Khái
Hưng xây dựng truyện ngắn hiện đại
Tự
Lực văn đoàn chủ trương đổi mới văn học. Nhưng tiến trình ấy đã diễn ra như thế
nào? Ai trong văn đoàn là người chủ động? Khảo sát sự hình thành truyện ngắn và
tiểu thuyết trên Phong Hóa Ngày Nay, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời.
Có
thể nói rằng: Phong Hóa là đất thực nghiệm, Ngày Nay là nơi dấn thân,
và hệ thống truyện ngắn và tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn được dựng nên từ hai
nền móng ấy.
Đại
cương
Trong
hai năm đầu 1933-1934, Hoàng Đạo và Thế Lữ chưa có đóng góp quan trọng về tiểu
thuyết và truyện ngắn trên Phong Hóa, còn Thạch Lam viết phóng sự văn chương.
Hoàng
Đạo, trong thời kỳ này, viết 3 truyện ngắn: Nùng Chi Lan, Bông hoa
thủy tiên và Cánh buồm trắng[1].
Đáng giá nhất là Bông hoa thủy tiên và loạt Tuồng Cổ Tân Thời[2] mà chúng tôi đã giới thiệu trong chương:
Hoàng Đạo và Thạch Lam.
Thế
Lữ là nhà văn có tay nghề, nhưng sau tuyệt tác Vàng và máu, đăng trên
Ngọ Báo, ông không có tác phẩm nào nổi bật. Chín truyện ngắn: Thây ma xuống
gác, Con châu chấu ma, Cô Bụt, Giòng máu đứt quãng, Cái ví
da đen, Hai lần chết, Cái xác đuổi người, Bên đường Thiên
Lôi[3], đăng trên Phong Hóa trong khoảng
1933-1934, không có gì đặc sắc. Để tạo không khí ghê sợ, Thế Lữ hay dùng câu
chữ, chi tiết rùng rợn, đưa đầu lâu, xác chết và ma vào, rồi tìm cách giải
thích một cách "khoa học", nên truyện của ông thường giả tạo, khó tin.
Ông nổi tiếng về trinh thám, nhưng trinh thám thuộc địa hạt giải trí. Về mặt
truyện ngắn, Thế Lữ không chịu tìm hiểu kỹ về con người, mà thường chú ý đến
động tác bề ngoài, nên truyện ngắn của ông ít khi để lại ấn tượng sâu xa trong
lòng độc giả. Cho nên, Thế Lữ không có vai trò quan trọng trong truyện ngắn
trên Phong Hóa Ngày Nay, mặc dù ông viết đều đặn.
Thạch
Lam là một cây bút quan trọng về truyện ngắn, nhưng phải đến Phong Hóa số 63
(8-9-33), mới có truyện ngắn đầu tiên Một cảnh quê, ký Việt Sinh, chưa
có gì đặc biệt. Một năm sau mới có bài tùy bút Sóng lam cát trắng ký
Thạch Lam (Phong Hóa 109, 3-10-34) và tới Phong Hóa 117 (28-9-34) lần đầu tiên
có truyện ngắn Cung Hằng lạnh lẽo ký bút hiệu Thạch Lam. Nhưng những
sáng tác này chưa có gì nổi trội. Trong thời kỳ Phong Hóa, Thạch Lam, dưới bút
hiệu Việt Sinh đã tạo ra thể loại phóng sự văn chương, và phải đến Ngày
Nay số 7 (9-4-35) Thạch Lam mới viết Đói, truyện ngắn hay đầu tiên,
chúng tôi sẽ đề cập đến phóng sự và truyện ngắn của Thạch Lam trong phần viết
về Ngày Nay.
Truyện
ngắn Nhất Linh
Về
hành trình tìm kiếm của Nhất Linh, tôi đã viết khá rõ trong chương Khái Hưng và
Nhất Linh, ở đây chỉ xin nhắc lại: Nhất Linh trong thời kỳ đầu của Phong Hóa
viết bốn truyện trinh thám, ký tên Ngô Tâm Tư: Giết chồng… báo thù chồng,
Tiếng chó sủa, Cái hoa chanh, Tiếng gọi cõi âm[4]. Rồi ngừng. Từ Phong Hóa số
24 (2-12-32) đến số 62 (1-9-33), ông viết 13 truyện ngắn, ký tên Bảo Sơn: Con
hai bố, Vết máu, Nước chảy đôi giòng, Cô áo tím, Dưới bóng hoa đào
(viết chung với Khái Hưng), Ngọc có vết, Hồn hoa, Bóng người trên
sương mù, Gái vùng Lim, Nắng mới trong rừng xuân, Đầu đường só chợ, Tháng ngày
qua, Ngày thu[5].
Sau
đó ông ngừng sáu tháng để viết chung hai tiểu thuyết với Khái Hưng: Gánh
hàng hoa và Đời mưa gió[6]
rồi viết thêm bốn truyện ngắn ký tên Nhất Linh: Thế rồi một buổi chiều,
Cô hàng nước (Khái Hưng và Nhất Linh), Nắng thu và Lan rừng[7].
Trên
Ngày Nay, Nhất Linh viết bảy truyện ngắn nữa:
Nghèo,
Hai buổi chiều vàng, Tối tăm, số 23,
(30-8-36), Chết dở, Hai chị em, Vết thương, Con
đường quê[8].
Để
giải thích qua cách viết của Bảo Sơn trong những truyện ngắn trên đây, tôi xin
lấy thí dụ Bóng người trên sương mù.
Bóng
người trên sương mù là một truyện ngắn hay, được Bảo Sơn
bắt đầu như sau:
"Ở
ngoài đêm tối như mực. Trong toa hạng nhì, riêng tôi ngồi đối diện với Đỗ
Thạch, một người bạn cũ, tình cờ gặp nhau vì đi một chuyến xe lửa. Mười năm
trước, bạn tôi còn là người cầm lái xe hỏa, cũng hàn vi như tôi, mà bây giờ lại
gặp nhau trong toa hạng nhì, nên hai người càng ngạc nhiên và cùng mừng cho
nhau.
Lúc
nói chuyện, tôi thấy bên cạnh bạn có một cái hộp khảm rất đẹp, liền cầm lấy
xem…"
Ta
thấy Bảo Sơn chưa bỏ được kiểu kể chuyện và giới thiệu nhân vật theo lối cổ
điển. Nếu đoạn này viết trực tiếp theo lối mới, lối hư cấu, sẽ ngắn gọn hơn
nhiều: "Trời đêm tối như mực, trong toa hạng nhì, Đỗ Thạch ngồi cạnh
một cái hộp khảm…" không còn những giải thích dài dòng của nhân vật
xưng tôi, người kể chuyện. Phải tới Thế rồi một buổi chiều, Nhất
Linh mới dứt hẳn được lối kể chuyện này.
Khuynh
hướng xã hội tả chân cũng được Nhất Linh thử nghiệm nhưng chưa thành công, thí
dụ truyện Đầu đường só chợ:
Đầu
đường só chợ (Phong Hóa số 51,
16-6-33) viết theo lối hiện thực xã hội, bắt đầu như sau:
"Đầu
đường só chợ!
Từ
năm thầy tôi mất, anh chị tôi rời bỏ chốn quê nhà đi tha phương cầu thực, đến ở
một túp nhà tranh ở ngay đầu chợ C… Bắt đầu từ đó, tôi bỏ cái đời cũ là cái đời
một cậu con quan ăn sung mặc sướng mà bước chân vào một cuộc đời riêng mới cho
tôi: tôi gọi là cái đời đầu đường só chợ. Năm ấy tôi mới 13 tuổi".
Lời
mở đầu trên đây cho thấy sự vụng về của tác giả: Ông không biết rằng khi một
ông quan mất đi, gia đình vẫn được hưởng một số ruộng đất và giữ nhà riêng để
ở, tuy có nghèo đi vì không được lĩnh lương nữa, nhưng nếu chịu khó làm việc,
cày cấy ruộng vườn, thì không ai phải đi "tha phương cầu thực" hoặc
ra ở túp nhà tranh đầu chợ cả. Sau đó ông lại đưa ra một nhận xét chủ quan
"Thật là một cái xã hôi xấu xa, mà xấu xa vì nghèo khổ quá",
trước khi trình bày nhân vật chị Hiên, quá nghèo phải ăn cắp gà và tấm lòng
tốt của cậu bé 13 tuổi đối với người đàn bà cùng khổ ấy, đều là những chi tiết
giả tạo. Sau đó Nhất Linh viết thêm một truyện nữa là Nghèo trên Ngày
Nay số 17 (19-7-36) về một gia đình rất giàu, sau bị khánh kiệt, anh chồng phải
đi làm thợ sửa xe, cũng không tự nhiên. Cùng đề tài: gia đình con quan sau bị
sa sút, Khái Hưng trong Hai cảnh trụy lạc, viết hay và chính xác hơn
nhiều. Truyện ngắn Tối tăm trên Ngày Nay số 23 (30-8-36),
viết về tình cảnh chị Dậu, người đàn bà nhà quê dốt nát bị chết oan trong cảnh
tối tăm vô học, cũng vậy.
Thế
rồi một buổi chiều là một trong những truyện ngắn hay
nhất của Nhất Linh, tôi đã giới thiệu trong chương Khái Hưng và Nhất Linh, có
mấy đặc điểm sau đây:
Đánh
dấu việc Nhất Linh thoát khỏi lối viết cũ (bỏ cổ điển để bước vào hiện đại).
Tác phẩm bắt đầu như sau:
"Lê
Dũng rảo bước trên con đường làng.
