Ông
Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm Đình Thái) sinh ngày 15 tháng 8 năm 1913 trong
một gia đình công chức cấp huyện tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương,
tỉnh Thái Bình.
Năm
1929 ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng
Đồng chí Hội, là Tổ trưởng và đối tượng kết nạp đảng. Ông kê khai người phụ
trách là Nguyễn Văn Ngọ, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, sau cách mạng là Chủ tịch
tỉnh Thái Bình.
Ông
bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình.
Mùa hè năm 1931, Nguyễn Hữu Đang bị đưa ra tòa xét xử, nhưng được tha, vì dưới
tuổi thành niên. Sau đó, ông lên Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Sư phạm.
Sau
khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong
trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết và làm
biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức. Ông hoạt động công
khai ở Hà Nội, là đồng chí của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng,
Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố.
Trong
thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật (1939-1945), ông hoạt
động trong khối trí vận của Đảng, chuyên lo việc vận động giới tư sản và trí
thức, là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ (do Đảng
Cộng sản Đông Dương đứng đằng sau hậu thuẫn). Năm 1943, ông tham gia Ban Chấp
hành Hội Văn hóa Cứu quốc và gia nhập Tráng đoàn Lam Sơn của tổ chức Hướng đạo
sinh Việt Nam. Mùa hè 1944, Nguyễn Hữu Đang tham gia tổ chức và chủ trì Hội
nghị Giáo khoa thư Toàn quốc ở Hà Nội. Mùa thu 1944, ông bị bắt và bị giam giữ
một tháng tại Nam Định cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Như Phong.
Cuối
1944 đầu 1945 ông được giao nhiệm vụ tiếp xúc với Tổ chức kháng chiến Pháp ở
Đông Dương thuộc phái Đờ Gôn do tướng Eugène Mordant đứng đầu để Trung ương
Đảng xúc tiến thương lượng hợp tác đánh Nhật.
Tháng
8 năm 1945, ông được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải
phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời khởi nghĩa) gồm 15 ủy viên.
Khi
Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng ban
Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Ngày nay trên sách báo người ta hay
nhắc đến câu nói của Hồ Chí Minh khi giao việc dựng Lễ đài Độc lập với thời
gian hết sức gấp gáp, trang thiết bị thiếu thốn: "Có khó mới giao cho
chú" (tức Nguyễn Hữu Đang).
Từ
9/1945 đến tháng 12/1945, ông tham gia Chính phủ Lâm thời, lần lượt giữ chức Bộ
trưởng bộ không bộ (rất ngắn), Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Tuyên
truyền, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc. Khi Mặt trận Liên
Việt được thành lập ông phụ trách Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung
ương. Từ 6-1948 ông phụ trách báo Toàn dân Kháng chiến (báo của cơ quan trung
ương Liên Việt).
Năm
1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Về việc này ông giải thích
như sau: Trên thực tế, từ Phong trào Mặt trận dân chủ đã tự nguyện công tác
tích cực như một đảng viên và đã được tổ chức đảng mặc nhiên công nhận như một
đảng viên nhưng về mặt nguyên tắc, thủ tục thì mãi đến đầu năm 1947, sau Hội
nghị Thông tin toàn quốc họp ở Phú Thọ Tổng bí thư Trường Chinh mới cử hai đồng
chí Nguyễn Khánh Toàn và Xuân Thủy thay mặt tổ chức đảng bố trí một buổi lễ
truy nhận Nguyễn Hữu Đang chính thức là đảng viên từ năm 1943 là năm ông bắt
đầu nhận được sự liên lạc đều đặn cũng như sự chỉ đạo công tác thường xuyên của
các đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và Bí thư thành ủy Hà Nội Lê Quang Đạo.
Từ
tháng 6/1949 đến tháng 10/1954, ông được cử làm Trưởng ban Thanh tra Bình dân
học vụ. Trong thời gian này có người nói rằng thực chất ông không tham gia công
tác nữa mà vào Thanh Hóa giúp cho Nhà xuất bản của Trần Thiếu Bảo xuất bản sách
cho kháng chiến. Cũng có tin nói ông xin ra khỏi Đảng. Cũng có tin nói ông bị
khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Đang không nói, viết về thời kỳ này, cũng không có
chứng từ nào phản ánh điều đó.
Từ
tháng 11/1954 đến tháng 4/1958, ông làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ thuộc
Hội Nhà văn Việt Nam. Khi trở về Hà Nội, ông Lê Đạt cho biết ông Trường Chinh
và ông Tố Hữu định giao cho ông chức Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội nhưng ông không
nhận, chỉ xin làm biên tập cho báo Văn Nghệ.
Cuối
1956, ông chủ trương và làm biên tập báo Nhân Văn và cộng tác với báo Giai
Phẩm.
Tháng
4 năm 1958, ông bị bắt.
Tại
phiên tòa xét xử kín ông cùng bà Lưu Thị Yến (bút hiệu Thụy An) ngày 21 tháng 1
năm 1960 bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị", "làm
gián điệp" và bị đưa lên giam giữ tại trại Tân Lập Phú Thọ và sau là trại
Cổng Trời Hà Giang.
Sau
khi ra tù vào năm 1973, ông bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình 15 năm.
Năm
1986, sau Đại hội Đảng VI, ông bắt đầu được minh oan và phục hồi danh dự và
được coi là "lão thành cách mạng".
Từ
năm 1990, ông được hưởng lương hưu trí.
Từ
năm 1993, ông về sống ở Hà Nội, được cấp một căn hộ tại khu nhà tập thể Hội Sân
khấu tại quận Ba Đình Hà Nội
Ông
không có vợ con. Thật ra thì ông đã có vợ tại quê do gia đình cưới chạy tang vắng
mặt ông. Ngay sau đó ông từ hôn vì còn hoạt động cách mạng, khuyên người vợ về
nhà mình đi lấy chồng khác. Khi ông ra tù về sống tại quê, bà vẫn còn sống đã
có chồng con. Bà có đến thăm ông. Trong thời gian ở Hà Nội sau 9-1945 ông có
yêu và hứa hôn với một thiếu nữ Hà Nội tên là Huyền Nhiên hoạt động trong phong
trào Phụ nữ Cứu quốc nhưng do kháng chiến nổ ra nên không kịp kết hôn. Ông viết
về mối tình này trong truyện Chiếc vòng Xơmen.
Ông
qua đời ngày 8 tháng 2 năm 2007 tại Hà Nội. Ban Tang lễ của Bộ Giáo dục và Đào
tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, tuần báo Văn Nghệ được thành lập. Thi hài ông
được hỏa táng và đưa về quê an táng ngày 11 tháng 2 năm 2007.
Khi
viết về Nguyễn Hữu Đang có vài người đã hỏi ông là ai.
Các
bài viết về Nguyễn Hữu Đang chỉ tường thuật những sự việc lớn. Ông phát ngôn
rất hạn chế. Hầu hết các bài viết, ghi chép của ông, bản thảo đều mất mát. Ý
định quan trọng nhất là định viết hồi ký thì không thực hiện được. Do những cấm
kỵ về vụ Nhân Văn – Giai Phẩm những người cùng hoạt động với ông đang có cương
vị công tác đương thời như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Lê Quang Đạo,
Vũ Quốc Uy, Lưu Văn Lợi… hầu như rất ít khi nhắc đến những kỷ niệm về ông. Các
bài viết của Nguyễn Hữu Đang trên báo chí cách mạng và công khai trước 1945
cũng chưa được ai sưu tầm. Đa số người viết coi ông như một nhà cách mạng nhưng
do thiếu tư liệu người ta khó có quan niệm cụ thể hơn. Từ điển Thái Bình
bản tái bản năm 2020 thì viết ông là một nhà cách mạng nhiệt thành. Ít ra từ nhiệt
thành rất đúng với tính cách con người ông.
Nguyễn
Hữu Đang sinh ra và lớn lên đúng vào buổi giao thời của Việt Nam. Đó là giai
đoạn phong trào yêu nước truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc theo
phương pháp cổ điển đã bất lực và những phong trào yêu nước mới phù hợp với
thời đại mới đang hình thành. Lý tưởng trung quân mờ nhạt, vai trò sĩ phu gần
như chấm dứt hẳn nhường sân khấu chính trị cho lớp trí thức mới chịu ảnh hưởng
của văn hóa Tây phương với lý tưởng tự do dân chủ và quốc gia dân tộc.
Bên
cạnh con đường cứu nước bằng bạo lực, khởi nghĩa đã mở ra con đường cách mạng
quần chúng, cách mạng bằng văn hóa. Trước mắt Nguyễn Hữu Đang đã có những tấm
gương. Theo ai? Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Bùi Quang Chiêu,
Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Đào Duy Anh?
Đây
cũng là thời kỳ quan trọng của văn học nước nhà – thời kỳ chuyển từ chữ Nho,
chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Văn học và báo chí quốc ngữ bắt đầu phát triển mạnh
mẽ. Văn minh tinh thần Tây phương bắt đầu thâm nhập sâu rộng vào đời sống xã
hội chuẩn bị cho sự ra đời một nền văn học, báo chí quốc ngữ.
Nguyễn
Hữu Đang đã chọn con đường nào? Con đường của ông đơn giản thôi nhưng hợp với
xu thế thời đại.
Khi
còn học ở Thái Bình ông tham gia phong trào học sinh của Thanh niên Cách mạng
đồng chí hội. Ông có tham gia phong trào Thiện đàn. Ông Nguyễn Hữu Đang có nói
với tác giả khi về gặp ông bàn việc giải tỏa cho ông năm 1987 rằng nếu cộng tác
viết lịch sử cho tỉnh Thái Bình thì ông còn biết một số di tích đàn hương còn
tồn tại cho đến thời gian ấy.
Nguyễn
Hữu Đang chọn Hà Nội, học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Ông không chọn
nghề công chức như bố ông hay nghề dạy học. Ông cũng có năng khiếu về văn
chương nhưng không chọn nghề cầm bút làm nhà văn mà chọn nghề chính trị, làm
chính trị bằng văn hóa.
