Friday, April 23, 2021

2002. ĐẶNG KIM CÔN Những con vịt trời (Truyện ngắn)

Ảnh minh họa - Photo by Phạm Cao Hoàng, Virginia (2017)

 

Một thời gian dài, thằng bồ của con gái tôi đi làm ăn xa, bầy vịt trời phía sau nhà, vô tư nhởn nhơ bơi lội quanh cái hồ lớn, có vẻ như chúng sinh sản vội vã hơn, ấp trứng ngắn ngày hơn, lông cánh mọc nhanh hơn để kịp chống chọi với sự truy sát của hắn, một kẻ thường khoe là cả một thời niên thiếu trưởng thành trên ghe thuyền, lênh đênh sông hồ, ăn tươi nuốt sống những con vật bắt được trên sông nước.


Có lần tôi thấy, một con vịt trống đứng canh chừng cho con vịt mái đẻ trứng nơi bụi cây ngay trước cửa ra vào, bị gã “giang hồ” kia lấy trứng (lúc đó gã ra xe đi làm, không kịp chờ cho con vịt rời tổ), cả hai vợ chồng con vịt tung lên vừa la oạp oạp vừa đá kẻ cắp, tất nhiên rồi cũng bị mất trứng, để rồi chúng lại “xây” cái chỗ đẻ khác, và rồi, lần lượt hai con vịt cũng không tránh khỏi bị gã giang hồ cho vào nồi nước sôi, chả là, gã nghiện món tiết canh, nghiện đàn đúm bia rượu cho những chuyện trả nợ ân nghĩa có lợi cho cái việc hắn gọi là làm ăn, mà đối tác của hắn đã không tiếc lời ca ngợi có tài, cái tài chinh phục đám vịt trời và chế biến tiết canh.


Có vẻ là gã cũng ngó chừng tôi, vì dù tôi chỉ là một người thuê phòng, nhưng là mẹ của đứa con gái mà gã đang cố níu áo, chắc cũng nuốt vội nuốt vã, tránh sự phát hiện của tôi, vì biết tôi rất thương yêu chúng. Có điều, làm sao tránh hoài được, khi mà chúng tôi cùng ở chung nhà, ăn chung mâm. Bầy vịt bao nhiêu con, tôi gần như nhớ mặt hết, cứ lâu lâu mất một con là tôi nói xa nói gần, mà xa gần thì có dốt mấy gã cũng thừa biết tôi nói ai, “Cô nghĩ, chỉ có mấy thằng nhậu nhẹt Việt Nam, cứ uống máu được một con vịt thì cái da mặt chúng nó mới dày thêm lên một chút, tới mức, thà chịu chửi cha chửi mẹ còn hơn phải nhịn thèm”. Tôi nhìn thẳng mặt hắn, có vẻ hai cái răng nanh đang chực thòi ra như Dracula, mỗi lần ngang qua đàn vịt ấy, cũng có phần thụt vào, khi nghe tôi than phiền, nhưng rồi, chỉ tội nghiệp cho những lời nói của tôi (hay tội cho bầy vịt) vì nói gì cũng trôi tuột như nước đổ đầu vịt.

 

Chung cư chúng tôi ở đa số là dân Haiti, họ thân thiện với mọi người chung quanh và cả với mấy bầy vịt trời trên hồ. Tôi thường thấy họ đem bánh mì, thực phẩm khô cho vịt ăn, và trong suốt thời gian gã giang hồ ấy đi xa, đàn vịt chỉ có thêm chứ không hề giảm bớt.


Sáng sáng chiều chiều tôi cũng cho vịt ăn, thay vì đổ cơm cũ vào sọt rác, thì cho chúng ăn đỡ buồn. Vịt Mỹ không chê cơm Việt, mà có vẻ còn háo hức hơn thực phẩm Tây, chả là hễ cứ thấy bóng dáng tôi, là cả bầy, nhiều bầy lao vội đến, có nhiều con từ bờ bên kia hồ rộng bay xào xào sang, rúc lấy rúc để, chỉ một loáng mấy tô cơm nguội không còn một hạt, rồi hả hê ưỡn ngực vỗ cánh lao xuống hồ…


Cứ thế, ngày tháng trôi đi. bầy nọ lớn lên, bầy khác làm tổ đẻ trứng, quanh tôi là cả một sự sống sung mãn, tươi tắn, xoay vần.


Một cái tổ bảy trứng dưới gốc cây đầy lá khô cuối thu, ngày nào tôi cũng thấy vịt mẹ ấp, có khi cả hai con trống mái cùng ấp (không biết có phải là bố chúng hay không nữa, có khi theo nịnh đầm để hưởng cú bỏ guốc cũng nên), dễ chừng không mấy ngày nữa thì sẽ có thêm một bầy vịt con mũm mĩm lạch bạch trên thế gian này.

 

Bất giác chiều kia trời đổ gió, gió tung trời như muốn lật úp cà thành phố, và, lạnh xuống!


Một trận mưa lớn, kéo dài mấy ngày, đài khí tượng loan báo bão, nhiều hãng xưởng đóng cửa, nhiều người không đi làm được, trong đó có tôi. Buổi sáng, như lệ thường, tôi lấy cơm ra cho vịt, một hồ nước trắng mênh mông, đàn vịt đã biến mất không còn một con nào. Chúng đã thiên di đến một nơi ấm hơn? Nơi nào mới là quê hương chính của chúng? Tôi sống nơi này chưa tròn một năm, nên không biết rõ sinh hoạt của chúng thế nào. Tôi chợt nhớ cái tổ trứng trước nhà, thật may, vẫn còn nguyên đó, không biết là mẹ chúng bỏ tổ từ lúc nào, trước hay sau khi bão tới, mà, tôi là người, không nắm được sinh hoạt của chúng, chứ không lẽ, vịt trời cũng không quen được quy luật của bốn mùa sao? Cứ đẻ đại rồi bỏ, thì khác gì mấy cô chửa hoang?