Ban
trưa, đường vắng, tiếng gió thổi kẽo kẹt trong những rặng tre già lẫn với một
vài tiếng gà gáy xa xa đưa lại và tiếng trong trẻo của mấy đứa trẻ nô đùa dưới ánh
nắng ấm áp. Dũng cắm đầu bước liều, tuy chàng vẫn biết rằng lần này khó lòng mà
thoát được: từ nửa đêm đến giờ chàng đã chồn chân, đi hết làng này sang làng
khác, nhưng không có một nơi nào để chàng tạm ẩn."
Nhất
Linh đã bỏ được cái tôi kể chuyện trong Bóng người trên sường mù và Đầu
đường só chợ.
Nhất
Linh đã tạo được một không khí hiện thực lãng mạn riêng: tình yêu thầm kín dưới
mái chùa, với những nhận xét tế vi, văn phong tuyệt đẹp, thơ mộng và giản dị.
Nhất
Linh đã cấu tạo Dũng: sẽ là nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông, trở thành
mẫu người lý tưởng cho thanh niên thời bấy giờ: Dũng theo cách mạng, bị lùng
bắt, chạy về một làng quê yên bình thơ mộng; trên bước đường cùng, dừng lại ở
cửa thiền, chàng được ni cô giấu vào gác khánh sau chùa. Một mối tình câm nở
giữa hai người.
Tất
cả những yếu tính trong truyện Nhất Linh hầu như đã hiện rõ trong tác phẩm này:
Ông dùng chính mình để tạo nên Dũng, và ông đã thành công, bởi vì không có sự
thực nào hiển nhiên bằng cách dùng nội tâm của mình để diễn tả ý nghĩ của nhận
vật. Tác phẩm cũng xác định lần đầu tiên phong cách Nhất Linh: hướng nội.
Nắng
thu ra sau nhưng nghệ thuật thua kém Thế rồi một buổi chiều,
viết về cuộc tình giữa Phong và Trâm, một cô gái câm, mồ côi. Trâm đẹp, nết na
nên bị mọi người trong gia đình mẹ nuôi ganh ghét, muốn đuổi đi. Phong yêu
Trâm, dạy Trâm chữ quốc ngữ, biết rõ nỗi khổ của Trâm, vậy mà chỉ cần vài lời
dèm pha của Viễn (anh nuôi, đã có vợ, mê Trâm, dùng bạo lực chiếm đoạt nhưng bị
cự tuyệt) và bà mẹ nuôi độc ác, buộc tội nàng chửa hoang, là Phong tin ngay. Đã
câm, làm sao biện hộ? Bao thư nàng viết để giảng giải nỗi oan, Phong đều không
thèm đọc, xé đi… Nắng thu văn phong thực vững vàng, nhưng chi tiết giả
tạo, vô lý, đọc rất bực mình: Tại sao Phong lại có phản ứng dã man hơn bọn gia
đình mẹ nuôi tàn ác? Phong không một lần tìm hiểu nỗi oan của người yêu? Đến
cái kết có hậu: Viễn bị bệnh nặng, trước khi chết, thú tội với Phong, nên Phong
đi tìm Trâm: châu về hiệp phố. Lại càng giả tạo nữa.
Tóm
lại, về truyện ngắn, Nhất Linh viết không nhiều, nổi trội trong đề tài tình yêu
lãng mạn, như Thế rồi một buổi chiều, Lan rừng, Hai buổi chiều
vàng, Câu chuyện mơ trong giấc mộng… và vài truyện ngắn hay như Cái
tẩy, Vết thương, chiếu vào nội tâm nhân vật, đều được in lại trong
tập Hai buổi chiều vàng.
Riêng
loại hiện thực xã hội nghèo khổ, ông không thành công. Phải đến cuối đời, trong
trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu Mới, được cấu trúc như những truyện
ngắn ghép lại, ông mới đạt tuyệt đích: mô tả xóm Cầu Mới với những gia đình
nghèo ở quê hương ông, và ông đã khắc họa được những chân dung hiện thực tuyệt
bút. Còn trong thời kỳ Phong Hóa Ngày Nay, những truyện ngắn hay nhất của ông
đều thuộc khuynh hướng tình cảm lãng mạn.
Lực
viết của Khái Hưng
Trong
chương Khái Hưng và Nhất Linh, tôi đã nói qua về nghệ thuật Khái Hưng
trong hai truyện ngắn đầu mà nhân vật chính là người Nhật: Kong-Ko Đai-Jin
và Ada Kwaben, in trên Phong Hóa số 14 (22-9-32) và Phong Hóa số 19
(27-10-32). Và dưới đây ta cũng sẽ thấy, Khái Hưng, có lẽ là người đầu tiên
dịch Trà Đạo của Okakuza Kakuzo sang tiếng Việt.
Với
sức viết phi thường, trên Phong Hóa Ngày Nay, chưa kể truyện dài, Khái Hưng đã
viết khoảng 122 truyện ngắn, 24 vở kịch, 36 truyện vui, và 8 bản dịch.
Xin
kê khai danh sách dưới đây để làm tư liệu:
Phong
Hóa
-
67 truyện ngắn trên Phong Hóa, gồm: Kong-Ko
Đai-Jin, Đi Nam Kỳ, Cái thù ba mươi năm, Sóng gió Đồ Sơn,
Cái thống đời Tống, Tình tuyệt vọng, Ada Kwaben, Lãng mạn,
Bạn…! Chỉ là bạn!.., Dưới bóng hoa đào (viết chung với Bảo Sơn), Lên
sĩ xuống sĩ, Hai linh hồn, Bên giòng sông Hương, Ý Lan,
Véo von tiếng địch, Nghiã cái cười, Anh phải sống, Hai
cái áo quan, Tình điên, Con lợn lài, Hất báo, Lời
thề, Giọc đường gió bụi, Yêu, Con số 08430, Ai đẹp,
Bên đường dừng bước, Tình lưu luyến, Hoàng Oanh, Yên
lặng, Cô hàng nước (viết chung với Nhất Linh), Gói bạc rơi,
Một tập thư, Chúa Thao, Con Mán, Hương gây mùi nhớ, Một
nhà thông thái, Cái đồng hồ đeo tay, Linh hồn thi sĩ, và Công
Tằng Tôn Nữ Thị Kim Dung, Một nhà hiền triết, Bắt trộm,
Giặc bể, Con chim vành khuyên, Tiệc tranh, Không BẢ..A..Án,
Trăng suông, Tình yêu thứ nhất (viết chung với P.N.Thọ), Cầm vườn,
Cái áo đan, Lá rụng, Hoa thuỷ tiên, Hoa anh đào, Ngày
xuân lễ chùa, Trong rừng mai, Chén trà mạn sen, Ô Quy Hồ,
Trúng số và Bãi sậy vườn cam, Biến đổi, Cháu Tạ, Vú
Kim, Trong nhà thương, Hai cảnh trụy lạc, Có đi có lại,
Thưa chị, Cái máy ảnh.[9]
-
23 truyện vui: Ba Ếch Vô Huế, Một đám ma,
Quýt ngọt, ruốc ngon, Gật, gật hoài, Hảo hớn, Võ Thái Hà,
Để của bí mật, Yêu đời, Đãng trí, Cai thuốc phiện,
Những bóng người trên bãi biển, Ông cứ giã cho nó! Chụp gà hóa cáo, Thả
vỏ quýt ăn mắm ngấu, Liều thuốc độc, Mãn đình hồng (Nhị
Linh), Ăn miếng trả miếng, Bảng công ty, Chơi ô tô, Tờ
giấy bạc, Bàn việc làng, Cờ quạng, Bảo hiểm.[10]
-
15 vở kịch: Kiêng 1, Tôi là Khái Hưng, Ghen,
Nửa cái thỏ bò, Ông Đồng Phương, Kiêng 2, Tục Lụy,
Con mèo, Chữ nho, Bói Kiều, Không hề gì mà, Kiêng,
Ở hiền gặp lành, Quần tiên tụ hội, Kịch không người.[11]
Ngày
Nay
-
55 truyện ngắn: Trên Ngày Nay, Khái Hưng viết
khoảng 55 truyện ngắn:
Đợi
chờ,
Bến đò năm xưa, Phong lan và Nước hoa phong thổ, Cái ve,
Lòng tốt, Linh hồn, Trăng thu, Người vợ mù, Dưới
ánh trăng (viết chung với Trần Tiêu), Nhà phê bình, Đồng xu, Đêm
giao thừa, Cô áo trắng, Vui tính, Hội kín, Tống
tiền, Nguồn thơ, Ngày giỗ, Bến Hòn Gay, Cháu nhà
quan, Sung sướng, Cô dâu, Cây tre trăm đốt, Vợ cóc,
truyện cổ tích, Ai mua hành tôi, truyện cổ tích, Mười năm yêu dấu,
Người hầu sáng, Sếnh Sáng, Một quan niệm về văn chương (Tựa
Gió đầu mùa), Đào Mơ, Tập ảnh, Thời xưa, Chùa Hương,
Xanh cà bung, TVBAVOKVVEAV tức Tiếng khèn, Điếu thuốc lá,
Lưu Bình Dương Lễ, Một buổi chầu, Hai người tàn tật (số 147,
28-1-39), Khó hiểu (số 148, 4-2-39), Chàng thi nhân (số 149,
15-2-39), Gán vợ, Tình địch, Tế thành hoàng, Cái duyên
của Tản Đà, Vài truyện vui về thi sĩ Tản Đà, Ông Đồng, Thời
chưa cưới, Tương tri, Hai người bạn, Sư Tuệ, Hai con
mắt, Biển, Ái tình, Nghiện [12]
-
9 vở kịch: Chết, Cờ điên thoại,
Cậu Cả, Tiền, Người chồng, Kiêng V, Đồng bệnh,
Chén trà đầu năm, Không đèn, Khúc nghê thường.[13]
-
13 Truyện vui: Hổ, Thâm nho, Trả
thù, Thoát, Bà chủ nhà của tôi, Bá cáo việc riêng,
Cách cho, Chợ trời, Đi ra thôi, Cây "Thần tiên",
Người bán dầu, Lỡ quá ga, Nghỉ mát.[14]
-
8 bản dịch: Mưa của Somerset
Maugham. Cô gái thành Arles của A. Daudet. Bệnh viện của
Somerset Maugham. Trà đạo của Okakuza Kakuzo. Ý nghiã nghệ thuật
của Okakuza Kakuzo (Trà thư). Hoa của Okakuza Kakuzo (Trà Biên). Hoa
của Okakuza Kakuzo (Trà Biên), trích dịch. Các trà sư của Okakuza Kakuzo
(Trà Biên), trích dịch.[15]
Khái
Hưng xây dựng truyện ngắn hiện đại
Tuy
Khái Hưng phải viết những truyện vui, kịch ngắn, để trám chỗ tờ báo, nhưng
những thứ này đều đọc được, chứ không dở. Đó là những mẩu truyện, kịch ngắn, có
duyên, không vô lý, bởi vì Khái Hưng nắm chắc những yếu tố: văn hay, đối thoại
điêu luyện, cấu trúc chặt chẽ. Truyện của ông không sa vào tình tiết lâm ly,
thường "chẳng có chuyện gì" tức là rất mô-đéc.
