Cũng
khoảng năm bẩy năm về trước, dường như 2014 gì đó không nhớ rõ, tôi thấy và
nghe Hoàng Kim Oanh nói chuyện lần đầu trong lần ra mắt Quán Văn kết hợp giới
thiệu tác phẩm Một Phút Tự Do của Elena.
Hoàng Kim Oanh là diễn giả thứ hai nói về tác phẩm này. Tà áo dài duyên
dáng, tiếng nói chậm rãi và nhỏ nhẹ, và
quan trọng là rất rõ ràng đã làm cả hội trường ngừng trò chuyện riêng để lắng
nghe. Tôi thực lòng không nhớ rõ hết những gì Hoàng Kim Oanh nói hôm đó, chỉ
còn cảm giác là diễn giả rất trân trọng với tác phẩm, và quyến rũ được người
khác có chung lòng yêu thích này, nên hôm đó tôi đem về nhà hai thứ, cuốn truyện
của Elena và lòng quý mến của Hoàng Kim Oanh.
Cơ
duyên là trong những ngày ở Saigon, tôi có dịp gặp Hoàng Kim Oanh nhiều lần hơn
ở tòa soạn Quán Văn. Có hai điều ghi nhận là Oanh luôn luôn có trên tay một xấp
tài liệu, có thể là giáo án giảng dạy, có thể là biên khảo văn chương hay tư liệu
nghiên cứu gì đó, nhưng tập giấy trên tay làm tiếng nói của Oanh giữa đám đông có vẻ mô phạm, có vẻ chuẩn xác và khả tín. Điều
ghi nhận thứ hai là trang phục. Phụ nữ mà, ra đường thì phải trang điểm, chút
phấn hồng trên má, chút hương thơm trên áo và một chọn lựa trang phục phù hợp.
Thường thì mỗi lần gặp nhau, là một trang phục thật hợp khuôn dáng. Oanh thật
khéo khi luôn chọn cho mình một trang phục bắt mắt, không cầu kỳ mà thật duyên
dáng.
Dù
ghi nhận những đặc điểm đó, nhưng cái làm tôi mến Hoàng Kim Oanh lại là tài
năng và kiến thức về văn học mà cô thủ đắc. Cô giáo Hoàng Kim Oanh tốt nghiệp Đại
Học năm 1979. Khóa đầu tiên của ĐH Sư phạm Thành Phố. Dạy cấp 3 ở trường cấp 3
Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - còn gọi là U Minh Thuợng, cách SG một ngày xe,
hơn nửa ngày đò. 1984 chuyển lên cấp 3 Rạch Sỏi. Về lại Sài Gòn 1996 sau 18 năm “lưu lạc” miền
Tây cho nên kiến thức về miền sông nước Nam Bộ ghi đậm nét trong ký ức của cô,
và còn là ảnh hưởng vào tác phong bình dị của Oanh trong trò chuyện. Hoàng Kim
Oanh am tường thơ văn miền Nam và đặt vào đó những trân trọng quý mến. Hoàng
Kim Oanh có thể đọc ngay, phân tích và bình luận về thơ Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất
Nhiên, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền,
Mai Thảo… và nhiều người nữa một cách tự nhiên như nằm sẵn trong đầu.
Sau
khi rời miền Tây, Oanh về dạy Tiếng Việt, Văn học Việt Nam và Văn học Nước
ngoài tại ĐH Sài Gòn đến khi nghỉ hưu 2012. Hiện nay tiếp tục dạy đại học tại
trường Huflit, và tham gia đào tạo sau ĐH cho các trường ĐH Khoa học Xã hội
& Nhân văn Tp, ĐH Văn Hiến, ĐH Trà Vinh...
Ngoài
sự yêu thích, Hoàng Kim Oanh còn là
một người chuyên nghiệp về giảng dạy văn học, cho nên bình luận, phân tích thơ
văn là một khả năng đặc biệt của nàng. Bài viết này sẽ không sa lầy vào một phần
việc mà tôi biết, tôi không thể làm được như Oanh. Bài viết sẽ nói về những ghi
nhận của một người bạn, nói về một người bạn mà thôi.
Năm
đó, tôi về Việt Nam và ở lại Saigon ăn Tết. Thoáng thế mà đã gần hai mươi năm tôi không được
hưởng cái không khí đón tết ở Saigon. Cái không gian thật kỳ lạ của một chộn rộn
náo nức, dường như tất cả mọi người đều chờ đợi trong ước mong sẽ tốt đẹp hơn
trong năm mới, sẽ xóa đi thật hết cái nỗi buồn, nỗi lo của một năm sắp trôi qua.