Chỉ
biết khi đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, Nguyễn Hữu Đang tham gia
phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết
và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức. Ông hoạt động
công khai ở Hà Nội, là đồng chí của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn
Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố. Sau nữa là các ông Trần Quốc
Hương, Nguyễn Đức Kính, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…
Trong
cuốn tài liệu Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960
do Talawas dịch sang tiếng Việt, nhà sử học người Đức Heinz Schütte có
cuộc nói chuyện khá cởi mở với Nguyễn Hữu Đang.
Heinz
Schütte: Gia tộc ông có truyền thống chính trị hay không?
Nguyễn
Hữu Đang: Không, nhưng gia đình và mọi người xung quanh tôi ít nhiều đều có
tinh thần chống Pháp. Mẹ tôi mù chữ, thất học, bà không biết đọc biết viết,
nhưng nghe thấy người Pháp là bao giờ bà cũng gọi họ bằng một thành ngữ nhục
mạ. Cha tôi không chống Pháp nhưng không phải là một công chức hành chính ngoan
ngoãn. Ông là quan huyện nhưng không thân Pháp. Bên cạnh ông, anh tôi lại là
người chống Pháp, anh tham gia cuộc bãi khoá của học sinh trường Kỹ nghệ Thực
hành, bãi khoá chống tên hiệu trưởng tàn ác, đó là vào năm 1927/1928. Nhưng
ngay vào thời ấy, năm 1928, đã có ông cậu (chồng bà cô ruột tôi), ông Lê Ngọc
Rư là Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định của Đảng Cộng sản. Ông đã bị chính quyền thực dân
bắt vì là người lãnh đạo Đảng Cộng sản, bị kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Ở
đó ông đã ghép một chiếc thuyền hay bè và vượt biển với Tổng Bí thư Đảng Cộng
sản Đông Dương Ngô Gia Tự, họ tìm cách cặp vào đất liền từ Trung Hoa, Malaysia
hay Sài Gòn hay Hải Phòng cũng chẳng biết. Cả hai đã chết trên biển vì bất ngờ
gặp bão.
Chính
ông Lê Ngọc Rư đã đánh thức tinh thần yêu nước và cách mạng của người anh cả
tôi là Nguyễn Hữu Rung, học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng. Rung tham
gia bãi khoá của học sinh chống tên hiệu trưởng độc ác Camboulive (?) và bị bỏ
tù một năm. Anh tôi truyền cho tôi những ý tưởng tiến bộ và cho tôi bản chép
những bài thơ yêu nước rực cháy như “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc rất nổi
tiếng vào thời đó khi đã bắt đầu có những hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng
của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính.
Năm
1929, được lôi kéo bởi những sự kiện chính trị nóng bỏng, tôi tham gia, mà
không hiểu chủ nghĩa Marx là gì. Hội Học sinh do Việt Nam Thanh niên Cách mạng
Đồng chí Hội chỉ đạo, đây là tổ chức có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa do Nguyễn
Ái Quốc sáng lập ở Trung Hoa…
Về mặt chính trị, tôi đi theo cách mạng không phải vì tin vào chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, khi tham gia các hoạt động cách mạng bí mật, tôi hoàn toàn mù tịt về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không biết gì về chủ nghĩa Marx, nhưng tôi tham gia các tổ chức bí mật của cộng sản. Năm 16 tuổi tôi rải mọi thứ truyền đơn cộng sản, tôi lưu hành mọi thứ báo chí cộng sản bí mật. Ngày 1/5 và ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, tôi trèo lên cây, lên cột nhà đang xây để treo cờ đỏ búa liềm một cách dũng cảm, không sợ chết chóc, không sợ tù đày. Nhưng tôi hoàn toàn mù tịt về chủ nghĩa cộng sản. Tôi tham gia cách mạng, tức là tham gia phong trào cộng sản chỉ là do tinh thần chống Pháp, lòng căm thù chủ nghĩa thực dân. 16 tuổi, mọi tổ chức chính trị tuyên bố đấu tranh chống thực dân Pháp tôi đều gia nhập, tôi sẽ gia nhập bất kỳ tổ chức nào – Đảng Cộng sản, Đảng X, Đảng Y, v.v., bất kỳ đảng nào miễn nó là kẻ thù của của chủ nghĩa thực dân. Tôi thuộc về phe các kẻ thù của chủ nghĩa thực dân, chứ không phải phe chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, tôi cóc biết. Chủ nghĩa Marx, tôi cóc biết. 16 tuổi, sao nhỉ – đấu tranh giai cấp, tôi cóc biết. Chuyên chính vô sản, tôi cóc biết. Không gì hết, tôi không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi bắt đầu biết chủ nghĩa cộng sản là thế nào từ năm 1936 trong phong trào Mặt trận Bình dân, nhờ các sách báo từ bên Pháp được đưa sang tự do. Chính Mặt trận Bình dân đã tạo ra quyền uy của Đảng Cộng sản. Không có Mặt trận Bình dân, nhân dân Việt Nam sẽ hoàn toàn mù tịt về vai trò của Đảng Cộng sản. Chính nhờ Mặt trận Bình dân với việc nhập khẩu báo chí Marxist xuất bản tại Pháp. Chính thời kỳ khai phóng thực dân ấy đã tăng cường ảnh hưởng của các nhóm cộng sản Việt Nam. Trước đó, tất cả những người cách mạng Việt Nam đều là những người chống thực dân, chống Pháp. Sau đó, chính cuộc kháng chiến chống Pháp đã tập họp và tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của Đảng Cộng sản. Không có cuộc kháng chiến, có thể Đảng Cộng sản sẽ không đoạt được chính quyền.
Có
thể nói hai việc nổi bật nhất cũng là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Hữu Đang cho
cách mạng là hoạt động chủ chốt trong Hội Truyền bá Quốc ngữ và tham gia sáng
lập và lãnh đạo Hội văn hóa Cứu quốc.
Nguyễn
Hữu Đang tự khai: Từ 1938 đến 1945 Hoạt động tích cực trong phong trào chống
nạn thất học, tham gia lãnh đạo Hội Truyền bá Quốc ngữ ở các vị trí Ủy viên Ban
Trị sự Trung ương (cùng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai), Huấn luyện viên trung
ương, Trưởng Ban Dạy học, Trưởng Ban Cổ động, Phó Trưởng Ban Liên lạc các chi
nhánh tỉnh.
Nhật
kí Nguyễn Huy Tưởng ngày 16-6-1942 ghi:
“Anh
Nguyễn Hữu Đang xuống làm việc cho Truyền bá Quốc ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh
xin nghỉ ở Sở Tài chính [Hà Nội] xuống đây làm việc nghĩa. Đức hi sinh của anh
thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc ngữ ở Hải Phòng chết đi
nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả một đạo quân chiến
bại.”
Nghệ
sĩ nhân dân – Đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa trong Hồi ký in năm 2010 có viết
rằng ông rất thân với Nguyễn Hữu Đang trong Hội Truyền bá Quốc ngữ. “Nguyễn Hữu
Đang rất tháo vát và có trình độ nhưng có khuyết điểm rất lớn là không phục ai
cả. Nói đến phong trào Truyền bá Quốc ngữ mà không nhắc đến Nguyễn Hữu Đang thì
như thiếu sót.”
Trong
một lần trả lời nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhà văn Lê Đạt nói: “Anh Đang có công
rất nhiều trong việc Truyền bá Quốc ngữ… Tôi tin rằng khi nói đến tiếng Việt,
người ta không thể quên được Nguyễn Hữu Đang.”
Trong
nhiều văn bản nghị quyết có nói đến vai trò quan trọng của công tác xóa nạn mù
chữ để xây dựng phong trào quần chúng trong cách mạng giành độc lập và thắng
lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm. Trong thành quả ấy có một phần
không nhỏ đóng góp của Nguyễn Hữu Đang.
Do
hoạt động Văn hóa Cứu quốc tháng 4-1944 Nguyễn Hữu Đang bị bắt lần thứ hai cùng
Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Như Phong, bị đưa xuống Nam Định giam và xét xử nhưng
không bị kết án.
Chuẩn
bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 ông cùng Nguyễn Đình Thi viết cuốn sách Một
nền văn hóa mới. Dự kiến hai nhà trí thức đại diện cho Hội Văn hóa Cứu quốc
được cử vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc, Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ trình
bày cho Hội nghị Quốc dân Tân Trào 8-1945. Cho nên nó không phải thuần túy là
một luận văn mà là một tuyên ngôn, cương lĩnh về văn hóa trình trước những
người lãnh đạo cách mạng Việt Nam lúc đó, một kế sách xây dựng nền văn hóa mới
cho nước Việt Nam mới.
“Nói
khác ra, để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc
lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để.
Nước
Việt Nam là một nước cộng hòa dân chủ nghĩa là một nước mà sự sống và sức mạnh
hoàn toàn trông cậy vào ý thức và lòng kiên quyết của người dân. Vì đó, làm cho
nhân dân có trình độ hiểu biết cao, có ý thức chính trị vững vàng là một điều
kiện sống còn của quốc gia tân dân chủ. Nền giáo dục tương lai sẽ phải thực
xứng đáng là một nền giáo dục chứ không thể là một phương pháp mê hoặc lòng
dân, kìm hãm trí dân như trong những nước phát-xít. Điều đó đã đủ khiến cho
việc xây đắp nền giáo dục của ta là một công việc nặng nề, lớn lao.”
Để
xây dựng một nên văn hóa cho nước Việt Nam mới các ông đề xuất:
“Ban
bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn
hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa đã
bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi
nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta
mới có thể dồi dào, phong phú.
Trợ
cấp cho những nhà văn và nghệ sĩ có tài, về tất cả mọi ngành như hội họa, điêu
khắc, ca kịch, gây những nghệ thuật chưa có ở ta, nhất là nghệ thuật chiếu
bóng, làm cho đời sống những người phụng sự văn hóa được một đôi chút thoải
mái, nâng cao địa vị của họ trong xã hội, khuyến khích những hội văn hóa mới ấy
là gây đủ điều kiện cho nước ta có những tác phẩm sản xuất lâu dài, kỹ lưỡng,
dư giá trị. Bênh vực quyền lợi, chẳng lấy gì làm nhiều nhặn, của những nhà văn
nghệ, của những “kỹ sư linh hồn” bị bạc đãi, cũng là một việc mà nhà lập pháp
cần nghĩ đến.
