(THÁNG
BA - NĂM ẤY Ở BAN MÊ)
Thương
tiếc gửi về hương linh bạn Võ Thành Công & em Linh Ký Nam.
Non
nửa cái trăm năm rồi nhỉ?
Sau loạt AK giòn giã truy
đuổi, động cơ xe rú gào như tiếng gầm của con quái thú trúng thương, chiếc Jeep
chồm lên chòng chành, chao đảo rồi khựng lại. Mọi người nhảy vội xuống lòng đường
dáo dác. Bên trái là dòng suối đá nước trong xanh đang sục sôi cuồn cuộn những
bụm sóng cao tung tóe. Phút sinh tử nên hỗn quan hỗn quân, điều lệnh mất hiệu lực.
Mạnh ai nấy nhào xuống nước, cố vượt suối. Sanh cũng thế và bất chợt quay đầu
ngoái nhìn lại phía sau. Công, người nhiếp ảnh kiêm phóng viên chiến trường
đang tựa lưng vào ghềnh đá, thở dốc. Mảnh đạn hú họa ghim trúng lưng và chân
trái, máu loang tươm đằm quần áo. Sanh không đành lòng, trở ngược dìu bạn, cả
hai lê từng bước khập khiễng. Súng vẫn nổ rát tai có cả tiếng cối 60 ly xen lẫn.
Những dáng người lom khom, lô nhô thấp thoáng sau những rặng cây rừng băng băng
ùa tới. “Không xong rồi”. Công thều thào nói “bỏ tao lại, mày chạy nhanh đi” và
giật hai trái lựu đạn M26 móc nơi "dây ba chạc" bạn đeo, rút chốt cầm
tay, nằm nghiêng người che chắn. Chiếc máy ảnh tác nghiệp vẫn đeo trên cổ, Công
chuyển qua ngang lưng, cười héo hắt, đưa tay xua bạn tìm đường sống. Tiếng hô
xung phong mỗi lúc một gần hơn. Gần hơn. Gần hơn nữa và tiếp theo là hai tiếng
lựu đạn nổ chát chúa, những tiếng hét la rên rỉ rồi cuối cùng tất cả đều lặng
yên. Sự yên lặng của thần chết! Bằn bặt.
Lượng sức không thể lội
ngang dòng suối dữ, Sanh lết bết theo con đường mòn lấp xấp cỏ gai nằm vẹt hai
bên đá sỏi ngược nguồn; vừa nghe cóng chân, kiệt sức là dẫn tới đầu làng, anh đổ
gập người xuống không còn biết gì nữa…
Chiếc điếu bát rít lên một hơi dài sòng sọc
nghe ríu ran như tiếng chim hót sớm mai cùng với làn khói thuốc lào đậm đặc lan
tỏa đánh thức Sanh. Bộ quân phục sũng nước, đẫm mồ hôi, ngập ngụa mùi thuốc
súng đã được thay bằng chiếc quần dây rút ống rộng, áo cộc tay xẻ ngực, cổ tròn
đen tuyền. Người đàn ông đứng tuổi đầu chít chiếc khăn vải màu tím than, ngoài
khoác đôi áo chùng xám dài quá gối đang ngồi bắt mạch cho Sanh. Ông gật gù: “Ổn
rồi. Đói nên lả người. Húp xong bát cháo ngô là tỉnh. Khỏe ngay thôi mà”.
Đúng vậy. Mờ sáng anh nhổm dậy cùng vài người
trai bản vác cuốc ra trận địa, đào huyệt chôn cất các tử thi không phân biệt
bên này hay bên nọ. Công cũng được chia phần gồm ba nén nhang, nhúm gạo sống
dành ăn đường tới bờ Nại Hà (theo phong tục dân gian), một vuông chiếu, một nấm
mồ đất không bia mộ như những người lính bên kia chiến tuyến. Khác chăng là
Sanh đặt vào miệng Công tấm thẻ bài quân nhân, sợi dây và tấm thẻ bài còn lại
Công cất vào cái bóp đựng giấy tờ tùy thân là di vật cuối cùng để có dịp mang về
trả lại cho gia đình tử sĩ thờ phụng.
