-12-36) Tự Lực văn đoàn công bố sẽ thành lập hội tạm gọi Ánh Sáng, với dấu ấn biểu hiệu bằng một bàn tay đập nát mái tranh tồi tàn để làm lại căn nhà Ánh Sáng, với bản tuyên ngôn ký tên Tự Lực và cái tựa rất dài:

"Để đi tới việc thành lập Hội bài trừ những nhà "hang tối" tạm gọi là hội Ánh Sáng đem đến cho dân nghèo khắp nơi những căn nhà sáng sủa, sạch sẽ, đẹp đẽ, thay vào những nhà hang chuột tối tăm bẩn thỉu không đáng để người ở".

Hội Bài Trừ Những Nhà "Hang Tối", Ngày Nay số 38 (13-12-36)

Bài tuyên ngôn của Hội Ánh Sáng trên Ngày Nay số 38, có lẽ do Hoàng Đạo viết, dựa vào thực trạng nhà cửa dân nghèo do Việt Sinh (Thạch Lam) mô tả trong bài Nhà cửa Annam, trên Ngày Nay số 4, đã nói ở trên. Tác giả nhấn mạnh thêm vào những điểm sau đây được in đậm:

"Cái thảm trạng đó có thể kéo dài mãi nếu ta không tìm cách trừ tiệt đi".

"Họ nghèo, ta phải giúp họ. Họ không biết. Ta phải soi sáng cho họ. Phải thực hành và đem những cảnh đời mới đến đổi khác cái đời tối tăm, thảm đạm của họ đi".

Và tác giả đưa ra những khẩu hiệu:

Ngày nay ta không mong mỏi nữa. Ta muốn thế. Muốn là được. Ý muốn của chúng ta phải đổi ra sự thực!

Những lời này có tác dụng mạnh, được đông đảo các thành phần quần chúng ủng hộ. Chương trình nhà Ánh Sáng, sau đó, được quảng cáo, vận động không ngừng trên báo Ngày Nay, trong nhiều tuần lễ.

Khu chung cư, Ngày Nay số 39 (20-12-36)

Ngày Nay số 39 (20-12-36), in bài Nhà rẻ tiền để thợ thuyền và dân nghèo ở, kèm với hình khu chung cư tương lai, trên đây. Bài viết nói đến tình trạng: hiện nay ở gần những nhà máy lớn, thợ thuyền và dân nghèo phải sống trong những nhà mọc chi chít, hỗn độn, thiếu khí trời và ánh sáng, cho nên hai kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Nhữ Tiếp đã nghĩ ra loạt nhà kiểu mẫu, làm theo kiến trúc mới, để thay những khu nhà hỗn độn kia. Lớp nhà này, làm không tốn thêm tiền như làm nhà theo lối cũ (70 đồng một lớp) nhưng khác trước vì có đủ tiện nghi, có luật lệ chung cư, để giữ vệ sinh chung. Đây là loạt nhà chung cư đầu tiên, được đề nghị trên đất nước ta.

Kể từ số 40 (27-12-36), Ngày Nay mở mục Ý kiến của độc giả[3] về nhà Ánh Sáng.

Từ Ngày Nay số 41 (3-1-37), mục này đổi tên là Góp ý kiến về Ánh Sáng, loan tin ông Phạm Lê Bổng, giám đốc báo La Patrie annamite hứa biếu 160 đồng để dựng hai nhà Ánh Sáng.

Từ Ngày Nay số 42 (10-1-37), mục Góp ý kiền về Ánh Sáng mỗi tuần đăng một hay nhiều ý kiến của mọi thành phần độc giả ở khắp nơi, gửi về, góp ý xây dựng nhà Ánh Sáng. Mục này kéo dài trong tám tháng, kể từ số 40 (27-12-36) đến số 71 (8-8-37)[4], cho thấy sự ủng hộ đến từ mọi thành phần giàu nghèo trên đất nước, góp công, góp của, tuỳ theo khả năng của mỗi người.

Toàn quyền Jules Brévié đến Sài Gòn

Ngày 14-1-1937, Toàn quyền Jules Brévié đến Sài Gòn[5]. Hy vọng bùng lên, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí cực lực tranh đấu cho tự do báo chí trên Ngày Nay. Nhưng cuộc tranh đấu thất bại, toàn quyền Brévié không cho tự do báo chí (xem chương: Ngày Nay tranh đấu).

Trên Ngày Nay số 50 (14-3-37), Hoàng Đạo viết bài Tiền định đi thăm trại Ánh Sáng, về một giấc mơ được đi thăm trại Ánh Sáng bên bờ sông Tô Lịch.

Và trên Ngày Nay số 51 (14-3-37) Hoàng Đạo bắt đầu viết loạt bài Bùn lầy nước đọng, tạo ra một chiến lược tranh đấu mới, trình bày bộ mặt đen tối của làng thôn: dân quê bị đè bẹp trong sưu cao thuế nặng, trong thần quyền mê tín dị đoan, trong xã hội xôi thịt với bọn chức sắc đồi trụy trong làng. Loạt bài này đã đánh động quần chúng nghĩ tới cuộc sống bùn lậy nước đọng ở thôn quê, góp phần không nhỏ vào việc phát triển ý niệm xây dựng nhà Ánh Sáng.

Tuy nhiên, công cuộc vận động Nhà Ánh Sáng khó có thể tiến triển được, nếu không thông qua con đường chính thống, tức là phải được chính quyền thuộc địa cấp giấy phép lập hội trước, rồi sau đó, lại cần có sự bảo trợ của chính quyền, mới có thể thực hiện các chương trình xây dựng. Bởi vì từng lớp quan lại thực dân ở tỉnh, đứng đầu là viên công sứ Pháp, có quyền từ chối, không cấp đất và không cho thực hiện bất cứ "chương trình" gì, trong vùng họ cai trị, nếu không bị chính quyền trung ương bắt buộc.

Thống sứ Châtel đến Hà Nội

Ngày 28-5-37, Yves Châtel, tân Thống sứ Bắc kỳ, tới Hải Phòng.

Ông sẽ là người hết lòng bảo trợ cho chương trình Ánh Sáng, và trở nên một trong những vị thống sứ được dân chúng mến chuộng. Tháng 3-1939, khi ông trở về Pháp, người đưa tiễn đông tới hàng vạn. Chương trình Ánh Sáng cũng hầu như chấm dứt với sự ra đi này.

Một tuần sau khi ông Châtel đến Hà Nội, ủy ban tạm thời Ánh Sáng, do nhà báo Phạm Văn Bính tạm làm chủ tịch, đã hành động rất khôn khéo, đến xin gặp bác sĩ Hermant, Tổng thanh tra Y tế Đông Dương, hỏi ý kiến ông và đăng bài Một giờ với bác sĩ Hermant, trên Ngày Nay số 62 (6-6-37). Trong bài này, Phạm Văn Bính, trình bày chương trình hoạt động của Hội và yêu cầu bác sĩ Hermant giúp đỡ. Ông Hermant hỏi ngay:

- Các ông nói qua cái bước thứ nhất của các ông: sau khi được giấy phép thì các ông làm việc gì trước tiên?

- "Thưa bác sĩ, Hội Ánh Sáng sẽ bắt đầu làm ngay một xóm thợ thuyền ở gần Hà Nội. Chúng tôi sẽ xin chính phủ cho chúng tôi một miếng đất rộng trên đó chúng tôi dựng những ngôi nhà lá kiểu mới, rộng rãi, hợp vệ sinh và chúng tôi sẽ cho anh em thợ thuyền thuê một giá rất rẻ". Khi nào số tiền thuê nhà trả đã sấp sỉ bằng tiền xây nhà, thì cái nhà đó sẽ thuộc quyền sở hữu người thuê. Trong xóm sẽ có nhà y tế do các hướng đạo sinh có bằng Hồng thập tự đến trông nom.