Tôi đem hết bảy quả trứng vào nhà, lấy quần áo cũ ủ ấm, mở sưởi trong nhà, phập phồng lo, bị mẹ bỏ ấp mấy đêm e trứng ung mất. Cũng tự an ủi, nhiều trứng vịt lộn già, mua về không ăn kịp, để trần trần trên bàn mà nó vẫn nở. Chắc là không sao đâu.

 

Vâng, nhờ trời không sao, đến ngày thứ ba (ba ngày liền tôi để tiệm cho con gái coi, chạy đi chạy về thăm chừng), thì chỉ trong một buổi, bốn con vịt nở, còn ba trứng nằm im. Chao ôi, những con vịt con đáng yêu làm sao! Nó mướt rượt, vàng óng, mới nở đã mở tròn đôi mắt (nhìn tôi) trong veo hòa nhập với cuộc đời. Tôi có phần lúng túng lúc đầu để tìm cách chăm sóc thích hợp nhất cho chúng. Việc đầu tiên là giữ cho chúng không đi lung tung, bốn con thì chỉ cần bỏ vào một cái sọt đựng quần áo, lót giấy báo cho nó vệ sinh, thay mỗi ngày, bóp bánh mì vụn, ngâm vào sữa cho nó ăn, qua một ngày không thấy chúng èo uột gì, ngày hai, ngày ba, có vẻ chúng mạnh hơn, thế là tốt.


Đám vịt “bạn cũ” của tôi không thấy quay về, trước mắt tôi còn có được bốn cô chú “chim cảnh” này, để thấy lòng hân hoan trông chúng lớn lên, cũng như thấy màu lông thay đổi từng ngày, để thấy những cặp mắt bớt ngơ ngác mà như mừng rỡ, như trông mong mỗi khi tôi đến gần, để nghe chúng lí nhí tập kêu, rồi có lúc tôi thả chúng trong nhà, chúng lúc thúc quanh quẩn chân tôi như tìm hơi mẹ.

 

Bốn con vịt đã ăn cơm được, chúng mau lớn, tôi chuyển chúng qua một cái thùng giấy và đặt trước hiên nhà, sáng sáng cho ăn cơm rồi thả cho chúng xuống hồ bơi đến chiều, khi đi làm về tôi “rú rú” mấy tiếng là cả bọn hối hả bay về… dùng bữa tối và được tôi tóm gọn vào “biệt phòng”, kết thúc một ngày nhởn nhơ bơi lội.


Năm nay lạnh dài, đám vịt trời thiên di kia không thấy trở về, nghĩa là bốn đứa con vịt mồ côi không biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại bố mẹ. Thoắt mà ba tháng trôi qua, bầy vịt đã trỗ mã, cái thùng giấy đã được thay lớn hơn nhiều lần, tôi cũng đã có thể phân biệt được trống mái, con gái tôi than phiền, “Mẹ coi chừng ban quản lý chung cư đuổi, nếu không cũng bị phạt”, nhưng cũng may, có một vài lần nhân viên văn phòng xuống sửa chữa một vài việc lặt vặt, có thấy đám vịt mà họ đã không nói gì.


Và càng ngày chúng tôi, bầy vịt và tôi, càng khắng khít không thể thiếu nhau.

  

Có mất công tìm chỗ đậu xe chút, mà tôi cũng quên để ý mấy chiếc xe lạ đậu trước bãi đậu xe nhà chúng tôi. Định vào thay quần áo rồi trở ra cho vịt ăn, bất ngờ nắm cửa nhẹ tênh, không khóa trái, bên trong đang là một tiệc nhậu: thằng bồ con gái tôi và hai người bạn của gã đang ăn uống.


Gã bối rối mời tôi, vừa giới thiệu mấy người bạn, nhìn cái mồm nhai nhồm nhoàm cùng mấy vệt máu tóe ra mép gã, tôi liếc vội xuống mấy cái chén, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng làm tôi rùng mình, trên bàn, bên những chai bia lăn lóc, còn là một đĩa tiết canh đang ăn dở, và trong mấy cái chén thì đang nhòe nhoẹt những máu đỏ lòm. Gã lúng túng nói, “con có để dành cho cô trong tủ lạnh”, không trả lời, cũng không kịp vào phòng cất túi xách, tôi quay ngoắt ra cửa, nhìn qua cái thùng giấy rồi chạy vội ra hồ. Hồ vắng ngắt, rộng mênh mông, mênh mông hơn bao giờ. Cố nén xúc động, vớt vát chút hy vọng mong manh, chỉ là một lầm lẫn thôi, tôi đuổi mắt khắp hồ một lần nữa, không bỏ sót những căn chung cư bên kia hồ, may ra chúng đang được ai đó tốt bụng cho ăn.

 

Tôi cất tiếng gọi vịt thường ngày, mấy tiếng “rú rú” như nghẹn ngào trên mặt hồ lạnh lẽo, vang xa…


Mùa đông còn mù mịt như sương mù trên mặt hồ buổi chiều vắng lặng. Tôi ngồi xuống một tảng đá lớn, hai chân bủn rủn cơ hồ không đứng dậy nổi.


Tôi thầm mong một điều chưa bao giờ mong, bầy vịt trời đang thiên di đến một phương trời ấm áp nào.

 

2012

 ĐẶNG KIM CÔN