Sở
dĩ truyện ngắn của Khái Hưng chưa được khám phá và đánh giá đúng mức bởi vì
phần lớn các nhà phê bình đều chỉ dựa trên những sách đã in, mà phần truyện
ngắn của ông in thiếu rất nhiều, kể cả những sách của nhà Đời Nay cũng vậy. Một
thí dụ, tập Tiếng suối reo, chỉ in những truyện, kịch vui nhỏ, loại ông
viết trám chỗ trên báo, tuy không dở, nhưng cũng không có gì là tiêu biểu. Tập Đợi
chờ, tái bản ở miền Nam, bỏ hẳn hai truyện ngắn vào loại hay nhất của Khái
Hưng: Điếu thuốc lá và Tiếng khèn. Vì vậy, nhiều truyện hay của
Khái Hưng vẫn còn nằm ngủ trên Phong Hóa-Ngày Nay, chưa mấy ai đọc.
Khái
Hưng viết đủ loại đề tài, loại nào ông cũng rành, vì đã khảo sát môi trường qua
sách vở hoặc nhờ nhận xét thực tế đời sống, vì thế ông nhập truyện rất tự
nhiên, nói giọng ai cũng được. Ông lại có óc tưởng tượng và óc quan sát tinh vi
không bỏ sót một cử chỉ, dáng điệu của bất cứ loại người nào, từ cô công chúa
đời Hùng Vương đến người thợ mộc đời nay, từ mặt trái cuộc chơi cờ người (Lên
sĩ xuống sĩ, Ai đẹp), đến tâm lý phức tạp của kẻ nhặt được tiền (Gói
bạc rơi), từ lời khóc giả vờ trong đám ma ở miền Bắc (Một đám ma)
đến tâm sự thầm kín của người con gái hát rong (Giọc đường gió bụi).
Trước
khi viết Tiêu Sơn tráng sĩ, Khái Hưng đã sáng tác ba
truyện ngắn dã sử hay:
Véo
von tiếng địch (Phong Hóa số 42, 14-4-33) viết về công
chúa Ly Nương con vua Hùng Vương thứ mười bốn, phỏng theo truyền thuyết Trương
Chi.
Hoàng
Oanh
(Phong Hóa số 97, 11-5-34) công nương Chiêm Thành họ Số, đợi chờ thái tử
Chế Mân, đang bị làm con tin ở Thăng Long, trở về làm lễ cưới. Nàng thêu đôi
chim nhạn. Hai năm sau, Thái tử hồi hương với Vương phi Huyền Trân Công Chúa,
nàng trao đôi chim nhạn làm quà cưới vương phi, những giọt nước mắt đã rơi vào
trong mừng chồng vui duyên mới!
Chúa
Thao (Phong Hóa số 122, 2-11-34), tức hoàng tử Mạc Thao, con thứ
năm vua nhà Mạc, thường được gọi là Hoàng Năm hay Chúa Thao, đẹp trai, anh
dũng, cầm quân đương đầu với chúa Trịnh ở trận Đồ Sơn, thua, bị bắt. Công chúa
họ Trịnh đem lòng yêu mến rồi ốm tương tư.
Ba
truyện dã sử này, như ba bản nhạc dạo dầu, thử bút trước khi Khái Hưng vào Tiêu
Sơn tráng sĩ, đã ngỏ cho ta thấy cách ông tạo không khí lịch sử và kết
cấu bi đát như thế nào.
Véo
von tiếng địch, trước tiên là văn Khái Hưng:
"Dưới
chân rặng đồi, con sông Bạch Hạc quanh co lượn khúc, ẩn hiện dưới những chòm
cây rườm rà lả ngọn.
Ly
Nương tỳ lan can, rời cảnh vật bao la, cúi nhìn xuống cái hồ bán nguyệt mới
thấp thoáng nhô lên một vài nõn sen mềm mại.
Bỗng
nàng hé cặp môi mỉm cười, vì nàng vừa nhìn thấy bóng xinh đẹp của mình in trên
mặt nước trong xanh im lặng. Nàng giơ tay trắng nuột vin cành liễu xanh bẻ mấy
chiếc lá, thong thả sẽ bỏ rơi xuống hồ. Mặt nước rung động, hình công chúa cũng
rung động, gợn nước vòng tròn, rộng lan mãi ra, rồi dần dần biến đi như chìm
xuống đáy nước mà trả lại hình cho công chúa. (…)
Mấy
giọt nước mưa đọng trên lá liễu từ từ rơi bám vào mái tóc búi lỏng để chĩu
xuống gáy trông lấp lánh như những ngôi sao ló trong đám mây đen".
Khái
Hưng đi từ cái vĩ mô: cảnh vật bao la vùng núi đồi Bạch Hạc nơi Hùng
Vương dựng kinh thành, chuyển dần sang cái vi mô: mấy chiếc lá Ly Nương
xé ném xuống nước, đánh tan hình mình; rồi những vòng tròn nước tự tan đi, trả
lại tấm hình xinh đẹp cho công chúa nguyên vẹn dưới đáy hồ. Ống kính tinh vi ấy
quay lại chiếu vào mấy giọt sương lấp lánh đọng trên mái tóc búi lỏng chĩu
xuống gáy nàng. Không dùng một chữ nào có âm hưởng hoàng gia, nhưng tất cả
những chữ bình dân họp lại, tạo thành hình ảnh tuyệt vời của nàng công
chúa cao sang quyền quý. Đó chính là nghệ thuật: nhà văn không tả mà để thiên
nhiên tả hộ. Bút pháp thơ cũng ở đó: Khái Hưng luôn luôn làm thơ mà không dùng
đến âm, vận.
Kết
thúc bi đát, là một sở trường khác: văn Khái Hưng trong sáng, vui tươi, hồn
nhiên, nhưng thường dẫn đến cái chết.
Anh
phải sống (Phong Hóa số 45, 5-5-33) là truyện
hiện thực xã hội đầu tiên của Khái Hưng. Truyện khá ngắn. Mở ra trên cảnh đê
Yên Phụ trời bão, nhưng khác với những lần trước ông thường dừng lại tả cảnh, ở
đây tất cả đều vắn tắt:
"Nước
sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy như muốn lôi phăng cái cù lao ở
giữa sóng đi".
Rồi:
"những cành khô trôi ở rừng về, nổi lềnh bềnh giống như những chiếc
thuyền chạy thực nhanh tới một nơi không bờ không bến".
Cơn
bão chỉ được tả bằng hai câu ngắn, nhưng sự dữ dằn đã rõ: "lôi phăng
cái cù lao ở giữa sóng" và "những thân cây, cành khô như những
chiếc thuyền chạy thực nhanh về nơi không bờ không bến".
Đối
diện với một tạo hóa vĩ đại và hung hãn như thế, hai vợ chồng Thức, nhỏ nhoi,
đứng trên bờ đê, thèm thuồng "nhìn theo những cây gỗ đương trôi phăng
phăng ở giữa giòng nước đỏ".
Bỗng
Thức bảo vợ: "Liều! Vợ lắc đầu không nói."
Tất
cả đều nhanh, ngắn, gọn, hai vợ chồng đã có sự đồng nhất tư tưởng, không cần
nói mà hiểu nhau. Toàn bộ tác phẩm dựa trên sự đồng nhất tư tưởng này. Hết gạo.
Cả nhà đói. Không ai cho vay. Những khúc củi này vớt lên bán, là của trời ban.
Thức
đánh lừa "đuổi" vợ về nhà trông con trước, anh sẽ về sau. Rồi người
vợ cũng lại hiểu rất nhanh rằng chồng mình đang làm gì, chị đặt đứa con vừa
thiu thiu ngủ xuống giường, trở lại bờ sông. Thức quay lại nhìn thấy vợ, gắt:
"Lạc!
Sao mày không ở nhà với con?" Tất cả xoay quanh
chữ mày. Từ chữ mình, anh vừa âu yếm nói với vợ: "Này!
Mình về nhà, trông thằng Bò" ban nãy, anh chuyển sang chữ mày,
độ giận đã lên tới cực điểm. Nhưng chị Thức nhất định không về, chị khóc "em
không sợ, em biết bơi", Thức mềm lòng. Đành chịu.