Sanh chắp tay thi lễ hai vái với người đàn ông
đứng tuổi xin từ biệt. Vị trưởng bản ôn tồn nói “Hoàng thiên hậu thổ đã gắn kết
cậu cũng như mấy người lính bạc mệnh kia với vùng đất này. Đợi ta sắm cho mâm lễ
tạ thần linh, sớm mai hãy lên đường. Rồi thì cậu cũng sẽ quay trở lại đây theo
số phận đã an bài. Hãy cẩn trọng đường đi nước bước!”. Sanh chỉ biết cúi đầu
tuân theo.
Sau mấy ngày di tản chỉ đỡ
dạ vài miếng cơm vắt, đêm ấy, Sanh được một bữa no say túy lúy với thịt rừng,
cơm lam và vò rượu thơm lừng những kỳ hoa dị thảo miền sơn cước đầy ăm ắp.
Trong cơn chếnh choáng, anh thấy vị Trưởng bản đi lại đứng trước bàn thờ nghi
ngút khói hương, chỉ tay vào chính giữa, nơi có một vật thể hình dạng như cái
thố đất nung, miệng thố có phủ tấm vải điều, cao giọng: “Nam này giờ là người
nhà ta đấy. Không phải kẻ lạ đâu. Đừng quấy rầy nghe chửa!”. Sanh lấy làm lạ vì
bàn nhậu chỉ có hai người, còn trong chái bếp thấp thoáng dáng cô con gái Trưởng
bản đang lúi húi dọn dẹp. Có còn ai khác nữa đâu?
Sức trẻ trai của gã chiến binh cứ tưởng rằng tửu
lượng vô địch, dễ dàng hạ gục ông già miền núi nào ngờ khi nâng chén rượu cuối
cùng lên miệng thì anh đã hoa cả mắt, như có trăm hạt đom đóm chập chờn bay liệng
vần vũ. Sanh buông chén cố hết sức loạng choạng đi về phía cái giường tre trong
góc phòng theo hướng chỉ tay của vị Trưởng bản. Ông già cười ha hả bước ra sân
vườn, thả bộ cùng gió núi và sương lạnh.
Mùi hoa bưởi thoang thoảng
dặt dìu. Và còn dậy lên một mùi hương nữa, rất lạ. Len lén nhẹ nhàng mà nồng
nàn. Quyến rũ. Hương nhan sắc! Sanh tỉnh hẳn cơn say, mở bừng mắt dậy. Mái tóc
mây trôi lòa xòa rủ xuống tình cờ ve vuốt mắt môi anh. Cô con gái Trưởng bản đứng
cạnh giường, đang nhoài người để buông mùng cho khách nghỉ. Bản năng được thêm
chất men hỗ trợ khiến Sanh bạo dạn nắm lấy búp măng tơ thon thả ấp lên mặt mình
hít hà rồi bất chợt vòng tay ôm choàng tấm thân đương độ xuân thì hây hẩy căng
tràn nhựa sống cũng mới vừa rạo rực, kéo ngả vào lòng nhau. Xiết chặt. Ngọn lửa
ái tình bùng lên cháy bỏng…
Những ngày ở thành phố chỉ biết cơm hàng cháo
chợ. Đơn vị đã tan tác. Gia đình chỉ còn mỗi người chị là thân thích nghe lối
xóm kể hình như đã theo chồng xuống tàu ra khơi. Lần theo địa chỉ, Sanh nhảy xe
đò đi Nha Trang, đến tận nhà Võ Thành Công - người bạn xấu số trao lại kỷ vật.
Hình ảnh cha mẹ già Công giấu hàng xóm nỗi buồn đau tử biệt, tức tưởi, gắng gượng
nuốt nước mắt vào lòng, gia cảnh đơn chiếc mai này biết dựa vào ai chén cơm
viên thuốc mà Sanh chứng kiến cũng muốn đứt từng khúc ruột. Dành lại ít tiền
xe, vẫn còn gần tháng lương chuẩn úy mới lĩnh chưa kịp tiêu pha là di tản, Sanh
trao hết cho ông bà, quay ngược về Sài Gòn viết giấy tay bán tống bán tháo căn
nhà hương hỏa trong con hẻm nhỏ ở Bàn Cờ, lận lưng mấy cây vàng quay trở lại miền
sơn cước nơi có em gái núi đợi chờ.
Vị trưởng bản gật gù “Ma xó báo với ta hết rồi.