Xe cộ chạy ngập đường ai cũng hối hả, và tôi cũng lấy chiếc xe gắn máy của người
cháu, chạy suốt từ đông qua tây, từ nam qua bắc, cũng xôn xao, cũng náo nức,
cũng bận rộn dù thật sự không bận rộn gì cả. Nhưng cái chộn rộn đó cũng đột ngột biến đi như
khi nó đột ngột tàn về hồi nửa tháng trước. Ngày sát cuối năm thành phố vắng hẳn.
Xe cộ thưa thớt hơn, những gì cần thiết chuẩn bị cho cái ăn cái uống cái chơi của
ngày tết lắng xuống bên ngoài đường để chỉ còn xuất hiện trong từng mái nhà nhỏ.
Người ta bày biện bàn thờ, lau chùi quét tước nhà cửa, chưng thêm bông hoa và
có lẽ nhiều người đang ngồi thu dọn cửa nhà và suy nghĩ tổng kết cuối năm. Chắc
Hoàng Kim Oanh cũng vậy.
Có lẽ (nghĩa là do tôi nghĩ ra thôi) khi đang
sắp xếp lại nhà cửa và bàn viết, nhìn những cuốn sách xếp ngổn ngang trên bàn,
Hoàng Kim Oanh viết trên Facebook: “Mỗi
cuốn sách được tặng không chỉ mang nội dung mà tác giả muốn gửi gắm, mà khi còn
gói cả một ân tình chất chứa trong đó. Nhìn những cuốn sách trên bàn, nghĩ tới
từng tác giả ký tặng và có cảm giác ấm cúng như đang trực tiếp chuyện trò, câu
chuyện tâm giao.” Tự nhiên cảm thấy
tiếc, năm này mình chưa kịp in một cái gì đó gửi Oanh, để những lúc cuối năm như
thế này cô ta có dịp Nhớ, Nghĩ về mình.
Sáng 30 tết, ngủ dậy, gọi cho Đoàn văn Khánh
và Nguyên Minh, rủ đi uống cà phê. Saigon
thật lạ, khi họ ăn tết , họ kéo mọi người cùng nghỉ ăn tết theo mình. Từ khu
nhà Nguyên Minh ở Bình Thạnh, chạy qua Phú Nhuận rồi về quận 1, những quán cà
phê thân quen đóng cửa im ỉm. Cả ba chạy vòng vòng một lát mới tìm gặp một quán
cà phê đối diện nhà thờ Đức Bà mở cửa. Quán nằm ngay trung tâm thành phố và
cũng gần nhà Hoàng Kim Oanh, Nguyên Minh gợi ý hay là gọi Oanh ra uống cà phê
cuối năm đi.
Trời
đã về chiều, khu vực bùng binh trước nhà thờ vắng tanh không người qua lại, thỉnh
thoảng mới có một chiếc xe chạy ngang qua vội vã, còn có mấy tiếng đồng hồ nữa
là bước qua ngày mới tháng mới và năm mới.
Năm
đó, Oanh vừa có cậu con trai đi du học Hoa Kỳ. Tấm lòng người mẹ nhớ con cộng
thêm môi trường hoạt động ngành giáo dục, tạo cho Oanh những âu lo thật nhiều về
đời sống bên Mỹ. Sợ con ham chơi bỏ học, sợ con ham học bỏ ăn, sợ con chao đảo
vì đời sống mới lạ… Oanh
kể nhiều chi tiết bất an và hỏi tôi nghĩ thế nào. Nghĩ gì chứ? Tôi nói với Oanh
rằng khi con chim đủ lông đủ cánh bay ra khỏi tổ là con chim đã trưởng thành.
Những câu của chàng trai đó nói với mẹ chứng minh được cái suy nghĩ độc lập và
chỉ có sự suy nghĩ độc lập mới làm cho con người tự đứng được trên đôi chân của
mình. Em là cô giáo, em có thể gửi tới chàng ta những lời hướng dẫn, nhưng đừng
bao giờ mong rằng chàng ta sẽ là cái bóng của em để đi, bởi vì chẳng có cái
bóng nào sống được khi không có hình đâu.