- Các ông lấy tiền đâu ra làm những việc ấy?

- Chúng tôi sẽ nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ, tiền đóng góp của hội viên, và tiền tổ chức các cuộc vui để kiếm tiền.

- Thế còn các làng?

- Sẽ khuyến khích dân quê đào giếng để có nước sạch. Sẽ giúp họ làm nhà rẻ tiền mà hợp vệ sinh và có mỹ thuật…

Đến đây bác sĩ Hermant ngắt lời:

"Các ông không thể làm hết được mọi việc, vậy các ông nên xin phép chính phủ làm một cái làng kiểu mẫu trong đó có đủ các điều kiện vệ sinh, mỹ thuật, mới mẻ, rồi người ta sẽ bắt chước sửa đổi hoặc làm theo…"

Bài Một giờ với bác sĩ Hermant, chính là bước đầu khéo léo để xin sự bảo trợ của chính quyền.

Vẫn trong Ngày Nay số 62 này, ta còn được biết, Uỷ ban thành lập hội Ánh Sáng đã họp lần thứ nhất ở nhà kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện. Thành phần tham dự rất đa dạng: Nguyễn Cao Luyện, kiến trúc sư; Ngô Trực Tuân, bác sĩ; Phạm Văn Bổng, kỹ nghệ; Phạm Tá, nghị viên, Phạm Văn Bính, nhà báo. Những người này có nhiệm vụ mời các nhà đương chức tham dự vào ban trị sự của hội Ánh Sáng.

Gặp Thống sứ Yves Châtel

Chặng thứ hai là đến xin gặp Thống sứ Yves Châtel. Ngày 29-6-37, nhà báo Phạm Văn Bính, đại diện hội Ánh Sáng, đến xin gặp Thống sứ Châtel, ông niềm nở tuyên bố:

"Chính phủ Bảo hộ sẽ không hẹp hòi gì mà không nâng đỡ những công cuộc nhân đạo như hội Ánh Sáng. Các ông có thể bảo họ: tôi sẽ săn sóc đến hội "khuyến khích những nhà sạch sẽ cũng như các quan chức thuộc quyền tôi. Quan Toàn quyền Brévié sẽ vui lòng nhận chức Danh dự Hội trưởng của Hội."

Sau khi xem bản vẽ "một xóm thợ thuyền" của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, ông thống sứ nói: "Phải xây dựng ngay những xóm thợ thuyền ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng. Hội sẽ nói với các ông chủ nhà máy giúp hội thực hiện những xóm thợ thuyền như vậy".

Trước khi từ giã, nhóm đại diện Ánh Sáng mời ông Châtel làm Hội trưởng "vì ngài là vị thượng quan mà dân Annam chúng tôi hết sức quý mến và tin cậy". Ông vui vẻ trả lời:

"Được rồi, cái đó, các ông không ngại. Quan Toàn quyền Brévié, tôi, hay các vị thượng quan Pháp Nam sẽ chú ý đặc biệt đến hội vì đó là một công cuộc xã hội đáng khuyến khích. Các ông cứ yên tâm về thảo điều lệ rồi đưa đến đây cho tôi". (Ngày Nay số 66, 4-7-37).

Sở dĩ ban đại diện Ánh Sáng đạt được những thành quả đầu tiên, vì Đảng Xã Hội Pháp có truyền thống giúp đỡ dân nghèo, mà chương trình nhà Ánh Sáng đi đúng với chủ trương của đảng này.

Việc đưa Phạm Văn Bính, một đảng viên của Đảng Xã Hội Pháp, lên làm chủ tịch tạm thời của hội Ánh Sáng là khéo léo: Phạm Văn Bính có thể tiếp xúc với nhà cầm quyền một cách dễ dàng. Từ đây mọi việc tiến hành rất nhanh chóng.

Ngày Nay số 70 (1-8-37), đăng bài của nhà báo Bùi Thế Mỹ, một nhà báo danh tiếng ở Sài Gòn ủng hộ Hội Ánh Sáng, và Ngày Nay số 71 (8-8-37), đăng bài của anh em thợ thuyền ở Vinh hoan hô chương trình này.

Hội Ánh Sáng được thành lập

Ngày Nay số 72 (15-8-37) có tranh bià của RITG, vẽ Nhà Ánh Sáng: Một nếp nhà ánh sáng, một gia đình ánh sáng. Một cảnh ao ước sắp có, nhờ về Hội Ánh Sáng.

Ngày Nay số 72, RITG vẽ nhà ánh sáng, một ao ước sắp có

Và Ngày Nay số 72 (15-8-37) in quảng cáo buổi diễn thuyết đầu tiên của hội Ánh Sáng tại nhà Hát Lớn Hà Nội.

Chương trình Diễn thuyết, Ngày Nay số 72 (15-8-37).

Dưới khung quảng cáo này là bài Ánh Sáng ở thôn quê trong mục Bùn lầy nước đọng, trình bày chương trình Ánh Sáng, Hoàng Đạo viết:

"Những gian nhà tối tăm, lụp xụp, ẩm thấp của họ [dân quê] từ ngàn năm xưa đã có, họ cứ theo con đường cũ đã vạch sẵn mà đi, không được ai chỉ bảo thêm, cho nên đến bây giờ, nó vẫn ẩm thấp, vẫn lụp xụp, vẫn tối tăm. Vậy, nếu bây giờ, có người đến bảo họ rằng: Cũng với một số tiền làm nhà ấy, cũng với những tài liệu ấy, chúng tôi có thể xây dựng nên những ngôi nhà phong quang hơn, rộng rãi hơn, có mỹ thuật và vệ sinh hơn."

Những người ấy là ai? Họ là những kiến trúc sư xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, đã từng nghiên cứu về vấn đề nhà cửa ở thành thị và thôn quê. Và họ đang tìm cách đem tiện nghi và mỹ thuật đến những người nghèo, cho dân quê, cho thợ thuyền được hưởng.

Và đó cũng là một mục đích của hội Ánh Sáng mới thành lập.

Nhìn vào cách xây dựng hội Ánh Sáng, ta thấy đây là một tổ chức có hệ thống, quy củ, có thể có hậu ý chính trị, mở rộng ra ngoài khuôn khổ Tự Lực văn đoàn, tìm sự ủng hộ của nhiều thành phẩn dân chúng khác nhau.

Như trên đã nói, loạt bài Bùn lầy nước đọng của Hoàng Đạo đăng trên Ngày Nay từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1937, là vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ cho hội Ánh Sáng, làm thức tỉnh lòng người trước thảm trạng sống của dân quê, kêu gọi mọi người tham gia để cải tổ đời sống u tối này, đánh động nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách cai trị, trừ khử những bất công, đưa ánh sáng công lý vào vùng bất hạnh.

Nhờ vậy, không những phong trào Ánh Sáng được cả thành phần trí thức lẫn công nhân, thợ thuyền ủng hộ (theo các bài góp ý đăng trên Ngày Nay), ngay đến ông toàn quyền Brévié, mặc dù đã từ chối tự do ngôn luận, không cho lập nghiệp đoàn và lập đảng, cũng không thể ngăn cấm Hội Ánh Sáng thành lập, mà còn góp phần đắc lực vào, như muốn xoa dịu những cấm đoán phản dân chủ của ông trước đây, khi ông mới tới Việt Nam.

Hội Ánh Sáng ra đời ngày 16-8-37

16-8-1937 là một ngày "lịch sử" đối với hội Ánh Sáng, được coi là ngày thành lập hội.

Báo Ngày Nay số 73 (22-8-37) dành ba trang nói về buổi họp tối 16-8-37 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, với bài tường thuật nhan đề: Tại nhà Hát Lớn Buổi họp đầu tiên của Ánh Sáng của Khái Hưng kèm theo hình ảnh. Theo lời Khái Hưng: "Diễn đàn bài trí giản dị và uy nghiêm, hùng tráng xưa này chưa từng thấy". Số hội viên Ánh Sáng vào nhà hát gấp đôi số ghế của rạp hát. Tóm lại có khoảng 2000 hội viên vào được bên trong và 2000 hội viên phải ra về.