Muốn
cho đàn văn nghệ hoạt động một cách chưa từng thấy, muốn khuyến khích sự sản
xuất những tác phẩm công phu và giá trị, chính phủ còn có thể đặt những giải
thưởng toàn quốc về văn chương, mỹ thuật, tổ chức những cuộc trưng bày lớn lao,
lập những viện bảo tàng để bảo tồn tinh hoa nghệ thuật, và lập nhà in và nhà
xuất bản quốc gia theo lối làm việc tập đoàn.
Để
gây cho văn học một thanh thế đặc biệt, ta sẽ còn thấy mở những viện văn học,
đỉnh cao nhất của nền văn học tương lai…
Sau
hết, muốn thổi vào nền văn hóa của ta những luồng gió mới lạ từ phương xa tới
và đồng thời mở rộng ảnh hưởng văn hóa của ta ra ngoài cả biên giới dân tộc,
quốc gia sẽ lập nên những cơ quan trao đổi văn hóa với ngoại quốc, gửi những
phái bộ văn hóa của ta ra nước ngoài, đón tiếp đại biểu văn hóa các nước, hết
sức tìm thâu thái những cái hay của người, gây một phong trào thành thực tìm
hiểu nhau giữa các dân tộc, để góp một phần vào công cuộc kiến thiết nền văn
hóa chung của cả thế giới.”
Về
cơ bản quan điểm của hai ông cởi mở và dân chủ rộng rãi hơn quan điểm của
Trường Chinh trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.
Tháng
7-1945 Nguyễn Hữu Đang tham gia sáng lập tạp chí Tiên Phong cơ quan ngôn luận
của Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong những số đầu ông có nhiều bài viết về phác thảo
cho việc xây dựng nền văn hóa mới.
Sau
khi giúp Chính phủ tổ chức thành công ngày lễ Độc lập 2-9-1945 tại quảng trường
Ba Đình Nguyễn Hữu Đang lại nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị Văn
hóa toàn quốc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Nhà
hát lớn thành phố ngày 24-11-1946 bao gồm rộng rãi nhiều trí thức văn nghệ sĩ
có tên tuổi khắp ba miền Trung Nam Bắc đồng lòng với chính phủ Hồ Chí Minh đứng
lên chống Pháp.
Ngày
25-7-1948 Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức ở Việt Bắc Nguyễn
Hữu Đang có tham dự nhưng đã bị gạt ra bên lề, gần như không còn vai trò gì.
Lúc đó Trường Chinh đã củng cố được quyền lực với số trí thức văn nghệ sĩ kháng
chiến không cần đến vai trò của ông nữa. Hội Văn hóa Cứu quốc bị giải tán. Hội
Văn nghệ Việt Nam được thành lập.
Heinz
Schütte: Vậy đó chính là đề tài của cuộc đời ông. Những năm 1930 đến 1954: đấu
tranh cho độc lập; từ 1954: đấu tranh cho dân chủ.
Nguyễn
Hữu Đang: Chính xác là vậy! Hai giai đoạn, hai thời kỳ – chính xác. Để đấu
tranh cho tự do, tôi đã bị chính quyền Pháp giam giữ hai lần trước Cách mạng tháng
Tám. Và trong chặng thứ hai, tôi đã một lần bị bắt bởi chính quyền Việt Nam,
một chính quyền xã hội chủ nghĩa.
Heinz
Schütte: Trong những năm 30 ông đã làm việc với Trường Chinh?
Nguyễn
Hữu Đang: Tôi đã làm việc với Trường Chinh từ năm 1936, thời kỳ Mặt trận Bình
dân. Tôi tham gia ban biên tập thường trực của tờ báo của Đảng với Trường Chinh
và Trần Huy Liệu. Chúng tôi đã là bộ ba biên tập thường trực của tờ báo Đảng.
Bộ ba Ban Biên tập thường trực tuần báo Thời nay, cơ quan của Đảng Cộng sản
Đông Dương năm 1939 gồm:
Trần
Huy Liệu, nhà cách mạng kỳ cựu, thoạt tiên là thành viên ban lãnh đạo Việt Nam
Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, chuyển qua theo chủ nghĩa cộng sản trong
ngục Côn Đảo và vẫn là người cộng sản có ảnh hưởng bên cạnh Ban Chấp hành Trung
ương cho đến khi qua đời.
Trường
Chinh: Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nguyễn
Hữu Đang: Cộng sản (trước khi chính thức gia nhập Đảng).
Tôi
bắt đầu nghề báo từ năm 1937, vào thời kỳ phong trào Mặt trận Bình dân.
Trường
Chinh sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941, sau khi
Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) trở về Việt Nam.
Heinz
Schütte: Khi nào và tại sao có sự cắt đứt giữa ông và Trường Chinh?
Nguyễn
Hữu Đang: Có sự bất đồng giữa ông ấy và tôi, nhưng vì những lý do khác, thí dụ
về việc phân công công tác cách mạng mà ông ấy quyết định cho tôi là không công
chính; tôi đã chịu những hậu quả bất lợi từ việc ấy. Tôi chịu quá nhiều sự thay
đổi không hợp lý. Sau này ông ấy đã thừa nhận sai lầm. Chính từ lúc ấy tôi rời
bỏ địa hạt chính trị thuần tuý để hiến mình cho – đúng ra là trở về – các hoạt
động văn hoá. Cuối cùng tôi đã đề nghị được nhận chức tổng thanh tra bình dân
học vụ, lãnh trách nhiệm chi huy cuộc đấu tranh xoá mù chữ.
Nguyễn
Hữu Đang: Sau vụ đàn áp dẹp bỏ báo Nhân văn. Lập trường của tôi là ngoan cố,
tức là không khuất phục kỷ luật của Đảng, điều đó hàm chứa một thái độ đối lập
chính trị, thậm chí ly khai.
Lãnh
đạo Tuyên truyền xung phong trung ương
Trong
cách mạng và kháng chiến chống Pháp có nhiều tổ chức Tuyên truyền xung phong.
Đặc điểm chung là Tổng bộ Việt Minh và các cấp Việt Minh các tỉnh thành phố khi
chưa có một cơ quan văn hóa, tuyên truyền chuyên trách đều thành lập các tổ
chức Tuyên truyền xung phong ở những thời điểm khác nhau để làm công tác tuyên
truyện vận động quần chúng nhân dân với phương châm “tuyên truyền đi trước một
bước” nhưng không có một hệ thống lãnh đạo quản lý chung theo ngành dọc. Điển
hình có tổ chức Thanh niên Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu Hà Nội,
Tuyên truyền xung phong Trung Bộ, Ban Tuyên truyền xung phong trung ương.
Tổ
chức Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, người sáng lập và
lãnh đạo là ông Vũ Oanh. Trong một đoạn hồi ức ông cho biết thành lập Đoàn
Thanh niên Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (TNTTXPTHD) vào cuối năm
1944.
Từ
ngày 17 đến 19-8-1945, Đoàn TNTTXPTHD có vũ trang cùng với lực lượng tự vệ, làm
nòng cốt cho toàn dân vùng lên giành chính quyền.
Tổ
chức Tuyên truyền xung phong Trung Bộ thành lập ở Huế tháng 9 năm1945, do ông
Đào Duy Dzếnh tức Đào Phan lãnh đạo.
Còn
tổ chức Ban Tuyên truyền xung phong trung ương thành lập năm 1946 do ông Nguyễn
Hữu Đang lãnh đạo thuộc Tổng bộ Việt Minh.
Trong
bản Lý lịch tự khai ông cho biết: Năm 1946-1948 phụ trách Ban Tuyên truyền xung
phong trung ương và báo Toàn dân kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh Hội Liên
Việt.
Để
giải thích sự việc này chúng ta cần hiểu rõ hơn bối cảnh chính trị năm 1946.
Chuẩn
bị cho Tổng tuyển cử quốc dân cuối tháng 12-1945 Chính phủ Cách mạng lâm thời
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giải tán để thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời
ngày 1-1-1946 có trách nhiệm tổ chức bầu cử Quốc hội. Sau khi bầu cử Quốc hội
khóa I Chínhphủ Liên hiệp lâm thời giải tán, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 2/3/1946 không còn cả hai bộ Thanh
Niên và Tuyên Truyền. Song đến tháng 11- 1946 Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tan vỡ vì nhiều thành viên thuộc các đảng phái ngoài
Đảng Cộng sản Đông Dương bỏ đi Trung Quốc thì được cải tổ thành Chính phủ Liên
hiệp Quốc dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 3/11/1946.
Do
Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị phân liệt chia rẽ
vì mất đoàn kết giữa các đảng phái nên Việt Minh đề nghị thành lập Hội Liên
hiệp quốc dân Việt Nam ngày 29-5-1946 một mặt trận rộng rãi đoàn kết nhân sĩ,
trí thức, các đảng phái, các tầng lớp nhân dân để kháng chiến chống Pháp, gọi
tắt là Liên Việt. Cụ Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc
Kháng là Hội trưởng và cụ Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng. Các tổ chức tham gia
ban đầu gồm có:
•
Việt Minh
•
Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Marx- Lenin (thành lập tháng 11.1945)
•
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (thành lập tháng 20.7.1946)
•
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thành lập ngày 20.10.1945)
•
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (thành lập năm 1946)
•
Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập năm 1944)
•
Đảng Xã hội Việt Nam (được thành lập vào tháng 7 năm 1946)
•
Việt Nam Quốc dân Đảng
•
Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội
Do
Chính phủ mới không còn hai Bộ Thanh Niên và Bộ Tuyên Truyền mà ông Đang từng
là Thứ trưởng ở hai bộ này, ông được đưa về Trung ương Liên Việt để phụ trách
công tác tuyên truyền của tổ chức này, phù hợp với khả năng và uy tín của ông.