Buổi
trò chuyện cuối năm đó, mang rất nhiều tâm sự riêng tư, và thực sự đem lại cho
tôi lòng tôn trọng thật sự với một người mẹ nhân hậu và một cô giáo đầy ắp tình
yêu thương học trò.
Khi
viết những dòng chữ này (2021),
chàng trai kỳ vọng của Hoàng Kim Oanh đã hoàn thành Đại Học tại Hoa Kỳ, đã trở
về với Bà Ngoại, với Ba Mẹ, mang theo tính cách trưởng thành đầy chững chạc và
chỗ dựa thật vững chắc của một Hình chứ không hề làm Bóng cho một ai.
Chẳng
phải mình tôi nhớ về cuộc chuyện trò chiều ba mươi đó, mà Hoàng Kim Oanh cũng
ghi lại trong “Bâng Khuâng Chiều Ba Mươi” đăng trên Quán Văn số 43:
“… Ôi,
ký ức chiều ba mươi cứ thế mà tuôn trào…
Một phút đắn đo…
- Dạ,
em ra. Một chút chắc được.
Tôi muốn tặng mỗi anh vài búp trà sen
đặc biệt Viên Trân vừa gửi đến. Tôi muốn gửi mấy anh nước mắm Phú Quốc Kiên
Giang đượm nồng hương biển…
Chiều ba mươi, Sài Gòn phố phường
thênh thang. Người tứ xứ đã về cố quận vui đón xuân bên bếp lửa gia đình. Người
Sài Gòn chánh cống không đi chơi xa thì bận rộn bao lo toan cho ngày đầu năm mới
mọi thứ viên mãn tốt lành.
Quán café đối diện nhà thờ Đức Bà dường
như toàn khách Tây. Ai cũng thong dong, thư thả… ngược
hẳn cái tất bật đông đúc ồn ào chen chúc khuân khuân vác vác mua mua bán bán ở các khu dân cư, đặc
biệt là các chợ của Sài Gòn. Chúng tôi nhìn quanh quất, Vietnamese hình như chỉ
có mấy anh em nhà Quán Văn ngẫu hứng du xuân đột xuất chúng tôi. Bốn anh em mừng
vui tíu tít đôi câu. Mỗi người gọi một thức uống. Chẳng hẹn mà tất cả đều gọi Crème
Chocolat. Món ruột của tôi. Anh Minh cũng vậy… Cuối năm, có lẽ để nhớ chút ngọt
ngào…
Bóng chiều cứ thế từ từ buông.
Có cái gì xôn xao khó tả.
Tự nhiên tất cả đều lặng im.
Anh Nguyễn Minh Nữu hỏi thăm về con
trai đi học xa. Bỗng dưng tôi bật khóc. Mẹ thì nhớ thì mong, có khi chỉ nghĩ đến
con phương xa một mình nước mắt đã rơi, vậy mà nó email về: “Mẹ cứ vui, cứ sống
cuộc sống của mẹ, đừng ủy mị như thế… Không
lẽ mẹ của con lại tẻ nhạt như thế ư? Con ổn.”
Anh cũng chia sẻ chuyện con cái phương
Tây nói chung và chính anh sau khi kể câu chuyện cảm động về đứa con bị thương
tật sau chiến tranh, khi trở về gọi điện báo con sẽ về đón năm mới cùng bố mẹ với
một người bạn tàn phế đôi chân. Mẹ anh đã từ chối người bạn tàn phế ấy. Linh
tính… ngay sau cú điện
thoại ấy, bố mẹ anh chạy ngay đến khách sạn con ở. Trời ơi, một người lính mất
cả chân tay vừa từ tầng cao nhất của khách sạn lao xuống tự vẫn. Con ơi. Sao
con không nói đó là con. Dù con như thế nào, lành lặn hay mất hết tứ chi, con vẫn
là con của mẹ. Thông điệp mà anh chia sẻ: Hãy nói cho con biết, lúc nào bố mẹ
cũng bên con và yêu thương con cho đến hơi thở cuối cùng…”
Hoàng
Kim Oanh cộng tác với Quán Văn từ gần mười năm nay. Khởi đầu là tham gia bài viết,
rồi gần gũi hơn,
là người tiếp tay làm Diễn giả trong các buổi ra mắt sách. Nhưng tôi nghĩ, đóng
góp lớn nhất của Kim Oanh chính là đưa Quán Văn vào môi trường giáo dục mà cô
đang hoạt động. Đầu tiên là Kim Oanh bỏ
tiền túi ra mua mỗi kỳ phát hành chừng mươi cuốn, cô gửi tới các bạn dạy cùng trường,
dạy cùng khoa, hoặc gặp gỡ trong các sinh hoạt giao lưu giữa các Đại Học, rồi
sau nữa là các học trò trung học cũ nay đã ra trường mà cô biết năng khiếu văn
chương. Lần này gửi nhóm này, lần sau gửi nhóm khác… Những người nhận được Quán Văn lần lần thì sẽ
trở thành thân hữu, bạn đọc và có cả trường hợp là tác giả của Quán Văn sau
này. Thực hiện tờ báo văn học thì đương nhiên là người hoạt động về văn học,
nhưng với hệ thống phát hành như hiện nay, tờ tạp chí phải tìm được những người
ham học, hay suy nghĩ và thích văn học cùng tiếp tay phổ biến thì sân chơi mới
còn lưu giữ được.