Quang cảnh Nhà Hát lớn bên ngoài, bên trong và diễn đàn, 
trên Ngày Nay số 73.

Diễn giả gồm có:

- Nhất Linh Nguyễn Tường Tam nói về: Ý nghiã xã hội của hội Ánh Sáng.

- Tôn Thất Bình, giáo sư trường Thăng Long và Phạm Văn Bính, thư ký uỷ ban tạm thời, nói về: Mục đích và chương trình của hội Ánh Sáng.

- Hoàng Nhữ Tiếp, kiến trúc sư, nói về Kiến trúc mới và lối nhà rẻ tiền.

- Cô Thanh Quí, hiệu ảnh Anh Photo, nói về Phụ nữ với hội Ánh Sáng

Bài viết của Nguyễn Tường Tam, Phạm Văn Bính và Hoàng Nhữ Tiếp đều đăng lại trên báo Ngày Nay[6].

Hướng đạo sinh hát những bài ca Ánh Sáng, lần đầu tiên. Bài đầu do Trần Duy Hưng và Thế Lữ, đặt lời. Bốn bài tiếp theo, lời của Thế Lữ, đăng trên Ngày Ngay số 73 và 75.

Sổ vàng ghi nhận lòng tốt của nhiều cơ quan hảo tâm giúp phương tiện thực hiện đêm hội, đặc biệt ông đốc lý Pisier cho mượn nhà Hát Lớn không lấy tiển thuê. Và quảng cáo, ngay tuần sau, tối thứ hai 23-8-37, tại nhà Hát Lớn sẽ có đoàn ca vũ May-Blossom hát gây quỹ giúp hội Ánh Sáng, vé bán tại: hiệu Gô Đa, gian hàng nước hoa, và các hiệu thuốc: Vũ Đỗ Thìn, Hoàng Xuân Hãn, hiệu sách Thụy Ký và toà báo Ngày Nay.

Tóm lại, buổi ra mắt Hội Ánh Sáng rất rầm rộ, được sự ủng hộ của mọi giới, kể cả những tờ báo chống Ngày Nay, cũng quên chuyện cũ, để đồng tâm góp sức cổ động, đông nhất là giới báo chí và giới hướng đạo. Sự góp phần nhiệt liệt của các đoàn hướng đạo, cho thấy tác dụng Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo, đã đăng trên Ngày Nay năm 1936, một lối kim chỉ nam hướng dẫn thanh nhiên, khuyên họ nên luyện tập thân thể và chí khí để phụng sự việc cải tiến xã hội.

Ban trị sự tạm thời của Ánh Sáng, có sự góp mặt của nhiều thành phần:

Ba hội trưởng: Nguyễn Tường Tam, giáo sư; Nguyễn Thiều, kỹ sư; Nguyễn Duy Thanh, kỹ sư.

Thư ký: Phạm Văn Bính, làm báo.

Hai phó thư ký: Trần Văn Thiết, kỹ sư; Nguyễn Văn Đào, đoàn trưởng đoàn Hùng Vương.

Thủ quỹ: Nguyễn Tường Long, tham tá lục sự.

Hai phó thủ quỹ: Trần Khánh Giư, làm báo. Nguyễn Văn Xuân, tham tá toà án.

Mười hai cố vấn: Cô Thanh Tú, làm báo. Cô Thanh Quý, làm ảnh. Ngô Thế Tân, kỹ sư canh nông (chồng họa sĩ Lê Thị Lựu), ủy viên hướng đạo. Nguyễn Cát Tường, họa sĩ. Nguyễn Văn Khái, thương mại. Phạm Tá, nghị viên. Trần Phúc Chuyên, đoàn trưởng đoàn Lê Lợi. Tôn Thất Bình, làm báo. Hoàng Nhữ Tiếp kiến trúc sư. Phạm Lê Bổng, kỹ nghệ. Nguyễn Văn Nhân, đoàn trưởng đoàn Hồng Đức. Nguyễn Văn Vĩnh, lảm ảnh. (Theo Ngày Nay số 74, 29-8-37).

Buổi diễn thuyết đầu tiên của Nguyễn Tường Tam

Nhất Linh vắng mặt trên báo Ngày Nay từ số 48 (28-2-37). Trên Ngày Nay số 58 (9-5-37) có đăng lời bố cáo: Nguyễn Tường Tam ốm nên không đọc được hết các sách truyện gửi về dự thi giải TLVĐ 1936 (bố cáo này có tính cách "chính trị", vì Thạch Lam phụ trách giải thưởng, ông đọc và viết bài tổng kết các sách gửi đến dự thi).

Tóm lại, Nhất Linh vắng mặt trên Ngày Nay từ tháng 2-37, để xuất hiện lại trên diễn đàn Nhà Hát Lớn đúng ngày 16-8-37 như vị thủ lãnh của phong tráo Ánh Sáng.

Một tháng sau, Ngày Nay số 78 (26-9-37) Nguyễn Tường Tam, rút tên Giám đốc, để trở thành Sáng lập chủ nhân, Trần Khánh Giư lên làm Giám đốc và Nguyễn Tường Lân, Quản lý.

Những sự kiện này có cho phép ta "đoán" là Nhất Linh đã quyết định hoạt động chính trị ngay từ tháng 2 năm 1937, thoạt tiên dưới hình thức xã hội, dựng nhà Ánh Sáng, để có sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, trước khi thành lập đảng Hưng Việt, đầu năm 1938, chăng? Vì thế, chúng ta cần biết Nhất Linh Nguyễn Tường Tam nói gì trong bài diễn thuyết ra mắt Hội Ánh Sáng ngày 16-8-37 này.

Đầu tiên, ông đặt vấn đề: Đã từ lâu, những người nhiễm cái học mới đều nhận thấy "cảnh đời ảm đạm, buồn nản của dân quê trong những túp nhà hang tối" và chắc đã nhiều lần tự hỏi: "Liệu có thể đổi khác được không?"

"Câu hỏi trên nẩy ra trong óc bạn chỉ như một tia nắng yếu ớt lòe ra trong đêm tối dầy đặc, chỉ như một dây phút hy vọng biến ngay thành một nỗi thất vọng dài và chua xót.

Nhưng bao giờ cũng vậy: đã nghĩ đến thay đổi thì rồi sẽ có sự thay đổi.

Nỗi thất vọng riêng từng người nay đã sắp biến thành một mối hy vọng chung, mối hy vọng chung ấy tức là hội Ánh Sáng." (Ngày Nay số 74, 29-8-37).

Nếu sự thay đổi Nhất Linh muốn nói ở đây là thay đổi toàn diện xã hội, thì đây là lời kêu gọi lên đường, được nhấn mạnh bằng ý: cứ nghĩ đến là làm đượccứ muốn là làm được.

Nay Hội đã thành lập được rồi. "Hội đông người, lại toàn những người quả quyết phấn đấu, cái sức mạnh ấy có thể thắng nổi hết các sự khó khăn".

Rồi ông trở lại vấn đề nhà Ánh Sáng, cái khó đầu tiên là phải trả lời được câu hỏi:

"Làm nhà cho dân nghèo và thợ thuyền ở, nhưng rồi sau… sẽ ra sao? Chính phần mười nhà Annam ta là nhà hang tối. Làm thế nào cho đủ được?"