Khi
chiếc thuyền đã bị đánh chìm, hai vợ chồng cố gắng bơi vào bờ, người vợ đuối
sức dần, Thức một tay bơi, một tay xốc vợ. Tay anh rã rời, bảo vợ bám vào mình.
Một lúc, anh lại hỏi: Lạc ơi, Mày liệu có cố bơi được nữa không?
Hai
lần Thức gọi vợ bằng mày. Hai thái cực: lần đầu là sự tức giận cực điểm,
lần sau là sự tuyệt vọng, cả hai đều là tình yêu tột đỉnh.
Và
cuối cùng, chỉ một câu: "Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé !… Anh phải
sống!" đủ diễn tả sự hy sinh tối hậu. Sự kiệm chữ này là nền
móng của nghệ thuật bội phân bi đát trong giây phút cuối mà chỉ Khái Hưng nắm
rõ bí quyết.
Anh
phải sống là kiệt tác truyện ngắn đầu tiên của Khái Hưng và của truyện
ngắn Việt Nam.
Hai
cái áo quan (Phong Hóa số 46, 12-
5-33) được viết một tuần sau, bộ mặt bi đát lần này hoàn toàn đổi khác: trong
khung cảnh nhộn nhịp của một căn nhà đang xây dở: thợ thuyền tấp nập, cười nói
ồn ào, ông phó Cả âm thầm vuốt nước mắt, cúi xuống bào nắp quan tài cho con
trai vừa chết để lại cho ông thằng "Cu con", cháu nội. Chôn con hôm
qua, hôm nay cất nóc, phó Cả phải có mặt. Mọi người chờ đợi. Ông phó già đến
trễ, mặt đỏ gay tiến vào, cười nói ha hả, lảo đảo bước lên thang… Rồi một tiếng
rầm…
"-
Con đấy à!.. Thế mà cha cứ tưởng con chết!
Rồi
ông tắt thở.
Ánh
nắng vẫn gay gắt. Trong làn không khí hoàn toàn tịch mịch, buổi giữa trưa ở nơi
thôn dã, thằng Cu con, vận quần áo đại tang, núp dưới bóng cái phên nứa, lúi
húi bào gỗ để đóng săng cho ông nó.
Nét
mặt nó thản nhiên như đang làm các việc hàng ngày mà người ta trả nó năm xu một
công nhật.
Rồi
bỗng như hôm qua, con gà trong xóm cất tiếng gáy. Nhưng thằng Cu con nó chẳng
giật mình như ông nó, chỉ lẳng lặng quỳ gối bào cho thật nhẵn. Khi nó ướm cái
nắp lên trên cái áo quan thấy vừa vặn ăn khớp, thì nó lạnh lùng nói một mình:
Thế
là xong!"
Câu
kết này làm ta rùng mình. Vì sao? Vì sự vô cảm của thằng bé 12 tuổi. Sau hai
cái chết, nó chai đi, không còn cảm giác. Nó không khóc như ông nó, nó không
cười ha hả như ông nó, nó không nghe tiếng gà gáy mà giật mình như ông nó, nó
hoàn toàn vô cảm.
Còn
lại một mình trên đời, thằng bé không phản ứng. Điều đó mới thật dị kỳ và làm
ta kinh sợ nghệ thuật của Khái Hưng, bậc thầy.
Con
lợn lài xuất hiện bốn
tuần sau, trên Phong Hóa số 50 (9-6-33), truyện này cho thấy nghệ thuật châm
biếm-bi đát, sở trường thứ ba của ông.
Khái
Hưng chỉ chép lại lời kể của một anh phu xe, kể rằng anh hầu nhà quan Hàn, từ
năm 10 tuổi: "Ông chủ tôi là một quan Hàn bệ vệ, oai nghiêm, hách dịch
như một ông quan lớn, một ông quan thật ấy. Thế mà so với bà chủ tôi thì sự bệ
vệ oai nghiêm, hách dịch ấy, còn kém xa. Giá ông trông thấy bà Hàn tôi ngồi xếp
bằng trên sập gụ, một tay tì lên chiếc gối xếp nhiễu, một tay bắt cong cái xe
điếu ống xuống hút lách tách rồi vừa thở khói, vừa lên giọng lè dè mà gọi:
"Có đứa nào đấy không, mày?" thì ông cũng phải kính cẩn chắp tay mà
chào: "Lạy bà lớn ạ". Vì thế nên những quân con, đệ tử, dân sự, nghiã
là những người đến vay nợ kính sợ ông tôi mười phần thì kính sợ bà tôi đến trăm
phần.
Mồng
năm ngày tết họ tới tấp đến trước mặt bà tôi, họ đặt buồng cau, con cá, hoặc
thùng gạo, mâm cam xuống đất, họ khúm núm gãi đầu, gãi tai, rồi sẽ run run bẩm
báo:
-
Bẩm bà lớn chúng con vi thiềng.
Bà
tôi liền lên giọng dõng dạc gọi người nhà:
-
Có đứa nào đấy không, mày. Cất đi cho nó.
Một
tiếng dạ vang nhà, tôi vội vàng ra cất lễ. Có lắm bác lại khéo nịnh hót, khom
lưng lậy hai lậy cẩn thận rồi kính bẩm cụ lớn chững chạc nữa kia, tuy bà lớn
tôi chỉ là một bà vợ lẽ của quan Hàn tôi, mà xin ông đừng cười, chỉ xuất thân
là một con ở hầu bà Hàn cả tôi, và nhẩy lên thay chân chánh thất, sau khi bà cả
tôi đã về chầu trời."
Vẫn
giọng ấy kể: ông chủ rất tốt, nuôi thằng nhỏ từ lúc nó mới 10 tuổi, ở không
công. Nó không hé môi phàn nàn nửa lời vì được ông chủ tin cậy, mỗi năm may cho
một bộ cánh trắng và hai bộ cánh nâu, thỉnh thoảng nó có dăm ba xu, một hào,
tiền "chè lá" của những người đến khất nợ đút lót để được nó
đưa vào hầu.
Rồi
bà lớn gả con sen cho thằng nhỏ, hai vợ chồng ở không công. Con sen suốt đêm
phải hầu quạt và đấm bóp cho bà lớn, còn thằng nhỏ, chồng nó, ngủ dưới bếp. Mùa
xuân năm ấy được mùa, tổ tôm kéo dài mấy tháng, tiền hồ[16]
có đến linh trăm bạc[17],
nhưng nhà quan, ai lại lấy tiền hồ, nên bà lớn chia cho bọn người làm. Lại sợ
chúng nó tiêu bậy, nên bà lớn cất dùm, mua lợn lài, là thứ lợn quý có chấm đen,
để gây vốn cho chúng nó. Thế là bao nhiêu tiền"chè lá" thằng
nhỏ dốc hết ra mua cám, vỗ béo lợn. Bốn con lợn lài lớn như thổi, một năm sau
bán được ba bốn trăm bạc như chơi.
Một
hôm, bỗng dưng mất đứt một con: hóa ra bà lớn "vay" để làm cỗ thết
làng, rồi con thứ hai, bà lớn "mượn" để biếu cụ lớn thân sinh, hai
con sau cùng bà lớn bán lấy tiền giữ hộ chúng nó. Con sen xui chồng lên xin
trước bà lớn chút đỉnh để mua cho nó bộ xà tích[18].
Thằng nhỏ lên kêu van khóc lóc bị bà lớn tống ra cửa, thế là mất việc, mất vợ,
mất tiền, phải đi kéo xe.
Giọng
người phu xe kề cà, giống như giọng khàn khàn của ông Toà trong truyện La
Chute (Sa đọa) của Albert Camus. Lối kể của anh ta, theo một tiến trình, mà
tôi gọi là tập kích giật lùi, cũng thấy trong truyện của Camus, dù Khái
Hưng viết trước Camus mấy chục năm và hai người ở xa nhau vạn đặm.
Đầu
tiên, anh phu xe tả chân dung bà chủ: Từ sự bệ vệ oai nghiêm, hách dịch, xác
định tư cách bà lớn, bà tiến lên cụ lớn, rồi đùng một cái, cụ lớn
lộ chân tướng con ở. Đó là lối đột kích tụt hậu. Truyện của Camus cũng
thế: đường đường là ông Tòa xử tội, quyền sinh sát trong tay, bỗng một đêm qua
cầu sông Seine, có tiếng người rớt xuống nước, kêu cứu, nhưng ông lờ đi như
không nghe thấy… ông trở thành kẻ sát nhân vô cố.
Toàn
truyện Con lợn lài, Khái Hưng đều dùng lối tập kích giật lùi như
thế: bà lớn luôn luôn đi từ tấm lòng tốt rồi lùi dần tới lúc lộ ra bộ
lòng xấu. Giọng anh phu xe mới tuyệt diệu: anh ta không kết án bà lớn mà
lại bào chữa cho bà bởi anh luôn luôn tin tưởng vào lòng tốt của bà:
"Ông
phải biết mấy anh em chúng tôi vui mừng, sung sướng cảm ơn bà chủ biết chừng
nào, thi nhau xuất lực ra mà hầu hạ để được sứng với cái lòng tốt ấy." Cái
bi đát là ở chỗ đó.
Con
lợn lài là truyện ngắn đầu tiên của Tự Lực văn đoàn chống lại sự bóc
lột của bọn phú hào ở thôn quê. Nhưng Khái Hưng không viết theo lối hiện thực
xã hội phê phán, nên tác phẩm của ông không thể bị lỗi thời. Giọng văn này, bây
giờ đọc lại, và có lẽ muôn đời đọc lại, ta vẫn thấy lạ, vẫn mô-đéc: nó pha trộn
bi-hài một cách toàn bích. Khái Hưng vẫn làm ta giật mình ở câu kết.