Cậu không cần kể lể. Là duyên đấy. Duyên cậu với ta, với con gái ta, với cả những
oan hồn chiến tranh bên bờ suối ngoài kia. Giờ hãy nghỉ ngơi. Ta sẽ sắm lễ kính
cáo thần linh, kết tơ hồng trọn đời cho các con”. Sanh bàn với Trưởng bản - nay là nhạc phụ về
ý muốn mồ yên mả đẹp cho các tử / liệt sĩ. Ông có khả năng hiệp thông với thế
giới huyền bí nên sau đó cho biết họ rất vui lòng. Sanh xuất tiền nhờ trai làng
ra phố chợ mua gạch cát, xi măng, quan tài… làm lễ cải táng cho Công và năm người
bộ đội. Tên tuổi, quân hàm, đơn vị và quê quán mỗi người đã xác lập qua giấy tờ
tùy thân, được khắc sâu vào bia mộ đá. Tư trang của họ được Sanh lưu giữ cẩn thận
đợi sau này sẽ chuyển giao. Lo tươm tất cho người chết xong mới đến lượt kẻ sống.
Sanh dựng một nếp nhà đơn sơ cho vợ chồng mình cận kề với sáu ngôi mộ coi như
là… láng giềng.
*
Vòng đời cứ thế quay đều, quay đều theo từng
chuỗi tích-tắc-tích-tắc gõ nhịp của tiếng thời gian. Thắm thoát mà đã hơn hai
mươi năm trôi qua. Chuẩn úy Cao Văn Sanh hào hoa, sôi nổi thuở nào nay đã là một
lão nông tri điền người dân tộc, kế thừa chức trưởng bản và những bí thuật giao
tiếp với người cõi âm của bố vợ. Như lệ thường, vào những tối không trăng, bầu
trời chỉ thoáng dăm vì sao le lói, trưởng bản Sanh lại xách bầu rượu quý ra chiếc
bàn đá thiên nhiên dựng sẵn bên bờ suối. Bảy cái chén sành được rót đầy rượu
cùng nhâm nhi với bạn tri kỷ... quá vãng. Nhiều cơn gió lạnh buốt từ ba bề bốn
bên òa chụp xuống không gian lặng lờ hư huyễn. Sáu vong linh vui vẻ kề vai bước
tới. Mỗi số phần một biệt nghiệp nhưng họ đã cộng tử nghiệp bởi chiến tranh nên
trong lúc chờ đầu thai kiếp mới, họ quây quần cùng nhau an nhiên. Những hận thù
phi nhân, những giáo điều ngoại lai vong bản đã tan tác sau hai tiếng nổ kinh
hoàng năm xưa. Lẽ vô thường đã rõ. Một hồn kể cho Sanh biết là cái thư trình
báo của Sanh với chính quyền lên bờ xuống ruộng tận đẩu đâu mãi giờ này mới được
giải quyết. Nội ngày mai, Đội Tìm Kiếm Quy Tập Mộ Liệt Sĩ của binh đoàn sẽ đến
đây để rước các anh về lại bản quán. Một hồn bảo “chúng nó làm gì mà lâu thế nhỉ”
Hồn khác nói “Do sai số hòm thư. Đúng là… lỗi tại thằng đánh máy Quân Bưu. Hà.
Hà”. Bảy chén rượu đầy hào hứng nốc cạn. Trưởng bản Sanh lại hể hả rót đầy chén
cạn uống cạn chén đầy cùng đám bạn vong thân mừng buổi tiệc ly.
Bà Sanh soi đèn pin lần dò từng bước đến chiếc
bàn đá, nép sau lưng chồng. Ông cạn chén với hồn Công “Mai họ về lại quê nhà,
ông đừng buồn nhé. Ta vẫn còn có nhau mà, đúng không bạn hiền?” Mấy hồn kia
nhao nhao “Về là về cái xác thân phàm tục rữa nát thôi chứ linh hồn bọn mình đi
mây cỡi gió thoắt ẩn thoắt hiện thì có hữu hình nào ngăn được. Những tối không
trăng như thế này ta vẫn hiệp quần chứ!” Tất cả lại dzô! Dzô liên tục.
Bà Sanh nào có nghe thấy
gì từ đám đông âm hồn kia ngoài ông chồng vẫn huơ tay múa chân ra chiều tâm đắc
lắm. Ông say khướt rồi. Bà chạnh nhớ lại cái đêm xa xưa huyền hoặc, khi ấy ông
cũng khướt say nên cả hai lần đầu tiên bạo dạn làm chuyện vợ chồng. Đôi gò má
chợt đỏ hồng lên như thời đôi tám và ánh mắt vẫn còn ướt rượt, long lanh…