Vì thế hội Ánh Sáng không phải là hội làm phúc, tức là chỉ xây nhà gạch cho một số người may mắn được hưởng, mà xây dựng những nhà tranh, nhà gỗ, rẻ tiền, nhưng đủ tiện nghi và có mỹ thuật. Và cần truyền bá tư tưởng này đến mọi người ở khắp nơi: Phải thay đổi cuộc sống. Trong ba năm nay, chúng tôi đã cộng tác nghiên cứu. Loại nhà này có thể xây dựng được ở bất cứ nơi nào, với điều kiện là phải cổ động cho người dân chịu thay đổi lối sống… Nói khác đi, phải đưa dân quê ra khỏi cái quan niệm thần linh, mà sống một đời thực tiễn cho chính họ. Vì vây, hội Ánh Sáng phải giúp đỡ họ, không chỉ việc xây nhà Ánh Sáng mà còn giúp họ thoát khỏi lối sống tối tăm, mê tín, để trở thành những người văn minh.

Thông điệp của Nhất Linh có hai nghiã:

- Một là, phải xây dựng những nhà Ánh Sáng để ở.

- Hai là, phải thoát ra khỏi gông cùm hủ lậu, mê tín, đã đè bẹp người dân trong bao nhiêu thế kỷ, mà cũng là cái gông cùm thực dân còn đang đè nặng trên toàn diện đời sống dân tộc, qua lời nhắn kín đáo sau đây:

"Cái gì bền chặt, còn mãi mãi, không phải là những căn nhà dựng lên, mà chính là cái ý muốn chung của chúng ta, của dân quê, cái ý muốn có sự thay đổi mãi mãi, cái lòng nhiệt thành với công việc ta làm, lúc nào ta cũng hết sức, chắc ở mình và chắc ở tương lai."

Qua bài phát biểu này, Nhất Linh đã âm thầm tuyên bố chủ đích chính của mình: muốn thay đổi hẳn cuộc sống của người dân, có thể hiểu là phải làm cách mạng.

Từ đây, Hội Ánh Sáng phát động các chương trình Ánh Sáng: diễn thuyết, tổ chức quyên tiền, trình diễn ca nhạc, kịch, chiếu phim, để gây quỹ dựng nhà Ánh Sáng. Đông đảo nhà báo góp sức cổ động, Hướng đạo sinh làm việc thiện nguyện, các trí thức như ông bà Hoàng Xuân Hãn nhận bán vé xem hát, ông Thống sứ cho phép tổ chức Garden Party trong Phủ thống sứ; ông bà Toàn quyền giúp công, giúp của, v.v.

Nghị định thành lập Hội ngày 14-10-37

Hội Ánh Sáng được phép chính thức thành lập theo nghị định số 4851-A ngày 14/10/37 của Thống sứ Châtel[7]

Nghị định, Ngày Nay số 82, trang 379

Đoàn ánh sáng được phép thành lập, Ngày Nay số 83

Ngày Nay số 83 (31-10-37) in khung quảng cáo rầm rộ, đại ý nói:

Bắt đầu từ ngày 14-10-37, đoàn Ánh Sáng được phép thu tiền của Hội viên để làm nhà Ánh Sáng. Tiền thu được sẽ biến ngay thành nhà cửa Ánh Sáng.

Ban cổ động sẽ diễn thuyết tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh để tuyên truyền chủ nghiã của đoàn và đến các nhà để mời mọi người vào đoàn.

Điều lệ vào hội: Tán trợ hội viên: ủng hộ ít nhất 100 đồng. Tặng hảo hội viên: 50 đồng. Chủ trì hội viên, đóng mỗi năm 1 đồng. Khuyến khích hội viên, mỗi năm 0,20 đồng.

Số tiền đóng góp không nhiều nhưng nhiều người thì số tiền sẽ rất lớn.

Tháng 12/1937 sẽ có Đại hội đồng đầu tiên của đoàn Ánh Sáng.

Ngày Nay số 89 (12-12-37), trong bài Ánh Sáng, đăng các tin sau đây:

- Ông Toàn quyền Brévié nhận làm danh dự hội trưởng và đỡ đầu cho đoàn Ánh Sáng.

- Ông Brévié cho phép các Uỷ viên Ánh Sáng trong ba ngày 13, 14 và 15 tháng 12 đến công sở mời các viên chức vào đoàn.

- Ngày Ánh Sáng được phép tổ chức vào ngày 12-12-1937.

- Các Uỷ ban hành động Ánh Sáng được thành lập.

Nhìn danh sách các ủy ban in trong bài báo, chúng ta thấy đủ các thành phần trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ thời đó, và phụ nữ đóng vai trò không nhỏ. Thí dụ:

Uỷ ban tổ chức và khánh tiết: trưởng ban: bà Trịnh Thị Thục Oanh, đốc học các trường nữ học Hà Nội. Thư Ký: các ông Nguyễn Trọng Trạc, Hoàng Nhật Tiến. Uỷ viên: các bà: Trần Khánh Giư, Hoàng Cơ Thụy, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Tiết, Tôn Thất Bình, Vũ Đình Đa, Phạm Hoàng Tín, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Hà Sĩ Cát.

Uỷ ban chuyên môn: Trưởng ban: ông Bùi Tường Chiểu; thư ký: các ông Võ Đức Diên, Nguyễn Gia Trí.

Uỷ ban tuyên truyền: Trưởng ban: ông Đoàn Phú Tứ; thư ký: các ông Hà Sĩ Cát, Vũ Đình Hoè.

v.v.

Ngày 14-12-37, ông Toàn Quyền Jules Brévié gửi thư cho ông Hội trưởng đoàn Ánh Sáng nhận làm hội trưởng danh dự của đoàn Ánh Sáng, kết luận lá thư, ông viết:

"Chống lại với nạn nhà tối tăm và làm cho dân quê hiểu biết những phương pháp vệ sinh thường thức là hai công việc cấn thiết và đích đáng với tấm lòng nhiệt thành của các ông. Làm việc đó, đoàn Ánh Sáng có thể trông cậy ở sự giúp sức của tất cả các nhà đương chức ở đây"[8]

Ngày 13-1-38có buổi diễn thuyết ở nhà Hát Lớn Hải Phòng để cổ động cho đoàn Ánh Sáng, với các diễn giả: Nhất Linh, Tôn Thất Bình, Nguyễn Trọng Trạc, Hoàng Nhữ Tiếp, Nguyễn Thị Tăng Phú[9].

Ông Đốc lý Virgitti cấp cho hội Ánh Sáng sáu lô đất ở bãi Phúc Xá để xây nhà Ánh Sáng[10].

Đoàn Ánh Sáng đã có bài ca chính thức, theo điệu Quốc ca Hoa Kỳ và Joyeux au revoir[11]. Bà Vũ Ngọc Phan (Hằng Phương) sáng tác bài thơ Khuyên mọi người vào hội Ánh Sáng[12].

Trên Ngày Nay số 107 (24-4-38), kiến trúc sư Hoàng Nhữ Tiếp viết bài Trại Ánh Sáng Phúc Xá, trình bày họa đồ, giải thích cách kiến trúc, và nêu lên những khó khăn cần phải vượt qua.

Trại Ánh Sáng Phúc Xá hiện có 4 lô, mỗi lô 1.200 m2.

Trại Ánh Sáng Phúc Xá của Hoàng Nhữ Tiếp, Ngày Nay số 107

Một cảnh xã hội sẽ thực hiện ở Phúc Xá, Ngày Nay 109

Từ 5 đến 6 giờ chiều ngày 12-5-38: Lễ đặt viên gạch đầu tiên ở Trại Ánh Sáng do phu nhân quan Toàn quyền Jules Brévié và ông Thống sứ Châtel chủ lễ[13].

Đoàn Ánh Sáng cảm ơn ông bà Toàn quyền Brévié gửi tặng 450 đồng[14].

Tiếp tục gây quỹ: Nhất Linh diễn thuyết. Ba chục "nàng tiên Ánh Sáng" hát giúp vui. Cô Jeannin Tạ Quang Phát hát. Chiếu phim Désir với Marlène Dietrich và Gary Cooper.