Ông đã đề xuất lập Ban Tuyên truyền xung phong trung ương do ông trực tiếp phụ
trách. Ban chủ yếu gồm những thanh niên, học sinh Hà Nội tự nguyện tham gia,
được phiên chế thành các đội, hoạt động tuyên truyền ở Hà Nội, quanh Hà Nội và
một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Sau
khi tìm kiếm trên mạng, trong các tài liệu bách khoa lịch sử Việt Nam hiện đại
mà không thấy tăm tích cái đội tuyên truyền xung phong của ông Đang tôi bèn đùa
đặt tên cho nó là một cái lỗ đen trong lịch sử kháng chiến chống Pháp. Không
ngờ trong một lần nói chuyện với nhà giáo Phạm Toàn người chủ trì nhóm biên
soạn sách giáo khoa cải cách Cánh Buồm anh vỗ vai tôi: Tôi biết nhiều người ở
Hà Nội tham gia Tuyên truyền xung phong với ông Đang. Bà chị tôi cũng là đội
viên Tuyên truyền xung phong trung ương.
Bà
Phạm Thị Khang 87 tuổi (năm 2018), chị ruột nhà giáo Phạm Toàn cho biết như
sau:
Bà
và bạn bè học ở trường Đồng Khánh bỏ học khi cách mạng xảy ra thường tụ tập ca
hát nói chuyện về cách mạng cho vui. “Vào khoảng giữa năm 1946 không khí giữa
ta và Pháp đã rất căng thẳng, một hôm chị Khánh (Thuận) người làng Hạ Đình rủ
tôi đi công tác tuyên truyền xung phong.”
“Chúng
tôi đi học một lớp sơ cấp của Tổng bộ Việt Minh mở khoảng một tháng ở chùa Sở,
giờ gọi là chùa Sùng Khánh. Toàn là thanh niên học sinh trẻ măng, rất hăng hái.
Tôi còn nhớ người giảng là các anh Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Hữu Đang, chị Khánh lúc
đó gọi là Hồng. Nội dung gồm tình hình bốn mâu thuẫn, ba giai đoạn và phương
pháp tuyên truyền. Nhiệm vụ ban đầu là vận động nhân dân đi sơ tán khỏi Hà Nội.
Đang học thì có những cuộc đụng độ ở Khâm Thiên, Hàng Bún, chúng tôi phải đi
thực tập diễn thuyết.
Tôi
thấy anh Đang là người có đầu óc tổ chức rất giỏi và có lòng tin vào thanh niên
Hà Nội chúng tôi. Vì thế số đội viên chúng tôi ngày càng đông thêm. Nhân dân Hà
Nội tin chúng tôi, nhiều gia đình bỏ cả nhà cửa, công việc làm ăn, buôn bán đi
tản cư.
Sau
ngày 19-12-1946 anh Đang và chị Hồng cho chúng tôi rút khỏi Hà Nội để bảo toàn
lực lượng, hướng căn cứ là Chúc Sơn, Chùa Thầy. Vừa đi, vừa tránh địch nhưng
vẫn phải làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách kháng chiến cho bà con.
Bản
doanh thì lưu động. Mỗi tốp có từ ba đến năm người có người biết biểu diễn văn
nghệ, do một người làm đội trưởng. Cứ đi làm thì mới được nhân dân cho ăn. Tiền
thì mỗi người được năm đồng một tháng nhưng không được tiêu. Mỗi đội đi một
tỉnh, sau một tháng về lại đổi hướng, và đổi người phù hợp.
Bước
sang năm 1948, kháng chiến quá lâu, không thể làm theo cách này mãi, ông Đang
đã giao từng người, từng đội về các Ty Tuyên truyền của tỉnh, về Sở Thông tin
Liên khu 10, 12.”
Theo
giới thiệu của bà Khang tôi đã đến gặp ông Nguyễn Trọng Hoàn trước từng làm Vụ
trưởng ở Bộ Giáo dục, người được ông Đang yêu quý, tín nhiệm. Ông Hoàn được ông
Đang cử lên Chiến khu Việt Bắc lĩnh tiền cho Ban Tuyên truyền xung phong trung
ương. “Ông Đang giao cho tôi chiếc xe đạp Xteclinh mới tinh do nhà tư sản in
Xuân Thu cho. Tôi đạp xe lên Bắc Cạn thì đúng thời điểm Chiến dịch Thu Đông
Việt Bắc của Pháp. Tôi bị mất xe đạp, chạy trốn quân Pháp nhiều ngày cuối cùng
vẫn mang được ba lô tiền về cho ông Đang để nuôi anh em.”
Ông
Hoàn cho biết các đội viên Tuyên truyền xung phong trung ương sau hòa bình đã
về Hà Nội gặp lại nhau. “Thỉnh thoảng hàng năm có tổ chức gặp nhau. Sau khi ông
Nguyễn Hữu Đang và bà Hồng mất thì mọi người đã quá già nên không gặp nữa.
Trong số anh em có nhiều người thành văn nghệ sĩ nổi tiếng, có chức vụ công tác
ở các cơ quan như họa sĩ Mai Văn Hiến, nhạc sĩ Hoàng Giác, ca sĩ Trần Thụ, nhà
văn Nguyệt Tú, anh Chí Thứ trưởng Bộ Y tế, chị Khang Thẩm phán tòa án tối cao,
anh Phú Cục trưởng Cục Bá âm, chị Hợp vợ anh Đào Tùng…
Khi
ông Đang chuyển lên sống ở Hà Nội có bàn với anh em tôi làm đơn lên Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam xin được công nhận Tuyên truyền xung phong trung ương là một tổ
chức tiền thân trong Mặt trận nhưng người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc lúc đó là
anh Lê Quang Đạo từ chối giải quyết dù chị Nguyệt Tú vợ anh Đạo cũng là đội
viên Tuyên truyền xung phong trung ương.”
Các
ông bà, các cụ đội viên Tuyên truyền xung phong trung ương vẫn không quên,
không thôi tự hào về những năm tháng tuổi trẻ hoạt động đẹp đẽ, hào hùng đó.
Nhưng do hệ lụy của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm mà người thủ trưởng kính yêu của
họ Nguyễn Hữu Đang làm thủ lĩnh họ đã chịu phân biệt đối xử trong quá trình
công tác, còn tổ chức của họ thì cho đến giờ vẫn chưa được công nhận, chưa có
một cơ quan chủ quản để có chỗ gặp mặt.
Về
tờ báo Toàn dân kháng chiến thì không thấy dấu vết trong các cuốn Kỷ yếu báo
chí cách mạng Việt Nam.
Ban
Tuyên truyền xung phong trung ương cũng không có tên trong lịch sử những tổ
chức hiện nay kế thừa chức năng hoặc vai trò của nó như Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông mà chỉ được
nhắc đến như là một biện pháp công tác quan trọng trong thời gian đầu kháng
chiến chống Pháp. Trong khi đó hai tổ chức Tuyên truyền xung phong ở trên thì
được thành lập Ban liên lạc, được in sách kỷ yếu, được báo chí tuyên truyền,
được viết vào Lịch sử kháng chiến của hai thành phố này.
Đặc
biệt trên hệ thống thông tin cũng không có một bài viết nào, hồi ức nào của các
đội viên Tuyên truyền xung phong trung ương. Anh Nguyễn Huy Thắng con trai cố
nhà văn Nguyễn Huy Tưởng người bạn thân nhất của ông Nguyễn Hữu Đang cho biết
trong bộ Nhật ký của ông Tưởng có mấy chỗ viết về Tuyên truyền xung phong trung
ương của ông Đang.
22-12-1946
…Cùng
Nguyễn Công Mỹ đi thăm Hà Ðông. Kiếm café không được. Cảm thấy không xứng đáng
trong khi các chiến sĩ tranh đấu.
Những
ngọn đèn lấp lánh đêm. Những hàng quán cổ sơ ven đường. 9 giờ tối. Ở Thanh Oai.
Có tiếng kêu: cướp. Tự vệ hốt hoảng, sào, gậy, giáo, mác giữa những đuốc. Ngồi
trên xe tuyên truyền của Thái. Họ nhờ ô tô đi bắt cướp. Khắp các quãng đường
người ta đốt những đống rơm lửa cháy. Nhấp nhô những giáo mác, tiếng reo mọi
rợ. Họ nói cướp đến cướp nhà đạn. Nhưng sau mới biết là tù binh Tây. Một người
trợn trừng: Bắt được nhiều Tây, cả đầm, cả trẻ con, cả Việt gian, rồi cười.
Trong không khí hoang đường: lũ Tây đầm đi, có cả cố đạo, vài chị đầm non, cúi
đầu, thở dài. Một thanh niên [ra lệnh]: Colonne par 2. Merd. Merd. En avant
marche! Thái đeo súng lục [trấn an]: Ne craignez rien. Le Président Hô a
ordonné formellement de bien traiter les prisonniers et civils arretés. Nos
compatriotes ne sont pas méchants. Ils sont enthousiastes. Tây sợ: Oui. C’est
l’homme providentiel.
12-2-1947
[Các
đội viên] Tuyên truyền xung phong Chương Mỹ. Ngủ với nhau. Thuê thuyền ca hát.
Hỏng cả thuyền.
…Anh
cũng nghĩ như thế, tôi cũng thế mà đều nói trái lại.
2-3-1947
Giặc
tấn công Phùng, đánh qua Tó. Ở Yên Bái cũng đánh xuống. Ðiều đình lấy xe của
Thái.
Tải
sách vở, khí cụ lên VB (Việt Bắc). Xe hỏng giữa đường. Ðẩy xe vất vả. Lạp, Tửu,
Phồn không nhúng tay vào việc.
Một
đêm không ngủ. Khó chịu vì sốp phơ của Thái.
20-11-1947
…
Chuyện
Tuyên truyền xung phong làm biểu ngữ ở Phúc Yên. Đào đất, lấp đá, thành chữ: Hồ
Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm. Cài 100 thước, cao 3 thước…
Trong
thời gian này ông Nguyễn Huy Tưởng làm báo Toàn Dân kháng chiến của Tổng bộ
Việt Minh cùng ông Trần Huy Liệu. Đến cuối tháng 2-1948 ông Tưởng thôi làm báo
Toàn dân kháng chiến, có lẽ ông Đang đã giải tán Tuyên truyền xung phong trung
ương và chuyển về làm tờ báo này. Ông Đang không có bài viết nào về hai việc
này.