Năm
2019, Hoàng Kim Oanh đến Mỹ lần thứ hai. Lần đầu năm 2009 dự hội thảo quốc tế ở
Philadelphia thì chúng tôi chưa biết nhau. Lần thứ hai này Kim Oanh tham dự Đại
Hội cựu học sinh Trưng Vương, tổ chức tại vùng Washington D.C.
và kết hợp tìm gặp những thân hữu văn học đã quen tên, và có khi chưa từng được
gặp.
Dịp
này, ngoài những buổi Kim Oanh gặp gỡ với các cựu nữ sinh Trưng Vương khắp nơi
về dự đại hội, tôi có dịp đưa Hoàng Kim Oanh tới gặp gỡ các Anh chị như Trương
Vũ + An, Phạm Cao Hoàng +
Hoa, Nguyễn Tường Giang +
Oanh, Nguyễn thị Thanh Bình, Lê thị Ý, Lãm Thúy, Nguyễn Minh Nữu + Mai, Phạm Thành Châu, Thúy Diệm, Phó Hồng Hà,
Đinh Trường Chinh...
Và trên đường về Cali để lên chuyến bay về Việt Nam đã ghé thăm gặp gỡ anh chị
Lữ Quỳnh, có những gặp gỡ với các anh Thành Tôn, Phạm Phú Minh…
Một
cuộc thăm viếng nữa do bạn bè Trưng Vương của Kim Oanh đưa đi, sau đó Kim Oanh
ghi lại thật đẹp và trân trọng, là khi thăm viếng một địa điểm văn học của
thành phố Richmond, tiểu bang Virginia:
Đó
là: Poe in Richmond, VA
“Một trong bốn nơi chốn được coi là
quê hương của Edgar Alan Poe. Thi tài này ra đời ngày 7.10.1809 ở Boston. Và mất
ở Baltimore 19.1.1849. Nhưng Richmond là nơi Poe lớn lên trong u sầu côi cút
sau khi chứng kiến cái chết lạnh lẽo của mẹ, nơi kết hôn bí mật cùng cô em họ
13 tuổi - nàng “Annabel Lee” xinh đẹp dịu dàng mà yểu mệnh; nơi những
trang viết đầu tiên của ông ra đời và tài năng văn chương nảy nở, lan tỏa không
chỉ trên quê hương nước Mỹ mà còn vượt qua nhiều biên giới quốc gia Âu, Á.
Năm 2009 dự hội thảo quốc tế ở
Philadelphia mình đã đi thăm được hai nơi: (1) Edgar Allan Pоe National
Historic Site ở Philadelphia và (2) Thành tâm tưởng tiếc đặt một bông hồng lên
mộ Edgar Alan Poe ở Baltimore. Lần này, tranh thủ đến nơi thứ ba lưu giữ bao
nhiêu kỷ vật ấu thời buồn đau và sự nghiệp văn chương lừng lẫy qua từng trang
viết... Một ngọn nến khi Poe viết “Annabel Lee”. Vài vật dụng đơn sơ... Chiếc
ly, ngòi bút lông, những trang giấy úa vàng nguệch ngoạc... Xúc động làm sao
vài sợi tóc của Edgar Alan Poe vẫn được trang trọng trưng bày...
Thảy làm chứng nhân cho một thiên tài
Edgar ở Richmond...
Ôi Edgar Poe!
Người luôn tự nhận mình là một quý ông
Virginian, Con người của đau thương nghiệt ngã cút côi đói nghèo bất hạnh ấy chắc
đâu biết đâu ngờ cái bóng của mình sau khi mất, 170 năm nay đã, đang và mãi in
sâu vào biết bao trang thơ, truyện trinh thám, kinh dị, viễn tưởng cũng như lý
thuyết xây dựng truyện ngắn (short story) của văn chương thế giới...