Bản chi thu Ánh Sáng do Hoàng Đạo thủ quỹ ký ngày 25-5-38, đăng lần lần trên Ngày Nay số 114 (2-6-38).

Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Duy Thanh đồng chủ tịch Hội, tiếp khách mỗi tuần một giờ vào ngày thứ bẩy, từ 6 đến 7 giờ chiều, tại Đoàn sở Ánh Sáng, 28 phố Richaud.

Số tiền thu được sẽ gửi xuống Hải Phòng để xây thôn Ánh Sáng đầu tiên ở dưới ấy[15].

Ngày 23-12-38, Hội Ánh Sáng bầu hội đồng quản trị mới, với:

Ba hội trưởng: Nguyễn Tường Tam, Vũ Đình Hoè và Tôn Thất Bình.

Tổng thư ký: Nguyễn Xuân Đào. Nguyễn Tường Long đổi sang ban Kiểm sát.

Trần Khánh Giư, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Nhữ Thiếp, Tô Ngọc Vân, ở trong ban cố vấn.

Trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Ánh Sáng ngày 18-12-38, tại rạp Olympia, Tổng thư ký Nguyễn Xuân Đào tổng kết những việc hội đã làm được trong năm vừa qua và trình bày chương trình cho năm tới. Ông cho biết: Đoàn Ánh Sáng hiện đã có bốn chi đoàn ở Hải Phòng, Nam Định, Sơn Tây và Kiến An. Riêng chi đoàn Hải Phòng đã có hơn nghìn hội viên và một nghìn bạc trong quỹ.

Về năm 1938: "Trại Phúc Xá đã hoàn thành: có 34 căn nhà cho 34 gia đình ở. Nhà chia làm 4 hạng, giá thuê từ 6 hào đến 2 đồng một tháng. Nhà nào cũng có bếp, buồng tắm, cầu tiêu riêng. Những đồ đạc bầy trong nhà cũng do đoàn sắm cả. Đồ đạc toàn bằng tre, do kiến trúc sư chế kiểu, đã tiện lại có vẻ mỹ quan.

Sau hạn thuê mười năm người chủ thuê không phải trả tiền nhà nữa. Nếu nửa chừng dọn đi, đoàn sẽ bồi thường lại một món tiền…"

Dự tính cho năm 1939: "Ban công tác đương trù tính việc dựng thôn Ánh Sáng ở Voi Phục. Hiện nay đã được dân sở tại nhường cho 10 mẫu đất công. Với số tiền dự trù non hai vạn đồng, thôn Voi Phục sẽ dựng với một quy mô rộng lớn hơn và đầy đủ hơn trại Jules Brévié ở Phúc Xá"

Về tổ chứcNguyễn Xuân Đào cho biết: "Đoàn có một hội đồng quản trị, một ban kiểm sát tài chính và 13 uỷ ban hành động. Hội đồng quản trị ban bố những mệnh lệnh, còn thừa hành các mệnh lệnh đó là việc của các uỷ ban. Có những uỷ ban này: Tổ chức, tuyên truyền, công tác, khiến trúc, bài trí, y tế, pháp luật, phụ nữ, huấn luyện, mua bán, khảo cứu về thôn trại Ánh Sáng". Hội Ánh Sáng hiện có hơn một trăm ủy viên.

Hội đồng quản trị hội Ánh Sáng quyết định năm 1939 sẽ xây dựng Thôn Ánh Sáng thứ hai ở Voi Phục.

Cuối cùng, ông Nguyễn Xuân Đào ngỏ lời cám ơn uỷ ban tổ chức, uỷ ban kiến trúc và công tác: "Chúng tôi xin có lời trân trọng cảm tạ các bạn trong uỷ ban tổ chức, trong một năm trời, đã kiếm cho quỹ đoàn hơn một vạn bạc, hai ủy ban kiến trúc và công tác đã hợp sức dựng nên trại Ánh Sáng đầu tiên ở Phúc Xá". Và gửi lời cám ơn các báo: Ngày Nay, Đông Pháp, Thời Vụ, Trung Bắc, Việt Báo, Nam Cường, Tin Tức đã giúp đỡ phương tiện và đặc biệt lòng biết ơn của đoàn Ánh Sáng đến ông Toàn quyền Jules Brévié và phu nhân, ông Thống sứ Chatel, hai ông đốc lý Virgitti và Gallois Montbrun đã bảo trợ cho đoàn về đủ các phương diện[16].

Ngày Nay số 151 (4-3-39) quảng cáo chương trình chợ phiên Ánh Sáng "vĩ đại" để dựng thôn Ánh Sáng Voi Phục, sẽ làm ở nhiều nơi trong ba ngày do ông Thống sứ Châtel bảo trợ:

Thứ sáu 3-3-39, 17 giờ: Khánh thành chợ phiên tại Parc Auto.

Thứ bẩy 4-3-39, từ 16 giờ: Chơi và thi thuyền trên hồ Hoàn Kiếm.

17 giờ: Garden Party tại Phủ Thống Sứ.

Chủ nhật 5-3-39, 15 giờ: Thi xe hoa tại vườn hoa Paul Bert.

Chương trình văn nghệ: ban kịch Thế Lữ trình diễn vở Đoạn Tuyệt của Nguyễn Xuân Đào soạn theo truyện của Nhất Linh, tại nhà Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Chuơng trình in trên Ngày Nay số 151 (4-3-39).

Phong trào Ánh Sáng tan vỡ

Nhị Linh và Tô Tử viết bài tường thuật của về ba ngày hội rất thành công này, trên Ngày Nay số 152 (11-3-39). Nhưng đó là những ngày hoạt động cuối cùng. Bởi vì tuần sau, ông Thống sứ Yves Châtel về nước. Ông là người sốt sắng nhất trong việc bảo trợ chương trình Ánh Sáng. Tô Tử (Tô Ngọc Vân) tường thuật buổi tiệc trà tiễn ông trên Ngày Nay số 153 (18-3-39).

Ngày Nay số 159 (29-4-39) có bài của Nhị Linh (Khái Hưng) viết về buổi tiễn đưa ông Caput, Tổng thư ký đảng Xã Hội (SFIO) về nước: Thêm một người có đầu óc tiến bộ rời Việt Nam.

Rồi như cái họa liên tiếp đến: Tin Phan Thanh từ trần đột ngột đúng ngày lễ Lao động, mùng 1 tháng 5, ở tuổi 31, làm xao động lòng người.

Phan Thanh (anh ruột Phan Bôi, anh em họ Phan Khôi) là khuôn mặt tiêu biểu nhất của trí thức cấp tiến lúc bấy giờ, ông có tài hùng biện bằng tiếng Pháp, dám bênh vực quyền lợi người dân, dưới thời Pháp thuộc. Ông là nhà báo, là giáo sư trường Thăng Long, dân biểu Quảng Nam, hội viên hội đồng thành phố Hà Nội, hội viên Đại Hội Nghị Kinh Tế và Lý Tài Đông Dương, và đảng viên Đảng Xã Hội Pháp.

Bài Tiểu sử ông Phan Thanh trên Ngày Nay số 160 (6-5-39), ghi rõ:

"Ông Thanh tham gia một cách mật thiết vào phong trào chính trị, từ khi chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền (…) Ông Thanh là một đứa con của Phong trào Mặt trận Bình dân Pháp, lại là một tay lãnh đạo cho phong trào Mặt trận dân chủ ở nước ta.

Ông bắt đầu giúp cho báo Le Travail, một cơ quan chiến đấu đầu tiên của dân chúng Trung, Bắc từ khi Phong trào Bình dân đại thắng ở Pháp.

Năm 1937, ông ra ứng cử dân biểu ở Quảng Nam, được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt (…)

Được bàu vào Đại hội đồng kinh tế lý tài, ông đã một mình cương quyết chống với tất cả bọn phản động thuộc điạ và tay sai của chúng trong giai cấp tư sản bản xứ và bênh vực lợi quyền cho đại đa số dân chúng.