Ông
Đang tự khai ông 1949 làm Chánh thanh tra Bình dân học vụ. Có thể đó là một
công việc quan trọng đối với kháng chiến nhưng ông đang không viết về việc này.
Cũng
lại một quyết định quan trọng đối với cuộc đời Nguyễn Hữu Đang, ông không lên
chiến khu Việt Bắc mà vào Thanh Hóa, vùng tự do kháng chiến có chính quyền do
nhà văn hóa Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Được biết là ông giúp cho người bạn
cùng quê là Trần Thiếu Bảo mở nhà xuất bản tư nhân có tên là Xây dựng xuất bản
sách phục vụ đời sống văn hóa kháng chiến của Thanh Hóa. Mặc nhiên nhiều người
coi hành động của ông như là sự ly khai, bỏ hàng ngũ.
Đến
1954 Trần Thiếu Bảo mang nhà xuất bản về Hà Nội lấy lại tên cũ Minh Đức từ thời
kỳ 1946. Như là định mệnh, NXB Minh Đức gắn bó và chia sẻ số phận với Nguyễn
Hữu Đang, Minh Đức trở thành bà đỡ cho Nhân Văn – Giai Phẩm và cùng chịu án tù
với Nguyễn Hữu Đang. Về Trần Thiếu Bảo tôi đã có bài có bài viết riêng.
Căn
cứ vào thư mục sách chưa đầy đủ của NXB Minh Đức thấy rằng chương trình xuất
bản sách trong các năm 1946 đến 1957 mặc dù có chín năm kháng chiến nhưng vẫn
cho thấy một tầm vóc bao quát về văn hóa rộng rãi nhất là với mục tiêu chấn
hưng dân trí, tuyên truyền chủ nghĩa Mác và pháp luật cho xã hội mới. Minh Đức
đã cho in sớm các tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Tiêu Sơn
tráng sĩ của Khái Hưng, Vỡ đê, Giông tố của Vũ Trọng Phụng
trong lúc dư luận còn chưa tán đồng.
Gây
dựng phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là sự nghiệp hiển hách của Nguyễn Hữu
Đang. Thực chất đây là cuộc cách mạng dân chủ lần thứ nhất ở Việt Nam. Tất cả
nguyên nhân nguồn gốc, con người đều là sản phẩm của chính hệ thống Đảng và chế
độ xã hội miền Bắc Việt Nam sau 1954, giai đoạn giao thời chuyển từ thời chiến
sang thời bình, sau sai lầm rất nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam là
chỉnh huấn và cải cách ruộng đất. Nguyễn Hữu Đang và các bạn của ông hy vọng
vào một đời sống mới tốt đẹp hơn đời sống chiến khu, hy vọng ở chính quyền mới
sẽ xây dựng được một xã hội văn hóa, văn minh, dân chủ, họ sẽ xây dựng một nền
văn nghệ nhân bản và văn minh như các nền văn nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy
nhiên đường biên ý thức hệ cộng sản trong vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa Mao đã
không cho phép ông và các bạn ông thực hiện điều đó bằng con đường góp ý phê
bình trong nội bộ. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng và Trần Dần đã phản ánh thái độ
căng thẳng, quyết liệt của Nguyễn Hữu Đang. Ông nung nấu ý chí phải có một
quyền lực để cải tạo bộ máy chuyên chế. Đó là báo chí, văn nghệ và quần chúng
nhân dân, vốn là sở trường của Đang và bè bạn.
Tổng
cộng toàn bộ phong trào có sáu số báo Nhân Văn, năm tập Giai phẩm, 13 số Trăm
Hoa bộ mới, hai số Sáng Tạo, một số Đất Mới, một số Tự do diễn đàn, một số Sách
Tết 1957, sách Vũ Trọng Phụng của chúng ta, một số vở kịch, một số
phim hiện thực mới, một số Câu lạc bộ… Cần phải nói thêm: Sau khi báo Nhân Văn
chết, Hội Nhà văn lập diễn đàn mới là báo Văn. Trên báo Văn tiếp tục có các bài
của một số người trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm như Thụy An với hai truyện ngắn
Trường hợp tòng quân của thiếu úy Lâm và Bicxura, Phùng Quán với Lời
mẹ dặn, Trần Dần với Hãy đi mãi, Phan Khôi với Ông Năm Chuột…
Đến số 37 tháng 1-1958 báo Văn cũng bị đóng cửa.
Chỉ
từng ấy nhưng tư tưởng của Nhân Văn – Giai Phẩm đã được các tầng lớp nhân dân
hưởng ứng tạo nên sự chấn động mạnh mẽ trong lòng xã hội miền Bắc.
Nguyễn
Hữu Đang còn viết sách tuyên truyền cho Chủ nghĩa Mác và luật pháp mới: Quyền
lợi công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, NXB Minh Đức 1955, Nhiệm vụ
công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng do Minh Đức 1955.
Cùng
với phát ngôn của những trí thức lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần
Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ… ba bài báo Cần phải chính quy hơn nữa, Hiến
pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào,
Từ Pơ-rô-lê-kuyn đến trăm hoa đua nở của Nguyễn Hữu Đang cũng thể hiện
rõ tư tưởng dân chủ của ông:
Một
là phải bảo vệ giá trị của Hiến pháp 1946.
Hai
là phải bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân đặc biệt là quyền tự do tư
tưởng và quyền độc lập sáng tạo của trí thức văn nghệ sĩ.
Trong
một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình văn học Thụy Khuê, ông nói: "Thực chất
phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc
đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính
trị nữa, là chống – không phải chống Đảng Cộng sản đâu, mà đấy là chống cái chủ
nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông”.
Heinz
Schütte giải thích:
“Tuy
nhiên tình thế năm 1954 lại khác. Mục đích mà người ta hằng khao khát bấy nay
giờ đã đạt được. Song cái nửa tinh thần khác – nửa tinh thần của di sản giáo
dục Pháp, của những giá trị vô chính phủ từ truyền thống nông nghiệp, những giá
trị Phật, Lão dân gian, vốn chống lại sự khắc nghiệt của Khổng giáo và chế độ
chuyên quyền – vốn bị đè nén suốt 8 năm, giờ mới có dịp trỗi dậy. Thắng Pháp,
chủ nghĩa Mác đã chứng minh được tính khả tín của nó như một ý thức hệ (công
cụ) trong kháng chiến, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, nó đã không thể thành công
trong việc tiêu diệt những giá trị của các huyền thoại và văn hóa tinh hoa cũng
như văn hóa bình dân Việt Nam – bao gồm cả các giá trị của di sản thuộc địa nơi
các trí thức Pháp học. Nhiều trí thức đã phản đối sự can thiệp chuyên chế của
Đảng, những can thiệp khiến họ gần như ngạt thở. Trước kháng chiến họ đã có dịp
đọc Từ Liên Xô trở về (Retour de l´URSS) của André Gide xuất bản
năm 1936, và thậm chí vài người còn đọc được Trại súc vật (Animal
Farm) của George Orwell xuất bản năm 1945. Thông điệp của những cuốn sách
này hẳn không phải không để lại dấu vết nào trong họ.”
Toàn
bộ diễn biến và hậu Nhân Văn – Giai Phẩm cho đến 2010 tôi đã trình bày trong
chuyên luận Vụ Nhân Văn – Giai Phẩm Một trào lưu dân chủ Một cuộc cách mạng
văn học không thành. Nay nói rõ thêm một điểm quan trọng vì có thêm tư liệu
mới.
Bản
chuyên luận của tôi viết rằng Bộ Công an lúc đó đã kết luận nhóm Nhân Văn –
Giai Phẩm không phải là một tổ chức, không có mục đích phản động, không hoạt
động gián điệp, không nhận tiền của nước ngoài. Nó là một nhóm văn nghệ sĩ bất
mãn cần phải phân hóa và giáo dục. Thế nhưng sau khi đọc báo cáo của Bộ Công
an, những người chỉ đạo vụ án ở trung ương đã chỉ đạo Tòa án Hà Nội làm ra một
bản án khác hẳn. Ngay gần đây nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân công bố một tài liệu
mà nhà nghiên cứu Mỹ Peter Zinoman tìm được trong kho lưu trữ quốc gia.
Ông
Lại Nguyên Ân cho biết:
“Mùa
hè năm 2014, trong khi đọc tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III ở Hà
Nội, GS.TS. Peter Zinoman, hiện là trưởng khoa Lịch sử của Đại học California ở
Berkeley, Hoa Kỳ, đã tìm thấy một văn bản liên quan đến phiên tòa năm 1960 kể
trên. Đó là một bản tổng kết kinh nghiệm đánh án của viên chánh án tòa án Hà
Nội nhiệm kỳ 1955-1965 Nguyễn Xuân Dương, người đã ngồi ghế chánh án tại phiên
tòa ngày 19.1.1960, nêu kinh nghiệm triển khai vụ án, từ lúc tiếp nhận hồ sơ do
công an chuyển giao, đến các công đoạn bổ sung hồ sơ, xét hỏi các bị cáo, lên
kế hoạch phiên tòa, rồi tiến hành phiên tòa, và cuối cùng sơ bộ nhận xét về kết
quả phiên tòa.
Đây
là một tài liệu hiếm về phiên tòa 19.1.1960. Tuy không phải là văn bản luật
pháp chính quy, mà chỉ thuộc loại tài liệu nghiệp vụ trong ngành tòa án, song
tài liệu này cũng rất đáng kể có thể giúp người ta hiểu thêm về vụ án mà tòa Hà
Nội đã xử ngày 19.1.1960, hiểu thêm về việc giới lãnh đạo thời ấy xử lý vụ Nhân
Văn – Giai Phẩm.”