"Anh
xe mỉm cười nói tiếp:
-
Nhưng thế mà lại sướng ông ạ. Từ nay đến ngày xuống lỗ, chắc chả bao giờ phải
mất công không nuôi lợn lài cho nó béo nữa".
Một
giọng triết lý tự nhiên của người không có học. Hiểu thế nào cũng được: Người
phu xe không thèm chấp những thấp hèn bỉ ổi mà anh đã trải qua, hay anh không
có một chút ý thức nào về tấm thân nô lệ của mình?
Tôi
cho rằng Khái Hưng muốn nói trường hợp thứ nhì, và không chỉ riêng cho người
dân quê, mà cho cả dân tộc mình, dưới thời Pháp thuộc.
Giọc
đường gió bụi (Phong Hóa số 65, 22-9-33), một truyện
tình lãng mạn, nhưng dưới ngòi bút Khái Hưng, chuyện tình này khác hẳn những gì
ta thường thấy. Đào Mơ yêu tha thiết, yêu say mê yêu không thể dứt ra được, đêm
nào nàng cũng phải hiến hồn xác cho người yêu: hát chèo. Thủa bé, Mơ hát
hay, theo cha mẹ hát xẩm ở bến đò Tân Đệ, được bác Hai Truyện mua về, nuôi dạy
nghề ca hát. Mơ trở thành đào chính của gánh hát rong và cái nghiệp cũng nhập
vào nàng. Một ngày kia, tới ấp Đông Hà, chủ ấp là một trang thanh niên tài hoa
lỗi lạc, đủ nghề cầm kỳ thi họa, yêu hát chèo và say đắm Mơ. Mơ đáp lại tình
yêu của chàng, bỏ gánh hát ở lại. Nhưng đêm sau, tiếng chầu lại vang lên ở làng
bên, Mơ choàng dậy, khoác vội tấm áo vào mình, lẻn bước ra đi, người như còn mê
man trong giấc ngủ "tiếng địch véo von, rền rĩ, làm rung động lòng Mơ,
làm tiêu tan cả ái tình mới mẻ. Ngồi xẹp xuống đất Mơ bưng mặt khóc hối hận.
Tiếng địch vẫn sang sảng, khi lên bổng, lúc xuống trầm như miả mai, như chế
giễu kẻ lià phường phản bạn. Mơ đứng phát dậy lau nước mắt hốt hoảng chạy một
mạch vào trong rạp". Khái Hưng đã viết không phải một chuyện tình mà
hai chuyện tình lồng một, một đoá hoa kép đẹp và đau, kết hợp tình yêu và nghệ
thuật, và nghệ thuật đã chiếm thế thượng phong trong trái tim Mơ: tính chất bi
đát đã đạt đỉnh của cái đẹp.
Đào
Mơ (Ngày Nay 89, 12-12-37): Năm năm sau, Khái Hưng viết lại
truyện đào Mơ dưới dạng tự thuật:
"Năm
năm, cứ sang xuân, trong thời còn được nghỉ học, tôi lại mong nhớ Mơ, sự mong
nhớ âm thầm buồn bã của một tâm hồn ngây thơ. Quả nhiên, trong mấy tháng sau
Tết, những phường chèo kế tiếp nhau đến, tựa bày chim én trở về cùng với những
ngày quang đãng, ấm áp, vui tươi. Tim tôi hồi hộp khi thấy những gánh hòm vuông
sơn đen, sơn đỏ qua cổng huyện tiến vào trong sân".
Mơ đã vào đời cậu bé con quan như thế. "Rồi sau một, hai hay ba hôm, Mơ
lại theo phường bạn rời đi nơi khác… Tôi ngơ ngẩn như người mất linh hồn. Anh
tôi thấy thế cười bảo tôi:- Dễ Linh nó ốm tương tư cái Mơ đấy".
Rồi
phải ra tỉnh học, Linh không còn gặp Mơ nữa. Mười năm sau, tình cờ gặp lại
người kép hát cùng với Mơ năm xưa, Linh mới hay: Mơ lấy lẽ một ông chủ đồn
điền, rồi quen nghề cũ, Mơ không ở được lâu với ai, sau cùng với người chồng mù,
Mơ đi lang thang hát xẩm… Mơ đã đi một vòng đời và trở về chốn cũ của
ngày thơ. "Từ đó mỗi lần xuống phà hay qua hè phố, gặp một cặp vợ
chồng, chồng kéo nhị, vợ hát chèo, tôi lại tưởng nhận được tiếng Mơ".
Đào
Mơ là một trong những hình tượng đẹp nhất trong văn học Việt Nam về hát chèo,
về nếp sống tự do, nghệ sĩ. Sau đào Mơ, Khái Hưng cùng với Nhất Linh tạo ra
Tuyết trong Đời mưa gió, một tuyệt tác khác. Nhưng hình ảnh đào Mơ hay
phong thái cụ tú Sầm Sơn (trong Tương tri)… sẽ lung linh trong các nhân
vật của Nguyễn Tuân, Mai Thảo, qua cái đẹp của một ván cờ, một nét chữ, một sự
đợi chờ, một vết chém treo ngành…Tất cả đều chịu ảnh hưởng Khái Hưng, nhưng có
lẽ tác giả của nó, cũng không biết là mình chịu ảnh hưởng, bởi chính họ cũng là
những thiên tài.
Hương
gây mùi nhớ
Khi
Hồn bướm mơ tiên chấm dứt trên Phong Hóa số 29 (6-1-33), gần một năm
sau, Khái Hưng viết Hương gây mùi nhớ in trên Phong Hóa số 127
(7-12-34), đề tặng chú Lan. Hương gây mùi nhớ chỉ là lá thư của người
con gái tên Nga, trốn cuộc hôn nhân áp đặt, đi tu mong "tìm quên trong
lòng phật Tổ". Chú tiểu Nga, tưởng đi tu là lánh được cuộc đời trần tục.
Nhưng không. Chú đã lầm. Chú viết thư cho người yêu cũ:
"Một
hôm, hôm ấy, phút ấy, chỉ vì trong một phút ấy, tâm hồn em đã thay đổi khác
hẳn, nghiã là đã trở nên nồng nàn với tình yêu, nồng nàn gấp trăm gấp nhìn lần
khi em chưa dấn thân vào đời tôn giáo, khi em chưa từng nếm qua mùi thiền (…)
Em tưởng tượng đức Như Lai ra một chàng trai trẻ, có tấm lòng tha thiết với
tình yêu. (…) Em cầu cứu, em gọi đức Phật tổ, nhưng đức Phật tổ chỉ lãnh đạm
thờ ơ. Mùi hương ngào ngạt em ngửi vẫn thấy khoan khoái, nhưng sự khoan khoái
này là sự khoan khoái đầy nhục dục. Tiếng chuông em nghe như những lời thề thốt
ái ân. (… )
Chẳng
phòng khuê nào có thể so sánh được với một nơi am vắng đầy mùi hương và tiếng
kệ nó nhắc ta mơ màng tưởng tới những nơi bồng lai tiên cảnh".
(Phong Hóa số 127, 7-12-34).
Lời
chú tiểu Nga làm đảo lộn mọi nguyên tắc đạo đời và có lẽ xưa nay ở Việt Nam
chưa nhà văn nào dám viết như thế, nghiã là dám cho rằng cửa Phật "gợi
tình" hơn chốn khuê phòng, dám "tưởng tượng đức Như Lai như một
chàng trai trẻ", dám cảm thấy mùi hương hoa, tiếng chuông, kinh
kệ, "gợi sự khoan khoái đầy nhục dục"…
Hương
gây mùi nhớ phản biện hoàn toàn Hồn bướm mơ
tiên, đánh đổ mọi lập luận cho rằng Khái Hưng là nhà văn lý tưởng, và lộ ra
một Khái Hưng đầy nhục cảm, đi trước thời đại, cho chú Nga yêu hoa, yêu hương
và… yêu Phật. Khái Hưng muốn chứng minh "lửa tâm càng dập càng nồng",
chữ tâm ở đây không ứng vào cái ghen Hoạn Thư mà ứng vào tình yêu, ở chú
Nga, bị dập vùi, dồn nén, đã lên tới cực điểm: sự đòi hỏi của thể xác làm tê
dại tâm hồn, đốt cháy mọi cơ năng, nghiền nát lý trí. Khái Hưng đã đi tới dứt
điểm khi khám phá được nội tâm con người, con người say mê cùng cực.
Sư
Tuệ (Ngày Nay số 182, 7-10-39): Năm năm sau
Hương gây mùi nhớ Khái Hưng viết Sư Tuệ. Sư Tuệ chùa Hàm,
một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú, thân hình vạm vỡ, yêu thể thao, học vấn
uyên thâm, thích đọc sách triết học và thần học, thông bác tư tưởng đông tây.
Khánh, tên tục nhà sư, đã từng sống cuộc đời trần, yêu say mê trong tuyệt vọng
vợ một người bạn thân, yêu trong yên lặng. Một hôm Khánh điên cuồng ngỏ lời với
nàng, mới hay người ấy cũng cùng cảnh ngộ. Đã thấu lòng nhau, họ quyết định hy
sinh: gắng quên nhau, và Khánh chọn lánh xa người yêu, lánh xa hẳn, lánh xa
trong một thế giới khác. Thế giới ấy, nếu không phải là thế giới của người
chết; thì chỉ có thể là thế giới của người thế phát quy y. Và chàng trở
thành một vị chân tu, Sư Tổ hy vọng chàng sẽ cảm hóa được phái trẻ, tân học mà
Người ví như cây không rễ một ngày kia linh hồn sẽ héo uá. Sư Tổ muốn
cứu vớt linh hồn họ, đưa họ tới cõi niết bàn, công cuộc đó chỉ Sư Tuệ là có khả
năng làm nổi.