Ngay từ khi đảng Xã hội mới thành lập ở Bắc kỳ, ông đã gia nhập và được ít lâu, ông trở nên một đảng viên trọng yếu của đảng, được cử làm phó thư ký chính trị của Liên đoàn Xã hội phía Bắc Đông Dương"

Vẫn theo bài tiểu sử này: "Chính ông [Phan Thanh] là sáng lập viên và là tổng thư ký của Hội truyền bá quốc ngữ". "Ông là người đã theo đúng chủ trương của Chủ nghiã xã hộị, ông đã bênh vực quyền lợi của người dân trong Hội đồng Thành phố Hà Nội".

Ngoài ra, Phan Thanh còn bênh vực cho việc không đóng cửa trường Mỹ thuật Đông Dương, tại Đại Hội Nghị Kinh Tế và Lý Tài, sau khi giáo sư Victor Tardieu qua đời.

Ngày Nay kết luận bài viết bằng câu: "Cái chết của ông Phan Thanh chẳng những là cái tang đau đớn cho gia quyến ông, cho đảng ông, mà còn cho toàn thể dân chúng nữa".

Với cái chết của Phan Thanh, số người dám bênh vực cho quyền lợi dân nghèo vơi đi, Phạm Văn Bính, trong bài tường thuật đám tang Phan Thanh, trên cùng số báo Ngày Nay 160, cho biết: "Người đưa tiễn ông hàng vạn, đám ma dài tới hơn một cây số." Và Phạm Văn Bính đã khóc một đồng chí một chiến sĩ xã hội. Vậy Phạm Văn Bính cũng là đảng viên Đảng Xã hội.

Sự vu cáo hội Ánh Sáng

Mặc dù sổ sách luôn luôn đăng trên Ngày Nay, nhưng đoàn Ánh Sáng vẫn nhận được những lời vu cáo.

Phan Trần Chúc, mới đầu ủng hộ phong trào Ánh Sáng, sau quay ra chống kịch liệt, trên báo Tân Việt Nam, ông cho rằng hội Ánh Sáng nên dùng tiền quyên được giúp nạn lụt thì hơn, bởi vì chương trình Ánh Sáng không thể thực hiện được, chỉ là chương trình của một người điên, mà lại còn ngửa tay xin tiền chính phủ Tây nữa. Vì bài này mà Hoàng Đạo tức giận, trả lời bằng những chữ "ông Trúc họ Phan Trần" (ý nói tráo trở như Phan Trần), trên Ngày Nay số 77 (19-9-37).

Sau đó, báo Tân Việt Nam lại "vu khống NTL ăn cắp cravate ở một hiệu buôn" (NTL ám chỉ Nguyễn Tường Lân tức Thạch Lam) (Ngày Nay số 78).

Hoàng Đạo "nổi trận lôi đình", trong mục Người và việc (Ngày Nay số 80, 10-10-37), in đậm câu này:

"Đối với Phan Trần Chúc mà tôi coi là một kẻ hết sức hèn mạt, từ đây tôi không thèm nói tới. Hễ gặp hắn bất cứ ở đâu, tôi sẽ cho hắn một cái tát: hắn chỉ đáng có thế thôi". Câu này gây xì-căng-đan. Nội vụ đưa đến việc triệu tập Hội nghị các nhà báo hoà giải việc bút chiến giữa Tân Việt Nam (Phan Trần Chúc) và Ngày Nay (Thạch Lam và Thế Lữ). Có biên bản làm ngày 20-10-37 của Trần Huy Liệu và Nguyễn Trọng Trạc (Ngày Nay số 83, 31-10-37).

Sau vụ Phan Trần Chúc còn vài vụ lẻ tẻ nữa, hội Ánh Sáng lờ đi, không trả lời.

Nhưng đến tháng 6 năm 1939, báo Avenir du Tonkin, số ra ngày 5-6-39, lại trích và dịch ra tiếng Pháp những lời công kích đoàn Ánh Sáng của báo Nước Nam và báo Vịt Đực, nên Hội Ánh Sáng phải viết bài Đoàn Ánh Sáng cùng những lời vu cáo, in trên Ngày Nay số 167 (24-6-39) để trả lời.

Chúng tôi xin tóm tắt hai điểm chính:

1- Nước Nam: Tố cáo Thế Lữ nhận số tiền 350 đồng để làm việc thiện.

Trả lời: Thế Lữ có lĩnh số tiền đó thật, nhưng để chi phí cho hai buổi diễn kịch (Đoạn Tuyệt) với các diễn viên nhà nghề: 12 vai kép, 7 vai đào, chưa kể những vai phụ, vai câm, vừa nam, vừa nữ. Sau khi trả tiền Thế Lữ, đoàn vẫn còn thu được 1.306 đ745.

2- Vịt Đực: Nhiều hội viên Ánh Sáng nhân dịp đi Hải Phòng đã lợi dụng đi Đồ Sơn nghỉ mát, tốn thêm 100 đồng.

Trả lời: Sao không nói 1000 đồng luôn thể. Sự thực thì hôm 3-3-38, bốn hội viên có đi Kiến An (phải qua Hải Phòng) vì được ông Công sứ tỉnh ấy mời về việc hai nhà mẫu Ánh Sáng xây ở một khu vừa bị hỏa hoạn (hiện đã xây xong và khánh thành hồi tháng 4 vừa qua). Rồi từ Kiến An, ban cổ động đi Thái Bình để lập một chi đoàn ở Thái Bình, và về Nam Định, tiếp xúc với chi đoàn Nam Định vừa thành lập. Anh em có thuê một chiếc xe hơi trong hai ngày và một đêm, tất cả mọi chi phí, tiền cư trú, tiền xăng, tiền ăn, tiền qua phà, tổng cộng hết 37đ02, như các tờ giấy chứng thực.

Việc này có lẽ là giọt nước làm tràn ly. Cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến sự chán nản, tan rã, trong lòng những người làm việc cho Hội Ánh Sáng.

Thế Lữ không phải là Nhất Chi Mai?

Trong những bài công kích Hội Ánh Sáng, có bài của Vũ Trọng Phụng, mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân vừa gửi cho chúng tôi, trong đó xác định Nhất Chi Mai là Phạm Văn Bính, đó là bài "Việc trong… việc ngoài", in trên Đông Dương tạp chí, số 37 (27-1-38),

Bài này có hai điểm đáng chú ý:

- Vũ Trọng Phụng cho rằng Nhất Chi Mai là Phạm Văn Bính, với câu: "Ông Nhất Chi Mai Phạm Văn Bính".

- Chỉ trích Nhất Linh và hoạt động của Hội Ánh Sáng. Vũ Trọng Phụng viết:

"Theo tin một tờ báo hàng ngày, thì khi đến dự bữa tiệc của hội Ánh Sáng, quan toàn quyền Brévié đã hứa là sẽ trợ cấp cho hội ấy.

Thật là một tin mừng cho nhóm Ngày Nay.

Và do đó, cái câu "ra Ánh Sáng để lẩn vào bóng tối", mà thiên hạ gán cho ông Nguyễn Tường Tam không phải là lời vu cáo.

Chúng tôi xin mừng cho ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nhất là ông đã biết từ chức giám đốc báo Ngày Nay, nhường cho nhà danh sĩ Khái Hưng, để có thể cung cúc tận tụy với hội Ánh Sáng.