Trung
tâm Lưu trữ Quốc gia III
Phông:
Giáo sư Nhà Nghiên cứu Văn học Đặng Thai Mai
Hồ
sơ 237, gồm 145 tờ
Tài
liệu của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam về cuộc đấu
tranh chống nhóm phá hoại “Nhân văn-Giai phẩm” trên mặt trận Văn nghệ năm 1958
VĂN
BẢN:
Tòa
án Nhân dân Thành phố Hà Nội
GIỚI
THIỆU KINH NGHIỆM CÔNG TÁC CỦA TÒA ÁN VỀ VỤ GIÁN ĐIỆP PHẢN CÁCH MẠNG PHÁ HOẠI
HIỆN HÀNH NGUYỄN HỮU ĐANG VÀ THỤY AN
Một
vài đoạn trong tài liệu nói trên:
“…Sau
khi nghiên cứu hồ sơ và kinh nghiệm hoạt động gián điệp quốc tế như vụ phiến
loạn Hungari, Trung-ương vạch rõ cho thấy tính chất âm mưu hoạt động của bọn bị
can này là âm mưu và hoạt động của bọn gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện
hành, thực hiện kế hoạch chiến tranh tâm lý của đế quốc bên ngoài để lũng đoạn
tư tưởng và kích động quần chúng gây phiến loạn, không phải là một bọn phản
cách mạng thường. Nếu đem xử theo như nhận-định và đề nghị của công-an, Tòa-án
và Viện Công-tố Hà Nội thì không đánh đúng tội, không vạch được toàn bộ âm mưu
và thủ đoạn của địch để nâng cao cảnh giác của quần chúng và có thể còn có
những người hoài nghi đường lối và chính sách của ta là đem xử những người đối
lập với ta về quan điểm, tư tưởng, và cho ta là hẹp hòi.
…Trước
nhận định của Trung-ương, lúc đầu, một số trong cán bộ của Tòa-án và Viện
Công-tố chưa được thông suốt và thấy nhiều khó khăn do khi thẩm cung đã vấp
phải sự kiên trì ngoan cố của các bị can, nhất là Đang và Thụy-An. Nhưng đi sâu
vào nghiên cứu lại hồ sơ và tài liệu, Viện Công-tố và Tòa-án dần dần thấy nhận
định của Trung-ương vạch ra càng ngày càng sáng tỏ, nên củng cố được nhận thức,
thêm được tin tưởng và có sự nhất-trí và quyết tâm bổ sung cuộc điều tra, vạch
cho được thực chất của vụ án như Trung-ương đã nhận định.
…Nói
một cách khác, là Công-tố và Tòa-án thường lệ thuộc vào nhận xét của Công-an,
như trong vụ này, lúc đầu Công-tố và Tòa-án đã rập theo nhận định của Công-an,
không phát hiện được tính chất của vụ án. Đây cũng phần vì nhận thức còn kém
nhưng cũng phần vì quen nề nếp cũ, chỉ thụ động không có nhận xét mới và như
thế là không làm được nhiệm vụ giám sát, kiềm chế lẫn nhau theo đúng với chức
năng của Công-tố và của Tòa-án.”
Như
vậy vai trò của tòa án thời kỳ đó rất quan trọng để tạo ra một vụ án điển hình
như Nhân Văn – Giai Phẩm với cái mũ ít động chạm tới văn nghệ sỹ hơn là Vụ án
gián điệp phản động. Tất nhiên là vụ xét xử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
chính trị nhưng nó cũng mang lại bao nỗi oan khiên cho nhiều văn nghệ sĩ và cả
gia đình của họ.
*****
Không
chỉ làm báo sắc sảo Nguyễn Hữu Đang còn có khả năng sáng tác phê bình văn học,
nghệ thuật. Nhà thơ Hoàng Cầm cho biết trước cách mạng trên báo Ngày mới Nguyễn
Hữu Đang đã có mấy bài phê bình. Bài phê bình Bước đường cùng của Nguyễn
Công Hoan (dưới bút danh Nguyễn An Pha), tập Thơ Thơ của Xuân Diệu, Làm
đĩ của Vũ Trọng Phụng dưới bút danh Cô Kim Anh. Ông cũng tranh luận về thơ,
nhất là thơ mới trên tờ Tin văn.
Nhật
kí Nguyễn Huy Tưởng 11-7-1944 ghi nhận xét của ông Đang về tiểu thuyết An Tư:
“Anh
vẫn ít tả cảnh, mà chịu khó làm cho câu văn linh động. Anh thiên về kể chuyện,
nhưng một cách tầm thường (plat). Tựu trung có mấy điểm này.
-
Không nên để cho nhân vật tiểu thuyết nói những lời của tác giả, vì thế không
nên có những câu dài, mà nói có vẻ tuồng. Phải xen vào những lời, những nét của
đối phương người nói để rút ngắn đoạn nói ấy đi.
-
Phải chịu khó tìm những tình, những cảnh (ngoại vật), nét mặt dáng đi, cảnh
chung quanh, để làm bật tình cảnh, chứ đừng nói mà sinh nhạt nhẽo, như mình vẫn
thường làm. Nghĩa là phải tả, chứ không ghi một cách vội vã, tầm thường.
Thực
là những lời vàng ngọc… Sẽ thay đổi cách viết, và viết thận trọng. Mà viết ít
thôi, cố làm sống chứ không cố văn hay.”
Ông
có mấy bài tiểu luận về hội họa: Nhớ tiếc Tô Ngọc Vân, Một bức vẽ
“Chị cốt cán”, Nguyễn Hiêm họa sĩ của nhân dân.
Ông
có truyện ngắn Chiếc vòng xơmen trên báo Lao Động, Viết lại cổ tích
mới trên Sách Tết 1957, Bài phê bình thơ Con người Phùng Cung và những bài
thơ trong tập Xem đêm.
Cho
đến cuối đời Nguyễn Hữu Đang vẫn không tỏ ra nghi ngờ chủ nghĩa Mác-Lenin. Ông
còn cố dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô qua bản tiếng Pháp.
Có thể ông nghi ngờ những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam lúc đó đã hiểu sai
tinh thần của chủ nghĩa Mác do sức ép của Stalin và Mao Trạch Đông. Còn với ông
cái chủ nghĩa Mác mà ông đi theo từ hồi trẻ là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa
cộng sản nhân đạo Pháp. Có lẽ ở Nguyễn Hữu Đang có một chút gì đó ở nguồn gốc
văn hóa Pháp như Hồ Chí Minh nên trong giai đoạn trước 1954 ông đã được Hồ Chí
Minh chú ý.
*****
Một
vài người bạn viết về ông:
Vũ
Đình Hòe:
Trong
thời gian báo Độc Lập phát biểu về vấn đề Sai và Sửa sai, cũng như Trung ương
Dân chủ nêu quan điểm của mình trong các cuộc họp Mặt trận, đòi sửa sai đến tận
gốc rễ tư tưởng và đòi dân chủ hoá tổ chức và lề lối lãnh đạo, thì anh Nguyễn
Hữu Đang, vốn quen biết các anh Đỗ Đức Dục và Hoàng Văn Đức (tôi thì cũng có
quan hệ công tác trước đây với anh trong Hội Truyền bá Quốc ngữ), đến gặp gỡ
chúng tôi nhiều lần. Hai lần đầu tôi có mặt, một lần ở Trụ sở Trung ương Dân
chủ, một lần ở trên lầu một nhà tư của bạn anh ở phố Phan Bội Châu. Trong hai
cuộc họp anh Đang có ý muốn dò ý kiến chúng tôi về một vấn đề rất quan trọng do
anh đặt ra.
Đại
khái anh nói:
“Để
sửa sai đến tận gốc, để dân chủ hoá triệt để đời sống xã hội, phải chăng nên từ
bỏ chế độ độc đảng. Nếu chỉ có một đảng toàn quyền, độc quyền làm mưa làm gió,
thì làm sao bảo đảm cho những sai lầm nghiêm trọng, gây tác hại khủng khiếp cho
nhân dân như hiện nay, không có thể xảy ra lần thứ hai, lần thứ ba… Nên chăng
cần có hai đảng mác xít cả, cùng theo đường lối đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa
xã hội, để giám sát lẫn nhau, đấu tranh và hợp tác lẫn nhau; có phải hơn không?
Theo
anh, trong hoàn cảnh nước ta, có điều kiện thuận lợi là sẵn có hai đảng Dân chủ
và Xã hội bên cạnh Đảng Cộng sản rồi. Hai đảng Dân chủ và Xã hội có thể thống
nhất làm một rồi đấu tranh đòi vị trí bình đẳng, thật thà bình đẳng chứ không
phải chỉ nói đầu lưỡi để cùng lãnh đạo Mặt trận và đất nước. Như thế có tốt hơn
không?
Anh
đề nghị Trung ương Dân chủ nên suy nghĩ bàn bạc rồi trao đổi thêm ý kiến với
nhóm đảng viên Cộng sản chân chính mà anh đại diện.
Câu
chuyện mới đến đây, ít nhất là đối với tôi. Có điều chắc chắn là chưa bao giờ
vấn đề được đặt ra trong Trung ương Dân chủ”.
Các
tác phẩm viết về vụ Nhân Văn – Giai Phẩm và Nguyễn Hữu Đang đã xuất bản cũng
không ít. Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí một trí thức từ
Pháp về, đã từng ở chiến khu Việt Bắc, anh em cọc chèo với Vũ Ngọc Phan và
Nguyễn Sơn, xuất bản ở Sài Gòn năm 1959. Cent fleurs écloses dans la nuit du
Vietnam (Trăm hoa nở trong đêm tối Việt Nam) của Georges Boudarel
một cựu hàng binh Pháp đã làm việc ở Việt Nam từ 1948-1965 xuất bản ở Pháp năm
1991. Ghi, Nhật ký của Trần Dần 1954-1956, xuất bản ở Pháp. Nhân Văn
– Giai Phẩm của Thụy Khuê xuất bản ở Mỹ năm 2012. Năm mươi năm
sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 của Heinz Schütte xuất
bản ở Đức năm 2009. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng. Trại giam Cổng trời
của Kiều Duy Vĩnh… Mới nhất có cuốn Nguyễn Hữu Đang – Trang viết trang đời
của Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng in năm 2018 dày 550 trang. Những
cuốn sách trên rất ít người được đọc. Rất tiếc những năm tháng cuối đời tuổi
già, bệnh tật, những lần bị bắt, những cuộc khám xét, ông không để lại một di
cảo nào để cho hậu thế có thể đánh giá tương đối đầy đủ một chân dung tinh thần
sự nghiệp của ông.