"Nhưng
một đêm giữa lúc đương tụng kinh, sự Tuệ ngước mắt nhìn lên bàn thờ và bỗng chú
ý đến khuôn mặt pho tượng Ngọc Nữ. Cả một thời dĩ vãng vụt lờ mờ hiện ra trong
ký ức kẻ tu hành. Sư Tuệ sợ hãi vội cúi xuống quyển kinh và cất cao giọng, gõ
mạnh tiếng mõ như cố xóa lấp cái hình ảnh quá khứ. Nhưng vẻ mặt tươi cười, đôi
mắt sắc sảo, cặp môi đỏ thắm của pho tượng mà sư ông nhớ từng nét vẫn như vẽ ra
trên trang giấy chữ lớn. Sư ông nhắm mắt lại và tụng thuộc lòng luôn mấy trang
kinh; cái khuôn mặt xinh tươi càng rõ rệt hơn và sau cùng, sáng lòa một cái tên
chữ quốc ngữ, tên người đàn bà xưa".
Từ
đấy, bất kể làm gì, tụng niệm, ngồi thiền, cuốc xới, trồng cây, nhà sư chỉ nghĩ
đến nàng, khi mệt quá thiếp đi, nàng xuất hiện lại trong mộng. Người ấy như
thành yêu quái ngày đêm hiện về ám ảnh… Chịu đựng cực hình trong một tháng.
Rồi một hôm bỗng sư Tuệ bỏ chùa trốn đi…
Tác
phẩm hoàn tất khái niệm lửa tâm càng dập càng nồng, mà Khái Hưng đã đưa
ra năm năm trước đấy trong Hương gây mùi nhớ, để phản bác lại Hồn
bướm mơ tiên, viết cách đấy 11 năm. Ông cũng là một trong những nhà
văn đầu tiên không tin và nói ra vấn đề tìm quên trong đạo, với câu trả lời dứt
khoát: Cửa thiền không phải là nơi giải thoát, chỉ là một ngục tù mới, trói
buộc con người một cách giả trá và khốc liệt hơn.
Ô
Quy Hồ (Phong Hóa số 175, 21-2-36) ở trong không gian núi rừng mạn
ngược, hẻm núi Chapa. Quang và Ray trốn xuyên rừng về Lao Kay. Lao Kay nghiã là
yêu Kay. Ta Cao, đã xin cưới Kay nhưng nàng không thuận, đuổi theo.
Hai
người đã đến gần Ô Quy Hồ:
"Trăng
trong lẩn vào ngọn một cây pê-mu, thân to đế, năm, sáu người ôm và cao chót vót
như chọc thủng da trời màu xanh nhạt. Ánh sáng chiếu xuống một đám mây mỏng vắt
ngang sườn núi bên kia như một tấm lụa trắng bay theo chiều gió vướng vào rừng
sặt, ngọn tua tuả đâm thẳng lên tựa những cây dáo dài cắm dựng.
Quang
kìm ngựa lại ngắm nghía bảo Kay:
-
Chúng ta đi trên mây.
Kay
cười khanh khách. Bỗng nàng rùng mình im bặt, vì tiếng cười vang đáp lại làm
cho nàng kinh hoảng, nhớn nhác, trông trước trông sau. Tiếng vang nàng vẫn
thường nghe thấy, nhưng lần này nàng nhận ra như tiếng chế nhạo khiêu khích của
ma quỷ."
Văn
Khái Hưng cực kỳ điêu luyện: không bỏ sót một chi tiết nào, tất cả đều như đã
được sắp xếp từ trước để tạo không khí cạm bẫy, rùng rợn bằng mấy chữ: với cây
pê-mu, chọc thủng da trời, rừng sặt ngọn tua tuả đâm thẳng lên tựa những cây
dáo dài cắm dựng; hoặc khi Kay cười, nghe núi vọng lại một thứ tiếng
chế nhạo khiêu khích của ma quỷ.
Chúng
ta trót theo Quang, Kay đến đây, không biết cây pê-mu là cây gì, chỉ
biết nó vĩ đại, năm sáu người ôm. Rồi cậy sặt cũng vậy, nhọn như gươm
giáo, lại cả một rừng sặt, ta đã lạc vào một rừng gươm. Rồi chính tiếng cười
của Kay cũng bị ma quỷ nhái lại.
Ô
Quy Hồ là hồ rùa đen mang một huyền thoại dữ. Kay nằm mơ bị
rùa đen khổng lồ chặn đường, tát chết ngựa, bóp cổ nàng. Nàng vụt quất ngựa
phóng nước đại. Là người của núi rừng, nàng phi như gió trên hẻm núi cheo leo.
Quang phi theo sau, chàng trai thành thị… Một tiếng rầm… nàng quay lại, đã trễ,
và như ngọn gió, ngựa nàng phi thẳng xuống vực…
Về
truyện đường rừng, Lan Khai và Thế Lữ là hai cây bút chuyên nghiệp, nhưng họ
không thể nào sánh với Khái Hưng.
TVEAVQKVVEAV
(Ngày Nay số 112, 29-5-38) sau in thành sách đổi tên là Tiếng khèn, một
truyện lạ lùng nữa trong khung cảnh kỳ dị của núi rừng:
"Ba
gian nhà rộng. Ở gian giữa, trên một cái dá [giá] cao và dài
kê sát vách, người chết- một người thiếu phụ- nằm ngửa, hai tay buông xuôi, mặt
che miếng vải xanh. Khách trịnh trọng lại gần, cầm cái phất trần lông gà phe
phẩy; tức thì đàn ruồi đen bay tản ra. Tôi ghê sợ lùi lại một bước, đầu chạm
vào một vật nhũn. Ngửng lên nhìn thì đó là một miếng thịt lợn sống, máu còn nhỏ
giọt, mà họ buộc vào cái sào gác ngang từ cửa tới chỗ cái thây ma.
Cặp
mắt mờ lệ của người Mèo trẻ tuổi đưa nhìn từ đầu đến chân thiếu phụ. Rồi từ từ,
run run, tay hắn nhấc miếng vải che mặt người chết ra. Một lần nữa đám ruồi bay
lên tua tủa, khiến tôi kinh hoảng lảng ra phiá cửa.
Trong
lúc người trẻ tuổi vừa khóc vừa kể lể từng đoạn rất lâu, giọng lên xuống như
lời ca than vãn, thì một người Mèo lom khom nhảy và thổi khèn ở trước linh
sàng, và một người nữa cầm dùi gỗ nện vào cái mặt trống căng chùng để gõ
nhịp."
Người
trẻ tuổi chính là anh chàng thổi khèn trong phố đêm Chapa, mà tác giả -đây là
một tự truyện- mấy lần lên Chapa đều được nghe tiếng khèn của anh ta trong đêm
khuya, lần này anh ta đi đám ma, bèn xin đi theo. Đêm ấy, trời mưa không trở về
được, tác giả dù đã ớn lắm, đã nổi da gà, cũng đành ở lại, ngủ nhờ một người
trong xóm. "Bên nhà tang, tiếng khèn, tiếng trống vẫn gióng một kéo
dài: "tsè tsè tsè…phình! tsè tsè tsè phình!" như không bao giờ sẽ
dứt".
Ngủ
chung với con lợn, trên miếng da ngựa hôi hám, tác giả thiếp đi, bỗng tỉnh dạy
vì "một thứ âm nhạc rất lạ lùng, rời rạc và mọi rợ: "Ưn, … Ưn
ưứt!… Ưn…ưn ưứt!…"
Tất
cả những khủng khiếp tác giả đang trải qua, chứng tỏ sự khác biệt kinh hồn giữa
người kinh và người thượng, giữa "văn minh" và "mọi rợ".
Nhưng
cuối cùng, như Khái Hưng thường có ma thuật, giao hòa hai đối tác, để hợp lại
trong giác ngộ, đưa đến tình yêu và sự giao cảm giữa người và người, dù sự khác
biệt văn hóa có sâu xa là chừng nào: trên đường về, qua cái lều cối giã gạo,
mới hay "tiếng ưn ưứt chỉ là tiếng cái cần mà sức nặng của nước làm rơi
xuống và tiếng cái chày gỗ giã trong không".
"Và
từ đó, tiếng khèn trong chiều tà, tôi nghe như ai oán, như than khóc của một
linh hồn trơ trọi".
Điếu
thuốc lá (Ngày Nay số 114, 12-6-38), Khái Hưng
đã đạt tời đỉnh cao nghệ thuật tả chân.
Mỗi
chữ đều có phận sự của nó và mỗi câu đều có thể diễn vài ý khác nhau:
"Thỉnh
thoảng cặp môi mỏng và thâm của ông ta lại bỏ rơi nụ cười hầu bất tuyệt để kéo
một hơi thuốc lá, rồi khi điếu thuốc đã đặt y nguyên chỗ cũ trên thành bàn cờ
sơn son, nụ cười lại trở về đậu trên cái miệng hé mở, tựa con chuồn chuồn trên
mặt ao không bao giờ chịu rời hẳn bông hoa muống sau mỗi cái giật mình bay
đi."
Đấy
là nụ cười của ông thày bói Cửu Thầy. Mù. Mù một trăm phần trăm. Vì cậu bé tác
giả đã nhìn thấy: "Hai con mắt ông ta không có con ngươi và lõm hẳn
vào, hai mép mi như khâu liền lại nhau".