Hoàng thiên bất phụ hoả tâm nhân, quan toàn quyền Brévié đã hứa trước công chúng như thế, thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Thảo nào mà đương lúc đắc thời, sách nào ra cũng chạy như tôm tươi, mà bỗng dưng ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lại thôi chức chủ nhiệm Ngày Nay, lại chẳng viết cuốn sách nào nữa. Ông Nhất Chi Mai Phạm Văn Bính hiện làm thư ký tạm thời của hội Ánh Sáng chắc chắn nay mai sẽ được chân thư ký vĩnh viễn, và như vậy, cũng bõ cái công đầu tắt mặt tối bấy nay. Còn ông Nguyễn Tường Tam, chắc ông sẽ được một chân nào to hơn thế nữa, lương cao hơn thế nữa. Xưa kia ông Nguyễn Tường Tam đã xin cụ Nguyễn Hữu Bài một chân tri huyện không xong. Bây giờ, ông khéo xoay xở lập hội Ánh Sáng…"

Để hiểu rõ hơn về những lời công kích trên đây, trước hết xin nói qua về nguồn cội:

Vũ Trọng Phụng và Tự Lực văn đoàn, ban đầu, không có hiềm khích gì, vì cuốn phóng sự đầu tiên của Vũ Trọng Phụng, Cạm bẫy người được An Nam xuất bản cục của Tự Lực văn đoàn in năm 1934.

Năm 1935, Ngày Nay số 2 (10-2-35) còn đăng phóng sự Tết của Tù của Vũ Trọng Phụng.

Không hiểu sao, năm 1936, Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ (in trên Hà Nội báo từ tháng 10-36) lại "đánh" vào chương trình cải tiến xã hội của Tự Lực văn đoàn.

Số đỏ mô tả một Hà Nội lai căng dưới thời Pháp thuộc, đưa ra những nhân vật điển hình để kín đáo chế giễu các chủ trương: giải phóng phụ nữ, đưa mỹ thuật vào đời sống, vận động cho thể thao, chủ trương theo mới, hoàn toàn theo mới, theo chủ nghiã bình dân, làm nhà Ánh Sáng, thiết kế y phục tân thời… Các hình thức cải tiến xã hội của Tự Lực văn đoàn đều được Vũ Trọng Phụng nhái lại, thổi phồng và hài hước hoá, thành các nhân vật, các mốt lai căng, nực cười, như sân quần bà Phó Đoan xây cho Xuân Tóc Đỏ, tiệm may Âu Hoá của ông bà Văn Minh với ông mỹ thuật Típ Phờ Nờ (T.Y.P.N, hay Tôi Yêu Phụ Nữ) vẽ những kiểu: áo Ỡm ờ, quần Hãy chờ một phút, áo lót Hạnh phúc, coóc-sê Ngừng tay, áo Nữ Quyền… đều nhằm chế giễu Hoàng Đạo, Cát Tường, nói riêng và Tự Lực văn đoàn nói chung, kể cả nhân vật Xuân Tóc Đỏ, ma cà bông, nhờ tham dự vào cuộc cải cách xã hội, mà trở nên vô địch thể thao, vĩ nhân cứu quốc…

Nhưng Tự Lực văn đoàn không có phản ứng gì về việc này.

Đến tháng 4, năm 1937, trên Ngày Nay số 54 (11-4-37), Khái Hưng có bài tường thuật về hai vở kịch diễn Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng và Mua giây mà buộc vào mình. Ông khen vở thứ hai, nhưng chê vở thứ nhất: Sau khi liệt kê một số nhân vật của Vũ Trong Phụng như Thị Mịch, bà phó Đoan… Khái Hưng cho rằng với nhân vật nào: "ông Vũ Trọng Phụng cũng chỉ nhìn thấy những cái mà ông tha thiết muốn nhìn, thấy những cái khốn nạn đê hèn, bẩn thỉu của người đời. Rồi ông tức tối, rồi ông lên tiếng nguyền rủa nhiếc móc". Nhận định như thế kể cũng hơi nặng.

Nhưng trên Ngày Nay, ba số trước, tức là số 51 (14-3-37) có bài viết của Nhất Chi Mai, tựa đề "Dâm hay không dâm", phê bình Lục xì của Vũ Trọng Phụng, viết với ý "để vạch những cái bẩn thỉu nhơ nhớp, dơ dáy của văn ông ta" thì lời lẽ có chỗ thực nặng nề.

Để trả lời, Vũ Trọng Phụng viết bài Để đáp lời báo Ngày Nay (Tương Lai, số 9 (25-3-37) (in trong website: lainguyenan.free.fr). Trong bài này, Vũ Trọng Phụng còn chưa biết Hàn Đãi Đậu là Khái Hưng và cũng chưa biết Nhất Chi Mai là ai (vì không thấy ông nhắc đến Phạm Văn Bính).

Riêng bài "Việc trong… việc ngoài" in trên Đông Dương tạp chí số 37 (27-1-38), đã trích dẫn ở trên, nhằm đả phá phong trào Ánh Sáng, nên Vũ Trọng Phụng đưa tên Phạm Văn Bính vào, vì Phạm Văn Bình lúc đó là thư ký tạm thời của Hội Ánh Sáng.

Điểm đáng chú ý trong bài này, là câu: "Ông Nhất Chi Mai Phạm Văn Bính hiện làm thư ký tạm thời của hội Ánh Sáng", do Vũ Trọng Phụng viết.

Còn những điều ông chỉ trích sai Nhất Linh, chẳng cần cải chính, vì những gì chúng tôi trình bày trong chương này, đã nói rõ cả rồi.

Nhất Chi Mai có phải là Phạm Văn Bính không?

Bây giờ xin trở lại câu hỏi: Nhất Chi Mai có phải là Phạm Văn Bính không?

Trong chương Ngày Nay phóng sự, chúng tôi cho rằng Nhất Chi Mai là Thế Lữ, vì đã dựa trên sáu nhận xét sau đây:

1- Khi giao cho Nguyễn Tường Cẩm làm chủ nhiệm, Thạch Lam chủ bút Ngày Nay, Nhất Linh dư biết chỉ mình Thạch Lam có kinh ngiệm làm báo, cho nên ông cử Thế Lữ cùng làm, bởi vì Thạch Lam thân với Thế Lữ.

2- Những phóng sự ký tên Nhất Chi Mai trong thời kỳ này, đều viết về vùng Hải Phòng, Moncay là nơi gia đình Thế Lữ cư ngụ.

3- Giọng văn Nhất Chi Mai trong phóng sự Buôn người, mang dấu ấn một nhà văn quen thuộc có bản lĩnh, giọng của tác giả Vàng và MáuMột đêm trăng.

4- Trên Phong Hóa số 125 (23-11-34), khi thấy Thế Lữ vắng mặt, độc giả Lê Văn Bổng làm bài thơ hỏi: Thế Lữ ở đâu mà không thấy có mặt trên Phong Hóa? Thế Lữ đã viết bài thơ dài Trả lời, trong có hai câu:

"Tôi muốn trốn cảnh phồn hoa đã chiếm

Mất lòng tôi, tìm cho thấy bạn Ly Tao"

5Bài viết Dâm hay không dâm của Nhất Chi Mai, phê bình Lục xì của Vũ Trọng Phụng, trong có câu: "Đọc xong một đoạn văn, tôi thấy trong lòng phẫn uất, khó chịu, tức tối".

Cách lập ngôn này, tôi đã thấy trong bài Trên núi voi của Lêta (Thế Lữ), phê bình Lưu Trọng Lư: "Đọc xong câu truyện ấy, tôi thấy nẩy ra hai ý tưởng" (Phong Hóa số 91, 30-3-34); và xét về nội dung chỉ trích của hai bài, cũng thấy giống nhau, dùng chữ mạt sát, coi thường.

6- Việc bút chiến của Tự Lực văn đoàn với các tác giả khác, luôn luôn do ba cây bút trẻ: Hoàng Đạo, Thế Lữ và Thạch Lam đảm nhiệm, họ không nhờ "người ngoài".

Nay thấy Vũ Trọng Phụng viết: Ông Nhất Chi Mai Phạm Văn Bính, thì không biết thế nào?