Võ
Bá Cường là người sớm bỏ ra nhiều thì giờ tiếp xúc tìm hiểu cuộc đời ông Đang
và đã viết xong bản thảo truyện kí Người đeo lục lạc. Đây là cuốn sách
tương đối đầy đủ về đời tư ông Đang từ lúc trẻ đến những phút lâm chung cuối
đời. Anh Cường đã cho tôi đọc và góp ý bản thảo từ năm 2009 nhưng đến nay không
được nhà xuất bản nào nhận in. Năm 2015 nhà văn Nguyễn Thành Phong, một người
bạn đồng hương, Tổng biên tập báo điện tử Dân Sinh đã trích đăng hai chương
đầu. Ngay sau đó anh Phong phải đình bản và bị kỷ luật. Nhưng rất may trang web
vanviet.info và vandoanviet.blogspot.com đã đăng được trọn vẹn toàn bộ cuốn
truyện.
Cuốn
truyện của Võ Bá Cường cho biết sau khi có án và thời gian đầu những năm 1960
Nguyễn Hữu Đang cùng Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại bị giam ở trại Mai Côi –
Tân Lập. Đó là một nơi hiểm yếu. “Đi Mai Côi thôi đường về”. Họ được giam vào
những buồng kiên cố nhất cùng với những phạm nhân loại A1, B1. Ngày 11-6-1965
máy bay Mỹ bắn phá trại ở dốc Bằng Mo làm nhiều phạm nhân chết và bị thương. Bộ
Công an đã cho chuyển trại lên Hà Giang. Thế là Nguyễn Hữu Đang cùng 3000 tù
nhân và hơn 500 cán bộ làm cuộc đi bộ thiên di trong ba tháng ngược đường Cổng
Trời lên trại giam mới còn hiểm trở, hoang sơ, khắc nghiệt hơn nhiều lần trại
Tân Lập. “Muỗi Pắc Sum, hùm làng Đán, dốc Cán Tỉ, phỉ Đồng Văn”.
Tại
đây ông Đang có một người bạn mà sau gắn bó với ông đến cuối đời. Nguyễn Hữu
Đang có nhiều chỗ thấp thoáng trong những trang hồi ký hiếm hoi của người đó.
Ông
Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của nhà tù Cổng Trời tỉnh Hà Giang.
Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị
cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954
ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai
lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở Cổng Trời, nơi ông và ông Nguyễn
Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm sống sót trong số 72 người tù ở cùng
một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở Cổng Trời qua các hồi ký từng phổ
biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể
về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục
Công Giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”
“Gần
ba tháng sau, Nguyễn Hữu Ðang, “tên cầm đầu bọn Nhân Văn – Giai Phẩm” đến gần
cửa sổ khu tôi ở. Anh là người độc nhất ở đây được đưa cơm vào xà lim, được đi
lại tự do trong bốn bức tường, anh là người được ăn no, đủ muối mắm, thậm chí
được mua cả thịt trâu và được hái hoa rừng cài vào cửa sổ. Có lần anh cầm một
bó hoa nghệ và bảo tôi: Này Vĩnh, cậu ngửi mà xem có đúng mùi nước hoa Bain de
Champagne không.
Tôi
vốn không ưa cái mùi ung ủng của thứ nước hoa thượng hảo hạng đó. Nhưng anh
Nguyễn Hữu Ðang thì anh rất thích cái mùi nước hoa Bain de Champagne đó. Lại có
lần qua cửa sổ vào buổi sáng sớm, anh dúi cho tôi một cái bánh sắn to có nhân
thịt trâu.
Chao
ôi là chao ôi.
…Thỉnh
thoảng lúc vắng quản giáo và lính canh anh đứng cạnh cửa sổ nói với tôi dăm ba
câu chuyện tào lao. Anh được thả lỏng, được ưu đãi có lẽ do cái người cắp cái
cặp đen hôm đưa đoàn tù lên. Anh bảo với tôi rằng ông ta tên là Vệ, hình như
làm cục phó Cục Quản Lý trại giam. Hồi xưa trước năm 1945, khi anh làm tổng thư
ký Hội Truyền Bá Quốc Ngữ với cụ Nguyễn Văn Tố, anh có làm ơn cho ông ta một
điều gì đó. Ðến giờ ông ta tử tế đáp lệ lại. Chắc là thế.
Anh
luôn bảo, anh không có tội gì cả. Nếu có – theo anh – thì đó chỉ là một sự hiểu
lầm về thời gian và không gian trong triết học mà thôi. Anh nói ấm ớ lững lờ và
khó hiểu như vậy.
…Ở
Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ tháng Năm; mùa rét từ
đầu tháng Chín. Nóng ít hơn rét. Tuy là nóng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn vì khí
lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.
Nguyễn
Hữu Đang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: "Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu
xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu chả sao
hết."
Anh
Đang đúng quá đi chứ. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân tôi mới thấm câu:
Đói cho sạch, rách cho thơm. Đói thì làm sao mà sạch cho được. Đói rét, nhúng
tay vào nước còn ngại nữa là tắm. Còn đã rách mà còn đòi thơm nữa. Các cụ nhà
mình thật quá khe khắt với con cháu.
Chiều
30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại
tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh Nguyễn Hữu
Đang đứng ở sân trại nói với Phó Giám thị trại Quỷ Sứ người Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Tôi lắng nghe lõm bõm.
"Thưa
ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng
làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn
thêm… Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi…"
Có
tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễn Hữu Đang.
"Không
có gì cho các anh hết cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi
gì… Cho thế nào ăn thế…"
Rồi
Quỷ Sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp
cải già nấu muối đen sì. Không có gì hơn.”
Nghệ
sĩ nhân dân – Đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa trong Hồi ký in năm 2010 có viết
rằng ông rất thân với Nguyễn Hữu Đang trong Hội Truyền bá Quốc ngữ. Nguyễn Hữu
Đang rất tháo vát và có trình độ nhưng có khuyết điểm rất lớn là không phục ai
cả. Nói đến phong trào Truyền bá Quốc ngữ mà không nhắc đến Nguyễn Hữu Đang thì
như thiếu sót.
Trong
cuốn Trần Quốc Hương Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại
Nguyễn Thị Ngọc Hải viết rằng: Trần Quốc Hương từng nhận xét và tin tưởng hai
người bị đánh giá không đúng, bị hàm oan. Đến nay qua một chặng đường dài
ngoảnh lại, mới thấy lòng tin của ông đúng. Đó là Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn
Tài.
“Ngay
khi nghe báo lại rằng Đang theo Thụy An tôi không tin. Đang bị tù 18 năm, rồi
đưa về quản chế ở Thái Bình. Mà tôi biết Đang tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản
từ năm 1929. Tôi sống với anh, biết anh không phải là người xấu. Tôi viết thư
lên Ban Tổ chức trung ương, quan điểm tôi cho rằng 18 năm tù là quá đủ rồi, nay
ra tù đưa về quê, mở đó đâu còn gì cho người ta sống.”
Vậy
có phải nhà tù đã tạo nên triết lý sống cuối đời của Nguyễn Hữu Đang?
Nguyễn
Hữu Đang: Chính xác! Với tôi, trong tù, với tư tưởng của tôi, mọi hình thái
sống, mọi cấp độ của văn minh trong mỗi sự sống, thật đa dạng – có hàng ngàn
cách sống. Nhưng mọi cách sống đều giống nhau về bản chất. Tôi sống ở nhà mình,
tôi sống với tư cách ông thứ trưởng, với tư cách nhà xuất bản, với tư cách nhà
giàu, nhà nghèo – mọi hình thái sống. Với tôi chân lý ở trong Đạo học chứ không
ở trong chủ nghĩa Marx.
Ngay
khi chúng tôi đến nhà tù, người ta đã tuyên bố: Các anh phải nhớ rằng một khi
vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết.
Người ta đã tuyên bố thế – tổng giám thị nhà tù tuyên bố chính thức, công khai
trước tất cả các tù nhân chính trị. Đã vào đây là không có ngày trở lại, không
bao giờ ra khỏi nơi này. Cho dù án của anh là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm –
các anh cũng sẽ ở đây đến lúc chết. Vì sao? Vì các anh, lũ phản động, phản bội
tổ quốc, phản bội cách mạng – các anh đáng chết. Vì lòng khoan dung, độ lượng,
nhân đạo, mà chính phủ để cho các anh được sống, nhưng trả tự do cho các anh –
không bao giờ! Trả tự do cho các anh là trả tự do cho hùm beo – các anh sẽ ở
đây cho đến chết.
Heinz
Schütte: Đó là diễn từ của Tố Hữu…
Nguyễn
Hữu Đang: Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên
hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương
thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh
không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chỉ sống chuyên
giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của
anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc,
đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số
phận… Tôi biết và được thông tin rõ về thái độ cuồng tín, cực kỳ chuyên chế,
tàn bạo, bất nhân của Tố Hữu. Ông ta có mối đại thù với nhóm Nhân Văn – Giai
Phẩm. Chính Nhân Văn – Giai Phẩm đối với Tố Hữu là một kẻ thù không đội trời
chung, nói như một thành ngữ Việt Nam… Tố Hữu và những người nhân văn và các
giai phẩm không thể đội trời chung – là kẻ thù của nhau… Tố Hữu và Trường Chinh
đầy thù hận.
Heinz
Schütte: Ông đã tìm cách chạy vào Nam?