Đây
cũng là một tự truyện, tác giả (hồi đó) là cậu bé độ chín mười tuổi, bị lôi
cuốn vì đôi mắt mù thánh của ông Cửu Thầy: không cái gì qua "mắt" ông
được. Câu bé tinh nghịch muốn thử: khi điếu thuốc đã đặt y nguyên chỗ cũ
trên thành bàn cờ sơn son; bèn giấu điếu thuốc là đi xem ông ta có biết
không, nhưng vụng về không làm kịp nên phải bỏ lại, đặt ngược cái đầu có lửa
cháy quay vào trong. Ông Cửu Thầy không để ý, đưa lầm đầu có lửa vào môi, suýt
bỏng. Nhưng nụ cười của ông không vì thế mà héo rụng. Và ông đã quyết
trả thù đứa bé bằng nụ cười. "Cái mỉm cười lặng lẽ, bí mật, ghê sợ
nữa", theo thằng nhỏ ngày đêm, làm cho nó kinh hoảng không ngừng. Hôm
ấy, Cửu Thày quyết định ra tay, ông gọi thằng con ruột có lỗi lại gần. "Thằng
con chừng biết mình có lỗi, rụt rè chưa dám vâng lời ngay. Nhưng về sau như bị
đôi kính đen của cha thôi miên, nó mon men lại gần… Ông Cửu Thầy vẫn mỉm cười,
đợi. Bỗng nhanh như con bói cá, bàn tay trái ông bổ xuống nắm lấy cái đầu tóc
rối trong khi bàn tay phải tát hai cái cực mạnh trên hai má thằng con khốn
nạn".
Sự
trả thù "hàm thụ" của Cửu Thầy tàn ác và kinh rợn hơn sự trả thù trực
tiếp, vì cậu bé con quan suốt đời sẽ không bao giờ quên được hai cái tát trên
má đứa bé khốn nạn kia.
Khái
Hưng luôn luôn thay đổi bối cảnh và cách viết, nhưng ông thường chỉ nhắm vào
một đối tượng duy nhất như một vật, một đáng điệu, một thói
quen, một âm thanh… rồi chiếu vào thực thể ấy bằng sự thôi miên
xuyên suốt, cho tới khi nào nó "thua", nó phải hạ màn. Đó là kỹ thuật
truyện ngắn của Khái Hưng.
Các
nhà phê bình của ta, thường có lối nhận định đầy mặc cảm bị trị: cái gì hay
cũng học Tây, ví dụ Vũ Ngọc Phan, đọc truyện Đồng xu thấy hay, bèn khen:
Gravoche! Rồi Điếu thuốc lá, ông bảo gần bằng Cain! Cung Giũ Nguyên thấy
Hai vẻ đẹp của Nhất Linh hay, thích lắm, nhưng ông lên giọng kẻ cả, khen
rằng Nhất Linh có giọng một trăm phần trăm giống Gide, trong cuốn Nouvelle
Nourriture. Khiến Khái Hưng phải chú thích: nỗi băn khoăn ấy Nhất Linh đã
có từ bốn năm trước khi đọc Gide[19]
[ý nói từ khi Nhất Linh học trường mỹ thuật, đã có ý so sánh cái đẹp trong
tranh với đời thực khốn cùng, vì thế ông bỏ mỹ thuật] Tiêu Sơn tráng sĩ
cũng được người ta cũng khen rằng sắp theo gót Ba người ngự lâm pháo thủ!
Lối
phê bình tự hạ này rất kỳ cục, bởi ta nên biết: nền văn chương của một nước,
như văn chương quốc ngữ của chúng ta, không phải vì ra đời sau mà nó kém văn
chương Tây phương. Văn chương không phải là văn bằng, cũng không phải là cái ô
tô hay một phát minh khoa học. Tác phẩm văn chương khi ra đời nó không có bố
mẹ, mà có giá trị riêng của nó, độc nhất, không giống ai, trước sau cũng vậy.
Tôi ở Pháp đã lâu, mà nghiệm thấy mình ít có may mắn được đọc những nhà văn
Pháp viết truyện ngắn như Khái Hưng Nguyễn Huy Thiệp.
(Còn
nữa)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Nùng Chi Lan ký Tống Lương (Phong Hóa số 14, 22-9-32); Bông hoa thủy
tiên ký Tứ Ly (số 31, 24-1-33) và Cánh buồm trắng, ký Tứ Ly (số 34,
17-2-33).
[2]
Tuồng cổ tân thời đăng trên Phong Hóa, từ số 38 (17-3-33) đến số 42
(14-4-33).
[3]
Thây ma xuống gác (Phong Hóa số 27, 23-12-1932), Con châu chấu ma
(số 30, 13-1-1933) Cô Bụt (số 44, 28-4-1933), Giòng máu đứt quãng
(số 53, 30-6-1933), Cái ví da đen (số 60, 18-8-1933) Hai lần chết (số
63, 8-9-1933), Cái xác đuổi người (số 66, 29-9-1933) Bên đường Thiên
Lôi (số 70, 27-10-1933) Ngây thơ (số 103, 22-6-1934) và cũng trong
số bào này bắt đầu phóng sự Lê Ta làm báo.
[4]
Giết chồng… báo thù chồng, số 14, 22-9-32, Tiếng chó sủa, số 15,
29-9-32, Cái hoa chanh, số 16, 6-10-32, Tiếng gọi cõi âm, số 17,
13-10-32.
[5]
Con hai bố (Phong Hóa số 24, 2-12-32); Vết máu… (số 26,
16-12-32); Nước chảy đôi giòng (số 28, 30-12-32); Cô áo tím (số
29, 6-1-33); Dưới bóng hoa đào (viết chung với Khái Hưng) và Ngọc có
vết (số 31, 24-1-33), Hồn hoa và Bóng người trên sương mù (số
32, 3-2-33), Gái vùng Lim (số 33, 10-2-33), Nắng mới trong rừng xuân
(số 37, 10-3-33), Đầu đường só chợ, (số 51, 16-6-33), Tháng ngày qua
(số 52, 23-6-33), Ngày thu… (số 62, 1-9-33).
[6]
Gánh hàng hoa từ Phong Hóa số 66 (29-9-33) tới số 88 (9-3-34); Đời
mưa gió từ số 89 (16-3-34) tới số 112 (24-8-34).
[7]
Thế rồi một buổi chiều, phụ trương số 91 (30-3-34), Cô hàng nước
(Khái Hưng và Nhất Linh) số 107 (20-7-34), Nắng thu từ số 113 (31-8-34)
đến số 122 (2-11-34), Lan rừng, số 162 (15-11-35).
[8]
Nghèo, Ngày Nay số 17 (19-7-36) Hai buổi chiều vàng (Ngày
Nay số 19, 2-8-36), số 20, 9-8-36, số 21, 16-8-36 và số 22, 23-8-36, Tối
tăm, số 23, (30-8-36), Chết dở, số 24 (6-9-36), Hai
chị em, số 34 (15-11-36), Vết thương, số 35 (22-11-36), Con
đường quê, số 138 (20-11-38).
[9]
Kong-Ko Đai-Jin ký Trần Khánh Giư (Phong Hóa số 14, 22-9-1932); Đi
Nam Kỳ ký T.K.G và Cái thù ba mươi năm ký T.Khái Hưng (Phong Hóa số
15, 29-9-1932); Sóng gió Đồ Sơn ký T. Khái Hưng (số 16, 6-10-1932); Cái
thống đời Tống ký T. Khái Hưng ( số 17, 13-10-1932); Tình tuyệt vọng
trong có bài thơ Tình Tuyệt Vọng (dịch thơ Arvers) (số 18, 20-10-1932); Ada
Kwaben (Phong Hóa số 19, 27-10-1932); Lãng mạn ký Trần Khái Hưng, số
21 (11-11-1932); Bạn…! Chỉ là bạn!… (số 23,25-11-1932); Dưới bóng hoa
đào của Khái Hưng và Bảo Sơn (số 31, 24-1-1933); Lên sĩ xuống sĩ (số
33, 10-2-1933); Hai linh hồn, số 35, 24-2-1933); Bên giòng sông Hương
(số 40, 31-3-1933); Ý Lan (số 41, 7-4-1933); Véo von tiếng địch
(số 42, 14-4-1933); Nghiã cái cười (số 43, 21- 4- 1933); Anh phải
sống (số 45, 5-5-1933); Hai cái áo quan (số 46, 12-5-1933). Tình
điên (số 48, 26-5-1933) và số 49 (2-6-1933); Con lợn lài (số 50,
9-6-1933); Hất báo số 56, 21-7-1933) số 57, 28-7-1933) và số 58,
4-8-1933); Lời thề (số 64, 15-9-1933); Giọc đường gió bụi
(số 65, 22-9-1933); Yêu (số 77, 15-12-1933); Con số 08430 (số 78,
22-12-1933; Ai đẹp (số 79, 29-12-1933); Bên đường dừng bước (số
85, 11-2-1934); Tình lưu luyến (số 96, 4-5-1934); Hoàng Oanh (số
97, 11-5-1934); Yên lặng (số 106, 13-7-1934); Cô hàng nước của
Khái Hưng và Nhất Linh (số 107, 20-7-1934); Gói bạc rơi (số 120,
19-10-1934); Một tập thư, (số 121, 26-10-1934); Chúa Thao (số
122, 2-11-34). Con Mán (số 125, 23-11-34), Hương gây mùi nhớ (số
127, 7-12-34), Một nhà thông thái (số 128, 14-12-34), Cái đồng hồ đeo
tay (số 133, 18-1-35), Linh hồn thi sĩ, và Công Tằng Tôn Nữ Thị
Kim Dung (số 134, số Xuân, 30-1-35), Một nhà hiền triết (số 139,
8-3-35), Bắt trộm (số142, 29-3-35), Giặc bể (số 144, 12-4-35), Con
chim vành khuyên (số 154, 20-9-35), Tiệc tranh (số 158 (18-10-35), Không
BẢ..A..Án (số 159, 25-10-35), Trăng suông (số 161, 8-11-35), Tình
yêu thứ nhất của Khái Hưng và P.N.Thọ (số 164, 29-11-35), Cầm vườn
(168, 27-12-35), Cái áo đan, Lá rụng, Hoa thuỷ tiên, Hoa anh
đào, Ngày xuân lễ chùa, Trong rừng mai (số 171, Xuân
21-1-36), Chén trà mạn sen (số 174, 14-2-36), Ô Quy Hồ (số 175,
21-2-36), Trúng số và Bãi sậy vườn cam (số 176, 28-2-36), Biến
đổi (số 177, 6-3-36), Cháu Tạ (số 178, 13-3-36), Vú Kim (số
181, 3-4-36), Trong nhà thương (số 185, 1-5- 36), Hai cảnh trụy lạc (số
187, 15-5-36), Có đi có lại (số 188, 22-5-36), Thưa chị, (số 189,
29-5-36), Cái máy ảnh ( số 190, 5-6-36).