Vũ Trong Phụng là người cùng thời, tất ông biết rõ hơn chúng ta? Nhưng sự cùng thời cũng không có gì bảo đảm, ví dụ: Tú Mỡ không những cùng thời, và còn là thành viên của Tự Lực văn đoàn, mà ông lại "tưởng" rằng Hoàng Đạo là anh Nhất Linh, và "quyết" rằng: Nhất Linh theo Hitler, học cả cách ăn mặc và dáng điệu!

Phạm Văn Bính chỉ viết ít bài trên Ngày Nay trong thời kỳ cộng tác với hội Ánh Sáng, có khoảng ba truyện ngắn Của hồi môn (Ngày Nay số 40), Hai thế giới (Ngày Nay số 42), Năm xưa (Ngày Nay số 45), với lối viết nhẹ nhàng, chưa sâu sắc, nhưng cho biết ông ở Huế, hoặc quê ở Huế. Và hai bài vận động cho phong trào hướng đạo: Tiếng gọi thanh niên Việt Nam cần vào đoàn hướng đạo (Ngày Nay số 45), và Hướng đạo một phương pháp giáo dục hoàn toàn (Ngày Nay 52), cổ võ cho sự góp mặt của Hướng đạo sinh trong phong trào Ánh Sáng.

Văn Phạm Văn Bính thật thà, chân chỉ, như người mới tập viết văn:

"Dần dần, trời sáng hẳn. Mặt trời lộ lên, chiếu xuống một ánh nắng ấm áp, dễ chịu. Bến tầu mỗi lúc một đông hơn. Bọn phu "bát tê" lang sang đi lại, bàn tán rộn rịp".

"Chiều chiều, trên cầu Tràng Tiền, thiên hạ được trông thấy một đôi thiếu niên sánh vai nhau đi hóng mát. Ai nấy cũng rầm rộ khen: "Tốt đôi thực! Vợ chồng tiên!" (Của hồi môn)

Khác hẳn với giọng văn điêu luyện, vũ bão của Nhất Chi Mai:

"Những tiếng gió vi vút, gầm thét trong hang, những tiếng hò não nuột của lũ chim đêm, những tiếng sóng dạt dào, những cái bóng đen lù lù của đàn cá mập bơi theo, những cảnh tượng thâm u, sầu thảm của trời nước, một đêm không có trăng sao, không đủ làm nao lòng bọn "lái thán", bọn khách chuyên nghề chở người từ Haiphong ra Moncay." (Buôn người)

Vì vậy, chúng tôi nghĩ, nếu có một cớ nữa chứng minh Phạm Văn Bính là Nhất Chi Mai, từ một nguồn tin khác, ngoài Vũ Trọng Phụng, thì đáng tin cậy hơn.

Nhất Linh chấm dứt vai trò trong hội Ánh Sáng

Ngày 23-8-39, Toàn quyền Jules Brévié hết nhiệm kỳ, về nước. Ông là một vị toàn quyền tương đối cởi mở, tuy không cho tự do báo chí nhưng cũng không bóp nghẹt, ông đã để cho Ngày Nay được tương đối tự do, trong hai năm rưỡi ông cầm quyền ở Đông Dương.

Về vấn đề dựng nhà Ánh Sáng, có thể nói rằng: hoạt động nhà Ánh Sáng đã đình trệ sau khi Thống sứ Châtel về Pháp, Hội Ánh Sáng chỉ còn quyên tiền giúp việc từ thiện mà thôi.

Chính trị Pháp cũng bước sang giai đoạn mới để đối đầu với chiến tranh. Ở thuộc địa, kể từ năm 1939, phần "tự do" do chính phủ Mặt trận Bình dân ban hành, bị thu hẹp lại, báo chí bị kiểm duyệt gắt gao hơn, Ngày Nay bị cắt từng đoạn, từng trang, có khi cả bài và vòng vây bắt đầu khép chặt chung quanh những người hoạt động cách mạng, từ Nam ra Bắc.

Chương trình làm nhà Ánh Sáng ở thôn Voi Phục, không thực hiện được. Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới bùng nổ, các lãnh đạo cách mạng bị lùng bắt, Nhất Linh phải trốn tránh, công trình Ánh Sáng bị bỏ dở.

Nhìn lại sự điều hành tờ Ngày Nay trong thời kỳ Ánh Sáng, ta thấy những mốc đáng chú ý sau đây:

Nhất Linh không có bài viết trên Ngày Nay từ số 48 (28-2-37). Sáu tháng sau, ông xuất hiện lại và đọc diễn văn khai mạc Hội Ánh Sáng ngày 16-8-37 tại nhà Hát Lớn Hà Nội, quy tụ đông đảo đủ mọi giới, theo báo Ngày Nay số 73 (22-8-37), có tới 4000 hội viên tới dự, 2000 vào được bên trong, 2000 phải ở ngoài hội trường.

Hơn một tháng sau, ông chính thức bỏ chức Giám đốc Ngày Nay kể từ số 78 (26-9-37) và trở thành Sáng lập chủ nhân, để Khái Hưng Trần Khánh Giư làm Giám đốc từ số 80 (10-10-37), Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, Quản lý. Tuy nhiên, Nhất Linh vẫn viết tiểu thuyết: Hai tác phẩm lớn của ông là Đôi bạn và Bướm trắng, được in trên Ngày Nay trong năm 1938 và 1940. Bướm trắng chắc được viết trong năm 1939, thời kỳ ông phải trốn tránh.

Hội Ánh Sáng liên quan đến hoạt động cách mạng của Nguyễn Tường Tam và Tự Lực văn đoàn như thế nào? Đó là một câu hỏi.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

Tác giả giữ bản quyền – http://thuykhue.free.fr NgayNay-NhaAnhSang.doc trang 19/19


[1] Ngày Nay số 82, 24-10-37.

[2] Từ số 51, 14-3-37 đến số 73, 22-8-37.

[3] Số 40 (27-12-36), lấy tên là Để đi tới việc thành lập hội bài trừ những nhà "hang tối" Ánh Sáng, ý kiến của độc giả. Từ số 41, rút gọn thành: Góp ý kiến về Ánh Sáng.

[4] Những bài Góp ý kiến về Ánh Sáng được in trên Ngày Nay: số 41 (3-1-37), số 42 (10-1-37), số 43(17-1-37) số 44 (24-1-37), số 45 (31-1-37), số 47 (21-2-37), số 48 (28-2-37), số 49 (7-3-37), số 50 (14-3-37), số 51 (14-3-37), số 52 (28-3-37), số 53 (4-4-37), số 55 (18-4-37), số 57 (2-5-37), số 58 (9-5-37), số 59 (16-5-37), số 60 (23-5-37), số 61 (30-5-37), số 62 (6-6-37), 63 (13-6-37), số 64 (20-6-37), số 65 (27-6-37), số 67 (11-7-37), số 68 (18-7-37), số 69 (25-7-37), số 71 (8-8-37).

[5] Ngày Nay số 43, 17-1-37.

[6] Bài của Nhất Linh đăng trên Ngày Nay số 74 (29-8-37). Bài của Phạm Văn Bính in trên Ngày Nay số 75 (5-9-37) và số 76 (12-9-37). Bài của Hoàng Như Tiếp đăng trên Ngày Nay số 77 (19-9-37) và số 78 (26-9-37).

[7] Ngày Nay số 82, 24-10-37.

[8] Ngày Nay số 90 (19-12-37).

[9] Ngày Nay số 94 (16-1-38).

[10] Ngày Nay số 98 (20-2-38).

[11] Ngày Nay số 100 (6-3-38).

[12] Ngày Nay số 106 (17-4-38).

[13] Ngày Nay số 109 (8-5-38).

[14] Ngày Nay số 111 (22-5-38).

[15] Ngày Nay số 114 (12-6-38) và số 116 (26-6-38).

[16] Theo tin trên Ngày Nay số 143 (31-12-38), 144 (7-1-39), 145 (14-1-39) và 146 (21-1-39).

Nguồn: Văn Việt