Trong đó, có nhiều cây bút lỗi lạc của
VN...
Thời gian có nhòa trong vô tận
Dòng người vẫn tìm đến ngôi nhà lưu niệm
này mỗi ngày, mỗi ngày, tìm lại từng dấu vết về một con người kỳ lạ, làm nên một
phần di sản văn chương Mỹ.
Học sinh trung học, cao đẳng, đại học
vẫn đến chốn này dựng lại những câu chuyện Poe từng tưởng tượng nhưng phản ánh
cả một thời đại đổ vỡ của niềm tin và giá trị con người...
Nevermore
Nevermore
Edgar Allan Poe
18.10.2019
Năm
2020 là năm của dịch bệnh, là năm của cách ly và cũng của cả chia ly. Tôi gửi tới
bạn bè một thư: “là nỗi thèm khát được sống
như ngày xưa. Nay thì mỗi người trong một góc riêng, tự phong tỏa mình và đối
diện với im lặng, thanh vắng, cách ly với cuộc sống bên ngoài. Khi bị cách ly
hay tự cách ly với xã hội, mỗi người trở thành một ốc đảo riêng tư và vô cùng tịch
mịch. Chúng ta vẫn phải ăn, vẫn phải thở nhưng dường như rơi vào nhàm chán với
chính mình. Mọi chia sẻ dù vui hay buồn
đều như đối diện với bốn bức vách, và nỗi cô tịch kéo dài.”
Và
đề nghị mỗi người tự vị trí riêng mình, hãy viết xuống những suy nghĩ và cảm
xúc để tập họp chung thành một Ghi Nhận 2020. Hoàng Kim Oanh nhận lời ngay, và
gần cuối thời gian nhận bài mới gửi tới một ghi nhận. Là một ghi nhận đắng
lòng: Hoàng Kim Oanh ghi lại những cuộc chia tay của năm 2020.
Những
cuộc chia ly mùa dịch, Hoàng Kim Oanh nhắc tới Nguyễn Chí Sơn, Nguyễn Dương
Quang, Lê Phương Nguyên, Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Hương Trang, Mang Viên Long... Những chữ viết trong đoản văn rời này làm
não lòng quá, làm tiếc nhớ quá và cũng chí tình quá với người nằm xuống, và cho
những người còn ở lại đây nhói ở tim mình.
Xin
trích lại một đoạn ngắn Oanh viết về Lê Phương Nguyên: Người đầu tiên của nhóm
Quán Văn ra đi năm 2020:
“Thời gian từng giọt nặng nề,
Xa xăm đôi mắt bốn bề quạnh hiu...”
(Lê Phương Nguyên)
Tôi sẽ mãi nhớ về anh với đôi mắt đăm
chiêu, nụ cười hiếm hoi nhẫn nhịn một đêm Giáng sinh Sài Gòn ngày tôi biết anh
lâm bệnh dữ. Tôi sẽ mãi nhớ về anh cùng hương Lavender tím ngát thủy chung bè bạn
tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực những ngày anh vuột khỏi tay Thần Chết mùa
hè 2019 khi chúng tôi đến thăm anh ở điền trang. Tôi sẽ mãi nhớ về anh hình ảnh
cảm động anh đang thiêm thiếp trên giường bệnh bệnh viện ĐHYD bỗng choàng mắt dậy
và đòi ngồi lên khi anh Sông Ba nói vào tai anh “có chị HKO đến thăm nè”. Niềm
vui ngắn ngủi nhỏ nhoi. Nỗi buồn dài ở lại, anh Lộc Xuân ơi!
Dịch bệnh thế giới bùng phát dữ dội
không chỉ một, hai mà tất cả các lục địa. Sài Gòn cũng “phong thành” từ
16.3.2020. Rồi 30.3.2020, mọi nẻo đường ra Bắc vào Nam đều phong tỏa đến
23.4.2020. Hai tháng cách ly. Mọi hoạt động dường như ngưng lại. Stay at home.
Stay at home. Xin em ngồi yên đấy… Ở nhà là yêu nước. Đeo khẩu trang là yêu nước.