Nguyễn
Hữu Đang: Chạy ra nước ngoài, không phải vào Nam, nhưng tôi đã đặt điều kiện:
Nếu các anh giúp tôi đi ra một nước khác, tôi chấp nhận, nhưng vào Nam thì tôi
từ chối, vì như thế hàm chứa cái ý phản bội, chạy sang phe địch, phe thù – tôi
từ chối. Đó là một sự nhục nhã. Vào Nam? – Để làm gì chứ? Vào Nam làm gì với
Ngô Đình Diệm? Nhưng tôi thực sự muốn ra nước ngoài – tôi đã nói thẳng với
Trường Chinh trong một cuộc gặp giữa ông ấy và tôi. Câu hỏi thứ nhất mà Trường
Chinh vừa cười vừa đặt ra cho tôi là: Hả, sao kia, anh đã tuyên bố với các đồng
chí rằng anh muốn ra nước ngoài, vì không khí trong nước nghẹt thở quá. Vậy là
anh muốn ra nước ngoài, nhưng đến một nước trong phe xã hội chủ nghĩa hay phe
đế quốc, anh nói tôi nghe (ông ta cười). Lúc đó tôi vừa cười vừa trả lời: Tôi
rất muốn ra nước ngoài, một nước trong phe xã hội chủ nghĩa nếu điều kiện cho
phép. Nhưng nếu vì những khó khăn buộc tôi phải đến một nước theo chế độ tư
bản, tôi có thể chấp nhận. Bằng chứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú ở Pháp,
và ông đã giữ được lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, và tôi có thể làm như
ông ấy. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc là một
nhà cách mạng, tôi cũng là nhà cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản,
tôi cũng là cộng sản. Nguyễn Ái Quốc có lòng dũng cảm, tôi cũng có lòng dũng
cảm. Tôi không sợ cư trú dài hay ngắn hơn trong một nước tư bản. Thế là người
ta đã sửa soạn… Người bạn đã khuyên tôi nên ra nước ngoài đã nhận lời giúp tôi
đến được một nước khác, nhưng không phải là vào Nam! Anh ấy đã hứa, nhưng
chuyến đi đã không được thực hiện. Vậy là tôi lỡ một dịp đi đến một nước khác –
hoặc là phe tư bản, hoặc là phe xã hội chủ nghĩa – nhưng nhất định không phải
miền Nam là nơi tôi nhắm! Tôi đã nói, hoặc là vượt qua biên giới Việt Nam –
Lào, rồi qua Lào tôi đến Thái Lan, đó là lộ trình mà tôi mơ ước, nhưng không
bao giờ tôi đi qua ngả miền Nam, dù chỉ một ngày – không! Nhưng để tô vẽ bản
cáo trạng, người ta đã đưa vào câu tôi muốn vào Nam. Khi đó tôi trả lời toà án:
Không, tôi không muốn vào Nam; tôi muốn đi ra nước ngoài. Và người ta hỏi tôi:
Nhưng ở nước ngoài anh sẽ làm gì? “Đấu tranh cho thống nhất, thống nhất hai
miền; ở nước ngoài tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước,
thống nhất hai miền Bắc Nam.” Nghe lời tuyên bố ấy, cử toạ… phiên toà bao gồm
những người ủng hộ chính phủ, quần chúng của Đảng, đảng viên, những cán bộ của
nhiều tổ chức và hoạt động khác nhau – thế là, vì tất cả bọn họ đều phản nhân
văn, họ phá lên cười nhạo cái ý định đấu tranh cho thống nhất đất nước của tôi:
Nhưng người ta chỉ có thể đấu tranh cho thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo
của Đảng – mà anh, anh đi ra nước ngoài và lại hòng đấu tranh cho thống nhất
đất nước, thật lố bịch! Người ta phá lên cười – tôi mặc kệ sự mỉa mai của những
người ấy. Trong chuyến đi rời đất nước ra nước ngoài, tôi muốn thăm Ấn Độ và
Nam Tư của Tito, tôi tin ở Nehru và Tito. Tôi rất muốn gặp họ và xin họ lời
khuyên để đấu tranh cho nước Việt Nam bị chia cắt, để Việt Nam được thống nhất
và độc lập. Tôi muốn gặp Tito và Nehru…
Phải
nói rằng chế độ nhà tù dành cho tù chính trị dưới ách thống trị thực dân nhân
đạo hơn chế độ nhà tù cộng sản rất nhiều. Vì sao? Vì chế độ nhà tù thực dân ít
nhiều cũng được kiểm soát bởi chính phủ chính quốc Pháp, tức là dưới sự kiểm
soát của dư luận, tức là một bộ phận của sự kiểm soát ấy thuộc về công chúng và
các tổ chức dân chủ, thí dụ như Liên đoàn Bảo vệ Quyền con người và Quyền công
dân, và các tờ báo… Thật phi lý, nhưng là thực tế! Và chế độ tù chính trị trong
các nhà tù cộng sản thì khắc nghiệt hơn chế độ dành cho thường phạm. Trong tù
tôi đã tuyên bố với những người bên cạnh rằng nếu tôi biết có sự phân biệt ấy,
tức là tù thường phạm (những người lầm đường lạc lối trong quần chúng) với tù
chính trị (kẻ thù của nhân dân), nếu tôi biết có sự khác biệt ấy, thì tôi đã
biến mình thành trộm cắp, lưu manh, sát nhân chứ không phải người cách mạng.
Tôi sẽ không tham gia cách mạng mà tham gia các hoạt động của những kẻ phản xã
hội kia. Tôi có khá đủ khả năng sống trong các nhà tù (ông cười). Trước hết,
nét chủ yếu là thiếu lương thực. Có thể nói rằng trong nhà tù khắc nghiệt nhất,
tù chính trị bị kết án phải chịu đói và rét triền miên. Chính cái đói, cái rét
và bệnh tật – ba tác nhân làm suy kiệt sức khoẻ của những người tù chính trị.
Tức là những người tù chính trị bị kết án phải chết từ từ. Kiệt sức vì đói,
rét, bệnh tật, đó là một cái chết chậm – người ta chỉ chờ có cái chết. Theo
quan điểm văn hoá tối thiểu trong tương lai hay trong cuộc sống thông thường
của mọi người, những người tù chính trị của nhà tù, nhà tù của tôi, không có
một tý thông tin nào, dù là qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, dù là qua
báo chí, suốt trong 15 năm – không gì hết, không gì hết. Mỗi tuần lễ, toàn bộ
thông tin là ông tổng giám thị tổ chức một cuộc họp tất cả tù nhân. Trong cuộc họp
ấy tổng giám thị đưa ra những thông tin về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, những
thắng lợi giành được đối với các lực lượng quân viễn chinh Mỹ – đó là thông tin
duy nhất qua tiếng nói của tổng giám thị. Và tất cả là thế. Gia đình các tù
nhân chính trị không biết số phận của con cái, anh em mình. Các thành viên gia
đình còn sống hay đã chết – người ta không biết. Khi Hiệp nghị Paris trả lại tự
do cho tôi, tôi đã viết thư cho gia đình – người ta cho phép tôi viết thư cho
gia đình để báo tin tôi được trả tự do. Lúc ấy cả gia đình tôi kinh ngạc, cả
gia đình tôi hoàn toàn sửng sốt: Ôi, kìa, anh Đang còn sống, thế mà chúng ta cứ
tưởng anh đã chết lâu rồi. Không tiếp xúc tí nào với bên ngoài. không tiếp xúc
tí nào với gia đình, với bạn bè, với bất kỳ ai… Thế giới đối với chúng tôi là
tập họp 200 tù nhân trong một vòng vây bằng tường đá, một bức tường thành bằng
đá cao bên trên có dây thép gai – đó là thế giới của chúng tôi; không có thế
giới nào khác.
Heinz
Schütte: Trong làng ông, từ năm 1970, ông có liên lạc với “thế giới”?
Nguyễn
Hữu Đang: Có, một chút thôi, một chút liên lạc – không cả sách báo, không có
những cuộc họp mặt, chuyện trò, tiếp xúc… một chút liên lạc với thế giới, không
nhiều và không đáng kể gì.
Heinz
Schütte: Ông có nghĩ rằng chế độ đã coi ông như thủ lĩnh chính trị của nhóm ly
khai?
Nguyễn
Hữu Đang: Tôi không bao giờ chối bỏ hay giấu giếm trách nhiệm ấy.
*****
Thật
là bi hài khi khen ông cuối đời đã sáng suốt lựa chọn triết lý sống Lão Trang.
Thử hỏi đòi hỏi thế nào được với một ông già như thế, đã rơi vào hoàn cảnh như
thế.
Ai
có thể cứu ông lúc xảy ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Không có ai.
Ông
Nguyễn Hữu Thoan anh của ông Đang làm lái xe ở Bệnh viện Việt Đức kể với nhà
văn Võ Bá Cường như sau:
“Ông
Đang bị bắt rồi bác cả Ruông đang làm ở Ty Hải sản Hải Phòng cũng bị đẩy ra
Bạch Long Vĩ, còn Nguyễn Hữu Thoan đẩy xuống làm anh lao công quét vôi bệnh
viện Phủ Doãn thật là khổ thân ông. Sau đêm ấy vợ con ông Thoan quấn túm chạy
lên rừng khai hoang sinh sống (Cuộc chạy trốn này chú Đang đã linh tính từ
trước). Đó là làng Cổi thuộc Châu Lạng Sơn, ở đấy toàn người Mường. Lúc đầu mẹ
con đi làm thuê sau vào HTX nông nghiệp ở đó. Anh Hà chữ nghĩa khơ khớ xoay ra
dạy trẻ con học kiếm thêm tiền sinh sống. Năm 1960 ông Thoan phát bệnh được nằm
lại bệnh viện Phủ Doãn. Có lần cụ Hồ vào thăm, Cụ mặc áo bệnh viện, đi sau cụ
biết bao người, nào là bảo vệ, bác sĩ, y tá, rồi cán bộ đi theo đông lắm. Ông
Thoan nghĩ nhân cơ hội này muốn đem lòng thành của người anh ruột kêu với Cụ.
Ông lăn xuống đất lết lối đi hai bên giường bệnh nhân mà Cụ Hồ đang tới. Thấy
vậy bảo vệ chạy đến lôi ông Thoan nhưng còn cách quãng rất ngắn Cụ đã nhìn
thấy, giơ tay ngăn lại. Cụ đi tới, ông Thoan ra dập đầu kêu: “Thưa cụ! Thằng
Nguyễn Hữu Đang em tôi có tội gì mà bắt nó?” Cụ đứng lại nhìn ông Thoan không
nói gì, lúc ấy bảo vệ đã bê xốc ông lên giường.
Lúc
quay ra cụ vẫy ông Thoan lại gần bảo: “Nguyễn Hữu Đang có tội thì phải chịu tội
với nhân dân”
Tháng
3-2021
Nguồn: Văn Việt