[10]
Ba Ếch Vô Huế, ký Khái Hưng (số 41,7-4-33); Một đám ma,
ký Nhị Linh số 46 (12-5-33); Quýt ngọt, ruốc ngon, ký Khái
Hưng (số 49, 2-6-33); Gật, gật hoài ký Khái Hưng, số 50 (9-6-33);
Hảo hớn ký Nhị Linh, số 52 (23-6-33); những chuyện sau đây ký
Khái Hưng: Võ Thái Hà, số 53 (30-6-33); Để của bí mật, số
54 (7-7-33); Yêu đời, số 73 (17-11-33); Đãng trí, số 89
(16-3-34); Cai thuốc phiện, số 91 (30-3-34); Những bóng người trên
bãi biển, truyện phóng sự của Nhị Linh, số 109 (3-10-34); Ông cứ giã cho
nó! ký Khái Hưng, số 118 (5-10-34). Chụp gà hóa cáo số 124
(16-11-34) Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu (số 125, 23-11-34), Liều thuốc độc
(số 129, 21-12-34) Mãn đình hồng của Nhị Linh (số 130, 28-12-34), Ăn
miếng trả miếng (số 131, 4-1-35), Bảng công ty (số 152, 6-9-35), Chơi
ô tô ( số 160, 1-11-35), Tờ giấy bạc (số 161, 8-11-35, Bàn việc
làng (số 165, 6-12-35, Cờ quạng ( số 182, 10-4-36) Bảo hiểm
(số 184, 24-4-36).
[11]
Kiêng1 (Phong Hóa số 31, 24-1-33) ký Khái Hưng; Tôi là Khái Hưng
(số 39, 24-3-33); Ghen, số 46 (12-5-33) ký Nhị Linh; Những vở kịch ký
Khái Hưng: Nửa cái thỏ bò, số 51 (16-6-33), Ông Đồng Phương, số 81
(12-1-34); Kiêng 2, số 85 (11-2-34); Tục lụy; số 88 (9-3-34), 89
(16-3-34) và 90 (23-3-34); Con mèo, số 115 (14-9-34); Chữ nho, số
116 (21-9-34); Bói Kiều, số 119 (12-10-34); Không hề gì mà, số
120 (19-10-34), Kiêng (số 134, số Xuân, 30-1-35), Ở hiền gặp
lành (số 172, Xuân II, 31-1-36), Quần tiên tụ hội, (số 185, 1-5-36),
Kịch không người (số 190, 5-6-36).
[12]
Đợi chờ, Ngày Nay số 17, 19-7-36), Bến đò năm xưa (số 21,
16-8-36), Phong lan và Nước hoa phong thổ (số 22, 23-8-36), Cái
ve (số 23, 30-8-36), số 24, 6-9-36), số 25, 13-9-36) và số 26,
20-9-36), Lòng tốt (số 26, 20-9-36), Linh Hồn (số 28, 4-10-36),
Trăng thu (số 29, 11-10-36), Người vợ mù (số 31, 25-10-36), Dưới
ánh trăng (viết chung với Trần Tiêu) (số 32, 1-11-36), số 33, 8-11-36) số
34, 15-11-36) và số 35, 22-11-36), Nhà phê bình (số 39,
20-12-36), Đồng xu, (số 41, 3-1-37), Đêm giao thừa, (số
46, 7-1-37), Cô áo trắng (số 51, 14-3-37), Vui tính (số
53, 4-4-37), Hội kín (số 58, 9-5-37), Tống tiền (số 59, 16-5-37),
Nguồn thơ và Ngày giỗ (60, 23-5-37), Bến Hòn Gay (số
63, 13-6-37), Cháu nhà quan (số 64, 20-6-37), Sung sướng (số 65,
(27-6-37), Cô dâu (số 66, 4-7-37), số 67, 11-7-37) và số 68, 18-7-37),
Cây tre trăm đốt (số 70, 1-8-37), Vợ cóc, truyện cổ tích (số
71, 8-8-37), Ai mua hành tôi, truyện cổ tích (số 72, 15-8-37), Mười
năm yêu dấu (số 76, 12-9-37), Người hầu sáng (số 86, 21-11-37), Sếnh
Sáng (số 88, 5-12-37), Một quan niệm về văn chương (Tựa Gió đầu mùa)
và Đào Mơ (số 89, 12-12-37), Tập ảnh (số 96, 30-1-38), Thời
xưa, (số 103, 27-3-38), Chùa Hương (số 109, 8-5-38), Xanh cà bung
(số 110, 15-5-38), TVBAVOKVVEAV tức Tiếng khèn (số 112, 29-5-38),
Điếu thuốc lá, (số 114, 2-6-38), Lưu Bình Dương Lễ (số 125,
28-8-38) số 126, 4-9-38) số 127, 11-9-38) và 129, 24-9-38), Một buổi
chầu (số 146, 21-1-39), Hai người tàn tật (số 147, 28-1-39), Khó
hiểu (số 148, 4-2-39), Chàng thi nhân (số 149, 15-2-39), Gán vợ (số
151, 4-3-39), Tình địch (số 154, 25-3-39), Tế thành hoàng, (số
156, 8-4-39), Cái duyên của Tản Đà (số 166, 17-6-39), Vài
truyện vui về thi sĩ Tản Đà (số 167, 24-6-39), Ông Đồng (số 172,
29-7-39), Thời chưa cưới, (số 173, 5-8-39), Tương tri, (số 175,
19-8-39), Hai người bạn (số 181, 30-9-39), Sư Tuệ, (số 182,
7-10-39), Hai con mắt (số 205, 30-3-40), Biển, (số 209, 25-5-40),
Ái tình, (số 216, 13-7-40), Nghiện, (số 218, 2-7-40).
[13]
Chết và Cờ điên thoại (Ngày Nay số 16, 12-7-36), Cậu Cả
(19, 2-8-36), Tiền (số 20, 9-8-36), Người chồng (số 36, 29-11-36),
số 37 (6-12-36) và số 38 (13-12-36), Kiêng V (số 46, 7-1-37), Đồng
bệnh (số 80, 10-10-37), số 83, 31-10-37, số 84, 7-9-37) số 85,14-11-37), Chén
trà đầu năm (số 96, 30-1-38), Không đèn (số 153, 13-3-39), Khúc
nghê thường (số 198, 3-2-40, số 200, 24-2-40).
[14]
Hổ (Ngày Nay số 145, 14-1-39), Thâm nho (số 151, 4-3-39), Trả
thù (số 159, 20-4-39), Thoát (số 161, 13-5-39), Bà chủ nhà của
tôi (số 164, 3-6-39), Bá cáo việc riêng (số 202, 9-3-40), Cách
cho (số 203, 16-3-40), Chợ trời (số 204, 23-3-40) Đi ra thôi
(số 206, 6-4-40) Cây "Thần tiên" (số 215, 6-7-40) Người bán
dầu (số 217, 20-7-40), Lỡ quá ga (số 218, 27-7-40), Nghỉ mát
(số 221, 17-8-40), số 222, 24-8-40) và số 223, 31-8-40).
[15]
Mưa của Somerset Maugham, Khái Hưng dịch Ngày Nay số 43,
17-1-37, số 44 (24-1-37), số 45 (31-1-37), số 46 (7-1-37), số 48 (28-2-37) và
số 49 (7-3-37), Cô gái thành Arles của A. Daudet, Khái Hưng dịch (số 50,
14-3-37), Bệnh viện của Somerset Maugham, Khái Hưng dịch,
số 167 (24-6-39) số 168 (1-7-39), 169 (8-7-39) và 170 (15-7-39); theo bản
chũ Pháp của bà ER Blanchet, Trà đạo của Okakuza Kakuzo, Khái Hưng dịch
theo bản chữ Pháp của Gabriel Mourey (số 209, 25-5-40), Ý nghiã nghệ thuật,
của Okakuza Kakuzo (Trà thư), Khái Hưng dịch, số 210 (1-6-40), Hoa của
Okakuza Kakuzo (Trà Biên), Khái Hưng dịch (Ngày Nay số 212 (15-6-40), Hoa,
của Okakuza Kakuzo (Trà Biên), Khái Hưng trích dịch (Ngày Nay số 213 (22-6-40),
Các trà sư của Okakuza Kakuzo (Trà Biên), Khái Hưng trích dịch (Ngày Nay
số 214 (29-6-40)
[16]
Tiền hồ là tiền trả cho nhà chứa bạc.
[17]
linh là lẻ, có nghiã là trên dưới trăm bạc.
[18]
xà tích: dây bạc để đeo thià khoá.
[19]
Cung Giũ Nguyên, Les Cahierrs de la Jeunesse số 4 Décembre 1936, in lại trong
Ngày Nay số 52).
Nguồn: Văn Việt