Rửa tay là yêu nước. Vâng. Vâng. Việt Nam tội nghiệp của tôi. Bình thường, mọi
thứ đã quá tải. Nhất là bệnh viện. Địa ngục cho những ai không có nhiều tiền. Cực
hình cho những ai đi theo ân huệ ban phát của Bảo hiểm y tế suốt 30 năm làm lụng
tích cóp đóng… Chỉ cần 1 ca lây, truy tìm đường đi cả 100 ca. Chỉ 100 ca dương
tính nhân với 100 ca F1, F2, F3… Hệ thống y tế vốn đã thiếu và yếu của VN không
biết sẽ… đi về đâu hỡi em…
Không
gặp lại nhau cả hai năm nay rồi, vẫn liên lạc qua Facebook, Email mỗi khi cảm
thấy cần, mỗi khi cảm thấy trống trải và mỗi khi cảm thấy cần chia sẻ. Một người bạn văn, có lần gửi tới tôi một đoạn
clip ngắn, bài phát biểu của Hoàng Kim Oanh trong một buổi sinh hoạt về
đề tài Viết về Saigon do Hội Nhà văn Thành phố tổ chức. Lần đó, Kim Oanh đề cập đến tập bút ký
Thương Quá Saigon của tôi với sự quý mến rất riêng, sau đó, chuyển tặng Ban Tổ Chức
tác phẩm này. Chợt nhớ có lần, Trần
Dzạ Lữ nói với tôi rằng “Hoàng Kim Oanh
không chỉ là bạn với ông, mà là một Hồng Nhan Tri Kỷ với ông trong văn học.”
Vâng, vậy thì bài viết này xin được đặt tên là Hồng Nhan Tri Kỷ Hoàng Kim Oanh,
và xin kết thúc bằng một bài thơ mới nhất của Hoàng Kim Oanh, bài thơ như cùng
tâm sự với rất nhiều người, vào thời điểm vẫn còn giãn cách xã hội này:
Tiếng còi tàu hôm nay không về ngang
ga Bình Triệu
1h. 2h. 3h...
có chuyến tàu nào về ngang tôi không?
Chuông nhà thờ Thị Nghè hôm nay không
rung
4h. 5h...
Ban mai bỗng không phải ban mai
Cái ban mai quen thuộc
đi đâu?
Sài Gòn đã thức.
Những chiếc xe tải từ ngoại ô đang vào
thành phố
tiếng bánh xe miết vào lòng đường nhựa.
tiếng thắng rít trên đường
như có gì rạn vỡ.
Sở thú hôm nay không nghe vẳng lại
tiếng cọp gầm, vượn hú xa xa
ừ. lâu rồi. không biết chúng còn sức để
gầm để rú
lâu rồi...
Chuông nhà thờ Thị Nghè hôm nay không
rung
Ban mai bỗng không phải ban mai
Cái ban mai quen thuộc
đi đâu?
Tôi chờ tiếng chim chích chòe chim sẻ
chim sâu
chút nữa thôi. 5h.6h...
sáng nào cũng thi nhau nhảy trên nóc
nhà hàng xóm
nhảy nhót trên mái hiên cửa sổ nhà tôi
ríu rít hỏi han nhau
như đêm qua ai còn ai mất
như hôm nay lời chúc an lành
ríu rít. ríu rít.
Tôi cố thu mình thật nhỏ.
Tôi cố nín từng hơi thở
ước gì có thể vô hình.
ước gì có thể biến mất khỏi những ồn
ào phố chợ người xe ít phút nữa thôi sẽ xé đêm yên tĩnh
để cuộc chuyện trò ban mai không ai
phá hỏng
để ban mai còn là ban mai.
thanh khiết. vẹn nguyên.
từng âm thanh vạn vật giao hòa
như cuộc đời
chính nó
hồn nhiên bản năng
trong trẻo
ban sơ
Tôi soi gương khuôn mặt của đêm
úa nhàu. xộc xệch.
tôi đánh phấn khuôn mặt của đêm
tô chút phấn hồng
vẽ thêm màu son mới
đánh lừa mình. vọng ảo chút thanh
xuân.
ôi ban mai. có còn là ban mai.
phấn son cũng chỉ là son phấn
lạ lẫm cả khuôn mặt mình.
hay khuôn mặt của đêm.
sáng nay sao tất cả đều im lặng.
im lặng
im lặng
có phải bình minh không về không?
Chuông nhà thờ Thị Nghè hôm nay sao
không rung?
Thị Nghè,
04.03.2021
Nguyễn
Minh Nữu.
22.04.2021